Chú Tư Mến

LeVinhHuy

travinh2Thường cặp kè với chú Sáu Sơn là một ông đầu hói láng lẩy, nhỏ người mà lớn tiếng, đó là chú Tư Mến.

Xưa có vợ chồng ông Chệt Cái người Tiều chèo ghe mua bán ve chai lông vịt, lưu lạc ngang vùng này rồi lên bờ cắm rễ ở lại luôn, họ được 6 người con, trong đó có chú Tư.

Ông Chệt Cái dựng chòi chỗ đất giồng giáp sóc Khmer để bán chạp phô. Tiệm chạp phô Chệt Cái hẻo xơ xác, chỉ treo lơ thơ vài củ tỏi, mấy bọc tiêu, với xâu bánh dừa lủng lẳng. Bán chạp phô cho có, chứ cả nhà phải đi làm mướn, ai kêu gì làm nấy, cực trần ai mà vẫn lây lất bữa đói bữa no.

Tiệm chạp phô. Nguồn: OntheNet
Tiệm chạp phô. Nguồn: OntheNet

Nhắc lại chuyện xưa, chú Tư cười tủm tỉm:

– 16, 17 tuổi đầu tao còn mặc độc cái quần tà lỏn mục tét háng, lòi d. mốc cời, làm Sáu Sơn cứ theo dòm lom lom nhiễu nước miếng!

– Dóc tổ, dám thề mút tay bà mụ Liễu hông? Mốc kịp cho mà ham! Chẳng bằng cha mài mòn d. bóng lưỡng chỗ bộ vạt nhà con xẩm Ngánh ở Rạch Lọp! Ê mậy, va nghèo thúi củ hủ mà dám mê con đó nhà giàu nứt vách xứ Bắc Trang. Va phải mượn quần dài đi cua gái, bị ông già nó chửi: “Đồ miểng dừa muốn đụng chén kiểu”, khé khé!

Bị vố đó, tao đấm đách vô gái Tàu, nghe lời ông già về cưới vợ Miên luôn, vậy mà hay…

Hay là ở chỗ sau khi chú cưới thím Tư thì quán chạp phô Chệt Cái được bà con Khmer xúm nhau hết lòng ủng hộ, việc mua bán ngày càng khấm khá, khuếch trương bề thế. Ở vùng này những gia đình chồng Chệt vợ Miên đều ăn nên làm ra cả, chả ai phải chịu nghèo hèn bao giờ, phần lớn là nhờ bà con Khmer đều thương chàng rể Hoa kiều, nhìn nhận đó là người mình. Đã được bà con Khmer xem như người mình thì việc làm ăn vạn sự hanh thông. Sự trung tín trong doanh thương của người Hoa cùng sự ủng hộ vô điều kiện của cộng đồng Khmer hình thành một thế lực hùng hậu đủ sức nâng đỡ cả một dòng họ.

Mấy người con ông Chệt Cái sau đó lần hồi ra riêng, đều được ông cấp vốn cho mở xưởng máy quy mô ở các tỉnh. Mỗi mình chú Tư ở lại quê nối nghiệp làm ruộng, bán chạp phô. “Ruộng tao đâu cỡ hăm bốn, hăm lăm mẫu; nhà cất bậy vài căn lầu ở Sài Gòn cho mướn chơi, đặng vài tháng có tiền mua vé máy bay dắt thím Tư mầy du lịch Tây Tàu”.

Những ruộng đất đó đều là của đồng bào Khmer sang nhượng lại cho chú. Đất đai ngày càng bạc màu, phân bón ngày mỗi tăng, mà giá lúa ngày càng rẻ mạt, họ chỉ còn nước cầm cố mảnh đất ông bà để lại… Chú Tư mua đất và cho chủ cũ thuê lại giá ưu đãi nhưng với điều kiện phải tuân theo sự điều hành của chú. Giống má, phân bón chú cấp đủ, mỗi tháng lại phát lương cho đôi ba triệu, khi thu hoạch sẽ tùy năng suất mà có thưởng thêm trọng hậu; họ chỉ phải bỏ công canh tác, khỏi lo thất mùa. Đầu ra thì đã có cô Năm Dùng, em gái chú Tư mở chành lúa ở Cái Bè, khỏi sợ bị dìm giá. Thành ra đời sống người nông dân Khmer sau khi bán đất cho chú lại sung túc và ổn định hơn xưa.

Sản nghiệp mênh mông, tưởng có thể ung dung nằm đưa võng mơn râu an hưởng tuổi già, nhưng ông lão gần bảy mươi vẫn lụi hụi ra đồng thăm lúa mỗi ngày. Chiều chiều, các anh chị nông dân Khmer lại tụ về nhà chú uống trà và nhận lệnh công tác sáng mai do các con chú cắt đặt. Dù mấy người con của chú giờ đều thạo việc trông coi đồng áng, nhưng hừng đông nào người ta cũng thấy cái dáng lùn lùn của chú Tư khuỳnh hai tay phóng Honda rảo quanh một vòng; kiểm tra chỉ là cái cớ, thật ra là ông già nhớ ruộng, không ra thăm không đặng – âu cũng là một kiểu trời hành!

Chú Tư nói tiếng Khmer còn rành hơn tiếng Tiều. Lúc nóng lên, mặt chú đỏ phừng phừng, gân cổ gân trán nổi có vằn, tuôn cả tràng tiếng Khmer sùi bọt mép, trong đó có khi tui nghe được tiếng “chây me” là tương đương với tiếng “đù oả” của ông già tui… Mà đời giờ có nhiều cái dễ nóng mới ác đạn cô hồn chớ, hén ông bạn già yêu quý!

Như bận chú đắp lộ Đồng Khoen chẳng hạn, đó là con lộ đất độc đạo băng qua cánh đồng trên giồng dẫn vô xã tui, rộng cỡ ba thước, dài hơn hai cây số. Mùa khô thì cỏ mọc um tùm, hồi đó có lần tôi đi tới khúc giữa đồng, gặp rắn hổ ri bò ngang mặt lộ. Mùa mưa, đất trơn như đổ mỡ, đi chưn không còn phải chống cây gậy mới đở bị té; con nít trong xã phải gởi xe đạp bên kia đồng, chống gậy như bộ dội Trường Sơn để tập kết ra chỗ gởi xe rửa ráy, thay lại đồng phục rồi mới tới trường.

Xứ sở của cây xanh và chùa cổ. Nguồn: http://nhocharuka.wordpress.com/
Xứ sở của cây xanh và chùa cổ. Nguồn: http://nhocharuka.wordpress.com/

Chú Tư xót ruột:

– Chây me! Học trò đi học mà sao cực quá Tam Tạng thỉnh kinh!

Chú về tập họp bà con Khmer trên giồng lại, ra lệnh sửa đường. Hơn năm mươi trai tráng xúc đất đổ cát trang bằng ổ gà ổ trâu cả hai ngày trời mới làm được mặt lộ phẳng phiu. Ngoài ra chú còn thuê 4 thanh niên thường xuyên túc trực trên đường, mùa mưa thì đắp lại chỗ đất sạt lở, mùa khô thì làm cỏ cho thông thoáng. Dân xã tui từ đó không còn phải chịu nỗi khổ bị cô lập mỗi khi mưa về. Đài truyền hình tỉnh xuống phỏng vấn, cô phóng viên trắng hồng vừa bảnh vừa ngộ như Tây lai nhí nhảnh hỏi:

– Chú Tư ơi, chú có suy nghĩ gì khi bỏ công của ra làm việc sửa đường giúp đỡ bà con?
Chú Tư Mến tui đưa tay vuốt ngược lật mấy sợi tóc bạc lưa thưa trên cái trán hói ra sau ót, đủng đỉnh trả lời:

– Suy nghĩ gì đâu cô ơi, sửa đường cho dân là việc của nhà nước, ngặt cái xã này hẻo lánh quá, như nằm trong kẹt háng nên chớ thấy ai lo. Thôi thì háng mình ngứa mình phải tự gãi, tui mới kêu sắp nhỏ sửa bậy đại vậy mà!

Bà con nghe ổng phát biểu trúng khía vỗ tay hoan hô rần trời, vậy mà chừng lên truyền hình thì đoạn đó bị cắt đâu mất tiêu, hỏi tức hông chớ?

Lộ sửa ngon lành thì cánh lái nhãn bán qua Trung Quốc lúc trước vốn phải dùng ghe lòi hàng ra Phong Thạnh, giờ cho xe tải chạy thẳng xuống ầm ầm, làm hư đường ráo trọi. Chú Tư lên tỉnh đặt làm cái bảng cấm tròn tròn với vạch đỏ, ở giữa có hàng chữ “Cấm xe trên 5 tạ” cắm ngay đầu lộ, chỗ quẹo vô xã. Công an huyện gởi giấy mời, chú bị phạt hết mấy triệu. Trạm canh đầu lộ của chú Tư bị giở bỏ vì sái luật, nhưng cánh tài xế xe tải cũng chẳng ma nào dám cho xe vô “lộ Tư Mến”. Cứ hễ có xe tải quẹo vô lộ đất là bà con Khmer rủ nhau ra dàn hàng ngang rải đầy hai bên lộ đứng ngó chơi, ngó chơi thôi chứ chẳng làm gì động tới ai, dù bọn họ trẻ già trai gái gì hai tay đều cầm hai cục đá xanh, có cục bự bằng cái tô. Con lộ đất đó sau này do có công ty nọ xuống xã đầu tư, nhà nước mới cho trải nhựa lại và dựng bảng tên đường là cái Hương Lộ 65 gì đó, nhưng bà con trong xã vẫn quen miệng kêu là Lộ Tư Mến!

Xã tui nghèo mạt rệp, tới giờ vẫn còn trong diện 135. Nói nào ngay, nhà nước cũng có quan tâm chiếu cố, làm cho mấy cái lộ đan xuống các ấp. Một trong những lộ đan đó đang chạy thẳng tự nhiên nổi hứng quẹo cua cái rụp tới trước sân phơi lúa nhà ông Hai Đảnh bí thư huyện là ngưng ngang, chắc nó mệt nên dừng lại đó nghỉ luôn. Bữa đó đang trưa, chú Tư đi Honda ào ào, bóp kèn tin tin, nẹt pô phành phạch, tới dựng xe trước nhà bí thư. Ông Hai Đảnh thấy quới nhơn lật đật nhảy xuống võng ra tiếp:

– Anh Tư ghé chơi có gì hông anh Tư!

Chú Tư Mến tui khệnh khạng giở nón bảo hiểm, tháo kiếng mát, rút khăn giấy lau mồ hôi trán, rồi tà tà bước tới bụi chuối trước sân, vừa vạch quần vừa trả lời:

– Tui có rảnh đâu mà đi thăm quan, lỡ đang đi giữa đường tự dưng mắc đái, mới quẹo vô đây xả bộng đánh dấu đường đan chơi cho đã vậy mà!

Con lộ đan sau đó được làm tiếp vô sâu hơn trong ấp, bà con họ nói, đúng sai thể nào hổng biết à nghe, là nhờ được ông Tư Mến đái mà con lộ nó hết mệt, ráng dậy lết tiếp!

Ngoài làm lộ đan ra, nhà nước còn xây cất nhà tình thương cho mấy hộ nghèo. Lễ tân gia xôm tụ và cảm động lắm, có cả quan chức trên tỉnh trên huyện xuống dự, diễn văn khai mạc bế mạc trang trọng đàng hoàng. Nhà nào cũng được cái vinh dự gắn bảng bự tổ chảng Nhà Tình Thương do đ/c gì gì đó, bí thư, chủ tịch hay giám đốc sở gì gì đó trao tặng. Mấy người đó chui ra chui vô căn nhà do nhà nước và nhân dân cùng làm đó chắc nhớ ơn người trao tặng không biết để đâu cho hết.

Chú Tư cũng có cất nhà cho vài hộ Khmer bằng tiền túi riêng của mình ên chú. Chú thím Quâne được chú Tư xây cho cái nhà đúc, lại cho tiền mua cặp bò, còn xây luôn cho cái chuồng bò. Hổng biết nghe ai bày, chú Quâne đặt làm cái bảng “Nhà Tình Thương Mến Thương, do Lục Văn Mến tặng Thạch Quâne” để gắn thêm ngoài mặt tiền. Dòm thấy cái bảng, chú Tư khoái chí cười tủm tỉm, không nói gì.

Chừng làm lễ tân gia, chú Tư mời gần hết cán bộ quan viên từ tỉnh tới huyện, xã. Cắt băng khánh thành xong, trước khi trao chìa khóa nhà cho gia chủ, chú Tư đưa tui búa đục, biểu giúp chú tháo tấm bảng kia xuống. Cầm tấm bảng mica dày 3 li, chú Tư Mến tui quật nó bể làm đôi:

– Bà con nghe đây! Chây me! Tư Mến này được xây nhà cho lục Quâne là vinh dự cho Tư Mến lắm! Còn vụ đề tên mình trước cửa người ta thì hôi nách lắm, Tư Mến xin đập bỏ, bà con thấy tui nói đúng hông ta?

Tui quại búa đập thêm cho tan nát tấm bảng:

– Nói đúng lắm, chú Tư ơi!

Bà con mình đứng lặng rưng rưng, còn các quan chức thì mặt mày lúc đỏ lúc xanh, ai nấy đều quên vỗ tay hưởng ứng thầy trò tui…

Khà khà, bữa nay tán dóc tới đây thôi nghen chú Tư, chú Sáu! Con còn phải về tập viết bờ lốc chơi. Anh Năm ơi!… À, chú Tư tính tiền rồi hả, vậy thì thôi, nhớ coi chừng đừng ghi lộn thêm vô sổ tui nghe cha!


Nguồn: CẶP BÀI TRÙNG (2): Chú Tư Mến. Blog LeVinhHuy, 2011/03/29.