Bài Học Nhật Bản (6)

Khôi Nguyên, HVR

Yasukuni-Jinja1Tại sao lại xuất hiện sự chống đối mãnh liệt khi Yasukuni Jinja vốn chỉ là nơi tưởng niệm, truy điệu và thờ phượng những người quá cố được coi là đóng góp công sức, tính mạng cho đất nước…

Đền Yasukuni Jinja

Liên quan đến lĩnh vực chính trị của loạt bài “Bài Học Nhật Bản”, xin được gửi đến quý vị những luận điểm tranh cãi xoay quanh ngôi đền thần đạo Yasukuni Jinja, tức Tĩnh Quốc Thần Xã, vốn là nơi tưởng niệm, phụng thờ các chiến sĩ cùng thường dân đã chiến đấu và hy sinh vì quốc gia, dân tộc Nhật Bản. Ngôi đền này luôn là nơi thu hút mọi dư luận quốc tế vào ngày 15/8 hàng năm là ngày mà giới lãnh đạo cùng chính trị gia xú Phù Tang đến đây tham bái nhân dịp kỷ niệm ngày Nhật Bản chính thức đầu hàng quân đồng minh trong cuộc chiến tranh thế giới lần thứ 2 vào năm 1945.

Đối với việc các vị Thủ Tướng hoặc chính khách Nhật Bản đến tham bái tại đền thờ Yasukuni, có 4 quốc gia luôn lên tiếng phản đối mạnh mẽ là Trung cộng (Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa – DCVOnline), Đài Loan, Nam Hàn và Bắc Hàn, trong số này Trung cộng là nước có phản ứng gay gắt nhất. Hơn nữa, ngay tại Nhật Bản cũng có một số đoàn thể đối lập không tán đồng việc các nhà lãnh đạo hoặc giới chính trị gia đến thăm viếng đền Yasukuni vì lý do tránh gây thêm xung đột với các quốc gia trong vùng.

Tại sao lại xuất hiện sự chống đối mãnh liệt khi Yasukuni Jinja vốn chỉ là nơi tưởng niệm, truy điệu và thờ phượng những người quá cố được coi là đóng góp công sức, tính mạng cho đất nước theo niềm tin của Thần Đạo Nhật Bản mà lại không thể đón tiếp các nhân vật đầu não của quốc gia này đến đây tham bái? Thực tế cho thấy, làn sóng chống đối từ dư luận các quốc gia trước đây từng bị quân đội Nhật Bản chiếm đóng và ngay cả một số chính khách Hoa Kỳ thực sự bắt nguồn từ sự kiện vào ngày 17/10/1978 khi bài vị của 14 người bị Tòa án Quân sự Quốc tế vùng Viễn Đông (International Military Tribunal of the Far East) kết án là những tội phạm chiến tranh hạng A và B được bí mật đưa vào đền Yasukuni để thờ phượng với danh xưng được phong tặng là “những công dân ái quốc hy sinh vì Thiên Hoàng, vì đất nước và vì niềm tin của mình”. Trong số 14 nhân vật này, nổi tiếng nhất là Thủ Tướng đời thứ 40 của Nhật Bản Tojo Hideki (Đông Điều Anh Cơ) từng đảm nhiệm nhiều chức vụ quan trọng trong chính phủ và trong quân đội với quân hàm Đại Tướng Lục Quân, bị xếp vào hạng tội phạm chiến tranh hạng A với án tử hình treo cổ. Cùng nhận án treo cổ với ông Tojo Hideki còn có các nhân vật trong quân đội và chính quyền đại đế quốc Nhật Bản đương thời như Seishiro Itagaki, Matsui Iwane, Doihara Kenji, Kimura Heitaro, Hirota Koki và Muto Akira, còn lại những tội phạm khác hoặc bị án chung thân, hoặc án tù 20 năm và có hai người đã qua đời vì bệnh trước khi tòa án đưa ra phán quyết.

Chiến sĩ trận vong (đền Yasukuni Jinja ). Nguồn: http://marispassportdiaries.blogspot.ca
Chiến sĩ trận vong (đền Yasukuni Jinja ). Nguồn: http://marispassportdiaries.blogspot.ca

Khi sự kiện này bỗng nhiên bị giới báo chí tiết lộ vào ngày 19/4/1979 thì lập túc đã bùng nổ ra những làn sóng chống đối từ Trung cộng, Nam Hàn, Bắc Hàn, Đài Loan v.v… Những quốc gia này đồng thanh lên án phía Nhật Bản đã không nhìn nhận lỗi lầm trong quá khứ mà vẫn tôn thờ những nhân vật chủ trương gây chiến tranh đem quân xâm chiếm láng giềng. Đồng thời, cũng có dư luận cho rằng hành vi nhìn nhận việc tôn thờ những nhân vật bị kết án tội phạm chiến tranh tại đền thờ Yasukuni cho thấy chính phủ Nhật bản đã xem thường phán quyết của tòa án quân sự quốc tế cũng như phủ nhận hoàn toàn lỗi lầm gây tội ác trong thời kỳ chiếm đóng các quốc gia nạn nhân.

Đối lại, phía Nhật Bản cũng thường đưa ra phản luận rằng, việc tỏ lòng tri ân những người đã khuất từng có nhiều công lao đóng góp cho quốc gia là điều phù hợp với tinh thần và truyền thống theo niềm tin Thần Đạo lâu đời của người Nhật, ngoài ra cho dù đó là những nhân vật bị tòa án quốc tế kết án nhưng trước đó họ đã từng để lại nhiều sự nghiệp cống hiến cho quốc gia dân tộc nên việc sùng bái vong linh những nhân vật này. Hơn nữa, cũng có nhiều dư luận Nhật Bản cho rằng xét theo lịch sử riêng biệt của mỗi quốc gia đều có những nhân vật được dân tộc họ tôn vinh dù bị ngoại quốc căm ghét, nên tất cả các luận điệu phản bác, chống đối Nhật Bản trong nghi thức lễ tham bái đền thần Yasukuni đều là có ý can thiệp vào nội bộ quốc gia này.

Trên thực tế, các nghi lễ thờ phụng, cúng dường linh hồn những người đã hy sinh từng có công trạng với đất nước được cử hành tại đền thờ Yasukuni đã trở thành một tập quán hay đúng hơn là niềm tin mãnh liệt của người Nhật từ năm 1869, tức thời điểm ngôi đền này hoàn thành công trình xây cất với danh xưng đương thời là Đông Kinh Chiêu Hồn Xã (Tokyo Shokonsha). Chữ Xã (sha) ở đây có nghĩa là Thần Xã, tức đền thờ Thần Đạo mà khi sử dụng danh từ Jinja, người Nhật đã đọc theo cách biến âm từ Sha chuyển thành Ja. Từ đó đến đúng 10 năm sau vào ngày 4/6/1879, Đông Kinh Chiêu Hồn Xã được đổi tên thành Tĩnh Quốc Thần Xã, tức Yasukuni Jinja vì được vua Minh Trị tuyển chọn là một biểu tượng đặc biệt của tín ngưỡng Thần Đạo với ý nghĩa là ngôi đền hộ quốc qua hai chữ Tĩnh Quốc mang ngụ ý cầu nguyện cho đất nước an tĩnh, thanh bình.

Mitama Matsuri – Hơn 30.000 chiếc đèn lồng treo trên những búc tường cao hơn 10 m trong lễ hội treo đèn mùa hè để hàng ngàn du khách đến tưởng nhớ vong linh tổ tiên, dân quân đã chết trong chiến tranh Boshin (1867) - cuối đệ nhị thế chiến (1945).
Mitama Matsuri – Hơn 30.000 chiếc đèn lồng treo trên những búc tường cao hơn 10 m trong lễ hội treo đèn mùa hè để hàng ngàn du khách đến tưởng nhớ vong linh tổ tiên, dân quân đã chết trong chiến tranh Boshin (1867) – cuối đệ nhị thế chiến (1945).

Vào ngày 29/6/1869 trùng vào năm Minh Trị thứ 2, Đông Kinh Chiêu Hồn Xã chính thức ra đời dựa theo lệnh của Thiên Hoàng Minh Trị vì nhà vua muốn tỏ lòng nhớ ơn những chiến sĩ đã bỏ mình trong cuộc cách mạng phò tá triều đình lật đổ triều đại lộng quyền Mạc Phủ do dòng họ võ tướng Tokugawa nắm giữ và cuộc cải cách Duy Tân. Đây chính là khoảng thời gian nước Nhật được thống nhất lần đầu tiên trong thời cận đại và đang trải qua quá trình của một cuộc cách mạnh còn mang ý nghĩa lịch sử quan trọng gấp bội là công cuộc canh tân đất nước do vua Minh Trị khởi xướng. Trước kia, dưới chế độ chính quyền Mạc Phủ Tokugawa, nước Nhật đã trải qua khoảng 250 năm áp dụng chính sách bế môn tỏa cảng nên hầu như mọi tiếp xúc và trao đổi với nước ngoài đều bị cấm chế nghiêm ngặt.

Sau đó, do áp lực từ Hoa Kỳ và các quốc gia Tây Phương đang có trào lưu tiến về phía Đông, khai thác thuộc địa ở vùng đất Châu Á, ép buộc Nhật Bản phải mở cửa giao tiếp buôn bán qua những hiệp ước bất bình đẳng vì lúc đó, binh lực của chế độ Mạc Phủ còn kém xa vũ khí của Tây Phương. Cùng lúc, giới sĩ phu và võ sĩ Nhật phân chia thành hai phái đối lập là một bên tán thành chính sách mở cửa và bên còn lại ủng hộ chính sách bảo thủ vì sợ ảnh hưởng của nước ngoài sẽ làm biến đổi bản sắc dân tộc Phù Tang. Từ tình trạng phân rã này, nước Nhật sinh ra hai cuộc nội chiến đẩm máu gọi là cuộc chiến tranh Mậu Thìn (Boshin Senso 1868-1869) cùng chiến tranh Tây Nam (Seinan Senso 1877) mở ra những trận đánh ác liệt giữa binh lực triều đình được sự trợ giúp của giới võ sĩ Samurai mang tư tưởng bất mãn đối với chế độ Mạc Phủ và quân đội của dòng tộc võ tướng Tokugawa. Cuối cùng, Minh Trị Thiên Hoàng đã phục hồi được hoàng quyền nên luôn tỏ lòng biết ơn những chiến sĩ hy sinh trong hai cuộc chiến ủng hộ triều đình. Đó cũng là lý do vua Minh Trị cho xây cất Đông Kinh Chiêu Hồn Xã.

Khi mới lên ngôi Thiên Hoàng, vua Minh Trị tuy còn trẻ nhưng lại có đầu óc thực tiễn, nhìn xa trông rộng nên sớm khởi xướng cuộc canh tân nhanh chóng hiện đại hóa quân đội triều đình. Nhờ vậy, trong cuộc chiến tranh Mậu Thìn, tuy có quân số ít hơn nhưng binh sĩ của nhà vua với vũ khí tối tân đã chiến thắng dễ dàng đoàn quân đông gấp bội của binh lực thể chế Mạc Phủ. Nhưng đáng kể nhất là sau khi thắng trận, nhà vua vẫn thu phục được nhiều tướng lãnh của dòng tộc Tokugawa và phục hồi quan tước cho họ để góp phần trong cuộc canh tân đất nước. Quan trọng hơn, vua Minh Trị không nghe theo lời những võ sĩ Samurai có tư tưởng bài ngoại yêu cầu trục xuất hết người ngoại quốc, mà lại tỏ ra khôn khéo trong việc đàm phán với Tây Phương để hủy bỏ các hiệp ước bất bình đẳng mà chế độ Mạc Phủ từng đặt bút ký kết.

Võ sĩ đạo trong quân đội Chōshū từ các đơn vị khác nhau Nguồn: Đại học Thư viện Tokyo
Võ sĩ đạo trong quân đội Chōshū từ các đơn vị khác nhau Nguồn: Đại học Thư viện Tokyo

Sở dĩ đa số giới võ sĩ Samurai mang lòng bất mãn đối với thể chế Mạc Phủ rồi hợp sức lại để trợ giúp vua Minh Trị khôi phục quyền lực hoàng thất là vì họ không tán thành sự xuất hiện của người Tây Phương trên đất Nhật qua những hiệp ước buộc các võ tướng dòng tộc Tokugawa phải mở cửa và đây là nguyên nhân châm ngòi cho cuộc chiến Mậu Thìn, một cuộc chiến mà Nhật Bản với đại diện là vua Minh Trị đã cho thấy những bước tiến dài trên con đường canh tân đất nước cũng như đặt dấu chấm hết cho sự can thiệp sâu đậm vào nội tình nước Nhật của chính quyền Anh và Pháp.

Sau đó, giới võ sĩ Samurai thấy rằng dù đã đóng góp công sức cho triều đình nhưng vua Minh Trị với chính sách mới đã dần tước bỏ quyền lợi và địa vị của họ trong xã hội, nhất là nhà vua vẫn tiếp tục mở rộng bang giao với ngoại quốc nên từ phiên trấn Satsuma, tức lãnh thổ rộng lớn có binh lực hùng mạnh nhất dưới chế độ Mạc Phủ và bao gồm cả diện tích tỉnh Kagoshima cùng một phần phía Tây Nam tỉnh Miyazaki và đảo Okinawa ngày nay, các cựu võ sĩ Samurai đã khởi binh chống lại triều đình đưa đến bối cảnh bùng nổ cuộc chiến tranh Tây Nam.

Trải qua hai cuộc nội chiến này, vua Minh Trị là người đứng giữa hai tâm trạng dằng co khi nhận được sự trợ giúp đắc lực của giới võ sĩ phiên trấn Satsuma nhưng sau đó lại phải xuất binh tiêu diệt họ. Nhưng nhà vua vẫn minh định con đường tối thượng là đưa đất nước đi theo hướng cải cách, thoát cảnh lạc hậu để đặt nền tảng vững chắc cho một quốc gia Nhật Bản hùng cường kéo dài cho đến nay và cho lập đền thờ Yasukuni để tưởng nhớ những người đã hy sinh trong hai cuộc chiến này.

Vào ngày 27/1/1874, khi đến viếng đền thờ Đông Kinh Chiêu Hồn Xã lần đầu tiên, Minh Trị Thiên Hoàng đã từng nhấn mạnh rằng mục đích kiến tạo ngôi đền này là để an ủi vong linh những người bỏ mình vì quốc gia và lưu lại cho hậu thế những sự tích về họ. Vì vậy, đối với người Nhật đền thờ Đông Kinh Chiêu Hồn Xã hay Yasukuni Jinja hiện nay vừa là biểu tượng thiêng liêng mang ý nghĩa lịch sử trọng đại vì đánh dấu bước ngoặc to lớn khi đất nước họ có cơ hội chuyển mình vươn lên, đồng thời vừa là nơi để bày tỏ lòng thành kính tưởng nhớ công đức người quá cố.

Có thể so sánh niềm tin về tín ngưỡng Thần Đạo của người Nhật với tục thờ cúng ông bà tổ tiên của các quốc gia Đông Nam Á, nhưng người Nhật có điểm khác biệt là ngoài gia tộc họ còn tôn thờ những người từng có công lao đóng góp cho sự phát triển xã hội hoặc làm rạng danh địa phương nơi cư trú.

Một người thợ làm bánh ngon, một tuyển thủ ném bóng dã cầu xuất sắc của địa phương v.v…đều có thể trở thành những nhân vật được lưu danh để hậu thế biết đến. Cùng với nét dị biệt này, người Nhật còn tin rằng sau khi chết đi linh hồn người quá cố sẽ được giải thoát khỏi tội lỗi mà họ đã phạm và cũng cần phải tưởng nhớ đến công đức của họ khi còn sống. Đây cũng chính là điểm tạo ra những bất đồng về quan điểm tín ngưỡng, văn hóa giữa Nhật Bản và các quốc gia chống đối việc những nhà lãnh đạo đến viến đền thờ Yasukuni.

Trong khi đó, Thiên Hoàng Chiêu Hòa là người trực tiếp chứng kiến giai đoạn lụn bại của đại đế quốc Nhật Bản khi tuyên bố đầu hàng vô điều kiện trước quân đồng minh, đã không còn đến viến thăm đền Yasukuni từ năm 1978 sau khi biết được 14 nhân vật có tên trong danh sách tội phạm chiến tranh được đưa vào thờ kính tại ngôi đền này. Quyết định của vua Chiêu Hòa cũng trở thành một tiền lệ cho đến nay khi Thiên Hoàng đương kim là vua Bình Thành không hề đến tham bái mà chỉ cử người đại diện hoàng thất đến cử hàng nghi lễ.

Điểm này cũng cho thấy sự khôn khéo về cách ứng xử giữa Thiên Hoàng Chiêu Hòa và các vị Thủ Tướng đối với việc tham bái tại đền thờ Yasukuni sau khi làn sóng chống đối xảy ra. Theo dư luận Nhật Bản, với tư cách là biểu tượng của nước Nhật và là người nhận lãnh trách nhiệm của một quốc gia bại chiến khi tuyên bố đầu hàng, vua Chiêu Hòa đã làm tròn bổn phận của một vị nguyên thủ quốc gia và ông chỉ cần cử người đại diện đến viếng đền Yasukuni cũng đã thể hiện đầy đủ nghi thức. Trong khi các vị Thủ Tướng lại tùy theo thời thế hoặc tình hình ngoại giao mà lựa chọn quyết định để tránh làm gia tăng mức chống đối từ các quốc gia từng là nạn nhân của quân đội Nhật. Do đó, để tránh bị dư luận phản đối rồi lại phải đưa ra những lập luận giải thích không cần thiết, các vị Thủ Tướng Nhật thường nhấn mạnh rằng họ đến tham bái đến thờ Yasukuni với tính cách cá nhân chứ không phải cương vị Thủ Tướng. Tuy vậy, khi đặt bút ký vào danh sách khách đến viếng đến, chữ ký của một Thủ Tướng hay thường dân cũng chỉ là tên của họ, tức là không có gì khác biệt. Cho đến nay, vị Thủ Tướng công khai đến viếng đến Yasukuni nhiều nhất là ông Koizumi Junichiro (Tiểu Tuyền Thuần Nhất Lang) với 6 lần trong 6 năm liên tiếp trong suốt thời gian nắm quyền của mình. Hơn nữa, ông Koizumi cũng từng tuyên bố rằng ông lấy làm ngạc nhiên vì hành động tham bái tại đền Yasukuni của ông chỉ có mục đích cầu nguyện cho Nhật Bản tránh đi vào vết xe gây chiến và đó chỉ là sự tưởng niệm của cá nhân ông nhưng tại sao lại bị một số quốc gia phản đối.

Nói chung, có thể thấy rằng, việc các nhà lãnh đạo Nhật Bản với tính cách chính danh hoặc dùng tư cách cá nhân đều thể hiện chung một điều là dứt khoát xem đền Yasukuni như một biểu tượng tôn thờ những người đã nằm xuống vì nước Nhật cho dù Trung cộng, Đài Loan, hay Nam- Bắc Hàn cứ liên tục chống đối và Nhật Bản cũng không có nhu cầu phải giải quyết tận gốc rễ những dị biệt về niềm tin tín ngưỡng này.

Ngược lại, việc Trung cộng luôn lên tiếng gắt gao nhất càng cho thấy phía Bắc Kinh lợi dụng sự phẫn uất của người Hoa mỗi khi tưởng nhớ lại thời kỳ bị quân đội Nhật chiếm đóng, để khơi dậy tinh thần ái quốc trong chiến dịch bài Nhật mà theo cách nhìn của giới bình luận chính trị thì đây là một hình thức chuyển hướng sự bất mãn của dân chúng trước cảnh bất công xã hội dưới quyền cai trị của đảng cộng sản hơn là sự lo ngại về sự hồi phục của chủ nghĩa quân phiệt Nhật mà Bắc Kinh thường đề cập. Đơn giản, vì trong bối cảnh cục diện thế giới hiện nay chủ nghĩa quân phiệt hay việc tổ chức một cuộc chiến tranh xâm chiến láng giềng đã không còn lý do để tồn tại hay nói cách khác nó đã trở thành những trang sử của quá khứ. Thay vào đó, là cuộc chạy đua về kinh tế mà Nhật Bản chính là thế lực đối trọng quá nặng ký đối với Trung cộng.

Từ đó, có lẽ sẽ dễ nhận thấy rằng việc Trung cộng hằn học về các chuyến viếng thăm ngôi đền Yasukuni của giới lãnh đạo Nhật Bản, chỉ nhằm mục đích làm suy yếu danh tiếng và uy tín đối phương mà trong phần 2 vào tuần tới chúng tôi sẽ trích dẫn bài phỏng vấn liên quan đến nhận định này của ký giả Komori Yoshihisa, tức người đã thực hiện loạt bài Sài Gòn Thất Thủ trước đây

Đền Yasukuni Jinja. Nguồn: annefrank.arte.tv
Đền Yasukuni Jinja. Nguồn: annefrank.arte.tv

Hiện nay, ngôi đền Yasukuni đặt bài vị tên tuổi của tổng cộng 2.466.532 người đã từng chiến đấu và hy sinh cho quốc gia Nhật Bản, đặc biệt trong đó bao gồm cả những người ngoại quốc như 27.863 người Đài Loan và 21.181 người Triều Tiên. Theo quy định, đền Yasukuni chỉ được tôn thờ giới quân nhân tướng lãnh hy sinh vì quốc gia nhưng cũng có trường hợp dành cho thường dân theo điều kiện họ phải là những người từng phục vụ quân đội, tử vong khi đang làm nhiệm vụ hoặc bị giết trong trại tù kẻ thù, hay thành phần sinh viên tình nguyện trong thời chiến hoặc những y tá thuộc hội Hồng Thập Tự tử vong ngoài mặt trận. Tuy trong giai đoạn đệ Nhị Thế Chiến, danh sách những tướng sĩ trận vong luôn tăng lên hằng năm nhưng sau khi Nhật Bản đặt bút ký Hiệp ước Hòa Bình San Francisco từ năm 1951 thì không ai còn được vinh danh tại ngôi đền này.


Nguồn: Bài đã phát thanh do Hồn Việt Radio gởi đến DCVOnline.net.