Sự sụp đổ đáng chú ý của Người đàn bà sắt Bangladesh

Ali Riaz | DCVOnline


Quần chúng nổi dậy lật đổ Sheikh Hasina như thế nào

Một người biểu tình bên ngoài dinh thủ tướng tại Dhaka, Bangladesh, tháng 8 năm 2024. Mohammad Ponir Hossain / Reuters

Trong một hành động dường như không thể tưởng tượng được chỉ vài tuần trước, Thủ tướng Bangladesh Sheikh Hasina đã chấm dứt mười lăm năm cai trị liên tục vào ngày 5 tháng 8, từ chức và bỏ chạy khỏi đất nước. Quân đội, nhiều lần nắm quyền ở Bangladesh, đã thúc giục Hasina rời đi khi một tổng nổi dậy của dân chúng trên khắp nước đe dọa áp đảo lực lượng công an. Trong cảnh tượng siêu thực, những người biểu tình đi lang thang khắp những phòng trong dinh thủ tướng tại thủ đô Dhaka, nằm dài trên bàn tủ, tạo dáng chụp ảnh và ăn cắp. Hiện nay, tin tức cho thấy Waker-uz-Zaman, chỉ huy trưởng quân đội, đã nắm quyền. Ông đã cam kết thành lập một chính phủ lâm thời trước cuộc bầu cử mới. Hôm thứ Tư ông cho biết chính phủ lâm thời do người nhận giải Nobel Muhammad Yunus đứng đầu sẽ tuyên thệ nhậm chức vào đêm thứ Năm khi ông trở về từ Paris để chấp chánh và cố gắng khôi phục sự ổn định trong nước.

Sheikh Hasina chạy trốn sang nước láng giềng Ấn Độ. Sự sụp đổ của Hasina khép lại một chương đầy thăng trầm trong lịch sử Bangladesh. Trong những chục năm gần đây, đất nước này được ca ngợi là tấm gương sáng về toàn cầu hóa và phát triển, với nền kinh tế tăng trưởng nhanh chóng, lợi tức tăng và nhiều chỉ số xã hội khác nhau chuyển động theo hướng tích cực. Tuy nhiên, tất cả những tin tích cực đã che khuất những điểm yếu cố hữu, gồm cả chênh lệch kinh tế ngày càng gia tăng, tỷ lệ thất nghiệp cao trong giới trẻ và sự chuyển hướng sang chế độ độc tài dưới thời Hasina và đảng của bà, Liên đoàn Awami. Sự bất mãn với chính phủ và nền kinh tế đã khiến những cuộc biểu tình nổ ra ở Dhaka vào đầu tháng 7 trước khi lan rộng khắp cả nước. Như đã từng làm trong quá khứ, Hasina đã đàn người biểu tình một cách tàn nhẫn. Công an đã giết chết hàng trăm người chỉ trong vài tuần và những nhóm từ thiện đã phải thu góp đem chôn những xác người biểu tình không xác định được danh tính. Chính quyền lại đàn áp một làn sóng biểu tình mới vào đầu tháng 8, khiến thêm 90 người thiệt mạng. Nhưng cuộc thảm sát đó là giọt nước tràn ly. Quần chúng không còn chịu được nữa, người Bangladesh tràn xuống đường phố, buộc Hasina phải vội vã lên đường lưu vong bằng trực thăng quân sự đến Ấn Độ.

Vài ngày vừa qua trong chính trường Bangladesh sẽ là chủ đề cho giới học giả trong nhiều năm tới. Chúng cho thấy bản chất mong manh căn bản của chế độ Hasina, trông có vẻ cứng rắn và không thể lay chuyển trước thách thức của phe đối lập trong một thời gian dài nhưng cuối cùng đã sụp đổ chỉ trong vài giờ. Sự ra đi của bà cũng làm thủng lớp vỏ sùng bái cá nhân mà bà đã dệt nên xung quanh cha của mình, Mujibur Rahman, người sáng lập đất nước mà bà đã tuyên bố là người kế thừa; giữa sự hỗn loạn của ngày 5 tháng 8, những người biểu tình đã đốt cháy bảo tàng tưởng niệm mà Hasina đã xây dựng cho Rahman. Nhưng quan trọng nhất, sự lật đổ Hasina lại do một thế lực chưa từng thấy ở Bangladesh: một phong trào quần chúng không liên kết với bất kỳ đảng phái nào nhưng vẫn có khả năng định hình lại chính trường của đất nước. Thật đáng khích lệ khi quyền lực thực sự của nhân dân có thể lật đổ một người lãnh đạo độc tài dường như bất khả chiến bại. Nhưng một cuộc nổi dậy mới chớm nở của quần chúng như vậy cũng mang đến những bất ổn lớn về tương lai. Ngay cả khi người Bangladesh ăn mừng ngày tàn của chế độ Hasina, họ cũng có thể có lý do để lo lắng về những gì sắp xảy ra.

NỒI ÁP SUẤT

Một người đi ngang qua bức tường có hình vẽ của người lập quốc Bangladesh Sheikh Mujibur Rahman (trái) và cựu thủ tương Sheikh Hasina Wazed (phải) chụp ngày 16 tháng 12 năm 2018, (Ảnh của Rehman Asad / AFP)

Hasina, con gái của một chính khách lôi cuốn quần chúng Sheikh Mujibur Rahman (gọi là Mujib), người đã lãnh đạo cuộc chiến giành độc lập của đất nước chống lại Pakistan năm 1971, cho đến khi bà từ chức, bà là nữ nguyên thủ quốc gia tại vị lâu nhất thế giới. Tạp chí Time và Forbes nhiều lần gọi bà là một trong những người quyền lực nhất thế giới. Cũng được The Economist mô tả là “Người đàn bà sắt của Á châu”, bà thường sử dụng quyền lực đó để làm điều xấu. Kể từ khi bà bắt đầu nhiệm kỳ thủ tướng thứ hai vào năm 2009, Bangladesh đã tụt dốc trong nhiều chỉ số dân chủ và thước đo tự do báo chí. Hasina đã chủ trì việc xóa bỏ các rào cản dân chủ quan trọng, hạn chế tính độc lập của ngành tư pháp và đàn áp xã hội dân sự và báo chí. Những đảng đối lập và thanh niên Bangladesh đã cố gắng đẩy lùi những khuynh hướng này nhiều lần, nhưng chính phủ của Hasina đã đáp trả những cuộc biểu tình như vậy bằng vũ lực không khoan nhượng.

Chủ nghĩa độc tài ngày càng gia tăng của Hasina trùng hợp với sự chuyển biến xấu đi của nền kinh tế đất nước. Trong vài chục năm qua, Bangladesh dường như đã đạt được tăng trưởng kinh tế đáng kể và được coi là một một nước thành công. Nhưng nhiều chuyên gia kinh tế hiện đặt câu hỏi về độ tin cậy của số liệu thống kê do chính phủ cung cấp hậu thuẫn cho những tuyên bố này. Và bất kể đất nước đạt được mức tăng trưởng nào, lợi ích của nó vẫn tập trung ở tầng lớp thượng lưu. Mười phần trăm người Bangladesh giàu nhất nhận được hơn 41 phần trăm tổng lượi tức quốc gia, trong khi mười phần trăm người nghèo nhất chỉ nhận được hơn một phần trăm.

Cuộc tổng nổi dậy của dân chúng vào tháng 7 phản ảnh sự hội tụ của hai luồng bất bình. Đầu tiên là sự bất bình trong sinh viên về hệ thống hạn ngạch dành 56 phần trăm việc của công chức cho một số nhóm người cụ thể, kể cả 30 phần trăm tất cả các việc của công chức cho con cháu của cựu chiến binh trong cuộc chiến tranh giành độc lập năm 1971 từ Pakistan. Hasina đã bãi bỏ hệ thống này vào năm 2018 sau nhiều tháng dân chúng biểu tình, lại được Tối cao Pháp viện khôi phục vào tháng 6. Sinh viên tức giận, xuống đường và các cuộc biểu tình của họ trở nên dữ dội hơn sau khi Hasina ví họ như Razakars—một lực lượng bán quân sự đáng ghét đã yểm trợ quân đội Pakistan trong cuộc chiến giành độc lập. Bình luận gây phẫn nộ này đã đặt câu hỏi về lòng yêu nước của họ, khiến sinh viên tức giận và thu hút nhiều người xuống đường hơn. Đối với họ, vấn đề hạn ngạch chỉ là phần nổi của tảng băng chìm, biểu tượng của một hệ thống chống lại họ. Tỷ lệ thanh niên thất nghiệp đã tăng gấp đôi kể từ năm 2010, từ khoảng sáu phần trăm lên hơn 15 phần trăm. Hơn 40 phần trăm người Bangladesh trong độ tuổi từ 15 đến 24 không được học hành, làm việc hoặc huấn luyện để kiếm việc làm. Những thực tế đó đã thúc đẩy hàng trăm ngàn người tham gia phong trào. Để đáp trả, cảnh sát cũng như những sinh viên ủng hộ đảng cầm quyền đã tấn công những người biểu tình, khiến tình hình càng thêm căng thẳng.

Việc lật đổ Hasina là một khoảnh khắc lịch sử.

Nguồn bất bình thứ hai, khiến hàng ngàn công dân bình thường xuống đường, là cảm giác sâu sắc bị tước quyền kinh tế và chính trị. Trong những năm gần đây, giá cả nhu yếu phẩm, chẳng hạn như điện, tăng cao đã gây thiệt hại đến người dân Bangladesh trung bình. Trong khi đó, người dân đã chứng kiến ​​nạn tham nhũng trong giới chức chính phủ diễn ra không ngừng khi chính phủ ra lệnh phát triển mạnh những dự án cơ sở hạ tầng phù phiếm lớn. Người dân Bangladesh và giới quan sát quốc tế, kể cả Ngân hàng Thế giới, tin rằng những dự án xây dựng lớn này đã tạo điều kiện cho không ít tham nhũng khi chi phí của chúng tăng vọt vượt quá ước tính ban đầu. Ví dụ, Cầu Padma ở phía đông nam Dhaka có chi phí gấp đôi so với ngân sách ban đầu.

Cầu Padma. Nguồn: Bangladesh Sangbad Sangstha (BSS),

Đồng thời, người dân ngày càng cảm thấy không thể ảnh hưởng đến hướng đi của đất nước. Cuộc bầu cử tự do và công bằng gần đây nhất tổ chức vào năm 2008. Kể từ đó, Hasina và các đồng minh của bà đã tìm ra cách để ảnh hưởng đến Liên đoàn Awami, đảng cầm quyền của bà, bằng cách thay đổi cách tổ chức bầu cử. Giới quan sát trong nước và quốc tế cũng nhận ra nhiều bất thường trong việc tổ chức bầu cử trong chục năm qua.

Chính quyền cũng có thể chỉ cần dùng đến biện pháp đàn áp thô bạo. Tin tức, truyền thông cho biết chính phủ đã bắt giữ và tra tấn giới lãnh đạo sinh viên, những người đi đầu trong phong trào cải cách hệ thống hạn ngạch gần đây. Những tổ chức nhân quyền quốc tế đã thu thập bằng chứng cho thấy cảnh sát và các lực lượng bán quân sự khác đã dùng súng máy tấn công AK-47 để giải tán người biểu tình, vi phạm Công ước Geneva mà Bangladesh là một nước đã ký kết. Chính phủ đã nới lỏng lệnh giới nghiêm vào ban ngày, cho phép các văn phòng mở cửa trở lại và dần khôi phục giao thông liên tỉnh, nhưng những biện pháp đó không thể che giấu được sự thật rằng Bangladesh đã có ​​một vụ thảm sát khủng khiếp.

Đảng phái chính trị đối lập không tổ chức hay chỉ đạo cuộc nổi dậy của người dân, nhưng Hasina đã dùng nguỵ biện quen thuộc là đổ lỗi cho Đảng đối lập Dân tộc Bangladesh và đảng Hồi giáo Jamaat-e-Islami đã kích động biểu tình. Bà nhấn mạnh rằng “những kẻ khủng bố” đã gây ra bạo lực. Bằng cách đổ lỗi cho các nhóm này, Hasina đã cố gắng mô tả cuộc khủng hoảng trong nước như một cuộc chiến để bảo vệ một nhà nước thế tục khỏi các lực lượng Hồi giáo và do đó thuyết phục phương Tây hoặc là hỗ trợ bà hoặc đứng ngoài cuộc. Nhưng nước cờ đó đã không thuyết phục được người dân Bangladesh hoặc những đối tác nước ngoài.

SỰ SỤP ĐỔ CỦA NGƯỜI CHUYÊN QUYỀN

Những sự kiện trực tiếp dẫn đến sự sụp đổ của Hasina bắt đầu diễn ra vào ngày 3 tháng 8, khi sinh viên tổ chức một cuộc biểu tình lớn ở Dhaka với sự tham gia của hàng trăm ngàn người từ mọi tầng lớp xã hội. Cuộc biểu tình là minh chứng cho thực tế rằng mặc dù có hàng trăm người chết trong những tuần trước, chính phủ vẫn chưa dập tắt được tình trạng bất ổn. Những người biểu tình chỉ kêu gọi Hasina từ chức. Ban đầu, bà và giới lãnh đạo đảng không coi trọng những yêu cầu này, họ hy vọng rằng những người hoạt động trung thành với bà, cùng với cảnh sát, sẽ có thể đàn áp được cuộc biểu tình mới nhất. Nhưng sau những hành động tàn bạo trong những tuần gần đây, sinh viên đã kêu gọi một cuộc tuần hành toàn quốc ở Dhaka, khiến hàng ngàn người khác đổ về thủ đô và buộc Hasina phải chạy trốn.

Tốc độ mà Hasina từ người cai trị lâu năm của Bangladesh trở thành người lưu vong thật đáng kinh ngạc. Điều đó cho thấy chế độ này rất mong manh. Những mạng lưới bảo vệ trong bộ máy quan liêu và quân đội đã duy trì chế độ, nhưng cam kết của những người hưởng lợi này đối với chế độ lại vô cùng yếu ớt. Trong nhiều năm, những người môi giới quyền lực của đất nước đã trở nên xa lánh công chúng và hoàn toàn lệ thuộc vào những thể chế cưỡng bách của nhà nước. Họ không thể chịu được thách thức trước sự nổi dậy của quần chúng đe dọa áp đảo những thể chế đó.

Hasina không chỉ trốn đi với danh tiếng của mình bị hủy hoại mà còn với sự sùng bái cá nhân xung quanh cha bà, thứ mà bà đã dày công vun đắp, ít nhiều đã bị xóa sổ. Hasina đã tìm cách biến Mujib, người đã lừa bị ám sát năm 1975, bất tử trong tâm trí người dân và là biểu tượng cho lòng can đảm của chế độ bà và đảng của bà. Nhưng đến nay, khi Hasina bị trục xuất, sự sùng bái cá nhân đó đã mất đi quyền lực và sẽ không còn ảnh hưởng như vậy đối với nền chính trị Bangladesh.

Viết tên những người biểu tình bị sát hại lên tường tại dinh thự của thủ tướng, Dhaka, Bangladesh, tháng 8 năm 2024. Mohammad Ponir Hossain / Reuters

Điều đáng chú ý nhất về sự kết thúc của chế độ Hasina là cách nó xẩy ra. Bangladesh không xa lạ gì với các cuộc đảo chính chính trị hay biểu tình quần chúng. Tuy nhiên, phần lớn những cuộc tranh chấp chính trị trong vài chục năm gần đây là vấn đề các đảng phái huy động chống lại nhau—chính yếu là Liên đoàn Awami và đối thủ chính của đảng này, Đảng Dân tộc Bangladesh. Động lực đó không có trong các cuộc biểu tình gần đây. Thay vào đó, dường như từ hư không, một phong trào quần chúng phần chính gồm những người trẻ tuổi đã nổi lên để chiếm giữ vị trí trung tâm của chính trường Bangladesh. Hàng triệu người đã huy động để phản đối chính phủ, một cuộc tổng nổi dậy mà không đảng phái chính trị nào có thể tạo điều kiện. Việc lật đổ Hasina là một khoảnh khắc lịch sử, một bằng chứng nữa cho thấy ngay cả người cai trị tàn nhẫn nhất cũng chỉ có thể ngăn chặn được một dân tộc bất mãn trong một thời gian nhất định.

Tuy nhiên, giữa sự lạc quan chào đón sự sụp đổ của Hasina, vẫn có một số lý do để lo ngại. Quân đội hiện đang kiểm soat một cách hiệu quả, giống như họ đã làm trong giai đoạn 2007-2008. Họ tuyên bố quan tâm đến lợi ích tối cao của người dân Bangladesh, nhưng thực ra họ muốn bảo đảm rằng nhà nước hoạt động vì lợi ích của họ. Lợi ích của họ thường trái ngược với những nguyên tắc về trách nhiệm giải trình. Quân đội muốn duy trì phần lớn nguyên trạng và sẽ không chấp nhận cải cách lớn; nếu không có cải cách như vậy, Bangladesh có thể sẽ rơi vào tình trạng tương tự trong vài năm nữa.

Rất có thể là trong vài tháng nữa, quân đội có thể tổ chức bầu cử mới và một chính phủ dân sự mới được bầu có thể lên nắm quyền. Nhưng nếu không có sự thay đổi có ý nghĩa hơn, điều đó có thể sẽ trở lại quá khứ. Vấn đề với lực lượng rộng lớn, vô định hình đã lật đổ Hasina là nó vẫn chưa đưa ra được tầm nhìn rõ ràng về tương lai ngoài những lời kêu gọi một loại giải pháp chính trị mới. Bangladesh cần sự lãnh đạo tập trung và quyết đoán để củng cố nền dân chủ của mình (hoàn toàn có thể thông qua đỏi mới hiến pháp), để cắt đứt các mạng lưới bảo vệ mà nhà nước vận hành và để bảo đảm những thể chế hoạt động vì người dân. Năng lượng của phong trào quần chúng có thể tiêu tan và không thể dẫn dắt đất nước hướng tới sự thay đổi mà nó cần. Trong một nỗ lực anh hùng, người Bangladesh đã lật đổ chế độ Hasina. Nhưng điều gì sẽ xuất hiện từ hoang tàn đổ nát?

© 2024 DCVOnline

Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net

________________________

Nguồn: The Remarkable Downfall of Bangladesh’s Iron Lady | Ali Riaz | Foreign Affairs | August 6, 2024