Một mẩu chuyện về Đồi 31 (p4)
Phan Hội Yên
Máu lính tế thần đã dâng cao hơn hoạn lộ, để cho bước chân của Tổng thống Nixon trên Vạn lý Trường thành bớt gập ghềnh khúc khuỷu.
Ngọn đồi vĩnh biệt
Tôi vẫn có thói quen, vài ba lần một ngày, nhảy qua tần số Đại đội để nghe ngóng, và tối nay, cũng trong dịp tình cờ như thế, tôi đã nghe đích thân Hồng Thiếp của 32 báo về Tiểu Đoàn những tin tức không mấy lạc quan. Cuộc chuyển quân của địch đã đột ngột dừng lại trước vị trí của đơn vị anh không đầy năm trăm mét, bầy sói đang ở tuyến tấn công. Đại đội 32 đang căng thẳng trong một mệnh lệnh cứng ngắc của tiểu đoàn, “chận chúng lại.” Tôi bỗng cảm thấy thương Thiếp vô cùng.
Khi còn chung một đại đội, anh là nỗ lực chính thường trực của đơn vị, qua hai đời đại đội trưởng, trong khi bọn tôi “nhái lặn chà quơ” thì Trung đội ba của anh gánh gần như hết gánh nặng của Đại đội. Lính lác rên rỉ…Sao cái gì cũng thằng Ba…mở đường, Ba, đột kích! Ba, tuần thám! Ba…Cũng chịu thôi, đã gần như một quy luật bất thành văn của đơn vị; Thiếp xuất thân khóa 22A Võ Bị, khi tôi về Đại Đội thì anh đã là Thiếu Úy trải qua Mậu Thân khói lửa…Đồng Ông Cộ, ngã năm Bình Hòa, An Nhơn…Bà Điểm. Đã từng đổ quân đánh úp tái chiếm đồi 1416, rồi dẫn đầu đoàn quân cùng đơn vị đánh một trận phản phục kích xe tuyệt đẹp trên quốc lộ từ Dakto Tân Cảnh về Kontum, bề dày trận mạc của anh làm cho thượng cấp yên tâm phần nào trước những lựa chọn gay gắt.
Khi chúng tôi, ba đứa, On, Hàm và tôi, cùng khóa 26 Thủ Đức bò lên Thiếu Úy thì anh đã là Trung Úy, vẫn chia nhau 4 Trung đội của Đại Đội 33, cùng mày tao chi tớ, cùng bàn bạc rượu chè, cùng mượn qua mượn lại năn ba ngàn mỗi khi cháy túi.
Trong cuộc hành quân Toàn Thắng 70, Khinh Kha của Đại Đội 32 bị thương, ngay lập tức, anh được đưa lên nắm Đại Đội. Chúng tôi vui mừng chia xẻ với anh niềm hân hoan trong trọng trách mới, và tự nhiên, không còn bông đùa bỡn cợt, dù anh vẫn thế, thân mật lắm cũng chỉ gọi nhau bằng ông ông, tôi tôi. Anh đi, gánh của anh ở Đại Đội về phần tôi vác, khóa của anh đến Tiểu Đoàn 6 người nay chỉ còn lại mình anh. Khóa của tôi trình diện Tiểu Đoàn 8 đứa, ba năm sau nhìn lại, chỉ còn một mình tôi may mắn…
Nay anh đứng trước một thử thách nghiêm trọng, mà tài trí, dũng cảm không có khả năng thay đổi được tình thế. Đây là nội dung đoạn âm thoại tôi đã nghe đêm qua giữa Hồng Thiếp, Đại Đội Trưởng Đại Đội 32 và 00 (Bộ chỉ huy tiểu đoàn). Xin được viêt lại bằng bạch văn:
– 09 đây 02!
– 09 nghe
– Cua bò gần tôi quá, xin không kích.
– Có thấy nó không? Bao nhiêu con?
– Chỉ nghe tiếng máy, khoảng chừng 15 con có đèn.
– Loại gì?
– Không rõ!
– OK, không quân đang đến, bằng mọi giá, giữ vững vị trí, chận nó lại cho đến sáng mai, sẽ có tăng viện cho anh.
– Nhận rõ!
Tôi vội vã trở về tần số nội bộ khi phía Tây Nam, hướng Đại Đội 34 chợt rộ lên tiếng súng.
Lệnh báo động đã được phát ra từ chiều, nay được dồn dập nhắc lại, chúng tôi đã sẵn sàng trên chiến hào cho một trận sống mái.
Tôi biết, Thiếp cũng như tôi và tất cả sĩ quan trong đơn vị đều hiểu rõ, khả năng tăng viện cho chúng tôi không còn hiện thực, khi đơn vị trừ bị chính của Lữ Đoàn đã được vội vã ném vào Thái Thanh và thiệt hại khá nặng. Như thế chỉ còn trông chờ viện binh từ một đơn vị ngoài binh chủng, mà hy vọng này lại còn mong manh hơn khi từ hậu cứ những tin đồn về sự mâu thuẫn gay gắt giữa các vị Tướng Tư Lệnh Sư Đoàn với nhau, và với Tướng Tư Lệnh Quân Đoàn về sự khác biệt của quan điểm chiến thuật, chiến lược, hệ thống chỉ huy, v.v. Những tin đồn đó, đã theo các chuyến bay tiếp tế vào tận tâm can những người lính đang trải thân ngoài mặt trận. Hơn nữa, lực lượng địch đã tập trung với quân số đông đảo, hỏa lực vượt trội – gồm hai Trung Đoàn Bộ Binh, phối hợp với chiến xa và đại pháo, mở một trận thế hoàn toàn mới mẻ về chiến thuật, quyết đánh chiếm căn cứ 31, thì việc ném thêm một hay hai Tiểu Đoàn (khả năng có thể có) của ta vào trận địa, không có vũ khí cũng như kinh nghiệm chống chiến xa, chỉ là hạt muối bỏ biển. Từ trước đến nay, chúng tôi đã phải tăng viện hết nơi này đến nói khác khắp 4 vùng chiến thuật, đem ít nhiều hy vọng đến cho đơn vị bạn trong cảnh ngặt nghèo cô thế, nay canh bạc như đã đến hồi tháu cáy, biết có còn ai chia được lửa với chúng tôi?
Pháo đội B3 bắn dữ dội lên tọa độ địch tập trung quân, dù chỉ còn ba khẩu đội không nguyên vẹn. Tôi tìm gặp Già Sâm, Hạ Sĩ Nhất Chính và anh em trên tuyến chiến đấu, M72 còn 8 trái cho cả Trung đội. Trên đường tiếp cận từ bãi trực thăng lên căn cứ, chúng tôi hy vọng có thể chận xe tăng địch khi chúng bắt đầu ngóc lên triền đồi, không loại trừ yếu tố bộ binh tùng thiết, đề nghị đại đội cho rút toán tiền đồn của Hạ Sĩ Nhất Muôn về, để tăng cương tuyến phòng thủ, vì ở đó Muôn không đủ khả năng cầm cự, khi địch đã vượt qua được Đại Đội 32 hiện đang ở xa Muôn hơn một cây số về phía trước. Đề nghị không được chấp thuận, tôi thông báo cho Muôn đầy đủ tình hình, và điều tôi chỉ có thể truyền đạt cho anh là điệp khúc “cẩn thận, cẩn thận” quá ư thừa thãi như tôi đã nhận từ đại đội. Tôi hỏi:
– Muôn có ý kiến gì không? Có cần gì thêm không?
Hỏi cho có hỏi vậy thôi, chứ khả năng trung đội không còn gì để giúp Muôn bớt cô quạnh. Anh chàng còn xổ nho chùm làm tôi nổi quạu… “cái tật không bỏ…nan ư thượng thanh niên cái con khỉ gì giờ này nữa cha nội.” Tôi nói xa nói gần cho Muôn hiểu, tùy theo tình hình, anh có quyền quyết định.
Thượng sĩ Đàng nhắc chúng tôi giữ lấy bên mình mỗi người một khẩu phần gạo sấy phòng khi thất thế; điều này tôi đã nghĩ tới nhưng không dám nói ra, nhất là không dám truyền đạt cho trung đội ý nghĩ bi thảm đó; cảm ơn Thượng Sĩ đã nhắc nhở.
Tôi ngồi với Yến bên cạnh cây M60 chong xuống sườn đồi, mù tênh sương khuya trên những ngọn núi im lìm bóng tối, cái lạnh thấm vào gan ruột đang bồn chồn chờ sáng; từng đám lửa bập bùng bên những triền núi đã cháy lên từ bom đạn, bập bùng bập bùng, mang tôi về hồi ức xa xăm của những ngày thơm ngát mùi phượng vỹ, hai bờ sông rực rỡ nắng hanh vàng.
***
Tôi chân ướt chân ráo đeo bảng hiệu đoàn với chữ QH nằm giữa ba gạch ngang, mặt câng câng tưởng mình là cái rốn của vũ trụ khi có dịp cùng đám con gái trường bên tụ tập trong chương trình văn nghệ của hai trường sẽ được tổ chức ở rạp Hưng Đạo. Khả năng văn nghệ đầy mình của tôi dĩ nhiên được trọng dụng. Tôi được phân hai vai trong chương trình, vai thứ nhất là hát trong giàn đại hợp xướng, bài hát “Lửa Rừng Khuya” do tác giả là thầy Văn Giảng soạn hòa âm và tập dợt. Ôi! Chuyện dễ ẹt, tôi tự nhủ. Chỉ cần đứng đó nhóp nhép miệng cũng hoàn thành nhiệm vụ, khoái nhất là được nhìn đám con gái đang đổ mồ hôi hột vì tập hát. Con Cẩm Tú, con Thục Đoan, con Khánh Vỹ, con Phùng Nga, con Vân Nghê…mấy đứa này mới học đệ ngũ đệ tứ mà bày đặt điệu bộ, ngày thường dễ gì nói được với tụi nó vài câu? Ngay cả lúc cùng đợi, cùng chung một chuyến đò ngang đi học, tụi hắn cũng chúi vào nhau rúc rúc rích rích; đám con trai chúng tôi dáo dác ngó lui ngó tới, không biết có thằng nào mặc quần thủng đít, nay tụi nó đứng đó, miệng méo qua méo lại, đầu lắc lư như bà bóng, gân cổ nổi xanh lè theo cao độ của điệp khúc…
“Ta ngồi trong ánh mắt sương đêm, ta cùng cất cao lời nguyền, thề đồng tâm ta quyết thờ sông núi, đem vinh quang xây đắp ngày tươi mới,ơ ờ ơ…u ù u.”
Cái chỗ ờ ơ ù u này mới ăn tiền, nhất là khi thầy ra ngoài giao lại cho thằng Thắng trưởng ban, đến ngay lúc cần mở miệng để ù u ờ ơ thì thằng Tuế lôi trong túi ra một…trái chanh, hắn tỉnh bơ vân vân vê vê trên tay, làm như vô tình vô ý, thế là cả đám con gái háu ăn chú mục nhìn vào tay hắn, nuốt nước bọt ừng ực, ù u ờ ơ trở thành ậm ậm ừ ừ…
Xong tập hát, tôi lại chạy xuống phòng khác nhập một vai quan trọng trong vở kịch “Thành Cát Tư Hãn” của kich tác gia Vy Huyền Đắc; vai này nếu không có tôi, thì vở kịch trở nên thiếu trước hụt sau, chứ sao? Thử hỏi mỗi lần Đại Đế nổi trận lôi đình, ra oai “Quân bây!” mà không có tôi dõng dạc “Dạ” một tiếng rõ to thì còn gì là Đại Đế, đó là chưa kể nhiều lúc tập lui tập tới quá mệt, Đại Đế vẫn cứ lụp chụp trong động tác đỡ cái ngã tuyệt vời của Công chúa thành Tây Hạ, đang đau đớn trước cảnh nước mất nhà tan. Ngài thấy tôi đứng xớ rớ bèn bán cái… “Quân bây! Đỡ công chúa cho ta!” tôi nhào vô đỡ liền sau khi “dạ” thật to theo quân lệnh, mặc cho Công chúa Tây Hạ, bà chằng lửa cùng xóm, học chung lớp với tôi mấy năm Tiểu học, tròn mắt nạt… “Quân! không được hỗn!”
Vậy đó, mà buổi trình diễn văn nghệ của hai trường thành công ngoài sức tưởng tượng. Vé bán hết trước đó cả tháng, tôi chẳng bao giờ quên được tiếng hát ngọt ngào của chị Túy Vịnh “Nhìn những mùa thu đi” khơi giòng cho nhạc Trịnh Công Sơn ra biển nhớ. Và tươi trẻ của tam ca “Đêm đô thị” được biến tấu theo điệu twist đang thịnh hành của những năm 62, 63 (hình như có công chúa Tây Hạ trong ban tam ca này); không kể cái đinh của chường trình là vở kịch kinh điển, chúng tôi đã ứa nước mắt khi cả rạp hát cùng đứng dậy vỗ tay sau màn đại hợp xướng của gần năm, sáu mươi nam nữ học sinh của hai trường, dưới quyền điều khiển của Nhạc sĩ Văn Giảng, giáo sư dạy nhạc của chúng tôi. Bài hát trầm hùng sau này vẫn theo mãi tôi trên bước đường hành quân xuôi ngược…
“Mờ sương rơi mênh mông, âm u ngàn gió lá. Khuất bóng ánh trăng sao, ngồi quanh hơi núi giá. Ta khơi lửa hồng bập bùng bập bùng trong đêm thâu…”
***
Bập bùng bập bùng trong đêm thâu. Lửa rừng đêm bây giờ không còn là lời mời gọi của một thời lãng mạn, hiền hòa mơ ước, rừng núi đã cháy lên dữ dội, thiêu đốt hàng hàng lớp lớp thanh niên trai tráng buồn bã xếp bút nghiên theo tiếng gọi non sông. Những Tú, những Đoan, những Khánh Vỹ…ngày nào giờ có người đã trở thành góa bụa vừa qua tuổi hai mươi son trẻ.
Tiếng súng lại rộ lên, cùng lúc địch bắt đầu pháo kích mạnh mẽ vào căn cứ, tôi nhảy xuống hầm áp ống nghe vào tai. Đại đội cho biết ba toán tiền đồn của đại đội 34 đang bị tràn ngập bởi bộ binh địch. Ngay lúc đó hướng Bắc của 32 cũng đang bị xe tăng địch công kích, cuộc tấn công đã bắt đầu, hình như hôm đó, rạng sáng ngày 25 tháng Giêng năm 1971.
Các Đại Đội ngoại vi thúc thủ trước quân số quá đông đảo của đối phương trong khi còn phải chật vật đối phó với chiến xa đang tràn lên như chỗ không người, nên Đại Đội 32 được lệnh rút nhanh về căn cứ 31 để bảo toàn lực lượng, riêng Đại Đội 34 rút về chân đồi phía Đông.
Thế nhưng, trước khi 32 về đến căn cứ thì chiến xa địch đã lổm ngổm bò lên vị trí của Muôn, và phần việc của chúng tôi đã tới. Tôi nhìn thấy tổ tiền đồn bắng trúng đích một chiếc, cụm lửa vàng khè lóe lên, phủ trùm khói đen trên mục tiêu. Khói tan, chúng tôi tưởng như nằm mơ, chiếc xe tăng vẫn chậm rãi tiến tới, nòng đại bác trên chiến xa vẫn khạc lửa dữ dội vào tuyến phòng thủ căn cứ. Muôn cố gắng bắn thêm hai trái nữa vẫn vô hiệu, anh xách súng dẫn đồng đội lăn xuống triền đồi khi thêm sáu chiếc nữa cùng với bộ binh địch hò hét áp đảo tràn lên vị trí, chúng tôi hướng tất cả hỏa lực bắn che cho Muôn và một vài toán của Đại đội 32 rút về căn cứ, cùng lúc đó hai chiến đấu cơ A-4 Skyhawk của Thủy Quân lục chiến Mỹ và một phi tuần trực thăng võ trang Cobra xuất hiện, oanh tạc mạnh mẽ vào đội hình tấn công của địch.
Tất cả hỏa lực của chúng tôi, cùng với một khẩu đội B3 trực xạ cận phòng và các tuyến tiên liệu được các pháo đội khác ở căn cứ A Lưới, 30 bắn yểm trợ đã tạo nên một hàng rào lửa vững chắc, chặn hết lực lượng xung kích của bộ binh địch ngay tại vị trí cũ của Muôn. Xác địch ngã trên triền đồi, lăn xuống vực thẳm, ngổn ngang như những khúc gỗ từ một khu rừng vừa đốn vội, chưa bao giờ chúng tôi phải bắn nhiều như thế. Hai khẩu M60 đã thay nòng liên tục, quạt từng giây đạn quét phủ lên mặt trận. Phải nói Yến bắn đại liên thật tài, chân hai càng được xếp gọn, nòng súng tựa hờ lên công sự tạo một tầm chuyển dịch rộng lớn và dễ dàng cho xạ trường, để từ đó phủ gọn tuyến tiếp cận của địch dưới tầm khống chế của con gà nòi dũng mãnh.
Mất sự hướng dẫn của bộ binh, chiến xa địch khựng lại; hình như họ muốn chỉnh lại đội hình cho một đợt xung phong khác với hơn mười chiếc đã ở trong tầm quan sát mà chúng tôi nhìn thấy. Ngay lúc đóm hai chiếc Skyhawk nối đuôi xà xuống sau trái khói chỉ điểm, từng trái napal hừng hực xé gió quăng xuống mục tiêu chính xác, dũng cảm, mặc cho hỏa lực phòng không đạn chi chit phủ kín đường bay. Trận địa địch bùng lên trong cánh rừng xăng đặc, hai chiếc xe tăng tiền kích ngập trong khói lửa bốc cháy dữ dội, lính xe tăng nhảy ra khỏi xe, người cháy phừng như ngọn đuốc, lăn lộn, quơ quào rồi ngã gục theo tiếng nổ bung của chiến xa trúng đạn. Lên tinh thần, Khinh binh Thông cùng với ba chiến sĩ khác băng vọt ra khỏi chiến hào, chạy nhanh xuống lưng chừng đồi, cõng về được hai thương binh của 32 và một của chúng tôi từ tổ tiền đồn rút về, nửa đường bị trúng đạn. Hạ sĩ Nhất Muôn đã tử trận tại vị trí đó.
Trận chiến vô cùng ác liệt, tất cả các sự kiện đã, đang và tiếp tục được mô tả, gần như diễn ra cùng một lúc, dồn dập, chồng chéo lên nhau, đan chặt vào nhau rồi như bị một sức mạnh vô hình xé bung ra trăm ngàn mảnh. Người viết, dù đã tận mắt chứng kiến, đã là một chiến binh trực tiếp chiến đấu trong những giờ phút gian nguy đó, vẫn không tài nào lột tả hết được tất cả mọi diễn biến hung bạo, tàn khốc của chiến trận..
Trung đội của chúng tôi đã chiến đấu, trước hết và duy nhất chỉ là vì sự sống còn của bản thân, phải lấy hết sức mình đương cự lại những bước chân của tử thần đang lần lượt gọi tên từng mạng sống. Không còn con đường nào khác, không ai là anh hùng, không ai là dũng sĩ, không ai muốn “Anh dũng hy sinh” mà vẫn phải chết như rơm như rạ.
Lợi dụng lúc thưa tiếng súng, tôi nhổm dậy luồn theo giao thông chạy dọc tuyến Trung đội, kiểm điểm lại lực lượng. Toán tiền đồn sáu người chỉ về đến được ba, hai người chết tại vị trí, Muôn lại đã để nỗi ước mơ bình thường của mình vỡ vụn từ sau lưng ra trước ngực trên đường về, và ngay tại tuyến, một vị trí trúng đạn từ chiến xa địch, một chết. Cái chết của người lính tử trận giống nhau từ thiên cổ, không phân biệt bên này hay bên kia chiến tuyến, cũng đen đủi đau đớn, cũng co quắp quằn quại, tay bấu chặt lấy mặt đất như không đành lìa nỗi bọt bèo của cuộc sống…
Trong khi phía chúng tôi, áp lực địch tạm thời giảm nhẹ tuy họ vẫn còn ở đó, thì phía bên kia, tuyến phòng thủ của Trung đội 3 lại vô cùng nguy khốn. Toán tiền đồn năm người của trung đội, do một binh nhất khinh binh chỉ huy, tại một chỏm đồi thấp hướng Tây Nam căn cứ vừa bị tràn ngập, sau khi đã chiến đấu đến người lính cuối cùng, ngoan cường, đẩy lui bốn đợt xung phong của địch, tôi đã nghe trong máy tiếng gào khàn khàn tuyệt vọng lồng trong tiếng súng vang trời của những người quyết tử của truyền thống một đổi năm, mười nếu chẳng may thất thế. Không cường điệu chút nào khi tuyên dương họ như những anh hùng đã chết trong vinh quang, danh dự khi địch tràn lên vị trí bằng không biết bao nhiêu xương máu đánh đổi.
Ngay tại vị trí này, địch nhanh chóng bố trí một cụm hỏa lực mạnh mẽ gồm 2 cây 82 ly không giật và một 12ly8 vừa phòng không, vừa bắn trực diện, khống chế trọn vẹn vị trí của Trung đội 3. On la chói lói trên máy để xin lệnh Đại Đội…nó bắn quá chịu hông nổi, sập bốn hầm chết hết rồi. Đại đội lại gọi tôi, hỏi có tăng cường cho 3 được không? Tôi báo cáo tình hình trên tuyến của mình và đoán chắc hướng tấn công chính là ngay tại nơi đây, tại tuyến của chúng tôi, khi phía trước không phải là năm hay sáu chiến xa, con số đã trên mười chiếc đếm được và vô số bộ binh địch đang lúc nhúc dưới những cành lá ngụy trang.
Pháo địch vẫn rót tràn đều lên vị trí, san bằng, vạt thẳng tất cả mọi thứ. Có điều bây giờ chúng tôi không còn lo lắng, vì không còn phân biệt được đâu là pháo phe ta, đâu là “cà nông” phe địch trừ khi nó nổ. Đã nổ rồi thì phận ai nấy biết. Đỉnh đồi trở nên bằng phẳng, và hình như đã thấp hơn phần nào so với khi chúng tôi vừa mới đến, nhờ thế chỉ cần quay lưng nhìn về phía thằng 3, chúng tôi cũng nhận rõ vị trí lợi hại của cụm hỏa lực đó; một vài trái bắn hụt lao vèo qua phía chúng tôi rồi mất hút nổ xa xa; họ bắn liên tục nên họ quên một điều là cùng chiến đấu với chúng tôi còn có pháo đội B3.
Tôi khom người chạy lên vị trí khẩu trọng pháo, chỉ cho trung Sĩ Nhất khẩu đội trưởng vị trí 82 không giật của địch. Và nòng pháo từ từ hiệu chỉnh, tôi nín thở theo cái gục đầu chầm chậm của khẩu pháo 105 ly hướng về mục tiêu…và “Bắn”. Người hạ sĩ pháo thủ giật cò, viên đạn rơi nòng trực chỉ khâu đội địch Ầm… chúng tôi nhảy lên reo hò sung sướng khi nhìn thấy rõ ràng khẩu 82 ly không giật của địch tung bắn lên trời sau tiếng nổ chính xác. Chỉ một viên đạn thôi, các chiến sĩ pháo binh đã triệt tiêu hiểm họa đó.
Tần số trên máy truyền tin bị nhiễu loạn vì quá nhiều trùng lấp, lẫn lộn những mẩu đối thoại tối nghĩa, chỉ nhận biết nhau nhờ quá quen thuộc tiếng nói giữa các hiệu thính viên, cũng như vài phân biệt nhỏ của ngôn ngữ truyền tin. Tuyến của chúng tôi nằm cách xa Bộ chỉ huy Đại Đội, nên gần như độc lập tác chiến, tôi chỉ kịp thông báo cho Đại Đội là địch bắt đầu tấn công trở lại, rồi nằm hụp xuống nghe lằn đạn veo véo trên đầu; đội hình địch từ triền núi bên kia xuất hiện đông đảo trên đỉnh đồi rồi chia nhau tràn xuống, lấp ló trồi sụt dưới mưa bom bão pháo. Pháo địch bắn ta, nếu quá tầm cũng nổ trên đầu địch; bom đồng minh yểm trợ, lạng lách thế nào không biết, cũng roi ngọt xớt xuống đầu ta, bêu đầu sứt trán; la hét om sòm tiếng Đức, tiếng Mỹ, thây kệ mẹ nó, đằng nào cũng phiêu diêu miền cực lạc.
Bắn phá một hồi, hai chiếc Skyhawk rời vùng và nhanh chóng mất hút cuối chân trời, còn lại hai Cobra đảo lui đảo tới ạch đùng ạch đùng mấy giây hỏa tiễn trúng ngay vào đám xe tank cũng chẳng thấy hề hấn gì. Trực thăng bắn cứ bắn, chiến xa địch vẫn tiến trong đội hình tấn công dưới sự che chở của hỏa lực phòng không. Lần này họ thay đổi chiến thuật sau khi đã nướng khá nhiều bộ binh trong đợt xung phong trước, thiết giáp xung kích mở đường, bộ binh lom khom lấp ló theo sau, không còn hò hét ngậu xị.
Hai chiếc phản lực khác vào vùng lần này là Phantom F4C, trong khi hỏa lực phòng không cũng đã áp sát chân đồi, OV10 lảng vảng trên cao bắn trái khói chỉ điểm cho Phantom lao xuống mục tiêu. Điều không may cho chúng tôi là trong đợt tấn công đầu tiên của phi tuần này, trái bom lửa vừa phủ lên chiến xa, thì đồng thời chiếc F4C cũng bị bắn tung đuôi trong khi ngóc đầu lên sau đợt oanh kích. Múi dù sặc sỡ mở bung trước khi con tàu bốc cháy, lảo đảo đâm vào vách núi nổ vụn. Thế là tất cả máy bay có mặt trong khu vực, kể cả hai chiếc Skyhawk mới vào vùng, chưa bắn một phát đạn, bảo vệ cho phi công lâm nạn chờ trực thăng cấp cứu. Chúng tôi không rõ họ có cứu được đồng đội hay không, nhưng từ giây phút đó, chiến trường gần như bỏ ngõ cho chiến xa lồng lên áp đảo.
Xe tăng địch lập tức ào ạt xung phong, hai…ba…năm, bảy, mười một chiếctất cả cùng lao xuống, bỏ lại bộ binh phía sau, một chiếc bò ngang chông chênh bên sườn đồi, lãnh nguyên trái pháo ngang chông chênh bên sườn đồi, lãnh nguyên trái pháo 105 ly trực xạ hất nhào xuống vực thẳm, chúng vừa bắn vừa tiến và đã chiếm được bãi trực thăng. Chúng tôi đã thấy khả năng hiệu quả của M72 không nhiều và không thể bắn ở khoảng cách quá xa nên phải chờ đợi. Tất cả hỏa lực của chúng tôi chỉ có thể tạm thời trì hoãn tốc độ tiến quân của bộ binh địch trong trời gian ngắn, khi chiến xa chưa tiếp cận vị trí, tách chúng ra khỏi sự che chở của chiến xa để dễ đối phó.
Hạ sĩ Nhất Chính và Tiểu đội Khinh binh lãnh nhiệm vụ đón đánh đợt đầu tiên khi xe tăng vượt qua bãi đáp, tiến vào yên ngựa hẹp trước khi bám vào căn cứ, đây là địa thế duy nhất có thể khống chế đội hình địch, bắt buộc chúng phải lần lượt từng chiếc một theo hàng dọc tiến lên. Chính dẫn theo Bình, Tám và Ngôn, mỗi người một cây M72 đã ở vị trí chờ kích hỏa, luồn theo giao thông hào, chận ngang con đường xuống bãi tiếp tế. Chuẩn Úy Nghĩa muốn theo Chính, tôi nhìn anh ái ngại, thôi Nghĩa à! Cần gì phải vội, anh ở đây chờ thay tôi là tốt nhất, ai cũng sẽ có phần…Tôi nghĩ thầm nhưng không nói với Nghĩa đã thấm cái đau xót trước những thân xác đồng đội ngay từ mặt trận đầu tiên của đời quân ngũ. Mặt Nghĩa hừng hực, mắt long lên như con thú bị thương. Tâm lý chung của những kẻ đang không còn đường trở lại, và thế là phải vượt lên phía trước, vượt qua cái hèn bản chất của chính mình, không còn một khái niệm gì giữa cuộc sống và cái chết, mà có khi chết còn thanh thản hơn sống.
Chúng tôi hồi hộp nhìn theo hai chiếc xe, tăng dẫn đầu đang bò theo con dốc hẹp, đám bộ binh đã bị hai cây đại liên gài chéo cánh sẻ, cùng với tốc đội bắn nhanh của M16 đè đầu, nằm dán xuống đất lãnh pháo, bò lui bò tới không theo kịp chiến xa, kể như thiết giáp đã bị mù nên nó cũng thận trọng xử dụng tối đa cây đại bác dọn đường.
Chính chờ chiếc đi trước bắt đầu ghếch mũi súng lên đầu dốc, phơi toàn bộ cái ức xám xịt trước mũi súng, khoảng cách chừng hai mươi mét, anh bình tĩnh bóp cò. Trái đạn đen thui vẽ một đường thẳng chớp nhoáng lao vào mục tiêu, nổ bùng vào cái mặt ù lỳ dị hợm. Tưởng như mọi thứ phải tan tành hay bốc cháy trước sức công phá trực diện của trái hỏa tiễn, thế nhưng chiếc chiến xa chỉ khẽ khựng lại, như có vẻ giật mình chút đỉnh, rồi lại tiếp tục tiến lên, không cháy, không nổ, không hề suy suyển. Thấy nguy, Tám bồi thêm một trái trúng ngay hông pháo tháp khi nó vừa vượt ngang tầm; vẫn khỗng hề hấn gì. Thế là cả toán đành dạt ra, ném tới tấp lựu đạn vào gầm xe, trong khi chiếc xe đi sau cũng vừa bám theo được và tác xạ đại liên tới tấp vào vị trí của Chính, tên xạ thủ 12ly8 chưa bắn được bao nhiêu đã lãnh nguyên một tràng M16 gục xuống, xác hắn vắt vẻo trên thành xe.
Chúng tôi bất lực để cho chiếc số 1 tiến thẳng vào căn cứ, chiếc số 2 vừa nối theo thì Chuẩn Úy Nghĩa nhảy phắt lên, thẩy gọn một trái M26 vào trong lòng pháo tháp. Anh chưa kịp nhảy xuống thì trúng đạn, gục chồng lên xác địch thủ cùng lúc với tiếng nổ “bụp” tức tối. Khói từ trong chiếc chiến xa bốc lên. Sao nó vẫn chạy, vẫn tiến lên phía trước? Nó chạy quờ quạng thêm một đoạn ngắn rồi nổ tan ra thành hai mảnh, pháo tháp bật ngược ra sau cùng với xác của Nghĩa.
Được chiếc số một mở đường, cả đám xe tăng cùng ào ạt tiến lên kéo bộ binh đông như kiến cỏ, lúp xa lúp xúp. Một chiếc trờ tới ủi chiếc bị cháy xuống sườn núi, lấy đường tiến lên, trong lúc chiếc số 1 đã vào hẳn vị trí trung tâm, bắn phá Bộ Chỉ Huy Pháo Đội và mon men tìm tới Lữ Đoàn. Chúng tôi cố gắng dùng hết hỏa lực trì hoãn bước tiến của xe tăng địch, nhưng vô ích. Không có một trái M72 nào có khả năng công phá vỏ thép chiến xa dù các chiến binh đã thừa gan góc tiếp cận từ mọi hướng, trước, sau, hông, bụng, pháo tháp, bánh xích. Chúng đóng kín pháo tháp, chỉ xử dụng đại bác và đại liên song hành càn lên hầm hố, công sự, giao thông hào. Mũi xung kích của địch càn lên chiếc hào, xé Trung Đội chúng tôi ra làm hai mảnh, với tình thế đó, bắt buộc phải ra khỏi vị trí cố thủ, đánh cận chiến với…xe tăng.
Đã có bốn chiếc lọt vào căn cứ, trong lúc bộ binh vẫn còn vất vả phía ngoài, chúng tôi vẫn để hai cây đại liên, và hai cây khác của Trung Đội 1 vừa mới chuyển qua, bắn ghìm bộ binh, phần còn lại lao vào tank địch. Chiến trường không chỉ là của Trung Đội, mà cả Đại Đội đã lồng lên, bu kín các chiến xa, mặc do cho nòng súng quay tròn gạt xuống. Nhưng làm gì được? Đã bắn hết số M72 để gãi ngứa chúng. Đã ném không biết bao nhiêu lựu đạn để làm nhột chúng. Đã chỉa nòng M16 thật gần chỉ bắn vỡ được kính mắt mèo…không lẽ lấy răng mà cắn? Sức cùng lực tận, hai cây đại liên vừa hết đạn là bộ binh nương theo khói lửa tràn lên, không biết cơ man nào mà đếm. Chúng tôi vừa đánh vừa lùi, lùi trên xác đồng đội, lùi trên những đôi mắt đớn đau tuyệt vọng của những chiến sĩ bị thương không còn người cứu chữa đang nằm chờ chết.
Cả ngọn đồi đã trở thành biển lửa và máu khi tất cả hỏa lực của hai bên đều tập trung tác xạ vào một tọa độ duy nhất, dù mục đích vẫn khác nhau rất xa… “Bắn lên đầu tôi đi! Vĩnh biệt! Bắn lên đầu tôi đi! Vĩnh biệt!” Trên tần số Đại Đội đã vọng lên lời từ biệt gởi khắp bốn phương. Hai chiếc phản lực chúi xuống đỉnh đồi, chùm bom đen đủi lao xuống mục tiêu là một bầy xe tăng bốn năm chiếc, và cả chúng tôi mình trần thân trụi. Tôi sững sờ đứng như trời trồng nhìn chùm bom lao xuống đầu mình, thật nhanh, thật nhanh, thật gần và gần hơn nữa, rồi chỉ kịp ôm nón sắt nằm chúi vào vách đá trong một loạt tiếng nổ vang rền, long trời, đất đá, sắt thép, mảnh bom, mảnh thịt người, rơi lào rào, lịch bịch.
Đồng minh oanh tạc thật chính xác! Đỉnh đồi nát bấy những mảnh vỡ của công sự, những chiến sĩ cuối cùng của pháo đội B3 cùng với Đại Úy Nguyễn Văn Đương, Pháo Đội trưởng đang kiên cường trong những cố gắng gan góc, tác xạ trực diện vào xe tăng địch đang loay hoay, lúng túng trước địa hình lồi lõm, hầm hố mà khoảng cách chỉ là năm, mười mét. Kể từ lúc đó, chiến địa mất hẳn liên lạc với Pháo Đội B3. Không quân đồng minh đã đưa những con người có khả năng thay đổi tình thế đó vào quân sử. Riêng xe tăng đối phương lại nằm ngoài tầm ảnh hưởng của đợt bom công phá, dù khoảng cách cũng chỉ có 5, 10 mét. Họ đã có đồng minh mới.
Thế nhưng, trận chiến vẫn chưa phải đã kết thúc, dù phần thắng bại đã thể hiện rõ rệt. Máy bay vào vùng trở lại đem chúng tôi về cõi hồi sinh, dù sao đợt oanh kích lầm lẫn tai hại đó đã giúp lực lượng địch nống thêm một bước nữa, đẩy quân ta xuống sườn đồi, chúng tôi vẫn nghĩ việc oanh tạc sai mục tiêu, bắn lầm vào quân bạn là việc rất bình thường giữa chiến trường, nên vẫn còn hy vọng vào phương tiện yểm trợ hữu hiệu này.
Ba phần tư ngọn đồi đã nằm trong tay địch, chúng tôi chỉ còn giữ được một phần Bộ Chỉ Huy Tiểu Đoàn, Lữ Đoàn, nhưng không còn ai trong những vị trí đó. Tất cả đã ra ngoài cùng sát vai chiến đấu, và hệ thống chỉ huy liên lạc vẫn duy trì đầy đủ cho đến cấp trung đội, dù trên thực tế, một trung đội còn không quá 10 người còn khả năng chiến đấu. Sau khi tái phối trí lực lượng, chúng tôi được lệnh trực tiếp của tiểu đoàn, tổ chức một cuộc phản kích toàn bộ trên trận tuyến, cố gắng chiếm lại các vị trí đã mất với hy vọng không quân sẽ yểm trợ hữu hiệu để giữ vững căn cứ.
Khi đã qua phần mở màn đầy kịch tính của lo âu, sợ hãi nơi con người thèm sống, khi mà khói súng đã quyện vằn vện với mồ hôi trên mặt, khi những vết máu đồng đội đã đông cứng trên hai tay người lính chiến, thì khái niệm sống, chết bỗng trở thành vô nghĩa, nhất là trong hoàn cảnh không còn có thể chọn lựa như ở đây, tất cả chỉ còn là định mệnh. Vì thế, tất cả đã hăm hở lao lên trong một cố gắng tuyệt vọng, lại bắn, lại thụt M72, lại ném lựu đạn, lại leo tràn lên xe tăng địch, mà bây giờ đã có bộ binh phối chiến, mặt đối mặt với lưỡi lê báng súng, lăn xả vào nhau bắn giết, đâm chém, lại loay hoay không biết phải làm gì với khối sắt di động đó, lại bị thương, lại ngã gục giữa bom bầy pháo lũ, pháo nổ chụp, pháo công phá, pháo nổ chậm, trên đầu chụp xuống, dưới đất nổ hất tung lên, phạt ngang lưng, chém ngang cổ. Bom, pháo cả hai bên cùng bắn vào một chỗ, lính cả hai phía cùng chia nhau lãnh đạn, đạn bắn thủng xuyên màng tang trổ ra sau ót, óc vỡ tung ra với máu, vài cái nón sắt lăn lông lốc trên những đôi dép râu tuột quai, nhầy nhụa trong một dòng nước đỏ ối đang khởi thủy vết chảy ngoằn ngèo của một dòng sông máu.
Xác chết từ hai phía thân ái ôm chầm lấy nhau rồi đổ ụp xuống nằm cạnh nhau hiền hòa như chưa hề quen biết làm ngọn núi chợt cao lên muôn ngàn lời ai oán.
Đợt phản kích không đủ sức mạnh để đạt hiệu quả mong muốn, và từ dưới chân đồi tràn lên một đợt sóng biển người và chiến xa khác. Địch tung toàn bộ lực lượng vào đợt tấn công quyết định, trong khi phía chúng tôi đã sức cùng lực tận, đành chấp nhận rút lui để hạn chế thương vong.
Ngôi sao của cuộc tử thủ đến giờ phút cuối cùng là trưởng ban ba Tiểu đoàn, Thiếu tá Lê Hồng (danh hiệu truyền tin là Hồng Vân) với sự bình tĩnh hiếm có và khả năng Anh ngữ lưu loát đã lần lượt củng cố lại đội hình đơn vị, ngăn không để sự hỗn loạn xảy ra; ông thực sự là cấp chỉ huy cao nhất trận địa, dù vẫn còn Tiểu đoàn trưởng, Tiểu đoàn Phó và các cấp cao hơn của Lữ Đoàn. Với bốn, năm chiếc máy cần liên lạc, ông trực tiếp chỉ huy chúng tôi bố trí lại trận chiến, trực tiếp hướng dẫn các phi tuần phản lực Mỹ oanh tạc vào trận địa, và điều chỉnh pháo binh bắn cản. Tất cả đó đã giúp cho đơn vị rút khỏi căn cứ trong vòng trật tự, bảo tồn được phần lực lượng còn lại.
Trong hoàn cảnh bi thảm như thế, mà triệt thoái được như một cuộc lui quân bình thường, quả không phải là điều dễ kiến tạo, nếu tự thân đơn vị không có truyền thống kỷ luật, và nhất là người chỉ huy thiếu quyết đoán. Viết vài dòng để tỏ lòng khâm phục ông, tôi vẫn không cảm thấy có điều gì hổ thẹn, dù không biết ông còn sống hay đã chết, và dù sau này giữa ông và tôi có nhiều khúc mắc, nhất là sau những lầm lỗi đời thường của tôi trong những ngày đóng quân ở Thuận An, tôi đã bị chính ông đì sát ván.
Giá trị đích thực của mỗi một con người đều được thể hiện rõ rệt trong những gian nguy thử thách. Khả năng chỉ huy tại trận tuyến của ông, đã đánh bạt hết bao nhiêu ý nghĩ bất phục của giàn sĩ quan đại đội trưởng, đa số xuất thân từ hai quân trường lớn của Quốc gia, nay lại phải dưới quyền chỉ huy của một sĩ quan đồng cấp, lại khởi đầu binh nghiệp bằng quân hàm thấp nhất của quân đội: Binh nhì. Dù tất cả cấp bậc của ông đều đã được tái đào tạo cùng với cấp bằng văn hóa tương đương mà ông đã tự học bằng những khoảng thời gian ngắn ngủi giữa hai cuộc hành quân.
Đơn vị rút xuống khe núi, trung đội tôi chỉ còn lại tám người, có Thượng sĩ Đàng và Trung sĩ Yến. Hạ sĩ Nhất Chính đã tử trận lúc một chiếc chiến xa nghiến qua người sau khi anh đã bị thương trong đợt phản kích. Tiểu đội khinh binh chỉ còn lại Thông, Ngôn và Tám, tôi lại được xuống cấp làm tổ trưởng khinh binh, dẫn hai ông tổ phó mở đường rút cho đơn vị, mang theo được rất ít thương binh nhẹ, trong đó có Bé, trung đội trưởng trung đội một.
Cái đau bại trận thấm lên từng khuôn mặt mệt mỏi, chán chường, không đủ can đảm nhìn thẳng vào mắt nhau, dù chỉ để đôi điều chia sẻ. Tôi bỗng hổ thẹn vô cùng trước giọt nước mắt âm thầm lau vội của Thượng sĩ Đàng; ông đã yêu những người lính trong trung đội bằng tình yêu thương ruột thịt, nên cũng đau gấp vạn lần từ thiếu vắng, tang hoang, buồn tủi trước cái nhìn trân trân vô hồn của Thông và Tám. Họ đang nghĩ đến số đồng đội bị thương đang chờ chết trong tay địch, điều mà từ trước tới nay, chưa ai một lần nghĩ tới.
Rừng chiều bổng đổ mưa. Tiếng sấm gào cùng với tiếng pháo tàn trận, dội vào vách núi, vỡ vụn ra những âm thanh buồn bã của hồi chuông tử biệt. Mưa tuôn rì rào trên lá, rì rào lời kinh chiêu hồn vang vọng. Trung đội lầm lủi tiến về phía trước, theo sự hướng dẫn của đại đội 31 còn nguyên vẹn, đang tiến về căn cứ, và chờ chúng tôi ở hai cây số đông đông bắc. Trong khi ở một hướng khác, đại đội 34 cũng đang đón phần còn lại của đại đội 32, trước khi tập hợp tại một vị trí định sẵn. Chờ lệnh mới.
Buổi chiều tắt dần theo những đôi mắt ngoái nhìn cứ điểm đang ngập chìm trong khói lửa. Đêm, đêm rủ xuống vách núi chông chênh, cao thấp những bước chân đau buồn sống sót và giữa rừng núi âm u chợt nghe tiếng ai thở dài đâm vào vết đá, tiếng thở dài trôi xuôi hàng quân đang chênh vênh bên bờ vực thẳm, cắn răng nuốt nổi uất hận, trung đội vẫn ghìm chắc tay súng, đoạn hậu cho toàn đơn vị rút qua.
Chúng tôi nhận lệnh trực tiếp từ tiểu đoàn, tổ chức chốt chặn, để tất cả thương binh nặng, nhẹ mang theo được, sẽ cùng đại đội 31 và bộ chỉ huy tiểu đoàn rút trước qua triền núi bên kia, sau đó, sẽ tìm gặp đại đội 34 đang cùng với một bộ phận khác của tiểu đoàn di chuyển cách đó chừng bốn cây số đông đông bắc, móc nối, dẫn đường cho hai cánh quân gặp nhau.
Nhiệm vụ nghe có vẻ nhẹ nhàng, nhưng quả thực, khi đồng đội cuối cùng khuất sau hẽm núi, chúng tôi cảm thấy vô cùng cô đơn với sáu người còn lại. Và trên đồi 31 vẫn ầm ì tiếng pháo truy kích của xe tăng địch bắn vu vơ vào vách núi.
Chắc chắn khi leo lên được đỉnh đồi 31, địch đã gánh chịu một sự tổn thất không thể bù đắp nổi về quân số, nên họ đã không còn khả năng tổ chức truy kích, vì thế, “trung đội sáu người” bớt được gánh nặng nghênh cản để lần mò theo tiếng súng hướng dẫn, tìm về đại đội bạn. Cho đến quá nửa đêm thì gặp nhau, và chỉ kịp siết chặt nắm tay chào hỏi, gấp rút quay theo đường cũ, dẫn theo đại đội 34, về gặp lại tiểu đoàn trước khi trời sáng. Thời gian không còn thuộc về chúng tôi.
Đoàn quân lần dò trong bóng tối của trùng điệp núi rừng, bám vai nhau tuôn dần xuống dốc núi dựng đứng, cố gắng tiến thật nhanh về điểm hẹn, nơi đó, một đơn vị bạn đang trên đường tiếp ứng. Đến gần sáng, chúng tôi gặp được quân bạn đang hướng tới đồi 31 cùng với chiến xa, để rồi sau đó, được trực thăng bốc về Khe sanh, tái bổ sung và trang bị lại đơn vị.
Người lính khinh binh, khi thắng trận, vinh quang trải xuống theo hệ thống quân giai, thưởng nầy thưởng kia huy chương thăng thưởng, tuyên dương tài điều binh khiển tướng, hạ sĩ như Thông giỏi lắm lãnh sao bạc đồng, với dăm ba ngày phép. Khi thất thế, nếu may mắn sống sót trở về, lại gánh hết trách nhiệm một kẻ bất tài, làm như việc thất thủ cứ điểm chỉ là do sự yếu kém của người lính chiến đấu. Các quan to súng ngắn, các nhà tham mưu, kế hoạch, hoàn toàn vô can, phủi bỏ trách nhiệm một cách thản nhiên khi những đồng đội của Thông đã nằm lại trên chiến địa. Thế nhưng họ chẳng bao giờ phân vân trên những ti tiện đời thường, để vẫn hăm hở cắp súng lao về phía trước, quên cả an nguy bản thân để thi hành mệnh lệnh.
Giai đoạn một của cuộc hành quân Lam Sơn 719 kết thúc cùng với sự thất thủ liên tiếp các căn cứ hỏa lực 31, 30, A Lưới. Đáng lẽ vị “Tổng Tư Lệnh quân đội” và vị “Tư lệnh tài ba” của Quân Đoàn I, cũng là tư lệnh cuộc hành quân sớm nhận chân được thất bại, để dừng lại các quyết định ngoài khả năng. Trái lại, xương máu các đơn vị còn lại, là trụ cột chống đở Miền Nam sau nầy, lại được họ ném vung vãi, vô tội vạ, vào cối xay thịt mà đối phương và đồng minh đã dàn sẵn, từ Lao Bảo, lên tận Tchepone!
Máu lính tế thần đã dâng cao hơn hoạn lộ, để cho bước chân của Tổng thống Nixon trên Vạn lý Trường thành bớt gập ghềnh khúc khuỷu.
Hết.
Nếu đăng lại, xin đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net”
Nguồn: Bài do tác giả gởi, đã viết từ 1998 trong cuốn “Hạ sĩ Khinh binh”. DCVOnline minh hoạ và chú thích.
“Khoảng 4 giờ hay 4 giờ 05 thì Đương nói: ‘11 ơi, em không liên lạc với 11 nữa, vĩnh biệt 11!’ và rồi tôi không nghe gì nữa.
Tôi nghĩ lúc đó Đương đã vĩnh biệt tất cả đồng đội. Trước khi chết, Đương cho tôi biết, anh chỉ còn có hai viên đạn cuối cùng trên nòng súng mà thôi! Và đó là cái chết của Nguyễn văn Đương trên mặt trận Hạ Lào. Sau đó khoảng 5 phút, Đại Tá NguyễnVăn Thọ, Lữ Đoàn Trưởng Lữ Đoàn 3 gọi cho tôi nói: ‘11 làm ơn bắn ngay trên đầu tao đi.’ Trên máy bay tôi cho lệnh tất cả các pháo đội sử dụng đạn nổ CVT, dù sao tôi cũng sợ bắn đạn thường rơi vào hầm hố của quân mình, nên tôi dùng đạn CVT.
Khai hỏa vào khoảng 4 giờ 15, thì tất cả 4 pháo đội đồng khai hỏa bắn vào căn cứ 31 và bắn giết cả bạn lẫn thù, lần đầu tiên trong đời pháo thủ của tôi! Khi tôi vừa ra lệnh bắn, thì Đại Tá Lưỡng và tôi cùng cả phi hành đoàn đều bật khóc. Đó là cái chết của Đại Úy Nguyễn Văn Đương và Đại Tá Lữ Đoàn Trưởng Lữ Đoàn 3 Nhảy Dù tại mặt trận Hạ Lào.”
Trích, Trung tá Bùi Đức Lạc, “Chuyện Một Thời Khói Lửa Chiến Chinh!”
CHIẾN TRẬN RỒI QUA
Bây giờ đọc lại như xem truyện
Đau xót cùng xen lẫn hào hùng
Bao người ngã xuống không than vãn
Định mệnh ai nào chống được sao
Vào lính xông pha chốn chiến trường
Chỉ như viên đạn đã lên nòng
Phọt tới viên này rồi viên khác
Phận thân sinh mệnh vốn đa đoan
Nên có gì đâu để anh hùng
Chỉ như sống chết cõi mịt mùng
Giữa trận thắng thua là chuyện khác
Dễ nào tự quyết chỗ mông lung
Cái chết cầm bằng như cuộc chơi
Pháo bom xối xả mảng cuộc đời
Sống mới biết mình còn được sống
Chết rồi như chiếc lá vàng rơi
Từ chốn Khe Sanh tới Hạ Lào
Cổ thành Quảng Trị có ra sao
Cũng chỉ hai bên vờn cuộc chiến
Như Triều Tiên đó đã xôn xao
Nói lắm rồi ra cũng thế thôi
Chỉ là định mệnh của cuộc đời
Súng đạn vô tình đâu có tránh
Cuồng phong chỉ trút lá thu rơi
Nếm đạn dầm bom giữa chiến trường
Phận người thật cảm thấy mà thương
Danh từ huyễn hoặc chi còn chấp
Cảnh tượng chung quanh mới đoạn trường
Ta địch cùng nhau vẫn con người
Trắng ra cũng chỉ có đồng bào
Chém nhau giành giật từng hơi thở
Nào dám nương tay để chết sao
Nên chi phản chiến cũng tùy theo
Chính trị dối dang chỉ một chiều
Trói địch để ta giành chiến thắng
Cuộc đời khôn lõi có bao nhiêu
Chân lý thành ra giữa cuộc đời
Phải cần ngay thẳng mới nên người
Chớ mà lươn lẹo như đồ dỏm
Thắng bại rồi ra cũng thế thôi
Bây giờ chiến trận đã qua đi
Ai biết nhân gian vẫn nghĩ gì
Ai biết sau này rồi lịch sử
Nói điều trăn trở có ra chi
Thôi thế thì thôi cũng một thời
Thắng thua nay cũng đã xuống mồ
Huân chương bao lớp đà han rỉ
Ảo ảnh cuộc đời thế chứ sao
Bởi thế nên chi chẳng tầm phào
Viết về chiến trận chẳng tào lao
Tuyên truyền dụ hoặc thành vô lối
Nhân bản còn đâu nghĩa đồng bào
Bởi vì chinh chiến cũng ra đi
Như tự ngàn xưa nào khác gì
Thế sự vạn đời luôn vẫn đó
Tình người đánh mất có ra chi
PHƯƠNG NGÀN
(18/6/16)