Thực dân và dân thuộc địa nhìn vào nhau (6a)

Nguyễn Văn Lục

Goscha_IndochineOuVietnam-362x500Tựa đề bài thứ sáu này của tôi trong chủ đề “Sử Việt nhìn lại” đặt ra một thách thức khá lớn cho người cầm bút: Có thể nào có được một tinh thần vô tư, khách quan khi viết về giai đoạn thời Pháp đô hộ Việt Nam?

Sử Việt nhìn lại | Thực dân và dân thuộc địa nhìn vào nhau

Viết mà vượt lên trên được những cái thường tình của lòng tự ái dân tộc, vấn đề tôn giáo như việc sát hại một số thừa sai cũng như sự sát hại giáo dân, tình tự lúc nào cũng cho là ta giỏi, ta nhất.

Nhưng riêng bài này tôi nghĩ người đọc cần trang bị một chút hiểu biết tối thiểu về tâm lý – tâm lý quần chúng, tâm lý xã hội, văn hóa, cá tính con người Việt Nam – phản ứng của con người ấy trước những biến động lịch sử.

Tôi cũng cạn nghĩ, người học sử muốn nắm vững bộ môn của mình thì cũng cần có kiến thức của nhiều ngành nghề khác và một quan điểm sử học nhờ thế sàng lọc và nắm được cái cốt lõi của sử?

Qua những kinh nghiệm của lịch sử dân tộc, cá nhân tôi chọn hướng đi đặt nhu cầu phát triển ưu tiên, trước cả độc lập, bởi vì đất nước có phát triển thì sẽ hùng mạnh và trước sau gì cũng dành được độc lập. Còn dành được độc lập mà đất nước nghèo đói thì chưa biết bao giờ mới được phát triển? Hơn nữa, lịch sử thế giới cho thấy “chiếm thuộc địa” và “dành độc lập” chỉ là những phong trào ngắn hạn trước thế chiến thứ II.

Nguyên tắc chỉ đạo này giúp giải quyết những chọn lựa xem ra khó khăn mà thật sự cần thiết phải chọn lựa như thế – như một giải pháp không có giải pháp nào khác.

Tôi liên tưởng đến chữ dùng của giáo sư sử học Nguyễn Phương – ông gọi lịch sử có cái Đà Lịch sử. Nghĩa là có một hướng đi, một dòng lịch sử mà muốn sống còn, ta phải trôi theo cái dòng ấy để đừng bị hất ra bên lề lịch sử.

Trôi theo đà lịch sử cũng chính là cơ hội để con người có thể làm được lịch sử hay không.

Vì thế, theo tôi, nếu chúng ta biết khiêm tốn, biết tự trọng, chịu học hỏi nhiều nguồn trông ra bên ngoài. Có một thứ không thể thiếu được – đó là tính chất flexibility – dịch ra đủ thứ kiểu như tính năng động, tính uyển chuyển, sự thích ứng, soft power hay smart power, và bỏ được tinh thần tự ái dân tộc, óc kỳ thị tôn giáo, chủ nghĩa sô vanh dân tộc, thì sử vẫn là người thầy tốt nhất cho mỗi chúng ta.

Trình độ dân chúng của dân tộc chúng ta nói chung còn thấp kém ngay cả hàng vua quan. Cái học từ chương rỗng ruột là một thứ xa hoa. Nhất là sự cứng đầu, tự cao không nhận biết ra đâu sự thật nên đã gặp rất nhiều thất bại. Đà lịch sử cũng cống hiến những cơ hội thuận tiện, nhiều cơ hội làm nên chuyện. Nhưng tiếc thay cơ may đã bị bỏ qua vì cố chấp chỉ vì thiếu cái flexibility.

Chúng ta thử chiêm nghiệm trong bài học sử này xem những nhận xét ở trên có đúng vậy không?

Xưa ta có câu ca dao:

“Lênh đênh qua cửa Thần Phù
Khéo tu thì nổi, vụng tu thì chìm.”

Khéo và vụng ở đây – theo văn mạch – là nói về phương diện đạo đức cá nhân. Còn về mặt chính trị thì lại khác. Vua quan – giới lãnh đạo của người dân – khéo đã chẳng có mà vụng thì lại nhiều, tất nhiên phải chìm thôi.

Tôi xin đưa ra hai tỉ dụ dẫn chứng mà tôi đã từng dẫn chứng và nếu cần sẽ còn dẫn chứng để chúng ta cùng suy nghĩ, chiêm nghiệm xem sao:

Nguồn: Paulus Huình Tịnh Của
Nguồn: Huình-Tịnh Paulus Của, 1895

Việc thứ nhất là việc cố đạo Alexandre De Rhodes là người đầu tiên xuất bản bằng Việt Ngữ các sách như Tự điển Việt-Bồ-La; Ngữ Pháp tiếng Việt, Phép giảng 8 ngày đặt nền tảng cho việc định hình và phát triển chữ quốc ngữ cho đến ngày nay. Nếu nói về mặt ngôn ngữ – cho dù chúng ta đã dành được độc lập mà vẫn là dân ‘vô học’. Mù chữ là có chữ mà không học. Còn vô học là chữ không có thì học ở chỗ nào? Muốn ký một văn kiện, một hiệp ước, muốn sáng tác văn chương, người Việt Nam vẫn vay mượn chữ Hán. Chữ Nôm do ta sáng chế ra chỉ thêm rách việc – khó hơn chữ Hán, và phải hiểu chữ Hán mới học được chữ Nôm.

Vì thế, ngày nay dù văn học Hán Nôm có phong phú cách mấy đi nữa, 99.99% người dân không đọc được. Dân không đọc được thì giữ làm gì? Ngày nay, người ta ghi nhận được một cách chính xác hơn là có một số giáo sĩ phương Tây như Francisco de Pina, Gaspar de Amaral, Antonio Barbosa đến truyền giáo ở Quy Nhơn, tại khu nước mặn – một vùng địa lý hẻo lánh – lại là nơi xuất phát một công trình tập thể vô giá cho ra đời chữ Quốc ngữ. Thật ra, các giáo sĩ này chỉ lặp lại một công trình ghi âm hóa mẫu tự La Tinh đã được toàn thể các nước Âu Châu áp dụng đồng loạt trong mấy thế kỷ trước đây. Tất cả các nước Âu Châu đều xử dụng mẫu tự La Tinh. Các nhà truyền giáo cũng đã toan tính làm điều này khi đến truyền giáo tại lục địa Trung Hoa. Nhưng công viêc đã không thành. Vì tiếng Hán vẫn nắm ưu thế.

Cái thất bại của giới truyền đạo ở Trung Hoa lại là cái may của họ khi đến Việt Nam. Một công trình mà lúc ban đầu chỉ nhằm để truyền đạo đi nữa thì nó vẫn là một di sản có một không hai. Ngay chính những thừa sai kể trên làm sao nhìn thấy hết được cái lợi ích của nó đối với đời sau? Nhưng cái chính yếu là tài sản ấy đã được A. De Rhodes hệ thống hóa bằng văn bản, bằng tự điển – hẳn ông là người đại diện chính đáng nhất? Sự mẫu tự hóa (Romanisation/Latinization) chữ viết bằng mẫu tự tiếng La Tinh, nói thì thật đơn giản và dễ dàng, nhưng nghĩ ra được như thế cho tiếng Việt thì quả là công trình duy nhất trên toàn vùng Viễn Đông này. Nhìn xem các nước lân bang thông minh và tài giỏi như Nhật Bản, Triều Tiên, vẫn bằng lòng với thứ ngôn ngữ ký hiệu (Idéogramme). Hoặc là các chữ ngoằn ngoèo của thế giới Ả Rập hoặc ngôn ngữ Thái, v.v. Các công trình của ông sau đó đã lần lượt được in ra băng tiếng Ý, tiếng Pháp và tiếng La Tinh. Cả những người sáng lập ra lúc ban đầu và người làm ra tự điển – họ đều không hề nghĩ đến chuyện dành công? Tại sao người đời sau lại muốn làm chuyện ấy? Tại sao còn có loại người ‘ngu dần’ không muốn nhìn nhận công trình ấy? Sáng lập là câu chuyện của thiên tài, còn hoàn chỉnh là công việc của chúng ta. Alexandre De Rhodes, nào chỉ có làm tự điển. Có thể nói ông là người đầu tiên giới thiệu Đông Dương cho thế giới bên ngoài với các tác phẩm: L’Histoire du Royaume du Tonkin (1651), les Relations des progrès de la foi au Royaume de la Cochinchine (1652) và nhất là Voyages et Missions (1653).

Xét về mặt văn hóa, gần 1500 cử nhân, tiến sĩ trong suốt triều Nguyễn, ngoài chuyện làm thơ phú, đã có ông nào sáng tạo được cái gì? Hay vẫn cứ ngồi ê a chữ Hán trong nỗi bất lực trước những biến động thời cuộc.

Đụng tới khó thì cáo quan lui về ở ẩn, giữ khí tiết, vui thú điền viên như cụ Tam Nguyên Yên Đổ. Nói theo trách nhiệm xã hội dân sự ngày nay thì đó là vô trách nhiệm tập thể!

Tranh mộc bản của Henri Oger . Nếu không có chữ dùng mẫu tự La ting tì ngày nay mấy người Việt Nam hiểu được?. NÔNG NGHIỆP, NÔNG THÔN  Từ trái qua phải:  1. Vớt bèo ở ao / (Chú thích chữ Hán-Nôm: Vớt bèo)  2. Hái sen / (Chú thích chữ Hán-Nôm: Hái hoa sen)  3. Chặt buồng chuối / (Chú thích chữ Hán-Nôm: Cắt chuối)  4. Hái vải / (Chú thích chữ Hán-Nôm: Cặp bẻ vải)  5. Tìm trứng chim / (Chú thích chữ Hán-Nôm: Bắt chim khách)  6. Hái ổi / (Chú thích chữ Hán-Nôm: Trẩy quả ổi)
Tranh mộc bản của Henri Oger . Nếu không có chữ dùng mẫu tự La tinh thì ngày nay mấy người Việt Nam hiểu được? 
Từ trái qua phải:
1. Vớt bèo ở ao / (Chú thích chữ Hán-Nôm: Vớt bèo)
2. Hái sen / (Chú thích chữ Hán-Nôm: Hái hoa sen)
3. Chặt buồng chuối / (Chú thích chữ Hán-Nôm: Cắt chuối)
4. Hái vải / (Chú thích chữ Hán-Nôm: Cặp bẻ vải)
5. Tìm trứng chim / (Chú thích chữ Hán-Nôm: Bắt chim khách)
6. Hái ổi / (Chú thích chữ Hán-Nôm: Trẩy quả ổi)

Trong khi đó, tôi không biết những nguời như ông Huỳnh Tịnh Của (Paulus Của), Trương Vĩnh Ký (Petrus Ký), Trương Minh Ký đỗ bằng cấp gì mà viết thông thạo chữ Hán, chữ La Tinh, chữ Pháp. Và còn nằm trong danh sách các tác giả viết bằng tiếng Tây của Pháp. Paulus Của viết loại Récits anecdotiques, viết về Pédagogie.

Trương Vĩnh Ký học ở Penang viết về sử, về ngôn ngữ học, v.v.

Trương Minh Ngôn, tự là Trương Minh Ký, cháu của Trương Minh Giảng, dạy học, viết báo, viết về ngôn ngữ học.

Họ đều xuất thân là dân Nam Kỳ.

Tôi xin trích dẵn nhận xét của giáo sư Jean-Pierre Duteil, tác gi cuốn La Première implantation Francaise en Inbdochine về hai nhân vật nổi bật nhất, một về mặt văn hóa, một về mặt chính trị của người Pháp ở Việt Nam như sau:

“D’Alexandre De Rhodes à Mgr Pigneau De Béhaine, nombreux furent les missionnaires francais à parcourir les royaumes d’Indochine: pourchassés ici, recus comme conseillers ailleurs, ces hommes d’exception ne se contentèrent pas de convertir et d’Évangélỉser les populations: soutenus par les Misions étrangères de Paris, ils jouèrent un important rôle diplomatique, notamment auprès des Nguyên.”(1)

Từ Alexandre De Rhodes đến giám mục Pigneau de Béhaine, họ nằm trong số những nhà truyền giáo Pháp mà hành trình truyền giáo của họ trải dài trên các vương quốc Đông Dương. Họ đã bị trục xuất khỏi nơi này, nhưng rồi lại được đón nhận ở nơi khác như những cố vấn. Những con người ngoại lệ này không chỉ bằng lòng với công việc rao truyền phúc âm và đưa người ta vào đạo. Được sự hỗ trợ của sứ bộ thừa sai Pháp ở Paris, họ đã đóng một vai trò ngoại giao quan trọng bên cạnh các vua triều Nguyễn.

Để chấm dứt phần tìm hiểu về Alexandre De Rhodes, chúng tôi xin đưa ra một nghi vấn lịch sử đã một thời gây tranh cãi không nhỏ, xuất phát từ những tinh thần đố kỵ tôn giáo, trong giới sử học. Đó là câu của A. De Rhodes viết trong Hành Trình và Truyền giáo như sau:

“J’ai cru que la France, étant le plus pieux royaume de monde, me fournirait plusieurs soldats qui aillent à la conquête de tout l’Orient, pour l’asujetter à Jessus Christ, et particulièrement que j’y trouverais moyen d’avoir des Évêques, qui fussent nos pères et nos Maitres en ces Esglises. Je suis sorti de Rome à ce dessein le 11e Septembre de l’année 1652 apres avois baisé les pieds du Pape.”(2)

Tôi tin rằng Pháp là nước ngoan đạo nhất thế giới, sẽ cung cấp cho tôi nhiều chiến sĩ để đi chinh phục toàn thể phương Đông, cũng như ở đó, tôi có thể có cách để có nhiều giám mục vốn là Cha và các Thầy của chúng ta ở trong các nhà thờ. Tôi rời La Mã ngày 11 tháng 9 năm 1652 với ý định đó.

Tất cả rắc rối nó nằm trong chữ “soldats”. Tác giả Hồng Nhuệ, dịch giả bộ sách của Đắc Lộ dịch là “chiến sĩ” để chỉ các nhà truyền giáo.(3)

Cao Huy Thuần, tác giả cuốn Đạo Thiên Chúa và Chủ nghĩa thực dân tại Việt Nam, vốn là Tổng thư ký tờ Lập Trường ở ngoài Huế năm 1964. Trong luận án tiến sĩ của ông, ông dịch là binh sĩ. Và chỉ với hai chữ này trở thành luận cứ thuyết phục cho luận án của ông. Theo đó, Vatican, các nhà truyền giáo và chính quyền Pháp âm mưu xâm lược Việt Nam.

Sau này, nhóm Giao Điểm đã cho xuất bản một cuốn sách nhan đề với âm mưu tố cáo: A. De Rhodes – Người đầu tiên vận động Pháp chiếm Việt Nam – Và chữ Quốc ngữ.

Dịch là “chiến sĩ” thì có thể hiểu đây là gửi các linh mục. Dịch là “binh sĩ” thì phải hiểu là gửi lính sang xâm chiếm Việt Nam.

Bây giờ, nếu ta xét về mặt lịch sử: thời điểm 1652 chỉ mới có sự giao thiệp buôn bán giữa Đông và Tây. Khái niệm thuộc địa chưa rõ, chưa hình thành. Vậy không có lý nào Đắc Lộ lại có thể xin gửi “binh sĩ” sang Việt Nam.

Hai giáo sĩ của Hội Thừa sai Hải ngoại Paris (MEP): Mgr François Pallu (1626-84). Bên phải: GM Tổng đại diện Nam Kỳ Pierre Lambert de la Motte (1624-1679)
Hai giáo sĩ của Hội Thừa sai Hải ngoại Paris (MEP): Mgr François Pallu (1626-84). Bên phải: GM Tổng đại diện Nam Kỳ Pierre Lambert de la Motte (1624-1679)

Xét về mặt văn bản, ngữ nghĩa: Khi nói nước Pháp ngoan đạo nhất thế giới thì cung cấp “giáo sĩ” chứ ngoan đạo liên quan gì đến “binh sĩ”? Từ “chinh phục” chỉ thị chinh phục tâm hồn, nếu không dùng chữ đi “chinh phạt” sát nghĩa hơn. Dưới đó cho thấy có các linh mục rồi nên mới cần nhiều giám mục. Nếu gửi binh lính thì cần giám mục làm gi? Cần sĩ quan để cai quản chứ? Đọc toàn bộ văn bản cho thấy chữ “soldats” ở đây không thể hiểu là “binh lính” được. Nó không có nghĩa và trái với nội dung toàn văn bản.

Trước đoạn trích dẫn trên, Đắc Lộ còn bày tỏ nhiều câu ám chỉ về việc tuyển mộ các chiến sĩ này. Ông viết, “Tôi nhận được vô vàn thư của các cha Dòng chúng tôi, tự nguyện xung phong trong đoàn binh vinh quang. Tất cả năm tỉnh dòng ở Pháp đều có nhiều người quảng đại ghi tên […]

Những người tình nguyện ghi tên trong đoàn binh này đều là các thừa sai, có chỗ nào chỉ đoàn binh này là binh sĩ đâu?

Ông viết tiếp,

“Những dự định của chúng tôi đâu đã hoàn tất: có mấy nhân vật danh tiêng và đạo đức ở Paris đang vận động để cung cấp các giám mục cho chúng tôi. Chúng tôi mong Rôma sớm cho chúng tôi biết tin rất vui mừng này… Các Ngài giáo sĩ cao cấp đã tận tâm nhận tra xét hồ sơ của chúng tôi và đã đệ đơn lên Đức Giáo Hoàng đại khái nói: Các giám mục Pháp có đủ nhiệt tâm đem phúc âm tới cùng kiệt đại dương, để soi cho biết bao dân tộc còn sống trong tăm tối…(4)

Và chỉ 6 năm sau, 1658, nguyện vọng của Đắc Lộ gửi đoàn binh sĩ sang truyền giáo ở các nước đã hình thành. Sứ bộ truyền giáo Paris đã chính thức hoạt dộng.

Nghĩ lại chuyện này cho thấy sự xuyên tạc lịch sử thật nham hiểm. Ai đo được lòng dạ con người?

Và nếu “chiến sĩ” là để chỉ các “thừa sai” thì sự thuyết phục của luận án của Cao Huy Thuần là chỗ nào?

Vậy mà vẫn có những thành phần cố chấp, chủ nghĩa dân tộc ‘Sô Vanh’ như Nguyễn Đắc Xuân ngoài Huế lên tiếng phản biện.(5)

Theo Nguyễn Đắc Xuân,

“Alexandre De Rhodes đã và đang bị các nhà sử học trong và ngoài nước chứng minh rằng đấy là một trong những đầu mối thúc đẩy thực dân Pháp vào cướp nước ta.”

Gán việc sáng chế ra chữ Quốc Ngữ là khởi điểm cho việc Pháp xâm lăng nước ta là tột điểm của sự vu khống ngu xuẩn!

“Các nhà sử học trong và ngoài nước” là những ai? Tại sao không liệt kê danh tính họ ra? Nguyễn Đắc Xuân cứ khoác lác như chỗ không người như vậy!

Hãy cứ để những kẻ ngu xuẩn như thế tiếp tục nghĩ như thế và sống như thế. Tôi chỉ tự hỏi Nguyễn Đắc Xuân ngày hôm nay đang đọc và viết bằng thứ chữ gì?

Việc thứ hai là vai trò của Bá Đa Lộc và những người Pháp giúp Gia Long khởi nghiệp. Có hai quan diểm đánh giá.

Sách vở tài liệu của Pháp qua những thư từ của các thừa sai, nhất là tài liệu trong “Đô thành Hiếu cổ”, Bulletin des Amis du Vieux Huế (BAVH), của Cadière thì đều dành một vị trí vinh dự cho giám mục Bá Đa Lộc. Về phía các sử gia Việt Nam thì cũng hầu hết đồng quan điểm như vậy như Việt Nam Sử Lược của Trân Trọng Kim, Phan Khoang, Nguyễn Thế Anh, Nguyễn Khắc Ngữ, nhất là Tạ Chí Đại Trường.

Dĩ nhiên không phải chỉ vì hầu hết các sử gia đều đồng ý với nhau thì chúng ta cũng phải đồng ý. Không phải như vậy.

Mới đây tác giả Thụy Khuê trong một tài liệu nhan đề “Khảo sát công trạng của những người Pháp giúp vua Gia Long” trong đó bà hầu như phản bác tất cả các quan điểm trên bằng nhiều tài liệu dẫn chứng. Vì thế, tôi đón nhận tập biên khảo của bà Thụy Khuê một cách trân trọng.

Về phần này vì khá dài, chúng tôi xin hẹn ở một bài viết riêng trong kỳ sau.

Khi tìm hiểu về mối tương quan giữa kẻ đi chinh phục và kẻ bị trị thì có thể có hai khảo hướng để tìm hiểu về xã hội Việt Nam giai đoạn bị trị.

Tác giả Nguyễn Văn Phong, tác giả cuốn La société Vietnamienne de 1882 à 1902, d’apres les écrits des auteurs francais, Paris, Presses Universitaires de France, 1971, chia các tác giả Pháp, theo ngành nghề, ra làm 9 khảo hướng tìm hiểu tùy theo chuyên ngành. Chẳng hạn Charles Lemire viết về ngành hành chánh, luật pháp. Ellacine Luro về quân sự, Jules Boissière về văn chương, Eugène Louvet và Paul Puginier như những nhà truyền giáo, J. Milton Yersin như một bác sĩ, v.v. Sự chuyên biệt như thế giúp cho sự nghiên cứu về Việt Nam đầy đủ và phong phú hơn.

Phần người viết, tôi chỉ đơn giản phân ra hai loại người: thực dân Pháp và kẻ bị trị, người Việt Nam, để xem sự trao đổi giữa hai bên như thế nào. Và như đã giới thiệu ở đầu bài, tôi chú trọng đến những phần ứng dụng dựa trên khoa tâm sinh lý cũng như văn hóa của người Việt để đưa ra các nhận xét hay tìm hiểu.

Về phía người Pháp

Người Việt Nam (Bắc Kỳ, Trung Kỳ, Nam Kỳ) năm 1883. Nguồn: Illustrated London News, Sept. 1, 1883.
Người Việt Nam (Bắc Kỳ, Trung Kỳ, Nam Kỳ) năm 1883. Nguồn: Illustrated London News, Sept. 1, 1883.

Cái tâm lý thông thường kẻ mạnh, kẻ đi chinh phục thường có thái độ trịch thượng với dân bản địa. Người phương Tây sang nước ta có thể cái tâm trạng cũng không khác bao nhiêu. Tuy nhiên, trong bài viết này, nếu chúng ta chú trọng đên những thư từ, hồi ký còn để lại thì có sự khác biệt như sau.

Các thừa sai thường có tâm lý chia sẻ, xót thương trước sự đói nghèo mà người dân phải chịu. Nếu đứng ở quan điểm nhìn về xã hội thì thừa sai và dân chúng thường đồng quan điểm.

Nhưng đối với các thương nhân hay nhà ngoại giao thì thường có cái nhìn phê phán, có sao nói vậy và đôi khi không khỏi có ác cảm là đằng khác.

Những nói chung cái nhìn của người Pháp khi đến Việt Nam sau này nó trở thành một vốn liếng văn hóa đồ sộ về mọi mặt. Thật ra chữ “nhìn” không đủ nghĩa. Họ đến để nhìn, nhưng còn để quan sát, để ghi nhận, để học hỏi, để khám phá, để phân biệt được cái xấu cái tốt ở mhuowfi Việt Nam.

Thật vậy. Họ đã viết hàng ngàn tài liệu sách vở về nước ta trong mọi lãnh vực. Viết về hành chánh, có 15 tác giả; viết về nông nghiệp có 30 tác giả. Về nhân chủng học 13 tác giả, nhưng về khảo cổ, kiến trúc có 48 tác giả. Về Hồi ký có 22 tác giả. Về chính trị có 44 tác giả, trong đó có một Việt Nam là Hoàng Cao Khải. Về thám hiểm, tham quan, du lịch 50 tác giả. Về sử học có 72 tác giả. Trong đó có một tác giả Việt Nam là Trương Vĩnh Ký. Về ngôn ngữ học, văn phạm, có 60 tác giả, trong đó vinh dự có ba tác giả Việt Nam. Đó là các ông Huỳnh Tịnh Của, Trương Minh Ngôn tức Trương Minh Ký và Trương Vĩnh Ký. Về giáo dục, sư phạm có 26 tác giả trong đó có Huỳnh Tịnh Của, Lê Văn Phát, Trương Minh Ngôn và Trương Vĩnh Ký. Về tự điển, văn phạm có 78 tác giả trong đó có Huỳnh Tịnh Của, Trương Minh Ngôn, Trương Vĩnh Ký.

Và còn nhiều ngành nghề khác nữa.

Cộng chung có khoảng 1312 tác giả Pháp và người Anh, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha viết về Việt Nam(6). Nếu tính ra số bài viết thì ít lắm cũng có khoảng 5000 đề tài tất cả.

Đã có bao nhiêu người Việt Nam viết được như họ và bao nhiêu người đã có cơ hội đọc được họ?

Một câu hỏi không kém quan trọng là nếu chúng ta không viết được như họ thì tại sao không bỏ công ngồi dịch hết ra tiếng Việt? Một công việc dễ gấp 10 lần? Một công việc cần gấp 20 lần? Vì không đủ khả năng ngôn ngũ và dịch thuật?

Tại sao người Nhật đã làm được điều nay từ thế kỷ 18, còn Việt Nam ta hiện nay vẫn chưa làm. Trong một bài biên khảo trước đây, ,“20 năm Văn học dịch thuật miền Nam” tôi đã lấy làm hãnh diện là vào thập niên 1960, sách dịch đã chiếm 60% thị phần sách xuất bản ở miền Nam và sang đến năm 1970 trở đi đã chiếm đến 80% thị phần sách xuất bản. Tuy nhiên, sách dịch ở miền Nam có xu hướng thiên về sách triết học, tư tưởng. Nhất là sách truyện mà mục đích chỉ là giải trí. Trong khi sách về sử học, khoa học, kỹ thuật lại không có bao nhiêu.

Sách dịch ở trong nước hiện nay nói ra là một điều tủi hổ. Nó đã ít, phẩm chất lại cực kỳ kém cỏi, chạy theo lợi nhuận. Bằng chứng mới đây họ cho dịch cuốn “Finding the Dragon Lady” của Monique Brinson Demer. Cuốn sách hiển nhiên là bán chạy vì có tên bà Ngô Đình Nhu. Có người đi Việt Nam về mang theo một cuốn dịch nhờ tôi so sánh giữa hai bản. Tôi nghĩ không có thời giờ để làm chuyện nhảm nhí đó.

Trong bài sau, tôi sẽ chú trọng nhiều đến các hồi ký của các thương gia, những đại diện cho chính phủ các đế quốc, hay các nhà truyền giáo, đồng thời đề cập đến một số rất nhỏ người Pháp đã giúp cho triều đình Gia Long như Jean Baptiste Chaigneau Nguyễn Văn Thắng (1769-1832), Philippe Vannier Nguyễn Văn Chấn (1762- 1842), Olivier de Puymanel (1788-1799), Jean- Marie Dayot (1759-1809).

Và hàng trăm người Pháp đủ loại đã góp phần tích cực trong việc xây dựng và phát triển cho Việt Nam. Bên cạnh đó, sự quan trọng là thành phần trung gian giữa thực dân và nước ta là các thừa sai ngoại quốc. Hội thừa sai được thành lập từ 1658-1663(7). Sự có mặt của họ trong suốt 350 của sứ bộ truyền giáo với khoảng 4200 thừa sai đủ các quốc tịch được phân bổ đi truyền giáo tại Bắc Mỹ và nhất là Châu Á, mà phần đông đã hiến cả cuộc đời họ trên mảnh đất nghèo nàn khốn khổ này.

Tôi sẽ phân tích tìm hiểu xem tại sao họ lại làm như thế! Về phía kẻ bị trị, có vua quan nhà Nguyễn, giới nông dân, và một số nhỏ giáo dân. Cạnh đó là những người đã tham gia vào trong các phong trào chống lại người Pháp đủ loại.

Cái nhìn của người thực dân Pháp về người bị trị

Lính thuộc địa của Pháp (người Việt Nam)  vào trại  Saint-Raphael. Trong suốt cuộc Thế chiến thứ I, gần 100.000 người Đông Dương đã được triển khai ở châu Âu, nhất là người lao động, nhưng vài ngàn cũng phục vụ trong tiểu đoàn chiến đấu. (Thư viện Quốc gia Pháp)
Lính thuộc địa của Pháp (người Việt Nam) vào trại Saint-Raphael. Trong suốt cuộc Thế chiến thứ I, 1914-18, gần 100.000 người Đông Dương đã được đưa sang châu Âu, đa số là người lao động, nhưng có vài ngàn người cũng phục vụ trong các tiểu đoàn chiến đấu. Nguồn: Thư viện Quốc gia Pháp.

Căn cứ vào một số hồi ký đủ loại của người Tây phương mà tôi có cơ hội đọc cho thấy cần kiên tâm, bình tĩnh và sáng suốt để đọc. Đọc để thấy cái yếu kém, cái ngu dốt của người mình mà thay đổi.

Dưới mắt thực dân, nói chung người An Nam xuất hiện với cái bề ngoài xấu xí thô kệch, khuôn mặt ‘ghê tởm’ như súc vật. Nó không hơn gì lắm những người còn ở tình trạng bán khai. Họ không thể nào so sánh với các sắc dân Ả Rập hay Ấn Độ. Người Việt Nam vóc người nhỏ bé hơn khi so với người Ấn Độ hay Ả Rập, người Mã Lai và Xiêm La. Giữa đàn ông và đàn bà An Nam thì xem ra đàn bà coi được hơn.

Chẳng cần phải đợi đến nhận xét của người ngoại quốc hằng trăm năm trước nhận xét về người An Nam. Thuở còn nhỏ, tôi đã nhận ra cha ông mình, dân làng mình còn sống bán khai, nghèo không thể còn nghèo hơn được. Nhiều đàn ông đi làm ruộng chỉ đóng có cái khố. Thật đến là bất nhẫn. Và không một lối thoát! Nếu không có chế độ thuộc địa – mà cứ để bọn vua quan mình điều khiển đất nước thì bao giờ khá được!

Hình thù đã như vậy lại được kết hợp với những thói quen xấu như dối trá, ăn cắp vặt. Đây là những đề tài thường xuyên được trao đổi giữa các vị phu nhân người Pháp bàn tán với nhau về đám gia nhân ít học của họ.

Các món ăn của người bản xứ cũng là đề tài hấp dẫn để phẩm bình, ngay cả những bữa yến tiệc được dọn ra để tiếp đãi khách Tây phương cũng trở thành đè tài bêu riếu hoặc dơ bẩn, hoạc ăn uống man rợ. Chẳng hạn như món trứng vịt lộn được các Chúa như Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát (1738-1765) khoản đãi một phái đoàn nhà buôn Pháp. Nhiều người trong đám thực khách Tây phương chỉ nhìn thấy thôi đã muốn ói mửa. Nhưng họ bị ép buộc phải ăn thử tất cả mọi món ăn có trên bàn, đòng thời phải cho biết ý kiến của từng món một.

Nhưng món ăn ở Huế thường được dùng để tiếp đãi đám khách khó tính này ngay các loại hoa quả cũng bị nghi ngờ, nói chi đến các loại bánh trái đủ loại làm bằng bột cũng bị nghi ngờ về phẩm chất.

Các tập tục như ném vàng mã xuống các ngôi mộ cũng gây một sự nghi ngờ vô lý chẳng khác gì kiêng không ngồi 13 người ngồi trong một bàn tiệc.

Các vua chúa thì đôi khi tỏ ra sách nhiễu làm khó dễ như bắt chờ đợi lâu ngày. Họ lại thường quá chú trọng vào quà tặng và tỏ ra tham lam.

Tôi may mắn được lên Hà Nội học được tiếp xúc với Tây. Mang tiếng là đi học – nhưng học được gì khi chưa có một chữ trong bụng thì Việt Minh đã đánh nhau với Tây?

Việt Minh chỉ rành có mỗi một nghề: nghề đi giết người. Sáng hôm sau thấy súng bằng gỗ vứt gần Sở Hành chánh Tài chánh. Chúng, cộng sản, xúi thanh niên tự vệ thành đánh Tây với súng gỗ có chết người không chứ?

Sống ở khu phố Cửa Bắc, khu phố Tây, thấy Tây nó vẫn tử tế hơn người mình. Nó cung cấp thực phẩm cho người Hà Nội tỵ nạn vào nhà xứ. Ngay thời đó, tôi sợ Việt Minh chứ không sợ Tây. Tuy vậy, trẻ con Việt Nam cũng học thói trả thù dân tộc của người lớn xúm vào đánh mấy thằng Tây con, cứ gạch mà chỏang. Chúng ôm đầu máu, khóc chạy về nhà. Lễ chủ nhật, chúng đi nhà thờ với cha mẹ chúng, chẳng thấy bố mẹ chúng nói gì. Các bà đầm vẫn tử tế chào hỏi. Hình như chuyện đánh nhau là chuyện trẻ con chứ không phải chuyện người lớn.

Sau này, sống ở đồn điền cao su của Tây ở trong Nam, tôi vẫn thấy họ là người bình thường. Lớn lên, học đại học với họ, giáo sư người ngoại quốc, mà Tây là số đông, thấy họ thực sự là người tử tế.

Hay là tôi có may mắn chỉ gặp loại Tây tử tế? Hay là cần phân biệt giữa chính sách và con người? Nhưng làm sao cắt nghĩa được chính sách là bóc lột mà di sản Tây để lại thì quá lớn lao đến có thể coi họ như những người đến để khai hóa? Giữa thực dân và khai hóa, cái còn lại là cái nào?

Nói thực, sau này ra sống ngoại quốc (lại sống với “Tây”) cũng đến 40 năm, vẫn thấy dễ sống hơn sống với cộng sản.

Nhớ lại thời gian khốn khổ ấy dưới ách thực dân mà sao đời vẫn vui! Ai cắt nghĩa dùm tôi điều này. Sau 1975, người cùng một nước mà sao coi nhau như kẻ thù. Túng thiếu chưa đến nỗi nào sao người ta lại liều chết bỏ xứ mà đi?

Thuở ấy, tôi đi nhặt từng mẩu thuốc lá Philipp Morris để hít vài hơi.

Tự bên trong cũng cảm thức được số phận đất nước mình so với người ngoại quốc.

Trở lại câu chuyện của chúng ta thì các vua chúa đôi khi tỏ ra sách nhiễu làm khó dễ như bắt chờ đợi lâu ngày. Họ lại thường quá chú trọng vào quà tặng và tỏ ra tham lam.

Phái đoàn của Pierre Poivre phải thuê đến 100 cu-ly để khuân vác các quà tặng từ Đà Nẵng vào Huế.

Và sau đây xin trích dẫn một đoạn tiêu biểu của phái đoàn Pháp trong Voyage de Pierre Poivre en Cochinchine do Henri Cordier ghi chép và trình bày:

“Je lui ai ensuite exposé le sujet de mon voyage. Je lui ai parlé des avantages du commerce, des richesses que procureroit à la Cochinchine celui des Européens etc. Il a écouté tous mes discours assez froidement, et il les interrompoit toujours pour me parler des femmes. Voyant que je n’en pouvois tirer autre chose je l’ai abandonné dans ses belles pensées et suis revenu fort mécontent d’un voyage inutile.

Il faut avouer que ces gens cy sont bien peu propres aux affaires. Uniquement occupés des soins de volupté, ils ne scavent rien au delà ; ils ne connoissent que les plaisirs des sens, ils en jouissent, en parlent ou y pensent, voilà leur vie.”(8)

Tôi đã phúc trình cho nhà Chúa mục đích của chuyến du hành của tôi. Tôi cũng đã nói đến những cái lợi của việc thương mại, sự giàu có đem lại cho xứ Nam Kỳ và cho người Âu Châu. Nhà Chúa đã nghe những điều tôi trình bầy một cách khá lạnh nhạt và ông đã thường cắt ngang câu truyện của tôi để nói về đàn bà. Thấy rằng tôi chẳng thu được lợi ích gì từ những câu chuyện như thế, tôi đành bỏ cuộc để mặc cho ông ta với những tư tưởng đẹp của ông ấy. Và tôi nhận thấy thật chẳng vui gì cho một chuyến đi vô bổ.

Phải thú nhận rằng những người này không quan tâm gì mấy đến các công việc buôn bán. Họ chỉ chú trọng tới chuyện nhục dục. Họ không biết gì hơn chuyện đó. Họ chỉ biết nghĩ đến những khoái lạc. Hưởng thụ nó, nói về nó, tư tưởng về nó. Và đó là đời sống của họ.

Cũng vì thế, một sinh viên du học trước 1975 hỏi tôi, “Một vua có hằng trăm vợ thì thời giờ đâu lo việc nước?” Câu hỏi đơn giản mà trả lời không được!

(Còn tiếp)

© 2016 DCVOnline
Nếu đăng lại, xin đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net”


Nguồn: Bài và chú thích của tác giả. DCVOnline hiệu và minh họa.

(1) Jean Pierre Duteil, “La Première implantation francaise en Indochine ( XVII- XIX siècle)”. Ông cũng là tác giả l’Ombre des nuages. Histoire et civilisation du Viet Nam au temps des Lê (1979).
(2) Alexandre De Rhodes, “Divers Voyages et Missions”, Paris, 1653, chương 19, phần thứ ba.
(3) Alexandre De Rhodes, “Hành Trình và Truyền giáo”, bản dịch của Hông Nhuệ, trang 289
(4) Alexandre De Rhodes, Ibid., trang 264-265
(5) Nguyễn Văn Nghê, “Bản thân chữ Quốc Ngữ ‘có tội’ với dân tộc Việt Nam không?” http://www.viet-studies.info/, Nguyễn văn Nghệ, ngày 20-11-2015.
(6) A. Brébion, “Dictionnaire de bio-bibliographie générale, ancienne et moderne de l’Indochine française”, Paris: Société d’éditions géographiques, maritimes et coloniales, 1935. phần Table Signalétique des Matières.
(7) Missions étrangères de Paris. 350 ans au service du Christ 2008 Editeurs Malesherbes Publications, Paris, trang 2-4
(8) Henri Cordier, “Voyage de Piere Poivre en Cochinchine”, Revue de l’Extrême-Orient, 1887, t3, pp.81-121, 364-510; Jean-Paul Morel, copie sur pierre-poivre.fr en juillet 2010, trang 11

1 Comment on “Thực dân và dân thuộc địa nhìn vào nhau (6a)

  1. QUẦN CHÚNG NHÂN DÂN VÀ LÃNH ĐẠO
    Ở bất kỳ xã hội nào, trong tình huống nào cũng luôn có hai thành phần cấu thành quyết định. Quần chúng là nói chung nhân dân trong đất nước đó. Lãnh đạo là nói cá nhân cầm quyền hay bộ máy nắm quyền.
    Vào thời Nguyễn của Việt Nam, cá nhân cầm quyền lúc đó là các vì vua nhà Nguyễn cũng như bộ máy triều thần và chính quyền quan lại trong cả nước của ông ta. Nhân dân là mọi thân dân nằm bên ngoài chính lực lượng đó nhưng phải sống dưới chế độ hay trong xã hội đó.
    Có hai đặc điểm mà xã hội Việt Nam lúc ấy phải đối đầu lại với phương Tây, mà cụ thể là Pháp, là việc truyền bá vào một tôn giáo từ trước đến đó chưa hề có trong nước, sự đối đầu với tham vọng thực dân cướp nước, và sự đối đầu với nền văn minh khoa học kỹ thuật cao hơn cũng như các khía cạnh văn hóa hoàn toàn khác hẳn.
    Trước tình thế đó, dĩ nhiên mọi quyết định sáng suốt, hiệu quả là do nhà vua, triều thần là những người có quyền mà không ai khác. Nhân dân chỉ là người bị cai trị, được lãnh đạo vậy thôi. Nhưng nếu não trạng của nhà vua cũng như triều thần lúc đó, tức là đầu óc nhận thức và ý thức, ý chí mong ước của họ chẳng có gì sáng láng, tất nhiên sự đầu hàng hoàn cảnh, sự thất bại trước hoàn cảnh chỉ là điều dĩ nhiên. Trong nhân dân, hẳn nhiên cũng có thể có những người sang suốt hơn họ, tức có nhiều hiểu biết và ý thức hơn họ, thế nhưng liệu có thể làm được gì nếu họ không nghe theo hoặc cứ đến. Có nhiều người thức giả lúc đó, mà người trước tiên cần nói đến chính là Nguyễn Trường Tộ.
    Chính sự mờ mịt về các ý nghĩa tôn giáo, sự không hiểu biết về tính cách hay yêu cầu của chế độ thực dân thuộc địa, sự mù tịt về mặt khoa học kỹ thuật cùng các tính chất của văn minh, văn hóa phương Tây nói chung, đó chính là những gì bịt mắt vua quan nhà Nguyễn và bịt mắt cả dân tộc cùng đất nước ta khi ấy.
    Và cũng không khác gì tình huống đó, tình huống nữa sau này cũng lại xảy ra, là hoàn cảnh thế giới chiến tranh lần thứ hai và phong trào cộng sản quốc tế đang bắt đầu manh nha rồi rầm rộ phát triển. Lại một lần nữa những người cầm quyền không cộng sản tại Việt Nam từ Bảo Đại trở đi cũng lại rơi vào hoàn cảnh như trước. Tức một lần nữa lại phải lúng túng, bị động và mờ mịt trước chính làn sóng thứ hai của thế giới phương Tây.
    Tới ngày nay tình huống lại hoàn toàn mới mẽ và hoàn toàn khác nữa. Đó là nền kinh tế xã hội chính trị toàn cầu mà từ trước đến giờ chưa hề có do phát triển khoa học kỹ thuật và xã hội của chính nhân loại hiện thời tạo ra. Nhưng những người lãnh đạo cộng sản Việt Nam ngày nay dường như cũng vẫn rơi vào vết xe cũ. Tức cũng mờ mịt, cũng bị động, cũng mù tịt đường ra vì đang còn mãi ngụp lặn trong lý thuyết ý hệ cũ, tức ý hệ Mác xít cộng sản. Ở đây vai trò của quần chúng, tức của nhân dân hoàn toàn không có, vì trong chế độ toàn trị họ hoàn toàn bị bất lực hay bị mờ mịt hết.
    Nên nói chúng lại, trong lịch sử Việt Nam cận và hiện đại, chính vai trò và ý nghĩa của người lãnh đạo quan trọng như thế. Trước kia đó là nhà nước quân chủ phong kiến bị buộc chặt trong ý thức hệ Nho giáo từ Tàu mang sang, nó làm cho triều đình Nhà Nguyễn mà cũng là đất nước khi ấy bị thất bại lần thứ nhất trước sức mạnh phương Tây. Đến sau thế chiến thứ hai, những nhà lãnh đạo Việt Nam trước kia lại thất bại trước ý thức hệ cộng sản mác xít, cũng do chính mọi sự mờ mịt trong lãnh đạo của mình trước một trào lưu từ phương Tây. Bây giờ lại chính những người cộng sản Việt Nam, tuy đã thành công trong việc lên nắm quyền, nhưng lại đang chịu thất bại trước làn sóng toàn cầu cũng do phương Tây mang lại, nhưng dưới một tình huống hoàn toàn mới hẳn.
    Như vậy có thể nói chính mặt yếu của người Việt Nam là như thế. Nó thuộc về loại não trạng bão thủ, ý trệ, chai lỳ, chủ quan, thụ động ngay từ trong quá khứ cho tới ngày nay. Ý nghĩa các loại não trạng này trước tiên thuộc nhà cầm quyền rồi mới đến nhân dân. Trong chế độ quân chủ phong kiến, nhân dân chỉ như một thứ thân dân chỉ biết tuân thủ mọi mặt. Trong chế độ cộng sản mác xít gọi là xã hội chủ nghĩa, nhân dân ở trong trạng thái khác là được tuyên truyền khuyến dụ mọi mặt theo một chiều để cuối cùng chỉ do người cầm quyền quyết định ráo trọi. Nhưng lần này Việt Nam không những phải chịu lép vế nhiều mặt trước phương Tây mà cả đến đối với người láng giềng khổng lồ là Trung Quốc cũng càng chịu lép vế nữa. Chính trách nhiệm của người cầm quyền trước nhân dân chỉ là như thế.
    ĐẠI NGÀN
    (25/4/16)