Đầu đảng mới của Cộng sản Việt Nam: Mong đợi gì ở Tô Lâm?
Nguyễn Khắc Giang | DCVOnline
Việt Nam cộng sản có một lãnh đạo trẻ hơn, năng nổ hơn, dường như đang lo toan mọi mặt, trong và ngoài nước. Tương lai có thể mang lại những gì cho ông và nước CHXHCNVN?
Hai tháng sau khi bất ngờ nắm được vị trí cao nhất trong hệ thống chính trị của Việt Nam với ghế Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam (CPV) và Chủ tịch nước, Tô Lâm đã bắt tay ngay vào việc. Ông đã chủ toạ những phiên họp chuẩn bị cho Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam năm 2026, trấn an giới doanh nhân, gặp gỡ đảng viên lão thành thuộc những phe phái khác nhau và giám sát việc cải tổ nhân sự chính. Trên trường quốc tế, ông đã đến thăm Trung Hoa, tiếp đón Tổng bí thư Đảng Nhân dân Cách mạng Lào Thongloun Sisoulith và tiếp xúc với nhiều người trong giới ngoại giao nước ngoài. Những hoạt động ban đầu này cho một cái nhìn sâu sắc thú vị về hướng sắp tới của Việt Nam dưới sự lãnh đạo của ông.
Tô Lâm thừa hưởng một di sản hỗn hợp. Nền kinh tế Việt Nam, mặc dù có thể phục hồi, nhưng đã không đạt được kỳ vọng trong những năm gần đây. Chiến dịch chống tham nhũng quá mức đã ảnh hưởng tiêu cực đến bộ máy hành chánh, cản trở việc đi đến quyết định và động lực kinh tế. Danh tiếng về sự ổn định chính trị của Việt Nam đã bị hoen ố do những thay đổi lớn trong ban lãnh đạo. Thảm họa thiên nhiên đã làm tăng thêm những tai ương này, với sự tàn phá của cơn bão Yagi ở miền Bắc càng làm phức tạp thêm chương nghị trình của người lãnh đạo mới. Trong vấn đề đối ngoại, Hà Nội phải lèo lái qua những vùng nguy hiểm. Căng thẳng gia tăng ở Biển Đông và những sáng kiến khu vực như Kinh đào Funan Techo của Campuchia đe dọa làm đảo lộn sự cân bằng tinh tế của Việt Nam với những cường quốc và gây thiệt hại lợi ích quốc gia của nước này.
Trước một danh sách việc cần làm đầy thách thức này, Lâm đã nhanh chóng đưa đồng minh đáng tin cậy vào những vị trí chủ chốt. Những người được ông che chở, Bộ trưởng Công an Lương Tam Quang, 59 tuổi và Chánh Văn phòng Trung ương Đảng Nguyễn Duy Ngọc, 60 tuổi, đã được thăng chức vào Bộ Chính trị và Ban Bí thư. Một cộng sự viên khác, Tướng Vũ Hồng Văn, 48 tuổi, hiện đang giữ chức Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương. Trần Lưu Quang, 57 tuổi, một đồng minh thân cận, lãnh đạo Ủy ban Kinh tế Trung ương, có thể giúp ông thăng tiến trong tương lai sau năm 2026. Những cán bộ khác từ tỉnh Hưng Yên quê của Lâm, gồm có Bộ trưởng Tư pháp mới Nguyễn Hải Ninh, 48 tuổi, cũng đã được thăng chức. Ở một đất nước mà sự thiên vị người cùng quê thường chiếm ưu thế, điều này giúp hình thành một cơ sở quyền lực mới, đáng gờm xung quanh Lâm.
Tuy nhiên, Lâm không quên nhu cầu cân bằng. Ông đã nhanh chóng đi gặp nhữngcán bộ lão thành trong đảng, đặc biệt là những người ở miền Nam, để giành được sự ủng hộ của họ và hô hào đoàn kết. Lâm đã gặp cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng — được coi là “bố già” của phe miền Nam — ít nhất hai lần trong tháng đầu tiên sau khi nhậm chức. Miền Nam, mặc dù là sức mạnh kinh tế của Việt Nam, đã không được đại diện ở chính trường tương xứng và giảm sút trong chiến dịch chống tham nhũng. Thông điệp về sự cân bằng vùng miền được thể hiện rõ ràng trong việc bổ nhiệm ba phó thủ tướng mới gần đây, mỗi người đến từ một miền khác nhau.
Ở cấp trung ương, Quốc hội đã công bố kế hoạch bầu một chủ tịch nước mới vào tháng 10, cho thấy Lâm sẽ bỏ vai trò kép. Trong khi Lâm có thể giữ cả hai vị trí với quyền lực to lớn, ông có thể muốn tránh nhận thức về việc củng cố quyền lực cá nhân bằng cách hy sinh cho quyền lãnh đạo tập thể. Ứng cử viên hàng đầu, Lương Cường, mặc dù là một phần của bộ máy quân đội, nhưng không có ảnh hưởng như Bộ trưởng Quốc phòng Phan Văn Giang. Việc bổ nhiệm Lương Cường, nếu xẩy ra, sẽ khôi phục cơ chế “Tứ trụ” — sự sắp xếp lãnh đạo tập thể của Việt Nam bao gồm bốn lãnh đạo hàng đầu: Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ và Chủ tịch Quốc hội — mà không tạo ra một đối thủ nào cho Lâm vào năm 2026.
Phong cách lãnh đạo mới nổi của Lam có vẻ thực dụng hơn là lý tưởng, tập trung vào phát triển kinh tế và ổn định chính trị hơn là những vận động giáo điều.
Về mặt kinh tế, Lâm đang định vị mình là người ủng hộ tăng trưởng “phẩm chất cao” do kỹ thuật dẫn đầu và là người ủng hộ nhiệt thành những doanh nghiệp tư nhân. Trong cuộc họp đầu tiên với tư cách là chủ tịch Ủy ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, ông nhấn mạnh: “Cuộc chiến chống tham nhũng không được cản trở tăng trưởng kinh tế.” Trong khi công khai cam kết tiếp tục nỗ lực chống tham nhũng, có một cảm giác ngày càng tăng, dựa trên những bài phát biểu của ông, rằng ban lãnh đạo mới có thể ưu tiên những mục tiêu kinh tế hơn là sự trong sạch về mặt ý thức hệ. Sự phục hồi nhẹ của thị trường bất động sản Việt Nam, trước đây là mục tiêu chống tham nhũng lớn, cho thấy cộng đồng doanh nghiệp thở phào với tín hiệu này.
Về chính sách đối ngoại, Lâm tuân thủ “ngoại giao tre” của Việt Nam. Chuyến công du nước ngoài đầu tiên của ông với tư cách là tổng bí thư là đến Bắc Kinh, thừa nhận tầm quan trọng của Trung Hoa. Tuy nhiên, ông cũng sẽ đến thăm Hoa Kỳ để tham dự Đại hội đồng Liên hiệp quốc từ ngày 21 đến 27 tháng 9, nhấn mạnh mong muốn của Việt Nam trong việc duy trì khoảng cách cân bằng giữa những siêu cường. Là một tổng bí thư trẻ hơn, mạnh khoẻ hơn ở tuổi 67, ông Lâm có thể đi nhiều nơi hơn để củng cố mạng lưới bạn bè và đối tác rộng lớn của Việt Nam, một nhiệm vụ mà người tiền nhiệm của ông, Nguyễn Phú Trọng, không thể hoàn thành trong giai đoạn cuối nhiệm kỳ vì thiếu sức khỏe.
Trong những tuyên bố công khai của mình, Lâm dường như thực tế hơn là giáo điều, thúc đẩy vị thế kinh tế và chính trị của Việt Nam, với quyết tâm mạnh mẽ để thực hiện thực chúng. Điều này có thể báo hiệu tốt cho triển vọng kinh tế của Việt Nam, có thể phục hồi sức kinh doanh và thu hút nhiều đầu tư nước ngoài hơn.
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều thách thức. Việc củng cố quyền lực nhanh chóng của Lâm có thể làm phật lòng những người khác trong đảng, đặc biệt là những người lo sợ sự trôi dạt khỏi sự lãnh đạo tập thể. Quá khứ của ông trong bộ máy công an cũng đặt ra câu hỏi về tương lai của những quyền tự do dân sự ở một quốc gia vốn nổi tiếng với sự kiểm soát chặt chẽ đối với người bất đồng chính kiến. Mặc dù Lâm có thể thúc đẩy nhiều cải cách kinh tế và hành chính hơn, nhưng việc thiếu kinh nghiệm quản lý của ông gây ra những lo ngại về việc thực hiện. Với tư cách là Bộ trưởng Công an, ông đã tái cấu trúc thành công “siêu bộ” này, tinh giản hơn 30.000 vị trí vào năm 2018. Tuy nhiên, ông đã phạm phải những sai lầm về chính sách, kể cả chuyển đổi dữ liệu dân số không đồng đều và những quy định đột ngột về an toàn phòng cháy chữa cháy đã làm gián đoạn hoạt động kinh doanh.
Hai tháng đầu tiên nắm quyền của Tô Lâm cho thấy một người lãnh đạo sẵn sàng định hình lại bối cảnh chính trị của Việt Nam. Trong khi ông thận trọng giữa đổi mới và tính liên tục, hành động của Tô Lâm cho thấy phong cách lãnh đạo táo bạo và quyết đoán hơn so với người tiền nhiệm. Điều rõ ràng là nhiệm kỳ của Tô Lâm đánh dấu một thời điểm quan trọng trong tiến trình phát triển của Việt Nam, có thể định hình quỹ đạo của nước này trong nhiều năm tới.
Tác giả | Nguyễn Khắc Giang là chuyên viên Nghiên cứu thỉnh giảng tại Chương trình Nghiên cứu Việt Nam của Viện ISEAS – Yusof Ishak. Trước đây, ông là chuyên viên Nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược Việt Nam.
© 2024 DCVOnline
Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net”
________________________
Nguồn: Vietnam’s New Helmsman: What to Expect from To Lam? | Nguyen Khac Giang | Fulcrum | 23-09-2024