Bob Kerrey – từ Tôn Nữ Thị Ninh đến Nguyễn Thanh Việt
Trần Giao Thuỷ
Đừng xen vào nội bộ tự trị của Đại học.
Cựu Thượng nghị sĩ Mỹ Bob Kerrey được chọn giữ vai trò Chủ tịch Hội đồng Quản trị (Board of Trustees / Governors) của đại học Fulbright Việt Nam. Đây là một đại học tư, độc lập, và bất vụ lợi đầu tiên của người Mỹ, sẽ bắt hoạt động ở Sài Gòn vào năm 2017. Lựa chọn này đã trở thành đề tài tranh luận trong và ngoài nước cả tháng nay.
Bắt đầu với bài “Lẽ nào nước Mỹ không còn ai ngoài Bob Kerrey?” của Tôn Nữ Thị Ninh trên trang báo Zing.vn, ngày 1 tháng 6. Ninh viết,
“Tuy nhiên, khi biết rằng cựu thượng nghị sĩ Bob Kerrey được bổ nhiệm làm chủ tịch của Đại học mới, tôi vô cùng bàng hoàng và không thể hiểu nổi.
Ông Bob Kerrey là người đã trực tiếp tham gia vào cuộc thảm sát thường dân vô tội, phụ nữ, trẻ em, người già tại thôn Thạnh Phong vào tháng 2/1969. Điều này không thể chối cãi và chính ông Kerrey cũng thừa nhận.”
Sau bà Ninh còn nhiều người khác, cùng luận cứ, cho rằng Bob Kerrey là kẻ giết thường dân trong chiến tranh, không thể tha thứ được hoặc không xứng đáng đứng đầu một đại học, biểu tượng cho sự hoà giải và hợp tác giữa hai nước thù nghịch trong chiến tranh.
Thái Bảo Anh, một luật sư quản lý tập đoàn “Bao & partners”, một liên doanh luật pháp Mỹ-Việt hoạt động tại Việt Nam, cũng là một sinh viên được học bổng Fulbright 2003, theo học ở đại học Arizona về Luật Thương mại Quốc tế, nói ông ủng hộ mục đích hoạt động của FUV nhằm nâng cao phẩm chất đại học ở Việt Nam nhưng không thể nào tha thứ cho Bob Kerrey được,
“Tôi không có quyền làm điều đó vì nó là quyền của các nạn nhân đã chết và các thành viên gia đình của họ vẫn còn sống.”
“Làm ơn cho tôi biết tên của bất kỳ trường đại học có uy tín nào trên thế giới này, lại có một kẻ lạnh lùng giết phụ nữ và trẻ em – như đã thú nhận và không bị tuy tố – có thể trở thành Chủ tịch Hội đồng Tín thác.”
Trên Facebook ông Anh viết
“Tôi tự hỏi sẽ trả lời thế nào nếu một ngày con tôi đến dự buổi khai trường đại học đầu tiên và sau đó hỏi tôi về sự liên quan giữa ông chủ tịch hội đồng tín thác với hai người đàn ông trong ảnh.
Có thể tôi sẽ trả lời ‘ba không biết, ba già rồi, ba không muốn nhớ nữa, ba không muốn nghĩ nữa’ hoặc có thể tôi sẽ nói ‘ba thấy nụ cười của 03 người đàn ông trong ảnh đều đẹp!”
Dưới status đó ông luật sư quản lý tập đoàn “Bao & partners” kèm theo hai tấm ảnh hai người Mỹ, không chú thích, không ghi nguồn.
Một người khác, trong một bài phản biện Nguyên Ngọc ủng hộ vai trò của Bob Kerrey, Nhà văn Nguyên Ngọc nói Bob Kerry là “vĩ đại”, tác giả Trùng Dương cũng sử dụng tấm ảnh người lính Mỹ đứng dẫm chân lên xác người và chú thích, “Ảnh và chú thích ảnh: Chân dung Bob Kerry thời còn trẻ với những hành động vô nhân đạo (Nguồn: Internet)”
Và gần đây nhất, một người khác không đồng ý với lựa chọn Bob Kerrey vào vai trò Chủ tịch Hội đồng Quản trị (“HĐ Tín thác” nhóm chữ đang dùng trong nước để dịch “Board of Trustees”), không phải người trong nước mà là một nhà văn Mỹ vừa nổi tiếng, Nguyễn Thanh Việt, tác giả cuốn “The Sympathizer” (Kẻ nằm vùng), được giải Pulitzer về tiểu thuyết năm 2016.
Ông nhà văn vừa có bài xã luận trên tờ New York Times hôm 20 tháng 6, tựa đề “Bob Kerrey và “thảm kịch Mỹ” của Việt Nam” (Bob Kerrey and the ‘American Tragedy’ of Vietnam). Nguyễn Thanh Việt viết,
“Tôi không đồng ý. Ông không phải là người để giữ vai trò này. Và coi ông [Kerrey] như một biểu tượng của hòa bình là một thất bại của sức tưởng tượng về đạo đức.”
Nội dung bài nghị luận tập trung vào “thảm kịch”. Tác giả đặt trọng tâm vào “thảm kịch Việt Nam” bằng phép tương phản với nhóm chữ “Thảm kịch Mỹ” đặt ngay ở tựa của bài viết. Ông cảm nhận được rằng chiến tranh Việt Nam là một thảm kịch đối với những người tị nạn cộng sản đang sống quanh mình; nhưng Nguyễn Thanh Việt không đồng tình và phê phán những người đặt tiêu cự vào sự cứu rỗi của lính Mỹ, “thảm kịch Mỹ” khi nói về chiến tranh Việt Nam hay những câu chuyện chung quanh vai trò của ông Kerrey tại FUV mà quên đi thảm kịch Việt Nam. Như những ví dụ, Nguyễn Thanh Việt đưa Bảo Ninh – một nhà văn ủng hộ sự bổ nhiệm Bob Kerrey, và Tổng thống Mỹ Barack Obama – chỉ nói đến cái chết của 50.000 lính Mỹ mà không đả động gì đến những người lính và vô số thường dân của của hai miền Nam Bắc đã gục ngã trong chiến tranh – trong bài phát biểu niệm 50 năm chiến tranh Việt Nam, năm 2012.
Nguyễn Thanh Việt cũng coi những nhận định cho rằng Bob Kerrey cũng là nạn nhân cuộc chiến tranh phi lý và tập đoàn lãnh đạo tệ hại là một sự mỉa mai, lố bịch khi so sánh danh vọng của Bob Kerrey với cuộc sống vô danh của nạn nhân còn sống của Kerrey, và thân nhân của những người người đã chết – một cảnh trong “Thảm kịch Việt Nam”.
Rồi nếu Bob Kerrey vẫn tiếp tục vai trò của ông với Đại học Fulbright Việt Nam, Nguyễn Thanh Việt cho rằng, người Mỹ và người Việt Nam nên cùng nhau đòi hỏi phải có một số thái độ thực tiễn và biểu tượng đối với những nhạn nhân đã chết và những người liên hệ trong vụ thảm sát Thạnh Phong. Những cái chết ở Thạnh Phong và tất cả những người dân thường đòi câu trả lời một Việt Nam giầu mạnh sẽ nhớ đến họ ra sao, phát triển kinh tế kiếu Mỹ có dem lại phúc lợi nhân dân Việt Nam hay chỉ biến những người nghèo thấp cổ bé miệng làm nạn nhân một lần nữa.
Tương tự như nhận định của ông về cuốn tiểu thuyết đoạt giải Pulitzer 2016, khi trả lời báo The Guardian, “Tiểu thuyết của tôi có những điều để xúc phạm tất cả mọi người”, bài xã luận của ông Nguyễn Thanh Việt có thể không xúc phạm tất cả mọi người nhưng ít nhất nó có thể không được sự đồng tình của (rất) nhiều người.
Trước nhất, người viết, không đồng ý với quan điểm của tác giả khi ông phê bình Obama chỉ chú trọng đến “thảm kịch Mỹ”. Tốt nhất thì đây là một phê bình thiếu sót của một “học giả”, “I’m a scholar” – như ông xác định với David Streitfeld của tờ New York Times hôm 21 tháng 6, 2016. Tệ hơn nữa, nó có thể là một sự “bỏ quên có chọn lựa” của một nhà văn. Nguyễn Thanh Việt nhắc bài phát biểu của Barack Obama năm 2012 mà bỏ đi lời phát biểu của Tổng thống Mỹ ở Mỹ Đình trong chuyến viếng thăm Việt Nam cuối tháng 5, 2016. Barack Obama nói,
“Tại đài tưởng niệm chiến tranh của các bạn cách đây không xa, và với bàn thờ gia đình trên khắp đất nước này, các bạn đã đang thương nhớ khoảng 3 triệu người Việt Nam, những người lính và thường dân, cả hai bên, đã chết. Tại bức tường tưởng niệm của chúng tôi ở Washington, chúng tôi có thể sờ tay vào tên của 58.315 người Mỹ đã hy sinh trong cuộc chiến. Trong cả hai nước chúng ta, các cựu chiến binh và gia đình của những tử sĩ vẫn còn đau đáu nhớ thương những người bạn và những người thân yêu đã mất. Cũng như chúng tôi đã học được ở Mỹ rằng, ngay cả khi không đồng ý với nhau về một cuộc chiến, chúng tôi vẫn phải luôn luôn trân trọng những người lính chiến, đã phục vụ quê hương và chào đón họ trở về với sự tôn trọng xứng đáng với họ.”
Đấy, đối với người dân Mỹ – mà Obama là người đang đại diện – thảm kịch chiến tranh có mặt ở khắp nơi, ở mọi phía và “chúng ta, người Việt Nam và người Mỹ, hôm nay có thể cùng nhau nắm tay và nhìn nhận nỗi đau và sự hy sinh của cả hai bên.” (Barack Obama, Hà Nội, 24/5/2016)
Kế đến, người viết không đồng ý với đề nghị một chiều của tác giả Nguyễn Thanh Việt muốn Bob Kerrey phải đến Thạnh Phong xin lỗi những người sống sót và gia đình của 20 nạn nhân đã chết.
Đúng thế, hoà giải không chỉ là tấn tuồng của và về các cựu chiến binh mà nó phải có cả thảm kịch của những nạn nhân. Thế nhưng, đây chỉ là một thí dụ, năm 1991 khi khi nước Đức hoàn toàn thống nhất, Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam – CHDC Đức (1958), trung tâm giải phẫu lớn nhất Việt Nam tại Hà Nội, đã được đổi tên thành Bệnh viện Việt Đức (1991 đến nay). Khi ấy không có một người Đức hay người Việt Nam nào đòi Việt Cộng đã bắt cóc và giết chết bác sĩ Raimund Discher, bác sĩ Alois Old Köster, bác sĩ Horst-Günther Krainick và vợ ông Elisabeth Krainick phải qua Đức xin lỗi thân nhân và gia đình của những giáo sư tình nguyện đến dạy học ở Huế để rồi bị giết trong cuộc thảm sát Tết Mậu Thân ở Huế cùng với hàng ngàn thường dân khác. Người viết tin rằng hiện nay tại Bệnh viện Việt Đức ở Hà Nội không có bàn thờ hay tượng đài tưởng nhớ những nạn nhân vừa kể.
Tác giả Nguyễn Thanh Việt nhận biết rằng ở Việt Nam có quá nhiều khu nghĩa trang và tượng đài “liệt sĩ” trong khi đài tưởng nhớ nạn nhân chết trong chiến tranh Việt Nam lại rất hiếm. Nhân đây, người viết xin góp ý với nhà văn, ông nên vận động người Mỹ cùng người Việt Nam, đòi lập ít nhất một tượng đài tưởng nhớ các nạn nhân bị thảm sát trong dịp Tết Mậu Thân 1968 ở Huế, dựng lại một tượng đài khác ngay Nghĩa trang Bình An (xưa là Nghĩa trang Quân đội Biên hoà) lại để tưởng nhớ các chiến sĩ Việt Nam Cộng hoà đã bỏ mình trong cuộc chiến.
Cứ tạm thử vận động như thế xem sao đi ông Nguyễn Thanh Việt. Thực sự đó chỉ là một hành động biểu trưng kêu gọi đối xử công bằng đối với tất cả những người lính đã nằm xuống ở dọc Trường Sơn, ở A Shau, ở Hạ Lào, An Lộc, v.v., những người dân đã chết trên khắp dải đất Việt Nam, và cả những người còn sống, đã vượt biển, vượt biên hoặc đã bị trù dập nhiều năm trong các trại tù “học tập cải tạo”, vẫn còn mang vết thương chiến tranh trong tim trong óc như ông vừa phát biểu, “Một cuộc chiến kết thúc không chỉ đơn giản là vì chúng ta nói nó đã chấm dứt, và một chiến tranh không phải là chỉ đơn giản là những điều xảy ra trên chiến trường.” (David Streitfeld, “For Viet Thanh Nguyen, Author of ‘The Sympathizer,’ a Pulitzer but No Peace”, TNYT, Jun 21, 2016).
Cùng hướng suy nghĩ đó, khi đòi Đại học Fulbright Việt Nam mở những chương trình giáo dục cho trẻ em ở Thạnh Phong để dẫn đến những học bổng toàn phần cho các em theo học ở đó, người viết cũng xin một lần nữa góp ý với ông vận động cho trẻ em ở Cai Lậy cũng được đối xử như thiếu niên ở Thạnh Phong vì ngày 9 tháng 3, 1974 phe cộng sản Việt Nam đã pháo kích vào trường tiểu học ở đó, giết 32 học sinh và làm 23 em khác bị thương cùng một cô giáo và hai người lớn.
Cuộc khủng bố nhằm vào trường học, giết học trò không vũ khí này xảy ra sau khi Hiệp định Paris 1973 đã được ký kết, buộc mọi bên ngừng bắn trên toàn cõi Việt Nam bắt đầu từ 27 tháng 1 năm 1973.(1)
Hơn nữa, đề nghị của Nguyễn Thanh Việt với FUV về tượng đài và học bổng còn có một vấn đề khác. Bob Kerrey đã nói, về sau vai trò của ông hẳn sẽ do một người Việt Nam đảm trách, như vậy lúc đó không lẽ FUV lại phải phá tượng đài, cắt học bổng cho thiếu niên vùng Thanh Phong hay sao?
So sánh sự thành đạt của Bob Kerrey với đời sống vô danh của những người dân Thạnh Phong hiện nay là một so sánh vô cùng khập khễnh. Bob Kerrey có là gì hôm nay cũng vì những cố gắng của ông trong một xã hội dân chủ như nước Mỹ. Dân Thạnh Phong sống vô danh vì họ là công dân của nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Cuộc sống của họ có lẽ không khác gì với cuộc sống của đại đa số các cựu chiến binh Việt Nam Dân chủ Cộng hoà hay những người lính của Mặt Trận Giải phóng miền Nam.
Riêng về đề nghị của ông với Đại học Fulbright Việt Nam nên đưa những người lãnh đạo tâm linh, người vận động hoà bình và giáo sư ủng hộ một viễn tượng nhân bản vào Hội đồng Quản trị thay vì chỉ có những nhân vật trong doanh nghiệp, tôi xin không có ý kiến vì tin rằng việc vận hành, chọn lựa thành viên của Hội đồng Quản tri Đại học tư, độc lập, vô vị lợi như FUV hoàn toàn thuộc trách nhiệm, quyền hạn và lựa chọn của Quỹ vì Đổi mới Đại học tại Việt Nam (Trust for University Innovation in Vietnam, TUIV) và Hiệu trưởng của FUV.
Một thành viên của TUIV, bà Đàm Bích Thuỷ, đồng thời là Hiệu trưởng (President) của FUV đã đích thân mời Bob Kerrey vào vai trò Chủ tịch Hội đồng Quản trị của FUV trong một bữa ăn tối với một số nhân vật khác để thảo luận về việc thành lập Hội đồng Quản trị cho FUV. Trả lời câu hỏi, “Điều gì đã thôi thúc ông, một cựu binh trong chiến tranh Việt Nam nhận lời làm Chủ tịch Hội đồng Tín thác của Trường Đại học Fulbright Việt Nam, một quyết định mà tôi nghĩ là ông biết rằng sẽ gây ra tranh cãi?” của phóng viên VietNamNet, Bob Kerrey nói,
“… Chức danh này ở Việt Nam thì nghe có vẻ to tát nhưng ở Hoa kỳ, bản chất thực sự của công việc này là người đóng vai trò chính trong việc gây quỹ cho trường.”
Bob Kerrey cũng nói thêm về Hiệu trưởng Đàm Bích Thuỷ của FUV,
“Cô ấy sinh ra và lớn lên ở Hà Nội. Cô ấy vẫn nhớ về cuộc chiến tranh. Cô ấy vẫn nhớ trận ném bom đêm Giáng sinh. Cô ấy vẫn nhớ sự đổ nát, hoang tàn của thời đó. Nhưng cô ấy không căm ghét chúng tôi. Cô ấy coi chúng tôi như những người bạn, người đồng nghiệp. Tôi nghĩ, chúng tôi cần phải làm tất cả để xứng đáng với niềm tin đó.”
Xin trở lại với những người miệng hô hào hoà giải, xoá bỏ quá khứ quên hận thù.
Tôn Nữ Thị Ninh | Cũng trong bài báo trên Zing.vn ngày 1 tháng 6, về chuyện Bob Kerrey hối hận, bà Ninh viết, “Việc ông hối hận về vai trò trong vụ thảm sát Thạnh Phong tôi không thể biết và chỉ có mình ông Kerrey biết.”
Đây là một câu rất có vấn đề. Bà Ninh nói như thế vì không tin rằng ông Kerrey đã hối hận, bất kể những tuyên bố – mà mọi người đều biết – từ 18 tháng 4, 2001?
“Đó không phải là chiến thắng quân sự, đó là một thảm kịch…
Tôi đau khổ từ ngày đó, tôi có thể phạm một lỗi lầm như thế sao?
… Tôi không thể bình yên với chính mình với những gì xảy ra đêm hôm đó. Tôi luôn bị nó ám ảnh suốt 32 năm qua.”
(Trích Bob Kerry, bài phát biểu trước học viên tại Viện Quân sự Virginia “Speech by Bob Kerrey at the Virginia Military Institute”, TNYT, April 25, 2001)
Và
“Rather: Đích thân ông có giết người nào không?
Kerrey: Không, tôi không giết ai, nhưng trong tâm trí, chính tôi đã giết tất cả những người đó, tôi nhận hết trách nhiệm cho đồng đội vì tôi phụ trách tiểu đội này.”
(Trích Phỏng vấn của Dan Rather (CBS) với Bob Kerrey trong chương trình “60 Minutes II”)
Nếu thực như thế thì bà còn nói chuyện được với ai nữa? Không ai sẽ có thể tin lời bà nói.
Có thể bà không hề biết về bài phát biểu dẫn trên của Bob Kerrey tại Viện Quân sự Virginia 15 năm về trước. Cũng có thể bà Ninh không biết về cuộc phỏng vấn của Dan Rather (CBS) với Bob Kerrey trong chương trình “60 Minutes II” tựa đề, “Ký ức về một cuộc thảm sát” (“Memories of a Massacre”, 1/5/2001). Và cũng có thể Tôn Nữ Thị Ninh cũng không biết đến quyển “Khi tôi còn trẻ: Một hồi ức” Bob Kerrey đã viết 14 năm trước (Kerrey, Robert. “When I Was a Young Man: A Memoir”. New York: Harcourt, Inc., 2002.)
Nếu như thế, thì đây lại là một vấn đề khác, nhưng nó là của riêng bà Tôn Nữ Thị Ninh.
Bà Ninh đòi ông Kerrey từ chức ngay, không chần chờ, và nói
“Nếu phía Mỹ khăng khăng giữ quyết định của mình, thì đối với tôi, không còn có thể coi đây là một dự án chung như nhóm sáng lập vẫn khẳng định. Vì rằng như trong một cuộc hôn nhân, hai bên cần phải lắng nghe, tôn trọng cảm xúc và suy nghĩ của nhau.”
Đây lại là quan điểm rất có vấn đề và một phát ngôn rất bừa bãi. “Phía Mỹ” là ai? Ở Đại học Fulbright chỉ có Quỹ vì Đổi mới Đại học tại Việt Nam (TUIV), Hội đồng Quản trị làm việc với Hiệu trưởng, bà Đàm Bích Thuỷ, là những người lãnh đạo, thiết kế và điều hành FUV. Ở đó không có “đế quốc” Mỹ, không có chính phủ Mỹ nào có thể can thiệp vào hoạt động nội bộ của FUV vì khái niệm tự do học thuật, và đại học tự trị của các nước dân chủ phương Tây, ngay cả khi FUV nhận một phần tài trợ của Mỹ được Quốc hội ở đó cho phép. Ở FUV không có hàm giáo sư do Nhà nước ban phát hay chức danh Hiệu trưởng, Chủ tịch Hội Đồng Tín thác do đảng chỉ định. Về phía Việt Nam, chính phủ cộng sản cũng đã cùng với chính phủ Mỹ ủng hộ việc thành lập Đại học Fulbright như một chỉ dấu của những ích lợi nhờ quan hệ sâu đậm giữa hai nước như đã được nêu lên trong bản Tuyên bố chung của Barack Obamma và Trương Tấn Sang ngày 25 tháng 7, 2015 tại Washinton. D.C.. Đóng góp của chính phủ địa phương ở Tp Hồ Chí Minh là cấp đất để FUV xây dưng cơ sở giáo dục.
Tôn Nữ Thị Ninh, hiện bà là cái gì trong chính phủ CHXHCNVN? Bà không phải là cô dâu, và hẳn không thể là chú rể; may lắm thì bà có thể là một khách mời; như thế thì hai họ việc gì phải “lắng nghe, tôn trọng cảm xúc” của bà về hôn nhân của đôi trẻ. Thiển nghĩ bà nên quay về với cái doanh nghiệp mã số 0305475216, được cấp vào ngày 3/02/2008 tên là Trung Tâm Nghiên Cứu Xã Hội Và Giáo Dục Trí Việt. Việc trước nhất là thống nhất tên giao dịch đã “đăng ký” — Tri Viet Center For Education Research And Development — và tên tiếng Anh ghi trên Internet, Trí Viet Center for Social & Educational Studies. Kế đến bà nên điền vào những chỗ còn trống trên trang mạng quảng cáo cái cọi là “Trung tâm Nghiên cứu” vì hiện nay nó trống rỗng dù được phép hoạt động từ ngày 1/3/2009; bẩy năm hoạt động mà “Trung tâm” không có gì cả trừ “Đôi nét” về Trung tâm và “Tiểu sử nhà sáng lập – Giám đốc Trung tâm” bên cạnh tấm hình của bà. Tổng số lần truy cập vào trang “Trí Việt” tính đến nay (6/2016) là 4210 lần.
Còn nếu thật sự đã thất bại như tác giả Xuan Loc Đoan viết trong bài “Vietnam’s Kerrey dilemma: Fulbright U appointment is lightning rod for US ties” đăng ngày 21/06/2016 ở tờ Á châu Thời báo thì bà nên dẹp cái trang giả vờ “Trí Việt” đi. Để trống như vậy, chẳng khác gì bà bảo trí Việt chẳng có gì, trí Việt trống rỗng, là chửi cha (già) Việt (cộng).
Thái Bảo Anh | Trong một status ở Facebook Bao Anh Thai kèm hai tấm hình không ghi nguồn, không chú thích – nhằm ám chỉ người lính Mỹ dẫm chân lên xác chết là ông Bob Kerey thời đi biệt kích ở Việt Nam – là một hành động bất lương của những người trí tuệ rỗng, trí tuệ lùn ở thời đại công nghê thông tin.
Chỉ trong giây phút người đọc chú ý cũng tìm biết đó là tấm ảnh người lính Mỹ trên chiến trường sau khi Việt Cộng mở cuộc Tổng công kích Tết Mậu Thân, tháng 1, 1968.
Ông Joseph Robert Kerrey là Trung uý Biệt kích Hải quân Mỹ chuyên về đặt mìn dưới nước (Lieutenant (junior grade), BUD/S) phục vụ từ tháng 1 – tháng 3, 1969, gần Nha Trang, Việt Nam. Nghĩa là Bob Kerrey chỉ có mặt ở Việt Nam 1 năm sau Tết Mậu Thân.
Như thế, Thái Bảo Anh và Trùng Dương dùng tấm ảnh người lính Mỹ đứng dẫm chân lên xác người một với ác ý; đốn mạt hơn nữa Trùng Dương chú thích, “Ảnh và chú thích ảnh: Chân dung Bob Kerry thời còn trẻ với những hành động vô nhân đạo (Nguồn: Internet)” phản ảnh trung thực bản chất lừa lọc, gian xảo, bất lương, rất cộng sản của họ.
Những tấm gương hoà giải của Nelson Mendela, của Angela Merkel, của Louis Zamperini (tha thứ cho những cai tù Nhật, kể cả Mutsuhiro “Bird” Watanabe đã tra tấn ông, trong Đệ nhị thế chiến), của John McCain, v.v. không có nghĩa hay giá trị gì với những người cộng sản vô thần.
Đừng xen vào nội bộ tự trị của Đại học. Hãy để Bob Kerrey góp phần đổi mới đại học để giúp tuổi trẻ Việt Nam mau hội nhập với xã hội công bằng dân chủ văn minh trên thế giới.
© 2016 DCVOnline
Nếu đăng lại, xin đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net”
Nguồn: Bài của tác giả gởi. DCVOnline minh hoạ.
(1) “GVN note to Paris participants on Cai Lay Massacre”, Date:1974 March 14, 11:25 Canonical ID:1974SAIGON03400_b, Declassified/Released US Department of State EO Systematic Review 30 JUN 2005 và “Thư của Văn phòng Quan sát viên Thường trực của Chính phủ VNCH tại LHQ gởi TTK LHQ, Kurt Waldheim”, Số 2158 UN/VN, 13/03/1974)
ĐỪNG NÊN LẤY QUAN ĐIỂM RIÊNG CỦA MÌNH NHÉT VÀO ĐẦU NGƯỜI KHÁC
Trên thế giới những dân tộc khác tôi không biết, nhưng ở Việt Nam từ xưa nay có một số người vẫn thói quen ưa nhét những quan điểm riêng trong đầu của mình cho người khác. Đó là một thói quen xấu, chủ quan, thấp kém, tầm thường mà một số người chưa sao bỏ được cho dù nay đã thế kỷ 21 rồi. Đó là tâm lý lấy cái tôi, cái ta làm trọng, một tâm lý đầy chất cảm tính, mang tính quẹo quặt, chẳng có gì minh bạch, tự nhiên, khách quan hay tôn trọng người khác cả. Chẳng hạn một số người hay có thói quen hoặc quán tính hoặc sự mù quáng, khi đưa quan điể nào đó riêng của mình thì vẫn đao to búa lớn viết hay nói tợn lên là “mọi người”, “toàn dân”, “toàn đảng”, “nhân dân ta”, “đảng ta”, “xã hội ta”, “dân tộc ta”, “đất nước ta” … để quơ quào vào đó mọi người khác, làm kiểu ai cũng giống mình, cũng như mình. Thật sự kiểu hàm hồ đó chỉ nói lên thái độ, quan niệm ít học, dốt nát, trịch thượng, vơ đũa cả nắm, cưỡng ép người khác phải theo mình, là tâm lý độc tài, tâm lý lệch lạc, tâm lý kiểu cá mè một lứa, hay tâm lý cuồng tín đã từng được dấy lên một thời trong quá khứ mà không gì khác.
Cho nên tính cách suy nghĩ độc lập của người phương Tây, tính cách khách quan, chừng mực của người Việt Nam theo truyền thống xưa là điều rất cần phải có đối với một số người Việt Nam ngày nay. Do đó câu chuyện hiện nay về cựu Thượng nghị sĩ Mỹ Bob Kerry và vai trò chủ tịch quản trị đại học Fulbright sắp mở tại Việt Nam mà có số người Việt Nam gân cổ lên phản đối đều cho thấy một phần nào não trạng lạc hậu hay có tính toàn riêng nào đó. Trước hết là phát biểu của bà Tôn Nữ Thị Ninh là cựu quan chức của nhà nước Việt Nam, và tiếp đến là Nguyễn Thanh Việt, một người Mỹ gốc Việt là hai ý kiến tiêu biểu nhất khiến nhiều người lưu ý. Tất nhiên quyền phát biểu là quyền của mỗi người, và phát biểu theo hướng thế nào hoặc động cơ thế nào thì họ đều tự biết, nhưng không phải người khác đọc vào là không thấy hết những ngầm ý có thể có hay không trong các ý nghĩa hoặc khía cạnh đó. Có nghĩa mọi ý đồ muốn tác động lên người khác theo ý mình, hoặc gây ra sự hiểu lầm như thế ngoài ý muốn của mình cũng đều là những điều chẳng có gì ổn cả.
Đơn giản nhất, chuyện nước Mỹ can dự vào chiến tranh Việt Nam trước đây là việc mang tính thế giới lúc đó, chuyện đó ngày nay đã qua lâu rồi, không thể chỉ dùng những não trạng tầm thường, bó hẹp nào đó để cứ ghim nó mãi. Vả chăng chiến tranh nào cũng chẳng tốt đẹp gì, thực chất chẳng có chiến tranh nào là thần thánh cả, kể cả những chiến tranh do ý thức hệ tôn giáo tức những cái được gọi là cuộc thánh chiến, hay chiến tranh kiểu ý thức hệ chính trị được mệnh danh là chiến tranh cao cả cũng chỉ trong một thời, như các cuộc chiến tranh gọi là vệ quốc xảy ra trong thế chiến thứ hai giữa các nước bên phe Trục và bên phe Đồng Minh đều cũng thế. Vì cái gì chẳng có mặt trái và chiến tranh cũng vậy. Đã chiến tranh thì không thể nào đồng loạt như nhau cả, có khía cạnh này khía cạnh khác, bản thân người lính này hay người lính khác, kiểu thần thánh hóa chiến sĩ hay lý tưởng hóa chiến sĩ theo kiểu úp bộ đều là lệch lạc hay phi lý. Cứ ta cái gì cũng hơn còn địch cái gì cũng xấu, dầu bên nào cũng thế, đó chỉ là cách gạt dư luận xã hội kiểu đàn bà con nít.
Do vậy giả dụ đặt trường hợp ông Bob Kerry vào thân phận của người lính Việt Nam hay người lính của nước nào đó khác thì sao. Có thể cũng chẳng hơn gì như khi ông ta là người lính Mỹ cả. Bởi chiến tranh thì chỉ nói cái tốt cái xấu khi nó chưa xảy ra hay đã xảy ra xong rồi, là lý do nào khi nó xảy ra và lý do nào khi có những sự việc vẫn tiếp diễn khi chiến tranh xong rồi, không thể kiểu ông nói gà bà nói vịt về mọi sự việc đang diễn ra khi lửa khói còn đang nghi ngút trên chiến trường. Vì thực chất chiến tranh là chém giết kẻ thù, đối phương của mình, cả nhiều khi gây họa đến những người dân vô tội vì vô tình vì hữu ý cũng không dám bên nào là không có ở nơi mọi cuộc chiến tranh, nhất là kiểu một sống một còn hoàn toàn khốc liệt rất khó để mọi người lúc nào cũng hoàn toàn quân tử hay cao thượng được. Tuy nhiên phải thừa nhận một điều, ông Bob Kerry đã nhận hết trách nhiệm về mình trong vụ giết người ở Thạnh Phong trước đây trên nửa thế kỷ tại Việt Nam vì ông lúc đó là trung úy chỉ huy một tiểu đội biệt kích Mỹ cho dù ông không trực tiếp nhúng tay vào tội ác, đó là thái độ đúng đắn của một con người có hiểu biết và đầy trách nhiệm. Cả lúc đó dù hành động thế nào, ông cũng chỉ tính cách là người lính trong chiến trận, không phải tính cách là cựu Nghị sĩ Mỹ hay người có vai trò và ý thức vận động thành lập đại học Fulbright cho Việt Nam ngày nay.
Như vậy quá trình từ người lính lên đến địa vị một Thượng nghị sĩ rồi người có tầm vóc trong lãnh vực đào tạo, giáo dục, nhất là tại một cường quốc như Mỹ, ý nghĩa của bản chất Bob Kerry không phải chỉ thấp kém hay tầm thường. Có nghĩa qua thiện chí và Mục đích của ông ta hết sức vận động để có được một trường đại học danh tiếng kiểu Fulbright cho người Việt Nam cũng cho thấy nhân cách và ý nghĩa nhân văn trong công việc làm của ông ta là thế nào rồi. Người ta mang lại lợi ích cho dân mình, cho nước mình một cách hoàn toàn vô tư, cao quý, điều đó đã không ủng hộ, thiện cảm mà lại đối nghịch, bài xích, thử hỏi các tâm trạng như thế của một số người nào đó là thế nào. Bởi họ lúc nào cũng chỉ thấy có địch và ta, chỉ thấy có gián điệp và khuynh loát chính trị theo cách nào đó, không thấy ra được ý nghĩa của tự trị đại học là điều quan trọng nhất mà ở các nước văn minh đều thường có như là một quy tắc cao nhất cũng như bắt buộc trong văn hóa xã hội chính đáng của con người. Chính tâm thức coi mọi cái chỉ là công cụ của chính trị vốn đã đi vào máu một cách sai lạc và tầm thường từ lâu rồi của một số người, hay tâm lý kiểu tìm cơ hội nào đó để lấy điểm khi có dịp, nếu có, đều là những tâm trạng tệ lậu mà một số người Việt Nam nào đó dù ở đâu hiện nay vẫn cũng mắc phải. Bởi chẳng hạn Nguyễn Thanh Việt đã nhập quốc tịch Mỹ rồi thì tâm thức đã là tâm thức Mỹ, thế vẫn giữ tâm lý theo cách lệch lạc của người Việt Nam nào đó thì thực chất nó có ra cái tính cách gì.
Nên nói tóm lại chuyện Bob Kerry trước hết là chuyện nội bộ điều hành và hoạt động của đại học Fulbright, nó không dính dáng trực tiếp gì đến những người bàng quan cả. Còn nếu có sự nghi ngờ hay chưa tín nhiệm nào đó bao quát hơn là mục đích văn hóa giáo dục đại học, thì đó là ý nghĩa của chính phủ Mỹ và chính phủ Việt Nam có thể phải tính toán và điều chỉnh với nhau, không phải việc của những người ngoài chức năng mà muốn nói leo hay xía miệng đến. Cho nên lời nói thực chất không ý nghĩa nào cả nếu nó không đi kèm với nội dung đúng đắn, khách quan hoặc thiện chí của nó. Nếu nói chỉ để nói, nói để nhằm tính toán riêng điều gì, nói chỉ để nhằm phá bĩnh kể cả phá bĩnh vì các quan điểm chính trị thiển cận, tầm thường, thấp kém, nhưng lời nói kiểu như thế cũng chẳng mang ý nghĩa gì hay lợi ích cho ai một cách thật sự. Chuyện ông Bob Kerry có đứng vai trò chủ tịch hội đồng quản trị đại học Fulbright hiện nay hay không chỉ là chuyện nhỏ. Bởi ông đã có nhiều địa vị lớn hơn rồi nên cũng chẳng ham gì một địa vị nhỏ nhoi nữa. Nhưng nếu một số người Việt Nam không nhìn ra được sự ích lợi lâu dài về phát triển của đất nước mình nhiều mặt do việc thành lập và hoạt động của đại học đó mang lại sau này, nhất là không đánh gia đúng thiện chí của những người Mỹ đã thiện tâm và thiện chí về nó trong đó có ông Bob Kerry thì là việc đáng buồn đáng tiếc không những chỉ đối với bản thân của ông Kerry mà còn đối với nhiều người Việt Nam có sự quan tâm chung về xã hội và đất nước ta ngày nay.
ĐẠI NGÀN
(25/6/16)
Tôi nghĩ Tôn nữ thị Ninh nên từ chức , vì TRÍ VIỆT không ai như bà, tìm cách khơi lại hận thù, bới lại đống tro tàn của lịch sử, đơn giản là bà ta muốn mọi người nhớ đến bà, một kẻ ăn cơm quốc gia ,,,được sống được giáo dục một nền giáo dục NHÂN BẢN, KHAI PHÓNG nhưng bà ta đã tự mình tìm đến chủ nghĩa Mác, để đc trọng dụng và khi bị lãng quên thì ..tìm cách kích động mọi kẻ bảo thủ bất chấp đến thực tại…. Còn Ng. thanh Việt một kẻ viết văn trí lùn, hắn không phải là một học giả, scholar vì học giả không thể có những suy nghĩ thiển cận như vậy, hắn đúng là một SYMPATHIZER tự nguyện, nhắm đến một sự xin cho phép đc in tác phẩm này tại VN mà hắn mưu tìm….và đây là dịp để hắn lên tiếng ” xin khéo” cho tác phẩm của hắn . Còn với Bob Kerrey cũng như với John Kerry, Mccain… Peterson….. và nhiều cựu binh khác các vị xứng đáng là người Mỹ mưu tìm một kết nối VN- Hoa kỳ tốt hơn cho dân tộc hai nước. Không có một chiến binh nào ngay cả ở Bắc Việt , Nam Việt Nam, đã làm được hơn những gì quí vị đã làm cho hai nước chúng ta.