Phong trào bất tuân dân sự của Myanmar có thể khôi phục nền dân chủ không?
Nicola Williams, ANU | DCVOnline
Cuối cùng, người dân Myanmar phải lựa chọn số phận và hệ thống chính phủ của họ sao cho hợp pháp. Một thời gian dài trở lại chế độ quân phiệt hoặc một chính phủ bất hợp pháp sẽ chỉ kéo dài thêm đau khổ và bất ổn.
Kể từ cuộc đảo chính của Myanmar vào ngày 1 tháng 2, Tổng tư lệnh của Tatmadaw (quân đội), Min Aung Hlaing, đã làm việc để cải thiện cục diện chính trị của Myanmar bằng cách loại bỏ Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (NLD), giam giữ lãnh đạo của đảng này và cài đặt một chính quyền quân sự. Nhưng như vậu vẫn không bảo đảm được sự thành công của cuộc đảo chính do chính quyền quân đội không kiểm soát được các bộ phận của bộ máy nhà nước, dân chúng và nền kinh tế đang phát triển.
Phong trào bất tuân dân sự đang lan rộng khắp các bộ chính yếu. Nhân viên của Ngân hàng Trung ương Myanmar và các ngân hàng thương mại đang đình công và việc hạn chế khác hàng rút tiền cho thấy một cuộc khủng hoảng thanh khoản đang rình rập. Ngoại thương bị đóng băng với xuất cảng giảm 90%. Các chuyên gia y tế đang đình công và hai phần ba bệnh viện của Myanmar không hoạt động bình thường trong thời kỳ đại dịch. Một số cảnh sát đã tham gia các cuộc biểu tình, từ chối làm công việc bẩn thỉu của quân đội.
Một loạt các cuộc biểu tình đã lan rộng khắp đất nước, với thế hệ thanh niên am hiểu kỹ thuật của Myanmar đang chứng tỏ là một lực lượng huy động sáng tạo mà những ông tướng già chưa từng phải đối phó trước đây. Khi Min Aung Hlaing mặc áo giáp trong những chuyến đi ra ngoài hiếm hoi và sử dụng phương tiện truyền thông nhà nước để lên án phong trào bất tuân dân sự và những người biểu tình, bộ máy tuyên truyền của chính quân đội cho thấy cuộc kháng chiến đang có tác động. Liệu quân đội có thể duy trì sự đoàn kết nội bộ khi đối diện với nhiều cuộc khủng hoảng hay không? Dựa trên kết quả bầu cử năm 2020, thậm chí có thể có những dấu hiệu ủng hộ NLD trong quân đội.
Một số kịch bản có thể xảy ra với các yếu tố tạo điều kiện khác nhau, đặc biệt là quyết tâm tuyệt đối của người dân Myanmar đối với nền dân chủ.
Một kịch bản là quay trở lại chế độ quân sự tuyệt đối. Chính quyền sẽ sử dụng các cuộc khủng hoảng, bạo lực và cưỡng bức để xóa bỏ bất kỳ những gì có vẻ như là có trật tự xã hội, và sau đó đưa ra phép lưỡng phân sai lầm đối với người dân: hoặc là tình trạng vô chính phủ hay một chế độ độc tài. Việc trì hoãn tổ chức bầu cử trong vài năm sẽ được biện minh bằng chiêu bài khôi phục sự ổn định.
Kịch bản thứ hai đi theo con đường do Min Aung Hlaing đặt ra: tổ chức bầu cử trong vòng một năm và thiết lập lại một quốc hội dân bầu một nửa. Đến nay, quân đội có thể đã nhận ra rằng hệ thống chính trị mà họ thiết lập theo Hiến pháp không bảo đảm được chiến thắng chính trị cho họ. Đảng Phát triển Đoàn kết Liên minh (USDP) do quân đội hậu thuẫn đã không thể đạt đủ số ghế để đông hơn NLD, ngay cả khi có lợi thế 1/4 số ghế quốc hội đã giao cho quân đội.
Chính quyền có thể cố gắng thiết lập lại hệ thống bầu cử từ trước, đại diện theo tỷ lệ, coi đây là cơ hội để các đảng phái chính trị và sắc tộc khác giành được nhiều ghế hơn trong một cuộc bầu cử mới. Một cuộc bầu cử giả sau đó có thể diễn ra với việc NLD bị xóa khỏi bản đồ bầu cử.
Mặc dù các nước ASEAN ban đầu dường như muốn theo khuynh hướng này, nhưng nó không cung cấp một lộ trình để giảm leo thang phản kháng. Một cuộc bầu cử do quân đội điều hành và gian lận sẽ không chuyển được tính hợp pháp bầu cử mà các cử tri đã trao cho các dân biểu đắc cử năm 2020, một số người trong số đó đã thành lập Ủy ban Đại diện cho Nghị viện Liên minh đối lập với chính quyền quân đội.
Trong kịch bản thứ ba, cuộc đảo chính không rõ ràng là thất bại hay thành công, tạo ra một cuộc khủng hoảng kéo dài. Trong hơn 70 năm, quân đội Myanmar đã không thể chiến thắng trong một số cuộc xung đột vũ trang bất đối xứng nội bộ. Cuộc chiến giành quyền kiểm soát của nhà nước sẽ trở thành một chiến tuyến khác của những cuộc khủng hoảng kéo dài trong đó việc sử dụng bạo lực do nhà nước hậu thuẫn sẽ tạo ra thêm sự phản kháng và hỗ trợ mới cho phong trào bất tuân dân sự.
Một cuộc khủng hoảng kéo dài cũng có thể thành hiện thực nếu có sự tái tổ chức đáng kể về quyền lực trong quân đội dẫn đến những cuộc tranh giành không lường trước được. Những bế tắc tiềm tàng do các khối quân sự và dân sự không công nhận lẫn nhau để đàm phán, như kêu gọi của một số nước ASEAN, cũng có thể kéo dài tình trạng bất ổn.
Trong kịch bản thứ tư, cuộc đảo chính thất bại và có sự trở lại của chính phủ hybrid theo hiến pháp năm 2008, với các thành viên NLD được trả tự do và kết quả bầu cử năm 2020 được tôn vinh, như được Liên Hiệp Quốc và cộng đồng quốc tế kêu gọi. Để cuộc đảo chính thất bại, phong trào bất tuân dân sự sẽ cần duy trì sự ủng hộ của dân chúng và tài chính, đồng thời tiếp tục gây tác động đến sự kiểm soát của quân đội đối với nền kinh tế và hành chính. Kịch bản này xoay quanh việc làm sự ủng hộ dành cho sự lãnh đạo của Min Aung Hlaing suy yếu khi nhiều cuộc khủng hoảng ập đến với các gia đình và doanh nghiệp quân nhân hiện dịch.
Nhưng kịch bản bốn khó xảy ra với Min Aung Hlaing ở vị trí lãnh đạo quân đội. Nó cũng sẽ yêu cầu các nước phương Tây ngừng bình thường hóa quan hệ với chính quyền và các nước ASEAN theo đuổi các cuộc đàm phán giữa khối chính phủ được bầu và quân đội, không chỉ với các viên chức do quân đội chỉ định.
Trong kịch bản sau cùng, cuộc đảo chánh thất bại và chính quyền dân sự lãnh đạo một cuộc chuyển đổi. Nhiều nhóm và người trong khối phản kháng đang kêu gọi có một xắp xếp hệ thống chính trị lại với việc loại bỏ quân đội ra khỏi sinh hoạt chính trị và hiến pháp năm 2008 do quân đội soạn thảo. Thay vì chỉ ủng hộ NLD hay Aung San Suu Kyi, nhiều người ở Myanmar đang tuần hành cho chủ nghĩa liên bang dân chủ — một hệ thống mà các dân tộc thiểu số đã phấn đấu kể từ năm 1947.
Để kịch bản này có thể thực hiện được, có thể cần phải có một cuộc phản đảo chính trong quân đội để đưa ra một ban lãnh đạo mới sẵn sàng làm việc dưới quyền của chính phủ dân sự — một thử thách lớn. Các dân biểu được bầu sẽ đảm nhận vị trí của họ và một ủy ban lập hiến có thể được thành lập, gồm các nhóm vũ trang, xã hội dân sự và các đảng chính trị sắc tộc, để soạn thảo hiến pháp mới. Mặc dù Nepal cũng có thể là một ví dụ về tiến trình chuyển đổi thành liên bang sau nội chiến và phong trào của quần chúng, tiến trình này rất phức tạp và có nhiều thách thức.
Cuối cùng, người dân Myanmar phải lựa chọn số phận và hệ thống chính phủ của họ sao cho hợp pháp. Một thời gian dài trở lại chế độ quân phiệt hoặc một chính phủ bất hợp pháp sẽ chỉ kéo dài thêm đau khổ và bất ổn.
Tác giả | Nicola S Williams là ứng viên Tiến sĩ tại Trường Chính sách Công Crawford, Đại học Quốc gia Úc.
© 2021 DCVOnline
Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net”
Nguồn: Can Myanmar’s civil disobedience movement restore democracy? | Nicola Williams, ANU | East Asia Forum — Economics, Politics and Public Policy in East Asia and the Pacific | Mar. 17, 2021.