Vị tổng thống không bao giờ đứng về phe nào


Ben Bland | Trà Mi

Jokowi của Indonesia đã cho thấy những quốc gia châu Á có thể tránh được sự cạnh tranh giữa Hoa Kỳ và Trung Hoa như thế nào

Tổng thống Indonesia Joko Widodo tại Manila, Philippines, tháng 1 năm 2024. Ezra Acayan / Reuters

Vào ngày 20 tháng 10, Joko Widodo—được mọi người biết đến với tên Jokowi—sẽ rời nhiệm sở như một tổng thống hiệu quả và được ngưỡng mộ nhất trong số năm tổng thống của Indonesia kể từ khi nước này trở thành quốc gia dân chủ vào năm 1998. Trong suốt mười năm lãnh đạo quốc gia dân chủ đông dân thứ ba thế giới, Jokowi trở nên nổi tiếng nhất với những thành tựu trong nước: ông đã uốn nắn giới tinh hoa chính trị hỗn loạn và đôi khi tham nhũng của Indonesia theo ý của mình, huy động hàng chục tỷ đô la đầu tư nước ngoài vào những dự án phi trường, đường sắt và chế biến khoáng sản, đồng thời mở rộng dịch vụ y tế và giáo dục cho công chúng. Những cải thiện này, cùng với nguồn gốc khiêm tốn và phong cách giao tiếp thẳng thắn, đã giúp ông trở nên cô cùng nổi tiếng: ông rời nhiệm sở với tỷ lệ ủng hộ là 75%, khiến ông trở thành một trong những người lãnh đạo được yêu thích nhất trong thế giới dân chủ.

Ít được hiểu rõ hơn nhưng cũng có hậu quả không kém là cách Jokowi thay đổi chính sách đối ngoại của Indonesia. Trong nhiều chục năm, những người lãnh đạo Indonesia đã cố gắng tạo ra một đường đi giữa những cường quốc, thường coi độc lập và không liên kết là mục đích của chính họ. Chịu ảnh hưởng kinh nghiệm cá nhân như một người sản xuất đồ đạc trong nhà và sau đó là thị trưởng của một thành phố trung bình của Indonesia, Jokowi đã thay đổi phong cách cứng nhắc hơn của những người tiền nhiệm và đưa ra một cách ứng xử khác làm kim chỉ nam, một cách giao tiếp thực tế và giao dịch độc đáo. Ông đã định hình lại chính sách đối ngoại của Indonesia như nghệ thuật đối xử, chống lại sự mong đợi rằng những nước đang phát triển phải lựa chọn giữa Trung Hoa và Hoa Kỳ. Những cuộc thăm dò ý kiến ​​giới hoạch định chính sách và giới tinh hoa kinh doanh châu Á thường đặt ra câu hỏi: “Nếu đất nước của bạn buộc phải liên kết với một trong những đối thủ chiến lược này, thì họ nên chọn bên nào?” Jokowi liên tục từ chối lựa chọn hoặc giải thích cho sự lựa chọn nhị phân như vậy, công khai hợp tác với Trung Hoa để xây dựng cơ sở hạ tầng và cơ sở công nghiệp của Indonesia, cắt giảm những thỏa thuận kinh doanh với Ả Rập Saudi và những Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, và kéo Iran và Nga vào những cuộc đàm phán thương mại—trong khi vẫn tiếp tục duy trì mối quan hệ chặt chẽ với Hoa Kỳ và Âu châu.

Những người lãnh đạo lâu năm khác của những nước đang phát triển lớn như Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đồng ý với sự đi theo chính sách thực tế của Jokowi. Nhưng Modi và Erdogan vẫn hướng tới hướng đi tinh tế hơn để biện minh cho chủ nghĩa thực dụng của họ và phấn đấu giành vai trò lãnh đạo trong những tổ chức đa quốc gia. Ngược lại, Jokowi đã chọn không bao giờ tham dự trực tiếp một cuộc họp Đại hội đồng Liên hiệp quốc nào. Trong suốt nhiệm kỳ tổng thống của mình, những người chỉ trích cho rằng chính sách đối ngoại của ông là hướng nội, không đảm bảo cho Indonesia một vai trò có ảnh hưởng phù hợp trên trường thế giới.

Nhưng đến nay, có vẻ đã rõ ràng hơn rằng chiến lược giao dịch, bản năng, vì lợi ích quốc gia của Jokowi thực chất đã đi trước thời đại. Nó dự đoán một thế giới cạnh tranh, thay đổi nhanh chóng, ích kỷ ngày càng tước bỏ ý thức hệ, một thế giới mà cả người lãnh đạo và công dân ngày càng ít bị những chia rẽ cũ, quen thuộc giữa cánh tả và cánh hữu thúc đẩy và tập trung hơn vào việc ai có thể mang lại cho họ những lợi ích vật chất ngắn hạn. Khi nhiệm kỳ của ông sắp kết thúc, những người lãnh đạo thế giới khác có thể nhìn vào vào cách đối xử của Jokowi để làm sáng tỏ những chính sách đối ngoại của riêng họ — hiện tại, quá thường xuyên, là sự pha trộn chói tai giữa lời lẽ có nguyên tắc và hành động ích kỷ khiến cử tri của họ bối rối và nghi ngờ.

MỆNH LỆNH ĐẠO ĐỨC

Kể từ khi giành được độc lập từ Hoà Lan sau Thế chiến II, như một trong những người lập quốc, Mohammad Hatta, đã viết trong Foreign Affairs năm 1958 Indonesia đã cố gắng phòng ngừa rủi ro cho chính sách đối ngoại bằng cách điều hợp “giữa những khối quyền lực”. Indonesia là một quốc gia mong manh hình thành từ những ranh giới tùy tiện của chủ nghĩa thực dân Hoà Lan, và những người lãnh đạo đầu tiên của nước này đã phải nỗ lực rất nhiều để giữ cho nhiều nhóm sắc tộc và tôn giáo của quần đảo này sống chung hòa bình. Sukarno, tổng thống đầu tiên của Indonesia, đã tổ chức một hội nghị tại Bandung vào năm 1955 để tập hợp những quốc gia mới giành được độc lập ở Phi Châu và Á Châu nhằm phản đối áp lực liên kết với Liên Xô hoặc Hoa Kỳ và tập trung hơn vào việc phát triển nền kinh tế của họ và duy trì chủ quyền khó khăn giành được của họ. Sukarno đã nói với những đại biểu về nguyện vọng của mình rằng họ phát triển “một nhận thức thực sự về sự phụ thuộc lẫn nhau giữa con người và những quốc gia vì hạnh phúc và sự sống còn của họ trên trái đất”. Khi Chiến tranh Lạnh leo thang, Sukarno lo sợ của rằng Indonesia sẽ trở thành mục tiêu của một cuộc chiến ủy nhiệm khác đã thúc đẩy ông giúp mở rộng Hội nghị Bandung thành liên minh rồi trở thành Phong trào Không liên kết.

Ảnh ghép: Hội nghị Bandung 18-24 tháng 4, 1955. OntheNet

Việc Indonesia chấp nhận những gì những người lãnh đạo của mình thường gọi là chính sách đối ngoại “độc lập và chủ động” cũng thể hiện hy vọng rằng, thoát khỏi sự kiểm soát của Âu châu, tất cả những quốc gia hậu thuộc địa có thể định hình lại thế giới một cách công bằng hơn. Nhưng khi Sukarno phải đối phó với những vấn đề kinh tế và chính trị ngày càng tăng trong nước, chính sách đối ngoại của ông ngày càng hung hăng và thất thường hơn; ông đổ lỗi cho chủ nghĩa thực dân mới và chủ nghĩa đế quốc về những tai ương của Indonesia trong nước. Trong những năm cuối nhiệm kỳ, Sukarno có khuynh hướng thiên cộng sản, châm ngòi—hoặc tạo cớ cho—một cuộc đảo chính quân sự của một vị tướng quyền lực, Suharto, diễn ra trong suốt giai đoạn 1965–66.

Cuộc đảo chính đó được Hoa Kỳ và những cường quốc Tây phương khác hậu thuẫn và dẫn đến việc giết hại hàng trăm ngàn người ủng hộ cánh tả và người Indonesia gốc Hoa. Về mặt chính thức, Suharto vẫn duy trì chiến lược chính sách đối ngoại “độc lập và chủ động” giống như Sukarno. Nhưng sự chống đối chủ nghĩa cộng sản rõ rệt đã đưa ông đến gần phương Tây hơn, cũng như việc ông áp dụng những đổi mới có lợi cho doanh nghiệp do cái gọi là Mafia Berkeley, một nhóm những chuyên gia kinh tế người Indonesia tốt nghiệp tại Đại học California này thúc đẩy.

Sự quay trục đầy bạo động từ Sukarno sang Suharto, và việc Suharto cuối cùng bị lật đổ do những cuộc biểu tình của người dân vào năm 1998, dường như đã xác nhận với những người lãnh đạo kế tiếp của Indonesia về nhu cầu theo đuổi một chính sách đối ngoại thận trọng hơn, ưu tiên “độc lập” hơn là “chủ động”. Hậu quả do cuộc khủng hoảng tài chính Á châu năm 1997 và sự tan vỡ của hệ thống chính trị tập trung cao độ của Indonesia khiến ba tổng thống lâm thời kế nhiệm Sukarno quá bận rộn về nội vụ để theo đuổi một chính sách đối ngoại quyết đoán. Susilo Bambang Yudhoyono, tổng thống được bầu trực tiếp đầu tiên của Indonesia, điều hành đất nước từ năm 2004 đến năm 2014, đã đi tìm một vai trò lớn hơn cho Indonesia trên trường thế giới. Nhưng nỗ lực này thiếu một tầm nhìn chỉ đạo mạnh mẽ ngoài câu thần chú yêu thích của ông: Indonesia đi tìm kiếm “một triệu người bạn và không có kẻ thù”.

BẠN BÈ VÌ LỢI ÍCH

Tuy nhiên, sau khi Jokowi được bầu làm tổng thống vào năm 2014, ông đã định hình lại chính sách đối ngoại lâu đời của Indonesia. Khi ông xuất hiện trên chính trường quốc gia sau bẩy năm làm thị trưởng Solo, một thành phố 500.000 dân ở miền trung Java, báo chí quốc tế thường so sánh ông với Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama vì sự thăng tiến nhanh chóng và làn sóng hy vọng về sự thay đổi mà ông đã tạo ra, đặc biệt là trong giới trẻ Indonesia và giới hoạt động nhân quyền. Cử tri đã rất cảm kích với thành tích cụ thể của ông tại Solo—ông đã cải tổ thị trường địa phương, cải thiện cơ sở hạ tầng và làm việc với những cộng đồng địa phương để cải thiện điều kiện sống và kinh doanh—và xuất thân khiêm tốn cùng quá khứ không tham nhũng của ông. Với sự giúp đỡ của bản năng chính trị khôn ngoan, cũng như những cố vấn sáng suốt, Jokowi đã phát huy hình ảnh một người vì dân, chọn một chiếc áo sơ mi kẻ caro đỏ và xanh thường ngày làm đồng phục vận động tranh cử của mình. Ông đã không ngần ngại quảng cáo việc không có ý thức hệ, ám chỉ rằng ông là người cuối cùng có thể hoàn thành mọi việc thay vì chỉ nói suông.

Khi Jokowi cam kết biến Indonesia thành “điểm tựa hàng hải toàn cầu” vào đầu nhiệm kỳ tổng thống, một số trong giới phân tích trong nước và quốc tế đã diễn giải tuyên bố này như một kế hoạch biến Indonesia thành một sức mạnh cân bằng quyết định trong an ninh Á châu. Nhưng những năm đầu tiên của Jokowi như người lãnh đạo đất nước được đánh dấu bằng sự chuyển hướng sang một nghị trình tập trung vào phát triển, thực tế hơn so với những người ủng hộ nhiệt thành nhất của ông dự đoán. Trong những cuộc trò chuyện với tôi trong nhiệm kỳ đầu tiên, những cố vấn của Jokowi đã nói rõ rằng ông muốn đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng GDP hàng năm của Indonesia từ 5% lên 7%; xây dựng hải cảng, phi trường và đường thu lệ phí rất cần thiết; cải thiện dịch vụ y tế và cơ hội giáo dục của người dân Indonesia; và thu hút nhiều đầu tư nước ngoài hơn.

Đối với Jokowi, chính sách đối ngoại đã trở thành phương tiện để đạt được những mục tiêu trong nước này. Thay vì tìm đến những lý thuyết gia chiến lược hay sách lịch sử, ông đã nghĩ về chính sách đối ngoại theo góc nhìn thực tế của một người sản xuất đồ đạn dùng trong nhà. Cách làm việc của ông đã hình thành không lâu sau khi ông nắm quyền—ví dụ, khi căng thẳng bùng phát vào năm 2014 ở Biển Đông khi Bắc Kinh tăng cường nỗ lực kiểm soát tàu đánh cá của Việt Nam và những nước khác ở vùng biển đang tranh chấp. Một cố vấn đã tâm sự với tôi rằng ông đang đấu tranh để thuyết phục tổng thống rằng tranh chấp này quan trọng đối với Indonesia. Nhưng cuối cùng ông đã thu hút được sự chú ý của Jokowi khi giải thích rằng con số những cuộc đụng độ trên biển ngày càng tăng trong khu vực cuối cùng sẽ làm tăng giá vận chuyển và bảo hiểm cho những công ty xuất cảng của Indonesia.

Tập ​​trung vào lợi ích kinh tế của Indonesia trên hết đã khiến Jokowi trở thành một người khác biệt so với những người tiền nhiệm—và với nhiều người lãnh đạo Đông Nam Á khác. Mặc dù Yudhoyono đã coi việc phát triển quan hệ hữu nghị với những quốc gia khác tụ nó là mục đích, Jokowi đã rõ ràng bác bỏ thái độ này sau khi ông trở về từ hội nghị thượng đỉnh quốc tế đầu tiên với tư cách là tổng thống vào tháng 11 năm 2014. Ông nói với những phóng viên trên máy bay, “Đối với tôi, ‘tự do và chủ động’ có nghĩa là kết bạn với những quốc gia có thể mang lại lợi ích cho chúng ta. Kết bạn có ý nghĩa gì nếu chúng ta luôn ở thế thua cuộc?”

LỰA CHỌN KHÁC NHAU

Kể từ đó, mặc dù thỉnh thoảng ông nói về nhu cầu tái cân bằng trật tự toàn cầu để có lợi cho những nước đang phát triển, Jokowi thường tránh dùng lời lẽ ngoại giao khoa trương. Ông tránh nhiều hội nghị thượng đỉnh đa quốc gia, tập trung hoàn toàn vào việc tham dự những diễn đàn kinh tế như G-20 và những cuộc họp của Hợp tác Kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương và dùng chúng để trau dồi lời mời đầu tư vào Indonesia. Trong mười năm cầm quyền, ông đã chủ trì việc tăng gần một phần ba tiền đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Indonesia, lên 286 tỷ đô la. Jokowi cuối cùng đã đánh giá những người lãnh đạo chính trị và doanh nghiệp nước ngoài dựa trên khả năng “nói đi đôi với làm”.

Những chuyến chạy thử trên đường sắt vận tốc cao đến 220 dặm/giờ từ Jakarta đến Bandung của Indonesia đã bắt đầu từ tháng 6 2023. Dịch vụ trên hành lang đường sắt dài 88 dặm này dự tính ​​sẽ ra mắt vào tháng 8, 2023, trở thành đường sắt vận tốc cao tốc đầu tiên ở Đông Nam Á.Nguồn: High Speed Rail Alliance

Ngay sau khi trở thành tổng thống, Jokowi đã được người lãnh đạo Trung Hoa Tập Cận Bình o bế. Cảm kích trước tốc độ phát triển cơ sở hạ tầng của riêng Trung Hoa, vào năm 2015, Jokowi đã chọn một tập đoàn do nhà nước Trung Hoa hậu thuẫn để xây đường sắt vận tốc cao đầu tiên của Indonesia—từ chối nhà thầu cạnh tranh của Nhật Bản, khiến Tokyo rất thất vọng. Một yếu tố chính trong lựa chọn của ông là, không giống như những đối thủ cạnh tranh Nhật Bản, những công ty nhà nước Trung Hoa không yêu cầu chính phủ Indonesia bảo lãnh tài chính. Đây là thỏa thuận đầu tiên trong một loạt những quan hệ đối tác kinh tế lớn với Bắc Kinh đưa hai nước xích lại gần nhau hơn. Những người lãnh đạo trước đây của Indonesia không muốn để quá nhiều trứng vào một giỏ. Nhưng Jokowi lại tích cực hơn hơn khi có nhiều đầu tư nhanh vào những dự án lớn.

Một mô hình tương tự đã xuất hiện trong cách đối xử của Jokowi đối với ngành đào mỏ khoáng sản quan trọng của Indonesia. Yudhoyono đã lưỡng lự về việc có nên thực thi lệnh cấm xuất cảng khoáng sản thô như nickel để thúc đẩy tiến trình chế biến hạ nguồn và kỹ nghệ hóa hay không. Nhưng Jokowi kiên quyết duy trì lệnh cấm này bất chấp sự phản đối của Hoa Kỳ và Âu Châu. Trong nỗ lực đưa ra những phản đối của họ là theo nguyên tắc, những nước Tây phương đã cảnh cáo Indonesia rằng lệnh cấm xuất cảng nguyên liệu chưa chế biến, vi phạm những quy tắc thương mại quốc tế, sẽ gây thiệt hại cho triển vọng tăng trưởng của đất nước. Jokowi đã phớt lờ những lời cảnh cáo này và những công ty Trung Hoa đã đổ hàng tỷ đô la vào những vùng xa xôi của Indonesia để phát triển những cơ sở luyện kim và xưởng chế biến khác.

Những bước đi như thế này khiến một số trong giới hoạch định chính sách và nhà phân tích của Hoa Kỳ lo ngại rằng Jokowi đang chọn Trung Hoa thay vì Hoa Kỳ. Nhưng khi mở cửa cho những tập đoàn kỹ nghệ Trung Hoa, Jokowi cũng cần mẫn o bế giới đầu tư từ Âu châu, Nhật Bản, Nam Hàn và Hoa Kỳ, thu hút những cam kết lớn từ Hyundai, LG và Microsoft, cùng nhiều công ty khác. Mặc dù đã đến thăm Trung Hoa tám lần và gặp Tập Cận Bình 12 lần, Jokowi vẫn duy trì được quyền tự do hành động ngoại giao của Indonesia và cố gắng giữ cho những đối tác Tây phương muốn mở rộng quan hệ với đất nước của ông. Jokowi càng đạt được nhiều thỏa thuận thành công rộng rãi, ông càng tin rằng Indonesia có thế mạnh hơn trong những cuộc đàm phán quốc tế so với những người tiền nhiệm của ông từng tin tưởng.

THẾ GIỚI VẬT CHẤT

Có những rủi ro vốn có trong thái độ giao dịch, không coi trọng giá trị của Jokowi, cai trị bằng cả lý trí lẫn bản năng. Việc đặt lòng tin quá nhiều vào đầu tư của Trung Hoa có thể gây ra mối đe dọa lâu dài đối với sự độc lập trong chính sách đối ngoại của Indonesia, do Bắc Kinh có khuynh hướng dùng những mối liên kết kinh tế làm đòn bẩy cưỡng chế. Trong những cuộc trò chuyện riêng với tôi, một số viên chức chánh phủ Indonesia đã nói rằng họ ngày càng đưa những phản ứng có thể xẩy ra của với Trung Hoa vào những tính toán chính sách đối ngoại của mình và trở nên cảnh giác với việc làm phật lòng một đối tác quan trọng và khó chịu như vậy.

Về lâu dài, khi Trung Hoa, Âu châu và Hoa Kỳ đều tìm cách “giảm rủi ro” cho những lãnh vực nhạy cảm trong nền kinh tế của họ, Indonesia có thể mất quyền vào một số thị trường và kỹ thuật của Hoa Kỳ và Âu châu do mối quan hệ ngày càng mở rộng với Trung Hoa. Bất kể một quốc gia Đông Nam Á có muốn chọn phe nào, thì cả Bắc Kinh và Washington đều có thể buộc những quốc gia này phải đưa ra những lựa chọn khó khăn trong những năm tới.

Tuy nhiên, trong ngắn hạn, Jokowi đã thành công trong việc thay đổi chính sách đối ngoại của Indonesia để nó trở thành công cụ thúc đẩy tham vọng kinh tế của ông, kể cả việc cố tình kiềm chế không đi tìm bất kỳ vai trò cụ thể nào cho Indonesia trên trường thế giới. Jokowi không hề xấu hổ khi theo đuổi lợi ích quốc gia của mình. Khi ông đến thăm Kyiv và Moscow vào tháng 6 năm 2022 để hội đàm với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và Tổng thống Nga Vladimir Putin, ông không phải là người môi giới hòa bình toàn cầu — không giống như, ví dụ, Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa, người cùng với những giới chức chính phủ cao cấp từ sáu quốc gia châu Phi khác đã đến Nga và Ukraine vào năm 2023 để mang đến “góc nhìn của châu Phi” nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho tiến trình hòa bình. (Phai đoàn Phi châu không đạt được kết quả cụ thể nào.)

Ảnh ghép: Từ trái: Putin Jokowi và Zelensky

Ngược lại, mục tiêu của chuyến đi của Jokowi là cố tìm cách ngăn chặn những hạn chế đối với việc xuất cảng ngũ cốc của Ukraine, đã làm tăng giá mì sợi và những mặt hàng chính khác ở Indonesia. Thời điểm chuyến công du của ông thật tình cờ, vì một thỏa thuận về xuất cảng ngũ cốc qua Biển Đen đã đạt được chỉ một tháng sau đó. Cách giao tiếp có mục tiêu hơn, duy vật hơn khiến người ngoài nghĩ rằng Indonesia đã không làm đúng với sức mình trên thế giới, Jokowi không cảm thấy có vấn đề gì với nhận xét đó.

Trên thực tế, Jokowi có thể là người tiên phong trong một sự thay đổi toàn cầu. Những nguyên lý nền tảng cho cái gọi là trật tự quốc tế dựa trên luật lệ ngụ ý rằng việc chỉ quan tâm đến lợi ích quốc gia, căn bản là một điều tồi tệ. Nhưng những quốc gia đang chuyển sang chủ nghĩa vị kỷ quốc gia như một nguyên tắc chỉ đạo cho chính sách đối ngoại của họ, ngay cả khi họ, không giống như Jokowi, sẽ xấu hổ khi nói như vậy. Những hành động và thái độ gần đây của Hoa Kỳ và Âu châu nhằm củng cố những chính sách kỹ nghệ của họ có nhiều điểm tương đồng với cách giao tiếp theo chủ nghĩa dân tộc của người lãnh đạo Indonesia. Và có lẽ một trong những bài học chính từ thành công của Jokowi — phản ảnh trong sự nổi tiếng lâu dài của ông và những cải thiện thực sự đối với cuộc sống của người dân Indonesia — là những người lãnh đạo blsuc này nên mạo hiểm để diễn đạt trung thực và áp dụng nhất quán consistently trước sau như một cách giao tiếp mới này, thay vì quanh co vô ích.

Xét cho cùng, mặc dù sự cạnh tranh giữa Hoa Kỳ và Trung Hoa dường như đang tăng, nhưng cuộc cạnh tranh giữa những cường quốc này rất khác so với cuộc cạnh tranh thống trị trong Chiến tranh Lạnh. Trên thực tế, không cường quốc nào hiện đang cho những quốc gia khác thấy một tầm nhìn rõ ràng về cách tổ chức chính trị và xã hội của họ. Sự lựa chọn giữa hai bên không mang tính ý thức hệ hay quá khắc nghiệt như giới phân tích thường trình bầy. Và những chính phủ thuộc mọi thể loại đang cố gắng theo đuổi những chiến lược kỹ nghệ của riêng họ thay vì đầu tư vào việc làm mới hệ thống kinh tế toàn cầu. Tập trung chặt chẽ vào lợi ích kinh tế của quóc gia, chấp nhận những thỏa thuận với bất kỳ ai có thể hỗ trợ những mục tiêu của đất nước, Jokowi nổi bật như một người lãnh đạo cho thế giới như nó đang trở thành, không phải như nó đã từng, cũng không phải như một số người mong muốn nó sẽ như vậy.

© 2024 DCVOnline

Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net

________________________

Nguồn: The President Who Never Picked a Side | Ben Bland | Foreign Affairs | October 17, 2024