Ý thức hệ dân tộc thống nhất Việt
Trần Minh Khôi
Năm mươi năm trước, ngày này, 2/11, đám tướng tá giết chết Tổng thống Ngô Đình Diệm. Cuộc đảo chánh của quân đội và cái chết của ông dọn đường cho sự thất bại toàn diện của miền Nam năm 1975. Mười hai năm kế tiếp của Việt Nam Cộng Hòa chỉ là giai đoạn thoi thóp của một con bệnh. Quân đội viễn chinh Mỹ vào miền Nam đem theo cổ quan tài cho Việt Nam Cộng Hòa.
Nửa thế kỷ nhìn lại, xét từ thẩm quyền đạo đức đến viễn kiến quốc gia, ông Diệm là vị nguyên thủ xứng đáng nhất của Việt Nam từ giai đoạn lịch sử đó đến nay. Trong một thời gian rất ngắn, ông đã làm được những điều kỳ diệu mà một nhà nước non trẻ có thể làm cho một quốc gia vừa mới bước qua thời thuộc địa.
Cái chết của ông, dẫn đến sự sụp đổ của nền cộng hoà và tương lai dân chủ ở miền Nam, có nguyên nhân từ trong tư duy chính trị của ông; cái tư duy tôi đặt tên là “ý thức hệ dân tộc thống nhất Việt” (xem comment). Nhà nước của ông được xây dựng trên tư duy đó: ông cố gắng một cách thô bạo để thiết lập một nhà nước tập quyền trên nền tảng của những di sản và truyền thống tản quyền. Và ông thất bại.
Không thu phục đựơc các lực lượng thân Pháp, ông cũng không đoàn kết được các lực lượng chống Pháp không cộng sản ở miền Nam. Cái xương sống của nền đệ nhất cộng hòa không phải là các lực lượng kháng chiến chống Pháp cũ mà là các lực lượng Thiên Chúa giáo, phần lớn di cư từ miền Bắc. Ông đã không xây dựng được những cơ chế dân chủ đủ mạnh để đoàn kết các lực lượng này. Các lực lượng kháng Pháp không cộng sản miền Nam dần dần bị thanh trừng, bị đẩy sang bên lề của sinh hoạt chính trị. Phần khác đi theo cộng sản rồi chỉ để, sau khi chiến tranh chấm dứt, vỡ mộng khi hiểu ra họ đã bị cộng sản lợi dụng. (Cho đến hôm nay, lực lượng dân tộc đi theo cộng sản ở miền Nam vẫn không có mặt trong các vai trò quan trọng của chính quyền. Đây là một đề tài khác cho một dịp khác). Những người lãnh đạo quân đội, chổ dựa của chính quyền, trở nên xa lánh và phản trắc.
Đáng lẽ ra điều ông phải làm, như người Pháp đã làm với Việt Nam một thế kỷ trước, là nhận ra sự đa dạng, tản quyền trong truyền thống chính trị của người miền Nam và xây dựng một nhà nước trên cở sở đó. Hãy tưởng tượng, nếu ông không phá bỏ Hoàng Triều Cương Thổ mà giao lại cho người Tây Nguyên tự trị; không đánh dẹp các lực lượng (và lực lương tôn giáo) miền Nam mà khéo léo đưa họ vào với sinh hoạt quốc gia thì cộng sản đã không thể nào xâm nhập Tây Nguyên và Tây Nam Bộ.
Một nhà nước tản quyền, tránh những can thiệp thô bạo của ý chí thống nhất tập quyền, chắc hẳn đã cứu được ông Diệm và cứu được nền cộng hoà non trẻ ở miền Nam.
Bài học tư duy chính trị của ông Diệm vẫn còn đầy đủ tính thời sự năm mươi năm sau. Nhà nước toàn trị hiện nay là đại diện trung thành nhất, hung hãn nhất của ý thức hệ dân tộc thống nhất Việt đó. Và nó đang gặp phải những bế tắc không thể nào tháo gỡ được.
Nguồn: Trần Minh Khôi. Facebook. 2/11/2013.
ĐƯỜNG HOA TRỞ LẠI
Còn đây song tối, chờ thao thức
Những nẻo trời xa những dặm trường
Núi cản tầm nhìn, sông chắn bước
Mà lòng nườm nượp gió quê hương
Mây trắng xuôi ngàn qua cửa sổ
Người không có cánh loài chim bay
Yêu nhau chưa đến mà thương nhớ
Còn đó hai phương khoảng cách này
Tất cả mai về vui dựng xây
Tháo tung binh khí hết tù đầy
Người hiền như thuở còn thơ ấu
Nước Việt về xuân vẹn tháng ngày
Ca dao đồng vọng nhạc theo cày
Lúa trải xanh mờ át nẻo mây
Bến cũ vẫn xưa là bến nhớ
Gốc nhãn, hồi chuông của tháng ngày
Theo nhau về khắp đường sông núi
Buồm hát tự do khắp biển trời
Bốn bể là nhà, chim có tổ
Tìm về bến cũ của đời tôi.
( Ý-Yên.. Màu Xanh cho quê hương)