Đập, muối và số phận hẩm hiu của đồng bằng sông Cửu Long
Buu Nguyên | DCVOnline
Sự cạn kiệt nước ngọt và nhiễm mặn đã trở thành những vấn đề quan trọng, trong khi chủ nghĩa dân tộc cản trở sự hợp tác.
Đồng bằng sông Cửu Long, nơi sông Mekong, dòng sông dài thứ 12 trên thế giới, đổ vào những nhánh trước khi ra Biển Đông (Ảnh Envisat qua Cơ quan Vũ trụ Châu Âu)
Đồng bằng sông Cửu Long, hệ thống sông lớn nhất Việt Nam, từng là điểm đến đầy hứa hẹn cho những người di cư từ miền bắc trong nhiều thế kỷ hình thành nên khu vực phía Nam. Tuy nhiên, hiện nay vùng này đang phải hứng chịu hạn hán và xâm nhập mặn trầm trọng.
Bắt nguồn từ cao nguyên Tây Tạng, sông Mekong trải dài gần 5.000 km, chảy qua sáu quốc gia – Trung Hoa, Myanmar, Thái Lan, Lào, Campuchia và Việt Nam – và đóng vai trò then chốt trong hệ sinh thái và nền kinh tế của những quốc gia này. Điều này đặc biệt đúng đối với Việt Nam, có hệ thống đồng bằng rộng lớn khi dòng sông đi gặp biển Đông và thống trị cảnh quan miền Nam.
Sông Mekong có hệ sinh thái tự điều hòa. Trong mùa mưa, lượng nước dồi dào từ thượng nguồn chẩy về làm phù sa trở nên giàu có ở vùng đồng bằng. Vào mùa khô, nước từ những hồ lớn như Tonlé Sap đổ thêm nước cho dòng sông và đẩy lùi sự xâm nhập của nước biển. Những cơn mưa gió mùa, bảo đảm cung cấp nước ngọt liên tục cho những quốc gia ở hạ lưu gây ra sự đảo ngược dòng chảy độc đáo này.
Một dự án kinh đào ở Campuchia, dự tính bắt đầu xây dựng vào cuối năm nay, đã gây mối lo ngại đáng kể từ phía Việt Nam về nguy cơ hệ sinh thái và sinh kế địa phương bị gián đoạn hơn nữa.
Vùng đồng bằng trũng này đã trải qua nhiều thế kỷ khử muối và tái tạo đất, biến nơi đây thành vựa lúa và vườn thủy sản lớn nhất của Việt Nam. Khu vực này đóng góp 17% GDP cả nước. Ngoài ra, nơi đây còn tự hào là vùng trồng cây ăn trái lớn nhất cả nước, nổi tiếng với những trái cây địa phương như sầu riêng, chôm chôm và măng cụt, góp đáng kể cho nền kinh tế Việt Nam.
Tuy nhiên, trong chục năm qua, tình trạng cạn kiệt nước ngọt và xâm nhập của nước mặn đã trở thành những vấn đề cấp bách, thường xuyên xuất hiện trên báo đài truyền thông trong nước và khu vực.
Sự thay đổi này được cho là do ảnh hưởng của hệ thống thủy điện lớn nằm dọc sông dẫn đến sự đảo ngược dòng chảy tự nhiên của sông trước đây được cơ chế sông Mekong-hồ Tonlé Sap điều tiết. Hơn 160 đập thủy điện đang hoạt động trên dòng Mekong và những nhánh sông của nó, cùng với hàng trăm đập khác đã được quy hoạch hoặc đang xây dựng. Trong khi phần lớn năng lượng tạo ra phục vụ nhu cầu địa phương, mức xuất cảng sang những nước ngoài khu vực ngày càng tăng.
Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam Nguyễn Hoàng Hiệp, năm nay đánh dấu một cột mốc khác về hạn hán và xâm nhập của nước mặn ở những tỉnh như Cà Mau và Bến Tre. Hiệp cũng cho biết, từ đầu năm đến nay toàn tỉnh không có đủ nước mưa. Ông nói thêm: “Nắng nóng gay gắt cũng làm tăng tốc độ nước bốc hơi dẫn đến hạn hán và sụt lún đất trên đồng ruộng.”
Một dự án kinh đào ở Campuchia, dự tính bắt đầu xây dựng vào cuối năm nay, đã gây mối lo ngại đáng kể từ phía Việt Nam về nguy cơ hệ sinh thái và sinh kế địa phương bị gián đoạn hơn nữa. Chủ nghĩa dân tộc và lợi ích cá nhân làm trầm trọng thêm những thách thức trong việc quản lý nguồn tài nguyên chung này giữa sáu quốc gia, khiến ảnh hưởng của những cơ chế hiện có như Ủy ban sông Mekong (MRC) bị hạn chế. Ngược lại, điều này góp phần làm tăng thêm sự bất ổn về tương lai của Đồng bằng sông Cửu Long, bằng chứng là những nỗ lực gần đây nhằm bảo đảm nguồn nước ngọt trong mùa khô và hàng ngàn ha cây trồng ở Việt Nam bị mất mát.
Vào ngày 5 tháng 5, Việt Nam bày tỏ quan ngại về ảnh hưởng của dự án bên Campuchia đối với Đồng bằng sông Cửu Long và kêu gọi Campuchia hợp tác với Việt Nam và những nước MRC khác để đánh giá ảnh hưởng của kinh đào đối với tài nguyên nước. nNhững chuyên gia tại Ủy ban Quốc gia sông Mekong Việt Nam đã đề nghị với chính phủ Việt Nam xin Campuchia hoãn dự án để tiếp tục đàm phán, cảnh cáo dự án kinh đào có thể đẩy nhanh tình trạng xâm nhập của nước mặn ở hạ lưu dòng Hậu giang.
Tuy nhiên, phản ứng của Campuchia cho thấy họ sẽ không đàm phán với Việt Nam về dự án và sẽ tiến hành xây dựng kêinh đào, đồng thời cho thấy rằng Việt Nam đã đầu tư rất nhiều vào việc xây đập, gây ra hậu quả tiêu cực cho Campuchia.
Người dân sống ở vùng đồng bằng sông Cửu Long đang phải trả giá cao nhất cho tình trạng bế tắc này.
© 2024 DCVOnline
Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net”
________________________
Nguồn: Dams, salt, and the sad fate of Vietnam’s Mekong Delta | Buu Nguyen | The Interpreter | May 14, 2024