Phạm Duy còn đó hay đã chết? (p2)

Nguyễn Văn Lục

Và vì thế câu hỏi ở đầu bài viết sẽ được trả lời là Phạm Duy còn đó và không thể chết, dù muốn dù không, dù thế nào đi nữa, ông cùng với Trịnh Công Sơn là những nhạc sĩ tài ba nhất của miền Nam Việt Nam Công Hòa trước 1975.

(Tiếp theo p1)

2. Phạm Duy chết ở một nơi nào khác?

Tài vay mượn hay cảm hứng của người nghệ sĩ?

Mỗi bản nhạc của ông là một tổng hợp những văn ảnh, những âm thanh, âm điệu, những lời ca rút ra từ những bài thơ, hoặc từ các câu hò, điệu hát của dân ca ba miền, ngay cả những điệu hát của người dân miền sơn cước, từ các vần điệu đã có sẵn, các hình ảnh quen thuộc như con trâu, cái cày, đồng lúa xanh, người mẹ quê. Chính nhờ sự pha trộn, thu nhặt đó mà nhạc Phạm Duy rất gần gũi, có sức thu hút và được đón nhận một cách nồng nhiệt.

Chẳng hạn, trong bài Tiếng Hát trên Sông Lô, theo như sự nhìn nhận của ông, ông đã cảm hứng và vay mượn từ hai câu thơ Đường quen thuộc:

Thuyền ai đậu bến Cô Tô

Nửa đêm nghe tiếng chuông chùa Hàn San1

Hai câu thơ Đường trên vảng vất trong bài tiếng sông Lô của Phạm Duy đã trở thành: Thuyền tôi buông lái như xưa, hoặc Thuyền tôi đậu bến Tuyên Quang và nhất là Thuyền tôi đậu bến Đoan Hùng. Bình minh nghe tiếng chim mừng líu lo.

Trong mấy câu trên, người ta thấy từ vần điệu, âm thanh bằng trắc bổng trầm sao giống nhau thế? Thật là tài, cái tài bắt chước và nhái lại của Phạm Duy. Giữa: Nửa đêm nghe tiếng chuông chùa Hàn San và Bình minh nghe tiếng chim mừng líu lo sao mà sít sao thế! Giống mà không giống. Nửa đêm đổi ra thành bình minh. Tiếng chuông chùa đổi ra tiếng chim mừng. Thật là tài, cái tài bắt chước và nhái lại của Phạm Duy.

Cũng theo Phạm Duy, 10 bài tâm ca, 10 bài đạo ca ít ra bắt nguồn từ con số 10 của Mười điều tâm niệm của Hoàng Đạo. Sự liên hệ ý tưởng đó đã trở thành nguồn cảm hứng âm nhạc bắt đầu từ con số 10. Tại sao không 13 hay 35 mà lại 10?

Và từ dấu mốc này, tôi dám đặt câu hỏi, không phải về nhạc tính, mà về một số từ rất rất Trịnh Công Sơn, một số ý hướng rất Trịnh Công Sơn như các từ Gia tài, tuổi nọ tuổi kia, v.v.. Uớc mơ (thơ Nhất Hạnh), để lại và những ý hướng về cái chết, về chiến tranh, về trẻ thơ, v.v.. trong các bài Tâm Ca, Đạo ca của Phạm Duy.

Lẽ dĩ nhiên, Phạm Duy không bao giờ nhìn nhận có một ảnh hưởng như thế trên sự nghiệp sáng tác của ông. Và chắc hẳn những bản nhạc đó đã bắt nguồn từ những cảm hứng tâm linh, từ những khát vọng sâu thẳm của cõi người hay thân phận người xuất phát từ những tình trạng bi kịch của đất nước. Chính từ những chỗ ấy đánh động tâm tư, khơi dậy những thao thức của tâm hồn nghệ sĩ và từ đó sinh ra những dòng nhạc tuyệt vời.

Người nghe nhạc khi thưởng thức nhạc Phạm Duy, đôi khi bắt gặp những âm hưởng quen thuộc đã bắt gặp ở đâu đó rồi hoặc bắt gặp một con chữ nào đó v.v.. Có thể một cách vô tình và vô thức, Phạm Duy có cùng những cảm nhận, cùng những rung động đã nhập vào ông. Nhất là trong những bản nhạc phản chiến, những bài tâm ca và đạo ca. Chữ nghĩa ấy vào tay Phạm Duy trở thành một con chữ sống động, hiện sinh, như thể có một linh hồn. Vốn nguyên liệu đã có, Phạm Duy chuyển tải tài tình cái vốn đó thành vốn của mình một cách chẳng kém tài hoa.

Thôi thì cứ cho rằng tài hoa bắt gặp tài hoa. Nhưng trong nghệ thuật văn chương hay âm nhạc thì trước sau thiên tài hay không vẫn là ở chỗ sáng tạo, chỗ khởi đầu. Ớ chỗ này, bất cứ ai cũng phải nhìn nhận rằng Trịnh Công Sơn sáng tạo ra ngôn ngữ, thổi vào chữ nghĩa một sự sống, một linh hồn.

Hơn bất cứ ai hết, Trịnh Công Sơn cùng một lúc sáng tạo ra ngôn từ và dòng nhạc quyện vào nhau, gắn bó tuyệt vời. Đó là một thứ phù thủy trong ngôn ngữ: thổi vào đó một sự sống.

Trong khi đó, phần lớn âm nhạc của Phạm Duy là vay mượn thơ văn của các thi sĩ khác.

Công của ông là phổ nhạc. Phần kia là của những nhà thơ. Về điểm này, tôi cũng đặt câu hỏi phần vinh danh mà ông được thụ hưởng thì trong đó có bao nhiêu phần đóng góp âm thầm của các nhà thơ được chia sẻ cái vinh danh đó? Chỗ nào cho Nguyễn Bính, Nhất Hạnh, Phạm Thiên Thư, Linh Phương, Ngô Đình Vận, Hữu Loan, Lê thị Ý, Phạm Lê Phan, Phạm Văn Bính, Hoa Đất Nắng, Lưu Trọng Lư, Huy Cận, Xuân Diệu, Thế Lữ, Hàn Mạc Tử, Bích Khê, Đỗ Quý Toàn, Nguyễn Tất Nhiên, Thanh Hữu, Du Tử Lê, Cung Trầm Tưởng, Hoài Trinh, Hồng Nam tức Hô Hán Sơn, Guillaume Apolinnaire. Và người chỉ còn có cái bị thằng ăn mày như Bùi Giáng cũng bị mượn đỡ bài Gái lội qua khe cho những bài Tục ca của Phạm Duy.

Kết luận về phần này thì chúng ta phải thừa nhận rằng vay mượn và cảm hứng đưa đến những bản nhạc để lại cho đời đến như Phạm Duy thì kể là kỳ tài. Kể là có một không hai.

Nhưng tôi nhận ra một điều thấy cần được nói ra và có thể nhiều người cũng biết như thế. Có nhiều bài do chính ông viết lời như bài Đêm xuân, tại Chợ Neo, Thanh Hóa ghi lại mối tình với Thái Hằng. Hay bài Cành hoa trắng, Thanh Hóa, 1950 hay bài Gánh lúa, rất nổi tiếng, trước khi dinh tê. Điều đó không có gì để nói nữa.

Có bài mượn lời từ thi sĩ ngoại quốc, như Mùa thu chết mượn thơ của thi sĩ Guillaume Apollinaire ông cũng cẩn thận ghi bên dưới như: theo thơ Guillaume Apollinaire, Sàigòn 1970.

Xem lại những bài ông trích đăng lại trong Ngàn lời ca: bài Nhân danh, ghi theo thơ Tâm Hằng, bài Bi Hài kịch, theo thơ Thái Luân, Đi vào Quê Hương, theo thơ Hoa Đất Nắng (Cả ba bài này đều ít ai biết tới), Kỷ vật cho em thơ Linh Phương, Khi tôi về, Khi tôi về, theo thơ Kim Tuấn, Tưởng như còn người yêu, thơ Lê thị Ý, Áo anh sứt chỉ đường tà, thơ Hữu Loan. Tôi ước mơ, thơ Nhất Hạnh, bài Để lại cho em, một câu thơ của Nguyễn Đắc Xuân…

Trừ vài trường hợp hoạ hiếm, những trường hợp khác thì không được ghi đầy đủ. Và đấy chỉ là ghi lại trong Ngàn lời ca của Phạm Duy sau này như một loại sách sử âm nhạc. Nhưng tôi không đủ điều kiện để tìm hiểu xem, khi được ấn hành thành bản nhạc, được in ấn hồi trước 1975, được bán ở các vỉa hè Sài Gòn, tên các thi sĩ được Phạm Duy phổ nhạc có được ông trân trọng ghi đầy đủ trên các bản nhạc hay không? Ở Hải ngoại thì tôi được biết có một số bản nhạc được in lại có ghi đầy đủ tên thi sĩ và tên nhạc sĩ, nhưng điều đó có chắc rằng, toàn thể các bản nhạc của Phạm Duy in ấn trước 1975 đều có đề tên các thi sĩ hay không?

Việc thơ phổ nhạc là một hiện tượng phổ biến trong sinh hoạt văn hóa miền Nam trước 1975. Trong một bài phỏng vấn Du Tử Lê của Cỏ Ngư trên Talawas, ngày 5/5/06, Du Tử Lê cho biết có hơn 300 bài thơ của ông đã được phổ nhạc mà theo ông:

“Đó là chưa kể có những nhạc sĩ lấy thơ của tôi, không chỉ là cái ý, mà cả câu thơ, nhiều câu thơ làm thành ca khúc mà không hề đề cập đến tên tôi, dù chỉ là hàng chữ “ý thơ” thôi cũng không có. Thậm chí, có báo chí nêu đích danh bài thơ ấy, bản nhạc ấy, nhạc sĩ ấy. Nhưng người nhạc sĩ này vẫn lờ đi…” Du Tử Lê

Riêng trường hợp Phạm Duy, Du Tử Lê có tiết lộ Phạm Duy có phổ nhạc bài thơ “Kiếp sau, xin giữ lại đời cho nhau” vào năm 1967 gì đó. Rất tiếc, dù đã tìm kỹ, tôi cũng không tìm thấy bài hát này.2

Kiếp sau xin giữ lại đời cho nhau. Nhạc sĩ: Phạm Duy. Thơ/lời: Du Tử Lê
Kiếp sau xin giữ lại đời cho nhau. Nhạc sĩ: Phạm Duy. Thơ/lời: Du Tử Lê

Nhưng điều tôi có thể chắc chắn là trong Ngàn lời ca, hầu như Phạm Duy đã không nêu tên các thi sĩ, tác giả các lời ca của bản nhạc. Ông có cố tình quên tên họ không? Trong khi đó, ông ghi rất kỹ thời gian sáng tác một bản nhạc? Chính vì thế này đã xảy ra trường hợp nhà thơ Hữu Loan bày tỏ công khai nỗi bực dọc ấy. Có một trường hợp mà tôi biết khá rõ về bốn bài thơ của Nguyễn Tất Nhiên, một thi sĩ trẻ ở Biên Hoà. Đó là những bài Thà là giọt mưa, Hai năm tình lận đận, Cô Bắc Kỳ nho nhỏ, Hãy yêu chàng và Vái trời . 5 bài thơ này đã là nguyên do có sự kiện tụng giữa nhà thơ và Phạm Duy. Về phần Nguyễn Tất Nhiên, dĩ nhiên, cậu thanh niên chưa quá 20 tuổi phải hãnh diện vì thơ được nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc. Về phía Phạm Duy chắc cũng hiểu cái tình huống như thế nên ông nói: “Thơ được Phạm Duy phổ nhạc là may phúc lắm rồi.” Cho đến lúc bản nhạc được thương mại hóa thì Nguyễn Tất Nhiên đòi tiền. Kể từ đó về sau, Phạm Duy không lấy thơ Nguyễn Tất Nhiên phổ nhạc nữa.

1973

Tôi đã thử tìm trong Ngàn lời ca để xem ông có ghi lại năm bài nhạc, có thơ của thi sĩ Nguyễn Tất Nhiên không? Tôi đã không tìm thấy bài nào trong năm bài ấy.

Chỉ được nhắc tới trong phần mục lục thôi. Phải chăng, do cái giận một thằng nhóc con muốn đòi tiền và kiện ông mà Phạm Duy đã cố tình bỏ quên Nguyễn Tất Nhiên? Thật ra cái tính của Nhiên là thế. Sau này, khi gửi các bài thơ của thi sĩ trên tập san Hợp Lưu, anh cũng có thói quen đòi chủ bút Khánh Trường phải trả tiền nhuận bút. Ai viết cho Hợp Lưu nghe chuyện đó cũng phải bật cười. Chủ bút Khánh Trường đã trả tiền nhuận bút vì thương bạn. Bởi vi, tờ báo ai đã cộng tác viết bài đều biết tập san nghèo quá, ai dám nghĩ đến tiền nhuận bút. Nhận được một số báo mỗi kỳ đã là một niềm vui rồi vì tờ báo quá đẹp, trang nhã, bài viết có chất lượng. Cầm số báo Hợp Lưu như cầm một cuốn sách. Và theo anh Khánh Trường, Nguyễn Tất Nhiên là người duy nhất trong số các tác giả viết bài cho Hợp Lưu được trả tiền nhuận bút.

Nhưng được biết đến lúc nhà thơ này từ giã cõi đời thì Phạm Duy cũng nằm trong số những người đến tiễn đưa anh về thế giới bên kia.

Phạm Duy đã kể lại trong Ngàn lời ca về người bạn tình của ông, Alice, con gái của một người tình cũ của ông ở Phan Thiết là Hélène. Alice đã làm đến 300 bài thơ tặng ông và đã là nguồn cảm hứng cho Phạm Duy viết phổ nhạc. Khởi đầu là Thương tình ca với những giai điệu:

Dìu nhau đi trên phố vắng
Dìu nhau đi trong ánh sáng
Dắt hồn về giấc mơ vàng
Dìu nhau đi chung một niềm Thương

Và tiếp nối là Ngày đó chúng mình, Đừng xa nhau, Kiếp nào có yêu nhau (Thơ của Hoài Trinh). Bài này của Hoài Trinh có in lại trong một băng nhạc ở Hải ngoại, thấy có đền tên tác giả là Hoài Trinh.

Tôi không thấy ông đề tên Alice trong những bản nhạc tình có thể nói là tuyệt vời ấy trong Ngàn lời ca. Thật là đáng tiếc!

Nhân tiện đây, phải nói rằng nhạc tình của Phạm Duy quả là vời, đa cảm. Và chỉ có một người sau này có thể qua mặt ông là Trịnh Công Sơn với nhạc tình đầy não tính (Chữ của Phạm Duy). Và có những người trẻ tuổi đã chẳng ngại ngùng viết, “Với tôi, chiều sâu của Phạm Duy là chiều sâu của vực thẳm không đáy, đỉnh cao là đỉnh cao của ngọn trời và kích thước thứ ba là chiều ngang của không gian vô tận.”

Xin trích dẫn một đôi câu nữa để chúng ta cùng say sưa ngậm ngùi:

Ngày đó có bơ vơ lạc về trời
Tình trên mây xa khơi có áo dài khăn cưới
Ngày đó có kêu lên gọi hồn người
Trùng dương ơi, Có xót xa cũng hoài mà thôi

Và để nghe Thái Thanh nức nở một lần nữa thơ của Hoài Trinh, phổ nhạc là của Phạm Duy:

Đừng nhìn em nữa anh ơi..

Kiếp nào có yêu nhau, thì xin tìm đến mai sau…

Alice đã không có một chỗ đứng đáng lẽ phải có, đáng lẽ phải dành cho cô. Không thể quên như thế được.

Nhưng dưới mắt Phạm Duy: Phổ nhạc là chắp cánh cho thơ bay cao. Vì thế, họ bị bỏ quên cũng thật là dễ hiểu, vì ai đã chắp cánh cho họ?

Những người đó ít hay nhiều cũng làm nên vóc dáng Phạm Duy. Có thể, nhờ nhạc sĩ mà bài thơ đi xa hơn nữa. Nhưng dù muốn, dù không vẫn là mượn thơ của thi sĩ. Họ đã chẳng có một vị trí xứng đáng trong gia tài âm nhạc của họ Phạm. So ra, những người tình của Trịnh Công Sơn may mắn hơn nhiều, vinh dự hơn nhiều, đi vào những thiên tình sử của một nhạc sĩ tài hoa có một không hai. Những Diễm.. và cuối cùng đến Hồng Nhung.

Hãy khoan nói đến chuyện tiền bạc. Hãy trả lại lẽ công bằng về cái thẩm quyền tinh thần, về những sản phẩm trí tuệ ấy.

Tôi vẫn cảm thấy tức anh ách khi viết những dòng này, nghĩ tới Alice, Huy Cận trong Ngậm ngùi và bao nhiêu thi sĩ khác.

Phải chăng chính ở điểm này mà Nguyễn Trọng Văn nên dùng bút để giết chết Phạm Duy?

3. Phạm Duy của nhiều khuôn mặt

Ngay từ hồi trước 1975, tôi đã nghĩ rằng Phạm Duy là người bất nhất, tham lam, chụp giựt, tính cơ hội trong những sáng tác nhạc của ông. Các chủ đề sáng tác của ông, mặc dầu trải dài suốt hành trình nhân thế của ông, bám sát vào những biến cố của thời cuộc, của đất nước cho thấy nó quá đa dạng, trái khóay, thiếu cân xứng, thiếu liên tục nhất quán. Nghe những bản nhạc ấy, nhiều khi không khỏi ngỡ ngàng, thấy lạ, thấy kỳ dị và cảm giác quan trọng là thấy có gì đó không ổn. Có thể gọi đó là một thứ sincérité instantannée, thành thật nhất thời cảm hứng nhất thời, xung động nhất thời (émotion primaire)

Cảm hứng nhất thời đó cũng giống như một thanh niên lãng tử, ham vui, chóng chán. Khó có cái gì đọng lại, kết tinh, có chiều sâu, có âm hưởng. Đó là thứ nhà văn không có style, nhạc sĩ không có nét nhạc, thiếu cá tính, hoạ sĩ thiếu gam màu.

Đối với một người như Trịnh Công Sơn, ta chỉ cần nghe một điệu nhạc, bắt ngay được cái hồn tính của điệu nhạc ấy và biết ngay là Trịnh Công Sơn. Nó có một cái duy nhất, cái độc đáo, cái làm nên thế giới âm nhạc ấy. Cũng vậy, xem tranh phố cổ của Bùi Xuân Phái quen thuộc, lướt qua cũng nhận ra gam mầu trong tranh rất xanh nhạt, xám nhẹ, gợi nét buồn với hình ảnh những căn nhà, trống vắng, trơ chọi. Hoạ sĩ nổi danh với hai chữ phố phái, một đặc sủng trong tranh Bùi Xuân Phái cũng nhờ ở chỗ có cái đồng nhất thể, cái thể tính của tranh vẽ phố cổ của ông. Trông là biết, là nhìn nhận ra tác giả.

Tranh phố cổ, họa sĩ Bùi Xuân Phái

Phạm Duy trái lại đưa người nghe nhạc ông từ thái cực này đến thái cực khác, hay dở lẫn lộn, pha chế, rửng mỡ, thô tục, thanh cao, ngậm ngùi, thiết tha, xót xa, rẻ tiền, vay mượn lung tung, chắp vá tùy tiện.

Có vẻ trong sáng tác, lúc nào ông cũng tham lam, muốn thay đổi, muốn cái lạ, cái mới theo cái kiểu tiện đâu hay đấy, theo cái kiểu có tiền thì làm. Đôi khi không khỏi làm người nghe khó chịu và bực dọc.

Sáng tác nhiều nhất so với các nhạc sĩ khác. Nhưng dở cũng không ít.

Giai đoạn kháng chiến ca

Dành cho giai đoạn này, ông có trên dưới 50 bài. Nhưng chỉ độ 10 bài nay còn được nhắc nhở tới. Bài phổ nhạc đầu tiên Cô hái mơ, phổ thơ Nguyễn Bính, 1942. Cũng là hay, nhưng khó có thể so bì với Con thuyền không bến của Đặng Thế Phong và Buồn tàn thu của Văn Cao. Mà Đặng Thế Phong sáng tác nhiều nhặn gì cho cam? Nhạc của Đặng Thế Phong dù ít, nhưng bài nào cũng hay. Ít mà tuyệt vời. Những bản nhạc hùng của Phạm Duy trong thời kỳ kháng chiến thì may mắn còn được quân đội VNCH xử dụng như các bản quân hành như Xuất Quân, Nào bao hùng binh tiến lên, Chiến sĩ vô danh, Đường về quê, Khởi hành …

Trong số đó, vài ba bài dân ca kháng chiến thật hay và ngậm ngùi như Nhớ người thương binh, Ru con, và Nương chiều. Đó là những bài ca với những hình ảnh quen thuộc như mẹ già, con thơ, vợ hiền và được nhiêu người ưa thích.

Ít ra, trong giai đoạn này, người ta còn nhận ra được tính thuần nhất trong chiều hướng sáng tác của người nghệ sĩ. Mặc dầy vậy, nhiều bài nay không một ai biết đến nữa vì tính tham lam, viết dễ của tác giả như các bài Quân y ca, Thiếu sinh quân, Ngọn trào quay súng, Một viên đạn là một quân thù. Đoàn quân văn hóa.

Tham lam. Đó là cái dở nhất của Phạm Duy. Đó là cái giá phải trả dành cho những bản nhạc bị bỏ quên mà cũng dành cho chính tác giả. Có đến ¾ những bản nhạc của Phạm Duy sau này đã không ai biết đến nữa.

Giai đoạn 20 năm miền Nam

Đây là một thời gian dài đánh dấu sự thành công của Phạm Duy. Thành công của ông bắt đầu với ban hợp ca Thăng Long trên đài Pháp Á, từ 1951, tới 1955, thời ông Diệm đổi là Đài phát thanh Quốc Gia, với những tên tuổi như Hoài Trung (Phạm Đình Viêm) Hoài Bắc (Phạm Đình Chương), Phạm Duy, Thái Hằng và Thái Thanh (Băng Thanh), và với những bài ca khá tuyệt vời như Tình hoài hương, Tôi yêu tiếng nước tôi (1953).

Ban hợp ca Thăng Long: Từ trái qua: Khánh Ngọc, Hoài Bắc Phạm Đình Chương, Thái Hằng, Thái Thanh, Hoài Trung Phạm Đình Viêm.

Ban hợp ca Thăng Long: Từ trái qua: Khánh Ngọc, Hoài Bắc Phạm Đình Chương, Thái Hằng, Thái Thanh, Hoài Trung Phạm Đình Viêm.

Ban Hợp ca Thăng Long nổi như cồn. Có thể so sánh nó giống như Sáng Tạo trong văn học với Mai Thảo. Nhạc với Phạm Duy, với ban hợp ca Thăng Long. Văn với Mai Thảo với tạp chí Sáng Tạo. Cả hai là những đặc sản miền Bắc mang vào như trái cây đầu mùa ở miền Nam lúc ấy.

Những bản tình ca tuyệt vời cũng hầu hết được sáng tác trong giai đoạn này đã đưa ông lên cao, cao thật cao.

Trường ca Con đường cái quan

Cạnh đó là Hai bản Trường ca: Con đường cái quan và Mẹ Việt Nam. Hai trường ca này làm nên vóc dáng Phạm Duy. Bản trường ca nói đến người lữ khách lên đường, đi từ Bắc vô Nam.

Về nội dung, nó nói lên được tình tự dân tộc, tấm lòng yêu quê hương đất nước mỗi lần tác giả dừng chân tại mỗi miền. Những câu hò, câu ví của dân ca ba miền được nhắc nhở đến với những địa danh như Thăng Long, Tháp rùa, ải Chi Lăng, Phố Kỳ lừa. Tạ Tỵ đã nhận xét: “Suốt chuyến đi, xuyên nửa quê hương, Duy đã xúc động và nhận diện được chân dung quê hương qua tri giác tinh tế của một nghệ sĩ đã gần 40 tuổi đời.”3

Nhưng về hình thức, theo dõi toàn bộ bài hát thì thấy mệt, chán, dài lê thê, cóp nhặt âm hưởng của từng vùng. Nó là một thứ lắp ráp chưa khéo. Tách ra từng đoạn, từng phần thì có phần hay. Những phần đoạn hay thường được giới thanh niên hát trong các sinh hoạt giới trẻ và nhất là trong những đoàn du ca của giới sinh viên học sinh. Tôi không thích mà có thể nhiều người cũng không thích. Đã thế, ông sử dụng các câu hò, câu ví như thể là chính ông sáng tác. Không lạ gì, nhiều người đã đồng hóa Phạm Duy vào dân ca đó như thể là của chính ông sáng tác.

Nhạc sĩ Lê Thương khi trả lời Vũ Bằng đã nói:

“Những bài như Con đường cái quan hơi dài quá, điệp ý nhiều, có nhiều đoạn lại tham lời, tham ý quá, chẳng khác người mới làm văn không chịu lựa chọn những ý đặc biệt, những tư tưởng độc đáo để diễn tả, trái lại ý nào cũng thích, tư tưởng nào cũng ham, nhất nhất thu cả vào bài văn của mình, làm cho độc giả coi mà mệt, do đó sinh ra ngán ngẩm.”4

Và một tiếng nói nữa của Trần Văn Khê nhận xét về hai bài hát về miền Nam Cửu Long Giang và Nhờ gió đưa về như sau: “Tôi nghĩ có lẽ Phạm Duy cho rằng miền Nam chịu ảnh hưởng Âu Châu rất nặng nề là khi đến miền Nam người lữ khách đi thời xưa đàn ngày nay, đàn mà nhạc Việt ảnh hưởng Âu Châu rất nhiều, nên hai bài hành khúc, không còn dân tộc tính của nhạc Việt nữa. Riêng đối với tôi, những câu nhạc nửa Âu, nửa Á, nửa Mỹ, nửa Việt Nam làm tôi tiếc người nhạc sĩ sáng tác hai phần đầu, người nhạc sĩ đã đem dân ca lên một mức khá cao để rồi phụ bạc dân ca trong phần chót nhạc phẩm.”5

Dân ca, Tâm ca, Đạo ca, Tục ca …

Dân ca có nghĩa là gia tài chung của mọi người, không ai là tác giả, hay chỉ là vô danh. Vậy mà Phạm Duy đã mượn ý, mượn lời, rồi coi như của mình. Nhiều người như các quý ông Nguyễn Hữu Ba, Trần Văn Khê đã có nhận xét rõ ràng về vấn đề này và yêu cầu ông sửa lại. Riêng Nguyễn Trọng Văn, thẳng thừng và khó tính hơn coi như một thứ ăn cắp không hơn, không kém. Nguyễn Trọng Văn đã nhận xét khá nặng nề như sau: “Ngoài thái độ lấy gia tài chung của dân tộc làm gia tài riêng của mình, lấy vinh dự của dân tộc làm bậc thang cho riêng mình, việc sử dụng trường ca cũng bị chỉ trích.”6

Khó có thể chấp nhận được tính nhập nhằng của ông. Ông đã nhập nhằng không để tên các bài phổ nhạc của các thi sĩ. Bậy lắm! Không thể làm thế được. Đề thêm tên tác giả, bản nhạc có thể vì thế mà mất giá trị đâu?

Nay lại nhập nhằng trong dân ca?

Trong việc sáng tác, ông không chỉ đa dạng về thể lọai, còn đa dạng về đề tài. Phong phú, nhưng trùng lập. Mâu thuẫn và không hợp lý. Các đề tài trong nhạc của Phạm Duy được ông thay đổi như chong chóng, nhảy từ lãnh vực này sang lãnh vực khác. Mỗi lần thay đổi thì ông lại giải thích thế này, thế nọ. Nhưng nghe không lọt tai tý nào.

Nó có vẻ tùy tiện, tùy cơ hội đưa đến. Nó không phải là những điều ông ấp ủ, xuất phát từ tim óc. Ít lắm, ông cũng phải trung thành với chính mình, trung thành với những điều ông ấp ủ. Vì không thể ấp ủ nhiều thứ cùng một lúc được. Vừa mong chấm dứt chiên tranh, vừa phản chiến, vừa hiếu chiến?

Vào năm 1965 ông bắt đầu viết tâm ca. Ở thời điểm đó, viết tâm ca là có thể hiểu được, vì đúng thời điểm, có vẻ thời thượng nữa. Mức độ gia tăng chiến tranh đến chóng mặt với sự tham dự trực tiếp của người Mỹ vào miền Nam. Tâm trạng chán ghét chiến tranh, mỏi mệt, thiếu chính nghĩa đã mỗi ngày một rõ mặt. Những người thanh niên trẻ như Trịnh Công Sơn đã góp mặt và đã để lại những dấu ấn rõ nét qua những văn ảnh về bom đạn, xác người, quê hương rách nát.

Phạm Duy đóng góp bằng 10 bài Tâm ca, phổ thơ Nhất Hạnh. Trong 10 bài Tâm ca, có hai bài thật tiêu biểu như Tôi ước mơ, Gịot mưa trên lá. Theo Phạm Duy, bài Tôi ước mơ, ông chỉ làm trong 15 phút va toàn bộ 10 bài soạn trong một tuần. Những bài thơ đó thể hiện được tình tự nhân loại, con người với những khát vọng, những ao ước ra khỏi cuộc chiến tranh này. Tình con người, tình tự nhân loại thấm nhuần tư tưởng triết học, tôn giáo như hòa trộn vào nhau.

Nhưng tôi có cảm tưởng, ông đã không chuyên chở nổi thơ Nhất Hạnh. Âm nhạc Phạm Duy chưa tới. Thơ ở tầm cao mà nhạc không với tới. Người hát là giọng ca Thái Thanh, tuyệt vời trong Nghìn Trùng xa cách lại tỏ ra gượng gạo đối với những bài tâm ca này. Giọng hát đanh quá, chát chúa, sắc quá khi lên cao giết chết cái hồn tính trong Giọt mưa trên lá. Nhạc không tới, giọng ca không thích hợp đã tự hủy tâm ca của ông và dĩ nhiên thơ của Nhất Hạnh nữa. 10 bài tâm ca này, nay mấy bài còn được nghe ai hát nữa?

Cũng có một số phản ứng của vài trí thức khuynh tả thời đó, Lý Chánh Trung, trên Bách Khoa gọi Tâm ca là ảo tưởng, vì tiếng hát to (trong tâm ca số 2) không thể nào to hơn súng nổ bên bờ ruộng già. Nguyễn Văn Trung thì cho “Tâm ca là mê hoặc vì không thay thế được tư tưởng chính trị để dẫn tới một tranh đấu chính trị.”7

Không nói tới vấn đề Phạm Duy chỉ sáng tác trong 15 phút. Đó là việc của ông. Nhưng chính người nghệ sĩ chưa trang bị đủ cái tâm linh, để đi vào cái hồn, cái linh thiêng hòa nhập giữa tôn giáo và chất nghệ sĩ? Ông thiếu một cái gì đó, dung tục mà chưa thóa tục. Vì vậy có một khoảng cách chưa quyện vào nhau giữa nhạc và thơ như trong trường hợp Trịnh Công Sơn. Mặc dầu Phạm Duy tự tin rằng: Tôi đã nói hộ thi sĩ. Tôi xin ghi lại đây lời giới thiệu của nhà Lá Bối khi cho in tập nhạc: “Tuy nhiên Lá Bối ghi nhận rằng những bài Tâm ca được trình bày trong đây, tuy cũng xuất phát từ trái tim, tuy cũng là ngôn ngữ khóc cười theo mệnh nước, vẫn còn mang một sắc thái đặc biệt: Đó là tính cách tâm linh nội hướng và ý hướng điều hợp.”8

Khi Thích Nhất Hạnh nói tới khát vọng hòa bình, nói tới ước mơ thì người tu sĩ, thi sĩ ấy gửi gắm trong đó một sức mạnh tâm linh, một khát vọng tôn giáo, một nguyện cầu cho việc giải quyết cuộc chiến tranh ấy. Đem cái sức mạnh tâm linh ấy đến như một giải pháp vĩnh viễn cho con người chẳng những xóa bỏ hận thù mà còn có thể xích lại gần nhau như anh em. Ảo tưởng hay ước mơ? Đã gọi là ước mơ thì ai có thể cấm ông được? Quyền ước mơ là quyền tối thượng trong những tình huống thật sự bi kịch đối với một nghệ sĩ? Thường sự phê phán là dựa trên thực tế cuộc đời mà ước mơ thì lại thuộc một thế giới đi ra khỏi cuộc đời hay ở trên cuộc đời? Vậy thì sự phê phán có tỏ ra thích hợp không?

Thiếu cái chiều kích tâm linh trong việc phổ nhạc thơ Nhất Hạnh thì Phạm Duy khó có hy vọng thành công.

Nhưng ngay cùng năm đó, 1965, người ta thấy Phạm Duy sản xuất hàng loạt những bản nhạc nghịch chiều, trái cựa như chửi cha nhau. Thoạt đầu với Huyền sử ca một người mang tên Quốc. Một cách gián tiếp tôn vinh những người hùng trong chiến tranh, thần tượng hóa cái chết của phi công Phạm Phú Quốc và tiếp theo đó một lô hàng sản xuất như mì ăn liền mang nhãn hiệu: Cung khúc Võ Đại Tôn, Mùa xuân máu đỏ, Bài ca tử sĩ cho người quê tôi. Còn tệ hơn nữa, cũng chính năm đó, một lô sản phẩm có tên: Một hai ba, chúng ta là lính cả làng, Thi đua biện luận, Nông thôn quật khởi, Tay súng tay cày, Khoác áo màu đen, Nhân danh…

Chẳng hạn bài Nhân danh có những câu như:

Vì gia đình, tôi phải giết, phải giết
Giết mười người, giết mười người
Vì xóm làng, tôi phải giết, phải giết
Giết ngàn người, giết ngàn người

Tôi không có ý nói rằng không nên đề cao phi công Phạm Phú Quốc cũng như những bài thuộc xây dựng nông thôn của ông. Nhưng không thể cùng một lúc khát vọng hòa bình, ngồi lại với nhau, sau đó lại đòi giết, giết một người, giết ngàn người. Và kết thúc vào năm 1972 với chiến ca mùa hè 1972.

Tháng 3-1966

Chống chiến tranh, phản chiến, khát vọng hòa bình. Đó là những gì có thể tìm thấy trong tâm ca. Vậy mà cũng chính con người ấy, nghệ sĩ ấy, vào tháng 3-1966, được bộ Ngọai giao Mỹ mời viếng thăm Hoa Kỳ. Sau đó vào năm 1970, một lần nữa, ông được gửi sang Mỹ để “giải độc” dư luận Mỹ thường chống chiến tranh. Thật là trái khoáy và trớ trêu quá.

Chuyến đi Mỹ này thật khó nghĩ quá. Đã vậy, bài hát tủ mà ông thường hát cho Mỹ nó nghe lại là bài Giọt mưa trên lá, vì có lời bằng anh văn.

Có đến ba bốn Phạm Duy trong những câu chuyện này.

Vỉa hè ca

Sang đến năm 1968, ông sáng tác những nhạc phẩm có tên là vỉa hè ca, gợi hứng từ Chanson du pavé của Pháp. Vỉa hè ca gồm có các bài như Sức mấy mà buồn, Nghèo mà không ham, Ô kê salem, Ô kê nước mắm.

Tục ca

Thấy như chưa đủ liều lượng, ông dấn thêm bước nữa, sản xuất “tục ca” để văng tục vào cái xã hội ông đang sống. Đã có 10 bài tâm ca thì tại sao không có 10 bài tục ca. Thế là 10 bài tục ca ra đời với những tên rất là tục như: Khỉ đột, Tình hôi, Nhìn L^`…, Em Đ.. Cầm cu… Trong bấy nhiều bài, tôi đọc bài Nhìn Lồn, tôi viết cho đủ chữ là “tục tĩu quá”. Đã viết tục đuợc như thế mà còn ngại ngùng chi mà không viết đầy đủ chữ. Trẻ con nhìn lồn phụ nữ ngồi đi cầu, nhìn đủ thứ: lồn non, lồn non, hay lớn con, mập mạp, lồn mềm.. Lồn tròn hoặc lồn móm mém … rồi cuối cùng có đứa nhìn phải đúng lồn mẹ nó. Tôi gọi là tục tĩu quá cũng không quá đáng. Lại một lần nữa, ông thú nhận viết tục ca là do ảnh hưởng Phạm Duy Tốn, nhất là nhạc sĩ Georges Brassens. Ông hay bắt chước quá. Và cầm nhầm nữa. Mấy bài tục ca này phần âm nhạc thế nào thì tôi không biết, nhưng phần lời ca thì thỏai mái và gratuit quá, chẳng để làm gì. Thật sự không biết để làm gì? Từ nhìn lồn sang đạo ca thì không biết phải nói thế nào.

Đạo ca

Đến năm 1971, sáng tác của Phạm Duy rẽ sang một khúc quặt mới với sự gặp gỡ Phạm Thiên Thư, tức Thiền sư Tuệ Không. Phải nói rằng không gặp Phạm Thiên Thư thì không bao giờ Phạm Duy có ý tưởng viết đạo ca. Sau khi đã đi qua một hành trình sáng tác từ Tâm ca, Tâm phẫn ca, Vỉa hè ca, Tục ca, Chiến ca và nay thì bay lên chín từng không của Đạo ca.

Ở đây, đó là một bước nhảy vào điều mà ông gọi là Đạo ca. Điều gì đã khiến ông thay đổi như thế? Khó hiểu mà cũng dễ hiểu. Chỉ là cái duyên gặp gỡ với Phạm Thiên Thư mà sinh ra cớ sự.

Đầu tiên, Phạm Thiên Thư đưa ông bài thơ: Ngày xưa Hoàng Thị. Thế là có bài Anh tan trường về. Thật dề thương! Ai cũng thích và ai cũng hát. Nhất là trong những buổi họp mặt đông người.

Sau đó, Phạm Duy khoác áo thiền sư.

Khi đạo ca ra đời, ông cũng nhận được một số lời khen của bạn bè như họa sĩ Nguyễn Gia Trí, G.E Gauthier, và như thường lệ có họa sĩ Tạ Tỵ. Những khái niệm hóa thân, đại vũ trụ, đồng nhất thể, mười phương thế giới là một, hòa vào đạo, vào vũ trụ vv…. Tự nhiên, bỗng chốc ông được thừa hưởng hết những tinh hoa, cốt lõi cao diệu ấy, đạt tới chỗ siêu thóat mà chẳng tốn đồng xu cắc bạc nào.

Những lời khen trên có chỗ sai là người ta chỉ biết có ông, tưởng ông là người có những tư tưởng cao diệu mà không lý gì đến Phạm Thiên Thư cả.

Nhưng không sao, kẻ đã bỏ đời mà đi, thong dong đạo cốt theo tiếng chuông “Cam Lộ” như Phạm Thiên Thư thì còn xá gì ba tiếng thị phi. Ông cứ an tâm mà vơ hết về mình đi.

Nhưng Nguyễn Trọng Văn, một lần nữa đứng ở quan điểm con người dấn thân, nhập cuộc chỉ thấy ở đó một thái độ thoát ly, chạy trốn:

“Những tư tưởng thoát ly của Đạo ca quả thực là một thái độ chạy trốn …Những tư tưởng thoát ly của Đạo ca quả thực là một cái gì mỉa mai, lạc lõng nếu không phải là một cái gì ru ngủ …Đạo ca không phải một thăng hóa, trái lại là một thái hóa so với tâm ca.., Đạo ca là một nối dài của tình ca, tục ca.. khi những thứ này không đủ sức giúp người thành thị thoát ly khỏi hoàn cảnh đau khổ trước mắt.”9

Tôi không nghĩ như Nguyễn Trọng Văn, Đạo ca vẫn có chỗ của nó trong thời chiến. Chính ở những tình huống bi kịch đối đầu từng giây phút với cái chết, với khổ đau, Đạo ca là con đường tối ưu dần đưa con người ra khỏi chốn lưu đầy.

Và lúc nào, con người dù hạnh phúc hay khổ đau, thì khát vọng về một thế giới bên trên vẫn là một khát vọng khôn nguôi.

Khát vọng tôn gíáo là một khát vọng bản thể, khát vọng vĩnh hằng.

Sau 1975 tại Hải ngoại

Trước khi chấm dứt hành trình sáng tác của Phạm Duy, chúng ta không quên: Bày chim bỏ xứ mà đến nay tôi chỉ được một lần nghe hát. Hình như số phận của nó cũng giống như số phận một số nhà văn sáng tác sau 1975 ở hải ngọai?

Trong thời kỳ này, từ 1978 về sau, ông sáng tác và phổ nhạc tất cả gần 100 bài hát. Nhưng hầu như không mấy ai biết đến những bài này. Trong đó, tôi đặc biệt để ý đến thơ Cao Tần và thơ Nguyễn Chí Thiện, lọai thơ được coi là Chống Cộng mạnh mẽ nhất đã được ông phổ nhạc. Cạnh đó là những bản nhạc do ông phóng tác như Học Tập cải tạo, Phụ nữ Sàigòn, Độc Lập Tự Do. (Độc lập là mất Cam Ranh, Tự do là bán dân mình cho Nga , No là cơm độn bo bo, ấm là quần rách để thò Bác ra.) Chống Cộng quá đi ấy chứ.

Chỉ có thể nói, đó là Phạm Duy muôn mặt.

Chẳng ai còn biết tới những bài này nữa? Nó bỏ xứ mà bơ vơ lạc lõng nơi quê người, như chính thân phận bày chim bỏ xứ? Về già, về lại Việt Nam, một lần nữa, tôi lại được hân hạnh nghe ông trình bày sáng tác mới nhất của ông liên quan đến tác phẩm truyện Kiều. Tôi nghe mà không thấy thích thú gì.

Bữa đó ra về, tôi tự nhủ lòng là Phạm Duy đã hết rồi.

Cuối cùng thì cũng phải nhìn nhận với nhau rằng, có rất nhiều không thích đáng trong cuộc đời sáng tác của ông. Nhiều bản nhạc của ông cũng như cuộc đời của chính ông, số phận của nó sẽ không còn được ai biết tới.

Nhưng ông cũng đã để lại một số bài tình ca được coi là bất hủ, cũng như một số bài được gọi là dân ca thời kháng chiến khó có thể quên, cộng thêm những bản nhạc hùng, vui tươi dành cho giới trẻ hay du ca: Mẹ Việt Nam, Việt Nam, Việt Nam, Tôi yêu tiếng nước tôi, Em tan trường về… Kể chi hết được.

Một nhận xét nhỏ đây là lần thư hai, tôi đọc hồi ký của ông. Ông không có một lời phỉ báng bất cứ ai, nhất là giới nhạc sĩ. Dĩ nhiên không kể những lời giải thích rất tùy tiện, khá huyênh hoang, rất chủ quan về lý do tại sao sáng tác cái này cái kia.

Cũng trong bài này, tôi không nói tới những mối tình lớn nhỏ của ông. Một phần vì là đời tư của ông, một phần còn có cái gì để nói nữa, vì tự ông đã kể hết ra rồi trong hồi ký. Nói thêm nữa là thừa.

Thứ hai, chuyện ông chọn về Việt Nam ở tuổi trên 80 là một chọn lựa cá nhân chẳng nên nói tới làm gì. Tìm về Việt Nam ở tuổi đời như thế nên được rộng lượng hiểu là chuẩn bị cho một cuộc hành trình về bên kia thế giới như một giấc mơ hoài hương và chẳng nên đem những dấu ấn chính trị để phê phán ông làm gì? Và nếu hiểu con người Phạm Duy thì thấy rõ rằng, ông là người theo chủ nghĩa thực dụng, bất chấp những tiêu chuẩn giá trị người đời thường mang ra dùng để phê phán ông.

Cũng ở đây, tôi nhận ra rằng anh Nguyễn Trọng Văn cũng như bất cứ ai phê phán ông thì đã vấp phải sai lầm là đã đánh giá quá cao về ông, về vai trò người nghệ sĩ, đòi hỏi ở ông những điều ông không có được. Trước sau, ông chỉ là một người theo chủ nghĩa duy lợi, duy thực tiễn, chủ nghĩa cơ hội trong bất cứ hoàn cảnh nào.

Sau bài nói chuyện của Nguyễn Trọng Văn tại Đại Học Văn Khoa thì bạn bè có đưa ra nhận xét như sau:

“Cậu làm như vậy là cho ông ấy đội mồ đứng dậy, chính cậu tác tượng cho ông ta, chứ đâu phải khai tử ông ấy. Hoặc: “Tư cách của Phạm Duy mà cậu lôi ông vào giảng đường Văn Khoa để nói tức là cậu biến ông ấy thành bất tử rồi, vinh hạnh cho Phạm Duy quá còn gì. Đáng lý phải nói bên cạnh đống rác hay cầu tiêu mới phải.”10

Những phát biểu bên lề như thế và một số nhận xét coi ông như một gái điếm đều là những nhận xét xúc phạm đến ông một cách bất công. Thật không nên. Bài viết này có khen, có chê và cũng nhằm trả lại công đạo cho ông một phần.

Và vì thế câu hỏi ở đầu bài viết sẽ được trả lời là Phạm Duy còn đó và không thể chết, dù muốn dù không, dù thế nào đi nữa, ông cùng với Trịnh Công Sơn là những nhạc sĩ tài ba nhất của miền Nam Việt Nam Công Hòa trước 1975.

Giết ông thì Ta ở với ai?

©2006-2023 DCVOnline

Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net


Nguồn: Bài đăng lần đầu tháng Mười 2006

1 Hai câu thơ trên là bản dịch của Tản Đà bài Phong Kiều dạ bạc của Trương Kế, sống giữa thế kỷ thứ VIII, ông người tỉnh Tô Châu, đỗ tiến sĩ. Nay, tại Hàn Sơn Tự, vẫn còn khắc mấy câu thơ trên. Thi trượt trở về ghé qua Tô Châu ông tức cảnh sinh tình mà viết bài Phong kiều du bạc.

2 Tạ Tỵ, Còn đó nỗi buồn, trg 117 . Trích lại trong Nguyễn Trọng Văn, sđd, trang 49

3 Tạ Tỵ trong Còn đó nỗi buồn, trg 117 . Trích lại trong Nguyễn Trọng Văn, sđd, trang 49

4 Nguyễn Trọng Văn sđd, trang 65

5 Trần Văn Khê, nhân xem Trường ca Con đường cái quan của Phạm Duy, Văn Học , trang 102 trang 69. Trích lại Nguyễn Trọng Văn, sđd, trang 66.

6 NguyễnTrọng Văn, Phạm Duy đã chết như thế nào? trang 63.

7 Phạm Duy, Hồi ký thời phân chia Quốc Cộng, trang 205.

8 Ngàn lời ca của Phạm Duy, trang 168.

9 Tóm lược sđd của Nguyễn Trọng Văn , từ trang 116-118

10 Nguyễn Trọng Văn, Phạm Duy đã chết, trang 128-130