Việt Nam lập kế hoạch thu gọn để hợp lý hoá bộ máy hành chánh

David Hutt |DCVOnline

Việt Nam đang lên kế hoạch đầy tham vọng để cải cách bộ máy hành chánh, cắt một số bộ, cơ quan và đài truyền hình nhằm giảm bớt độ quan liêu và tăng phát triển. Những thay đổi gây gián đoạn ngắn hạn nhưng có thể mang lại lợi ích lâu dài.

Lễ khai mạc kỳ họp Ban Chấp hành Trung ương ĐCSVN tại Hà Nội, Việt Nam, ngày 14 tháng 12 năm 2020

Một số trong giới phê bình lo ngại những biện pháp này có thể chỉ củng cố quyền lực mà không giải quyết được những vấn đề mang tính hệ thống côt lõi hơn.

Chính phủ cộng sản Việt Nam có kế hoạch thu gọn triệt để bộ máy hành chánh trong những tháng tới, giảm số cơ quan chính phủ từ 30 xuống 21 trong một sự kiện được coi là một “cuộc cách mạng” cơ chế.

Những cải cách đã đề nghị sẽ hợp nhất một số bộ quan trọng, gồm tài chính và đầu tư, đồng thời giải thể những ủy ban do Đảng Cộng sản Việt Nam (VCP) và những tổ chức truyền thông nhà nước điều hành.

Ngày 25/11, Ban Cháp hành Trung ương Đảng đã phê duyệt dự án này. Những cải cách dự tính ​​sẽ hoàn tất vào tháng 4 năm 2025, lúc đó Việt Nam chỉ còn 13 bộ, 4 cơ quan cấp bộ và 4 cơ quan chính phủ khác.

Chủ tịch nước Tô Lâm tại Phủ Chủ tịch ở Hà Nội, Việt NamChủ tịch nước Việt Nam Tô Lâm tại Phủ Chủ tịch ở Hà Nội, Việt Nam

Tô Lâm bắt đầu cuộc cải tổ khoảng một năm trước Đại hội Đảng Cộng sản 2026 để quyết định có bổ nhiệm ông vào chức vụ hiện tại hay không

Những thay đổi nào trong kế hoạch?

Một trong những thay đổi quan trọng nhất liên quan đến việc Bộ Tài chính sáp nhập với Bộ Kế hoạch và Đầu tư để thành lập một “siêu bộ” mới gọi là Bộ Tài chính và Kế hoạch Quốc gia.

Ngoài ra, truyền thông nhà nước Việt Nam còn đưa tin Bộ Giao thông vận tải sẽ sáp nhập với Bộ Xây dựng, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội sẽ sáp nhập với Bộ Nội vụ.

Đảng Cộng sản và Quốc hội cũng sẽ tiến hành tái cơ cấu. Chẳng hạn, Ủy ban Đối ngoại Trung ương và Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội sẽ sáp nhập vào Bộ Ngoại giao.

Thấp hơn nữa, một số cơ quan truyền thông nhà nước, phần lớn là đài phát thanh, sẽ bị giải thể, nhân viên của họ sẽ được chuyển sang những tổ chức thông tin lớn hơn.

Mặc dù số liệu cụ thể chưa được tiết lộ nhưng độ cắt giảm cho thấy hàng ngàn công chức có thể bị ảnh hưởng.

Những vụ sáp nhập như vậy không phải là chưa từng có ở Việt Nam cộng sản, chính phủ ởddaay đã liên tục giảm số bộ từ 36 vào đầu những năm 1990 xuống còn 22 vào năm 2021.

Tuy nhiên, giới phân tích lưu ý rằng tầm mức và tốc độ của cuộc cải cách lần này là rất lớn, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Tô Lâm coi quá trình này là một “cuộc cách mạng” cơ chế.

Nguyễn Khắc Giang, một thành viên thỉnh giảng tại Viện ISEAS Yusof Ishak cho biết, những mục tiêu chính là “hiện đại hóa bộ máy nhà nước của Việt Nam, giải quyết những vấn đề thiếu hiệu quả dai dẳng cản trở quản lý và tăng trưởng kinh tế, đồng thời thu gọ bộ máy quan liêu cồng kềnh.”

Ông nói thêm, nếu làm đến nơi đến chốn, những cải cách này có thể tạo dựng Tô Lâm, được coi là chính khách quyền lực nhất Việt Nam, và di sản của Thủ tướng Phạm Minh Chính “là những nhân vật cải cách có định hướng hành động”.

Những thách thức kinh tế

Trong cuộc họp Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam tháng trước, Tô Lâm gọi những thay đổi là một sự cần thiết về mặt kinh tế, mô tả những cơ chế hiện tại là “nút thắt cổ chai”, đồng thời nói thêm rằng những cải cách nhằm mục đích làm cho chính phủ “gọn, chắc, mạnh, hiệu quả, có kết quả và có ảnh hưởng.”

Nguyễn Đình Cung, nguyên Giám đốc Viện Quản lý Kinh tế Trung ương, một trong những viện nghiên cứu quốc gia chính của Việt Nam, được truyền thông nhà nước Việt Nam trích dẫn trong tháng này nói rằng những cải cách sẽ cải thiện hiệu quả kinh tế một cách đáng kể.

Ông nói: “Một dự án đầu tư có thể mất nhiều năm để hoàn thành những thủ tục. Khi thủ tục hoàn tất, cơ hội kinh doanh có thể đã trôi qua và sẽ phải xem lại kế hoạch ban đầu.”

Việc hợp lý hóa những bộ và ủy ban sẽ giảm bớt những thủ tục giấy tờ về đầu tư cũng như những chương trình cơ sở hạ tầng và bất động sản, Cung lưu ý và nói thêm rằng nó cũng sẽ giải quyết một số chồng chéo về mặt cơ chế đang kéo chính phủ đi theo hướng ngược lại: “một yêu cầu bạn phải đi bên phải trong khi người khác yêu cầu bạn đi bên trái. Đây là vấn đề thường thấy.”

Những cải cách này diễn ra trong khi Hà Nội lo ngại về tốc độ thay đổi kinh tế.

Là một nền kinh tế phụ thuộc vào xuất cảng, Việt Nam phải đối phó với sự không chắc chắn về mối quan hệ thương mại với thị trường lớn nhất là Hoa Kỳ, vốn đã trở nên căng thẳng trước nhiệm kỳ tổng thống sắp tới của Donald Trump.

Trump đã đe dọa đánh thuế nhập cảng toàn bộ 10% -20% đối với tất cả hàng nhập khẩu và trước đó đã coi Việt Nam là “kẻ lạm dụng tồi tệ nhất” thương mại của Mỹ do thặng dư lớn, đã tăng ồ ạt kể từ năm 2019.

Nguyễn Hồng Hải, Giảng viên cao cấp tại Đại học VinUni lưu ý, 40 năm sau khi áp dụng nguyên tắc thị trường tự do, Việt Nam hiện là quốc gia có thu nhập trung bình thấp và được quốc tế coi là hình mẫu phát triển.

Tuy nhiên, “khuôn khổ cơ chế của nó được coi là ‘nút cổ chai’ cản trở sự phát triển kinh tế hơn nữa, và theo mọi dấu hiệu, Việt Nam lẽ ra phải phát triển nhanh hơn và đứng ở mức độ phát triển cao hơn.”

Củng cố quyền lực


Những cải cách cũng có khía cạnh chính trị. Tô Lâm trở thành tổng bí thư vào tháng 8 sau cái chết của người tiền nhiệm. Nguyễn Phú Trọng đã thay đổi Việt Nam cộng sản bằng chiến dịch “đốt lò” chống tham nhũng.

Trước đây là Bộ trưởng Bộ Công an, Tô Lâm đã tích lũy quyền lực đáng kể nhờ đi đầu trong những nỗ lực chống tham nhũng. Kể từ năm 2021, những công chức của Bộ Công an, quân đội và công an ngày càng chiếm đa số ghế trong Bộ Chính trị, cơ quan quyết định cao nhất của ĐCSVN.

Sau khi lên đến chức vụ cao nhất của đảng, Tô Lâm tiếp tục củng cố quyền lực, dẫn tới cáo buộc có khuynh hướng độc tài. Đầu năm nay, ông đã có thời gian ngắn giữ cả hai chức vụ lãnh đạo đảng và chủ tịch nước, một sự tập trung quyền lực gần như chưa từng có ở Việt Nam.

Thời điểm của những cải cách này rất quan trọng, diễn ra chỉ một năm trước Đại hội Đảng Cộng sản năm 2026, ở đó vai trò lãnh đạo của Tô Lâm sẽ được phê chuẩn. Trong khi hầu hết những người trong giới phân tích cho rằng ông sẽ giữ một nhiệm kỳ tổng bí thư khác, thì vẫn có những ý kiến ​​bất bình trong nội bộ đảng.

Một số trong giới quan sát nhận thấy sự tương đồng giữa cải cách cơ chế của Việt Nam cộng sản và kế hoạch cải tổ chính phủ Mỹ của chính quyền Trump sắp tới. David Brown, cựu chuyên gia ngoại giao Mỹ tại Việt Nam, cho biết cách thu gọn chính phủ của Trump nhằm mục đích “củng cố quyền kiểm soát chính phủ của ông.”

David Brown nói thêm, t128ương tự như vậy, Tô Lâm “có ý định cơ cấu những người mà ông tin tưởng vào những công việc quan trọng”, đặc biệt nếu việc đó đi đôi với việc cải cách cơ cấu chính phủ đã quá hạn lâu nay,

© 2024 DCVOnline

Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net

________________________

Nguồn: Vietnam plans bold reforms to streamline ministries | David Hutt | DW | 2/17/2024