Tản mạn với tác giả “Giấy bút lầm than” (Kết)

Nguyễn Văn Lục

Biến cố 1975 đã làm thay đổi diện mạo miền Nam, dập tắt tất cả những cao trào tranh đấu dân chủ và công bằng xã hội xảy ra trước đó. Hầu hết mọi người bất kể từ phía nào đều quyết định ra đi nếu có điều kiện. Ván bài đã lật ngửa rồi còn có gì để chơi, dù là chơi tháu cáy.

Ngày Ký giả đi ăn mày và Ngày báo chí thọ nạn

Nguyên nhân của vụ này là báo Sóng Thần đã đã đăng tải những tin tức, thông cáo của Phong Trào Nhân dân chống tham nhũng.

Như thể Sóng Thần là phát ngôn viên chính thức hay cái loa của phong trào này. Xin ghi lại một số tít chạy trên báo Sóng Thần như sau:

Ngày “Ký giả ăn mày”. Nguồn Ảnh: Google Search

“30.000 giáo dân Biên Hòa nhập PTNDCTN bất hợp tác với chính quyền Tỉnh. 4 mối nguy của Làng báo. Tổng thư ký nhật báo Chính Luận bị bộ Tư Lệnh Cảnh sát bắt giải tòa. Sổ tay Ngô Đình Vận; Đau quá. Luật 007/72 đã vi phạm công lý ra sao? Giáo dân Nha trang‒Cam Ranh đồng loạt tố tham nhũng. Nhiều linh mục tuyên bố sẵn sàng nhận cho còng tay dẫn vào tù. LLPG/HGDT công bố cương lãnh 17 điểm. Đưa 6 điểm cáo trạng số 1 ra thử lửa. LM Thanh tuyên bố sẵn sàng nhận: Đối thoại công khai với TT. Thiệu với điều kiện báo chí dự khán và được đăng tải đầy đủ mọi chi tiết”.

Những loạt bài báo như thế như thách thức sự kiên nhẫn chịu đựng của Tổng trưởng Thông tin và Chiêu Hồi Hoàng Đức Nhã, thách thức chính quyền.

Nhất là đăng bản cáo trạng với hàng tít chữ chạy như sau: Nguyên văn 6 điểm cáo trạng số 1.400 chữ làm rung chuyển cả nước. Khối DTXH chất vấn TT Nguyễn Văn Thiệu về 6 điểm cáo giác. Sóng Thần nổi lửa chống đàn áp Tự Do ngôn luận. Ký giả tẩy chay họp báo, kết án tịch thu báo. Ký giả Trần Tấn Quốc nhập cuộc với bài: Báo chí trong kềm kẹp của luật 19/69, SL 007.


(Trích tài liệu báo Sóng Thần trong Vẽ đường cho Hươu chạy)

Liên tiếp hàng loạt các bài viết trên Sóng Thần đặt chính quyền TT. Nguyễn Văn Thiệu vào thế bị tấn công và ghế bị cáo.

Để trả đũa, ngoài sắc lệnh bắt ký quỹ 20 triệu đồng cho mỗi tờ bao, nhiều báo phải đóng cửa như Xây Dựng, rồi Hòa Bình (có đóng tiền ký quỹ, nhưng báo bị tịch thu nhiều lần nên cuối cùng phải sập tiệm. Linh Mục Trần Du đã viết một thư gửi TT. Nguyễn Văn Thiệu ngày 31/5/1974 có câu viết:

“Có nững tin tức rất “vô tư” như “Công Chúa Anh ngã ngựa”, một bản tin lấy tư thông tấn xã UPI hay một bản tin đăng lại của Việt Tấn xã như: “Phụ nữ Quốc tế nghĩ gì về Thanh niên Pháp”. Nhiều báo như Chính Luận, Bút Thép, Độc Lập, Sóng Thần cũng đăng bài đó, nhưng không bị tịch thu.

Chúng tôi bó buộc phải tự ý tạm đình bản từ ngày 31 tháng tám 1974 thỉnh cầu Chính phủ giải quyết vấn đề một cách nghiêm chỉnh vì chính quyền ra lệnh tịch thu báo.


Trích tài liệu Ngày Công Lý và báo chí thọ nạn của báo Sóng Thần trong Vẽ Đường cho Hươu chạy. Ibid

Chưa bao giờ ở Sài gòn lại dấy lên ngọn lửa đấu tranh với nhiều thành phần tham dự, nhiều tổ chức tham dự, nhiều chức sắc tôn giáo một cách tự phát như vậy.

Thật chưa bao giờ. Nó như báo trước một biến cố kết thúc và hạ màn của một giai đoạn sắp tới. Nó đặt mọi người trong tâm thức một báo động đỏ. Nó đại diện cho đủ mọi khuôn mặt trong mọi giới.

Phía Phật giáo có Thượng Tọa Quảng Độ, Đức Nhuận, Giác Đức. Phía Thiên Chúa giáo cóm Linh mục Trần Hữu Thanh, Nguyễn Ngọc Lan, Nguyễn Nghị, Phan Khắc Từ. Phía Quốc Hội có Nghị sĩ Vũ Văn Mẫu, Tôn Ái Liêng, Tôn Thất Đính. Dân biểu Nguyễn Văn Ki, Nguyễn Trọng Nho, Lê Tấn Trang, Võ Long Triều, Nguyễn Công Hoan. Phía Văn hữu có LM Thanh Lãng, Nhật Tiến, Đỗ Phương Khanh, Nguyễn Thị Vinh. Các Nghị viên có Nguyễn Đình Trị, Nguyễn Tấn Khang, Đoàn Kỉnh, Dương Văn Long.

Phía luật sư có thể là đông nhất chỉ xin nêu một số vị như: luật sư Bùi Tường Chiểu, Hồ Tri Châu, Nguyễn Phước Đại, Đặng Thị Tám, Nguyễn Tường Bá, Nguyễn Văn Chức, Đàm Quang Lâm, Đinh Thạch Bích, thủ lãnh luật sư đoàn ở Huế Lý Văn Hiệp.

Trong ngày báo Sóng Thần ra tòa được gọi là ngày Công Lý thọ nạn ‒ ngày 31‒10‒1974, có tất cả 205 đứng nhận biện hộ cho Sóng Thần.

Bị cáo đại diện cho Sóng Thần là bà Trùng Dương (Nguyễn Thị Thái từ phòng luật sư tiến sang phòng xử với một đoàn hộ tống đông đảo các luật sư).

Trên báo chí, nhiều tít lớn chạy suốt cột báo như:

31/10 Ngày dài vô tận. Tâm thư của Lm Thanh cho Sóng Thần: Đập các anh là đập cả cả chúng tôi. Hội chủ báo công bố quyết định số 3: Toàn thể báo chí VN đình bản, dốc toàn lực yểm trợ Sóng Thần ra toà 31‒10. 32 nhà văn, nhà thơ tên tuổi ký tên chung tuyên bố phản đối báo chí, truy tố Sóng Thần. 60 phút công lý bị kẽm gai bao phủ.

Trích tài liệu Ibid

Đặc biệt trong số luật sư nhậnn biện hộ cho Sóng Thần có luât sư Đặng Thị Tám. Bà sinh năm 1939, tại Hải Phòng, tiến sĩ luật khoa Paris, giáo sự đại học luật khoa Sài Gòn, gia nhập luật sư đoàn 1973.

Bà có mối kết giao thâm tình với nhà văn Uyên Thao. Trước 1975, học trò trong giới Hải quân đến mời bà di tản, bà đã từ chối vì đã chán cái cảnh sống ở Âu Châu thời còn đi du học. Bà đã quyết đinh ở lại như trường hợp Uyên Thao. Sau này chẳng hiểu bà có hối hận về quyết định này hay không? Cuộc sống của bà cũng gặp nhiều nỗi truân chuyên, bất hạnh. Phi công Nguyễn Văn Cử đi học tập cải tạo về sống với bà, nhưng khi sang Mỹ theo diện HO đã để bà ở lại.

Xin được viết lại đôi dòng sinh hoạt tòa báo Sóng Thần sau lần bị tịch thu báo để độc giả sống lại cái giai đoạn ấy.


Báo Sóng Thần. Nguồn Ảnh: Uyên Thao

17 giờ: Ủy Ban tiến đến nhà in Tân Minh, lực lượng an ninh đang vây quanh nhà in rất gắt. Tiếng còi lệnh, tiếng gọi máy, tiếng ra lệnh hô hoán chưởi bởi nổi lên từ hàng ngũ cảnh sát. Nhiều cấp cảnh sát cấp Trung Tá, đại tá có mặt ngồi trên các xe chỉ huy. Đồng bào từ khu vườn chuối túa ra chặn xe. Có thêm 4 xe cam nhông cảnh sát thường phục được tăng cường, đổ quân vây quanh đám biểu tình.

Vừa thấy “viện binh” kéo đến, anh em Sóng Thần mở cửa nhà in đón tiếp, lực lượng an ninh ùa vào. Mấy sĩ quan cảnh sát cũng nhảy xô vào dành dựt báo với dân chúng.

Các vị linh mục, ni sư cản “ba người anh em” vây quanh linh mục Nguyễn Ngọc Lan. khi cha ôm một chồng báo phát cho dân chúng. Một người ‘giật cùi chỏ” cha Lan té nhào xuống đất. Hai người khác nhào tới”sớt” chồng báo chạy ù về phía an ninh. Cha Lan phóng theo, đồng báo áp vào, bên kia lực lượng cảnh sát báo động. Người ta nghe những tiếng la lớn: đừng bắn, đừng bắn ..

Các nhiếp ảnh viên, phóng viên truyền hình ngoại quốc vây quanh cha Nguyễn Ngọc Lan vì cha nắm được một nhân viên an ninh, một trong ba người đã hành hung cha. Đồng bào nhào tới, Linh mục Lan sợ “ người anh em” bị đòn hội chợ nên thả ra cho người này chạy về phía lực lượng cảnh sát dàn hàng ngay tại cổng xe lửa góc đường Bùi Chu‒ Hồng Thập Tự.

Tòa soạn báo Sóng Thần sau những đợt tịch thu báo vẫn không sờn lòng. Một số Dân biểu như Hồ Ngọc Nhuận, Nguyễn Hữu Chung, Nguyễn Văn Bình dựa vào quyền Bất khả xâm phạm đến cơ sở ấn loát Tân Minh chất hàng chồng báo lên xe riêng của mỗi người tình nguyện đi phát báo các khu phố để đồng bào có thể đọc được bản Cáo Trạng số 1 tố tham Nhũng của cha THT. Có cảnh xô sát và dằng co giữa dân biểu và cảnh sát. Cuối cùng cảnh sát lên cò súng, các ông dân biểu phải nhường một bước để cảnh sát tịch thu lại báo.

Uyên Thao, người được mệnh danh là “mặt sắt đen sĩ”, ngồi thừ người trên ghế khi nghĩ lại cái cảnh xô xát dành dựt báo chí ngày hôm qua. Báo Sóng Thần lại bị tịch thu mặc dầu có sự cổ võ của các dân biểu tu sĩ.

Anh cố làm vui, hâm nóng anh em bằng những lời khích lệ, nhưng chẳng ai có ý kiến. Cả đến Tấn Typo cũng lo lắng ra mặt. Trong tòa soạn không khí căng thẳng mỗi người một việc như Huy Tường, Vị Ý, Cũ Nghim, Trương Cam Vĩnh lui cui dán, kẻ can trên tấm Report. Hà Thế Ruyệt ‒(Nghị Viên và cũng là người tổ chức buổi đốt 10 ngàn tờ Sóng Thần sau này để tờ báo không bị tịch thu‒) . tới lúc 10 giờ và phấn khởi nói. Anh em yên trí, chúng ta không cô đơn trong cuộcc dấn thân. Nhiều bạn Đồng nghiệp sẽ đăng chuyện Sóng Thần ngày hôm qua và sẽ cùng đăng bản Cáo trang số 1.

Và công việc lại tiếp tục. Săn tin, chọn hình, đặt tít, sắp, dán, mise. Ông quản lý thì áy náy vì quảng cáo kẹt lắm rồi.

Bữa cơm trưa vẫn bà đưa cơm đó, vẫn dưa chua, vẫn canh cải vẫn mấy món cũ mà mọi người như không nuốt nổi. Có cái gì nghẹn ngào, có cái gì vướng vào cổ, có cái gì trục trặc trong bàn ăn, trong khắp các xó xỉnh tòa soạn. Niềm tin của TTK Uyên Thao bơm vào không khí hình như không thấm được và không trấn an được ai

Buông đôi đũa xuống, anh ra lệnh: “Thiệp trực tòa sọan. Điển lo tiếp khách. Hùng Phong, Vĩnh Hải sang tăng cường với ông Vĩnh ở nhà in. Ông Lý Đại Nguyên cũng ở bên đó tiếp khác dùm. Còn lại ai lo việc nấy. Hãy tỏ ra là coi được, Sóng Thần không xệ. Đồng ý không?

Tất nhiên Sóng Thần không xệ, nhưng cái niềm tin mong manh còn sót lại liệu có bị tan vỡ như bong bóng trời mưa không?

Trích lại Ngày Công Lý và Báo chí thọ nạn. Tài liệu của Sóng Thần Ibid.

Cuối năm 1974 báo Sóng Thần đóng cửa.

Đỗ Ngọc Yến đang làm Sóng Thần xin sang giúp tờ Đại Dân Tộc của nhóm Võ Long Triều gặp Uyên Thao nói: “Các anh phải hồng hồng một chút xíu, anh chống Cộng thế này thì sao sống được.”

‒ Đỗ Ngọc Yến có thể làm cho CIA, mình sao biết được.

Tôi (anh Uyên Thao) vỗ vai nó nói: “tao chống Cộng đến sáng.”

‒ Sau khi Sóng Thần đóng cửa thì anh làm gì?

‒ Chẳng làm gì cả. Vì người ta nghĩ rằng chuyện Chống Cộng không cần thiết nữa.

Báo hại các Thầy Thiện Hải, Đức Nhuận đã đến lúc lại phải chở gạo và các thứ đến nhà Uyên Thao đều đều. Phần vợ anh lại ra tay đi giao hàng, buôn bán thêm để nuôi sống gia đình như bà Tú Xương mất.

Nhìn lại hình ảnh và tài liệu minh chứng thì đây là một biễu diễn dân chủ ngoạn mục tiêu biểu nhất của chế độ Đệ Nhị Cộng Hòa và tất cả những ai đã từng tham gia cách này cách nọ, trực tiếp hay gián tiếp trong phong trào này đều có quyền hãnh diện. Những người như Linh mục Trần Hữu Thanh được gọi là “Cha già dân tộc”.

Nhìn lại những giai đoạn tranh đấu hào hùng này, đánh dấu một chặng đường làm báo với giấy bút lầm than. Anh Uyên Thao vẫn nghĩ rằng việc làm lúc bấy giờ là đúng là bắt buộc phải làm như vậy.

Có thể đây là điểm duy nhất tôi không hoàn toàn đồng ý với anh Uyên Thao xét theo bối cảnh chính trị lúc bấy giờ. Ngày 31 tháng 10, 1974 ‒ ngày báo chí thọ nạn ‒ cho thấy chỉ còn đúng 6 tháng nữa làm toàn miền Nam bị rơi vào tay cộng sản.

Nếu có kẻ vẽ đường cho Hươu chạy thì Huơu cuối cùng sẽ rơi vào một cái bẫy sập. Ai là Bẫy sập? Anh Uyên Thao nhìn nhận là biết nhiều bọn cán bộ cộng sản trà trộn trong hàng ngũ người Quốc Gia, nhưng để nguyên. Trường hợp Vũ Hạnh ai cũng biết. Trường hợp Nguyễn Nguyên cũng vậy. Và năm 1980 khi anh đi học tập về gặp một số nhân viên báo Sóng Thần là những cấp chỉ huy ở quận năm. Bọn chúng nói với Uyên Thao là xin vào làm Sóng Thần để phá Sóng Thần.

Sau ngày 30/10, vẫn còn có những buổi đêm canh thức, đốt nến, đốt đuốc cầu nguyện. Và chẳng bao lâu sau, tháng Ba, 1975, tin Ban Mê Thuột bị mất.

Tin này đã làm tắt tiếng tất cả những phong trào đấu tranh. Biến cố này làm cho các phong trào đấu tranh, đặc biệt PTNDCTN rơi vào tình cảnh không biết xử trí ra sao: Chẳng lẽ trong tình thế mất còn như thế này mà còn tiếp tục chống ông Thiệu?

Trong Lịch sử ngàn người viết, tâm sự của Nguyên Sa cho thấy cái phi lý của cuộc rút quân này trong một tình thế hoang mang cực độ.

Nguyễn văn Trung tóm tắt giai đoạn này một cách khá trung thực là giai đoạn: Vẽ đường cho Hươi chạy. Vì đâu nên nỗi mất miền Nam. Vì đâu Nguyên Sa choáng váng khi mất Ban Mê Thuột!

Lúc Phước Long mất, một bữa ăn uống ở nhà đại tướng Dương Văn Minh. Anh Uyên Thao kể lại là ông Minh trò chuyện đã yêu cầu: các anh phải xét lại quan điểm chống Cộng, vì người ta đã tính bỏ Cao Nguyên rồi.

Nghe thế, anh Uyên Thao nghĩ rằng nếu bỏ Cao Nguyên thì kể như miền Nam bị mất luôn.

Thật sự nghĩ lại cũng khó quy trách cho ai. Vì lịch sử của một ngàn lời ca trong đó có những người ca lỗi nhịp.

Về Phong trào chống tham nhũng của Lm Trần Hữu Thanh có bàn tay của Mỹ không? Hai cựu dân biểu cánh tay mặt của Lm Thanh khẳng định với tôi qua điện thoại là không có chuyện đó. Có thì họ phải được biết.

Thế nhưng, những tài liệu chống TT Nguyễn Văn Thiệu ai là người cung cấp cho Lm Thanh? Chính Lm Thanh phân phát một tài liệu, ký tên Broqueto phúc trình phê phán mạnh mẽ ông Thiệu cho các linh mục khác, sau cùng chính ông nhìn nhận không có linh mục nào tên Broqueto cả.

Nhưng nếu tin vào một người bạn của Lm Thanh, một người bạn mà Lm Thanh đã viết như sau khi Lm Thanh bị bắt.

“Không biết anh có ái ngại gì vì tôi bị bắt sau khi được anh mời cơm tối ở nhà anh không. Tôi ra đường Hiền Vương thì thấy các xe xích lô khác giang ra, chỉ còn một chiếc tôi leo lên xe để về Nhà Dòng. Chiếc xe mới toanh tôi xin ông tài đạp nhanh nhanh lên, ông cứ tà tà. Lúc quẹo đường Đoàn Thị Điểm thì có công an chạy theo, chặn lại và lúc nhìn rõ mặt, bảo tôi đi theo về quận ba, rồi xe jeep đưa đến an ninh nội chính. Tôi nghĩ nhà nước không muốn đến bắt tại nhà Dòng sợ gây xôn xao nên bắt giữa đường vậy thôi vì sau đó nhiều cha khác cũng bị bắt như vậy.”


Trích thư riêng gửi cho người bạn vào ngày 18 tháng 10, 1979.

Lm Thanh bị bắt vào đầu năm 1977. Hồ sơ chống Tham Nhũng cũng được giao cho người bạn này giữ và Lm Thanh có cho biết người Mỹ đã đến tiếp xúc với ông và khuyên cha nên đứng ra làm chuyện này. Và ông đã làm.

Tôi có gặp Lm Thanh năm 2006, linh mục cũng say sưa nói về giai đoạn này. Nhưng chuyện có người Mỹ nhúng tay vào hay không, ông không nói. Có thể tôi không đủ mức tin cẩn để ông nói về vấn đề tế nhị ấy. Nếu tin vào điều tiết lộ của người bạn Lm Thanh thì phong trào chống Tham Nhũng của Lm Thanh chỉ là một dạng khác của vụ tranh đấu Phật giáo 1963.

Tranh đấu Phật giáo năm 1963 hay Tranh đấu chống tham nhũng 1974 chống TT Nguyễn Văn Thiệu đều có một kẻ đứng ra “vẽ đường cho Hươu chạy”? Người Mỹ phải chăng là kẻ vẽ đường cho Hươu chạy?

Nhận đinh về Ngày ký giả đi ăn mày, anh Uyên Thao cho rằng nó chẳng ra làm sao cả. Các ông chủ báo và Nghiệp đoàn ký giả đang ngồi hội họp với nhau để chọn danh xưng thì ký giả Lê Thiệp báo Sóng Thần đi qua. Lê Thiệp bảo “thì cứ gọi mẹ nó là Ngày ký giả đi ăn mày”. Nói xong anh bỏ đi một nước. Thế là thấy hay hay, mọi người đồng ý gọi là ngày ký giả đi ăn mày.

Ngày hôm sau dẫn đầu là Lm Thanh Lãng, Lm Nguyễn Quang Lãm, ông Hồ Hữu Tường, đội nón cầm gậy đi trên đường phố Sài Gòn. Và cũng theo anh Uyên Thao, câu chuyện Ngày ký giả đi ăn mày diễn ra chỉ trong khoảng một tiếng đồng hồ rồi chấm dứt! Nó chỉ có thế thôi.

Hai Nghiệp đoàn báo chí đã đi lạc hướng hết. Các ông ấy không nắm được và cũng không nghĩ ra được mục tiêu đấu tranh là gì. Cộng sản cũng lợi dụng trà trộn vào.

Ngày hôm nay, rất nhiều người tham dự vào Phong Trào Nhân Dân chống tham nhũng cũng như Ngày Ký giả đi ăn mày và Ngày Công Lý thọ nạn, chúng ta có cần viết lại điều đó để rút ra được bài học gì với tư cách người trong cuộc .
Lịch sử của ngàn lời ca. Nhưng lời ca nào của Trịnh Công Sơn, của Thích Nhất Hạnh, của Nguyễn Ngoc Lan, của Huỳnh Công Minh, của Phan Khắc Từ, của Lý Chánh Trung, của Hoàng Phủ Ngọc Tường‒ Nguyễn Đắc Xuân, của Hồ Ngọc Nhuận. Và lời ca nào là của chúng ta?

Và hôm nay là lời ca của ai?

Uyên Thao và những chọn lựa cuối cùng trước 1975 và hoàn cảnh của người tù trong gông cùm cộng sản


Tủ sách Tiếng Quê Hương. Nguồn Ảnh: Google Search

Biến cố 1975 đã làm thay đổi diện mạo miền Nam, dập tắt tất cả những cao trào tranh đấu dân chủ và công bằng xã hội xảy ra trước đó. Hầu hết mọi người bất kể từ phía nào đều quyết định ra đi nếu có điều kiện. Ván bài đã lật ngửa rồi còn có gì để chơi, dù là chơi tháu cáy.

Phần Uyên Thao, anh quyết định ở lại, dù có phương tiện di tản. Chu Tấn, một phi công lái máy bay từ Cần Thơ về rủ anh đi cùng. Anh không đi. Chu Tấn cũng quyết định không đi. Anh ân hận về việc này. Chu Tấn bị 10 năm tù cải tạo.

Một trường hợp khác liên quan đến luật sư Tám. Uyên Thao nói với luật sư Tám.Tôi không đi, quyết định ở lại. Luật sư Tám nói: em cũng không đi. Bà vừa nói vừa khóc: Em đã quá mệt mỏi trong thời gian sống ở ngoại quốc rồi. Bà muốn về quê ở. Những ngày cuối cùng của VNCH, anh Uyên Thao đến ở nhà bà Nguyễn Thị Tám, nhà ngay trước dinh Độc Lập.

Tôi có hỏi lý do tại sao không đi? Anh trả lời rất Uyên Thao, chúng nó đi hết rồi thì còn ai ở lại. Tôi có nói với bọn Trần Phong Vũ và nghĩ lầm rằng ít nhất cũng còn 5, 6 tháng, nếu đi hết thì còn ai. Và cho dù Cộng sản có chiếm được miền Nam thì họ cũng trúng độc và bị tha hóa.

Sau đó tôi đã không đi trình diện.

Công an đến nhà nói, “chúng tôi có lệnh bắt ông.”

‒ Anh đi học tập với tư cách gì? Sĩ quan hay công chức cao cấp hay nhà báo?

‒ Tư cách gì hả, tư cách tôi là một thằng phản động.

Anh Uyên Thao kể tiếp, “Hai năm đầu bị biệt giam ở Tổng Nha Cảnh sát. Đến năm 1977 thì bị đưa ra Bắc tại K3.”

‒ Với vóc dáng và sức của anh, làm sao anh chịu đựng nổi những ngày tháng biệt giam.

‒ Vậy mà chịu đựng nổi đấy.

‒Rồi sau đó, lý do nào anh được thả?

‒ Thả về thì biết được thả về. Nhưng cán bộ vẫn cảnh báo, “anh coi chừng, anh vẫn có thể bị bắt tù trở lại.”

‒ Ra tù thì anh làm gì?

‒ Ngày hai lần lên trình diện công an. Sáng một lần và chiều một lần về việc làm trong ngày. Y như đi xưng tội mấy ông cha vậy.

‒ Sau đó có trung tá Mục đi sang Mỹ nhường cho cái xe bán cà rem ở các công viên.

Cán bộ cấm không cho bán cà rem. Tôi hỏi họ: “Không cho bán cà rem thì tôi làm gì để sống?” Cán bộ, “Này, anh đừng dở cái giọng đó ra với bọn tôi nhé. Tôi tha bắn cho các anh là phúc rồi.”

‒ Sau đó, anh làm gì?

‒ Lúc đó đang ở chùa vì nó trục xuất không cho về nhà. Rồi đi theo một ông đại tá bới rác ở Hạnh Thông Tây, đi kiếm xương bò về bán cho các cơ xưởng chế thức ăn cho gia súc. Mỗi lần bán xong thì đủ tiền mua thuốc hay một khúc bánh mì.

Cứ như thế cho mãi đến năm 1988 mới được về nhà với vợ con và không còn phải mỗi ngày bá cáo nữa. Vợ phải đi bán bún riêu thì nay ở nhà phụ một tay, giúp các việc lặt vặt.

‒ Rồi sau này tại sao anh không nộp đơn được đi theo diện HO?

‒ Chẳng tại sao cả. Tôi không nộp đơn, vì thấy các ông HO hung hăng thích thú quá mức. Năm 1994 thì chương trình đoàn tụ chấm dứt, đóng cửa.

‒ Vậy làm thế nào anh lại có thể sang Mỹ vào năm 1999?

‒ Tất cả công việc này do bà Khúc Minh Thơ phối hợp với Bộ Ngoại giao Mỹ. Và họ đã đứng ra bảo lãnh cho tôi mặc dầu tôi không được quen biết với bà Khúc Minh Thơ. (Bà Khúc Minh Thơ là chủ tịch Hội Tù Nhân Chính trị và chương trình Humanitarian Operation).

Nghĩ lại số anh Uyên Thao lúc nào cũng có quới nhân phù trợ dù anh cứ đi ngược dòng!

Uyên Thao với tủ sách Tiếng Quê Hương

Sang Mỹ vào một thời điểm đã quá muộn, 1999, để có thể làm một điều gì cho bản thân cũng như cho Cộng Đồng. Về bản thân anh Uyên Thao vốn thân xác gầy còm ốm yếu cộng thêm những năm tù tội cộng sản làm anh đuối rồi.

Cùng lắm sống tuổi già ra quán cà phê, ngồi tán dóc với bạn bè hay chửi đổng.

Vậy mà bằng cách nào Uyên Thao đã làm nên chuyện!

Sang năm 1999, năm 2000, Tủ sách Tiếng Quê Hương ra đời. Tủ sách Tiếng Quê Hương đã ra đời, quy tụ nhiều tên tuổi chung quanh anh như Minh Võ, Trần Phong Vũ, Lê Thiệp, Đàm Quang Lâm, Hoàng Hải Thủy, Thái Thủy, Hà Thế Ruyệt, Hồng Dương, Hoàng Song Liêm, Phan Diên, Vũ Ánh, Trịnh Đình Thắng, Lã Huy Quý, Hoàng Ngọc Liên, Thanh Thương Hoàng, Trùng Dương, Phùng Thị Hạnh, Lê Phú Nhuận, Nguyễn Thiên Ân, Chu Tấn, Nguyễn Tuyên, Nguyễn Hữu Diên, Việt Dương, Trương Cam Vĩnh, Xuân Bích, Phạm Quốc Bảo, Phạm Trần, Đặng Đình Khiết, Dư Thị Diễm Buồn, Phó Hồng Hà, Mạc Ly Hương …

Tôi gợi nhớ đến giai đoạn của Sóng Thần mà một số tên tuổi thời đó còn sót lại. Anh Uyên Thao phải chăng là điểm quy tụ Oméga của những người có lòng với những lý tưởng chung. Tiếng Quê Hương là tiếng của mọi người, từ trong nước ra hải ngoại. Nguyễn Thụy Long, Văn Quang, Tạ Duy Anh, Bùi Ngọc Tấn, Tô Hải có mặt từ trong nước gửi ra.

Và dĩ nhiên vô số các tác giả ở hải ngoại. Nay Tiếng Quê Hương được kể là nhà xuất bản phát hành sách đều đặn nhất và có chọn lọc.

Tôi cũng có hân hạnh được Tiếng Quê Hương chọn và xuất bản cuốn “20 năm miền Nam”. Trong tâm sự, anh Uyên Thao bày tỏ một sự kiên nhẫn phi thường nói là anh rất vất vả vì cuốn sách của tôi với đống tài liệu ngổn ngang và đã rất vất vả, vì có bài anh để ra 10 lần để đọc và edited lại.

Xin ghi lại một lời cảm tạ.

Tiếng Quê Hương hoạt động mạnh là nhờ vào hai người. Người đọc và edited lại là anh Uyên Thao. Và người thứ hai là anh Trần Phong Vũ, lo in ấn, phát hành trên khắp nơi. Không có sự phối hợp nhịp nhàng và ăn ý ấy thì mọi chuyện đã không thành.

Hai anh đều là người đã luống tuổi, ai sẽ là người tiếp nối công việc của các anh? Đó là câu hỏi đặt ra cho Tiếng Quê Hương và cho tất cả các sinh hoạt khác của Cộng Đồng người việt Hải ngoại?

(Xem p1, p2)

Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net


Nguồn: Bài do tác giả gởi riêng cho DCVOnline.net. BBT hiệu đính, trình bầy và phụ chú. Đăng lần đâu ngày 14-11-2011