Sinh viên VNCH du học Montréal (1)

Nguyễn Phát Quang

Sau bài viết, ‘Du hoc sinh VNCH Montréal – Một thời để nhớ’, Noel 2021 nhờ độc giả bổ túc và khuyến khích và đưa thêm tài liệu khiến tác giả phấn khởi viết tiếp bài này.

Còn chút gì để nhớ (Phần 1)

Lời mở đầu

Người viết xin cảm ơn những bậc đàn anh đã cho phỏng vấn, hình ảnh, và viết lời chia sẻ cùng khen tặng. Dịp này người viết cũng sưu tầm thêm một số dữ liệu sau 1975 và ngoài vùng Montréal.

Khuôn khổ của bài này cũng rộng hơn về cả hai mặt không gian và thời gian.

Vì trí nhớ của những bậc đàn anh và của chính người viết cũng phai mờ theo năm tháng, và vì cũng không phải là người viết chuyên nghiệp nên xin bạn đọc miễn thứ…

“Mời người lên xe về miền quá khứ
Mời người đem theo toàn vẹn thương yêu…”

(Nghìn trùng xa cách, Pham Duy)

Tôi phải ráng viết gấp bài này vì càng gặp đàn anh, với bạn bè chuyện trò hàn huyên càng thèm, càng tò mò tìm thêm tài liệu và buộc phải viết. Nếu không viết sớm sẽ không nhớ hết chuyện đã nghe và để lâu, tài liệu quá nhiều càng mệt. Ấy mới biết cái gọi là ‘lắm mồm lắm chuyện’ cũng có cái ích của nó.

1) Người Việt nơi xứ lạnh tình nồng

Trong bài trước, tác giả có kể đến những người Việt Nam tiên phong đến Québec/Canada như ông Phạm Nam Trường, Huỳnh Văn Lang, bà Martha Trần, Phạm thị Ngọc Lang vào những năm 1952/1953.

Nay có thêm những chi tiết thú vị khác.

Ông Maurice Chấn (dấu X). Ảnh gia đình Nguyễn Kim Hiền

Ông Maurice Chấn có lẽ là người Việt Nam đầu tiên đặt chân tới Québec. Ông từ Pháp qua. Tình cờ anh Phạm Nam Trường, sinh viên ‘Travaux publics et batiments’ (khoa Công chánh) gặp ông ở vùng Abitibi, 1000 cây số về phía bắc Montreal, khi anh làm việc hè về đường lộ ở đây vào khoảng năm 1954. Lúc gặp người Việt Nam, ông M. Chấn còn dùng chữ ‘Annamite’ để gọi người Việt Nam, hỏi thăm và ông cũng không rành tiếng Việt. Tên của ông lấy từ một người tàu chủ nhà hàng mà ông làm việc ở Drummondville, Maurice Chan. Tôi đã vài lần gặp 2 con gái lai của ông, độ 12 và 15 tuổi, khi ông dẫn hai cô đến trụ sở Sinh viên Montréal để làm quen và học tiếng Việt. Cũng nói thêm là anh Trường lúc làm việc ở vùng Abitibi này được sự giúp đỡ của những nữ tu và linh mục nên đã theo đạo Công giáo dù chị Trương Bảo Thư, phu nhân anh Trường thuộc gia đình Phật giáo thuần (Đức Âm). Tôi cũng có dịp hàn huyên với anh ở nhà thờ St.-Hubert Saint-Hubert, Quebec. Khoảng một tháng sau khi trở lại tỵ nạn ở Montreal vào năm 1975 thì anh được Thầy Roger Blais1, Giám đốc Nghiên cứu của trường Polytechnique (Kỹ sư hay Bách khoa Montreal), giới thiệu vào làm việc ở công ty điện lực Hydro Quebec tới khi về hưu khi gần 70 tuổi. Sau đó anh làm việc thiện nguyện giúp người già ở ‘Maison du père’. Anh cũng chỉ cho tôi liều thuốc đơn giản hiệu nghiệm mà anh dùng để trị bệnh tiểu đường là đi bộ thường xuyên.

Nguồn: Huỳnh Văn Lang

Trong “Ký ức Huỳnh văn Lang Tập 1” (2011), ông kể tới Canada và Ville de Quebec đầu năm 1951, do tình cờ gặp linh mục Larouche ở Anh quốc, thuộc dòng Chúa Cứu Thế Canada (Redemptoriste) đã sống 20 năm ở Việt Nam.

Đầu năm 1953 có hai linh mục (Sinh và xx) dòng Đa Minh (Dominicain Order) học Xã hội học và đầu năm 1954 có chị Phạm thị Tự từ Hà Nội sang. Ông cũng gặp anh Nguyễn văn Tùng, sinh viên đại học Montreal khoảng năm 1950 và anh Toàn cùng 3 sinh viên học và làm tại bệnh viện Thánh Tâm (Sacre Coeur) hè năm 1953. Ông cũng kể lại một chuyện ‘tình yêu trong sáng’ (‘amour platonique’) với bác sĩ Andrée B. Mastrofresco, người đã giúp đồng bào tỵ nạn Việt Nam từ 1975-1990 tại CLSC St Laurent, Montreal. Ông từng viết sách về nhiều đề tài khác nhau; năm 1957 ông cùng với ông Hoàng Minh Tuynh sáng lập tạp chí Bách Khoa, xuất bản mỗi tháng hai kỳ. Ông qua đời ngày 12 tháng 3 năm 2023, thọ 101 tuổi.

Hai người khác phải kể đến là Bà Nguyễn Kim Hiền, người đã cung cấp một số hình ảnh quí giá, và bác Đinh thị Thái đã tới Montreal tháng 6, 1953 để học ngành Điều dưỡng tại bệnh viện Thánh Tâm (Hopital Sacre-Coeur, Cartierville, Montreal).

Hai nữ sinh viên Điều dưỡng tại bệnh viện Thánh Tâm khoá 1953-1956 (Hopital Sacre-Coeur, Cartierville, Montreal). Ảnh gia đình Nguyễn Kim Hiền

Hai bác học trường dòng ở Hà Nội đã làm một hành trình dài từ phi trường Gia Lâm, Cát Bí, qua Karachi, Beirut, Orly rồi mới tới Dorval. Chương trình học 3 năm và có sự giúp đỡ giám mục Lê Hữu Từ ở Việt Nam(?)

Bác sĩ Đặng Phú Ân, Trưởng Khối Huấn Luyện Hậu Đại Học, Hội Y Sĩ Việt Nam tại Canada, Montreal cho biết trước đây, ông cũng được ông Nguyễn Khắc Minh (Gs Trưởng Khoa Gây Mê ĐHYK Saigon, đã khuất ở tuổi gần 90 tại Hoa Kỳ ) và ông Đào Hữu Anh (nay đã 90-91 tuổi, là cựu Khoa Trưởng ĐHYK Saigon, đang sống tại Hoa kỳ) kể lại cho nghe thời hai ông du học tại Montreal, Quebec, Canada vào những năm  cuối thập niên 50 và đầu thập niên 60. Lúc đó phố Tầu Montreal chỉ có một tiệm có thể mua được thực phẩm về nhà để tự nấu ăn… Hai vị đó chỉ ở Canada khoảng 2, 3 năm sau đó qua Hoa Ky học và tốt nghiệp chuyên môn như vậy cả tại Canada và Hoa Kỳ.

Anh Nguyễn Duy Khiêm có người bạn, anh Nguyễn Văn Bằng, người Huế em của một nữ tu sĩ ở Quebec, qua năm 1961 để học Y khoa tại Đại học Laval. Sau 4 năm, Bác sĩ Bằng ra trường và hành nghề ở Chicoutimi, Roberval, vùng Lac St-Jean.

Anh Lê Văn Thiện đã giúp điều chỉnh một chi tiết không đúng trong bài “Du học sinh VNCH Montréal – Một thời để nhớ” như sau: Phu nhân của hai anh Thiện và anh Thanh là chị em ruột có một người chị là nữ tu dòng kín ở Danville; hai chị không phải nữ tu xuất ở ở Danville. Dòng kín ở Danville không hề có nữ tu xuất. Những nữ tu Việt Nam hiện nay đều qua đời, số còn lại là người Québec đều dọn về Dolbeau.

Một số hình ảnh của gia đình sinh viên Nguyễn Kim Hiền

Những sinh viên Việt Nam đâu tiên du học tại Quebec, Canada
Buổi họp mặt sinh viên mới và cũ
Họp mặt cuối năm, 29 tháng 12 1956 tại Đại học Montreal
Từ trái: Nguyễn Kim Hiền, Lê Thiện Ngọ, Phạm Viết Bảng, Bùi Thiệu Tường, Tôn Thất Côn (1957)

2) Dòng Cát Minh (The Order of the Brothers of the Blessed Virgin Mary of Mount Carmel hay Carmelites hoặc vắn tắt là Carmel)

Nhờ có thêm tài liệu và hình ảnh, nghĩa là ‘có nghe nói’ ít hơn, kỳ này xin trình bầy rõ ràng hơn như sau.

Nhóm 1 gồm khoảng 10 nữ tu Dòng Kín từ Hà Nội (Đan viện Bùi Chu) tới Carmel de Montreal năm 1954, rồi 1957 về Carmel de Danville. Từ năm 2009 thì Đan viện Danville đóng cửa và dời vài nữ tu về Carmel de Dolbeau.

TU VIỆN: Xây lại vào năm 1891 sau một trận hỏa hoạn khủng khiếp trường trung/tiểu học Anh ngữ này được kiến ​​trúc sư Albert Poulain
thay đổi lại thành một tu viện vào năm 1957. Tu viện này tiếp nhận những nữ tu dòng Carmel, hầu hết họ đã bỏ chế độ cộng sản và
rời khỏi Việt Nam. Tu viện đã đóng cửa vào năm 2008 và nay là nhà tạp truc cho khách du lịch. Nguồn: The Carmel space/Eastern Townships Heritage Foundation (Lennoxville, Que.)

Đan viện Danville

Dòng Kín ở Danville. Nguồn: The Carmel space
Linh mục Aimée Đỗ Văn Thông và vài thành viên cộng đoàn công giáo Rive-sud đi thăm dòng kín Danville 2005. Tại đây có 3 nữ tu Việt Nam và 1 nữ tu Phi Luật Tân, và Mẹ bề trên Danielle. Nguồn: Ảnh gđ Huỳnh Tài Nhân
Dòng Kín ở Danville 2005. Nguồn: Ảnh gđ Huỳnh Tài Nhân

Tu viện Carmelite ở Dolbeau

Nhóm 2 di tản từ Hà Nội, ngày 24 tháng giêng 1951 gồm những nữ tu trẻ nhỏ, tới Carmel de Montauban rồi Carmel de Grasse, miền nam nước Pháp. Đến tháng 8, 1954 nhóm A gồm 6 nữ tu và nhóm B gồm 7 nữ tu tới Pháp và đến 26 tháng 5, 1957 mới dời về Dolbeau, Quebec (Canada), một vùng hẻo lánh, lạnh lẽo, ở vùng Lac St Jean, phía bắc tỉnh bang Quebec.

Tu viện Carmelite toạ lạc ba địa điểm khác nhau ở Dolbeau kể từ khi thành lập vào năm 1957. Tu viện đầu tiên (1957 đến 1961) ở ngay tại trung tâm thành phố, trên Đại lộ số 6, và khuôn viên được rào chắn hoàn toàn, thu hút sự chú ý và nổi bật ở khu phố. (Nguồn:
Nguồn: History Of The Carmel Of Dolbeau)

Tu viện thứ hai (1961 đến 1967) là nơi ở của những tu sĩ dòng Cát Minh, nằm ở lối ra Dolbeau hướng về Albanel, trên đại lộ Wallberg, trong một tòa nhà cũ cho đến khi họ xây một tòa nhà mới rất gần tu viện thứ hai này.

Tu viện Carmelite thứ hai (1961-1967) ở Dolbeau. Nguồn: History Of The Carmel Of Dolbeau

Hiện tọa lạc trên đại lộ Wallberg, tại lối ra Dolbeau-Mistassini hướng về Albanel, giữa đường khu vực và Sông Mistassini; từ đường dành cho xe đạp Véloroute des Bleuets cũng như từ xa lộ 169 người ta có thể nhìn thấy tu viện thứ ba của nữ tu dòng Carmel.

Tu viện Carmelite thứ ba (hiện nay) ở DolbeauNguồn: History Of The Carmel Of Dolbeau.

Vào ngày 24 tháng 5 năm 1957, 16 nữ tu sáng lập Dòng Carmel de Dolbeau-Mistassini đã đến Dolbeau sau khi di cư khỏi Việt Nam. Sống lưu vong ở Pháp từ năm 1954, do điều kiện chính trị họ đã đi tìm một vùng đất sẵn sàng đón nhận họ. Được sự giúp đỡ của cô Alice Dusseault, một người bạn lâu năm của Mẹ Bề trên Alice-Aimée Marin, cuối cùng họ đã tìm được một ngôi nhà ở Dolbeau. Dòng Carmel gồm 16 nữ tu, trong đó có 10 người Việt Nam, một người Mỹ gốc Pháp, một người Bỉ và bốn người gốc Pháp. (Nguồn: History Of The Carmel Of Dolbeau)

Những nữ tu sáng lập Dòng Carmel Dolbeau-Mistassini). Nguồn: History Of The Carmel Of Dolbeau
Những nữ tu tại Dolbeau-Mistassini khoảng 2019. Soeur Quỳ (đứng bìa trái); Soeur Anne-Marie (đứng thứ tư từ phải). Nguồn: History Of The Carmel Of Dolbeau

Dòng Kín tại Việt Nam | Được biết Dòng Kín Lisieux lập nhà đầu tiên ở Sài Gòn 1862, đối diện với Đại chủng viện Thánh Giuse trên đường Cường Để, hiện nay là Tôn Đức Thắng. Dòng Kín Sài Gòn lập Dòng Kín Hà Nội; Dòng Kín Hà Nội lập Dòng Kín Huế; Dòng Kín Huế lập Dòng Kín Thanh Hóa; năm 1954 Dòng Kín Thanh Hóa chuyển vào Nha Trang, v.v. Các nữ tu Cát Minh (Carmelite) sống suốt đời trong nội vi của đan viện, nên ở Việt Nam thường gọi là Dòng Kín. Mỗi đan viện thường có khoảng 30 nữ tu là con số lý tưởng; họ tự túc mưu sinh và cầu nguyện nhiều lần mỗi ngày.

Nhiều người đã đến các Dòng Kín để xin được những nữ tu cầu nguyện. Qua kinh nghiệm bạn bè và chính bản thân, người viết thấy cầu nguyện là việc rất ích lợi cho đời sống tâm linh. Những tôn giáo khác như Phật giáo, Hồi giáo, v.v. đều có cầu nguyện.

Khi tra cứu tài liệu về Dòng Kín cho bài viết này tôi thực sự xúc động mạnh với những hy sinh to tát, cả đời người của nữ tu Dòng Kín.

Di tản từ Hà Nội.(Nguồn: History Of Our Foundation)
Tự túc mưu sinh: những nữ tu Việt Nam không quên chiếc nón lá quê hương (Nguồn: History Of Our Foundation)
Soeur Quỳ. (Nguồn: History Of Our Foundation)
Soeur Anne Marie. (Nguồn: History Of Our Foundation)

(Còn tiếp)

Sinh viên VNCH du học Montréal (2)

© 2024 DCVOnline

Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net

________________________

Nguồn: Bài của tác giả | DCVOnline hiệu đính, hoàn chỉnh hình ảnh, trình bầy và phụ chú

1 Roger A. Blais (1926-2009), gia nhập Polytechnique Montréal vào năm 1961 và trở thành Giáo sư thực thụ tại Khoa Kỹ sư Địa chất (Mỏ/Khai khoáng). Ông tham gia Viện Mỏ, Luyện kim và Dầu hoả Canada, Hội Địa chất Canada và Nhóm nghiên cứu Khoa học Trái đất rắn của Hội đồng Khoa học Canada. Năm 1970, ông trở thành Giám đốc Nghiên cứu đầu tiên của trường Polytechnique. (Nguồn: Roger A. Blais – Order of Academic Palms – Ministry of National education (France))