Bách Việt và sự vắng mặt của lịch sử hậu thuộc địa ở Việt Nam

Le Minh Khai | Trà Mi dịch

thucdanKhông lâu sau khi nhiều dân tộc đã là dân thuộc địa trên thế giới giành được độc lập ở giữa thế kỷ XX, một số học giả bắt đầu để ý thấy rằng, bằng nhiều cách, chủ nghĩa thực dân vẫn tồn tại, và nơi nó vẫn tồn tại là trong đầu óc người ta.

 Mặc dù người dân đã được tự do về chính trị, nhưng đầu óc họ vẫn như là dân thuộc địa.

Thực dân và dân thuộc địa. Nguồn:
Thực dân và dân thuộc địa. Nguồn: Albet Memmi

Trong suốt thời kỳ thuộc địa, thực dân đưa ra những ý tưởng về dân thuộc địa và lịch sử của họ. Sau khi kỷ nguyên thực dân kết thúc, người dân từ các nước thuộc địa trước đây “kháng cự” lại thực dân bằng cách “viết lại” những gì thực dân đã viết về họ.

Tuy nhiên, điều lý thú là trong khi “viết lại” để chống những ý tưởng mà thực dân đã tạo ra, người dân thuộc địa cũ đã sử dụng chính những khái niệm của thực dân đã tạo ra, và chỉ đơn giản là đảo ngược chúng lại, biến mình thành ưu việt còn thực dân cũ thì thấp kém hơn.

Đây là hiện tượng mà các học giả gọi là “chiếm thuộc địa về tinh thần”. Đây là tên gọi hiện tượng người dân thuộc địa cũ vẫn dùng những khái niệm mà thực dân trước đây đã tạo ra. Những người không thể vượt qua được những khái niệm mà thực dân tạo ra vẫn đang “là dân thuộc địa về tinh thần”.

Henri Paul Gaston Maspero (Mã Bá Nhạc) (1883-1945). Nguồn: www.jstor.org
Henri Paul Gaston Maspero (Mã Bá Nhạc, 1883-1945). Nguồn: www.jstor.org

Một thí dụ nêu rõ trường hợp này có thể thấy trong một tiểu luận cũ của Keith Taylor. Mặc dù Taylor không phải là thành viên của một dân tộc thuộc địa, tuy nhiên, một bài báo mà ông công bố năm 1980 là một ví dụ hoàn hảo của việc “viết lại” chống thực dân bằng cách sử dụng những ý tưởng mà thực dân đó tạo ra.

Trong một tiểu luận có tựa là “Một đánh giá về thời Bắc thuộc trong lịch sử Việt Nam” (An Evaluation of the Chinese Period in Vietnamese History(*), Journal of Asiatic Studies 23, no. 1:139-63), Taylor trả lời một tuyên bố của Henri Maspero đưa ra ở đầu thế kỷ XX.

Maspero cho rằng trước khi người Hoa đến, người Việt đã không được thống nhất, và chính người Hoa đã dạy cho người Việt cách thống nhất và xây dựng một đất nước hùng mạnh.

Taylor phản biện quan điểm đó bằng cách nói về những nhân vật như Hùng Vương để lập luận rằng người Việt đã từng có một truyền thống chính trị mạnh trước khi người Hoa đến, và vì vậy người Hoa đã chẳng dạy gì cho người Việt cách thống nhất và tạo dựng một đất nước mạnh.

Như thế việc Taylor làm trong bài tiểu luận là nắm lấy những ý tưởng mà Maspero đưa ra và phản bác lại chúng. Nhưng khi phản bác, Taylor đã dùng chính những khái niệm mà Maspero đề ra.

Maspero có đúng không? Liệu có lý không khi nói về một sự thống nhất chính trị cách đây 2000 năm? Hay phải chăng đó là một khái niệm không thực sự thích hợp với giai đoạn lịch sử đó? Có một quốc gia thống nhất và mạnh ở bất kỳ nơi nào trên thế giới lúc bấy giờ không?

Có lẽ không, và dường như đây là điều mà Taylor đã rút ra được, bời vì trong công trình gần đây viết về lịch sử người Việt Nam, ông thậm chí đã không nói gì về những vua Hùng nữa.

A History of the Vietnamese (Cambridge Concise Histories): K. W. Taylor:
A History of the Vietnamese (Cambridge Concise Histories): K. W. Taylor:

Vậy thì làm thế nào một học giả có thể đi từ việc dùng những vua Hùng làm bằng chứng để phản biện ý tưởng của Henri Maspero đến việc viết một cuốn sách về lịch sử về người Việt Nam trong đó không hề nói gì đến những Hùng Vương?

Tôi cho rằng cái đã xảy ra với Taylor là ông đã tự “giải thực” đầu óc mình. Hẳn ông đã đi đến kết luận rằng những khái niệm mà Maspero dùng để phán xét quá khứ là không chính xác, và vì vậy tốt hơn là nên bỏ qua những gì Maspero nói và đưa ra một cách nhìn mới về quá khứ, cách nhìn do chính ông tự tạo ra.

Đây là cái vẫn chưa xẩy ra ở Việt Nam. Và gần đây khi đọc một số bài báo nói về “Bách Việt”, tôi có thể thấy rất rõ điều này.

Nguồn: LMK
Nguồn: LMK

Khái niệm “Bách Việt” được một số người nào đó ở khu vực mà ngày nay gọi là Trung Hoa hơn 2000 năm trước dùng để chỉ những người sống ở phương Nam. Người “Trung Hoa” lúc bấy giờ xem “Bách Việt” là “man rợ”.

Ngày nay có những người Việt đang “viết lại” để chống quan điểm này, và họ đang lập luận rằng “Bách Việt” thực sự, ở nhiều mặt khác nhau, từ đầu đã “văn minh” hơn so với “người Hoa”.

Đây là một ví dụ kinh điển của kiểu học thuật của những người đã là dân thuộc địa về tinh thần tạo ra. Những học giả này làm học thuật để phản bác những tuyên bố mà người Trung Hoa đã đưa ra cách đây hơn 2000 năm. Tuy nhiên, khi làm như vậy, họ đã dùng chính những khái niệm và phạm trù trí tuệ mà người Hoa đã dùng hơn 2000 năm trước.

Điều khác biệt duy nhất là họ đã đảo ngược tầm quan trọng của những phạm trù đó, và cho “Bách Việt” là quan trọng còn “người Hoa” thì không. Nhưng họ vẫn đang dùng chính các phạm trù do “người Hoa” tạo ra.

Đây là sự lệ thuộc về tinh thần, và đó là học thuật kiểu Hoa tâm. Khi người ta dùng những ý tưởng Trung Hoa và đảo ngược chúng, người ta vẫn đang sử dụng các ý tưởng Trung Hoa, và học thuật của họ do đó vẫn mang tính Hoa tâm.

Chỉ khi người ta vượt qua được những khái niệm và phạm trù mà người khác tạo ra, lúc đó họ mới trở nên độc lập thực sự. Đây là điều mà các nhà sử học Việt Nam vẫn chưa làm được.

Cho đến nay, như tôi được biết, chưa có một lý thuyết gia hậu thuộc địa người Việt nào xuất hiện thảo luận về những vấn đề này. Không giống như ở Ấn Độ và ở Thái Bình Dương nơi lý thuyết hậu thuộc địa đã phát triển rất tốt, ở Việt Nam, thì đó [lý thuyết hậu thuộc địa] vẫn là vùng đất chưa được khám phá.

Kết quả là, những cái đầu bị lệ thuộc tiếp tục sản xuất học thuật thuộc địa. Đảo ngược lại những gì thực dân đã nói, họ nghĩ rằng họ đang làm cái mới, nhưng đi theo chính những khái niệm do thực dân tạo ra, họ vẫn bị lệ thuộc về tinh thần và học thuật của họ vẫn mang tính thuộc địa.

Hiện hữu, kháng cự, địa phuong hóa và giải thực. Nguồn: www.showusyourtemper.com
Hiện hữu, kháng cự, quen thuộc hóa và giải thực. Nguồn: www.showusyourtemper.com

© 2016 DCVOnline
Nếu đăng lại, xin đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net”


Nguồn: The Bách Việt and the Absence of Postcolonial History in Vietnam. Blog Le Minh Khai’s SEAsean History,08 dec 13

(*) Keith W. Taylor, An Evaluation of the Chinese Period in Vietnamese History, 1980