Tại sao việc sản xuất thuốc chủng ngừa Covid ở phạm vi lớn là việc khó

Tại sao việc sản xuất thuốc chủng ngừa Covid ở phạm vi lớn là việc khó
Sản xuât thuốc chủng ngừa COVID-19 là một tiến trình không dễ. Nguồn: https://www.chemistryworld.com/

Anthony King, Sanjay Kumar | Trà Mi

Có lẽ không khó để xác định trong một tương lai gần những tuyên bố và “đề nghị” của giới lãnh đạo nước CHXHCN Việt Nam là thực tế hay chỉ là những lời nói khoác, mị dân hoặc luận điệu tuyên truyền cũ, như trong thời chiến, và chứng tỏ sự thiếu kiến thức trầm trọng của họ về những phức tạp ở phạm trù sở hữu trí tuệ và những phát minh khoa học cũng như quy trình sản xuất của những công ty tư nhân ở những quốc gia dân chủ.

Từ cuối năm ngoái, Việt Nam tuyên bố

“đã sẵn sàng trở thành ‘cường quốc’ sản xuất và xuất khẩu vaccine không chỉ với dịch bệnh COVID-19 mà còn nhiều loại vaccine khác ‘make in Vietnam’.”

Lao Động Online, 18/12/2020

Và mới đây, cuối tháng 5, 2021, giới lãnh đạo Việt Nam liên tục lên tiếng “đề nghị” những nước văn minh trên thế giới

  • Chuyển giao kỹ thuật thuốc chủng ngừa Covid-19 cho Việt Nam;
  • “Hỗ trợ” thuốc chủng ngừa cho Việt Nam

Họ cũng đang chính thức xin người dân cũng như các tổ chức trong và ngoài nước đóng góp để mua vaccine chủng ngừa Covid-19 cho toàn dân.

Đầu tiên là mâu thuẫn “đã sẵn sàng trở thành ‘cường quốc’ sản xuất và xuất khẩu vaccine… trong khi phải vẫn đi xin các quốc gia văn minh “Chuyển giao kỹ thuật” vì Việt Nam không có phát minh khoa học hay bằng sáng chế và kỹ thuật bào chế thuốc chủng ngừa SARS-CoV-2; đó là chưa kể đến những chuỗi cung ứng và nguyên liệu cần thiết đều rất mới.

Có lẽ không khó để xác định trong một tương lai gần những tuyên bố và “đề nghị” của giới lãnh đạo nước CHXHCN Việt Nam là thực tế hay chỉ là những lời nói khoác, mị dân hoặc luận điệu tuyên truyền cũ, như trong thời chiến, và chứng tỏ sự thiếu kiến thức trầm trọng của họ về những phức tạp ở phạm trù sở hữu trí tuệ và những phát minh khoa học cũng như quy trình sản xuất của những công ty tư nhân ở những quốc gia dân chủ.

Thái độ và ứng xử của giới lãnh đạo cộng sản Việt Nam hôm nay không khác gì ngôn ngữ, hơn hai mươi năm trước, của tiến sĩ chủ tịch một công ty hóa màu ở Tp Hồ Chí Chí Minh đã ngỏ lời yêu cầu người viết, “…cho em xin công thức…” khi tôi cho bà một số mẫu hệ thống chất trùng hợp ở thể dung dịch, sữa, và keo dùng trong kỹ nghệ sơn phủ. Dĩ nhiên, lúc đó, bà tiến sĩ không thể biết được công thức. Và nếu có đi nữa, bà vẫn thiếu quy trình và nguyên liệu chế tạo những sản phẩm đang có trong tay. Ngày hôm nay cũng vậy. Giả sử BioNtech-Pfizer (Đức) và Oxford-AstraZeneca (Anh) có chuyển giao kỹ thuật thuốc chủng ngừa Covid-19 cho Bộ Y tế Việt Nam thì chuyện gì sẽ xẩy ra? May lắm thì hậu thế lại có thêm một huyền thoại loại “anh hùng Lê Văn Tám”.

Những tuyên bố và “đề nghị’ của giới lãnh đạo nước CHXHCN Việt Nưam. Nguồn: Tổng hợp/Facebook

Phần trình bày và giải thích theo sau của hai nhà báo viết chuyên đề khoa học, Anthony King (Ireland), Sanjay Kumar (India), cho thấy sự phức tạp và những khó khăn của những công ty dược phẩm hàng đầu thế giới đang gặp phải trong tiến trình sản xuất những loại thuốc chủng ngừa COVID-19 mới mà BioNtech-Pfizer, Moderna, AstraZeneca, J&J và cả Sputnik V của Nga đã phát minh.

***

Thuốc chủng ngừa Covid-19 đầu tiên đã được tiêm vào tay những người tình nguyện ở Seattle vào tháng 3 năm 2020. Đó là thuốc chủng ngừa mRNA của Moderna. Ứng cử viên mRNA của BioNTech và Pfizer đã theo sau vào tháng Tư. Đến tháng 12 năm 2020, hai loại thuốc chủng ngừa này đã trở thành thuốc chủng ngừa đầu tiên được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) phê duyệt. Theo ngay sau gót chân của thuốc mRNA là các đối thủ dựa trên vectơ adenovirus của AstraZeneca và Johnson & Johnson, cũng như Sputnik V của Nga.

Những thành công ban đầu trong việc phát minh thuốc chủng ngừa của các công ty mới nổi như Moderna và BioNTech đã vượt qua những trở ngại của các đối thủ nặng ký về thuốc chủng ngừa như Merck, GSK và Sanofi. Nhưng những công ty đã vượt qua những thách thức của việc phát minh hiện phải đối mặt với giai đoạn tiếp theo là việc sản xuất thuốc trên quy mô lớn. Và như Matt Hancock, bộ trưởng y tế của Vương quốc Anh, nói với Hạ viện vào ngày 18 tháng 3 rằng “tiến trình sản xuất thuốc chủng ngừa rất phức tạp và có thể không đoán trước được”.

Mỗi loại thuốc chủng ngừa đều phải giải quyết những vấn đề về sản xuất; những kỹ thuật mới hơn phái bắt đầu từ số không. Xây dựng khả năng sản xuất thêm là một cách các công ty và chính phủ đang dùng để đối phó với thách thức trước mặt. Cuối tuần trước, chính phủ Anh đã công bố bỏ thêm 47,6 triệu bảng Anh để xây dựng Trung tâm Đổi mới và Sản xuất Thuốc chủng ngừa Vương quốc Anh tại Cơ sở Khoa học và Đổi mới Harwell, vào sủ dụng sớm hơn. Các nhà phát triển thuốc chủng ngừa cũng đang điều chỉnh các cơ sở hiện có và hợp tác với công ty từng là đối thủ để tận dụng khả năng sản xuất và chuyên môn của họ.

Nguồn: © Richard Pohle / WPA Pool / Getty Images. Trung tâm Đổi mới và Sản xuất Thuốc chủng ngừa sẽ là cơ sở sản xuất và đổi mới thuốc chủng ngừa quốc gia đầu tiên của Vương quốc Anh

Những trở ngại khi sản xuất mRNA

Thuốc chủng ngừa BioNTech – Pfizer là thuốc chủng ngừa mRNA đầu tiên được FDA chấp thuận dùng cho người. Việc sản xuất quy mô lớn một loại thuốc chủng ngừa như vậy chưa từng xảy ra trước đây.

Moderna và BioNTech rất kín tiếng vê những chi tiết sản xuất cụ thể, nhưng nói chung, polymerase đi theo khuôn mẫu DNA để tạo ra chuỗi mRNA bằng cách liên kết các nucleotide với nhau. Nhà nghiên cứu miễn dịch học Drew Weissman tại Đại học Pennsylvania, người đã đóng góp vào kỹ thuật được Moderna và BioNTech được cấp phép, giải thích “Tất cả enzym đều được tạo ra trong vi khuẩn. các nucleotide là kết quả những chế biến theo quy trình hóa học.”

“Toàn bộ chuỗi cung ứng các thành phần và nguyên liệu đi vào các loại thuốc chủng ngừa này là mới.”

Zoltán Kis, Imperial College London

Việc chế tạo ra mRNA — mã cho ‘gai’ protein của virus bên trong tế bào của chúng ta — không phức tạp. Zoltán Kis, một kỹ sư hóa học tại Trung tâm Sản xuất Thuốc chủng ngừa Tương lai tại Đại học Imperial College London, Anh, cho biết: “Phản ứng của hợp chất có công thức đã được xác định rõ ràng và tương đối ít thành phần, cũng như không có tế bào sống hoặc chất bài tiết hoặc mảnh vỡ của tế bào.” Quá trình tổng hợp mRNA mất hai giờ, trong khi việc tạo ra thuốc chủng ngừa mất vài ngày.

Lọc dòng tiếp tuyến (Tangential flow filtration, TFF) là một phương pháp nhanh chóng và hiệu quả để tách và tinh chế các phân tử sinh học. Nguồn: Pall.com

Bỏ Enzym vào dung dịch để phân hủy mẫu DNA, để lại một phân tử ARN dài từ 4000 đến 5000 nucleotide. Chúng được tách ra tùy theo điện tích hoặc kích thước, dùng phương pháp lọc dòng tiếp tuyến hoặc các phương pháp sắc ký khác nhau. Kis giải thích: “Mục tiêu là tinh chế RNA ở mức độ cao nhất có thể đạt được, vì không ai muốn có bất kỳ tạp chất nào có thể dẫn đến tác dụng phụ.”

Tiếp theo mRNA được bọc lại thành các khối cầu lipid. Microfluidics [một kỹ thuật kiểm soát và thao tác chính xác các chất lỏng kích thước siêu nhỏ] phải trộn mRNA và lipid trong một môi trường được kiểm soát. Kis nói: “Đây là nút thắt cổ chai, bước giới hạn tốc độ trong quy trình sản xuất.” Derek Lowe, một nhà hóa học chế tạo âu dược ở Mỹ, người đã viết về quá trình sản xuất mRNA trên blog In the pipe, chia sẻ quan điểm của Zoltán Kis.

Lowe lưu ý rằng hai thuốc chủng ngừa mRNA trên thị trường sử dụng chất béo có sẵn trên thị trường nhưng cũng có thể là “chất béo độc quyền, được đặt làm riêng”. Theo Lowe, những phúc trình tiết lộ ‘kỹ thuật pha trộn rất lạ’ để kiểm soát hình dạng và thành phần của các hạt nano lipid và mRNA. Những công ty dược phẩm khác không thể dễ dàng góp sức.

Lowe cảnh cáo: “Công đoạn sản xuất rất khác thường và phức tạp.” Kis cho biết thêm: “Toàn bộ chuỗi cung ứng của các thành phần và nguyên liệu dùng để sản xuât các loại thuốc chủng ngừa này hoàn toàn mới.”

Kis lưu ý rằng việc cung cấp một số loại lipid chuyên dụng có thể gặp khó khan vì vấn đề sở hữu trí tuệ. Theo Wall Street Journal, những công ty cung cấp lipid cho BioNTech gồm có Merck và Evonik Industries, trong khi Dermapharm ở Đức, Acuitas Therapeutics ở Canada và Polymun Scientific Immunbiologische Forschung ở Áo tham gia vào tiến trình tạo ra công thức.

Có rất ít tổ chức sản xuất theo hợp đồng có chuyên môn và lớn đủ để đóng góp một cách có ý nghĩa vào việc sản xuất thuốc chủng ngừa mRNA. Lowe nói: “Đó phải là những công ty lớn,” và nói thêm rằng chỉ có thể đếm những công ty này trên một bàn tay, ví dụ như Lonza và Catalent. ‘Sẽ chẳng ích gì nếu ai đó nói rằng họ có thể tạo ra 5000 thuốc chủng ngừa khác. Chẳng Ai quan tâm đâu?’

Moderna cho biết họ sẽ sản xuất 1 tỷ liều vào cuối năm 2021, với 400 triệu liều sản xuất tại các cơ xưởng của Lonza ở Visp ở Thụy Sĩ và Portsmouth ở Mỹ. Giai đoạn chiết rót và hoàn tất, đoạn thuốc chủng ngừa được chiết vào lọ thủy tinh, sẽ giao cho các đối tác của Moderna, chẳng hạn như Rovi ở Tây Ban Nha và Catalent ở Mỹ.

Nguồn: © Kenzo Tribouillard / AFP / Getty Images. GSK sẽ giúp sản xuất tới 100 triệu liều thuốc chủng ngừa mRNA của CureVac tại nhà máy ở Bỉ

BioNtech – Pfizer hứa hẹn ít nhất 2 tỷ liều vào năm 2021, với các xưởng chế tạo của Pfizer ở Mỹ và Bỉ hiện đang sản xuất khoảng một nửa tsố đó và BioNTech làm nửa còn lại. Việc nâng cấp cơ xưởng của Pfizer tại Bỉ đã khiến viejc sản xuất tạm dừng trong hai tuần vào đầu năm nay. Đã mất nhiều thời gian hơn dự tính để xây dựng những xưởng sản xuất của Pfizer ở Michigan, Mỹ và Bỉ.

Rentschler ở Đức và Novartis ở Thụy Sĩ đang cung cấp các thành phần khởi động cho BioNTech, cũng như sản xuất một số mRNA. Kis nói: “Không có nhiều người quen thuộc với các quy trình này và có chuyên môn.” Sanofi cũng định sản xuất 125 triệu liều giúp BioNTech, trong khi Dermapharm sẽ mở cơ sở sản xuất thứ hai tại Đức vào tháng Năm. Và Tập đoàn Siegfried đang hỗ trợ việc chiết rót và hoàn tất cho BioNTech.

Một điểm sáng khác là một công ty mRNA thứ ba có thể sớm tham gia vào cuộc sản xuất thuốc chủng ngừa Covid-19 — CureVac. Vào tháng 2, Cơ quan Thuốc Châu Âu (EMA) đã bắt đầu đánh giá nhanh đối với ứng cử viên thuốc chủng ngừa của công ty Đức này. Nó hiện đang được thí nghiệm hiệu quả ở Châu Âu và Châu Mỹ Latinh. Kis cho biết thuốc chủng ngừa này cố một số ưu điểm: nó cần 12µg mRNA cho mỗi liều, so với 100µg dùng trong sản xuất thuốc của Moderna và 30µg của Pfizer – BioNTech. Có nghĩa là 1g sẽ cung cấp nhiều liều hơn.

Phép phù thủy Adeno

Sản xuất thuốc chủng ngừa là một tiến trình nhiều giai đoạn thường đòi hỏi sự hợp tác bao quát. Nguồn: Chad P. Bown (PIIE) and Thomas J. Bollyky (Council on Foreign Relations)

Các thuốc chủng ngừa adenovirus-vector cũng đã gặp những thách thức trong việc sản xuất. Chúng mới hơn những gì người ta  nghĩ, lần đầu tiên được EMA cho phép dùng để ngừa Ebola vào năm ngoái. Thuốc chủng ngừa vectơ Covid-19 dựa vào một loại virus adenovirus của cúm theo mùa bị suy yếu để mang các chuỗi gen đột biến của ‘gai’ vào trong tế bào của chúng ta. Trong khi RNA được tạo ra trong các lò phản ứng sinh học với dung tích vài chục lít, thuốc chủng ngừa vectơ vi-rút lại là một thứ hoàn toàn khác.

Tiến trình sản xuất bắt đầu với một lọ tế bào động vật có vú, nuôi lớn thàng dung ích cả lít, sau đó hàng chục và hàng trăm lít, trước khi lấp đầy các thùng 2000 lít. Kis nói: “Đó là dung lượng bình thường để đưa virus vào, sau đó chúng sẽ sinh sôi lên bên trong các tế bào.” Việc chế tạo các tế bào thận của con người bằng kỹ thuật của AstraZeneca mất tám tuần. Sau đó, virus sẽ mất một vài ngày để sinh sôi lên bên trong các tế bào này.

“Ngay cả trong các điều kiện giống nhau, người ta có thể có được những mức sản xuất khác nhau.”

Derek Lowe

AstraZeneca cho biết họ đã xây dựng cơ xưởng sản xuất ở 15 quốc gia và 25 địa điểm, bao gồm cả thỏa thuận cấp phép với Viện Huyết thanh của Ấn Độ (xem các công ty dược phẩm Ấn Độ là trung tâm đầu ra thuốc chủng ngừa), để cung cấp thuốc chủng ngừa trên khắp thế giới. Mặc dù tuần trước, công ty này đã xác nhận rằng các vấn đề sản xuất sẽ làm giảm việc cung cấp thuốc chủng ngừa sang EU theo kế hoạch. Năng suất từ ​​một cơ sở sản xuất ở Bỉ, của Novasep Holding, được cho là thấp hơn nhiều so với dự đoán. J&J cũng được cho là đã nói với EU rằng họ gặp vấn đề về nguồn cung các thành phần và dụng cụ, vì vậy có thể sẽ gặp khó khăn trong việc cung cấp đủ số liều thuốc đã hứa đến châu Âu vào cuối tháng 6.

Lowe lưu ý rằng các công ty vectơ virus tránh bước pha trộn kỳ lạ và lipid độc quyền của thuốc chủng ngừa mRNA, nhưng phải chế tạo một lượng lớn tế bào người. Lowe nói: “Và nuôi cấy tế bào của con người là phép phù thủy. Tế bào làm những gì chúng muốn.” Ông ấy nghe nói rằng một cơ xưởng của J&J ở Châu Âu với khả năng sản xuất adenovirus ở mức thấp, mà họ đang phải vật lộn để khắc phục nhiều khó khăn. Lowe giải thích: “Ngay cả trong những điều kiện giống nhau, người ta vẫn có thể thu được những mức sản xuất khác nhau, vì vậy đó là điểm yếu trong việc sử dụng những bể khổng lồ chứa tế bào người.”

Các tế bào phải được nuôi ăn trong nhiều tuần và giữ cho chúng sống và sinh sản. Kis nói: “Nó không bao giờ đi đúng kế hoạch ngay từ đầu. Các điều kiện không chuyển trực tiếp từ mô hình cỡ nhỏ sang quy mô lớn, sự pha trộn khác nhau, áp suất khác nhau, sự truyền nhiệt khác nhau. Tất cả những yếu tố này cần được tối ưu hóa ở từng bước. Việc bị nấc cụt là chuyện bình thường.”

Kis giải thích: “Khi có đủ virus, đến đoạn dừng tiến trình và bắt đầu thanh lọc virus ra khỏi một hỗn hợp phức tạp.”

Hỗn hợp này chứa chất đệm, chất dinh dưỡng, lipid, protein và chất bài tiết và tế bào chết. Kích thước virus và điện tích bề mặt có thể được sử dụng để làm sạch adenovirus, nhưng tiến trình này đòi hỏi phải kiểm phẩm nghiêm ngặt. Các đối tác sản xuất phải có kinh nghiệm về các loại thuốc dựa trên tế bào, với khả năng thanh lọc nghiêm ngặt. Không một nhà sản xuất nào muốn đưa thuốc chủng ngừa tạp nhiễm ra thị trường.

Các lựa chọn cho chính phủ và các công ty muốn mở rộng mức sản xuất là xây dựng các cơ xưởng mới, thường mất vài năm, hoặc trang bị thêm hoặc điều chỉnh các đơn vị hiện có. Canada có sự thiếu hụt đáng kể trong việc sản xuất thuốc chủng ngừa nên chính phủ đã tài trợ cho một trung tâm sản xuất dựa trên tế bào ở Montréal.

Kis nói: “Không có khả năng sản xuất them cho một loại virus chưa ai biết, và giờ đây các công ty đang cố gắng đi tìm cơ sở sản xuât.” Có phần tương đối dễ dàng hơn trong việc sản xuất thuốc chủng ngừa mRNA so với loại adenovirus-vector, vì việc nuôi cấy tế bào người để làm thuốc dù đã là cổ điển. Nhưng chuyên môn là điều tối quan trọng.

Vào đầu tháng 3, Merck thông báo rằng họ sẽ hợp tác với J&J để sản xuất thuốc chủng ngừa của mình. Emergent BioSolutions ở Mỹ nói với CNBC rằng họ đang sản xuất thuốc chủng ngừa cho AstraZeneca và J&J và dự định ​​sản xuất hàng tỷ liều mỗi năm. Hơn nữa, quỹ tài sản Nga điều hành việc sản xuất Sputnik V đã nói với Financial Times vào tháng trước rằng họ đã ký hợp đồng với 15 nhà sản xuất ở 10 quốc gia để sản xuất 1,4 tỷ liều.

Khả năng hiện có nằm trong các cơ sở sản xuất protein tái tổ hợp cho thuốc hoặc virus bất hoạt cho thuốc chủng ngừa. Kis nói: “Những thứ đó có thể tạo ra adenovirus, nhưng “người ta không muốn làm gián đoạn thuốc chủng ngừa cứu mạng cho các bệnh khác hoặc các loại thuốc tiêm khác như điều trị ung thư.” Ngoài ra, việc sản xuất adenovirus đòi hỏi các yêu cầu an toàn sinh học nghiêm ngặt hơn so với các kháng thể đơn dòng, chẳng hạn, Amine Kamen, một chuyên gia kỹ thuật sinh học tại Đại học McGill ở Montréal ở Canada, lưu ý rằng cần phải nâng cấp các cơ sở sản xuất sinh học.

Nguồn: © Sputnik / Thư viện ảnh Khoa học. Công ty kỹ thuật sinh học Biocad của Nga đã ký thỏa thuận với Trung tâm Nghiên cứu Gamaleya để sản xuất thuốc chủng ngừa Sputnik V

Ông cho rằng sẽ có sự đề kháng đáng kể của giới sản xuất protein tái tổ hợp, đặc biệt là các kháng thể đơn dòng, để đưa virus vào cơ xưởng sản xuất của họ. Ông cho biết thêm: “Chỉ có các nhà sản xuất thuốc chủng ngừa virus sử dụng phương pháp nuôi cấy tế bào mới chấp nhận sử dụng cơ sở của họ để sản xuất vectơ adenovirus.”

Amine Kamen đồng thời cảnh cáo rằng không có nhiều công ty như vậy: Novartis, Sanofi-Pasteur, Merck và một số công ty khác ở Ấn Độ và Trung Hoa.

Đi đúng chỗ, chọn đúng nơi

Tiểu đơn vị protein là một loại thuốc chủng ngừa truyền thống hơn, đã sử dụng cho bệnh viêm gan B, HPV và một số thuốc chủng ngừa cúm, trong số những loại thuốc chủng ngừa khác. Ứng cử viên hàng đầu là từ Novavax, công ty đã báo cáo kết quả đầy hứa hẹn vào cuối tháng Giêng, 2021.

Thuốc chủng ngừa Novavax gồm một protein có ‘gai’ của Sars-CoV-2, được tạo ra bằng cách chèn một gen vào virus baculovirus lây nhiễm tế bào bướm đêm trong môi trường nuôi cấy. Novavax lưu ý: “Các protein này sau đó tập hợp tự nhiên thành các hình cầu có kích thước gần bằng kích thước của virus, kích hoạt bằng protein chúng tôi chế tạo.” Lowe nói: “Cách này đã được sử dụng trong kỹ nghệ dược phẩm trong một thời gian dài, vì vậy việc giải quyết khó khăn trong sản xuất không còn là nan đề. Đây là một quy trình sản xuất ít rắc rối hơn so với mRNA hoặc adenovirus.” Novavax cho biết họ có các cơ xưởng sản xuất trên khắp thế giới. Kis nói: “Việc tìm kiếm các đối tác sản xuất và chế tạo khá dễ dàng, bởi vì đây là kỹ thuật tốt đã được có từ lâu.

Tuy nhiên, các hạt nano tái tổ hợp phải được kết hợp với tá dược độc quyền của Novavax, Matrix-M, trong thuốc chủng ngừa thành phẩm. Điều này rất quan trọng để tạo ra một phản ứng miễn dịch bảo vệ mạnh mẽ và lâu dài, đồng thời giảm liều của ‘gai’ protein cần thiết.

Tá dược sử dụng saponin từ vỏ của cây Quillaja saponaria ở Chile. Chất này được sử dụng trong các loại thuốc chủng ngừa khác, chẳng hạn như thuốc chủng ngừa phòng bệnh zona của GSK và có thể gây ra những lo ngại về nguồn cung. Lowe nói: “Đó có vẻ như là điểm yếu có thể có của họ.”

Kiểm phẩm nghiêm ngặt là việc cần thiết trong tất cả các tiến trình sản xuất. Kis nói: “Không ai trong số họ chấp nhận rủi ro làm ảnh hưởng đến phẩm chất của thuốc chủng ngừa, bởi vì nếu xảy ra tai nạn, việc đó sẽ gây ra hậu quả rất lớn [đối với việc tiêm chích thuốc chủng ngừa và sự chấp nhận của công chúng].” Các công ty đang lựa chọn để hợp tác với ai, dù có áp lực rất lớn để khai triển việc sản xuất cỡ lớn.

Những thách thức khác còn ở phía trước. Với hàng tỷ liều thuốc cần thiết, những người theo dõi trong ngành cho biết ngay cả khả năng hoàn thành và chiết rót cũng đặt ra nhiều thách thức. Kis cho biết: “Khi ngày càng nhiều thuốc chủng ngừa được phê duyệt và khả năng sản xuất được mở rộng, tiến trình chiết rót và hoàn tất cũng rất có thể sẽ trở thành một nút thắt cổ chai.”

Tinglong Dai, chuyên gia quản lý hoạt động tại Trường Kinh doanh Johns Hopkins Carey, cho biết: Giai đoạn cuối này “đòi hỏi tính hiệu quả trong một môi trường được kiểm soát và được quản lý chặt chẽ. Có rất ít công ty sản xuất có cơ sở hoàn thanh sản phẩm của riêng họ. Công đoạn này đã được ký hợp đồng với như cơ sở khác.”

Tuy nhiên, các công ty dược phẩm sẽ tiếp tục hình thành quan hệ đối tác khi có cơ hội kinh doanh. Một số chẳng hạn như sự hợp tác của Sanofi với BioNTech và Pfizer là hơi bất thường. Lowe gần đây đã mô tả đây là một cuộc hôn nhân có lợi cho cả hai. Kis kết luận: “Tất cả họ đều có những ưu đãi về tài chính. Sẽ sinh rất nhiều lợi nhuận.”

Một số vaccine đang được chính để ngừa COVID-19. Nguồn: https://middle-east-online.com/

Các công ty dược phẩm của Ấn Độ tập trung vào khả năng sản xuất thuốc chủng ngừa

Sanjay Kumar

Trong vài chục năm, Ấn Độ đã phát triển như một trung tâm toàn cầu lớn về sản xuất thuốc chủng ngừa. Quốc gia này cung cấp cho nhiều nơi trên thế giới các loại thuốc chủng ngừa với giá phải chăng, đặc biệt là các nước đang phát triển. Một số công ty Ấn Độ đang trong cuộc chạy đua để cung cấp thuốc chủng ngừa Covid nhưng kinh nghiệm sản xuất trên quy mô lớn đã không giúp họ miễn nhiễm với những bế tắc trong chuỗi cung ứng.

Viện Huyết thanh của Ấn Độ (SII) là cơ sở sản xuất thuốc chủng ngừa lớn nhất thế giới theo số lượng. Gần 65% trẻ em trên thế giới được tiêm ít nhất một loại thuốc chủng ngừa do SII sản xuất. Nó đang sản xuất thuốc chủng ngừa covid Oxford – AstraZeneca dưới thương hiệu riêng của mình, Covishield, và cũng sẵn sàng tự sản xuất thuốc chủng ngừa covid của Novavax. Nó có khả năng sản xuất 50 triệu liều Covishield mỗi tháng và đang có kế hoạch mở rộng quy mô lên 100 triệu liều.

Nguồn: © Punit Paranjpe / AFP / Getty Images. Sản xuất Covishield tại Viện Huyết thanh của Ấn Độ

Bharat Biotech có kế hoạch sản xuất 700 triệu liều thuốc chủng ngừa mà họ đã cùng phát minh với Hội đồng Nghiên cứu Y khoa Ấn Độ, được gọi là Covaxin. Biological E được thành lập để sản xuất 600 triệu liều thuốc chủng ngừa J&J. Và Gland Pharma, Stelis Biopharma và Hetero đã đồng ý sản xuất lần lượt 252 triệu, 200 triệu và 100 triệu liều Sputnik V.

Trong khi đó, Mỹ đã viện sử dụng Đạo luật Sản xuất Quốc phòng để tăng cường sản xuất thuốc chủng ngừa trong nước; SII đã viết thư cho chính phủ Ấn Độ để được giúp đỡ vì họ và những người khác, đang gặp khó khăn trong việc nhập cảng những nguyên liệu thiết yếu — chẳng hạn như môi trường nuôi cấy, nguyên liệu thô, cụm ống sử dụng một lần, hóa chất đặc biệt và hàng tiêu dùng từ Mỹ.

Năm ngoái, giám đốc điều hành của SII, Adar Poonawalla, đã thành lập một công ty mới, được gọi là Viện Khoa học Đời sống Serum (SILS), sẽ tập trung vào sáng chế, sản xuất và cung cấp thuốc chủng ngừa đại dịch. Họ đang chi 300 triệu đô la để xây dựng một nhà máy sản xuất mới ở Pune có thể sản xuất 1 tỷ liều mỗi năm từ năm 2022.

“Tỷ lệ hiệu quả” của thuốc chủng ngừa COVID-1 thực sự có nghĩa là gì. VOX

Tác giả | Anthony King là một nhà báo khoa học tự do ở Dublin, Ireland. Ông viết nhiều chủ đề khác nhau trong khoa học hóa học và sinh học, cũng như chính sách khoa học, sức khỏe và đổi mới.

Sanjay Kumar là một nhà báo khoa học làm việc ở New Delhi và Mumbai, India. Ông đã viết tin về khoa học, kỹ thuật, y tế và môi trường trong hơn hai thập kỷ tại Ấn Độ với các tác phẩm quốc tế hàng đầu. Ông cũng phục vụ trong Hội đồng của ‘Trung tâm Nâng cao Hiểu biết của Công chúng về Khoa học & Kỹ thuật’ và ‘Trung tâm Truyền thông Khoa học-Ấn Độ’.

© 2021 DCVOnline

Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net


Nguồn: Why manufacturing Covid vaccines at scale is hard |  Anthony King, additional reporting by Sanjay Kumar | Chemistry World | 23 March 2021. DCVOnline minh họa bổ túc.