Thế Nguyên (1942-1989)

Nguyễn Văn Lục

Tổng kết gia tài ông Thế Nguyên để lại những tác phẩm đã xuất bản, về phẩm cũng như lượng, tôi đếm tất cả được 50 cuốn sách trong vòng chỉ 5 năm. Phải chăng điều đó cũng đủ cho một cuộc đời một người cầm bút vắn số.

Từ Hồi Chuông Tắt Lửa đến chủ Nhà xuất bản Hành Trình. Trường hợp Thế Nguyên

Thế Nguyên có một bút văn nữa là Trần Trọng Phú (tiểu luận Nghĩ gì?) Tên thật của ông là Trần Gia Thoại. Ông vốn là con trai duy nhất nên được miễn đi lính. Ông cư ngụ ở số 291 Lý Thái Tổ, quận 10, Saigon, gần phở Tàu Bay lúc bấy giờ. Ông ở đó cho đến cuối đời.

Thế Nguyên (1942-1989). Nguồn: OnTheNet/DCVOnline

Nói về con người Thế Nguyên thì với bộ dạng bên ngoài đúng là của một anh Bắc Kỳ chính hiệu. Dáng người mảnh khảnh, cắt tóc ngắn, miệng hơi hô khi cười, quần áo thì ăn mặc lèng xèng, lại thêm đi dép lè phè với cái tật nhỏ, thuốc lá phì phèo liên miên mà có thể chỉ tốn một que diêm mỗi ngày.

Có lần với cung cách ấy, con người ấy khiến Nguyên Sa, có vẻ cũng lè phè, nên hạ bút: “Thế Nguyên như là một thày tu không mặc áo dòng.” Trường học của Nguyên Sa gần nhà Thế Nguyên nên ông thường ghé qua Lý Thái Tổ vào buổi chiều. Cho đến bây giờ, không ai biết hai người nói chuyện gì.

Thế Nguyên lại điềm đạm, kiên nhẫn, lắng nghe người khác hơn là nói, chịu khó học hỏi, tạo cho người khác cảm giác gần gũi, dễ thân thiện với ông. Có lẽ, chính ở điểm này mà ông có nhiều bạn bè đủ loại trong giới văn nghệ sĩ, trí thức, mặc dù học lực không bao nhiêu. Đặc biệt hai người bạn khá thân là nhà thơ Diễm Châu và Nguyễn Quốc Thái.

Vốn học thì ít, vốn ngoài đời thì nhiều cộng với sự say mê văn học lại nhiều vô kể nên có thể sau này ông làm nên chuyện lớn. Cụ thể là ông cầm bút rất sớm so với tuổi đời như làm Giai phẩm Văn Mới, và là tác giả Bóng Mát, Nuôi con nhơn tình (NXB Nam Sơn, 1966). Dư luận cho rằng, ông không phải là tác giả hai cuốn truyện này, vì đọc tựa đề thôi, văn phong có vẻ dân Nam Kỳ.

Thú thực, tôi cũng chưa đọc hai tác phẩm này, và tìm cũng không thấy[1].

Sách hiện lưu trữ ở dạng ấn bản và microfilm tại 3 đại học. Nguồn: WorldCat

Nhưng trong tác phẩm chính của ông, Hồi Chuông Tắt Lửa[2], xuất bản lần thứ 2, đề ngày 18-12 năm 1966, in tại nhà in riêng NXB Trình Bầy[3]. Ông có ghi thật minh bạch: Cùng một người viết: Bóng Mát, Nuôi Con Nhơn Tình. Phải chăng có thể chưa xuất bản chăng, phải chăng và phải chăng.

Như trường hợp truyện “Từ dưới vực sâu” dự định in mà sau này không có điều kiện. Nhưng nó đã được đăng trên Đất Nước vào tháng ba và tháng tư năm 1968. Xin ghi lại: Từ Dưới Vực Sâu. Truyện dài Thế Nguyên: De profundis clamavi ad te Domine[4].

Chúng ta sẽ còn có dịp bắt gặp những câu tiếng La Tinh như thế và cũng bắt gặp lại những nhân vật truyện dấu tên như thế trong truyện Hồi Chuông Tắt Lửa

Hồi Chuông Tắt Lửa

Nguồn: BLOG THT & THƯ QUÁN BẢN THẢO

Cuốn truyện chỉ dày vỏn vẹn 95 trang, năm 1963. Bản tôi có trong tay là bản xuất bản lần thứ nhì, đề ngày 18-12-1966, in tại nhà in riêng của Trình Bầy. Sau này, còn xuất bản hai lần nữa đề năm 1969. Xuất bản đến 4 lần thì hẳn nội dung phải thế nào chứ.

Điều đó cho thấy ngay từ lần xuất bản đầu tiên, nó đã gây một dư luận, một tiếng vang dữ đội, dư luận khen chê trái chiều cũng không ít.

Nhà văn Uyên Thao lúc bấy giờ phụ trách đài phát thanh Saigon khi đọc truyện này đã nhận định: “Đây là một tác phẩm với cách viết độc đáo.”

Một số cha nhà thờ lên tiếng phản đối đài Phát thanh Quốc Gia sao lại phổ biến một tác phẩm bôi bác nhà thờ do một tên phản động, nội ứng cho bọn Việt Cộng. Dư luận chụp mũ này cuối cùng cũng không thuyết phục được ai. Dư luận trái chiều ấy cũng là bước dẫn đường cho Nguyễn Văn Trung tìm cách liên lạc, kết nối và Nguyễn Văn Trung đã viết một bài phê bình Hồi Chuông Tắt Lửa trong cuốn Nhận Định VI của ông.

 Và sau này có duyên văn nghệ bắc cầu, Thế Nguyên trở thành Tổng Thư Ký tờ Đất Nước với Chủ nhiệm Nguyễn Văn Trung, Chủ trương biên tập Lý Chánh Trung. Tòa soạn tờ Đất Nước đặt tại 291, Lý Thái Tổ, Sài Gòn[5].

Xin cũng được rõ ràng, khi ra tờ Hành Trình, có Trịnh Viết Đức lo in ấn ở nhà in Nam Sơn. Nhưng sau đó Trịnh Viết Đức bị động viên vào Thủ Đức, công việc in ấn bị đình trệ không người thay thế. Thì nay có Thế Nguyên thay thế chẳng những lo sắp xếp bài vở, tác giả nào chọn đăng, nhất là lo việc in ấn, phát hành.

Thời gian sau 1960 không nhớ rõ bằng cách nào, tôi cũng như nhiều người trẻ khác cũng tìm mua được truyện Hồi Chuông Tắt Lửa.

Nội dung truyện Hồi Chuông Tắt Lửa mang tính chất hiện thực xã hội về một xã hội làng xóm công giáo chung quanh một nhà thờ có cha xứ, có các dì phước, có các ông Trùm, ông Chánh Trương. Ngoài ra, còn có những người phụ giúp cha xứ như các thày giảng, thày già xứ, các ông bõ, lão bộc, v.v..

Điều hiển nhiên là tất cả những nhân vật truyện ấy đều có thể có thật ở ngoài đời và được nhà văn phủ lên một màn “sương khói” để tiểu thuyết hóa. Nó cho thấy, thứ nhất là Thế Nguyên thấm nhuần tinh thần của người có đạo, thấm nhuần một nếp sống Đạo của một thời, của một xứ đạo miền quê đất Bắc[6]. Không có gốc gác đạo ấy, bầu khí chung quanh ấy, tuổi trẻ ấy, khó có thể nói viết được Hồi Chuông Tắt Lửa. Nó gợi nhớ tới “mùi đạo” với ký ức tuổi trẻ với các cuộc rước sách vào mùa ‘thương khó’, thời gian sau lễ giáng sinh cho đến lễ Phục sinh vào khoảng tháng tư, tháng năm.

Vì thế, trong toàn truyện Hồi Chuông Tắt không toát ra những cuộc tình lãng mạn lãng mạn với đau khổ hay hạnh phúc với nước mắt như thường tình. Nó cũng không có những đoạn xiển dương tình dục và cũng chẳng có tham vọng xiển dương tôn giáo cũng như đề cao mục đích giáo dục ai.

Nó đứng ngoài tất cả hoặc đứng trên những thông lệ mà có thể người đọc chờ đợi. Thế Nguyên chỉ miêu tả một sinh hoạt làng xóm của một xóm đạo, bề ngoài có vẻ phẳng lặng, bên trong là những đợt sóng ngầm đầy những bí ẩn, những ngờ vực bằng một bút pháp miêu tả kỹ thuật của riêng ông.

Nhân vật xưng “tôi” trong truyện này rơi vào tình trạng phải qua những kinh nghiệm ngoài ý muốn, biết được những bí ẩn của các nhân vật khác với nhiều kịch tính, và như then chốt giải mã được những bí ẩn của nhiều nhân vật trong truyện.

Trong một xứ đạo có những biến động chính trị nên có những tổ chức tự vệ chống lại người du kích, đúng ra là cộng sản.

 Phải thú thực là khi đọc, tôi bị một cú sốc bất ngờ bởi một lối hành văn lạ đầy kịch tính, một quyến rũ buộc người đọc phải theo dõi câu chuyện và để lại dư vị nào đó. Câu chuyện cũng vượt trí tưởng tượng với những nhân vật mang tính người với những yếu hèn và hệ lụy, tội lỗi và hình phạt. Tập truyện khai mở cho thấy tội lỗi khác tội ác. Tội ác như giết người, cướp của. Tội lỗi xảy ra trong tương quan người-người mà lỗi phạm như bẻ gẫy mối tương quan ấy như sự bất trung.

 Đứng về mặt cứu độ thì chính nhờ tội lỗi như thể làm hòa được với Trời trong tinh thần: “Ôi, Tội sinh phúc.” Tội là nguồn cơn cứu độ, hạnh phúc. Felix – Culpa.

Hiểu được nguồn cội, yếu tính của thân phận con người vốn yếu hèn, hiểu được tôn giáo như thế thì mới hiểu các nhân vật trong Hồi Chuông Tắt Lửa. Ấn tượng ấy gần gũi và nó kéo dài trong nhiều năm tuổi trẻ, băn khoăn và ám ảnh tìm về và đến lúc có cơ hội làm việc cho tờ Tân Văn bên Mỹ, tôi đã đăng lời rao, tìm lại cuốn truyện. Ít lâu sau, nhà văn Ngô Thế Vinh đã đến tòa soạn và tặng tôi cuốn sách. Xin có lời cảm tạ ở đây.

Tôi nhận xét thấy đến cái lạ, cái lạ là sức thu hút vì chưa thấy nhà văn nào viết như thế. Truyện thường xây dựng trên một nhân vật truyện với cá tính riêng biệt, với một đời sống, với ứng xử, với cá tính và nó quyết định sự thành công của một cuốn truyện, chẳng hạn Dũng trong Đoạn Tuyệt.

 Đó là một lẽ nào đó tôi chưa hiểu được, tại sao các nhân vật truyện của Thế Nguyên đều có vẻ vô danh, không cá tính lại viết tắt như: Cha T, ông M, cô em gái cha T., thầy già X, ông giáo K, ông cố Tây, cô giáo, bạn với em gái cha T. Bõ Khương, Thầy già và nhân vật xưng Tôi, như đầu mối dẫn dắt toàn câu chuyện.

Không ai biết “Tôi” là ai, là anh là chị hay là chính người đọc. Còn lại một vài nhân vật truyện có tên như con Hạnh, thằng Ánh, Bõ Khương, dì Agnes, cô Yến.

Nói chung, các nhân vật truyện này đều hình như nằm trong một khung cửa hẹp, giới hạn trong thế giới nhà tu hành mà ám chỉ ai cũng được, ông A, ông X, ông C, với cuộc sống có rất nhiều uẩn khúc, bí mật trong cõi u tối, đầy trắc trở như thể những bi kịch của cuộc đời, tù túng như thể không lối thoát.

Ít ra như nhân vật Yến sau khi thất thân với nhân vật M, và sau này có thể do người của M đã giết oan mẹ của Yến. Cô thất vọng và cắt tóc bỏ đi tu Dòng.

Phải chăng đó là một bi kịch trần gian nói chung, bi kịch con người chòng chéo lên nhau như một địa ngục với bề ngoài được che đậy và bên trong với nhiều ẩn số mà lời giải đáp cuối cùng như thể là những con dê tế thần gánh tội thay cho mọi người, dựa trên lời kinh thánh dạy.

Ít ra, thằng Ánh, sau này được biết là con của M và cô giáo là tiêu biểu cho cái chết vô tội của nó. Khi ông M trốn chạy bọn du kích, đã lôi nó đi cùng ra bến đò và khi thuyền rời khỏi bờ sông thằng Ánh đã bị một du kích bắn chết. Thằng Ánh, tiêu biểu cho hình ảnh con dê tế thần, và một cách nào đó như Bõ Khương, cha T.

 Nhưng sự có mặt của thằng Ánh lại là nguồn cơn sự nghi ngờ và bị hiểu lầm là con của cha T và cô giáo.

Cha T. đã chịu đựng sự hiểu lầm và oan trái một cách tự ý để bảo vệ trong tinh thần của một linh mục trung thành và theo gương Chúa gánh lấy tội thiên hạ. Cha T cũng là người nắm giữ tất cả sự thật và những bí mật của con người, và cha T đã chịu đựng sự hiểu lầm, tai tiếng và những lời tố cáo của ông K. Cha T. đã biểu lộ một thái độ rộng lượng và cao cả. Cha T đã không kết án ông K mà còn cho rằng: Không kết án ai để khỏi bị kết án. Cha T đã theo gương Chúa chịu đóng đinh đối với kẻ đã đóng đinh Ngài.

Tất cả cái tình tự ấy chỉ được diễn tả như một cách biểu tượng trong Cựu Ước trong dịp lễ ăn thịt chiên để kỷ niệm ngày giải phóng dân tộc Israel ra khỏi ách nô lệ của Ai Cập. Nhưng thật sự thật khó để hình dung ra cha T ở ngoài đời.

Phải chăng có thể tóm gọn Hồi Chuông Tắt Lửa là một truyện không có nhân vật truyện. Nhân vật cha T chỉ là một biểu tượng cho việc hiến dâng mang ý nghĩa như một sự cứu chuộc. Mọi tội ác của con người sẽ đổ lên đầu con chiên đực trong sạch kia và khi con vật được tiêu hủy đi, nó mang theo tất cả những vết tích nhơ bẩn đó[6a] .

Tinh thần ấy còn được diễn tả trong Cựu Ước như sau:

“Pópule méus, quid féci tibi. Aut in quo contristávi te Respón de mihi”[7]
(Dân Ta hỡi, Ta đã làm gì cho ngươi. Hoặc Ta đã làm phiền lòng ngươi điều gì. Hãy trả lời cho ta hay.)

“Quia edúxi te de térra Aegýpty Parásti Crúscem Salvatóri túo”
(Phải chăng vì Ta đã đưa ngươi ra khỏi đất Ai Cập. Nên thập ác ngươi dành cho đấng cứu ngươi)

Improperia – Popule meus (Thanh ca Gregorian). Nguồn: YouTube

Tôi đã giới thiệu và giải thích theo tôi hiểu những biểu tượng ẩn sâu về phận người trong Hồi Chuông Tắt Lửa. Tuy nhiên, nó vẫn ở bình diện suy luận, khô trồi như nó còn thiếu một cái gì mà tôi không lột tả được. Cái đó buộc tôi nghĩ rằng bạn đọc nên cầm lấy và tự đọc. Tolle et Lege. Vì một điều đơn giản là chính người đọc phải chạm tay vào tác phẩm mới cảm nhận đầy đủ tác phẩm.

Về tập san Trình Bầy, người viết chỉ xin trích đoạn lời mở đầu và lời giã từ thiển nghĩ cũng đủ vì mục đích chính là giới thiệu và bình luận về cuốn Hồi Chuông Tắt Lửa đã làm nên danh tiếng cho tác giả.

Cho đến lúc này, ở đây, tôi vẫn có cảm thấy Hồi Chuông Tắt Lửa ít người được biết tới, vì như nhiều tác phẩm khác, nó đã bị bỏ quên và bỏ qua một cách vô tình và lạnh nhạt.

Nhiệm vụ của người viết kể như xong.

Phần còn lại là giới thiệu những công trình đóng góp về những tác phẩm của nhà xuất bản Trình Bày, đóng góp không chối cãi được cho văn học miền Nam.

Vì thế, việc giới thiệu tập san Trình Bầy, xin khép lại và chỉ xin giới thiệu phần mở đầu và phần giã biệt của chủ nhiệm Thế Nguyên.

Trong lời nói mở đầu tờ Trình Bầy với nhan đề “Con đường đi tới”

“Một phần tư thế kỷ đã trôi qua trên cuộc cách mạng mùa thu, Tuy vậy những hy sinh ròng rã suốt 25 năm ấy dường như chưa đủ cho một dân tộc yêu chuộng hòa bình như như dân tộc Việt Nam có thể buông súng xuống vui hưởng tự do.

-Bây giờ vẫn còn những cụ già tóc bạc bị trói tay, bịt miệng, những em bé bất lực quằn quại trên vũng máu, những thanh niên bị đánh đập dã man, những thiếu nữ bị hãm hại.

-Bây giờ vẫn còn những cảnh tra hỏi, bắt bớ ở mỗi nẻo đường, những tiếng hét rùng rợn của những nạn nhân trong những phòng tra tấn… cả một Đất Nước biến thành một cái chuồng thú vĩ đại. Máu hòa nước mắt. Roi da và thép gai, thép gai trùng trùng, điệp điệp..

-Con đường đi tới là con đường giải phóng, giải phóng Đất Nước và giải phóng con người toàn diện.”

Thế Nguyên

Sau 42 số, tờ Trình Bày đã nghĩ đến việc đình bản, lúc đó là tháng 9 năm 1972 rồi. Thế Nguyên viết chia tay bạn đọc như sau:

“Nhìn lại những số báo xuất bản hai năm qua, chúng tôi rất vui mừng khi thấy tờ báo đã có được tính cách là một diễn đàn chung của anh em văn nghệ, trí thức tiến bộ trong cũng như ngoài nước. Ở đó, không có chỗ cho bè phái, địa phương, văn nghệ thù tạc. Nhưng đấy chính là nơi đây tụ họp của những con người tin rằng ngày mai nhất định sẽ phải tốt đẹp ngày hôm nay. Phụng sự cho ngày mai, chúng ta đã sống và đã viết.”

Thế Nguyên

Thế Nguyên có phải là người cộng sản hay không?

Có lẽ cần minh định rõ rệt hơn về câu hỏi này. Khi viết cuốn Hồi Chuông Tắt Lửa, có thể nói không có dấu hiệu gì rõ rệt cho thấy Thế Nguyên theo cộng sản. Và tiến trình theo cộng sản là những cơ duyên ngoài ý muốn ngay cả từ cá nhân Thế Nguyên.

Ông là một người Bắc công giáo di cư, ở Nam Định, một vùng có nhiều người theo đạo, có nhiều xứ cả làng theo cha xứ dẫn dắt đi vào Nam. Vào Nam, nếu gia đình không khá giả có thể định cư tại Hố Nai, Gia Kiệm hay Gò Vấp. Thế Nguyên theo học trường Trần Lục hồi đó hiệu trưởng là một linh mục.

Lại nữa, cơ duyên là ông lấy vợ là một gia đình người Tàu lai, bà Tăng Hoàng Xinh ở Mỹ Tho. Bà Tăng Hoàng Xinh lại có một người chị và được biết chị này nằm vùng đã móc nối với cậu em rể.

Nhiều phần Thế Nguyên được móc nối theo Giải phóng miền Nam có thể từ thập niên 1960. Chính trong cái quan hệ ruột thịt đó, bà chị vợ đã lôi kéo được Thế Nguyên từng bước một đi theo cộng sản. Ở nơi đây, ông có dịp gặp gỡ Nguyễn Ngọc Lan[8], Nguyễn Ngọc Lương, bút danh Nguyễn Nguyên, Trần Tuấn Nhậm, Trần Quang Long, v.v..

Sau 1975, như nhiều người khác từng theo cộng sản, ông không được trọng dụng. Ông chỉ là một nhân viên tờ tuần báo Văn Nghệ, T.p. Hồ Chí Minh. Ít lâu sau, ông lẳng lặng giã từ tuần báo không thèm lãnh lương.

Phải chăng, ông chỉ là người theo đuôi cộng sản và bị loại khi họ đã là kẻ chiến thắng. Đâm chán, ông theo gót chân Đinh Hùng, Vũ Hoàng Chương làm bạn với Ả phù dung.

Quá khứ chính trị một thời đã qua mà nhiều người đã lầm lỡ bước vào và sau đó thất vọng. Bước vào – Bước ra là một kinh nghiệm của ông và cũng của nhiều người. Những chặng đường ấy Thế Nguyên cũng đã từng trải qua và thất vọng sau 1975.

Đối với người viết bài này, cái còn lại không phải là những vướng mắc chính trị của một thời đã qua, mà những gì còn lại trong văn học, nghệ thuật. Nếu kể đến công khó, thiện chí cũng như nhiệt huyết mà ông đã dành cho văn học miền Nam thì sự góp mặt của ông là không phủ nhận được. Tôi khai triển những điều không thể phủ nhận ấy về một điều mà Văn học miền Nam có thể bỏ qua, bỏ quên vì mấy ai còn nhắc đến.

Nhà xuất bản Hành Trình đã sưu tập và bỏ tiền ra để dịch cũng như sáng tác của một số nhà văn, rồi in ấn là một công trình đồ sộ cả về phẩm cũng như về lượng ở vào một thời điểm đầy biến động chính trị có nguy cơ mất còn. Hãy nhớ những thời điểm ấy để mở rộng vòng tay đón nhận.

Những công trình về văn hóa nghệ thuật của nhà xuất bản Trình Bầy còn để lại

Sách dịch

  • Chúa đã khước từ, truyện của Richard. E. Kim, bản dịch của Lê Khắc Cầm.
  • Oe Nuôi thù. Oe Kenzaburo. Bản dịch của Diễm Châu.
  • Ngàn cánh Hạc. Truyện ngắn của Yasumari Kawabata. Bản dịch của Trùng Dương, in lần II.
  • Ông Đại sứ. Truyện của Morris L. West. Bản Việt văn của Chu Việt.
  • Con Voi. Truyện của Slawomir Mbo.Mrozek. Bản dịch của Diễm Châu.
  • Xứ Tuyết. Kawabata Yasumari. Bản dịch tiếng Việt của Chu Việt

Trong số những tác phẩm dịch này, tôi rất trân trọng và thích thú khi đọc các tác phẩm Chúa đã khước từÔng Đại sứ.

Và sau đây một số tác phẩm của những nhà văn Việt Nam.

  • Thảo Trường, “Người đàn bà mang thai trên Kinh Đồng Tháp”
  • Nguyễn Thế Anh, “Kinh tế và xã hội VN dưới các vua triều Nguyễn”
  • Đỗ Long Vân, “Nguồn nước ẩn của Hồ Xuân Hương” và tác phẩm “Vô Kỵ giữa chúng ta”
  • Lê Văn Hảo, “Về phác họa một chân dung con người”
  • Lữ Phương, “Mấy vấn đề về Văn Nghệ”, “Descartes nhìn từ phương Đông” 
  • Nguyên Sa, “Một bông hồng cho Văn Nghệ”
  • Nguyễn Văn Trung, “Ngôn ngữ và thân xác”
  • Lý Chánh Trung, “Tìm về Dân tộc”
  • Nguyễn Khắc Ngữ, “Mẫu hệ Chàm”
  • Trương Bá Cần, Trương Đình Hòe và Nguyễn Hồ Đỉnh, “ Hòa bình cho con người”
  • Trần Quang Long, “Bông cúc vàng”
  • Đinh Phụng Tiến, “Hòn bi”

Đỗ Long Vân (1934- 1997)

Nói chung, một số tác phẩm, tác giả tôi đã đọc và khá quen thuộc. Tôi đã có bài viết về Thảo Trường. Ông vẫn là nhà văn chuyên chở nhiều thứ và luôn luôn đặt vấn đề cho người đọc phải suy nghĩ.

Tuy nhiên, có một tác giả duy nhất viết rất ít, Đỗ Long Vân, và hầu như cũng ít người biết đến. Nhưng những bài khảo luận ông viết ra đều có phẩm chất cao và sâu sắc. Ông vốn là một người di cư vào Nam, sau du học tại trường Sorbonne. Ông đậu Cử nhân văn chương.

Về nước 1954, có thời gian dạy đại học Huế. Con người ông thích tự do, thích buông thả, không ràng buộc. Chi tiết sau đây cũng ít ai biết thuộc lãnh vực đời tư: ông bị động viên, thay vì đi sĩ quan trừ bị Thủ Đức như mọi người. Ông dấu văn bằng và tình nguyện đi quân dịch như một người lính.

Mấy bài ông viết, tôi rất là tâm đắc như Nguồn nước ẩn của Hồ Xuân Hương. Đây là một cái nhìn phân tâm học, cấu trúc học và hiện sinh như một thách thức văn học của ông nhằm bác bỏ những dư luận đời thường coi thơ Xuân Hương là dâm dục, thơ phóng đãng ẩn ức tình dục mang chiêu bài luân lý, đạo đức.

Vì thế Nguồn nước ẩn là một khám phá, Nước là nguồn cơn, là tất cả về thơ văn của Hồ Xuân Hương.

Đọc bài viết này của Đỗ Long Vân có thể giúp độc giả có cái nhìn nhân bản, gần gũi hơn về con người. Sự gần gũi ấy có thể là sự bất lực và ngay cả sự nổi loạn với một trật tự xã hội giả dối. Sự nổi loạn ấy có thể đặt ra trong mối tương quan xã hội tù túng và lạc hướng của xã hội trong văn chương và ngoài văn chương, trong dư luận khen-chê. Sự lạc hướng ấy đứng về mặt suy luận có thể là một đối đầu, một cọ sát một cách khách quan hoặc chủ quan giữa Trong-Ngoài, giữa Khép-Mở, giữa Thực-Hư.

Tác giả Đỗ Long Vân có thể đứng Ngoài và Đứng Trên những nguồn dư luận ấy.

Bài Vô Kỵ giữa chúng ta của ông cũng là nguồn cảm hứng cho tôi viết bài Lệnh Hồ Xung, một kẻ buôn mộng.

Tổng ổng kết gia tài ông Thế Nguyên để lại những tác phẩm đã xuất bản, về phẩm cũng như lượng, tôi đếm tất cả được 50 cuốn sách trong vòng chỉ 5 năm. Phải chăng điều đó cũng đủ cho một cuộc đời một người cầm bút vắn số.

Những ngày cuối đời của Thế Nguyên

Cái chết đã đến bất ngờ, lãng xẹt.

Theo lời kể lại của Nguyễn Quốc Thái, một người bạn thân nhất của Thế Nguyên còn kẹt ở lại Saigon sau 30-04-1975 kể rằng một bận Thế Nguyên dùng dao cắt một mụn cóc ở chân. Lưỡi dao bị nhiễm độc mà ông không biết. Đêm đó, ông lên cơn sốt, nghĩ không quan trọng “cũng thường thôi”. Nhưng qua hôm sau, ông bị nhiễm độc và co giật với cơn sốt lên quá 40 độ C. Người nhà cầu cứu Nguyễn Quốc Thái, họ Nguyễn vội chạy đến đưa đi bệnh viện.

Trên giường bệnh, lúc tỉnh táo, linh cảm rằng mình đã bước gần tới cõi chết, ông bảo bạn: “Chậm rồi Thái ơi!”

Thật oan nghiệt, Thái nói: “Chứng phong đòn gánh (tétanos) không phải là một chứng bệnh khó chữa. Nhưng thời gian đó, Sàigòn hầu như thiếu mọi thứ thuốc. Bác sĩ giỏi mấy cũng bó tay.”

Thái kể thêm:

“Dù sao tôi cũng vẫn tin rằng, cuối cùng Thế Nguyên ra đi trong thanh thản. Trước giờ bạn đi, tôi đã mời được cha làm phép xức dầu, xưng tội, giải tội, cùng mọi nghi thức tôn giáo.”

Nguyễn Quốc Thái

Tính cho đến nay, ông mất đã được hơn 30 năm rồi.

Nghĩ cho cùng nếu có cơ hội nhìn lại, không thể phủ nhận rằng miền Nam đã cho ông cơ hội, một số tự do đủ để được nhìn nhận sống có tư cách để cất lên tiếng nói như một nhà văn, như những người cầm bút thuộc đủ thành phần. Ông đã để lại cho đời một gia tài đồ sộ về văn học ít ai sánh bì dưới danh hiệu NXB Trình Bầy.

Tôi xin ghi lại như một lời tri ân như một niềm an ủi cho ông ở bên kia thế giới và một niềm an ủi của người còn lại, như kẻ viết bài này.

Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net


Nguồn: Bài của tác giả. DCVOnline biên tập, trình bầy và phụ chú.

[1] Truyện “Nuôi con nhơn tình” hiện lưu trữ ở dạng ấn bản và microfilm tại 3 đại học. Nguồn: WorldCat https://www.worldcat.org/title/64078830
[2] Hồi Chuông Tắt Lửa, NXB Trình Bầy (1963, 1966) và NXB Nam Sơn (1964). Hiện có 5 bản (bản in và microfilm) lưu trữ tại 9 đại học.
[3] Cùng địa chỉ nhà riêng của Thế Nguyên ở Lý Thái Tổ, Saigon.
[4] Câu số 1 trong Kinh Cựu ước, Psalmus 129 (130): De profundis clamavi ad te Domine nghĩa là “Từ vực sâu con kêu Chúa, lạy Chúa:”
[5] Lại cùng địa chỉ nhà riêng của Thế Nguyên ở Saigon.
[6] Thế Nguyên di cư vào Nam lúc khoảng 12 tuổi.
[6a] Theo Cựu ước, lễ ăn thịt chiên là để kỷ niệm ngày giải phóng dân Israel ra khỏi ách nô lệ Ai Cập. Đàng khác, việc hiến dâng còn mang ý nghĩa như một sự Cứu Chuộc, một bí tích: mọi tội ác của người ta sẽ đổ lên đầu con chiên đực trong sạch kia và khi con vật được thiêu huỷ đi, nó mang theo luôn tất cả những vết tích nhơ bẩn đó. (Chú thích của nhà xuất bản NAm Sơn, Saigon, 21.2.1964)
[7] Hai câu này “Pópule méus, quid féci tibi. Aut in quo contristávi te Respón de mihi” và “Quia edúxi te de térra Aegýpty Parásti Crúscem Salvatóri túo” trích trong phần cuối truyện “Hồi Chuông Tắt Lửa” của Thế Nguyên.

Tuy nhiên, Thế Nguyên không dẫn nguồn, không viết đúng tiếng Latin, nguyên văn là: “Popule meus, quid feci tibi? Aut in quo contristavi te? Responde mihi” và “Quia eduxi te de terra Aegypti, Parasti Crucem Salvatori tuo.” Đó là hai đoạn đầu “Popule meus” (Micah 6:3), và “Ego eduxi” (Jeremiah 2:21) của bài Thánh ca Gregorian, “Improperia “Popule meus, quid feci tibi?”” gồm 11 đoạn.

Bài thánh ca này dịch sang tiếng Việt mở đầu bằng điệp khúc “Popule meus” (Micah 6:3) [Hỡi dân ta ơi, ta đã làm gì cho ngươi? Hay ta đã làm làm phiền lòng ngươi điều gì? Hãy trả lời ta] và câu đầu chính là và “Ego eduxi” (Jeremiah 2:21) [Vì Ta đã dẫn các ngươi ra khỏi đất Ai Cập: Các ngươi đã dọn sẵn Thập Giá cho Đấng Cứu Thế của các ngươi], tựa đề bài thánh ca là

“NÓI VỚI DÂN TA”
ĐK: Này dân Ta hỡi Ta đã làm gì, Ta đã làm gì cho ngươi! Mà ngươi nhẫn tâm đóng đinh Ta vào thập giá, đóng đinh Ta vào thập tự!

1. Phải chăng vì Ta đã cứu thoát ngươi khỏi đất Ai Cập mà ngươi dọn sẵn thập tự cho Cứu Chúa của ngươi.

http://thephongspoems.blogspot.com/

[8] Hoàng hôn của bạo lực (thơ, truyện ngắn, lời chứng về cuộc chiến) của một nhiều tác giả (Diễm Châu – Phạm văn Rao; Thái Lãng; Du Tử Lê – Lê cự Phách; Đặng thần Miễn; Thế Phong – Đỗ mạnh Tường; Nguyễn Quốc Thái; Tạ Quang Trung; Thảo Trường – Trần duy Hinh; Lê Tất Hựu) do R.P. Nguyễn Ngọc Lan và Lê Hào (giáo sư Lê văn Hảo) dịch sang Pháp ngữ Le Crépuscule de la violence (poèmes, nouvelles, témoignages d’un guerre). Trang 2 ghi: Copyright 1960, by Les Éditions Trình Bầy, Saigon. Thật ra tập sách này in vào thập niên 70, không kiểm duyệt — ghi năm xuất bản lùi lại, trên dưới 10 năm — để qua mặt Sở Phối hợp nghệ thuật/ bộ Thông tin (Sở Kiểm duyệt). Nguồn: Đường Bá Bổn, “ceux qui sont morts” par Thế Nguyên, traduit par R.P. Nguyễn Ngọc Lan, 26 Sept. 2015.