30 tháng 4 – Ði tìm thời gian đánh mất (p5)
Nguyễn Văn Lục
Bên cạnh việc cho Tin Sáng hoạt động trở lại, còn có một biến cố khá quan trọng không thể không nói đến ở đây: việc thành lập Hội Trí thức Yêu nước.
Thành lập Hội Trí thức Yêu nước
Huỳnh Ngọc Chênh, có mặt và hát “Nới Vòng Tay Lớn” với Trịnh Công Sơn ngày 30 tháng 4, 1975.
Để có được cơ sở hoạt động, chính quyền đã lấy một cơ sở của các LM dòng Đa Minh. Đó là câu lạc bộ Phục Hưng mà trước đây dành cho sinh viên có chỗ ăn ở. Cư xá này do cha Đỗ Minh Vọng, Cras thiết lập từ 1955. Đây chẳng những là nơi dành cho sinh viên có chỗ ăn ở, nó còn là chỗ sinh hoạt của các tổ chức sinh viên Thiên Chúa giáo, nơi đào luyện các trí thức trẻ trước khi vào đời. Sau Giải Phóng, như nhiều tổ chức khác tự động tan rã. LM Nguyễn Huy Lịch thời đó đã cho mượn trụ sở này. Người đến tiếp nhận cư xá Sinh Viên là ông Tạ Bá Tòng, một người cư xử rất tốt với đám trí thức miền Nam. Ông Tạ Bá Tòng đã giao cơ sở này cho Hội Trí Thức Yêu nước mà đại diện là các ông Chu Phạm Ngọc Sơn và Lý Chánh Trung.
Tổng Thư Ký Hội trí thức yêu nước là ông Huỳnh Kim Báu, một đảng viên đảng Cộng Sản. Phần đông còn lại là trí thức cũ miền Nam, giới nhà văn và nhà giáo cộng với trí thức đi học tập về. Chẳng hạn như trường hợp Thế Uyên mới được thả ra từ trại học tập. Những người này đến Hội Trí thức như những người trú mưa dưới một cái dù che chắn cho khỏi ướt áo. Họ có mặt mà như thể vắng mặt, chìm lẩn vào đám đông.
Trong số những trí thức cũ, có nhiều nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ trước đó đã theo mặt trận hoặc có cảm tình với Mặt trận và lúc này họ nổi bật lên như Lý Chánh Trung, Nguyễn Trọng Văn, Hà Thúc Huy, Nguyễn Đình Đầu, Trần Văn Quảng, Huỳnh Ngọc Chênh, Phạm Hoàng Hộ, Chu Phạm Ngọc Sơn, Phạm Biểu Tâm, Châu Tâm Luân, Nguyễn Tân, Nguyễn Hữu Thái, Trương Thìn, Phạm Trọng Cầu, Hỷ Khương, Hoàng Điệp, Trần Long Ẩn, Miên Đức Thắng, Trịnh Công Sơn, Phạm Thế Mỹ, Đỗ Hồng Ngọc.
Sau này Hội có tổ chức những đêm văn nghệ hát nhạc Trịnh Công Sơn (TCS) và được rất nhiều người đi nghe và tham dự. Thay vào tiếng hát Khánh Ly nay có nam ca sĩ Thanh Hải hát nhạc TCS. Nhiều người đi nghe cho rằng Thanh Hải có thể thay thế được tiếng hát của Khánh Ly.
Trịnh Công Sơn trong đêm Văn Nghệ đầu tiên này đang bận ở Huế đã không vào được. Mãi đến năm 1979, TCS mới bỏ Huế vào Sài Gòn. Nhưng anh đã có gửi hai bài hát của anh vào nhờ nhạc sĩ Miên Đức Thắng (MĐT) hát dùm. Hai bài hát của TCS có tên là: “Gánh rau về chợ” (“Ra chợ ngày thống nhất”) và “Máy kéo nông trường”.
Trần Tuyết Hoa, vợ Nguyễn Hữu Thái trong dịp này đã khuyên TCS không nên sáng tác những loại nhạc như thế. Không biết Miên ĐứcThắng hát như thế nào và hát làm sao. Hát gánh rau ra chợ, hát máy kéo nông trường đã hẳn không phải là dễ. Tự nhiên MĐT lại gánh cái trách nhiệm nặng nề này. Đây là hai bài hát lỗi nhịp nhất trong cuộc đời sáng tác của họ Trịnh. Biết để mà hiểu, không phải để ghét. Bằng vào hai bản nhạc này, người ta tự hỏi TCS có còn là TCS nữa hay không.
Thái Kim Lan, với bài “Trịnh Công Sơn; nơi vùng ưu tư thành tiếng Du ca’’ đã viết như sau,
“Cả một công trình sáng tác mười mấy năm đang bị đe dọa phải chối bỏ, kiểm soát, tự phê bình…Không có bài hát nào của Sơn trong quá khứ được cho lọt sổ. Nhạc Sơn bị cấm phổ biến. Tôi có cảm tưởng đau đớn là Sơn đang tập đi lại những bước nhạc ấu trĩ trong sự nghiệp sáng tác của mình, như kiểu kìa một đàn vịt đang bơi dưới ao hồ…’’
Thái Kim Lan, “Trịnh Công Sơn; nơi vùng ưu tư thành tiếng Du ca’’
Sau này, tình hình khá hơn, chế độ lỏng tay hơn, TCS sáng tác được mấy bài khác đỡ hơn như “Như hòn bi xanh”, “Ở trọ”, “Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui”,… Hòn bi … xanh là có vấn đề rồi. Không có lập trường. Riêng bài “Ở trọ”, tôi nghĩ đấy chỉ là một bài hát rất tôn nghiêm. Tôi nay ở trọ trần gian, mưa nắng cũng ở trọ để rồi khoác áo chân như, bước tới hư vô. Bài hát rất người, rất tôn nghiêm, rất mùi đạo. Cuộc đời như một thời ở trọ.
Đến bài “Tôi chọn một niềm vui”, mỗi ngày, tôi chọn một niềm vui, cùng nhau ca hát… Tôi chọn nơi này, để thấy tiếng cười rộn rã bay. Tôi chọn một lần thôi, tôi chọn nắng đầy… Nhưng mổi ngày, tôi chọn ngồi thật yên để nhìn rõ quê hương, ngồi nghĩ lại mình, vì sao tôi sống, vì đất nước cần, một trái tim. Hay và ngậm ngùi. Nhưng lại bị hiểu xuyên tạc, bị phản bác là đất nước nay đã thống nhất, thiếu gì niềm vui, hà cớ gì anh lại phải chọn niềm vui. Cắc cớ nữa, tại sao anh lại chọn ngồi thật yên. Anh phải nhúc nhích đi chớ. Hà cớ gì lại chọn ngồi thật yên. Có vấn đề, có vấn đề rồi.
Nhưng biết được hai bài này và những bài sau mới hiểu được thân phận người trí thức dưới chế dộ CS, hiểu đuợc nỗi lòng của họ Trịnh. Cũng như sau này, tôi được biết rằng, họ Trịnh than thở với một người bạn thân của mình là làm bài kiểm thảo đưa cho Hoàng Phủ Ngọc Tường (HPNT) xem trước, HPNT đọc xong cũng chê là viết chưa đạt yêu cầu, phải viết lại. HPNT đang cố lấy điểm để có được cái thẻ đảng. Tôi vẫn bực ông chưa hết và tôi biết rằng viết những dòng này những bạn bè chung quanh ông mà tôi biết, một số sẽ không vui. Nhưng tôi đành trích một bài viết của tôi vào tháng 12, 2002 về chính sách của Hà Nội và thái độ của một số nhà văn miền Bắc đối với văn học miền Nam qua cuốn Chân Dung Và Tác Phẩm của Trần Đăng Khoa:
“Trong cuốn ký, chốc lát, thái độ của ông trở thành hung hãn, côn đồ. Ông xách mé gọi người lính Cộng hoà là thằng lính ngụy, thằng Diệm, thằng Thiệu. Những người cộng sản thứ thiệt gọi như vậy còn nghe được. Nhưng ông, một trí thức miền Nam, được ăn học, được đào tạo, có cái nếp sống văn hoá của miền Nam, thật khó mà chấp nhận cái ngôn ngữ chợ cá như vậy. Chắc không phải là ông quá.’’
Trần Đăng Khoa, “Chân Dung Và Tác Phẩm’’
Ông vẫn chứng nào tật ấy, trên Nét Cố Đô, 2005, vào cái giờ này của hơn 30 năm sau, qua lời phỏng vấn cò mồi của Nguyễn Xuân Hoàng (Không phải giáo sư triết, nhà văn NXH) ông cũng vẫn miệt thị gọi: bọn ngụy. Bọn ngụy là ai? Là tất cả bạn bè của ông, là tất cả họ hàng, bà con thân thuộc của ông ở ngoài Huế.
Đấy là nỗi khốn khổ thứ hai của họ Trịnh bị bạn bè ép. Ép mà phải cắn răng chịu.
Viết đến đây, tôi có điều để thưa. Trước hết cám ơn anh chị Nguyễn Hữu Thái, cựu sv kiến trúc, cựu sv tranh đấu Sài Gòn cũ, người đã có cái hân hạnh đứng… bên cạnh tướng Dương Văn Minh, ký giấy đầu hàng cộng sản. Mặc dầu, tôi đã có đôi lần viết hơi nặng lời với anh, anh vẫn không giận, vẫn hỏi thăm rồi gửi cho tôi bài viết của chị Trần Tuyết Hoa, vợ anh và chị đã thẳng thắn tiết lộ hai bài hát sáng tác bất hủ của họ Trịnh. Xin dùng mấy dòng chữ này cám ơn anh chị thay độc giả.
Phần những người được coi là bạn thân của họ Trịnh. Nhiều người chẳng hề tiết lộ hai bài hát này và những bài sau kế tiếp. Ngay cả mới đây, những người viết kỷ niệm 5 năm ngày TCS mất cũng né tránh. Viết thật mới là yêu mến TCS. Ở trong chế độ CS, đừng ai nói hay. Làm người bình thường đã là khó. Huống chi là người hùng.
10 năm sau, Hội Trí thức Yêu nước này kể như không còn sinh hoạt gì đáng kể nữa. Một phần người ta lo sinh kế, lo tìm đường đi nước ngoài. Phần khác cán bộ đảng nhà nước ngoài Bắc vào nhiều. “Sự có mặt của họ kể như những thành phần indésirable.”
Trong số những hội viên hội trí thức yêu nước có Nguyễn Văn Trung. Ông chưa tham dự được bao nhiêu buổi hội họp thì đã bị bắt vào hồi 18 giờ 30, ngày 14 tháng 6, 1978. Với tội danh được ghi trong biên bản: can tội Phản Cách mạng. Biên bản ghi tiếp. Sau khi bị can bị bắt, vợ của bị can là Trần Thị Minh Chi đã cùng đi với chúng tôi khám xét nhà ở thì thấy có những vật kê dưới đây, nghi có liên can đến vụ án (19. tội phản cách mạng):
– Một giấy chứng nhận của trường Đại Học Văn Khoa.
– Một số sách báo, tài liệu cắt báo và chép tay
– Một máy đánh chữ
– Một chứng nhận được giữ sách báo cũ.
Trên đây là những tang vật liên quan đến tội phản cách mạng. Tôi cũng đọc lá thư của Bà Chi gửi vào cho chồng, đã qua kiểm duyệt của Ban Chấp pháp như sau: “Về tả bố, chẳng khác nào như trong truyện được săn sóc nuôi cho ăn uống mập thiệt là mập, trước ở nhà xanh vàng, mặt có những vết nhăn. Bây giờ thấy tròn quay, những vết nhăn biến đâu, trắng.”
Bà Trung đã phải viết như thế đấy. Không viết không được. Viết như thế rồi cũng lộ ra những chỗ viết thật thà trong một lá thư khác như “Lưng quần tây của anh rộng nhờ ai khâu bớt vào hai bên.”
Và trong hoàn cảnh cô đơn, tuyệt vọng như thế. Ông Trung có lúc tưởng mình không có hy vọng sống còn. Ông đã viết một lá thư như chúc thư để lại ngày 26-11-1978 trong đó có đoạn như sau:
“Đối với họ hàng. Cho Bố gửi lời thăm chào từ biệt họ hàng nội ngoại. Xin tha cho Bố những điều đã làm mất lòng và xin hãy thương yêu giúp đỡ nhau, coi những tỵ hiềm là nhỏ mọn. Gia đình Đào chịu khó tiếp tục chăm sóc ông nội. Đối với bạn bè quen thuộc. Chuyển lời Bố xin mọi người tha thứ những điều đã làm cho buồn phiền và cầu nguyện cho Bố.’’
Nguyễn Văn Trung 26-11- 1978.
Xin đọc với tâm tình chia xẻ về cái khốn khổ trong lao tù Cộng Sản.
Và đến ngày 21 tháng 12 năm 1978. Ông Trung nhận được giấy tạm tha với nội dung:
“Căn cứ kết quả cuộc điều tra. Không ghi chữ nào cả. Xét thấy: Sức khoẻ bị can quá yếu (bệnh tim)… Trong khi chờ kết quả cuộc điều tra và quyết định di lý.”
TL Giám Đốc Công An, Trưởng phòng chấp pháp: Ngô Văn Dần.
Ký tên. TL Giám Đốc Công An, Trưởng phòng chấp pháp: Ngô Văn Dần.
Tội vẫn còn đó. Vẫn thế. Chỉ tạm tha thôi.
Cả hai Lý Chánh Trung, Nguyễn Văn Trung đều là trí thức thành phần thư ba. Viết cũng nhiều, ảnh hưởng cũng không ít. Người tham gia tích cực bằng hành động, người tham gia chỉ bằng ngòi bút. Một dân biểu, một đi tù. Tôi chỉ xin tóm tắt sự nghiệp của các ông bằng cách trích dẫn điều họ viết.
– Đối với Lý Chánh Trung, sự nghiệp viết lách của ông tóm tắt trong câu này:
“Về một môn học mà thầy không muốn dạy và trò không muốn học.”
Lý Chánh Trung
– Đối với Nguyễn Văn Trung, có thể tóm tắt trong lời phát biểu sau đây của ông:
“Tham gia Cách Mạng là tham gia vào một quá trình tự tiêu diệt sau này.’’
Nguyễn Văn Trung
Về cái hội này, xét về mặt nhân đạo, nó cũng là nơi che dù cho nhiều trí thức miền Nam sau khi đi học tập về khỏi cảnh vùi dập đi kinh tế mới, hoặc khỏi bị phường khóm làm khó dễ, hoặc đỡ đần bao gạo khi túng đói. Sau này, hội trí thức giải tán và dổi ra thành Hội Liên Hiệp Khoa Học Kỹ thuật do Chu Phạm Ngọc Sơn làm chủ tịch. Hội này hoạt động bằng cách mở các lớp dạy sinh ngữ và các sinh hoạt khoa học kỹ thuật. Cuối cùng, dòng Đa Minh đã làm đơn đòi lại cơ sở này qua TGM Bình chỉ hai tháng trước khi ngài qua đời. Sau nhiều năm chờ đợi, nhà nước đã trả lại cơ sở này cho dòng Đa Minh ngày 22-12-2003.
Coi như một món quà Noel của nhà nước.
Thứ năm 14 tháng 8-1975
Có lẽ cái đụng chạm đến người dân miền Nam nhiều nhất vẫn là miếng ăn.
Cơm áo không biết đùa và không đùa với bất kỳ ai, bất kỳ họ là trẻ con hay người lớn. Sống trước đã, có cái ăn trước đã. Không có ăn là không được.
Đời sống mỗi ngày mỗi khó khăn, cái gì cũng trở thành khan hiếm, dĩ chí từ một hạt muối, thìa bột ngọt. Các giáo chức được phát một kỳ một gói bột ngọt, sau xuống mười thìa cà phê bột ngọt, nửa ký thịt trong một tháng, một tút thuốc lá (10 bao), sau xuống một bao rồi đến nửa bao Sài Gòn Giải Phóng. Tôi nghiện thuốc lá, nhưng nay một bao thuốc lá mua hợp tác xã bán ra có thể thêm tiền chợ một ngày. Tôi bỏ hút thuốc lá từ đó.
Nhờ Giải phóng, tôi bỏ được tật xấu hút thuốc.
Giá thực phẩm gia tăng. Cái gì cũng khan hiếm đến không hiểu được. Muối là một sản phẩnm quá rẻ, không đáng nói tới cũng trở thành đắt. Một kí lô muối tăng từ 50 đồng đến 500 đồng. Một bao quẹt tăng từ 20 đồng đến 40 đồng. Giá cả tăng đến 80%. Dân chúng bắt đầu phải xếp hàng để đến các hợp tác xã. Đợi chờ cả nửa ngày cho nửa ký sà bông, nửa ký đường. Có những điều trước đây cứ có tiền là mua được, nay trở thành chế độ, xin cho của chính quyền. Chính quyền cho cái gì thì được cái nấy. Nghĩ lại câu nói của một kinh tế Gia Anh nói không sai, “Kẻ nào nắm giữ hầu bao là kẻ đó có quyền”.
Gạo bán ở tổ dân phố không ăn được. Hoặc mốc, muối mọt, hoặc có rất nhiều sạn. Chúng tôi bán đi để mua gạo ăn được. Nay tôi có thêm nghề chạy kiếm các mối bán thực phẩm. Lúc rảnh, tôi chạy xe Vespa ra tận Phú Lâm đón các xe hàng về để mua gạo lậu từ các bà buôn lậu. Họ dấu gạo ở bất cứ chỗ nào có thể dấu được, ngay cả chỗ kín bụng dưới. Đó là những xe thồ di động nơi những người đàn bà dị hình, dị tướng.
Cả nước nay chỉ lo có một chuyện: Lo ăn.
Về lỗi lầm lịch sử của chính quyền Cộng Sản để dân đói, xin được trích dẫn lới chứng của ông Trần Quang Cơ, trong Hồi ức như sau:
“Là nhân chứng của lịch sử và cũng là người trực tiếp tham gia các hoạt động ngoại giao này với tư cách là vụ trưởng Vụ Bắc mỹ bộ ngoại giao, trực tiếp tham gia đàm phán về bình thường hoá quan hệ với Mỹ ở Paris năm 1977, rồi Nữu Ước 1978, tôi thật sự đau xót vì ta đã bỏ lỡ mất cơ hội củng cố thế đứng của Việt Nam trong hòa bình…”
Trần Quang Cơ, “Hồi ức”
Trong tập hồi ký của mình “From Third world to first”, Từ thế giới thứ ba đến thế giới thứ nnhất, Lý Quang Diệu đã nhận xét:
“Năm 1975, Tp Hồ Chí Minh có thể sánh ngang với Bangkok. Nhưng nay, năm 1992, nó tụt lại đằng sau tới 20 năm.’’ Là người Việt Nam, đọc lời nhận xét này của Thủ Tướng Lý Quang Diệu, ai mà không đau xót, vì Việt Nam đã bỏ lỡ cơ hội. Chính quyền Carter thực sự muốn bình thường hóa quan hệ với Việt Nam qua lời tuyên bố của ngoại trưởng Cyrus Vance: “Việc tiến tới bình thường hoá quan hệ Mỹ-Việt Nam phù hợp với lợi ích của hai nước.’’
Lý Quang Diệu, “From Third world to first”
Nhưng Việt Nam cương quyết đòi Mỹ giải quyết “trọn gói” 3 vấn đề. Bình thường hóa quan hệ ngoại giao, giải quyết vấn đề MIA và viện trợ 3 tỉ 2 như đã hứa. Mỹ bị quốc Hội bó tay trong vấn đề bồi thường. Đến lúc Việt Nam quyết định rút bỏ đòi hỏi Mỹ phải bồi thường chiến tranh viện trợ 3,2 tỉ và nhận công thức, “bình thường hóa quan hệ không điều kiện của Mỹ thì đã quá muộn’’.
Việc bình thường hóa quan hệ với Mỹ và việc gia nhập khối Asean, mãi ngót 20 năm sau, 1955, Việt Nam mới thực hiện được một cách khá chật vật. Nếu chấp nhận bình thường hoá với Mỹ thì Việt Nam đã có thể không phảỉ một mình đối đầu với Trung Quốc trong cái chiến tranh “dạy cho một bài học”
Đó là cuộc sống bất đắc dĩ.
Ở một góc cạnh khác của đời sống, xin kể là tôi có người bạn là anh Đặng Ngọc Thiềm, giáo sư trường Trần Lục. Không biết có phải vì phẫn chí, vì bất mãn hay có thể bị điên mà anh đã ra nông nỗi này.
Anh có lối sống mà tự bản thân đời sống nó là một lời tố cáo chế độ mới. Đời sống của anh là gián tiếp bôi nhọ chế độ: Chính các anh làm tôi ra nông nỗi này. Từ quần áo dơ bẩn, lôi thôi, từ phong cách thái độ, từ cách ứng xử, từ cách phát ngôn, từ cách thức làm việc, từ chiếc xe đạp cà rịch cà tàng, từ cách cho điểm, từ cách giảng dạy, từ nụ cười châm biếm chế nhạo.
Đến nỗi nhìn qua anh, nhìn ra chế độ. Anh chính là chế độ ấy.
Anh cố tình ăn mặc dơ dáy đến hôi hám, đến bẩn thỉu. Một giáo sư tự trọng, dù nghèo không thể ăn mặc như thế trước mặt học trò. Mỗi lần lĩnh nửa cân thịt, anh treo tòng teng ở ghi đông xe cho mọi người thấy. Anh để lên bàn giáo sư cho học sinh thấy. Anh dơ lên khoe với học trò anh được nửa kí thịt. Học trò im lặng nghe ông thầy làm xiếc, đóng kịch. Anh luôn luôn dùng đủ cách để khen chế độ đến lố bịch.
Anh tố cáo chế độ chỉ bằng những lời khen quá lố, thông minh và xỏ lá.
Ban Giám hiệu là cấp lãnh đạo ở ngoài vào cũng như trên Quận, Sở đều không có một lời phê phán trực tiếp hay gián tiếp về anh. Họ cư xử thật đúng mực. Bình thường là phải để anh nghỉ việc.
Việc dạy học và cho điểm của anh cực kỳ phi lý và lố bịch. Cột điểm Sử địa của anh bao giờ cũng có ba cột điểm trong một tháng. Hãy coi bằng cách nào anh đã nghĩ ra lối cho điểm quái gở đến như thế. Tỉ dụ học sinh A: Anh cho 3 cột 9 điểm, 8 điểm và 7 điểm. Học sinh B, anh đổi vị trì điểm theo thứ tự như: 8 rồi 7, 9. Học sinh C là 7,8,9. Học sinh D là 7,9,8, E là 8,9,7. G là 9,7,8. Rồi anh cứ cho điểm xoay tua như thế.
Anh không chấm bài, anh không cho điểm hay cho điểm đồng loạt là một cách miệt thị nền giáo dục ấy.
Anh Hiệu trưởng xem và không nói gì cả? Việc cho điểm của anh rõ ràng ngầm ngụ ý không đánh giá học trò, không đánh giá việc dạy học, phủ nhận vai trò thầy giáo và phủ nhận luôn việc dạy học.
Đây là một thứ phản đối tối thượng. Mang chính bản thân mình ra làm đối tượng diễu cợt.
Nếu không có cuộc đổi đời, anh Thiềm sẽ là một giáo sư như thế nào? Trước đây, anh trịnh trọng, áo sơ mi là ủi dài tay, thắt cà vạt, dáng người to lớn, dềnh dàng, không thiếu trịnh trọng trong đi đứng, ăn nói, xử thế. Vài ba năm sau, tôi ra khỏi nước, được tin anh đã mất.
Tiếc cho một người tính tình lúc nào cũng vui cười với óc hài ước rất cao đã tìm cách tự hủy nhân cách mình dần dần một cách cố ý. Cố ý tự hủy, cố ý sa đọa hoá nhân cách và con người như thể không còn là con người nữa.
Đó là lối tự hủy của người có học, của trí thức bầy tỏ một nhân cách lộn ngược, bất cần đời thường thấy nơi một số nhà văn, nhà trí thức, người hiểu đời, hiểu thế sự…
Thứ sáu 15 tháng 8-1975, giám mục Seitz, địa phận Kontum-Pleiku bị trục xuất khỏi Việt Nam
GM Seitz cùng với 9 người khác gồm 6 linh mục và ba nữ tu đã bị trục xuất khỏi Việt Nam. Các tu sĩ trên đã bị quản thúc tử tháng 3-1975 ở trên cao nguyên. Vài ngày trước đấy, họ được lệnh rời khỏi cao nguyên. Sau khi bộ đội lục soát hành lý của họ, họ được chở bằng xe che mui kín về Sài Gòn và giam giữ ở khách sạn Caravelle, sau đó được dẫn ra phi trường. Đừng quên là sau này vào ngày 7-7-1976, những linh mục dòng tên cuối cùng cũng đã rời Việt Nam (gồm hai Pháp, 2 Y Pha Nho, một Gia Nã Đại và một Ý). Dòng tên còn lại khoảng 30 LM người Việt Nam.
Một số người Pháp vẫn tưởng rằng họ được chính quyền mới ưu đãi hơn các người ngoại quốc khác. Thực tế không phải vậy. Giám đốc đồn điền IPH và Chủ nhân hãng Michelin cũng phải cuốn gói. Chẳng những mất tài sản mà chính phủ Pháp qua đại diện còn phải đứng ra bảo lãnh những món thuế còn thiếu của các công ty này. Giám đốc CARIC cũng được phép dời Việt Nam để tìm sự trợ giúp tài chánh nơi chính phủ Pháp cho những công trình đóng tầu biển. Nói chung, các công ty này tự dâng hiến toàn bộ cơ sở vật chất, tài sản bất động sản mà vẫn còn nợ thuế chưa trả được.
Khi về lại Pháp, GM Kim có viết một cuốn sách nhan đề: “Le temps des chiens muets” (Thời của những con chó câm). Ông viết: “Les chiens muets, ce sont ceux qui ont peur de dire la vérité, qui n’osent pas aboyer.” (Những con chó câm là những con chó sợ nói sự thật và không dám sủa).
Xin trích bản thông cáo lý do trục xuất các người ngoại quốc như sau: Communiqué du service d’information et de la culture de la province de Kontum.
“Les étrangers qui viennent d’être expulsés le 12 aôut 1975 et dont les noms suivent: Paul Seitz. André Marty. Léon Dujon. Marcel Arnould. Josep Curient. Gabriel Brice. Olivier Deschamps. Edirc Baker. George Christian. Raphaelle Cormier. Marie-Renée Legal. Cécile de Boissy ont commis des crimes suivants:…”
Communiqué du service d’information et de la culture de la province de Kontum
Họ phạm 8 tội tất cả. Tội nào cũng đáng lãnh án chung thân hay tử hình như trong bản thông cáo nói: crimes qui méritent l’emprisonnement et la peine de mort. Vậy mà họ chỉ bị trục xuất mà còn bất mãn phản đối đòi ở lại.
Tội nặng như thế, trục xuất là phải rồi.
Phần tôi, tôi chỉ mong muốn thay thế chỗ của Paul Seitz để được trục xuất sang nước Pháp mà không được.
***
Bài viết này mà tính chất là ký như một truyện kể. Để đạt được tính sinh động, nhẹ nhàng và bớt nặng nề của một bài khảo luận. Người viết đã không làm footnote dưới mỗi dẫn chứng và xin chỉ liệt kê một số sách, số tài liệu chính đã sử dụng trong bài viết này. Nhiều chỗ, nhiều đoạn đã lấy nguyên văn để cho có được độ chính xác và nghiêm túc. Sau nữa cũng không liệt kê vô số các tài liệu rút ra từ các báo ngoại quốc, các bản tin hay tiếng Việt như Tin Nhà, Đi Tới, Sài Gòn Giải Phóng…
Tài liệu ngoại quốc được trích dẫn từ:
- La mousson de la liberté của Brigitte Friang.
- Vivre au Viet Nam của Alain Ruscio
- L’aigle et le dragon của Claude de Groulat.
- La guerre d’Indochine của Lucien Bodar.
- Le temps des chiens muets. Mgr Paul Seitz. Flamarion.
Cũng xin cám ơn các bạn Nguyễn Trọng Văn đã cho tôi có dịp in Cuốn Đời của Hồ Ngọc Nhuận mà tôi đã xử dụng nó rất nhiều trong bài viết này. Cám ơn đặc biệt bạn Đỗ Hữu Nghiêm đã gửi cho tôi cuốn: 30 năm công giáo Việt Nam dưới chế độ CS, 1975-2005 mà tôi đã dùng để trích dẫn nhiều tài liệu quý giá về Thiên Chúa giáo của những tác giả như Đỗ Hữu Nghiêm, Trần Ngọc Báu, Vũ Sinh Hiên, Lê Thiên và Nguyễn Chính Kết. Sau chót, không quên Nhận Định 10, trong nước, ngoài nước của Nguyễn Văn Trung.
Về phía các tác giả phương Tây thì tôi chẳng có cách gì để liên lạc để cám ơn họ cả, dù có muốn cám ơn.
Thứ sáu 30 tháng tư, 1976, kỷ niệm một năm sau ngày Sài Gòn giải phóng – Sáng nay, tờ Sài Gòn Giải Phóng đã chạy một tít lớn như sau:
“Cũng ngày nay năm ngoái, quân đội chúng ta gồm năm binh đoàn đã tiến vào Sài Gòn, trong khi hằng triệu người đã nhất tề đứng lên hưởng ứng cuộc cách mạng thành công.”
Báo Sài Gòn giải phóng, thứ sáu 30 tháng tư, 1976
Ngày kỷ niệm diễn ra một cách êm ả. Không có mít tinh mà cũng không có biểu tình. Trên trời, có hai nhóm máy bay, mỗi nhóm ba chiếc máy bay chiến đấu, có thể là máy bay phản lực A 37 của quân lực VNCH cũ bay lượn nhiều lần và bay sà trên thành phố.
Chỉ có điều con số 5 binh đoàn, nay đổi ra là 15 binh đoàn. Đối với người dân, chẳng ai thắc mắc cái chuyện 5 hay 15 binh đoàn. Đó là công việc của nhà nước.
Văn phòng báo chí AFP sẽ đóng cửa vào ngày mồng 8 tháng 5 sắp tới loan tin còn có 30 vạn người còn bị giam giữ trong các trại học tập. Bản tin này đã bị nhà cầm quyền kiểm duyệt từng chữ một. Dầu vậy, cũng đánh động được Amnesty International, hội Ân xá quốc tế và các cơ quan bảo vệ nhân quyền trên thế giới để can thiệp.
Ngô Công Đức đã tổ chức một bữa ăn để kỷ niệm ngày 30 tháng tư 1976, tại nhà nghỉ mát Thanh Đa của ông. Ông đã mời tất cả các bạn bè đã từng sát cánh tranh đấu vớii ông trong thời kỳ đệ nhị cộng hoà. Không có danh sách những người bạn cũ là những ai. Nhân dịp này, đám khách khứa, bạn bè cũng kiểm điểm xem ai mất, ai còn, ai là người đã đi xa.
Buổi họp mặt vui thật, nhưng đã có người bá cáo về những câu chuyện bàn tán trong bữa tiệc. Vì thế có kiểm điểm, cảnh cáo. dư âm nghe nói mãi tận ngày 30/4 năm sau vẫn còn.
Và kể từ đó, Hồ Ngọc Nhuận thề không dám mời những lần hội ngộ như vậy nữa. Và nếu có ai mời, cũng không dám tham dự nữa.
Một vài con số về tình trạng giáo dục đại học sau 75 – Trước 75, số sinh viên ở các đại học miền Nam là 131.500 người. Cho mãi đến cuối tháng 12, 1975, một số Đại học mới bắt đầu mở cửa học lại. Và sau 4 tháng học, người ta ghi nhận chỉ có 29000 sinh viên tham dự kỳ thi cuối năm nay. Nếu tính số dân miền Nam là 29 triệu dân thì chỉ có 3976 sinh viên ở trình độ cao học.
Cho đến nay, Sài Gòn thiếu trầm trọng các bác sĩ. Trường Y khoa chỉ thu nhận 349 sinh viên trên số 5558 ứng viên ghi danh. Trường Nha 100 sinh viên và dược khoa 79. Thời trước 75, số sinh viênn Y nha dược là 15000 sinh viên, Cộng thêm 883 sv Đại Học Sư Phạm.
Cũng ghi nhận là nay tất cả các trường từ trung học đến đại học đều thuộc trường công lập của nhà nước. Không có hệ thống các trường tư thuộc giáo hội Thiên Chúa giáo, Phật Giáo, trường Tàu hay tổ chức nào khác. Chương trình giáo dục kéo dài 12 năm, thay vì 10 năm như ở ngoài Bắc.
Chương trình trong các trường có một số đặc điểm như:
- Ưu thế hàng đầu cho chính trị trong các bài về văn chương, sử ký, địa lý và ngay cả toán học.
- Ưu thế cho các bài học đạo đức chính trị về vô sản, đề cao đảng, tôn sùng cá nhân bác Hồ kính yêu.
- Tinh thần ái quốc cực đoan, sô vanh (chauvin) đề cao sức mạnh của đất nước và quân đội, gieo rắc sự nghi ngờ và hận thù.
- Các giáo chức phải luôn được giáo dục cải tạo để thấm nhuần tư tưởng chủ nghĩa xã hội. Các bài học được phân phối mỗi hai tuần một lần và giờ làm việc của giáo chức trung bình ngày 12 tiếng với số lương khoảng 20 chục ngàn đồng tiền cũ.
Sau một năm, người dân tự hỏi tương lai sẽ ra sao? Thấm thoát mà đã hơn 40 năm rồi.
Câu hỏi vẫn chưa có câu trả lời trọn vẹn.
Theo Dương Thu Hương, sau 30/4/1975, nó còn những chiều kích đau khổ khác. Và chính những chiều kích ấy mới là tổn thất khủng khiếp nhất. Một năm sau ngày giải phóng, miền Nam là một xã hội tan rã và hủy diệt về mọi phương diện: phá sản về đạo lý con người, một xã hội băng hoại mất hết mọi giá trị đạo đức, luân lý cổ truyền. Chính sách đi học tập cải tạo vô hạn định có thể lừa được người dân trong ngắn hạn, nhưng sau này trả rất đắt, nói không ai nghe, không ai tin nữa, mất hoàn toàn tín nhiệm nơi dân chúng. Giải thể MTGPMN và thống nhất đất nước vội vã là một phản bội miền Nam, một sai lầm chiến thuật, bất cập. Đi kinh tế mới là một chính sách đầu voi đuôi chuột, đem con bỏ chợ, nhằm trả thù hơn là lợi ích kinh tế hay xã hội. Nó thất bại ngay từ đầu đến nỗi sau này không ai còn muốn nhắc tới nữa. Rồi đánh tư sản mại bản, chính sách đổi tiền, chính sách bài trừ và xua đuổi người Hoa ra khỏi nước, việc mang quân sang xâm chiếm Campuchia. Tất cả dẫn đưa đất nước vào vòng lao lý, tù tội hận oán mãi đến bây giờ chưa hết. Một xã hội bị xoá trắng về văn học nghệ thuật, phá sản về tư hữu, một nền kinh tế kiệt quệ lâm vào cảnh đói nghèo báo hiệu nguy cơ sụp dổ toàn diện.
Về đối ngoại, đóng cửa các tòa đại sứ, nhất là tòa đại sứ Hoa Kỳ trục xuất các người ngoại quốc, chiếm hữu tài sản của các công ty người Pháp là tự mình cô lập chính mình. Hủy bỏ mọi cam kết, ký kết, các thương ước thương mại, các khoản cho hoặc vay mượn, các cơ quan từ thiện quốc tế, các tổ chức nhân đạo, các quỹ tiền tệ Quốc tế, các ngân hàng ngoại quốc… mà VNCH đã nhiều năm xây dựng là một việc làm ngu xuẩn. Vì thế, phải nhiều năm sau này chính quyền cộng sản mới khôi phục và nối kết lại bang giao với các cơ quan Quốc Tế vừa kể trên.
Chúng ta đã bịt tai không thèm nghe về tư thế và lợi ích chiến tranh của Việt Nam giữa hai đại cường, nên đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc Andrew Young đã nói rõ như sau: “Chúng tôi coi Việt Nam như một Nam Tư ở Châu Á. Không phải một bộ phận của Trung Quốc hay của Liên Xô, mà là một nước độc lập. Một nước Việt Nam mạnh và độc lập là phù hợp với lợi ích quốc gia của Mỹ’’ (tháng 01-1977)
Như thế, Việt Nam đã bỏ mất nhiều cơ may đưa đất nước tiến lên và phát triển. Việt Nam đã tụt hậu gần 20 năm trong sự trì trệ và ngu dốt. Đã có một lịch sử đứt đoạn phân chia rạch ròi trước 1975 và sau 1975. Đã có một giai đoạn mất mát, cắt đứt với cộng đồng quốc tế và đất nước rơi vào tình trạng nghèo đói, lạc hậu và chậm tiến.
Đó là một lỗi lầm lịch sử lớn lao mà trách nhiệm là đảng cầm quyền cộng sản.
Cả một tập đoàn cán bộ cao cấp đều thiếu một cái nhìn viễn kiến, một chính sách hợp tác quốc tế ngay từ đầu. Cái tư thế chính trị, quân sự của ta lúc bấy giờ là lớn lắm nếu có một chính sách ngoại giao cởi mở, mềm dẻo, biết điều, không hỗng hãnh quá lố đến lố bịch sẵn sàng hợp tác với cộng đồng quốc tế. Ta đã ngu dại, ngủ quên với những chiến thắng, coi trời bằng vung.
Và cho đến bây giờ, cái đảng cầm quyền đó vẫn vấp phạm những sai lầm lớn nhỏ với tình trạng tham nhũng hầu như vô phương cứu chữa.
Một nhận xét cuối cùng của tôi sau một năm ngày giải phóng là:
Họ đã làm mất lòng dân mà họ không cần biết – Sau một năm giải phóng, Tất cả mọi người từ già tới trẻ, từ đủ mọi thành phần xã hội đều mất tin tưởng và thấy rằng đất nước này không khá dược nếu còn đảng cộng sản.
Khuynh hướng này đến nay càng rõ nét . Phải thay đổi, phải dẹp bỏ đảng cộng sản nếu muốn đất nước đi lên.
Cho đến nay, những gì họ tuyên truyền để phá huỷ, trù dập, phỉ báng, bôi nhọ, kết án, v.v… thì sau thời kỳ đổi mới kể từ 1986… Họ làm cuộc cách mạng trở về với cái cũ, cái mà họ từng phỉ nhổ, lăng nhục. Và một biểu tượng hết ý hết lời về đất nước mình, ấy là hình ảnh những cột xi măng thay vì phải là cột xi măng cốt sắt, nó lại là những cột xi măng cốt tre.
Đất nước này chỉ toàn là những cột xi măng đúc bẳng cốt tre thay vì cốt sắt. Chúng ta hãy tự chọn cho mình một thái độ thích hợp.
Hết
© 2006-2016 DCVOnline
Nếu đăng lại, xin đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net”
Nguồn: Loạt bài này của tác giả đăng lần đâu tiên vào cuối tháng 4 đầu tháng 5, 2006 trên DCVOnline. DCVOnline biên tập và minh hoạ.
RỒI CŨNG QUA THÔI
Sự đời nó chỉ vậy thôi
Nó nên hệ thống từ đầu khác chi
Phải theo ông Mác y sì
Lênin cũng vậy nói chi bây giờ
Có gì đâu để bất ngờ
Ngồi mong chuyển đổi ngây thơ quá trời
Chiến tranh dẫu có rầm trời
Hòa bình trở lại cũng thời như xưa
Nói sao “giai cấp” cho vừa
Trung kiên là chính mới thừa xông lên
Con đường vô sản rộng thênh
Phải hoài đi mãi để nên đại đồng
Miền Nam trí thức nhông nhông
Những anh khuynh tả hỏi gồng được sao
Một thời xảnh xẹ tào lao
Như Hồ Ngọc Nhuận ối dào là vui
Dắt theo cả bọn rung đùi
Chờ ngày giải phóng tưởng rồi chia mâm
Hoan hô tâng bốc ầm ầm
Cuối cùng té đái có lầm điều chi
Huế xưa cũng kẻ yêu vì
Xênh xang nhảy núi tiếc chi sự đời
Lên cao quả cũng một thời
Khiến bao nhiêu xác lấp vùi ai hay
Nhân tình thế thái quả hay
Bao anh nghệ sĩ ca ngày ca đêm
Nối vòng tay lớn đã thèm
Nông trường tiếng hát chỉ xêm nhi đồng
Lại bao trí thức chồng ngồng
Cấp bằng khoa bảng bổng thành chổng khu
Một đời chẳng vụng đường tu
Ngợi toàn thuyết Mác lù lù thế kia
Bổng dưng thân phận trật chìa
Vượt biên một mớ còn về giữ con
Ngỡ lên đỉnh núi chon von
Hóa thành xuống hố hỏi còn nói sao
Hăng say mê mẩn ngày nào
Bốn mươi năm ấy lẽ nào khóc than
Thôi thì mở miệng hàm oan
Mà còn hé miệng lại càng chua cay
Giống Ngô Công Đức một ngày
Ráng ra Tin Sáng hóa ngay tin tồi
Đọc vào ai nấy hởi ôi
Những đồ mặt mặt đến hồi hóa thân
Nhất là gã Lý Quý Chung
Xum xoe xủm xẹ hào hùng bao phen
Cuối cùng cũng chỉ nhăn răng
Chung qui quả thế cuội nhăng một thời
Dễ sao kể hết trong đời
Còn bao thân phận con người hơn sao
Giống anh viết nhạc ào ào
Trịnh Công Sơn đó lẽ nào ai quên
Một thời tiếng nổi vang rền
Lời ca phản chiến nỉ non ai bằng
Cuối cùng cũng đến tênh hênh
Nối vòng tay lớn quả mèn đéc ơi
Nên thôi bao nã sự đời
Giờ đây kiểm lại thảy người vô duyên
Khác gì một kiếp thuyền quyên
Anh hùng chi bấy chỉ toàn hèn thôi
NGÀN KHƠI
(06/5/16)