Ocean Vuong: Thơ và Con người
Trần Giao Thủy
Ocean Vuong, tên khai sinh là Vương Quốc Vinh, sinh năm 1988 tại tại Sài Gòn, Việt Nam, lớn lên ở Hartford, Connecticut, hiện đang sống tại Northampton, Massachusetts, Hoa Kỳ.
Ông ngoại của Vuong là một thủy thủ người Mỹ yêu và cưới một thôn nữ Việt Nam. Ông bà sinh được ba cô con gái. Nhưng rồi Sài Gòn thất thủ ngay lúc ông ngoại Vuong đang thăm gia đình ở Mỹ không thể quay về Việt Nam với vợ và con. Thế là tan nhà nát cửa.
Những đứa con hai dòng máu
Mẹ và dì của Vuong cũng như nhiều người khác, là những đứa trẻ hai dòng máu Việt-Mỹ. Họ lớn lên như phế phẩm sau một cuộc chiến tranh thế giới mà không màng đến hay lên án; họ là người Mỹ và cũng là người Việt Nam nhưng ngay sau khi cuộc chiến chấm dứt, cả hai quốc gia dường như không màng đến họ. Hầu hết, họ chưa bao giờ biết cha là ai. Nhiều đứa trẻ đã bị mẹ bỏ rơi trước cổng trại trẻ mồ côi. Mẹ của Vuong là một người như thế. Bà ngoại sợ mang “tội” hợp tác với đế quốc nên đem ba con gái đến ba viện nuôi trẻ mồ côi. Dù vậy, con bà vẫn còn may mắn hơn một số trẻ khác đã bị bỏ vào thùng rác.
Đến trường, nếu may mắn được đi học, thì bị bạn bè chế nhạo hất hủi, dè bỉu vì những nét đặc thù khiến họ mang diện mạo của kẻ thù, của bọn giặc Mỹ — đôi mắt xanh tròn và làn da sáng, hoặc làn da ngăm đen và mái tóc xoăn chặt nếu bố là người Mỹ gốc châu Phi. Thân phận của họ như đã được định sẵn. Họ sẽ trở thành những đứa trẻ bơ vơ, vất vưởng bên lề cuộc sống, đi ăn xin, sống trên đường phố, trong công viên ở các thành phố của miền Nam Việt Nam. Họ sống, thực ra là vẫn tồn tại được nhờ một ước mơ duy nhất: đi Mỹ tìm cha[1].
Nhưng cả Mỹ và Việt Nam đều không muốn xem họ là những người con hai dòng máu, là con lai, là Mỹ lai (hay là người Mỹ gốc châu Á) và họ thường bị người Việt Nam coi là “những đứa trẻ bụi đời” – không đáng kể, như một hạt bụi đang bị quét bay đi. Theo James Reston[2] số trẻ con lai Mỹ lên đến khoảng 100.000 người.
Trong một tuyên bố năm 1970, Bộ Quốc phòng Mỹ đã cho biết,
“Việc chăm sóc và phúc lợi cho những đứa trẻ bất hạnh này … chưa bao giờ và cũng như bây giờ vẫn không được coi là một lĩnh vực trách nhiệm của chính phủ, cũng không phải là nhiệm vụ thích hợp để Bộ Quốc phòng đảm nhận.”
Bộ Quốc phòng Mỹ, 1970
Sự vô tâm tàn nhẫn đến từ cả hai phía trong cuộc chiến. John Shade[3] trong một bài viết cho Viện Pearl Buck năm 1980, nói năm 1979, Bộ trưởng Ngoại giao của Việt Nam lúc đó là Nguyễn Duy Trinh nói với ông,
“Chúng tôi không muốn những đứa con lai ở Việt. Chúng là của ông nếu ông muốn.”
Nguyễn Duy Trinh, 1979
Năm 1980, Giám đốc An sinh Xã hội thành phố Hồ Chí Minh nói:
Khi trưởng thành, một số người con lai đã nói rằng họ cảm thấy số mệnh họ đã đen đủi, bị trù dập ngay từ đầu. Vào đầu tháng 4 năm 1975, trước khi Sài Gòn rơi vào tay quân Cộng sản miền Bắc và có tin đồn những người miền Nam hợp tác với Hoa Kỳ có thể bị thảm sát, Tổng thống Gerald Ford đã công bố kế hoạch di tản khoảng 3.300 trẻ mồ côi, nhiều trẻ trong số đó là con lai từ ngày 3 đến 26 tháng 4, 1975. Chuyến bay đầu tiên trong Chiến dịch Babylift rơi tại cánh đồng ở ngoại ô Sài Gòn, 144 người thiệt mạng, đa số là trẻ em.
Đó là hành động nhất thời của chính phủ Mỹ ngay khi chiến tranh chấm dứt đối với những trẻ con lai.
Nhìn lại quá khứ, tổng thống John F. Kennedy, trong bài phát biểu nhậm chức năm 1961, khi Mỹ bắt đầu đi sâu hơn vào chiến tranh Việt Nam, và Tổng thống Nixon trong bài phát biểu tại lễ nhậm chức lần thứ hai, ở giai đoạn cuối của cuộc đàm phán ngừng bắn cho thấy rõ sự thay đổi tâm trạng và cam kết của người Mỹ.
“Hãy cho mọi quốc gia biết, cho dù họ chúc lành hay cầu họa cho Mỹ, rằng chúng ta sẽ trả bất kỳ giá nào, nhận bất kỳ gánh nặng nào, đối phó với bất kỳ khó khăn nào, hỗ trợ bất kỳ người bạn nào, chống lại bất kỳ kẻ thù nào để bảo đảm sự tồn tại và thành công của tự do. Chúng ta cam kết như vậy — và hơn thế nữa.”
John F. Kennedy, January 20, 1961
“Chúng ta sẽ đóng góp vào việc bảo vệ hòa bình và tự do trên thế giới. Nhưng chúng ta sẽ mong đợi những người khác làm phần của họ. Đã qua thời mà Mỹ sẽ biến mọi cuộc xung đột của các quốc gia khác trở thành của chúng ta, hoặc coi tương lai của mọi quốc gia khác là trách nhiệm của chúng ta, hoặc đánh bạo nói với các quốc gia khác phải giải quyết việc của họ ra sao.”
Richard Nixon, January 20, 1973
Dù là giọng của sen đầm thế giới giữa thế kỷ 20 như Kennedy năm 1961, hay một cách khiêm tốn và cẩn thận hơn của Nixon năm 1973, Mỹ đã cho thế giới thấy là họ đã không làm được gì để “bảo đảm cho hòa bình và tự do” tại miền Nam Việt Nam hay và dĩ nhiên cũng không chứng tỏ là người Mỹ quan tâm đủ đến những đứa con hai dòng máu ngay khi Sài Gòn sụp đổ.
1982, bẩy năm sau ngày Sài Gòn sụp đổ, quốc hội Mỹ thông qua đạo luật “Amerasian Immigration Act (PL 97-359)”. Luật này ưu tiên cho trẻ em ở Nam Hàn, Lào, Campuchia, Việt Nam và Thái Lan có cha là công dân Hoa Kỳ di cư sang Mỹ. Tuy nhiên, nó không quy định việc nhập cư cho những người mẹ hoặc anh chị em cùng cha khác mẹ, mà chỉ dành riêng cho trẻ em lai. Họ sẽ phải phối hợp với những người cha người Mỹ để có được chiếu khán. Vấn đề này trở thành một một thách thức lớn cho nhiều người con lai vì một số ông bố không biết họ có con hoặc những người cha có thể không muốn nhận con. Nếu những đứa trẻ lai Mỹ không có giấy tờ tùy thân của người cha Mỹ, thì họ có thể được một nhóm bác sĩ xét các đặc điểm ngoại hình của người “Mỹ”. Ngoài ra, do chính phủ Hoa Kỳ và Việt Nam không có quan hệ ngoại giao nên sắc luật đó không thể áp dụng đối với trẻ em lai Việt Nam. Vì thế, Đạo luật Di trú Con lai đã không giúp được gì nhiều đối với trẻ em lai ở châu Á và còn ít hơn nữa đối với trẻ em lai Việt Nam.
Mười hai năm sau khi Việt Nam không còn tiếng súng, ngày 6 tháng 8 năm 1987, Dân biểu Robert J. Mrazek [D-NY-3] trình Dự luật Con lai Hồi hương (H.R. 3171). Dự luật của Mrazek được 204 dân biểu khác đồng bảo trợ (154 Dân biểu Dân chủ, 49 Dân biểu Cộng hòa và 1 Dân biểu Độc lập). Năm 1988, Quốc hội Hoa Kỳ thông qua Đạo luật Con lai Hồi hương (PL 100-200). Luật có hiệu lực vào ngày 21 tháng 3 năm 1988 và cho phép những người con lai Việt Nam sinh từ ngày 1 tháng 1 năm 1962 đến hết ngày 1 tháng 1 năm 1976, được nộp đơn xin chiếu khán nhập cảnh cho đến ngày 21 tháng 3 năm 1990. Ngoài ra, đạo luật này đã xóa bỏ hạn ngạch nhập cư và giảm bớt các rào cản pháp lý đối với việc nhập cư của những người con lai Việt Nam. Đây là luật liên bang đầu tiên của Mỹ đã nới lỏng việc di cư của những đứa trẻ lai Mỹ sinh ra trong Chiến tranh Việt Nam – hầu hết là con của những ông bố người Mỹ và bà mẹ Việt Nam. Đến năm 2009, khoảng 25.000 trẻ em lai Việt Nam và 60.000 đến 70.000 người thân của họ đã di cư đến Hoa Kỳ theo luật này.
Vận mệnh oái oăm. Trước khi có Đạo luật Con lai Hồi hương, Họ bị đồng bào xem là “bụi đời” hay “rác rưởi” cần quét đi cho khuất mắt. Sau khi Đạo Luật đó ra đời những người con lai bỗng dưng trở thành “những đứa trẻ vàng” vì không chỉ chính họ, những người con lai có thể hồi hương “về Mỹ” mà cả gia đình của họ – vợ, chồng, con và mẹ và những anh chị em khác cha của họ – cũng được chiếu khán nhập cảnh Hoa Kỳ[4].
Mẹ và hai dì của Vuong không nằm trong số những đứa trẻ mồ côi thoát khỏi Việt nam trong chiến dịch Babylift năm 1975. Họ chỉ đoàn tụ với mẹ khi đã trưởng thành và cả gia đình đã tìm cách thoát khỏi Việt Nam khi mẹ của Vuong không được phép làm việc vì là người mang hai dòng máu. Vuong trở thành một người tị nạn ở Philippines khi mới hai tuổi đời (1990).
Bìa tập thơ đầu tiên của Ocean Vuong, Night Sky With Exit Wounds, mà Hoàng Hưng dịch là Trời Đêm Những Vết Thương Xuyên Thấu là tấm ảnh một cậu bé ngồi trên băng ghế giữa hai thiếu nữ trong bộ y phục mùa hè. Vẻ tao nhã của tấm hình dễ làm người xem nhầm lẫn. Đó là tấm hình mà cả nhà đã phải nhín miếng ăn để được chụp hình. Vuong nói, “gia đình tôi đã phải trả ba lon gạo mới có được tấm hình đó.”[5]
Bố Vuong đã bỏ vợ con đi biền biệt khi gia đình vừa đoàn tụ trên đất Mỹ. Người thiếu phụ thợ uốn tóc ở Việt Nam, mới quá tuổi đôi mươi đã đi làm móng tay móng chân, bươn chải ở Mỹ để nuôi con nhỏ. Trong những lần trả lời phỏng vấn, Vuong nói người thân của ông “không được ăn học nhiều” vì hoàn cảnh chiến tranh[6]. Mẹ của Vuong chỉ biết đúng ba mẫu tự A, B, C. Nhưng chỉ như thế đã đủ là nguồn cảm hứng để thi sĩ viết thành bài thơ “The Gift”[7],
“a b c a b c a b c
She doesn’t know what come after
So we begin again
a b c a b c a b c
But I can see the fourth letter:
a strand of black hair – unraveled
from the alphabet
& written
on her cheek. […]”
Và cứ thế Ocean Vuong đã trút hết tâm tình vào tập thơ Night Sky With Exit Wounds.
Tập thơ dài đầu tiên của tác giả đi thẳng vào những chủ đề “lớn” của muôn đời và muôn người – lãng mạn, gia đình, ký ức, đau buồn, chiến tranh và u sầu. Như một người sáng tác chuyện thần thoại Ocean Vuong nhất định muốn người đọc nghe và thấy tất cả qua những mẩu chuyện khác nhau, từ cái chết của cha Telemachus, trong truyện thần thoại của Homer, đến sự sụp đổ của Sài Gòn và cả chuyện thủ dâm bình thường trong cõi đời ô trọc[8]. Tất cả những cảm xúc đó vẫn không áp đảo được tinh thần của tác giả hoặc những bài thơ của ông bằng tiếng thì thào và nhịp điệu, hình ảnh, ngôn từ – đôi khi rất xù xì – cùng niềm đam mê không hối tiếc, tác giả đã cho thấy một bàn tay đặt nhẹ trên lồng ngực có thể xoa dịu những cơn đói cắt gan xé ruột[9]. Tập thơ bìa mềm, gỏn gọn trong 89 trang do Copper Canyon Press xuất bản năm 2016 một lần nữa xác định vị trí vững chắc của Ocean Vuong trên thi đàn nước Mỹ. Với tập Night Sky With Exit Wounds tác giả đã đoạt giải Withing năm 2016 về thơ cùng với những thi sĩ LaTasha N. Nevada Diggs, Layli Long Soldier, và Safiya Sinclair.
Và vẫn với Night Sky With Exit Wounds (Jonathan Cape, London), Ocean Vuong đã được Giải Forward – loại tập thơ đầu tiên (first collection) – và giải T.S. Elliot – thơ viết bằng Anh ngữ xuất bản lần đầu tiên ở Anh hoặc Ái Nhĩ Lan – năm 2017.
Ocean Vuong cũng được Giải Felix Dennis cho tập thơ đầu tiên hay nhất, Giải Thom Gunn cho Thơ Đồng tính. Ngoài ra tác giả còn được một số học bổng hoặc tài trợ của Học viện Thi sĩ Hoa Kỳ, và những Viện Văn học Nghệ thuật Hoa Kỳ khác như Civitella Ranieri, Elizabeth George, Lannan và Poetry.
Thơ của của Ocean Vuong đã được đăng trên nhiều nhật báo và tạp chí như Atlantic, Granta, Harper’s, the Nation; the New Republic, the New York Times, the New Yorker, the Paris Review, the Village Voice.
Tạp chí Điểm Thơ Hoa Kỳ và American Poetry Review đã trao cho tác giả Giải Tưởng niệm Stanley Kunitz. Được tạp chí Foreign Policy bình chọn là một trong 100 tư tưởng gia toàn cầu hàng đầu của năm 2016, Vuong cũng được BuzzFeed ghi tên vào danh sách 32 nhà văn người Mỹ gốc châu Á thiết yếu và đã được giới thiệu trên đài truyền thanh Quốc gia trong chương trình NPR’s All Things Considered. Ocean Vuong đã trả lời phỏng vấn với the New Yorker, PBS NewsHour, Poets & Writers, và Teen Vogue[10].
Ocean Vuong cũng được sánh với nhà thơ nổi tiếng nhất nước Mỹ, Emily Dickinson.
Thơ của Ocean Vuong
Thứ nhất chắc chắn đây không phải là một bài điểm sách hay phê bình thơ tiếng Anh, nói chung, hay thơ của Ocean Vuong, nói riêng.
Phê bình thơ, lại là thơ tiếng Anh, nằm ngoài tầm với của một người chỉ biết thơ của Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ, Bà Huyện Thanh Quan, Vũ Hoàng Chương, Quang Dũng, Nguyên Sa, Phạm Thiên Thư, Mường Mán, Nguyễn Tất Nhiên, v.v. và chỉ thấy đâu đó trên kệ sách tập thơ Beaudelaire, Verlaine của người trong nhà. Những Edgar Allan Poe, William Shakespeare chỉ là những cái tên biết được khi có người bạn nhờ tóm lược cuốn Anthology ở đại học. Tiếu lâm! Một người chỉ biết Shakepeare qua câu “To be, or not to be, that is the question” thì làm sao có thể tóm lược với phê bình.
Đó là công việc của giới Phê bình Văn học và Nghệ thuật ở Mỹ và trên thế giới.
Thứ hai, những câu thơ được trích dẫn trong bài sẽ được để ở nguyên văn tiếng Anh, không dịch. Thơ của một người tị nạn Mỹ gốc Việt Nam, cả đời lớn lên ở Mỹ; và như tác giả nói trong nhiều lần trả lời phỏng vấn, ông muốn dùng nó như những nhịp cầu để cho người Mỹ và thế giới hiểu về cộng đồng người tị nạn Việt Nam tán cư khắp nơi trên thế giới. Như thế, đối tượng chính của thi nhân là người yêu thơ biết tiếng Anh, cảm thông với văn hóa Mỹ và hiểu văn học Anh ngữ.
Với người viết, dịch thơ của Ocean Vuong chẳng khác dịch thơ Hồ Xuân Hương sang một ngoại ngữ. Người Mỹ, Pháp Đức đọc thơ Hồ Xuân Hương đã dịch sang ngôn ngữ của họ, hẳn sẽ hiểu, nhưng sẽ không thể thấm như người Việt Nam đọc nguyên bản tiếng Việt.
Một ví dụ. Tập thơ “Spring Essence The Poetry of Hồ Xuân Hương”, do Copper Cayon Press phát hành năm 2000, do John Balaban biên tập và dịch.
Balaban là ai?
John Balaban là tác giả của mười ba cuốn thơ và văn xuôi, trong đó có bốn tập đã đoạt giải Lamont của The Academy of American Poets, và nhiều danh dự khác. Năm 2008, ông được Bộ Văn hóa Việt Nam trao tặng huy chương về công tác dịch thuật và bảo tồn số hóa các văn bản cổ.
Ngoài viết thơ, tiểu thuyết và truyện phi hư cấu, Balaban còn là một dịch giả thơ Việt Nam và là cựu chủ tịch của Hội Dịch giả Văn học Hoa Kỳ và cũng là người sáng lập và giám đốc Quỹ Bảo tồn chữ Nôm Việt Nam.
Vắn tắt, đối với người viết thì Balaban ở bậc “thầy của thầy” trong phạm trù dịch thuật văn học. Trong cuốn, “Spring Essence” ông viết,
“Sick with sadness, spring passes, spring returns, / A bit of love shared, just the littlest bit.”[11]
Một đoạn dịch rất hay nhưng vẫn không thể như nguyên bản với những điệp từ, một nghệ thuật, với mục đích làm tăng cảm xúc của câu thơ (“con con” ) hay như một cách chơi chữ (“lại lại”, returns again)
“Ngán nỗi xuân đi xuân lại lại, / Mảnh tình san sẻ tí con con.”[12]
Ở một bài khác Balaban viết,
“Kind sir, if you love me, pierce me with your stick. / Caress me and sap will slicken your hand.”[13]
Vẫn hay nhưng không thấm như
“Quân tử có yêu thì đóng cọc, / Xin đừng mân mó, nhựa ra tay.”[14]
Quay về với Night Sky With Exits Wounds. Lớn lên như một đứa trẻ không cha, nhưng hình ảnh ba của tác giả – dù chỉ có trong tâm tưởng – bàng bạc suốt tập thơ.
Trong bài “Telemachus”, một bài thơ vừa trữ tình vừa khủng khiếp; đó là một điệu ru nước mắt. Tác giả miêu tả việc quỳ trên bãi biển lật xác ba của ông và nhìn thấy một vết đạn trên lưng. Ocean Vuong kết thúc bài thơ như sau,
“…The face
not mine – but one I will wear
to kiss all my lovers good-night:
the way I seal my father’s lips
with my own & begin
the faithful work of drowning.”[15]
Trong một cuộc phỏng vấn với Zoë Hitzig cho PRAC CRIT[16], một tạp chí trên mạng về thơ và phê bình những bài thơ đương đại, trao đổi về bài thơ “Daily Bread”[17] (thực ra khi thành hình thì đó lại là một bài thơ về ba của tác giả), Ocean Vuong nói,
“Có một chủ đề bán Cơ đốc giáo xuyên suốt tập thơ. Một trong những lập luận cho rằng đây là một tập thơ rất Mỹ là mặc dù tôi không sùng đạo, cũng không theo đạo Cơ đốc, tôi viết qua những khoảng không gian đó. Đó là một phần quan trọng của căn cước của người Mỹ mà tôi thực sự không thể tránh được…
Tập thơ có một mối quan hệ phức tạp với thượng đế. Theo nghĩa đó, mình Thánh Chúa hòa tan vào thân thể của ba tôi. Nó đã ở đó qua truyện thần thoại mà Kinh thánh đã truyền cho chúng ta …”
Ocean Vuong
Câu đầu tiên của tập thơ, Ocean Vuong viết
“In the body, where everything has a price
I was a beggar. On my knees,”
Theo tác giả, “Đó là một lời xưng tội – hoặc có thể là nhìn qua phòng xưng tội.” Đó chính là cái căn cước Mỹ mà Ocean Vuong không thể không có trong tác phẩm, dù ông không sùng đạo và cũng không phải là người Cơ đốc giáo.
Hitzig cho rằng đó là một lời mở mà nhiều nhà thơ muốn viết. Ocean Vuong nói những dòng thơ đó ập đến với thi nhân và họ ghi xuống ngay cả khi chưa hiểu chúng có nghĩa là gì. Thường thì ý nghĩa và thứ tự của thơ sẽ đến sau, như một sự bất ngờ.
Nhà văn, nhà phê bình văn học và kịch nghệ cho tờ Observer bên Anh, Kate Kellaway, đã mô tả thơ của Ocean Vuong là “là một ống dẫn cho một cuộc sống mà bạo lực và sự mong manh va chạm.”[18]
Mặt khác, ở Mỹ, nhà phê bình văn học được nhiều giải thưởng kể cả Giải Pulitzer loại Phê bình, Michiko Kakutani, cựu trưởng ban điểm sách cho tờ New York Times, đã cảm kích khi đọc thơ của Vuong vì “độ chính xác căng dãn gợi nhớ đến tác phẩm của Emily Dickinson, kết hợp với nhận thức sâu sắc như Gerard Manley Hopkins về âm thanh và nhịp điệu của từ ngữ.”
Ở đâu đó giữa lòng Ấn Độ Dương, một người chuyên viết văn và biên tập ở Port Louis, Mauritius, Alexandra d’Abbadie, đọc thơ và cho biết bạn cô rất yêu quý tập thơ Night Sky with Exit Wounds, và trịnh trọng đặt nó trên bàn đầu giường, và chỉ cho mượn sau khi đã đọc đi đọc lại nhiều lần. D’Abbadie nhận xét,
“Giai điệu thờ ơ của Ocean Vuong định hình tiếng nói của khoảnh khắc: đây là một người có thể viết những dòng thế này trong bài thơ “Notebook Fragments”[19]:
Alexandra d’Abbadie
‘An American soldier fucked a Vietnamese farmgirl. Thus my
Mother exists. Thus I exist. Thus no bombs = no family = no me.
Yikes.’
Tiếp tục, D’Abbadie so sánh thơ của Ocean Vuong với một tác phẩm, Omeros, đã được giải Nobel Văn học của Derek Walcott.
Omeros (1990) là sử thi đồ sộ của Walcott được giải Nobel Văn học năm 1992. Tập trường ca là những huyền thoại Hy Lạp của Homer, người được coi là tác giả của hai tác phẩm nền tảng của văn học Hy Lạp cổ đại, Iliad và Odyssey. Thơ của Walcott viết về những nhân vật Hy Lạp cổ đại nhưng lấy bối cảnh trên đảo St. Lucia ở Caribean, nơi sinh của tác giả. Sử thi đồ sộ, dài ba trăm trang đó mô tả cuộc sống hiện tại của vùng Caribean và anh hùng liệt nữ là những người đàn ông và phụ nữ bình thường sống trong thế giới hiện đại. D’Abbadie viết[20],
“Bằng những chấn thương tâm lý, xuyên lục địa của gia đình, Vuong đã tạo nên một thiên hùng ca. Giống như trường thiên thi phẩm Omeros (một hành trình khác để đi tìm căn cước, nỗi đau và sự hòa giải bản thân), tác giả không chỉ mượn những nhân vật thần thoại Hy Lạp mà còn làm cho họ lạ đi, cho phép các nhưng câu chuyện khác thành hình. Trong Night Sky, Odysseus bị chấn thương vì chiến tranh. Hình hài ba của tác giả tan vỡ, nhưng chính giọng nói của ông là điệu nhạc cho con đắm mình trong đó như ở bài ‘Threshold’: His voice – / it filled me to the core / like a skeleton. Giai điệu này là sự ra đời của tập thơ và có lẽ của chính nhà thơ.”
Alexandra d’Abbadie
Ocean Vuong giải thích tại sao có thần thoại Hy lạp trong thơ của ông[21],
“Tôi đặc biệt nghĩ đến Homer, người đã viết hai bản anh hùng ca đó từ một sự kiện lịch sử đã xảy ra gần 400 năm trước. Tôi ngưỡng mộ sự táo bạo phát minh đó. Trong phát minh ra, ông ấy đã bảo tồn lịch sử.”
Ocean Vuong
Và dù tác giả lớn lên trong một gia đình toàn phụ nữ, nhưng tập thơ của ông nặng trĩu hình ảnh của người cha.
“Thần thoại phương Tây chứa đầy những hình ảnh của người cha. Cá nhân tôi luôn hỏi ba tôi là ai. Giống như Homer, tôi cảm thấy tốt hơn là tôi nên tạo ra nó. Người Nhật có một chữ như vậy: yugen[22], khi bạn có quá ít, bạn phải tưởng tượng ra nó.”
Ocean Vuong
Một người viết blog điểm sách ở Mỹ[23], tên Larry H, viết về thơ và thi nhân như sau,
“Đọc Night Sky with Exit Wounds của Ocean Vuong là phải lóa mắt vì chất trữ tình tuyệt đẹp…
Night Sky with Exit Wounds có lúc trầm ngâm, bốc lửa, thậm chí gợi tình. Sức mạnh của Vuong nằm ở sức truyền tải cảm xúc bằng ngôn từ. Trong khi thơ thường ít được công nhận như tiểu thuyết và các thể loại khác, Vuong chắc chắn xứng đáng được đánh giá là một nghệ sĩ của thời đại chúng ta.”
Larry H
Với người viết, đoạn thơ ngắn
‘An American soldier fucked a Vietnamese farmgirl. Thus my Mother exists. Thus I exist. Thus no bombs = no family = no me. Yikes.’
trong bài thơ “Notebook Fragments” có một ý nghĩa khác. Một ý nghĩa độc đáo. Nó có thể là đoạn mở đầu cho cuốn gia phả họ Vuong ở Mỹ.
Chính tác giả đã nói[24],
“Cuộc đời của tôi và của mẹ tôi sẽ không hiện hữu nếu không có chiến tranh. Nhưng bất chấp tất cả những điều đó, hai người đã yêu nhau, và bài học lớn cho một nghệ sĩ như tôi là cuộc sống luôn phức tạp hơn hàng tít của bản tin cho phép; thơ đến khi bản tin chưa nói đủ.”
Ocean Vuong
Độc đáo vì nó không giống như gia phả của người Việt Nam, hầu như tất cả đều đánh bóng tổ tiên. Xoàng xoàng cũng phải là cụ Tổng, cụ Lý, ông Đồ, ông Tú. Hơn chút nữa thì là Bảng Nhãn, Thám Hoa, Tiến sĩ. Và đỉnh điểm của tôn vinh thì các cụ nhà ta là quan Tam, Nhị, Nhất phẩm Triều đình.
Nói chuyện gia phả, một người bạn đã phải bật lên,
“Có khi nào bác thấy gia phả ghi cụ tổ bán xôi gấc ở chợ Đồng Xuân ở Hà Nội, hay là lơ xe đò bến Petrus Ký ở Sài Gòn không? Nhà em không có gia phả vì ông cụ bảo tổ tiên mình toàn đầu trộm đuôi cướp cả!”
Gia phả đã thế còn quốc phả thì phải ly kỳ hơn nhiều; phải vẻ rồng vẽ tiên, vẽ trăm cái trứng, vẽ núi vẽ biển cho nó thêm vẻ hào hùng và huyền bí, thích hợp với chủ nghĩa dân tộc “kiên định”của tập đoàn cầm quyền cai trị.
Không như những nhà phê bình văn học, một số trong quần chúng, vì ông là một người đồng tính, có thể quan tâm đến khía cạnh tình dục của Ocean Vuong hơn là thơ của nhà thơ.
Hãy thử tự vấn khi đọc những câu thơ,
“Ở đây sương khói mờ nhân ảnh / Ai biết tình ai có đậm đà?”[25]
Hoặc
“Bao cô thôn nữ hát trên đồi; / – Ngày mai trong đám xuân xanh ấy, / Có kẻ theo chồng bỏ cuộc chơi…”[26]
Có ai nghĩ Hàn Mặc Tử là một người mắc bệnh nan y hay không? Có lẽ không vì hầu như người đọc ngưỡng mộ và thưởng thức thơ của ông hơn bệnh tình của thi sĩ.
Cũng thế, khi nhắc đến Tả quân Lê Văn Duyệt với những chiến công lừng lẫy và tài cai trị, ổn định và phát triển khu vực Nam kỳ cùng thái độ bênh vực và bảo vệ tín đồ Công giáo của vị quan đại thần Triều Gia Long và Minh Mạng, có ai quan tâm đến mặt tình ái của vị Tổng Trấn Gia Định, một người “ái nam ái nữ” hay không? Có lẽ không ai nghĩ đến chuyện như thế khi đọc về một danh nhân lịch sử.
Ngày 2 tháng 9, 1830, lần đầu tiên gặp Lê Văn Duyệt, John Crawfurd, Đại sứ của Toàn Quyền Ấn Độ, có nhận xét,
“His countenance was animated and intelligent, his person rather short and slender, but he appeared active and subject to no bodily infirmity but the tooth-ache, which had deprived him of great part of his teeth.”[27]
John Crawfurd, 1830
“Nét mặt của ông ấy rất linh hoạt và thông minh, ông ấy thấp người và mảnh mai, nhưng có vẻ năng động và không bị tật bệnh gì ngoài chuyện đau răng, khiến ông ấy mất một phần lớn hàm răng.”
John Crawfurd nghĩ sẽ không biết Lê Văn Duyệt là một “thái giám” nếu không được cho biết trước. Đại sứ Crawfurd nhìn Lê Văn Duyệt chỉ thấy một nhân vật linh hoạt thông minh, không có râu và hơi móm. Ông ấy không quan tâm đến mặt “thái giám” của Tả quân.
Môi trường và động lực sáng tác của nhà thơ
Như đã biết, Ocean Vuong lớn lên như một đứa trẻ không cha, sống với gia đình bên mẹ. Mẹ ông là một phụ nữ “không được ăn học”, vào nghề làm móng tay móng chân khi vừa đặt chân đến Mỹ, và chỉ biết ba mẫu tự a, b, c.
Trong một phỏng vấn[28], Ocean Vuong vui vẻ, thật thà cho biết về khả năng và khung cảnh ông dùng tiếng Việt.
“..mà cái tiếng Việt của mình… nó là cái tiếng quê hương của mình, nó là cái tiếng trước nhứt, mà cái tiếng đó thì em để dành, đa số là em để dành ở trong gia đình, nói chuyện với cha mẹ, bà con. Tại vì cha mẹ bà con của em hổng có ăn học nhiều, chiến tranh nó interrupt. Cái học hành của gia đình em thì mình nói chuyện rất là đơn giản, bởi … thường thường em ra nói chuyện với nhà văn chương, mấy cái panels thì tiếng Anh rất là giỏi; tiếng Anh của em thì nó rất là sâu sắc còn tiếng Việt thì nó hơi Hai Lúa[29]. Cười… Nhưng mình nói làm sao nói miễn người ta hiểu là được grồi.”
Ocean Vuong
Giọng nói thư thái, nhẹ nhàng của một người trẻ, gốc Saigon, học được từ một bà mẹ “không được ăn học” nó thật thà như miền Nam mến yêu của gia đình ông vậy.
Cái miền Nam chân chất hiển hiện trên con người nhà thơ từ lời trần tình bằng tiếng Việt và bằng Anh ngữ[30],
“Tôi không biết khôi hài và tôi kể chuyện rất dở, vì vậy tôi nghĩ cách duy nhất để vượt qua buổi đọc thơ là ẩn mình trong những bài thơ. Tôi leo vào tập thơ và sống trong đó một lúc.”
Ocean Vuong
Không có cha, nhưng ông đã tìm được ông ngoại, đã lập gia đình lại với một phụ nữ trong giới hàn lâm, và sống ở Florida. Từ một gia đình toàn phụ nữ không biết đọc nhưng kể chuyện không ngừng, tác giả đi dọc miền Đông nước Mỹ đến thăm ông ngoại, nơi không gian yên tĩnh học thuật ngự trị. Cái mâu thuẫn đó lại là một động lực khác thúc dục tác giả đi vào con đường học hỏi. Ocean Vuong nói[31],
Dù mẹ ông nhất định con mình phải trở thành người được “ăn học” đầu tiên trong gia đình nhưng ông lại là “một học trò rất dở”; thực thế, khó mà giỏi được khi “là một cậu bé da vàng, đồng tính, rất dễ bị trêu chọc” ở trường. Hơn nữa, việc đọc sách đặc biệt là một trở ngại lớn và tác giả ngờ rằng chứng khó đọc hay khuyết tật đọc là tật di truyền trong gia đình ông, Vuong nói:
“Tôi nghĩ có lẽ khuyết tật đã giúp tôi một phần, bởi vì tôi viết rất chậm và xem con chữ như đồ vật. Tôi luôn cố gắng tìm kiếm con chữ bên trong những con chữ. Đối với tôi, thật tuyệt vời khi chữ tiếng cười (laughter) ẩn mình bên trong sự tàn sát (slaughter).”
Ocean Vuong
Cửa tiệm làm móng tay móng chân luôn rộng mở, mọi người đều nghĩ rằng ông sẽ nối nghiệp làm nails của mẹ. Nhưng đời của tác giả đi một bước ngoặt ngay ngày ông ngồi ở lớp đầu tiên của một đại học cộng đồng. Bà giáo nói, ‘Chúng ta sẽ đọc Foucault, và rất nhiều thứ sẽ cao quá đầu các bạn nhưng một số sẽ vướng lại và các bạn sẽ hiểu.’
Khi học xong ông đã đọc Baudelaire và Langston Hughes, và biết rằng ông muốn trở thành một nhà thơ ngay cả khi nó được định sẵn là một giấc mơ phải đợi khi ông phải tìm cách để giúp mẹ mình. Ocean Vuong ghi tên theo học chương trình Tiếp thị Quốc tế nhưng đã bỏ học sau 8 tuần vì ‘quá mệt mỏi khi học cách nói dối’. Ông đã trăn trở mấy tháng trời vì không dám nói với mẹ là mình đã bỏ học. Dần dà ông thấy cái tươi mát của thế giới văn học khi bắt đầu tiếp xúc với giới nhà văn, dự những buổi đọc thơ. Nhưng người ta bảo muốn làm nhà thơ ít nhất ông phải có cử nhân văn chương Anh. Ocean Vuong nghĩ, ‘Ủa, tôi biết nói tiếng Anh rồi mà.’
Hay không bằng hên, ông được nhận vào trường Cao đẳng Brooklyn. Ngày bước vào Khoa Văn Anh ngữ ông đứng trước chân dung hai thần tượng của mình: Allen Ginsberg và John Ashbery và thốt lên, ‘Tôi đã tìm thấy người của mình. Tôi đã được nhìn thấy lần đầu tiên.’
Học xong, tác giả vào đời như bất kỳ những nhà thơ trẻ nào, chỉ làm thơ và nuôi niềm hy vọng. Ông sống trong một phòng trọ rẻ tiền ở New York, trên tường dán đầy những bài thơ, rồi chuyển đổi vị trí chúng thành nhiều thứ tự khác nhau. Ocean Vuong xem “Mỗi bài thơ là một căn phòng nhỏ. Tôi có thể thấy chúng lớn lên và bắt đầu gây được tiếng vang và ý nghĩa.”
Khi xếp đặt thơ thành tập Night Sky With Exit Wounds gởi đi dự thi, tác giả đã tin chắc rằng ông sẽ chỉ nhận được lời cảm ơn và khích lệ, nhưng lại nghĩ, “Ôi trời, một lời từ chối. Có lẽ nó sẽ cho tôi một số mẹo và thúc đẩy tôi đi tìm ý thơ hay hơn.”
Nhưng không, Ocean Vuong được Copper Canyon Press ở Seattle đề nghị xuất bản tập thơ của ông, năm 2016.
Trong “Night Sky With Exit Wounds,” nhà thơ bày tỏ lòng kính trọng đến nền văn học truyền khẩu của Việt Nam và mối liên hệ cá nhân của ông với Chiến tranh Việt Nam.
“Đôi khi, người ta nói, ông có cảm tưởng thế nào khi trở thành nhà thơ đầu tiên? Và tôi nói, tôi không phải là nhà thơ đầu tiên. Tôi xuất thân từ nguồn gốc có rất nhiều nhà thơ. Nhưng tên họ không được ghi lại trong văn học.
Thật thú vị khi các bài thơ được chuyển từ nền văn hóa này sang nền văn hóa khác. Ở Việt Nam, phụ thuộc nhiều vào con người. Người ta cần có một cơ thể – theo một cách nào đó, cơ thể là một cuốn sách, người ta cần cơ thể để nhớ bài thơ, ngâm những bài thơ và truyền đi cho thế hệ tiếp theo.
Bà ngoại của tôi là một nông dân trồng lúa. Theo một nghĩa nào đó, tất cả những người nông dân Việt Nam đều là nhà thơ, bởi vì trong khi làm việc, họ đã hát, hò và ngâm nga và những bài hát đã giúp cho nhịp điệu của mùa gặt và việc gieo lúa trên đồng.
Nhưng, những tin tức hàng ngày của cuộc sống, và cuối cùng, khi chiến tranh đến, bom rơi đạn nổ, thông tin bắt đầu đi vào những câu ghép vần trong các bài thơ và bài hát. Và đây là cách tin được truyền đi.”[32]
Ocean Vuong
Đã xem và đọc qua rất nhiều bài phỏng vấn Ocean Vuong, nhưng có một đoạn video clip[33] người viết không thể quên, khi người phỏng vấn của đài VieTV hỏi thi sĩ,
“…Đây là một tác phẩm, mình phải nói là không có dài lắm. Như vậy thì anh đã thắng rất là nhiều giải, nhất là nhiều giải với cái tác phẩn này; tất cả những giải thưởng đó nó có làm cho anh giàu có hơn về mặt tiền bạc hay không?”
Phóng viên VieTV
Ocean Vuong bình thản trả lời về những giải thưởng một cách sâu sắc,
“Cái đó thì nó tốt, nó cho người ta để ý tới cuốn sách. Cuốn sách nó như một cái cầu vượt. Mình cất một cái cầu cho người ta đi tới đi lui. Người ta học hỏi được cái lịch sử của người Việt của mình. Và người ta học hỏi được cái lịch sử của người Việt ở Mỹ, ở Canada, cái diaspora, người ở bên Pháp, trên tất cả thế giới. Cái giàu có của em là mình đã hên là mình đã đặt được một cái cầu để thiên hạ đi tới đi lui để tham quan cái lịch sử của mình, em thấy là priceless, không có tiền nào mà mua được cái điều kiện đó.”
Ocean Vuong
Một người xem video phỏng vấn, tuongvan ngo, đã phải viết ở phần bình luận,
“Sao đi hỏi chuyện tiền với Nhà Thơ? Chán thật!”
tuongvan ngo
Với người viết thì ông Hai Lúa bên Mỹ ăn đứt ông phóng viên của đài VieTV về mặt tri thức. Trên lý thuyết, chuyện hỏi đáp tưởng chừng đơn giản, nhưng vào thực tế, khách giang hồ, thương nhân hay bậc hành giả cổ kim, đã có biết bao nhiêu người đã phải đập mic bên trời rồi ngậm ngùi than thở, đúng với truyền thống của nông dân nước Việt, Trăm năm sáu bẩy mười ba, / Phóng viên phỏng vấn người ta dễ gì!
Trong cuộc trò chuyện với một khách hàng, mẹ của Vuong đã phát âm “beach” trong câu “I want to go to the beach” là “bitch”. Người khách đề nghị bà dùng chữ “Ocean” (đại dương) thế cho “Beach”. Sau khi hiểu nghĩa của hai chữ đại dương – khối nước khổng lồ, chẳng hạn như Thái Bình Dương, nối liền Hoa Kỳ và Việt Nam – Bà đổi tên tác giả là Ocean[34].
Tháng 6, 2019, Ocean Vuong xuất bản cuốn tiểu thuyết đầu tay tựa đề, On Earth We’re Briefly Gorgeous, ngay lập tức, nó trở thành sách bạn chạy nhất. Đến tháng 10, mẹ ông qua đời sau khi được chẩn đoán bị ung thư ngực giai đoạn 4.
Trong một cuộc phỏng vấn Vuong cho biết rằng cái chết của mẹ ông là “một vết thương lớn”, một vết rách mà ông chữa vẫn chưa lành. Nhưng ông biết ơn mẹ mình, đã làm việc trong một tiệm nail suốt 25 năm, đã có thể nhìn thấy và tận hưởng thành công của ông với tư cách là một nhà văn.
“Cuối cùng, mẹ tôi đã sống một cuộc sống rất hạnh phúc trong mười năm qua, và tôi đã có thể làm việc đó và giúp đỡ mẹ, và không nhiều người có thể được làm việc đó. Tôi cảm thấy rất may mắn khi mẹ tôi đã chứng kiến kết quả công lao của mình.”
Ocean Vuong
Một người con gái hai dòng máu, sống bên lề xã hội Việt Nam, bị hất hủi, xô đuổi, thành người tị nạn. Sang Mỹ với hai bàn tay trắng, chồng bỏ đi biền biệt, người thiếu nữ “không được ăn học” chỉ có ba chữ trong tay đó đã nuôi con nhỏ trở thành một thi nhân, văn sĩ tiếp tay xây dựng nền văn học Mỹ.
Thật đáng trân trọng và đáng nể bà mẹ của Ocean Vuong cũng như hàng triệu bà mẹ Việt Nam đã tảo tần nuôi con – bất kể trong thời chiến hay thời bình – thành người hữu dụng cho nhân quần xã hội.
Ngày của Mẹ, 9 tháng 5, 2021
© 2021 DCVOnline
Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net“
Nguồn: Bài của tác giả. DCVOnline biên tập và minh họa.
[1] David Lamb, “Children of the Vietnam War”, SMITHSONIAN MAGAZINE, JUNE 2009.
[2] Thomas A. Bass , “Vietnamerica: The War Comes Home”, trang 34.
[3] Thomas A. Bass , ibid, trang 40.
[4] AMERASIAN IMMIGRATION & HOMECOMING ACTS OF 1982 & 1987, War Babies.
[5] Interview by Claire Armitstead | War baby: the amazing story of Ocean Vuong, former refugee and prize-winning poet, The Guardian, October 3, 2017.
[6] Thoibao Media, Buổi ra mắt sách tập thơ của thi sĩ Ocean Vương, Dec 5, 2017.
[7] Ocean Vuong,“Night Sky With Exit Wounds”, The Gift, trang 24.
[8] Claire Armitstead, ibid.
[9] Night Sky with Exit Wounds by Ocean Vuong, goodreads.
[10] Reading and Conversation with Ocean Vuong, Harvard Radcliffe Institute, Thursday, April 8, 2021.
7 PM–8:15 PM ET, Online on Zoom.
[11] John Balaban, “Spring Essence The Poetry of Hồ Xuân Hương”, Confession (II), Copper Cayon Press, 2000, trang 25.
[12] John Balaban, ibid, Tự tình, trang 24.
[13] John Balaban, ibid, Jackfruit, trang 37.
[14] John Balaban, ibid, Quả mít, trang 36.
[15] Ocean Vuong, ibid, trang 7-8.
[16] Zoë Hitzig, PRAC CRIT, Interview, Daily Bread, April 2017.
[17] Ocean Vuong, ibid, trang 75-77.
[18] Kate Kellaway, “Night Sky with Exit Wounds by Ocean Vuong review – violence, delicacy and timeless imagery”, The Guardian, May 9, 2017.
[19] Ocean Vuong, ibid, trang 68-72.
[20] Alexandra d’Abbadie, “Night Sky with Exit Wounds by Ocean Vuong”, © 2015–21 wildness – Platypus Press.
[21] Claire Armitstead, Ibid.
[22] Yūgen (幽玄) là một khái niệm quan trọng trong cái đẹp truyền thống của Nhật Bản. Nghĩa chính xác của yūgen tùy vào ngữ cảnh. Nó thường dùng để mô tả sự sâu sắc tinh vi của những điều chỉ được gợi ý một cách mơ hồ trong các bài thơ. Yūgen gợi ngụ ý về những điều ngoài những gì có thể nói được nhưng không phải là sự ám chỉ đến một thế giới khác. Đó là về thế giới này, kinh nghiệm này.
[23] Larry, “It’s Either Sadness or Bookphoria…”
[24] Claire Armitstead, Ibid.
[25] Hàn mặc Tử, “Đây Thôn Vĩ Dạ”.
[26] Hàn mặc Tử, “Mùa xuân chín”.
[27] John Crawfurd, “Journal of an Embassy from the Governor-General of India to the Courts of Siam and Cochin China”, H. Colburn, 1830, trang 330-333.
[28] Thoibao Media, Ibid.
[29] “Hai Lúa” nghĩa là quê mùa, không biết gì, không theo kịp thời đại.
[30] Harriet Staff, “The Guardian Visits Forward Prize–Winner Ocean Vuong”, The Guardian, 2017.
[31] Claire Armitstead, Ibid.
[32] Hari Sreenivasan and Ocean Vuong, “Vietnamese-American poet contemplates his personal ties to the war”, PBS News Hour, May 3, 2016.
[33] Thoibao Media, Ibid.
[34] Daniel Wenger, “How a Poet Named Ocean Means to Fix the English Language”. The New Yorker, April 7, 2016.