Đông Nam Á chuẩn bị cho sự đe dọa đánh thuế nhập cảng của Trump

David Hutt |DCVOnline

Giới lãnh đạo Đông Nam Á đang chuẩn bị cho việc mức thuế nhập cảng có thể áp dụng và sự thay đổi liên minh của Hoa Kỳ sau khi Donald Trump tái đắc cử. Liệu sự trở lại của ông sẽ khiến rủi ro kinh tế gia tăng hay đem lại những cơ hội bất ngờ cho khu vực này không?

Donald Trump phát biểu trong một cuộc vận động tranh cử tại Madison Square Garden, New York
Nhiều công ty xuất cảng Đông Nam Á cho biết mức thuế nhập cảng mà Trump đe dọa có thể làm giảm lợi nhuận — gây thiệt hại đến việc làm, đầu tư và tăng trưởng trong tiến trình nàyẢnh: Andrew Kelly/REUTERS

Các nhà lãnh đạo Đông Nam Á đã cùng những đối tác khác trên toàn thế giới chúc mừng Donald Trump tái đắc cử tổng thống Hoa Kỳ, trong khi hồi hộp chờ đợi xem liệu mức thuế nhập cảng và những biện pháp bảo hộ mà ông hứa hẹn chỉ là đòn phép chính trị trong cuộc vận động tranh cử hay là dự báo chính xác về cách ông định điều hành đất nước.

Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. cho biết ông hy vọng “liên minh vững chắc” giữa hai đồng minh trong Hiệp ước Phòng thủ Chung sẽ tiếp tục “là một động lực vì điều tốt đẹp, mở ra con đường thịnh vượng và hữu nghị trong khu vực, và cả hai bên bờ Thái Bình Dương”.

Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim đã chúc mừng Trump về “sự trở lại chính trường đáng chú ý và chiến thắng”, trong khi Hun Manet, thủ tướng Campuchia, cho biết ông “tin tưởng rằng vai trò không thể thiếu của Hoa Kỳ trong việc thúc đẩy sự ổn định, an ninh và thịnh vượng sẽ được tăng cường hơn nữa.”

Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump với Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc – nhân vật lãnh đạo Đông Nam Á đầu tiên chúc mừng Trump vào năm 2016, bên trái – và Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte. Ảnh: picture-alliance/dpa/A. Harnik

Mối quan ngại về thương mại của Đông Nam Á

Trong cuộc vận động tranh cử của Hoa Kỳ, hầu hết người Đông Nam Á đều chú ý đến lời hứa trong cuộc vận động tranh cử của Trump về việc đánh thuế nhập cảng khoảng 10%-20% đối với mọi loại hàng nhập cảng vào Mỹ từ tất cả các quốc gia — một đề nghị đáng sợ đối với một khu vực phụ thuộc nhiều vào xuất cảng sang Hoa Kỳ.

Lê Hồng Hiệp, thành viên cao cấp trong Chương trình Nghiên cứu Việt Nam của Viện ISEAS – Yusof Ishak tại Singapore, nói với DW,

“Đông Nam Á đã có kinh nghiệm trước đây khi đối phó với Trump và chính quyền của ông, nghĩa là họ đã chuẩn bị để ứng phó với chính quyền Trump thứ hai.
Mặc dù chiến thắng của ông ấy có thể khiến một số quốc gia thất vọng, nhưng điều đó không có gì bất ngờ. Họ sẽ nhanh chóng thích nghi với thực tế mới và bảo vệ lợi ích của mình.”

Lê Hồng Hiệp


Bridget Welsh, người nghiên cứu danh dự tại Viện Nghiên cứu Châu Á thuộc Đại học Nottingham Malaysia, nói với DW rằng nhiệm kỳ tổng thống thứ hai của Trump sẽ ảnh hưởng đến mỗi quốc gia theo cách khác nhau, ở một số quốc gia ảnh hưởng tập trung hoàn toàn vào những khía cạnh thương mại.

Đối với những quốc gia khác, như Philippines, Malaysia và Việt Nam, sẽ có “rủi ro an ninh gia tăng”, vì quan hệ quốc phòng của Hoa Kỳ đóng vai trò trung tâm đối với an ninh của họ trong lúc sức mạnh kinh tế và quân sự ngày càng tăng của Trung Hoa.

Thời kỳ kinh tế hỗn loạn

Zachary Abuza, giáo sư tại Học viện Chiến tranh Quốc gia ở Washington, nói với DW rằng chiến thắng của Trump “ít có hậu quả” đối với Đông Nam Á hơn là đối với Châu Âu hoặc Đông Bắc Á, nơi các liên minh của Hoa Kỳ sẽ chịu áp lực đáng kể, đặc biệt là với Ukraine trong cuộc chiến chống lại cuộc xâm lăng đang diễn ra của Nga.

Nhưng giới nhà phân tích cho biết, Việt Nam nói riêng, nên rất lo ngại. Đây là quốc gia xuất cảng lớn nhất trong khu vực sang Hoa Kỳ và sau Singapore, là quốc gia phụ thuộc nhiều nhất vào thương mại để tăng trưởng kinh tế.

Trong nhiệm kỳ đầu tiên, Trump ban đầu có mối quan hệ tốt với Việt Nam. Tuy nhiên, mối quan hệ trở nên tồi tệ vào năm 2019 khi Trump ngày càng thất vọng với các quốc gia có thặng dư thương mại lớn với Hoa Kỳ. Năm đó, Trump gọi Việt Nam là “kẻ lạm dụng” thương mại của Hoa Kỳ tồi tệ nhất thế giới, tệ hơn cả Trung Hoa, vì thặng dư thương mại của quốc gia này với Hoa Kỳ ở mức khoảng 51 tỷ euro (54 tỷ đô la) vào năm đó.

Hoa Kỳ, Việt Nam thiết lập quan hệ đối tác trước mối đe dọa từ Trung Quốc | DW News

Trong những tháng cuối cùng, chính quyền Trump đầu tiên đã bắt đầu những thủ tục chính thức để trừng phạt Việt Nam vì cáo buộc thao túng tiền tệ, mặc dù chính quyền Biden đã từ bỏ chuyện này.

Hà Nội đã hồi hộp chờ đợi kết quả cuộc bầu cử của Hoa Kỳ, biết rằng thặng dư thương mại của họ với Hoa Kỳ đã tăng vọt lên 96 tỷ euro vào năm ngoái.

Nhưng hầu như mọi quốc gia Đông Nam Á khác cũng là nước xuất khẩu sang nhiều hơn nhập cảng từ Hoa Kỳ, vì vậy họ cũng sẽ phải đối đầu với hậu quả nếu Trump thực hiện lời đe dọa đánh thuế ở mức 10%-20% đối với hàng nhập cảng từ tất cả mọi quốc gia, ngoài mức thuế 60% đối với tất cả hàng nhập cảng từ Trung Trung Hoa.

Quan hệ Hoa Kỳ-Trung Hoa và Đông Nam Á

Tất cả những quốc gia Đông Nam Á, ngoại trừ Lào, đều coi Hoa Kỳ là một trong ba thị trường xuất cảng hàng đầu của họ.

Oxford Economics, một công ty tư vấn, gần đây ước tính rằng mức thuế nhập cảng mà Trump đề nghị có thể dẫn đến mức giảm 3% trong xuất cảng từ “những nước Á châu không phải Trung Hoa”, mặc dù nhữung nền kinh tế nghèo hơn ở Đông Nam Á có thể giảm nhiều hơn.

Những ảnh hưởng thương mại này có thể được cân bằng nếu Trump tham gia vào một cuộc chiến thương mại lần thứ hai thậm chí còn gay gắt hơn với Trung Hoa.

Frederick Kleim, nghiên cứu viên tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam ở Singapore, nói với DW,

“Đông Nam Á sẽ chịu thiệt hại về GDP và thương mại tính theo tỷ lệ GDP nếu Trump thực hiện đúng nỗi ám ảnh của ông ấy về việc đánh thuế nhập cảng.
Nhưng có lẽ ít hơn so với những khu vực khác trên thế giới, và Đông Nam Á cũng có thể thấy một cơ hội có thể đến.”

Frederick Kleim


Một số người bình luận cho rằng mức thuế 60% mà Trump đe dọa áp lên hàng nhập khẩu từ Trung Hoa có thể gây ra một làn sóng rút vốn khác của những công ty toàn cầu ra khỏi Trung Hoa, tương tự như làn sóng vốn tháo chạy khỏi Trung Hoa sau khi chính quyền Trump đầu tiên bắt đầu đánh thuế nhập cảng trên hàng hóa Trung Hoa vào năm 2018.

Một số quốc gia Đông Nam Á, đáng chú ý là Việt Nam và Malaysia, là những nước hưởng lợi lớn nhất từ ​​làn sóng đầu tư tháo chạy khỏi Trung Hoa trước đó.

Liệu Việt Nam có thay Trung Hoa trở thành xưởng máy của thế giới không?

Không khác nhau lắm

Giới phân tích mà DW đã nói chuyện đều đồng ý rằng mặc dù Trump là một tổng thống “trao đổi” hơn những người tiền nhiệm của ông, nhưng hoạt động ngoại giao như vậy là bình thường ở Đông Nam Á.

Vì hầu hết những quốc gia Đông Nam Á hầu hết là những chế độ độc tài htoàn diện hoặc, tốt nhất là, những nền dân chủ thất bại, nhiều người trong giới lãnh đạo trong khu vực có thể hoan nghênh chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ ít tập trung vào giá trị hơn. Kleim nói,

“Chúng tôi không có [nền dân chủ] ở nơi đây, chúng tôi không muốn áp dụng nó và chúng tôi không nghĩ về những vấn đề đối ngoại theo những điều khoản giá trị. Những quốc gia Đông Nam Á, nhìn chung, nghĩ theo hướng lợi ích quốc gia, giống như Trump.”

Một cuộc khảo sát được phúc trình rộng rãi về giới tinh hoa Đông Nam Á trong năm nay cho thấy, lần đầu tiên, những người được hỏi đã chọn Trung Hoa thay vì Hoa Kỳ nhiều hơn.

Chỉ có 49,5% số người được hỏi ủng hộ Hoa Kỳ trong Phúc trình về tình hình Đông Nam Á năm 2024 do Viện ISEAS-Yusof Ishak tại Singapore biên soạn, so với 61% vào năm 2023.

© 2024 DCVOnline

Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net

________________________

Nguồn: Southeast Asia prepares for Trump’s tariff threats • David Hutt • DW • November 8, 2024. Keith Walker biên tập.