Chuyến viếng thăm làm ứa máu vết thương xưa
Jennifer Latson | DCVOnline
Những cuộc biểu tình phản đối Thủ tướng CSVN Nguyễn Tấn Dũng
Họ nói rằng sự giận dữ họ có trong lòng từ những năm tháng tù tội trong nhà tù cộng sản và những trại tập trung giờ phần lớn đã nguôi ngoai, nhưng đón ông thủ tướng của Việt Nam đến thành phố nơi họ đang sinh sống vẫn là điều nhức nhối cho họ.
Người tị nạn Việt Nam đến Hoa Kỳ sau khi cuộc Chiến tranh Việt Nam chấm dứt đã có mặt trong khoảng 500 người biểu tình phản đối Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khi ông viếng thăm Houston, tiểu bang Texas.
Ông Dũng sẽ xuất hiện ở khách sạn Galleria hôm nay với các nhà lãnh đạo trong các ngành bông vải, năng lượng và hàng không với hy vọng là sẽ có được những thỏa thuận trong vấn đề thương mãi.
Hôm thứ Tư ngày 23 tháng Sáu, ở bãi đậu xe của Thương xá Hong Kong City, nhiều người đã từng trốn chạy chế độ cộng sản đã trương cờ Việt Nam Cộng Hòa và cờ Mỹ đồng lúc la lớn “Không Tự Do! Không Dân Chủ! Không Mậu Dịch!”
“Tôi không còn đau khổ nữa,” ông Nguyễn Trấn Thủ, một cư dân Houston 64 tuổi nói chen lẫn giữa tiếng Anh và tiếng Việt. “Nhưng thân nhân của tôi, của đồng bào tôi, (họ) cần dân chủ.”
Ông Nguyễn Trấn Thủ đã từng làm việc như một thông ngôn cho Lực lượng Đặc biệt Mũ Xanh (Green Berets) ở miền Nam từ năm 1965 cho đến 1975. Khi người Mỹ ra đi, cộng sản Bắc Việt đã đưa ông vô trại tập trung. Ông Thủ trải qua mười năm làm công việc lao động nặng nhọc và gần như chết đói trong tù. Khi ông cuối cùng được thả, trong năm 1995, công an địa phương vẫn tiếp tục theo dõi ông. Ông nói,
“Tôi phải báo cáo cho họ mỗi lần tôi rời nhà.”
Kể từ khi ông đến Hoa Kỳ năm 1993, những năm tháng ngục tù tủi nhục kia chỉ còn là một ký ức nhạt nhòa. Ông không giữ trong mình cái ác cảm dành cho nhà nước Việt Nam hay những người lính đồng minh Hoa Kỳ đã bỏ rơi ông mặc cho ông chống chỏi một mình. Ông nói,
“Cuộc chiến đã qúa dài, nhưng giờ nó đã chấm dứt rồi. Tôi bây giờ rất hạnh phúc.”
Ông muốn thấy sự dân chủ như ông đang hưởng được lan đến với Việt Nam.
Những người biểu tình đặt vấn đề là chính phủ Hoa Kỳ không giúp thúc đẩy dân chủ khi làm ăn với nhà nước cộng sản.
“Chúng tôi vẫn có thân nhân sống trong sự kềm kẹp của chế độ,” Phạm Trâm, 36 tuổi nói. Bố của Trâm đã từng tham chiến trong cuộc chiến trước đây trong quân lực miền Nam. “Nếu những ý kiến của chúng tôi không được lắng nghe ở Hoa Kỳ, họ sẽ không bao giờ thấy sự thay đổi.”
Cho những con cái của người tị nạn Việt Nam sinh ở Hoa Kỳ, thì tác động từ chuyện viếng thăm của ông Dũng không trầm trọng như cha mẹ của các em.
Cô Theresa Nguyễn 19 tuổi và người em trai John vẫy cờ Mỹ hôm thứ Tư, trong lúc các chú các cô của họ lại cầm cờ vàng ba sọc đỏ của Việt Nam Cộng Hòa.
Những câu chuyện thuộc về thế hệ cha mẹ của các em có tính chất huyền thoại cho từng gia đình. Những mẫu chuyện, chẳng hạn như làm thế nào mà cô của các em bị lạc trong rừng trong lúc cố đào thoát ra khỏi Việt Nam, hay câu chuyện của người chú các em trên chuyến vượt biên bằng ghe đánh tôm với 100 người chật như nêm trên đó, bao gồm chuyện một người chú khác đã bỏ mình trong chuyến đi này.
Cho một số người sống sót, vết thương kia vần còn tươi rói, và chuyến viếng thăm của ông Dũng như cào lên lớp vảy vết thương thời gian. Ông Trần Quân, một người tị nạn khác nói,
“Không có người tị nạn Việt Nam nào muốn thấy khuôn mặt của người cộng sản, không cần biết người đó là ai. Ngay cả ông thủ tướng. Chúng tôi muốn đá vào mặt họ.”
Trong lúc những người khác nói rằng họ tan nát cõi lòng vì lòng thương quê cha đất tổ, ngay cả sau khi họ rời xa quê hương. Ông Nguyễn Andy, người đã rời Việt Nam năm 1980 nhưng đã trở về thăm mẹ đang bị bệnh ba năm trước đây, nói “Anh không thể sống ở đó. Không có luật lệ gì ráo ở đó. Luật là luật của nhà nước, cho nhà nước.”
© 2008-2024 DCVOnline
Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net”
________________________
Nguồn: Vietnamese-American Protest.Houston Chronicle, by Jennifer Latson with Chronicle reporter Mary Vuong contributed to this report. 24 June 2008. Bài đăng lần đầu ngày 27-06-2008