Đại Học | Số ra mắt
Viện Đại học Huế
Khi một viện Đại học được thành lập người ta có dịp suy nghĩ lại về địa vị của nó trong đoàn thể quốc gia […] Đại học không thể là một “tháp ngà”, một nơi khép kín đối với thế giới bên ngoài, trong đó những người có phận sự chỉ việc trao cho sinh viên những kiến thức chuyên môn không dính líu gì đến cuộc đời chung quanh.
DCVOnline: Đọc thêm Nguyễn Văn Lục, Tóm lược về sự hình thành của Tạp chí Đại Học, October 22, 2015
TẠP CHÍ ĐẠI HỌC, ĐÁNH DẤU MỘT THỜI CỦA GIỚI ĐẠI HỌC,
TRÍ THỨC VÀ HỌC THUẬT VIỆT NAM
Ở đây người viết không dùng chữ Huế hay Miền Nam, mà dùng chữ Việt Nam. Đó là có ý muốn nói tính đặc biệt, tính tiêu biêu, tính lịch sử một thời của Tạp Chí đó.
Thú thực khi còn học trung hoc, năm đệ nhị lúc đó, tức 1962 tôi đã lần đầu đọc đến Tạp Chí này rồi. Từ đó nó để lại trong lòng tôi cũng như trong trí tuệ của một dấu ấn qua trọng không bao giờ có thể phai mờ được.
Dĩ nhiên khi ấy có thể tôi đọc mà chưa hiểu hết mọi nội dung bài viết trong đó. Duy có điều nó hầu như đã mở ra cho tôi một sự tâm đắc, một sự say mê, một sự thán phục, một sự quí mến, một chân trời tri thức và ý nghĩa trí thức thật sự. Tuy có thời gian sau này tập hợp, lưu giữ được một số, song đến giờ lại chẳng còn trong tay số nào cả.
Bởi vậy nay đọc được các số Đại Học đó ngày xưa như những tài liệu đã được ông Nguyễn Văn Lục cẩn thận sao lục, tôi thật sự rất tâm đắc và rất cảm phục và cám ơn ông. Đây là một việc làm hết sức ý nghĩa, nó cũng cho thấy một tâm huyết nhiệt nồng và cao quý thật sự mà chính ông Lục đã thể hiện.
Lấy tên gọi Tạp Chí Đại Học là một ý nghĩa rất thông minh, sâu sắc và sáng suốt, bởi vì tên gọi là toát lên mọi mục đích, ý hướng, cơ sở, và giá trị của nó. Tạp Chí Đại Học có nghĩa là một tập san khoa học, một tập san nghiên cứu, học thuật của cấp đai học, một trường đại học, mà cũng đồng thời cũng là một nền tảng chung nhất cho giới đại học, nghiên cứu, học thuật tiêu biểu của toàn xã hội, của cả nước, hay kể cả trên bình diện thời đại và trên bình diện lịch sử.
Điều đó cũng có nghĩa toàn bộ Tạp Chí Đại Học nếu được lưu lại đầy đủ sau này sẽ là một sử liệu quý giá nhất tiêu biểu và đánh dấu một thời kỳ lịch sử của cả nước hay dân tộc về rất nhiều phương diện. Rất tiếc sau khi vào học tiếp đại học ở Saigon, tôi biết hình như Tạp Chí Đại Học sau đó đã ngưng xuất bản, tôi chỉ có thể đọc được những tạp chí khác chuyên ngành hơn, như Tạp Chí Quê Hương chẳng hạn, đó cũng là những giá trị đại học rất nghiêm túc, khách quan, hữu ích, cần thiết và cao quý lúc đó.
Như vậy nói về Tạp Chí Đại Học là nói đến những khuôn mặt trí thức đúng nghĩa và nghiêm túc một thời, những nhà tư duy, những nhà học giả, những nhà khoa học và học thuât, một số nhà chuyên môn chuẩn mực đã xuất hiện trong đó. Đó chính là giá trị tinh thần, ý nghĩa văn hóa, mục đích nhân quần xã hội, và đặc biệt là tình cảm yêu nước, yêu con người, yêu nhân văn, là những ý nghĩa và nội dung không thể nào phủ nhận.
Cho nên ý nghĩa hay giá trị tiêu biểu nhất của Tạp Chí Đại Học là tinh thần và ý thức về sự tự do, tức về con người và xã hội tự do, chính đó mới là mục tiêu và giá trị nhân văn đáng ghi nhận, tâm đắc và đề cao nhất. Nó hoàn toàn không có kiểu ý thức hệ thiển cận hay ngắn ngày nào cả. Nó là ý nghĩa dài hơi của khoa học và học thuật. Nó vượt lên mọi sự biệt phái chủ quan, thường tình, mà hướng tới sự mở rộng ý thức tự do dân chủ đích thực cho tất cả mọi người. Đó chính là sứ mệnh lịch sử do nó tự đặt ra và sau này muôn đời cũng phải ghi nhận.
Bởi đại học có nghĩa là tinh thần và mục đích chuyên môn, mục đích học thuật. Mà nói như thế cũng ó nghĩa là mục đích nhân văn và mục đích khoa học. Bởi vì bậc tiểu học chỉ cốt học theo thầy. Bậc trung học côt để học cùng bạn. Nhưng chính bậc Đại học là học cùng xã hội, cùng nhân loại, kể cả cùng lịch sử. Cho nên đại học không thể nhồi nhét một chiều, hay chính trị hóa theo kiểu một chiều. Bởi vì thực chất đó chỉ là cách phản động. Trái lại đại học phải luôn đi đôi với ý nghĩa giải phóng, ý nghĩa cách mạng, ý nghĩa khai phóng, ý nghĩa nhân văn, tức chỉ lấy con người tự do và xã hội tự do làm chuẩn mà không bị ràng buộc vào bất cứ quyền lực cục bộ, ràng buộc vào các cá nhân nhất thời nào, ràng buộc vào bất kỳ những ý thức hê hạn hẹp hay chủ quan nào cả.
Thật ra Việt Nam trong thời kỳ còn bị lệ thuộc Pháp, đã có những tạp chí đúng đắn, trong sáng do những trí thức và những nhà văn hóa thời đó lập ra. Như tạp chí Nam Phong cũng đã từng nổi danh và hữu ích một thời mà bất cứ người trí thức nào cũng rõ. Nam phong tức là gió Nam, nó cũng tiêu biểu phần nào ý thức dân tộc, nguyện vọng tự chủ mặc dầu nước nhà đang bị đế quốc Pháp đô hộ. Có điều là trong thời kỳ đó nước ta vẫn có vua, có triều đình, chẳng qua vì chính quyền sở tại phải bị khống chế bới quyên lực thực dân từ ngoài lúc ấy vậy thôi. Đó chính là yêu cầu của sự trật tự bất đắc dĩ mà bao nhà trí thức tên tuổi cũng đành phải chịu.
Cho nên cái chính của con người là tinh thần và ý thức mà không là gì khác. Nhà văn danh tiếng Phạm Quỳnh từng nói tiếng ta còn nước ta còn, đó không phải câu nói ngoa, mị dân, nhưng là ý thức sâu xa là thế. Đó chính là cách tranh đấu cho dân tộc bằng ngòi bút của Phạm Quỳnh, cho dầu mặt bề ngoài chính trị nhiều người có thể cho là ông ta sai. Thời bị đô hộ mà ý thức và tinh thần của người Việt còn thế, huống là thời kỳ nước nhà độc lập tại Miền Nam dưới thời Việt Nam Cộng Hòa. Nên từ đó cũng thấy rằng Tạp Chí Đại Học quả là điều rất nên trân trọng và rất đáng quý. Bởi cái cao cả ở đây nói chung lại hay cốt yếu nhất vẫn không ngoài là tinh thần tự do dân chủ, ý thức nhân văn sâu sắc, tìn cảm yêu nước sáng suốt mà thực tế đã được bộc lộ ra trong hàng trăm, hàng ngàn bài viết ra trong đó. Chính nó đã dẫn hướng cho nhiều thế hệ sinh viên nước ta cho tới ngày nay cho dầu họ đang ở đâu trong chính ý nghĩa nhân văn, dân tộc và học thuật.
ĐẠI NGÀN
(16/5/16)