Những kỷ niệm đẹp khó quên của một Boat people trên đường tỵ nạn sau 1975
Nguyễn Văn Lục
Cuộc vượt biên bằng đường bộ hay đường biển nào cũng đầy bất trắc và mối nguy hiểm cả đến tính mạng. Mười người vượt biển, rơi rụng cách này cách khác, bao nhiêu người đến được bến bờ tự do, không ai đoán trước được.
Đã có nhiều người vượt biển hay vượt biên đã trả giá bằng chính mạng sống của mình, hoặc bạn bè, hoặc chính vợ con họ. Và nhiều người sau này, có đủ tư cách hơn tôi, họ đã viết thành sách. Những bi kịch ấy hoặc đầy phẫn nộ, hận oán cộng sản, hoặc đầy thương tâm vì những hoàn cảnh đầy éo le, mất mát đọc mà nhiều khi đến rơi lệ.
Thương cho họ, thương cho mình và thương cho hoàn cảnh đất nước lâm cảnh chia lìa, nhà tan cửa nát không cách chi đền bù được.
Vì thế, thật ít có ai nói đến những kỷ niệm đẹp, những may mắn, những niềm hy vọng đôi khi cũng xảy ra, cũng có thật. Phải chăng do may mắn? Phải chăng còn do số mệnh? Tất cả đều có thể. Và có thể điều ấy rơi vào hoàn cảnh của bản thân kẻ viết bài này. Những may mắn mỏng manh như chỉ mành treo chuông, nhiều khi hồi tưởng lại như thể một giấc mơ.
Sau 1975, dù không phải đi học tập cải tạo, tôi cũng cảm thức được sự bức bách, kềm kẹp, một nỗi đau hiện tại và một mất mát một quá khứ vàng son cộng thêm mẹ mất, các anh em tứ tán một người một nơi nên tôi quyết tâm tìm cách phải vượt biển như nhiều người khác.
Tôi xin được kể lại hành trình vượt biển như một kỷ niệm cũng đầy lo lắng, trằn trọc toan tinh mất ngủ, sợ hãi cũng không thiếu.
Số là năm 1979, nhà nước cộng sản có xung đột với Tàu cộng sản nên có chính sách xua đuổi người Hoa ra khỏi Việt Nam dưới dạng đi bán chính thức. Và nhiều người gó Hoa đã lâu đời đã bám rễ làm ăn ở Việt Nam cũng quyết định ra đi.
Người Hoa đứng ra tổ chức các chuyến đi này. Họ bán tài sản, thu gom tiền bạc rồi thuê tàu thuyền, thuê tài công, liên lạc với nhà nước cộng sản, thu tiền một cách công khai mỗi người như một cách đóng hụi chết. Chính quyền cộng sản nhất là giới công an địa phương thì vừa có lợi nhuận, vừa hợp chính sách nhà nước, một công đôi ba việc, bên nào cũng có lợi.
Tôi qua trung gian một người bạn, anh này quen anh tài công cũng đóng tiền cả một năm trước, tổng cộng 18 lạng vàng. Tôi 12 lạng, con trai tôi 6 lạng. Chuyện họ chia chác thế nào giữa chủ tàu, tiền mua tầu, tiền nộp cho chính quyền cộng sản tôi không biết. Và cũng chẳng cần biết.
Chiếc tàu vượt biển của tôi vốn là một tầu đánh cá xa bờ, bloc 6 máy, dài độ 21 mét. Hình thù nó đặc biệt, mũi nhọn — tàu đánh cá trên sông lạch mũi tròn — vỏ tàu bằng gỗ và chở hơn 400 người. Họ làm thêm một khoang trên mặt tàu như một căn nhà hai tầng, một tầng hầm và một tầng nổi. Sau khi ra khơi, nó chồng chềnh nghiêng ngửa, nặng trên nhẹ dưới nên đành quay về. Nó dạt vào nơi nào, tôi cũng không biết. Chỉ biết, chỗ đó, đường đi đầy những con tép phơi để làm mắm, dài chừng 5, 10 phân lẫn với bùn đất. Chủ tàu cho người về thành phố mua nhiều can nhựa và những túi đựng cát tại địa phương để chèn xuống hầm tàu cá. Họ tuyển thêm được một thợ máy vốn chuyên làm các tảng nước đá đông lạnh. Sau này, anh thợ máy này đã cứu sống chúng tôi, vì đã sửa được máy tàu hư giữa biển.
Hai ba cái hên dồn dập
Cái hên lớn nhất là khi gặp trục trặc phải quay về đất liền, Boat People chúng tôi được quây lại, thong dong, không bị tội giam vì vượt biên.
Vì thế, ngày khởi hành đã định, tôi đi chính thức tại Mỹ Tho, có sự chứng kiến của công an địa phương. Tên giả của tôi là Tchen Chin Ho. Công an cầm danh sách tên từng người một mỗi khi chủ tàu đọc tên. Đến lúc họ đọc tên Tchen Chin Ho, tôi đã cố học thuộc lòng, nhưng luống cuống thế nào quên béng mất, đọc hai ba lần mới sực tỉnh và vội dắt thằng con trai lớn mới 7 tuổi lên tàu. Thật hú vía. Tên công an gắt nhặng xị, nhưng tôi đoán biết y cũng biết tôi là người Việt mà vẫn lờ đi.
Chỉ có điều kỳ quặc, ông chủ tàu quát: Anh kia đứng ra một bên. Tôi sợ hãi líu ríu đứng ra một bên. Ngay lập tức, tôi thấy anh tài công tiến lại chỗ ông chủ tàu đứng, nói nhỏ điều gì với tên chủ tàu không biết. Ông chần chừ một lát lại quát: Anh kia lên tàu.
Chuyện xảy ra chớp nhoáng không đầy một hai phút đã thay đổi số phận bố con tôi từ chỗ chết đến chỗ sống. Giả dụ, tôi không được đi thì số phận con tôi và vợ với một con nhỏ ở nhà sẽ ra sao. Chúng nó có thể trở thành cu ly, cu leo, đâu có cái cơ may làm người như hiện nay ở xứ người.
Chuyến ra khơi với niềm hy vọng
Thật ra, lúc ở ngoài biển, tôi chỉ có một nỗi lo. Nếu xảy ra chuyện gì thì tội cho con trai tôi, vì nó chẳng biết gì lại chôn vùi nơi biển cả.
Thật vậy, chẳng biết ra ngoài khơi, anh tài công, vốn là trung sĩ quân cảnh, kinh nghiệm trên biển hẳn là không. Anh lái thế nào mà loanh quanh ngoài biển đến 7 ngày đêm.
Những ngày đầu tiên, thuyền chúng tôi đi như trong cõi vô định, không biết đâu là bến bờ, chỉ biết cứ hướng Nam mà đi. Chủ thuyền và con cái thắp hương, khấn vái thấy mà lo. Đâu đây, nhiều tiếng A Di Đà Phật.
Đặc biệt mùa tháng năm, cái may trời cho người tỵ nạn là biển lặng như tờ. Có lúc thuyền chết máy; lúc này trông chờ vào anh thợ máy loay hoay sửa chữa; một chốc sau máy tàu nổ lại, kêu sình sịch.
Ban đêm, nhô mình nhìn làn sóng lăn tăn như mặt nước hồ. Tôi thầm nghĩ trong bụng không nói ra. Nhưng đúng là một phép lạ Hy Lạp.
Thuyền chúng tôi cứ hướng Nam trực chỉ không biết là ngày thứ mấy và thay vì giạt vào Mã Lai hay Thái Lan, nó chạy tuốt đến ngày thứ sáu thấy một vùng sáng như một thành phố..
Thuyền chúng tôi cứ thế hướng tới đầy hy vọng và phấn khởi vì nghĩ rằng đã đến được bến bờ. Lúc đến gần mới té ra chỉ là một giàn khoan dầu.
Tôi được anh tài công chỉ định làm thông dịch viên dởm cùng với tài công lúc này trở thành ông thuyền trưởng đại diện lên giàn khoan. Giàn khoan có một căn phòng rộng rãi, đầy bản đồ, người đại diện chuyền những bi đông nước, dầu cặn và thực phẩm không biết là bao nhiêu, rồi người đại diện còn chỉ vẽ cho ông thuyền trưởng hướng đi, tọa độ, địa điểm. Tôi chỉ thấy ông thuyền trưởng gật đầu lia lịa như am hiểu hết cái gì cũng Yes,Sir. Phần tôi, đứng ngu ngơ như vịt nghe sấm, chữ được chữ không.
Trên đường vào đất liền, thuyền chúng tôi gặp nhiều thuyền đánh cả của dân địa phương lô nhô tình nguyện dẫn đường vào đất liền một cách rất thân thiện.
Hình như họ đã quen với chuyện dẫn đường này rồi, cũng không đòi tiền mãi lộ chi cả.
Đến nơi mới được biết đây là đất nước Indonesia mà tuyệt đại đa số đều theo Hồi giáo. Hơn 230 triệu dân, 87%. Tôi không cần biết Hồi giáo quá khich, cực đoan như sau này biết được.
Mặc ai nói thế nào, những người Hồi giáo Indonesia là những người tử tế có đầy tình người.
Chúng tôi đến được ở trên một đảo nhỏ có tên là Terempa, nơi đó có khoảng 3000 người dân tỵ nạn tập trung về đây rồi. Gần đó còn có đảo Cucu, có thể đi xuyên rừng qua lại gặp nhau, tìm người quen.
Chẳng bao lâu sau, Ủy Ban LHQ đến lập danh sách, phát phần gạo và thực phẩm, phần lớn là cá khô.
Tôi lại tình cờ có duyên may gặp ông Bánh bao Cả Cần; ông vốn có phần hùn với chủ tầu nên cuộc sống rất dư dả. Ông cũng là người bỏ tiền thuê người lên rừng đốn gỗ, làm một cây cầu bắc qua suối cho bà con tắm rửa. Ông lại nghe ai nói, tôi vốn là thày giáo — mà hễ cứ là thày giáo thì hẳn thông thạo tiếng Anh, tiếng Pháp — nên nhờ tôi dạy các con gái ông như Mỹ Tiên, Mỹ Trinh, các con trai như Tiến, Tới, v.v. Đã cùi hủi còn sợ chi, tôi liều mình nhận dạy. Chữ Pháp vốn thông thạo, chữ Anh thì tôi nhặt nhạnh các tờ báo rồi đoán ra, thày học trước, hôm sau dạy cho học trò.
Mỗi tháng, ông trả cho tôi khoảng 10.000 Rupia — tương đương độ 100 đô la Mỹ, tôi không nhớ rõ lắm — nên tôi có tiền chợ mua cá tươi, rau tươi và đặc biệt, ở đây có rất nhiều sầu riêng, ăn thả cửa mà dân địa phương làm thực phẩm ăn mỗi ngày. Nhân tiện đây xin thưa với quý vị là cây Sầu Riêng được trồng trên các khu đồi mà cây cao cỡ vài chục thước. Quả chi chít. Người muốn hái sầu riêng phải núp dưới gốc cây, chờ một cơn gió thổi mạnh, quả rơi lộp độp xuống mặt đất, vội chạy ra nhặt vào, rồi lại đợi cơn gió tới. Tuy nhiên, một người trai tráng khỏe mạnh chỉ vác được 6, 7 trái là cùng. Tham cũng không được. Chưa kể, gai cứa vào người khi vác đi.
Sau này, ông Cả Cần cũng dọn về thành phố Montreal cùng một nơi tôi ở. Tôi đã có thời gian ban đầu, khi ông mở nhà hàng, giúp ông các chuyện này, chuyện nọ, giao thiệp như một nhân viên nhà hàng. Và tình nghĩa ấy sau 40 chục năm, thỉnh thoảng, tôi dẫn các con cháu đến quán Cả Cần, nhất là restaurant với Mỹ Tiên sau này.
Cái hên bị lừa đảo
Sau này, khi đã ổn định trên đảo, trong lúc ngồi rảnh rỗi, trà dư tửu hậu, anh tài công tên Chín có dịp hỏi tôi. Anh có biết tại sao khi chủ tàu gạt tôi sang một bên, rồi lại được cho đi không. Tôi cho biết là quả tình không biết. Anh Chín cho biết, nghĩ thương tình hai bố con anh, tôi nói nhỏ với chủ tàu, ông này vốn là thày giáo, trên tàu cần một người thông thạo tiếng Anh để khi gặp tàu ngoại quốc có thể cứu giúp hoặc chỉ đường. Ông chủ tàu ngần ngại rồi chấp thuận. Số là người bạn tôi tên Đạo chỉ giao nộp có một lượng vàng và y cất giữ số còn lại nên chủ tàu loại tôi ra.
Nhân dịp này, tôi xin một lòng tạ ơn anh Chín, một người tốt bụng với vợ con đùm đề và đi định cư tại Đức. Anh là một người đáng kính.
Còn riêng Đạo, tôi hoàn toàn im lặng như thể không có chuyện gì xảy ra. Sau này, anh đi định cư tại Mỹ, có viết thư. Tôi im lặng không trả lời. Anh quả thực là một người xấu.
Phần tôi, tôi chỉ nhìn nhận mình trong cái rủi có cái may mà thôi.
Người Hồi giáo dưới con mắt của tôi
Lại nói về người Indonesia, phần đông dân chúng ở xa các thành thị đều rất hiền lành và chất phác. Các viên chức huyện hành chánh ngay cả các ông mà dân gọi là Chúa đảo cũng đến thăm trại và nói chuyện thân tình.
Sau này, nghe đến Hồi Giáo thời tổng thống W. Bush con gọi là Hồi giáo cực đoan qua cái chết Saddam Hussein, tôi nghĩ cũng cần xét lại cho công bằng.
Từ trại, chúng tôi có thể đi bộ ra huyện hành chánh nơi đây có thể mua thực phẩm — trừ thịt heo vì đạo Hồi cấm không cho phép ăn — hoặc mua sắm quần áo, máy móc như các máy Cassette đủ loại. Khi rời đảo, nhiều người khệ nệ vác theo các máy cassette chẳng có dấu vết gì của dân tỵ nạn khốn khổ cả.
Sự tử tế còn thể hiện đầy chân tình khi chúng tôi rời nơi đây để tập trung về đảo Galang trước khi định cư. Trên bờ, trước khi tàu rời bến, người dân, nhất là phụ nữ Indonesia vẫy tay chào.
Nhiều người gạt nước mắt tiễn đưa.
Tôi tự hỏi, người Mã Lai, nhất là người dân chài Thái Lan, xứ của Đức Phật sao tàn bạo như thế với những vụ cướp biển, bóc lột tiền bạc, hãm hiếp phụ nữ đến kinh hoàng khi được nghe kể lại.
Tôi vẫn thấy cần biện hộ, dựa trên một thứ triết lý vụn là sự độc ác nhiều khi là do một chế độ và nhất là do hoàn cảnh. Vấn đề còn lại vẫn là con người với con người. Chiến thắng chính bản thân mình vẫn là đòi hỏi cao thượng và khó nhất. Thực tế mà nói, cuộc đời muôn mặt, có kẻ tốt người xấu biết đâu mà lường hết được.
Có nhiều kẻ dốt trong cộng đồng hiện nay; phải cho họ cái quyền được dốt phải không.
Tôi sống chung với thế giới Hồi giáo
Lắng đi đến mấy chục năm, vật đổi sao dời, khi về già, các con trai tôi thuê một Condo, trên đường Marcel Laurin cho gần các cháu. Tình cờ duyên phận, chung cư tôi ở, đối diện đi vài chục bước là một nguyện đường Hồi giáo. Ngoài cái vòm Dome như bất cứ oqe thánh địa Hồi giáo nào. Nơi đây chỉ ghi trước mặt tiền là Centre Islamique du Québec — dịch sang tiếng Việt là Trung tâm Hồi giáo tỉnh bang Québec.
Vì thế, thói thường, các đường chung quanh trung tâm, có rất nhiều người cư dân Hồi giáo cư ngụ, lan tỏa ra khắp các vùng phụ cận với nhiều cửa hàng ăn đủ loại sắc dân như Tunisie, Algérie, Ấn độ, Pakistan. Với các tên tiệm như Marché Zaman, Tahoor, Sohnier, Zandoor Plus. Cuisine Pakistanaise et Indienne. Các tiệm thuốc Tây trên trục lộ chính đường Marcel Laurin mà chủ nhân đều là người Hồi giáo.
Đặc biệt có tiệm hớt tóc Coiffure Sirous, giá bình dân chỉ có 15 đồng, rẻ hơn nhiều tiệm khác. Tôi là khách quen thuộc.
Có một tiệm thực phẩm khác tôi cũng hay ghé vào là Marché Tunisie, vì có hai món tôi ưa thích là các trái dattes khô, rất thông dụng và đặc biệt, có các hộp cá mòi — không phải cá sardines sốt cà chua quen thuộc của Ma rốc trước 1975. Nhưng là các hộp cá mòi, sốt dầu và đặc biệt có một quả ớt trang điểm trên mặt. cay đậm.
Ngay tai chung cư tôi ở, tôi dự đoán, một phần ba dân chung cư là người Hồi Giáo, đủ sắc dân và đủ mầu da. Họ dành thời giờ mỗi ngày 5 lần ra đền thờ cầu nguyện. Hỏi họ, tại sao không cầu nguyện kín đáo ở nhà. Nhưng do truyền thống, do thói quen tập tục cũng có, họ vẫn thích cầu nguyện chung nơi đền thờ.
Điều đó cũng dễ hiểu thôi. Bên Công giáo, chỗ nào có nhà thờ thì cũng có bên cạnh một trường học và một nghĩa địa gọi là đất thánh. Chẳng hạn, khu Hố Nai có vài chục làng công giáo, quy tụ hàng vạn giáo dân. Hiện nay, khu Hố Nai đã có những Trung tâm hành hương mà con chiên lũ lượt tụ về đông đảo.
Tôi đã nhiều lần đi bộ và tha thẩn trên các con đường chung quanh kiểu thăm dân cho biết sự tình. Một lần duy nhất bắt gặp một phụ nữ người Việt, vốn là một Phật tử thuần thành, làm thiện nguyện nơi một ngôi chùa nào đó. Như vậy khu này ngoài phụ nữ đó ra có thêm tôi.
Những vang bóng một thời
Đi thêm một hai đoạn đường nữa, tôi gặp cái Parc Goulet. Công viên này để tưởng niệm linh mục Eugène Goulet (1903-1999).
Có một tấm bảng đồng ghi: En l’honneur du curé. Fondateur de la Paroisse Notre Dame-du-Bois-Franc.
Cạnh công viên còn trơ chọi một một thánh đường Eglise Notre Dame du Bois-Franc. Mỗi chủ nhật có một thánh lễ do một linh mục người da đen và một số giáo dân cũng người da đen vào lúc 11 giờ.. Nó chỉ còn là một dư âm của một thời thịnh hạnh của giáo dân trên đà tản mát và suy tàn trước ngày tàn rụi.
Bên cạnh đó, Hồi giáo đổ về mỗi ngày mỗi đông đúc. Từng đàn trẻ nhỏ bên cạnh một phụ nữ, đầu quấn khăn voan — không che mặt– tay bế, tay bồng, le te vài con nhỏ tuổi sít soát nhau như thể mỗi năm đẻ một. Nhưng không thấy người đàn ông nào đi kèm cũng như chưa lần nào bắt gặp đàn ông, đàn bà Hồi giáo ôm nhau ngoài đường.
Đã một thời như thế — một thời thịnh vượng cả về mặt tôn giáo và nhất là dân số. Chúng ta dần dần ý thức được một cái melting pot đang hình thành và đang phát triển.
Tôi có vài lần vào Trung tâm Hồi giáo. Thấy người lạ, có người hỏi tôi, tôi trả lời vì tò mò muốn hiểu biết. Trên lầu dành riêng cho các bà. Tôi không được phép lên. Nhưng chắc cũng giống cách cầu nguyện của các ông. Dưới tầng hầm, dành cho đàn ông, chưa hoàn tất. Sàn nhà tạm trải các tấm carton. Không có chum nước rửa chân như bên Indonesia. Chỉ cần cởi giầy dép để trên các kệ có sẵn.
Trên bàn thờ, tạm gọi như thế, chỉ có một vòng cung và không trưng bày ảnh tượng gì. Được hiểu là có một Đấng Thượng Đế Allah — Đấng Thượng Đế tuyệt đối, chỉ có một, vô hình, vô thủy vô chung.
Trong lúc cầu nguyện, thoạt tiên, có một ông rành kinh Coran, gọi là Imam, đọc to tiếng kinh. Khoảng chừng 10 phút.
Sau đó mọi người đứng lên, tụm lại, quỳ xuống chổng mông và cùng đọc to tiếng, rồi bái lạy nhiều lần trong khoảng thời khắc 5 phút là hoàn tất, rải rác ra về.
Có thể, theo sự hiểu biết sơ thiển của tôi, đó là những giây phút thiêng liêng và quan trọng nhất trong buổi cầu kinh.
Trong chung cư tôi ở, tôi nhận thấy phần đông họ đều lịch sự mà xem ra có đời sống khá sung túc. Xe cộ thường xe sịn, đời mới, ngay cả Mercedes . Khá nhiều người trẻ chỉ thấy dẫn chó đi dạo, chẳng hiểu họ làm gì để sinh sống. Có thể, có nhiều cặp vợ chồng trẻ, cha mẹ ở xa cung cấp tiền bạc để họ học hành. Có một nữ sinh trung học, thấy mặc đồng phục, hẳn là học trường tư, đi học có taxi đưa đón. Biết đâu có thể là con một gia đình gia thế của xứ Ả Rập.
Trong số ấy tôi được quen biết có một anh tên Abel Khabbag Malik. Tôi có nhiều dịp trò chuyện với anh và trao đổi. Anh có bà vợ, tôi có gặp đôi lần. Người phụ nữ này mặt tròn, mắt to, mũi cao, khá xinh xắn. Anh cho biết, họ đã ly dị nhau. Ba đứa con trai hiện ở với anh. Hình như chúng cũng không học hành gì, ngoài chuyện tập võ.
Anh Abel là người có học chuyên môn bên Tunisie, có công việc làm ổn định. Chúng tôi thường trao đổi về phong tục, chính trị, xã hội, tôn giáo.Tôi thường đặt câu hỏi, tại sao Đạo Hồi cấm ăn thịt heo, nhưng lại ăn thịt cừu, thịt bò. Và nhiều tại sao khác như: Tại sao đấng Mahomet chỉ là một đấng tiên tri lại được tôn kính và nhắc nhở thay vì vị thần linh chúa tể? Tại sao đàn ông Hồi giáo chiếm ưu thế trong xã hội mà người đàn bà không được học hành, không được tiếp xúc với hội bên ngoài? Đàn ông lại có thể lấy nhiều vợ?
Những câu hỏi ấy thường làm Abel khó chịu và biện hộ một cách bướng bỉnh. Chẳng hạn, anh cho rằng, đàn ông lấy nhiều vợ là để bảo vệ đàn bà, tôn trọng sự trong sạch, tinh khiết. Vì thế, không có hiện tượng đàn bà Hồi giáo bê tha, hoặc dĩ chí phải làm điếm.
Nhưng có lúc anh than thở rằng, phần lớn đàn bà Hồi giáo, tiếp cận văn minh Tây Phương, đã buông thả và đòi tự lập.
Đó là một xã hội tôn giáo đang trên đà phá sản và thay đổi theo chiều hướng nghịch lý khi tiếp xúc với ây Phương. Và thành phần trổi bật nhất, chính là thế giới phụ nữ.
Điều mà Abel tỏ ra lo ngại nhất. Theo tôi, đó là một bi kịch Hồi giáo, nó làm cho xã hội Hồi giáo trở nên bi đát trước đà tiến triển. Nó đi theo bước xe đổ của Thiên Chúa giáo trước đây.
Cái giá phải trả cho sự hội nhập. Không thể lấy thước nào mà đo đếm được. Đành chịu và bất lực trước những khuynh hướng bảo thủ như một tiếng thở dài.
© 2022 DCVOnline
Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net”
Nguồn: Bài do tác giả gởi. DCVOnline biên tập vfa minh họa