Ô tô về nước
Việt Tâm
Thảm cảnh là một mặt họ mời đồng bào về thăm, nhưng hễ đầu đen là họ hoạnh vì cái cớ “song tich”, trong khi những thằng thù “bất cộng đái thiên” thì họ chẳng dám cục cựa một lời.
Thử có một cái nhìn khác
Gần đây dư luận xôn xao về một số các ông/bà lớn tuổi chọn về sinh sống hẳn bên nhà và muốn có chút vốn dưỡng thân, chẳng ai bảo ai, các ông/bà đều chọn đem theo một chiếc xe ô tô về làm của nả.
Thực tình mà nói, cho đến giây phút này, chưa hề thấy có một thông cáo nào từ phía chính quyền Mỹ xác nhận cho phép, hay phản đối việc làm này, thế nhưng thực tế thì đã có nhiều người thực hiện thành công.
Âu cũng là một sự dễ dãi mặc nhiên đối với một xứ sở giàu có, tôn trọng quyền tư hữu. Họ đã chấp nhận cho hàng triệu người đến đây, ở đây, làm ăn, sinh sống, từ hai bàn tay trắng, lập nên sự nghiệp thành đạt và ca ngợi tự do. Ai thích ở thì ở, ai thích đi thì đi, chả hẹp hòi gì khi ai muốn thu vén tài sản để làm theo ý muốn. Còn việc có thực hiện trót lọt không, hay có gặp trắc trở gì chăng là tự mọi người lo liệu.
Thoạt đầu, việc đưa xe về có tính cách hoàn toàn khiêm nhượng. Các ông/bà thực hiện, hoàn toàn dựa trên khả năng sẵn có của mình. Thản hoặc có muốn chơi trội tí ti thì cúng “liệu cơm gắp mắm”, tựu trung là “lực được bao nhiêu thì vén khéo bấy nhiêu”.
Do đó xe thuộc loại làng nhàng, dẫu sao đem về được Việt Nam vẫn có giá trị, vì ít ra không sợ bị pha tạp, thay đổi các bộ phận, để thành thứ xe ba vạ, kiểu ” treo đầu dê bán thịt gió “.
Việc gì cũng thế, ai nhanh chân lợi dụng kẽ hở của buổi đầu “đổi mới” đều được nới tay. Hoặc là giới chức địa phương chưa lần ra tài lặn núp, chưa “ngửi” ra được các trò ma mãnh, hoặc lại được lót tay xì xụt tí tiền thì cả hai đều dựa nhau kiếm lợi.
Thế nhưng lâu dần, mũi các tay có rất thính và tài xoay trở cũng ngày càng tinh vi hơn. Bản thân các ông/bà vốn nghèo xác nghèo xơ, thì con cháu tung hê góp vào cùng kiếm lợi.
Ai có tiền gom tiền, ai có mánh giúp mánh, ai không có “đi buôn nước bọt”, bằng cách kêu gọi kiểu góp vốn kinh doanh. Nên mới để ra từ chiếc xe cà tàng được yêu cầu phải đổi sang hàng hiệu thứ thiêt. Họ đưa hẳn một danh sách và các thủ thuật khai báo để yêu cầu người cộng tác “cứ như thế như thế” là mọi việc sẽ trót lọt.
Đùng cái bên Việt Nam nhận ra ô hay sao các ông/bà về dưỡng già của nả đâu mà lắm thế? Chả nhẽ ai sang Mỹ cũng nhiều lắm tay nải khi đi mà giờ trở về đều sắm nổi chiếc xe oách làm sao.
Ngặt cái, những tay ma thuật chộp đúng thời cơ thường ba hoa cái miệng, lắm khi vớ được ít thì xuýt ra nhiều. Cái tai các giới chức thẩm quyền lúc nào chả vểnh lên nghe ngóng và khi chộp đúng tần số “ga len” là khuếch đại hết tầng âm thanh để điều nghiên xem bọn họ đang “âm mưu dự tính gì đây”.
Thế là vờ lơ thì vẫn cứ vờ, nhưng từng bước cái dây thòng lọng từ từ xiết lại. Tội nghiệp món béo bở thì chúng ăn sạch sành sanh, vỏ cũng đã phi tang xóa béng, trừ những ông/bà vưa bắt được cái ” tuy dô ” bước vào thăm thú, thử mần ăn một chuyến là dính chấu.
Kiểm soát nhập khẩu vung mẻ lưới, chờ con số đông đông là dùng máy kéo vớt tung lên. Dính một loạt toàn những con Mer, con Rolls Royce, BMW, Lexus, 4 Runners, Lamborghini, Porsche… làm điên đầu điên óc các tay áp phe hết trọi.
Người kêu oan, kẻ gào bị bắt chẹt um trời. Thậm chí có ông/bà quá đau lòng chạy đôn chạy đáo, đòi cả Ha lẫn Thượng Viện Mỹ phải can thiệp, để gỡ món tiền đang bị thu giữ.
Ô hay, việc đi buôn, các vị tự động làm, chẳng hỏi han trình báo cùng ai, đến khi hoạn nạn thì lại định nhờ tay người cứu giúp. Mà ai giúp được các vị? Người ta còn lo be bờ giữ kẽ nhau đấu đá ở 2 viện chưa xong, hơi đâu để tâm đến ba cái việc “lăng nhăng nó quấy ta” của các vị.
Phương chi đối với một xứ sở “quân hồi vô phèng”, luật để đó chơi, trong khi lệ thì cứ như vườn Cúc Phương rậm rịt. Địa phương nào cũng là chúa tể sơn lâm, đẩy đưa nhau, như lừa bóng trên sân cỏ.
Cứ nhìn cách cư xử của họ mà xem thì rõ. Từng bước, từng bước họ o ép, gạ gẫm đòi mua rẻ cho quan chức sở tại, bị từ chối thì họ giở luật chầy luật cối ra chơi. Đằng nào cũng chết, bán thì may ra góp lại đủ vốn, còn không thì tay trắng như chơi.
Đã bao nhiêu người chết cay chết đắng, đau thương bỏ của chạy lấy người, vậy mà vẫn chưa quên bài học sơ đẳng đó. Trừ phi các ông/bà có gốc gác, vun quén bằng 3 chữ T (Thân, Thế, Tiền), còn không thì có giời mới cứu nổi.
Cứ nghĩ đi, chạy một chân vào chỗ hái ra tiền như thế tốn bao nhiêu công sức, nước bọt và chi đãi. Không lẽ họ ngồi đó hiền từ mà không ngọ nguậy cái mũi đánh hơi, dỏng tai lên nghe nghe ngóng ngóng, còn thêm cái tính đa nghi quá đáng hơn cả Tào Tháo, trách chi họ chẳng chịu khó quậy.
Nào vậy đã hết, tháng tháng họ còn phải quà cáp giữ chỗ, đóng đủ thứ tiền góp, hụi chết cho các nơi, nếu không bổ vào đây thì lấy đâu ra? Dẫu có móc túi cũng chẳng có xu teng là khác.
Giá như các ông/bà đem xe về mà sẵn được anh Ba, anh Tư chờ đón, hay các anh chỉ cần nhấc cái tồ lô phôn lên ho hắng và nhắn nhủ, “của Oa đó nghe cưng” họa may mới thoát hiểm mà thôi.
Nói cho công bình, lắm ông/bà quả cũng tội. Nhịn ăn, nhịn mặc, nhín nhín nhút nhút, có khi nước sở tại nài xin mỗi năm chỉ dăm đồng cho các chương trình từ thiện thì các ông/bà lơ đẹp. Vậy mà tiền mua xe cỡ vài chục nghìn Mỹ Kim đâu ra lắm thế.
Nhẩm tính trên bàn tay, số ông/bà sang đây từ ngày mới di tản, có qua thời gian đi làm nay được lĩnh lương hưu chắc là “xưa nay hiếm”, còn phần lớn đều thuộc “trâu chậm uống nước đục”, vậy mà nay cũng oách có xe hàng hiệu thì thử hỏi tài đâu “thánh” thế.
Đừng nghĩ Ngố tôi xác xơ, cỡ cái bang nhiều túi nên sinh lòng ghen tị, đến chua chát cả với đồng khói, đồng hương. Đau lòng lắm chứ, người mất cũng là chính mình mất, bao nhiêu năm công cốc để chúng sơi loáng cái mất tăm. Mất của đã đau, lại có người uất ức đổi mất luôn cả mạng thì bảo sao không là thảm họa?
Nhưng cứ nghĩ đi, ở cái đất nước vốn ưa “bắt bí” nhau, xin xỏ từng 5 đồng Mỹ Kim cà phê cà pháo, vòi từng vài chục Mỹ Kim vì một cái điện thoại mang theo thì bảo họ ngơ đi cái món bở béo hàng ngàn tiền thuế có họa họ điên nặng.
Thảm cảnh là một mặt họ mời đồng bào về thăm, nhưng hễ đầu đen là họ hoạnh vì cái cớ “song tich”, trong khi những thằng thù “bất cộng đái thiên” thì họ chẳng dám cục cựa một lời.
Đấy là những ý nghĩ chân thành của Ngố tôi. Sự thực mất lòng, nếu các ông/bà không cảm thấy vui cũng đánh chữ “đại xá” cho. Đừng giận dỗi, chê bai, hay thậm chí ào ạt ném đá thì Ngố tôi chắc là ngộp, không chống đỡ nổi.
© 2013 DCVOnline