Cuộc bầu cử liên bang lần tới cần quan tâm về nền kinh tế, ngốc ơi

Paul Deegan và Kevin Lynch | DCVOnline

Ba chủ đề cần được thảo luận kỹ: quản lý tài chính tốt, tăng trưởng kinh tế mạnh hơn và mối quan hệ với người Mỹ tốt hơn

Thủ tướng Justin Trudeau đang theo dõi Cúp Tổng thống 2024 tại Câu lạc bộ Golf Royal Montreal vào ngày 29 tháng 9 năm 2024. Ảnh của Jared C. Tilton/Getty Images

Luật liên bang quy định phải có một cuộc bầu cử vào ngày 20 tháng 10 năm sau. Mức độ bất bình hiện tại trong Hạ viện cho thấy bầu cử có thể diễn ra sớm hơn dự định. Chúng tôi tin rằng, đồng tình với chiến lược gia đảng Dân chủ James Carville, rằng bất cứ khi nào cuộc bầu cử diễn ra, nó cần phải “liên quan đến nền kinh tế, ngốc ơi”. Ba vấn đề nên được đặt ưu tiên hàng đầu: quản lý tài chính tốt, tăng trưởng kinh tế mạnh hơn và mối quan hệ chặt chẽ hơn với người Mỹ.

• Quản lý tài chính tốt

Những người nghĩ rằng lãi suất thật thấp sẽ kéo dài mãi mãi là ngây thơ. Tiền dễ kiếm, tha hồ chi tiêu và thâm hụt của chính phủ, cùng sự gián đoạn chuỗi cung ứng đã tạo ra một cơn bão tăng lạm phát, và cuối cùng buộc những ngân hàng trung ương phải đạp thắng và tăng lãi suất. Mặc dù rốt cuộc lạm phát có vẻ đã trong tầm kiểm soát, nhưng giá cả tăng cao vì lạm phát vẫn còn đó và đồng tiền rẻ mạt của giai đoạn 2009-2022 sẽ trở lại nữa. Việc tài trợ cho khoản nợ của chính phủ đã tăng gấp đôi trong 10 năm qua sẽ gây tốn kém cho người nộp thuế.

Canada cần một kế hoạch rõ ràng, đáng tin cậy để xóa bỏ thâm hụt ngân sách liên bang để chúng ta có thể bắt đầu giảm nợ quốc gia. Đó là một nhiệm vụ khó khăn, nhưng chúng ta đã từng làm được. Tỷ lệ nợ trên GDP của chúng ta đã giảm từ gần 70% vào năm 1995-96 xuống dưới 30% chỉ sau 12 năm. Chúng ta đã đi từ vị thế mà Tạp chí Phố Wall mô tả là “thành viên danh dự của Thế giới thứ ba” thành sự ghen tị về mặt tài chính của khối G7.

Ottawa cần thực hiện chế độ ăn kiêng thật kỷ luật, bắt đầu bằng việc xét lại chương trình một cách nghiêm túc. Vì chúng ta chậm trễ trong những cam kết với NATO nên chi tiêu quốc phòng không được đưa ra thảo luận. Nhưng các khoản trợ cấp, chuyển nhượng và chi tiêu thuế đang tăng nhanh cần được xét lại một cách nghiêm ngặt. Dịch vụ công liên bang cũng vậy, đã tăng hơn 40 phần trăm trong 10 năm qua ngay cả khi việc cung cấp những dịch vụ cốt lõi đã xấu đi. Về doanh thu, người Canada cảm thấy bị đánh thuế quá mức trên lợi tức cá nhân, trong khi thuế doanh nghiệp phải cạnh tranh với thuế (thấp hơn) của người Mỹ, vì vậy có rất ít phương tiện để điều chỉnh chính sách về thuế. Thuế GST/HST không cao theo tiêu chuẩn của châu Âu nhưng việc tăng thuế sẽ gây bất lợi về mặt chính trị.

Chính sách cứng rắn của chính quyền Mulroney và Chrétien đã mang lại cho chúng ta năng lực đầu tư vào tăng trưởng và khả năng phục hồi để đỡ những cú sốc như cuộc khủng hoảng tài chính 2008-9 và đại dịch COVID. Nhưng chúng ta đã tiêu mất khoản bảo hiểm tài chính đó. Nếu không khôi phục lại, chúng ta sẽ dễ bị tổn thương một cách nguy hiểm khi cú sốc tiếp theo xảy ra, bất kể đó là gì.

• Tăng trưởng kinh tế mạnh hơn

Tăng trưởng của Canada chỉ ở mức trung bình trong gần hai mươi năm. Mức sinh hoạt của chúng ta đã hoàn toàn đình trệ trong những năm gần đây. Chúng ta rất cần phải cạnh tranh và có năng suất cao hơn, đồng thời thúc đẩy tăng trưởng dài hạn.

Có những biện pháp chi phí thấp, lợi nhuận cao. Hệ thống nhập cư cần quay lại với những điều căn bản: thu hút những người nhập cư thuộc tầng lớp kinh tế tài năng, chào đón những sinh viên giỏi nhất và thông minh nhất từ ​​khắp nơi trên thế giới — để học tập, không phải để làm việc — và dẹp đi những lò phát bằng cấp.

Chúng ta là một cường quốc về tài nguyên thiên nhiên nhưng lại không hành động đúng với vị thế đó. Thật ngây thơ khi nghĩ rằng quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế carbon thấp sẽ diễn ra nhanh chóng hoặc chắc chắn. Chúng ta nên đầu tư vào năng lượng gió, năng lượng mặt trời và thủy điện nhưng cũng nên hỗ trợ thăm dò, sản xuất và phân phối dầu khí. Để có thể chuyển đổi, chúng ta cần khai thác nhanh hơn những khoáng sản quan trọng mà chúng ta có sẵn trong lòng đất.

Trong mọi thứ chúng ta cố gắng xây dựng, từ khai thác mỏ, năng lượng và cơ sở hạ tầng hỗ trợ thương mại đến nhà ở, chúng ta cần cải cách quy định để loại bỏ quy trình rối răm vô tận, những khu vực pháp lý tròng chéo và sự rườm rà của thủ tục hành chính mà giới đầu tư nước ngoài thường cho rằng Canada không thực sự cởi mở với kinh doanh. Để chứng minh là chúng ta quyết tâm vì những lợi ích của kinh tế, cuối cùng chúng ta nên xóa bỏ những rào cản thương mại liên tỉnh bang.

Chúng ta cần định hướng lại việc ưu đãi thuế và mua sắm của chính phủ để hỗ trợ tốt hơn cho những người sáng tạo của Canada để họ có thể phát triển lớn hơn và nhanh hơn, tạo thêm việc làm cho người Canada và tạo ra nhiều nhà công ty kỹ thuật hàng đầu của Canada hơn như Shopify Inc. Kỹ thuật đã thúc đẩy năng suất và tăng trưởng của Hoa Kỳ. Chúng ta nên học hỏi kinh nghiệm của Hoa Kỳ.

• Mối quan hệ với người Mỹ

Dù Donald Trump hay Kamala Harris trở thành tổng thống thứ 47, chủ nghĩa bảo hộ đang gia tăng ở Washington. CUSMA/USMCA sẽ được đàm phán lại vào năm 2026 và chúng ta cần sẵn sàng cho những thay đổi mà chính quyền Mỹ sẽ yêu cầu. Chúng ta không thể dựa vào nỗi luyến tiếc về mối quan hệ tốt đẹp trong quá khứ. Chúng ta cần cho người Mỹ thấy, như năm cựu đại sứ Canada tại Hoa Kỳ gần đây đã lập luận, chúng ta quan trọng như thế nào đối với họ về năng lượng và tài nguyên thiên nhiên, khoáng sản quan trọng, môi trường, kỹ thuật và quốc phòng. Đạt được mục tiêu chi tiêu quốc phòng của NATO hai phần trăm GDP sẽ là một lằn ranh đỏ đối với chính quyền Hoa Kỳ sắp tới, bất kể những ưu tiên của Canada là gì. Trong một thế giới của những liên minh đang rạn nứt, thực tế là tương lai của chúng ta nằm ở những đối tác Bắc Mỹ của chúng ta — dù muốn hay không.

Có những thập niên mà hầu như không có gì thay đổi và những thập niên mà hầu như mọi thứ đều thay đổi. Đây có vẻ như là một thập niên thay đổi. Cuộc bầu cử liên bang lần tới của Canada cần phải tập trung nhiều hơn vào chính sách hơn là tính cách, tập trung nhiều hơn vào tương lai hơn là quá khứ. Những cuộc bầu cử chính sách hiếm hơn những gì những người đam mê chính sách mong muốn. Theo nhiều cách, cuộc bầu cử thương mại tự do năm 1988 là ngoại lệ chứng minh cho quy tắc đó. Nhưng chúng ta có những quyết định kinh tế quan trọng cần đưa ra. Và những chính đảng liên bang cần phải công bố cho chúng ta biết quan điểm của họ về những vấn đề này.

Tác giả | Kevin Lynch là Bí thư của Hội đồng Cơ mật và Phó chủ tịch của BMO Financial Group. Paul Deegan, cựu giám đốc điều hành tại BMO và CN, hiện là giám đốc điều hành của Deegan Public Strategies.


© 2024 DCVOnline

Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net

________________________

Nguồn: The next federal election needs to be about the economy, stupid | Paul Deegan and Kevin Lynch | Financial Post | 3 October 2024. Viết cho C. Ryan Barber tại [email protected] và Sadie Gurman tại [email protected]