50 năm trước: Henry Kissinger và cái chết của nền dân chủ ở Chile

Robert Reich | Trà Mi

Kissinger vẫn còn sống và phải chịu trách nhiệm về tội ác chiến tranh của mình

Henry Kissinger

Khi Chile kỷ niệm 50 năm cuộc đảo chính đã đưa lãnh đạo độc tài Augusto Pinochet lên cầm quyền trong gần 17 năm — lật đổ chính phủ xã hội chủ nghĩa dân cử của Chile và dẫn đến những vụ sát hại và “mất tích” của hàng ngàn nhân vật đối lập chính trị của Pinochet — điều quan trọng là phải nhớ lại  vai trò chính của Richard Nixon và cố vấn an ninh quốc gia của Nixon, Henry Kissinger, trong hành động tàn bạo này.

Kissinger — hiện đã 100 tuổi và theo thiển ý của tôi nên được coi là tội phạm chiến tranh — đã thúc giục Nixon lật đổ chính phủ Chile của Salvador Allende đã được bầu một cách dân chủ vì “hiệu ứng ‘mô hình’ của Allende có thể rất xảo quyệt,” theo những tài liệu đã giải mật do Cục Lưu trữ An ninh Quốc gia Hoa Kỳ đăng tải.

Salvador Allende đọc diễn văn tại La Moneda lúc 9:10 sáng ngày 11 tháng 9 năm 1973, trong những giờ cuối cùng của cuộc đảo chính do Mỹ yểm trợ đưa Augusto Pinochet lên cầm quyền. Nguồn: /progressive.international

Vào ngày 12 tháng 9 năm 1970, tám ngày sau khi Allende đắc cử, Kissinger bắt đầu thảo luận qua điện thoại với Giám đốc CIA Richard Helms về một cuộc đảo chính phủ đầu ở Chile. Kissinger tuyên bố: “Chúng ta sẽ không để Chile lụi tàn.” Helms trả lời, “Tôi đôgng ý với ông.” Ba ngày sau, Nixon, trong một cuộc họp kéo dài 15 phút có sự tham gia của Kissinger, đã ra lệnh cho CIA “làm cho nền kinh tế [Chile] sụp đổ”, và chỉ định Kissinger là người giám sát những nỗ lực bí mật nhằm ngăn chặn Allende tuyên thệ nhậm chức.

Kissinger đã phớt lờ đề nghị của phụ tá hàng đầu của ông tại NSC, Viron Vaky, người đã mạnh mẽ khuyến cáo không nên có hành động bí mật nhằm phá hoại Allende. Vào ngày 14 tháng 9 năm 1970, Vaky viết một bản ghi nhớ cho Kissinger lập luận rằng âm mưu đảo chính sẽ dẫn đến “bạo lực lan rộng và thậm chí là nổi dậy.” Ông cũng lập luận rằng chính sách như vậy là vô đạo đức, 

“Những gì chúng ta đề nghị rõ ràng là vi phạm những nguyên tắc và nguyên lý chính sách của chính chúng ta.… Nếu những nguyên tắc này còn có ý nghĩa, chúng ta thường rời bỏ chúng chỉ để gặp phải mối đe dọa nghiêm trọng nhất đối với chúng ta, ví dụ: tới sự sống còn của chúng ta. Allende có phải là mối đe dọa sinh tử đối với Mỹ hay không? Thật khó để tranh luận về điều này.” 

Viron Vaky

Sau khi những hoạt động bí mật của Hoa Kỳ dẫn đến vụ ám sát Tổng tư lệnh quân đội Chile, tướng Rene Schneider, đã không ngăn được lễ nhậm chức của Allende vào ngày 4 tháng 11 năm 1970, Kissinger đã vận động Tổng thống Nixon bác bỏ đề nghị của Bộ Ngoại giao rằng Hoa Kỳ nên tìm một cách sống với Allende. Trong khi Schneider hấp hối tại Bệnh viện Quân y ở Santiago vào ngày 22 tháng 10 năm 1970, Kissinger nói với Nixon rằng quân đội Chile hóa ra là “một nhóm khá bất tài.” Theo những tài liệu được Cơ quan Lưu trữ An ninh Quốc gia Hoa Kỳ công bố vào đầu tháng 8, Nixon trả lời: “Họ không còn tinh nhuệ nữa.”

Trong một tài liệu tóm tắt bí mật dài 8 trang cung cấp cơ sở lý luận rõ ràng nhất của Kissinger về việc thay đổi chế độ ở Chile, ông nhấn mạnh với Nixon rằng “việc bầu Allende làm tổng thống Chile đặt ra chúng ta trước những thách thức nghiêm trọng nhất từng phải đối phó ở bán cầu này” và “quyết định của ông về việc phải làm gì với nó có thể là quyết định đối ngoại lịch sử và khó khăn nhất mà ông sẽ phải có trong năm nay.

Kissinger báo cáo, không chỉ một tỷ đô la đầu tư của Hoa Kỳ đang bị đe dọa, mà cả cái mà ông gọi là “hiệu ứng mẫu xảo quyệt” của cuộc bầu cử dân chủ của ông ấy cũng vậy. Kissinger lưu ý rằng Mỹ không có cách nào phủ nhận tính hợp pháp của Allende và nếu ông ta thành công trong việc tái phân bổ tài nguyên một cách hòa bình ở Chile theo hướng xã hội chủ nghĩa thì những nước khác có thể làm theo.

“Tấm gương về một chính phủ Marxist được dân bầu thành công ở Chile chắc chắn sẽ có ảnh hưởng — và thậm chí có giá trị tiền lệ đối với — những khu vực khác trên thế giới, đặc biệt là ở Ý; sự lan rộng bắt chước của những hiện tượng tương tự ở nơi khác sẽ ảnh hưởng đáng kể đến sự cân bằng thế giới và vị trí của chúng ta trong đó.”

Ngày hôm sau, Nixon nói rõ với toàn thể Hội đồng An ninh Quốc gia rằng chính sách của ông sẽ là hạ bệ Allende. Ông nói: “Mối quan tâm chính của chúng ta là khả năng ông ấy có thể củng cố bản thân và bức tranh phóng chiếu ra thế giới sẽ là thành công của ông ấy.”

Augusto Pinochet

Trong những ngày sau cuộc đảo chính ngày 11 tháng 9 năm 1973, Kissinger đã phớt lờ những lo ngại của những phụ tá hàng đầu của Bộ Ngoại giao về cuộc đàn áp khủng khiếp của chế độ quân phiệt mới. Ông đã gửi chỉ thị bí mật cho đại sứ Mỹ để truyền đạt tới Pinochet “mong muốn mạnh mẽ nhất của chúng tôi là hợp tác chặt chẽ và thiết lập cơ sở vững chắc cho mối quan hệ thân mật và mang tính xây dựng nhất.” Khi phụ tá ngoại trưởng phụ trách những vấn đề một số nước Bắc-Nam Mỹ hỏi ông phải nói gì với Quốc hội về báo cáo về hàng trăm người bị giết trong những ngày sau cuộc đảo chính, ông đã đưa ra những chỉ thị sau:

“Tôi nghĩ chúng ta nên hiểu chính sách của mình — dù họ hành động khiến chúng ta chịu đến đâu đi chăng nữa, chính phủ này tốt cho chúng ta hơn Allende.” 

Kissinger

Hoa Kỳ đã hậu thuẫn cho chế độ Pinochet củng cố quyền lực, bằng viện trợ kinh tế và quân sự, hỗ trợ ngoại giao và hỗ trợ của CIA trong việc thành lập cơ quan mật vụ khét tiếng của Chile, DINA.

Khi Nixon phàn nàn về “sự tự do tào lao” trên báo chívề việc lật đổ Allende, Kissinger đã khuyên ông ấy, “Trong thời đại Eisenhower, chúng ta sẽ là những anh hùng.”

Ở đỉnh điểm của cuộc đàn áp của Pinochet năm 1975, Kissinger đã gặp Bộ trưởng Ngoại giao Chile, Đô đốc Patricio Carvajal. Thay vì thúc ép chế độ quân phiệt cải thiện hồ sơ nhân quyền, Kissinger đã mở đầu cuộc họp bằng cách chê bai nhân viên của mình vì đã đưa vấn đề nhân quyền vào chương trình nghị sự. Ông nói với Carvajal:

“Tôi đã đọc bản tóm tắt về cuộc họp này và nó không có gì khác ngoài Nhân quyền. Bộ Ngoại giao gồm những người có thiên hướng đi tu. Vì không có đủ nhà thờ nên họ đã đến Bộ Ngoại giao.”

Kissinger

Khi Kissinger chuẩn bị gặp Pinochet ở Santiago vào tháng 6 năm 1976, phụ tá hàng đầu của ông ở Châu Mỹ Latinh, William D. Rogers, đã khuyên ông đặt nhân quyền làm trọng tâm trong quan hệ Mỹ-Chile và gây áp lực buộc nhân vật độc tài này phải “cải thiện những hoạt động nhân quyền.” Thay vào đó, một bản ghi lại cuộc trò chuyện đã giải mật của họ tiết lộ rằng Kissinger nói với Pinochet rằng chế độ của ông là nạn nhân của sự tuyên truyền của cánh tả về nhân quyền. Kissinger nói với Pinochet:

“Ở Hoa Kỳ, như ông biết, chúng tôi thông cảm với những gì ông đang cố làm ở đây. Chúng tôi muốn giúp đỡ chứ không muốn làm ông suy yếu. Ông đã giúp rất nhiều cho phương Tây khi lật đổ Allende.” 

Kissinger

Chính phủ Chile đã chính thức yêu cầu chính quyền Biden công bố tài liệu từ năm 1973 và 1974 về những gì đã thảo luận trong Phòng Bầu dục trước và sau cuộc đảo chính do Pinochet lãnh đạo. Đại sứ Chile tại Hoa Kỳ, Juan Gabriel Valdés, nói:

“Chúng tôi vẫn không biết Tổng thống Nixon đã nhìn thấy gì trên bàn làm việc vào buổi sáng xẩy ra cuộc đảo chính của quân đội. Có những chi tiết vẫn được [người Chile] quan tâm, rất quan trọng để chúng tôi tái tạo lịch sử của chính mình.”

Nếu không phải bây giờ, vào dịp kỷ niệm 50 năm thì khi nào Mỹ mới hoàn toàn nhận trách nhiệm những gì Nixon và Kissinger đã gây ra?

© 2023 DCVOnline

Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net


Nguồn: 50 years ago: Henry Kissinger and the death of democracy in Chile | Robert Reich | robertreich.substack.com | September 10, 2023.