Tách biệt chính trị và tín ngưỡng?

Nguyễn Văn Hiệp

Trong bối cảnh của một xã hội đa nguyên, niềm tin tôn giáo hoặc ngay cả niềm tin không tôn giáo ở mỗi cá nhân đều có được một chỗ đứng bình đẳng trong tinh thần tôn trọng lẫn nhau.

Thế quyền và Thần quyền.

Chiến thắng của Tim Kaine vào chức vụ thống đốc tiểu bang Virginia (2006-2010) đã được xem là một tín hiệu trong sinh hoạt chính trị Mỹ. Kaine là tín đồ Thiên Chúa Giáo (Roman Catholic) đầu tiên đắc cử vào địa vị cao nhất của tiểu bang Virginia, nơi tập trung đông đảo những tín đồ Tin Lành Phúc Âm (Protestant Evangelicals). Kaine là đảng viên đảng Dân Chủ, nhưng lại có lập trường tranh cử đối ngược với lập trường chính thống của đảng Dân Chủ toàn quốc, đặc biệt trên hai vấn đề xã hội nhiều tranh cãi là phá thai và án tử hình. Về vấn đề phá thai, không như các ứng cử viên đảng Dân Chủ thường đưa ra quan điểm cởi mở trái ngược với quan điểm bảo thủ chống phá thai của đảng Cộng Hòa, Kaine có lập trường là chỉ ủng hộ quyết định phá thai trong những giới hạn được xem là hợp pháp. Khi được hỏi lập trường về án tử hình, Kaine đã dẫn lời của Giáo Hoàng John Paul II là “án tử hình không được chấp nhận trong nhiều trường hợp ngoại trừ những hoàn cảnh quá bất thường và quá cá biệt như là không có trên thực tế”, và không ngần ngại đưa trường hợp Osama bin Laden như là một ví dụ.

Cuộc tranh cử chính quyền tiểu bang tháng 11 vừa qua nằm ở thời điểm mà các chương trình kinh tế không là điểm nóng cho những chiến dịch vận động, những vấn đề xã hội nhạy cảm như phá thai và án tử hình trở thành trọng tâm tranh cử của ứng cử viên. Nước Mỹ có một cộng đồng gần 75 triệu tín đồ Thiên Chúa Giáo, trước đây đã là hậu phương cử tri vững chắc của đảng Dân Chủ nhưng nay đang dần chuyển sang bỏ phiếu cho đảng Cộng Hòa vì đảng này có những quan điểm gần gũi với họ trên những vấn đề xã hội; cao điểm là Bush đã chiếm được cảm tình đa số cử tri của cộng đồng này trong cuộc tranh cử tổng thống năm 2004.

Có một đặc điểm hiện nay chưa thể có giải thích thỏa đáng, nhưng lại đã hưởng nhiều sự chú ý của cả hai đảng chính trị Cộng Hòa và Dân Chủ trong chính sách tranh thủ cử tri của họ, đó là những cuộc thăm dò dư luận luôn luôn cho thấy đa số của cộng đồng tín đồ này tán thành án tử hình ở Mỹ, một mẫu số chung khác với quan điểm chính thống của Tòa Thánh Vatican. Cộng đồng tín đồ Thiên Chúa Giáo ở tiểu bang Virgina tuy chỉ chiếm 15% nhưng có sức mạnh quyết định trong các cuộc đua ngang ngửa. Kaine đã thận trọng dung hòa giữa đức tin Thiên Chúa Giáo và lập trường chính trị, một bước đi mà báo chí đặt tên là một “careful mix”, và đã thuyết phục được khối cử tri này. Sau khi thắng cử, Kaine đã sôi nổi tuyên bố “chúng ta không thể hoàn toàn tách biệt chính trị và niềm tin tôn giáo”, và đã được báo chí nhiệt tình trích dẫn. Vậy lời tuyên bố này phải có cái gì không bình thường, hoặc là can đảm hay mới mẻ lắm mới được chú ý đến như vậy.

Tuy nhiên, dù lời tuyên bố này của Kaine xuất phát từ động cơ nào thì cũng nên xem là một tái khẳng định hơn là một khám phá mới. Vấn đề của chính trị và niềm tin tôn giáo (politics and faith) không giống như vấn đề của quyền lực của giáo hội và nhà nước (church and state), dù cả hai đều thuộc lãnh vực chính trị và tôn giáo. Sẽ không có định nghĩa được coi là đầy đủ cho các vấn đề luôn được bàn cãi này, nhưng trên nguyên tắc thì có thể được hiểu một cách căn bản: giáo hội và nhà nước là vấn đề tương quan của hai tổ chức độc lập với nhau; chính trị và niềm tin về tôn giáo là vấn đề liên quan đến việc một cá nhân phải thực hành cả hai phạm trù này trong cuộc sống của mình. Cần có sự phân biệt rành rẽ.

Mặc dù vậy trên thực tế ngay ở xã hội có văn hóa văn minh vượt trội nhiều phần còn lại của thế giới như Mỹ, mối tương quan giữa chính trị và tôn giáo vẫn thường bị hiểu lẫn lộn, vì lằn ranh khó đo lường, do đó dẫn đến những hành xử cẩu thả. Điều đáng lưu ý hơn đó là khi những sai phạm thuộc các trách nhiệm công quyền, khi niềm tin về tôn giáo đã đồng hành với cảm tính để lấn lướt và dẫn dắt hành động của mình. Có những trường hợp nổi cộm đã xảy ra. Một trường hợp là chánh án Roy Moore chủ tich Tối cao Pháp viện của tiểu bang Alabama đã cho đặt một tấm bia đá hoa cương nặng gần ba tấn có khắc 10 điều răn của  Thiên Chúa Giáo ở thủ phủ tiểu bang, và đã không chấp hành sự phán quyết của Tòa Thượng Thẩm Alabama vào tháng 11 năm 2003: phải tháo gỡ khỏi trụ sở công quyền vì vi phạm nguyên lý tách rời giáo hội và nhà nước của Hiến pháp Mỹ.

Chánh án  Tối cao Pháp viện  Alabama, Roy Moore, đã gây tranh cãi vào năm 2001 khi đặt một tượng đài khắc Mười Điều Răn của Thiên Chúa giáo trong tòa án của tiểu bang ở Montgomery. Năm 2003, Tòa Thượng thẩm (Court of the Judiciary) Alabama ra lệnh dỡ bỏ tượng đài và chấm dứt nhiệm kỳ của Moore (1). Ảnh:  @The Birmingham News.

Phán quyết chỉ được thi hành khi Tòa Thượng Thẩm Albama đòi phạt tiểu bang Alabama năm ngàn đồng một ngày chừng nào tấm bia vẫn chưa được dời đi. Một trường hợp khác là trong lễ nhậm chức nhiệm kỳ thứ nhất của tổng thống Bush, có hai vị mục sư đã cầu nguyện “nhân danh tên chúa Jesus Christ, tên đứng trên tất cả mọi tên trên thế gian” [Rev. Kirbyjon H. Caldwell: “We respectfully submit this humble prayer in the name that’s above all other names, Jesus the Christ.”] Ngay sau đó thì Americans United for the Separation of Church and State đã lên tiếng phê bình rằng lời cầu nguyện đó là “không đúng đắn, không tế nhị trong một lễ tụ họp quốc gia”. Một giải pháp đề nghị là không có lời cầu nguyện trong các lễ nhậm chức.

Tại sao lại có những nỗ lực kiên quyết tách biệt giữa giáo hội và nhà nước? Tại sao những nhà lập pháp của một quốc gia non trẻ như Hoa Kỳ lại đưa điều táo bạo này vào ngay trong bản Hiến pháp đầu tiên từ ngày lập quốc? Câu trả lời đơn giảncho những câu hỏi không tránh khỏi này: đó là do những kinh nghiệm lịch sử để lại.

Sự khống chế lẫn nhau giữa giáo hội và nhà nước đã tạo ra những thảm cảnh, đã trì kéo sự phát triển của xã hội loài người. Trước hết là bài học của thời Trung Cổ ở châu Âu. Và cho đến ngày nay, sự nhập nhằng lợi dụng lẫn nhau giữa tôn giáo và chính trị đã vẫn còn ghìm chiếc nôi văn minh đầu tiên của nhân loại trong tụt hậu và hỗn loạn ở vùng Trung Đông rộng lớn. Thế kỷ 20 còn chứng kiến một trường hợp khác là những nhà nước cộng sản bằng mọi cách tiêu diệt tôn giáo, khi không tiêu diệt được thì tìm cách khống chế và lợi dụng, mà hậu quả là xã hội luôn đói nghèo và đi đến tan rã. Ở đây cũng cần mở ngoặc để nhìn vào những đặc tính của chủ nghĩa cộng sản và của Giáo Hội Thiên Chúa Giáo, để hiểu vì sao đây đã là hai tập thể không đội trời chung: những đặc tính chung là cả hai tập thể này đều có cơ cấu tổ chức hàng dọc, chặt chẽ, toàn cầu, nhưng có một đặc tính đối nghịch nhất là một bên là hữu thần và một bên là vô thần. Vì thế sự phát triển toàn cầu của tổ chức này hiển nhiên sẽ được xem là sự thiệt hại của tổ chức kia, nên sự không chấp nhận nhau một cách khốc liệt là điều không thể không xảy ra, dù phương pháp có khác nhau.

Cũng như chiến tranh, mọi cạnh tranh cũng cần có những lúc phải thỏa hiệp. Hãy nhìn vào một trường hợp ở Việt Nam. Đứng trước một tập đoàn thủ đoạn và bạo lực như chính quyền cộng sản, Tòa Thánh Vatican cần phải thương lượng để có cơ hội rao giảng niềm tin tôn giáo của mình là điều dễ hiểu, như sự kiện một vị hồng y được phép sang Việt Nam thụ phong 57 linh mục vào cuối tháng 11 vừa qua. Sự kiện này đã tạo dư luận nhiều chiều. Nhưng xét cho cùng, tôn giáo chỉ coi nhân gian là cõi tạm. Ðiều phải cần nhấn mạnh là các sinh hoạt nội bộ của các tôn giáo đáng ra không phải cần có sự chấp thuận hoặc cho phép của các nhà nước thế quyền. Nhà nước và giáo hội phải là hai cơ cấu độc lập với nhau. Tôn giáo  là để lo chuyện đời sau nên không cần phải đặt ra vấn đề như thường được rêu rao là tôn giáo xâm nhập thì mình sẽ bị cướp đất, cướp nước. Cái đáng cảnh giác là những thế lực núp bóng niềm tin tôn giáo, hoặc ngay cả núp bóng niềm tin không tôn giáo để trục lợi cho phe nhóm, cưỡng áp người dân.

Trong bối cảnh của một xã hội đa nguyên, niềm tin tôn giáo hoặc ngay cả niềm tin không tôn giáo ở mỗi cá nhân đều có được một chỗ đứng bình đẳng trong tinh thần tôn trọng lẫn nhau. Ða nguyên về tôn giáo vì thế cũng nằm trong quy luật khách quan của sự tiến hóa xã hội, đi tìm kiếm một hình tướng đa giáo đồng nguyên nào đó là một nỗ lực hàn lâm chứa đựng nhiều tính gượng ép. Môi trường đa nguyên bắt buộc con người phải chấp nhận sống chung hài hòa với những khác biệt, sống thật, và đối với những chính khách thì những khuất tất càng không có chỗ đứng. Chính khách tín đồ Thiên Chúa Giáo John Kerry đã thất bại vì những khuất tất của mình không thể che đậy được dưới ánh sáng của dân chủ đa nguyên. Sự kiện Tim Kaine chiến thắng vào địa vị thống đốc tiểu bang Virginia chứng minh rõ nét lập trường chính trị ở mỗi cá nhân không thể tách biệt khỏi với niềm tin về tôn giáo của mình. Nếu không thì đó chỉ là trò mị dân mà kết cục là chuốc lấy sự thất bại.

© 2006-2023 DCVOnline

Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net


Nguồn: Bài đăng lần đầu trên DCVOnline ngày 12-01-2006
Đọc thêm: Emilie Kraft, Washington, D.C., Ten Commandments Monument Controversy, http://encyclopediaofalabama.org/