Nỗi sợ

Élizabeth Vallet | Nguyễn Duy Vinh phỏng dịch

Ngày 8 tháng 1 năm 2021, tướng Mark Milley, khi đó là Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân, đã điện thoại tướng Li Zuocheng (李作成, Lý Tác Thành). Tại Bắc Kinh, có một số tin đồn về nguy cơ xẩy ra hành động không đúng lúc từ phía Mỹ, và Milley bằng mọi giá muốn tránh bất trắc có thể xẩy ra vì hiểu lầm: ông muốn bảo đảm với đồng cấp rằng tình hình ở Washington trong vòng kiểm soát và không có nguy cơ xẩy ra sai sót.

Trong tình thế căng thẳng ở Washington cũng như ở Biển Đông vào đầu năm 2021, đây là điều thiết thực.

Nếu Milley quyết định nhấc điện thoại lên, đó là vì ông đã được sự đồng ý của Bộ trưởng Quốc phòng phối hợp với những cơ quan an ninh quốc gia Mỹ: ông tướng này là một quân nhân tốt. Tuy nhiên, hai năm sau, cựu tổng thống đảng Cộng hòa sẽ không ngừng đòi lấy đầu ông — theo nghĩa đen — khẳng định rằng hình phạt dành cho loại hành động bất phục tùng này là ‘tử hình’. Đe dọa này không phải là chuyện nhỏ. Nó phát xuất từ một cựu tổng thống đối với người có cấp bậc cao nhất trong quân đội. Vụ này đã gây ra một phản ứng ngắn ngủi và không đi xa hơn.


Tướng Miley nói ông ông lo sợ cho gia đình và bản thân ông sau lời đe doạ của cựu tổng thống Trump nếu ông ấy đắc cử,

Và cuộc sống vẫn tiếp diễn… Ngay cả trong năm nay, Mark Milley đã bóng gió nói với Bob Woodward (trong tác phẩm mới nhất của ông, “Chiến tranh”) rằng ông lo sợ, nếu cựu tổng thống trở lại cầm quyền, ông có thể bị đưa ra Tòa án Quân sự vì đã tránh một cuộc leo thang căng thẳng với Trung Hoa. Ngay cả trong những ngày này, khi ứng viên đảng Cộng hòa chỉ trích “những kẻ nội thù” (những “đối thủ chính trị” của ông), “nguy hiểm hơn” theo ông so với những mối đe dọa của ngoại bang, và ám chỉ rằng quân đội có thể giải quyết tình hình, xã hội Mỹ có vẻ như thờ ơ, tê liệt, uể oải. Như thể họ đã tiếp thu bạo lực này đến mức không còn có thể cảm thấy phẫn nộ nữa…

Nỗi sợ đã len lỏi khắp nơi, lén lút, âm thầm và vụng trộm. Ở mỗi khúc quanh của cuộc vận dộng tranh cử này, nó đều có mặt dưới mỗi viên đá mà người ta lật lên. Ẩn núp trong bóng tối và nó  sẵn sàng vồ chụp. Hoặc xuất hiện trên sân khấu, sẵn sàng túm cổ đám đông. Văn hóa sợ hãi này, được biết đến cách đây gần ba mươi năm và giáo sư Frank Furedi đã nhắc lại nhiều lần, dường như đã hoàn toàn thấm sâu vào cấu trúc chính trị, như một mùi hôi thối. Một bản nhạc mà ứng viên tổng thống đảng Cộng hòa thể hiện một cách xuất sắc.

  • Sợ hãi sự di cư.
  • Sợ hãi những “đám đông” người tị nạn.
  • Sợ hãi về một chủ nghĩa xã hội tưởng tượng.
  • Sợ hãi một chính phủ bị cho là săn mồi.
  • Sợ hãi mất con cái trong một cuộc chuyển giới giả định.
  • Sợ hãi mất bản sắc qua việc dậy những cuốn sách ma quái hoặc Lý thuyết Chủng tộc Quan trọng.
  • Sợ hãi trước những ảo tưởng.

Họ khẳng định sự bất tài của giáo viên, giới khoa học, chính phủ và giới chức dân cử. Họ lên án những ai dám mạo hiểm bắt đầu với một lời giải thích làm giảm thông tin sai lệch, và họ xem những người đó như là những con chó săn trước khẩu súng sẵng sàng nhả đạn.

Mặt khác, cũng có câu nói nhỏ này đọng lại trong tất cả các cuộc gặp gỡ quốc tế, từ những phiên họp tổ chức dưới sự bảo trợ của chương trình hòa bình của NATO vào đầu tháng này tại Phần Lan đến buổi họp tuần này về tình hình an ninh quốc tế do MIGS tổ chức tại Montréal: “Nhưng rủi nếu ứng viên đảng Cộng hòa đắc cử …” Một vài chữ mang theo sự không chắc chắn và những cơn chấn động lớn… Cũng là nỗi sợ rằng nền dân chủ sẽ bị suy yếu nhanh hơn sự hâm nóng toàn cầu.

Vì ở một mức độ phân cực nhất định, nỗi sợ sẽ biến thành bạo lực. Việc dùng những phương tiện truyền thông đại chúng để ngẫu nhiên kích động những hành động bạo lực có thể đoán trước được về mặt ý thức hệ nhưng không thể đoán trước được ở từng cá nhân, gọi là “khủng bố ngẫu nhiên”; đây là một sự kiện và là một hành động được Viện Max Planck coi là một mối đe dọa an ninh. Đây là điều mà giới lập pháp lo sợ khi rời nơi công cộng. Điều mà nhân viên bầu cử lo ngại khi họ sẽ phải đối diện vào ngày 5 tháng 11, nhiều thị trưởng đang tìm cách bảo vệ những địa điểm quyền lực trong những tuần tới cho đến ngày 6 tháng 1. Đó là nỗi sợ của giới khoa học dám dùng kết quả của nhiều chục năm nghiên cứu để giải thích điều mà một số người chỉ cần ba cú nhấp chuột trên mạng là khám phá được ngay. Đây là nỗi lo sợ của những người làm việc của mình, có thể không hoàn hảo, nhưng trung thực, và họ đã không còn được nhìn nhận như vậy nữa.

Do đó, giáo sư Furedi đã nêu lên sự tương phản giữa thời kỳ mà xã hội được xây dựng trên sự đồng thuận, về một sự đồng thuận đạo đức dựa trên niềm tin vào một hình thức tiến bộ xã hội với thời đại hiện đại của sự hỗ loạn về mặt đạo đức khiến xã hội, trong sự bi quan, không còn tin tưởng vào khả năng vượt qua những trở ngại do một thế giới đe dọa đặt ra. Không bị vướng vào một huyền thoại về thời kỳ vàng son, Furedi nêu lên sự phức tạp của những bất ổn hiện nay và những khó khăn trong việc duy trì hợp đồng xã hội. Một quan điểm đã được nghiên cứu củng cố cho thấy giới hạn của những nền dân chủ trong thời kỳ biến đổi khí hậu, thậm chí là sự bất lực của những nền dân chủ này trong việc sống còn với sự biến đổi khí hậu (như những tác phẩm của Daniel Fiorino hoặc David Orr).

Nỗi lo sợ không thuộc về nền dân chủ: nó là động cơ của chủ nghĩa độc tài và đặc quyền của chủ nghĩa toàn trị. Nó được nuôi dưỡng bằng sự thờ ơ của những người phản đối, bởi những người có sự kiêu ngạo khi miêu tả một không gian toàn trị — và họ có thể làm điều đó bởi vì họ đang  sống trong một nền dân chủ — nhưng cũng do sự nhẹ dạ của những người hưởng lợi, những người coi đó như một nguồn tài nguyên thiên nhiên có thể tái tạo.

Tuy nhiên, những giả định của năm 2016 và 2021 giờ đây đã trở thành những điều chắc chắn, vì chúng dựa trên kinh nghiệm. Nếu ứng viên tổng thống đảng Cộng hòa thua, ông sẽ biến không gian công cộng thành một chiến trường. Nếu ông thắng, nhiệm kỳ tổng thống của ông sẽ mang hương vị của sự phục thù.

Nhóm Pizza to the Polls đem đồ ăn miễn phí và theo yêu cầu đến cho những người đang xếp hàng chờ bỏ phiếu. Nguồn: x.com

Điều này không có nghĩa là những người ủng hộ nền dân chủ bị giảm xuống trạng thái tê liệt như một con nai trước ánh đèn xe trong một đêm không trăng. Đó là lý do khiến Anne Applebaum của tờ Atlantic đã xây dựng một hướng dẫn công dân thực sự, liệt kê những công cụ dân chủ, từ nhóm Pizza to the Polls, đem đồ ăn miễn phí và theo yêu cầu đến cho những người đang xếp hàng chờ bỏ phiếu (trừ ở Georgia, nơi mà từ năm 2021, theo luật SB 202, điều này là bất hợp pháp), đến những tổ chức phi đảng phái nhằm bảo vệ quyền tiếp cận bỏ phiếu (như Protect Democracy), an ninh cho cử tri (như States United Democracy Center) hoặc luật pháp (như Brennan Center). Bà còn đề cập đến tổ chức More in Common, tạo ra các công cụ để giao tiếp và vượt qua các ranh giới đảng phái, và nhấn mạnh sự sống động của hệ sinh thái dân chủ, do nên National Civic League thiết lập.

Vì nỗi lo sợ là một con trăn được nuôi dưỡng bằng những hành động kịch tính của nền dân chủ (theo nghĩa đen) để từ từ siết chặt con mồi. Nhưng nếu không có nỗi sợ, chủ nghĩa độc tài sẽ  nghẹt thở, và chính trò hề của những kẻ giả dối sẽ hiện hình như bản chất của nó.

Tác giả | Elisabeth Vallet là giáo sư nghiên cứu quốc tế tại CMR-Saint Jean Royal Military College Saint-Jean (thành lập năm 1952, đã hợp tác với Đại học Sherbrooke từ năm 1971 với sứ mệnh là đào tạo sinh viên sĩ quan quân đội Canada về mặt văn hoá) và là người viết tiểu luận, tác giả còn là giám đốc của đài quan sát địa chính trị của Raoul-Dandurand Chair.

© 2024 DCVOnline

Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net

________________________

Nguồn: La peur | Élisabeth Vallet | Le Devoir | 19 octobre 2024.
Ý kiến trong chuyên mục phản ảnh giá trị và quan điểm của tác giả chứ không nhất thiết là của Le Devoir. DCVOnline trình bầy.