Lên rừng
Aaron Hutchins | CHD
Layton Keddy đã lên xe đạp biến mất vào vùng hoang vu của Úc, và nghĩ rằng sẽ chẳng ai nhớ đến mình. Keddy đã sai, không thể sai hơn được nữa.
Layton Keddy đã bẻ đôi bàn chải đánh răng. Anh cắt nhãn hiệu ra khỏi quần áo. Anh tháo những cái khóa ra khỏi ba lô. Keddy dự định mang đồ dùng càng nhẹ càng tốt cho chuyến phiêu lưu bằng xe đạp này: một đoạn đường dài 330 km trên vùng đất hoang vu của Úc giữa hai thị trấn Marysville và Omeo, ở phía đông nam tiểu bang Victoria.
Người thanh niên Canada vùng Prince Albert, Sask., đã nghe nói rằng đây là đoạn khó nhất dọc theo Đường mòn Quốc gia Bicentennial của Úc, kéo dài hơn 5.300 km dọc theo bờ biển phía đông của quốc gia này. Và anh ta không quan tâm đến việc tránh những khu vực được coi là không thể vượt qua bằng xe đạp, vẫn kiên định với quyết tâm đi theo con đường nguyên thủy ‒ con đường dành cho người đi ngựa ‒ từ vùng cao nguyên khô cằn đến những thung lũng đầy chết chóc. Các nhân viên cứu hỏa trong khu vực nói với anh ta rằng con đường của anh chọn không thể đi một mình được. Các chủ nông trại địa phương cho biết anh ta cần ba con ngựa thồ để chở đồ. Keddy không có thêm bất kỳ con ngựa nào ngoài con ngựa sắt.
Ở đây nổi tiếng có địa hình khó khăn, không có nhiều tháp nhận/phát sóng điện thoại di động để có thể gọi cho ai đó trong trường hợp khẩn cấp và mất nhiều ngày xe đạp giữa những khu dân cư gần nhau nhất. Đối với Keddy, tất cả đều có vẻ hoàn hảo. Người đàn ông 32 tuổi không muốn làm những chuyện dễ dàng. Anh ta thậm chí còn không cho mình sự “xa xỉ” của một dụng cụ theo dõi lộ trình bằng Hệ thống Định vị Toàn cầu (GPS) hay một khẩu súng bắn hỏa châu để gửi tín hiệu báo động nếu cần
Anh ta mang theo một cái lều, một bộ quần áo, một đôi tất ‒ không có chuyện giặt quần áo trong chuyến đi này. Để có đủ dinh dưỡng, anh ta dồn thật nhiều thức ăn khô vào ba lô: phần lớn là yến mạch, sữa bột và bơ đậu phộng. Sau đó, anh ấy gói đồ nghề thuâ hình của mình để quay phim chuyến đi. Cuối cùng, ngay trước khi tắt điện thoại và lên đường từ Marysville, anh ấy đã viết một tin nhắn dài và đăng lên Instagram, gởi cho mẹ.
“Mẹ yêu,
Con đã nghĩ về việc mẹ nói rằng con luôn tự ép chính mình quá nhiều. Con đã cố gắng chấp nhận điều này, nhưng không thể làm được. Con cảm thấy mình cần thử thách và phấn khởi khi đối diện với những điều chưa biết. Khi khôn ngoan hơn, con nhận ra rằng càng cố ép đẩy bản thân, con càng cảm thấy mình sống động hơn.”
Keddy tiếp tục nói với mẹ, Betty Keddy, rằng anh muốn vượt qua “Đường phân ranh nước Úc”, ám chỉ dải đồi núi phức tạp ngăn cách bờ biển phía đông với vùng hẻo lánh trong nội địa nước Úc. Đó không phải là đi xa, mà là tránh xa nơi những người đi xe đạp khác sẽ đến.
Anh ấy nói rằng anh muốn cảm thấy như Neil Armstrong đã làm khi lần đầu tiên ông ấy bước xuống mặt trăng. Keddy nói tiếp, “Không ai ở đây nghĩ rằng một người đi xe đạp có thể băng qua núi giữa Marysville và Omeo mà không cần đi ra khỏi đường mòn.”Anh nói thêm rằng người dân địa phương đã nói rằng những người đi xe đạp giàu kinh nghiệm nhất đã chuẩn bị đủ đồ dùng để đi 25 ngày. Anh ấy chưa bao giờ làm bất cứ điều gì nghiệt ngã như vậy. Keeddy viết đoạn kết của tin nhắn gởi cho mẹ:
“Con sẽ không nói lời tạm biệt vì con biết mình có thể làm được nhưng con nói trước với mẹ bây giờ rằng con sẽ im tiếng một thời gian. Con phải tìm ra giới hạn của mình.
Yêu mẹ,
Layton”
Trong khi đó ở Prince Albert, Betty đã đọc tin nhắn đăng trên Instagram của con trai và có cảm giác như đang trải qua một cơn hoảng loạn. Ngay lập tức bà thử gọi lại cho con, nhưng cuộc gọi đi thẳng vào hộp nhắn tin. Bà lại cố nhắn tin, nhưng tin nhắn của bà không được hồi âm.
Layton không bao giờ viết những tin nhắn dài dòng cho bà ấy, đặc biệt là không phải với giọng điệu từ biệt như vậy. Trong một khoảnh khắc, bà lo cho sức khỏe tinh thần của anh con trai. Bà ấy tự hỏi con mình có ý gì trong lời nhăn tin đó.
Betty Keddy nói với Maclean’s:
“Tôi cảm thấy thôi đã hết rồi. Đối với tôi, đó gần như lời vĩnh biệt.”
Betty Keddy
Phải mất một thời gian để bình tĩnh suy nghĩ. Bà tự nhủ không có lý do gì để lo lắng: con trai bà là một người đã chu du dày dạn kinh nghiệm từng điều hành một công ty du lịch bằng xe đạp ở Costa Rica. Nếu anh ấy muốn thử thách bản thân, thì tất cả những gì bà ấy có thể làm ở xa nửa vòng trái đất là ủng hộ.
Một tuần sau, bà được biết cảnh sát Úc đang tìm kiếm con trai mình. Một người bạn của Layton đã trình báo với nhà chức trách con bà là một người mất tích.
***
Layton đã dọn sang xứ Miệt Dưới như một phần của kế hoạch dài hạn để đạp xe vòng quanh thế giới, từng phần một. Anh ấy để dành tiền những lúc làm việc như một thợ máydầu cặn, sau đó dành thời gian rảnh rỗi trên chiếc xe hai bánh và biến những cuộc phiêu lưu đó thành phim. Anh đến Úc không lâu trước khi đại dịch xảy ra, trải qua những ngày nghỉ của mình trên đất liền của nước Úc, ở Tasmania và cả Papua New Guinea.
Keddy đã chuyển những đoạn phim về cuộc phiêu lưu của mình lên kênh YouTube “My Travel Forever Machine”, lồng nhiều video của mình theo bài hát Hard Sun, hay bài Into the Wild của Eddie Vedder, bộ phim dựa trên câu chuyện có thật về một người trẻ tuổi thám hiểm một mình, cuối cùng chết trong vùng hoang vu ở Alaska.
Keddy thích đi mạo hiểm một mình. Sau bảy tháng làm việc, anh ta có hai tháng nghỉ ‒ khoảng thời gian khá dài để đi đoạn đường khó khăn nhất của đường rừng Bicentennial. Người duy nhất có thể hiểu được lộ trình dự định của Keddy là một người bạn ở Na Uy, Carl Fossum, người đã giúp Keddy làm các bộ phim của anh ấy.
Nhưng vào ngày 8 tháng 2, sáu ngày sau khi Keddy khởi hành, Fossum bắt đầu lo ngại. Anh ta không nhận được một lời nào từ người bạn Canada, cũng như không có bất kỳ ai mà họ biết. Tin nhắn của anh gửi đến Betty Keddy vào một đêm khi bà sắp sửa đi ngủ; bà nghĩ đó có thể là một tin nhắn của Layton. Nhưng không, câu hỏi của người Na Uy gửi qua Facebook khiến bà sốt ruột. Gần đây anh ấy ấy có nghe tin gì từ con trai mình hay không?
Bà đánh thức cha của Layton, Darren, nhưng cả hai đã đi đến kết luận hiển nhiên: họ không thể làm gì vào lúc nửa đêm ở Prince Albert để lên lạc với cậu con trai đang ở vùng núi rừng của Úc. Sau đó, lúc 2 giờ sáng. ở Saskatchewan, Fossum đã gửi một tin nhắn cuối cùng cho biết anh ta đã gọi điện cho cảnh sát ở Marysville để lập hồ sơ người mất tích.
Các hãng tin Úc đã đưa tin về câu chuyện của người Canada mất tích. Những người đã xem các thông tin trên mạng xã hội của anh ấy đã đọc tin nhắn cuối cùng Keddy gởi cho mẹ trên Instagram nghe có vẻ đáng ngại, và nhiều người nghĩ rằng anh ấy có lẽ không khỏe về mặt tinh thần hoặc tình cảm. Hàng trăm người xa lạ đã liên lạc với Keddy để nói với anh rằng anh không cần phải làm hại bản thân, nói rằng nếu anh cần ai đó để nói chuyện, họ có thể giúp đỡ.
Nhưng một số ít người, quen thuộc hơn với khu vực này, bắt đầu để lại những lời nhắn cầu xin Keddy đi ra khỏi đó ngay. Anh ta dường như không nghe nói về những người cắm trại, những người trong những năm gần đây đã mất tích ở đúng ngay khu vực đó, không bao giờ được tìm thấy hay sao? Anh ấy không biết rằng anh ta có thể gặp nguy hiểm sao?
Anh ta cũng chưa nghe nói về Button Man hay sao?
***
Vào tháng 3 năm 2020, một cặp vợ chồng ở độ tuổi 70, Russell Hill và Carol Clay, đã biến mất khi đi cắm trại ở Wonnangatta, Victoria; Khu cắm trại của họ tìm thấy sau đó đã bị thiêu rụi, nhưng không ai tìm thấy cả họ và hài cốt của họ. Họ là người mới nhất trong một tập chuyện dài đáng lo ngại. Tháng 10 trước đó, Niels Becker, một người đi rừng có kinh nghiệm, ở độ tuổi cuối 30, đã mất tích khi đi bộ băng rừng dài năm ngày gần Núi Stirling. Ba tháng trước đó, Conrad Whitlock, một doanh nhân ở Melbourne, đậu chiếc BMW của mình không xa Mount Buller, điểm đến yêu thích của ông trong mùa trượt tuyết. Cảnh sát tìm thấy chiếc xe bên lề đường tại một điểm có tên là Góc không tên. Bên trong có điện thoại và ví của ông, nhưng không có Whitlock.
Cả Becker và Whitlock đều chưa được tìm thấy, nâng tổng số người mất tích lên 4. Tất cả đều biến mất trong bán kính 60 km, nằm gần nửa chừng giữa Marysville và Omeo ‒ chính xác là nơi mà Layton Keddy đang hướng tới. Có ít nhất ba vụ mất tích nữa trong vùng cao nguyên Victoria từ năm 2008.
Đây cũng là một khu vực mà những người đi bộ bang rừng dày dạn kinh nghiệm kể những câu chuyện tình cờ gặp gỡ với “Button Man”, một người sống bí ẩn trong vùng hoang dã và người có thói quen cắt sừng hươu thành cúc áo mà anh ta đeo như một chiếc khuyên tai lớn.
Các hãng tin địa phương đã không thể xác định tên thật của ông ta nhưng đã nói chuyện với những người đã gặp Button Man. Họ mô tả ông ta như một người lén theo dõi những người đi bộ băng rừng và dễ bị kích động nếu mọi người dựng trại ở những khu vực mà ông ta không muốn. Những người cắm trại đã mô tả đống củi của họ bị mất dần, như thể ai đó đang theo dõi và chờ đợi cơ hội lấy củi. The Age, một tờ nhật báo ở Melbourne, đưa tin rằng ông xếp tháp bằng đá ở những nơi dường như ngẫu nhiên, và chất sỏi trên đường; nếu bị san phẳng, thì đó là dấu hiệu cho ông ta biết rằng một chiếc xe đã chạy qua. Tờ báo tiếp tục câu chuyện,
“Họ nói rằng không ai biết ông ấy đang ở gần cho đến khi ông ấy quyết định xuất hiện. Một nhiếp ảnh gia về động vật hoang dã đã dành nhiều ngày để chụp ở khu vực gần trại của Button Man. Khi trở về nhà và chuyển ảnh xuống máy tính của mình, anh ta có một bức ảnh không giải thích được, tấm hình nhiếp ảnh gia đang ngủ trong lều. Không ai biết ai đã chụp.”
The Age
Cảnh sát được cho là đã nói chuyện với Button Man sau những vụ mất tích bí ẩn năm trước và không tìm thấy gì cho thấy ôngh ta có liên quan đến chúng. Một nguồn tin cảnh sát nói với Daily Mail Australia: “Là người kỳ quặc không phải là bất hợp pháp.” Ông ấy đã cho biết lần cuối cùng được xác nhận thấy Niels Becker. Nhưng ở một khu vực bao la như vậy, xác xuất để Button Man gặp Keddy là bao nhiêu?
***
Tại Khu nghỉ mát Lake Alpine Mountain bên ngoài Marysville, Sue Hendy cho thuê xe đạp tại trung tâm cho du khách. Một ngày, Keddy đã thả bộ đến đó, và ngay lập tức họ nói về chuyến đi sắp đến của anh ấy. Hendy đãi anh ta bữa trưa và hai người trò chuyện. Cô biết sẽ rất khó cho bất cứ ai đi xe đạp một mình trên một địa hình xa xôi, gồ ghề đó, nhưng Keddy có vẻ đã chuẩn bị kỹ lưỡng. Cô nói: “Mọi phụ tùng trên chiếc xe đạp của anh ấy đều có một chai nước.”
Vài ngày sau, những cơn mưa kéo đến ‒ 100 mm qua đêm, như Hendy nhớ lại. “Mưa rất lớn. Chúng tôi đã có cảnh cáo có thể có lụt lội.” Bất chấp sự chuẩn bị của Keddy, cơn mưa khiến Hendy nghi ngại. Cô biết bên ngoài sẽ khá trơn trợt.
Hendy cũng là thành viên của Mạng lưới Vận động cho Người mất tích, một tổ chức truyền bá nhận thức về những người mất tích và giúp hỗ trợ gia đình của họ. Cô ấy đang ở giữa cuộc họp hội đồng quản trị với nhóm thì nhận được tin báo về người Canada đã mất tích được nhìn thấy lần cuối ở Marysville. Cô nói, “Tôi nghĩ điều này thực sự, rất kỳ lạ.”
Các phương tiện truyền thông địa phương đã viết những câu chuyện về người Canada này. Các cộng đồng trên Facebook đưa ra các thông điệp phòng trường hợp ai đó đã thấy anh ấy. Cảnh sát đã theo dõi, đưa bức ảnh của Keddy cho dân địa phương và hỏi xem liệu họ có nhìn thấy người mạo hiểm với mái tóc dài ngang vai, thường được búi cao hay không.
Diane Bloom, viên cảnh sát cao cấp của đồn cảnh sát Omeo, cho biết: “Một trong hai người mà bạn nhìn thấy trên xe đạp đều là Layton Keddy.” Bà không nghĩ rằng anh sẽ đến được Omeo trong một tuần, nhưng biết rằng việc tìm thấy anh ấy ở nơi hoang dã sẽ rất khó khăn. Không ai biết anh ta có thể đang ở đâu, hoặc những đường vòng mà anh ta có thể nghĩ đến, về thời tiết hoặc kiến thức địa phương. “Nó như thể cố đi tìm một cái kim trong một đống rạ.”
Kenneth Dwight của đồn cảnh sát Woods Point, nằm cách Marysville khoảng 70 km về phía đông, đang làm những cuộc điều tra của riêng mình xung quanh thị trấn ‒ vào một ngày tình cờ là một ngày bận rộn đối với những người đi xe đạp. Một người nào đó cho biết đã nhìn thấy một người cưỡi xe trong giống như Keddy đi qua thị trấn Jamieson, cách khoảng 60 km về phía bắc và đi về hướng đông tới Núi Skene. Dwight lên xe, lái xe khoảng hơn ba tiếng đồng hồ và tìm thấy người đi xe đạp giống như lời mô tả. Ông nói, “Đó là một người khác.” Người dân địa phương trong thị trấn bắt đầu gọi Keddy là “Người Ma” (“Ghost Man”).
Sau vài ngày ở trong rừng, Keddy đến một cánh cổng có khóa. Phía sau nó là một con đường thật dốc dài hơn 750 m với những con đường mòn không dược bảo trì, một loạt cây đổ và những bụi dâu đen không thể vượt qua bằng xe đạp mà không bị thủng lốp. Keddy xuống xe, cố đi bộ trong khi phải đẩy chiếc xe đạp và đồ dùng của mình. Anh quyết định để xe đạp, ba lô và bộ máy ảnh xuống đường, đi dẹp các cành cây và bụi rậm phía trước. Thỉnh thoảng, giống như Hansel hay Gretel thời hiện đại, anh đặt các chai nước trên lối đi, hướng từng chai nước về phía xe và đồ dùng của mình. Sau khi hết chai, anh ấy sẽ quay lại thu dọn đồ dùng với xe đạp và tiếp tục đẩy chúng đi tới.
Đến cuối ngày, găng tay của anh bị gai của những cành dâu đen xé toạc, bên dưới tay anh đầy máu. Sau một ngày làm việc, anh ấy đã đi được chưa đầy một km và gục xuống để nghỉ ngơi. Khi tỉnh dậy, anh lại tiếp tục lên đường.
Keddy gắn máy ảnh bên lề đường, vài ngày sau, có hai người đàn ông lái xe ở những con đường mòn của địa phương tiến lại gần. Họ bắt đầu trò chuyện, Keddy nói với họ về kế hoạch đạp xe đến Omeo. Steve Hibbert, một trong hai người lái xe, nhớ lại: “Chúng tôi hơi hoảng nghe những gì anh ấy nghĩ trong đầu và nói. ‘Nếu anh bị thương ‒ đặc biệt nếu bị rắn cắn ‒ và anh chỉ có một mình và không có cách nào để liên lạc, anh có thể sẽ chết.’”
Họ nói chuyện trong khoảng một giờ, cho đến khi mây đen dần và bắt đầu chuyển hướng: những dấu hiệu chắc chắn sắp có mưa. Hibbert nói, “Trên Cao nguyên, những cơn bão được khuếch đại và có thể khá điên cuồng.” May mắn thay, Keddy đang trên đường đến một cabin trống trên núi, dựng cho những người đi rừng, khi cơn mưa như trút nước ập đến. Anh ấy chụp ảnh mình nép mình bên cạnh một lò sưởi trong khu vực gọi là Keppel Hut.
Sáng hôm sau, Keddy thức dậy và chuẩn bị đi, nhưng cơn mưa vẫn chưa ngớt. Anh ấy đã dành cả ngày để hứng nước mưa để không bị mất nước, và tích trữ củi, phòng trường hợp thời gian lưu trú bị kéo dài. Đêm đó, khi anh chuẩn bị đi ngủ, anh nghe thấy một tiếng hét.
Keddy đợi một chút. Im lặng. Sau đó, một tiếng hét khác.
Anh bước ra khỏi cửa cabin. Giữa bóng tối và sương mù dày đặc, anh lờ mờ nhìn ra đường nét của một người đàn ông cao lớn. Keddy bước lại gần.
Người đàn ông đang chỉ cho một ai đó đang cố đậu một chiếc 4 × 4 giữa màn sương mù mịt. Keddy tự giới thiệu mình và gặp một cặp vợ chồng người Úc đang tìm chỗ ngủ. Keddy mời họ ở lại trong căn nhà gỗ, nơi anh ấy đã đốt lửa, và cặp vọ chồng đó nhận lời.
Anh đã ngủ lại một đêm dưới cùng một mái nhà với hai người xa lạ và rời đi vào buổi sáng hôm sau.
Keddy mới trở lại con đường mòn chỉ trong hai ngày ‒ đạp xe lên đỉnh Mount Terrible, một cuộc leo núi xứng đáng với tên gọi của nó ‒ khi ấy anh hết nước. Trời đã sáng, và anh đã dành cả ngày theo bản đồ đi vào các thung lũng, nơi anh đoán rằng anh ấy sẽ tìm thấy những con suối, mà không biết rằng vào lúc đó trong năm rất nhiều con suối đã cạn khô. Trong những trường hợp khác, bản đồ của anh ta cho thấy anh đang ở bên cạnh một con sông nhỏ, nhưng muốn đến dòng sông phải xuống một bờ kè dốc. Không đáng để mạo hiểm. Anh ta tiếp tục đi và từ từ xuống đáy thung lũng, và cuối cùng anh ta đã đến một dòng suối khi mặt trời gần lặn. Trong giây phút hưng phấn, anh gục đầu xuống nước.
Keddy đạp xe cả ngày lẫn đêm, có khi đến 11 giờ đêm. Khi đèn pha hết pin, anh ấy đã sử dụng đèn của máy quay phim cho đến hết. Anh ấy cân nhắc việc quay trở lại một khu dân cư, đi con đường vòng có thể mất nhiều ngày, nhưng anh có thể sạc lại pin. Anh cân nhắc nếu dừng lại ở một nơi có đồ ăn thức uống sẽ là một hình thức ăn gian mục tiêu ban đầu. Keddy đã nhượng bộ: anh ấy đạp xe đến thị trấn gần nhất và sạc pin mà không yêu cầu được ăn uống. Sau đó, anh ta quay trở lại con đường mòn.
Vào ngày 10 tháng 2, Keddy đã đi được 8 ngày và đang ở gần Woods Point (dân số 37 người). Anh đang đạp xe lên ngọn đồi có tên là Frenchmans Gap ‒ mặt đường dốc, đầy sỏi khiến việc đạp xe trở nên khó khăn – bỗng một giọng nói cất lên: “Ông Keddy phải không?” Đó là một viên cảnh sát. Nhưng làm sao ông biết tên của Layton? Kenneth Dwight, viên cảnh sát trưởng ở Woods Point, nói.
Keddy bật cười, không hiểu độ quan tâm của mọi người về tình trạng của anh cho đến khi Dwight nói về báo cáo có người mất tích. Keddy bật điện thoại và gọi ngay cho mẹ. Layton nhớ lại, “Tôi đã nói với mẹ tôi là tôi hoàn toàn an toàn trong suốt thời gian qua. Tôi có thể nghe thấy tiếng mẹ tôi nghẹn ngào, và sau đó mẹ tôi gục xuống khóc.”
Một cảm giác nhẹ nhõm tràn đến với Betty Keddy, sau đó là sự bực tức. Bà nói với con trai: “Đừng bao giờ viết tin nhắn cho mẹ như thế nữa.”
Layton đến quán rượu trong làng, nơi một số ít cư dân đang thư thả. Mọi người đều biết anh ta là ai. Họ sẽ không để anh ta rời thị trấn mà không có thức ăn và nước uống ‒ và bắt anh ta kể một vài câu chuyện về chuyến đi. Keddy ngồi xuống và đọc qua tất cả các tin nhắn trên mạng xã hội. Giống như Tom Sawyer chứng kiến đám tang của chính mình, anh vừa cảm động vừa đau khổ trước vô số bạn bè và những người xa lạ, những người lo sợ chuyện tệ nhất có thể xảy đến cho anh, đã ra tay giúp đỡ.
Anh ấy ở lại thị trấn đêm đó. Cảnh sát tự hỏi liệu anh ta có gặp rủi ro nếu được phép tiếp đi hay không, anh ta nói: “Việc bắt buộc ghi tên trên lộ trình đã được đề cập đến, nhưng họ không theo dõi chuyện đó.”
Nhiều tháng sau, khi hoàn tất hành trình đến Omeo ‒ lúc đó Keddy lại tiếp tục đạp xe thêm 600 km đường mòn ít khó khăn hơn cho đến khi đến Sydney ‒ anh ấy suy ngẫm về sự quan tâm của những người khác dành cho mình, và nói,
“Thật không vui khi biết những người khác đã trải qua một khoảng thời gian đầy cảm xúc và họ thực sự quan tâm. Tôi tự hỏi liệu chuyến đi của mình có xứng đáng hay không.”
Nhưng vào buổi sáng sau khi ở Woods Point, pin đã sạc và con đường rừng lên tiếng gọi một lần nữa, anh không thấy lý do gì để từ bỏ thiên nhiên. Keddy đã viết một bài đăng trên Instagram xin lỗi những người đã hiểu sai lời nhắn “Mẹ yêu” của mình, gửi lời cảm ơn sâu sắc đến những người đã cố đi tìm anh và kết thúc bằng tuyên bố: “Tôi vẫn chưa tìm thấy giới hạn của mình.”
Sau đó, anh thu dọn đồ đạc, xem bản đồ và quay trở lại với núi rừng.
© 2021 DCVOnline
Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net”
Nguồn: Into the bush | Aaron Hutchins | MacLeans’ | May 21, 2021.
Bài báo này đăng trên ấn bản tạp chí Maclean’s số tháng 6 năm 2021 với tựa đề “Lên rừng”.