Tự vệ Đội (Jieitai) của Nhật Bản

Khôi Nguyên, HVR

800px-Naval_Ensign_of_JapanTự Vệ Đội Nhật Bản ứng dụng kỹ thuật tân tiến sáng tạo và rất nhanh chóng, trong khi Trung cộng vẫn còn chậm trễ nên khó lòng đuổi kịp đối phương về phương tiên vũ khí quân sự.

Phù Tang ký sự: Tự vệ Đội (Jieitai) của Nhật Bản

Trong thời gian gần đây, tình hình căng thẳng về những diễn tiến xung đột quanh sự kiện quần đảo Tiêm Các, tức Senkaku do Nhật kiểm soát bị lôi cuốn vào vòng tranh chấp với phía Trung cộng khi Bắc Kinh cũng đòi hỏi chủ quyền với tên gọi Điếu Ngư đã mở màn cho cục diện tăng cường vũ trang, chiến lực về mặt quốc phòng giữa hai cường quốc Châu Á, đặc biệt là Nhật Bản ngày càng thể hiện sức mạnh kỹ thuật quân sự vượt trội khi lần lượt tung ra những phương tiện chiến đấu tối tân như hàng không mẫu hạm Izumo, các chiến hạm, chiến đấu cơ hiện đại, cũng như Tokyo đang xúc tiến kế hoạch thành lập một Ủy ban An ninh Quốc gia dự định thực hiện vào đầu năm 2014. Ủy Ban này gồm 6 vụ đặc trách về cách lĩnh vực như: Tổng Hợp, Tình Báo, Chiến Lược, đối sách với Khối đồng minh, đối sách với Trung cộng-Bắc Hàn và đối sách với các khu vực khác. Điều này đồng nghĩa với việc lực lượng quốc phòng, tức Tự Vệ Đội (Jieitai) của Nhật Bản đang thực sự có những bước tiến rất gần đến hình thức hợp pháp hóa danh xưng quân đội chính quy mà theo hiến pháp hiện hành, quốc gia này vốn bị hạn chế việc thành lập quân đội.

Và từ bối cảnh hiện nay, trong tiết mục Phù Tang Ký Sự hôm nay, chúng tôi xin được giới thiệu đến quý vị lực lượng Tự Vệ Đội Nhật Bản.

*

Theo phần 1 điều 3 của Luật Tự Vệ ghi trong bản hiến pháp Nhật Bản, Tự Vệ Đội là một tổ chức phòng vệ bao gồm các binh đội Lục Quân, Hải Quân và Không Quân có nhiệm vụ bảo vệ hòa bình, độc lập, an ninh quốc gia trước các mối đe dọa xâm lược trực tiếp hoặc gián tiếp từ những thế lực ngoại quốc, đồng thời lực lượng Tự Vệ Đội cũng có nhiệm vụ phụ thuộc khác là đối ứng với các trường hợp cần thiếp cấp bách và duy trì trật tự công cộng như hình thức biệt phái ra hải ngoại để tham gia các hoạt động cứu trợ thiên tai hay tình trạng nội chiến phân tranh trong phạm vi chương trình Hoạt Động Duy Trì Hòa Bình của Liên Hiệp Quốc gọi tắt là PKO (Peacekeeping Operations).

Trên nguyên tắc, bản hiến pháp Nhật Bản được coi là nền tảng đặt quốc gia này trong thế chuyên về phòng thủ, nên về mặt quốc phòng những phương châm và kế hoạch chính yếu đều dựa vào hình thức tự vệ, tức chỉ ra sức bảo vệ lãnh thổ. Tài sản, tính mệnh người dân khi phải đối đầu với những cuộc chiến xâm lược. Từ đó, Thủ Tướng là người chỉ huy có quyền lực tối cao tương đương với vai trò Tổng Tư Lệnh Quân Đội và Bộ Trưởng Phòng Vệ, tức Bộ Trưởng Quốc phòng nắm giữ quyền điều hành tổng quát. Tuy nhiên, từ hình thức chính yếu là phòng vệ nên Bộ Trưởng Quốc phòng Nhật Bản cũng được coi như những Bộ Trưởng khác trong quốc hội theo quan điểm của một nhà chính trị dân sự nên không cần thiết phải trải qua kinh nghiệm quân sự. Do đó, thông thường các Bộ Trưởng Quốc phòng Nhật đều từng mang trách vụ phụ trách ngành ngoại giao hay các ngành liên quan đến vấn đề đòi lại chủ quyền lãnh thổ phương Bắc, tức quần đảo Chishima ở phía Bắc bị quân đội cựu Liên Xô chiếm đoạt vào giai đoạn cuối thế chiến thứ 2 mà ngày nay đã trở thành quần đảo Kuril thuộc tỉnh Sakhalin của nước Nga. Cũng vì lẽ này, Bộ Trưởng Quốc phòng Nhật Bản rất am tường chiến lược đối ngoại và có khuynh hướng mềm dẽo nhưng luôn kiến quyết theo đuổi lập trường đòi lại chủ quyền lãnh thổ phương Bắc đối với Nga và đây cũng là lý do mà Nga và Nhật Bản từ sau thời đệ nhị thế chiến đến nay vẫn chưa ký kết được một hiệp ước hòa bình bất tương xâm. Từ cục diện này, Nhật Bản luôn phát triển lực lượng Tự Vệ Đội Không Quân để ngăn chận những trường hợp chiến đấu cơ của Nga lập dọ thám không phận phía Bắc và ngày nay lại tiếp tục tăng cường sức mạnh của Tự Vệ Đội Hải Quân trước sự bành trướng trên biển Hoa Đông của Trung cộng.

Ngoài ra, Bộ Trưởng Quốc phòng Nhật Bản còn là nhân vật trực tiếp chỉ huy cơ quan điều hành tổng hợp 3 lực lượng Tự Vệ Đội Lục, Hải, Không Quân gọi là Cơ quan Thống Hợp Tự Vệ Đội. Cơ quan này nhận lệnh từ Bộ Trưởng Quốc phòng trong tất cả những trường hợp phát binh đối ứng khi hữu sự.

Từ quy định của điều luật Tự Vệ Đội trong hiến pháp, danh xưng Tự Vệ Đội chỉ bao gồm những binh sĩ trong lực lượng của 3 binh chủng Lục, Hải, Không Quân, còn lại những viên chức liên hệ hoặc các trường đào tạo hay cơ quan chuyên ngành quân sự đều tách biệt tuy vẫn trực thuộc Bộ Quốc Phòng. Vì vậy, ở Nhật Bản trong suốt thời gian hòa bình từ sau đệ nhị thế chiến đến nay, Bộ Quốc phòng chỉ còn là một khái niệm trên mặt danh xưng và thực tế chỉ được coi một là một trong các cơ quan hành chính thông thường.

Tuy điều 9 hiến pháp Nhật Bản quy định quốc gia này phải từ bỏ chiến tranh, không duy trì chiến lực, phủ nhận quyền, tham chiến nhưng theo cách nhận định của giới lãnh đạo Nhật thì các quy định này không có nghĩa là buộc họ phải hủy bỏ quyền Tự Vệ chính đáng, nhất là để có được khả năng tự vệ thì ở một mức giới hạn tối thiểu nào đó người Nhật cần phải sở hữu binh lực trong tay và điều này không vi phạm vào khoản 2 điều 9 hiến pháp quy định việc “không được duy trì chiến lực”. Đây chính là yếu tố then chốt giúp Nhật Bản tuy không được thành lập quân đội chính thức nhưng vẫn có quyền phát triển sức mạnh quân sự ở mức độ cần thiết và đương nhiên được dư luận quốc tế nhìn nhận. Từ đó, nương theo cục diện với nhiều khả năng đối đầu trước những xung đột với Trung cộng hiện nay, Nhật Bản có lợi thế chính danh để tái vũ trang, thành lập quân đội với tiềm lực hùng mạnh khó lường.

Hơn nữa, do bị hạn chế từ các điều quy định của hiến pháp, lực lượng Tự Vệ Đội được hiểu theo quan niệm khác với quân đội thông thường, đó là một hình thức quân đội đặc biệt theo luật pháp quốc tế với vai trò các viên chức cao cấp của Tự Vệ Đội được coi là tương đương với một thành viên trong quân đội.

Theo cách gọi bằng tiếng Anh, lực lượng Tự Vệ Đội Nhật Bản được biết đến qua danh xưng “Japan Self Defense Forces, nhưng thực chất dư luận quốc tế vẫn nhìn nhận các lực lượng Tự Vệ Đội của Nhật là quân lực quốc gia với cách gọi Lục Quân, Hải Quân hay không Không Quân Nhật Bản. Vì lẽ này, khi nhắc đến Tự Vệ Đội, dư luận thế giới hầu như không còn phân biệt đây chỉ là binh đội phòng thủ mà mặc nhiên thừa nhận là quân đội tác chiến.

Về lịch sử hình thành Tự Vệ Đội, vào năm 1950 khi cuộc chiến Nam-Bắc Hàn bùng nổ thì cơ chế chiếm đóng Nhật Bản là Bộ Tư lệnh Tối cao Quân Liên Hiệp Quốc đã dựa vào hiệp ước đầu hàng Postdam, bắt đầu thành lập đội Cảnh sát Dự bị (Keisatsu Yobitai) trực thuộc Phủ Thủ Tướng Nhật Bản. Cùng lúc, các cựu binh sĩ của lực lượng Hải quân Đế quốc Nhật cũng được triệu tập để hình thành đội Cảnh bị Đường biển (Kaijo Keibitai) rồi sau đó được tái biên chế vào lực lượng Đội Cảnh bị (Keibitai), tức tiền thân của lực lượng Tự Vệ Đội Hải Quân Nhật Bản ngày nay. Sau đó, vào ngày 1/8/1952 khi Nhật Bản hoàn toàn độc lập thì chính phủ lập ra Bộ Nội An (Hoan Cho), tức Bảo An Sảnh để điều hành hai lực lượng gồm Đội Cảnh Sát Dự Bị và Cảnh Bị Đội. Nhưng đến ngày 15/10 cùng năm 1952 thì Đội Cảnh sát Dự Bị lại đổi tên thành Đội Bảo Vệ An Ninh Quốc Gia (Hoan Tai). Từ đó, các điều quy định về nhiệm vụ tự vệ, giữ gìn an ninh hòa bình quốc gia được đề ra cho các lực lượng vũ trang này và đến tháng 7/1954 danh xưng Tự Vệ Đội chính thức được sử dụng cho các binh chủng, dựa đúng theo điều luật tự vệ của bản hiến pháp.

Kế đến, tuy cơ quan Thống Hợp Tự Vệ Đội ra đời nhằm điều hành tổng hợp các lực lượng vũ trang tự vệ do Hội Đồng An Ninh Quốc Gia nắm giữ, nhưng đến năm 2006 thì cơ quan này nới rộng phạm vị quyền hạn ở nhiều lĩnh vực khác về quân sự nên trở thành một cơ chế riêng biệt với một nhân vật đứng đầu là trưởng cơ quan, có quyền lực chỉ đứng sau Bộ Trưởng Quốc Phòng.

Trong thời kỳ chiến tranh lạnh, Nhật Bản hoàn toàn tuân theo quy ước của hiệp ước bảo vệ an ninh Mỹ- Nhật trong thế phòng thủ nên chỉ chuyên tâm bổ sung các phương tiện và chiến thuật đáp ứng nhu cầu tự vệ, nhưng từ sau thập niên1990, binh sĩ Tự Vệ Đội đã được phái ra nước ngoài để hợp tác trong khuôn khổ chương trình Hoạt động Duy trì Hòa bình của Liên Hiệp Quốc.

Trên nguyên tắc, Tự Vệ Đội Nhật Bản đặt dưới quyền điều động của người lãnh đạo trực tiếp là một chính khách dân sự nằm trong nội các, tức cũng được đặt dưới quyền biểu quyết tối hậu của Quốc Hội. Quy chế được áp dụng nhằm tránh tình trạng lạm quyền trong lực lượng Tự Vệ Đội thường dẫn đến những cuộc đảo chính để thiếp lập chính quyền quân sự như một số quốc gia khác. Và cũng từ đó, người đứng đầu nội các là Thủ Tướng Nhật cũng kiêm luôn nhiệm vụ Tổng Tư Lệnh để đưa ra mọi quyết định liên quan về lĩnh vực quân sự tại Quốc Hội rồi chờ đợi biểu quyết tán thành mới thực hiện được.
Theo phương châm Quốc phòng được Quốc Hội biểu quyết vào năm 1957, lực lượng Tự Vệ Đội Nhật Bản với nhiệm vụ bảo vệ quốc gia phải thực hiện 4 điều cơ bản như sau:

1. Hỗ trợ những hoạt động quốc tế mang tính cách duy trì hòa bình thế giới.
2. Bảo vệ cuộc sống an định của người dân, đề cao lòng ái quốc, xây dựng nền tảng chiến lực cần thiết để đáp ứng nhu cầu bảo vệ an ninh quốc gia, an toàn lãnh thổ.
3. Xây dựng lực lượng phòng vệ hiệu quả ở mức độ được nhìn nhận để đối ứng với mọi tình thế của đất nước
4. Đối với trường hợp bị xâm lược từ các thế lực ngoại quốc, cần phải có khả năng ngăn chặn hữu hiệu thông qua một vai trò tại Liên Hiệp Quốc và đối phó dựa theo hiệp ước bảo vệ an ninh Mỹ-Nhật.

Qua cách nhìn của người Nhật, tuy lực lượng Tự Vệ Đội được rèn luyện cao độ và trang bị vũ khí tối tân nhưng lại có quân số quá ít với khoảng 240.000 quân, trong đó giới nữ chiếm khoảng 12.300 người, tức so sánh với tỷ lệ dân số thì quân số của Nhật Bản thuộc mức quá thấp. Trong khi đó, nhìn vào ngân sách quốc phòng, Nhật Bản đứng hạng thứ 7 trên thế giới với khoảng 46 tỷ 860 triệu yen, chưa bằng 1% tổng sản lượng quốc nội GDP, cũng là một ngân sách thấp kém so với Hoa Kỳ, Trung cộng, Anh, Pháp, Nga và Đức. Ngoài ra, để cũng cố sức mạnh quốc phòng, Nhật Bản đã áp dụng biện pháp cho giải ngũ sớm nhằm tuyển mộ nhiều hơn các binh sĩ trẻ và các sĩ quan cao cấp trong lực lượng Tự Vệ Đội thường về hưu ở lứa tuổi 53. Trong khoảng 10 năm qua, Nhật Bản còn phải vất vả vượt qua cơn sóng kinh tế trì trệ kèm theo nạn lão hóa xã hội nên có khuynh hướng giảm thiểu ngân sách quốc phòng và chiến lược, đồng nghĩa với việc đi ngược lại trào lưu gia tăng chi tiêu quân sự của các quốc gia trong vùng. Tuy nhiên, đây chỉ là cách nhìn trước kia khi cục diện trong vùng chưa xãy ra những vụ xung đột tranh chấp chủ quyền lãnh hải và từ lúc chính quyền Thủ Tướng tiền nhiệm Noda Yoshihiko quốc hữu hóa quần đảo Senkaku và Trung cộng viện cớ này để gia tăng mức độ khiêu khích như xâm nhập lãnh hải hoặc cho máy bay dọ thám, phía Nhật Bản đã bộc lộ quyết tâm cứng rắn qua lập trường đối đầu vững chắc của Thủ Tướng Abe Shinzo, đặc biệt là lệnh ban hành cho phép bắn hạ những máy bay dọ thám của ngoại quốc bay vào không phận Nhật Bản.

Gần đây, việc Thủ Tướng Abe Shinzo thường xuyên xuất hiện tại các buổi duyệt binh của Tự Vệ Đội cùng những lời khẳng định bảo vệ chủ quyền lãnh thổ đã càng cho thấy sự chuẩn bị binh lực của quốc gia này từ khá lâu chứ không phải chỉ trong vòng vài năm qua.

Khu trục hạm 22DDH-0013. Nguồn: jeffhead.com
Khu trục hạm 22DDH-0013. Nguồn: jeffhead.com

Điển hình, vào ngày 6 tháng 8 năm 2013, Nhật Bản đã cho hạ thủy chiếc tàu khu trục trực thăng loại 22DDH mang tên Izumo, số hiệu 183 của Lực lượng Tự Vệ Đội Hải Quân tại thành phố bến cảng Yokohama. Izumo cũng là tên một chiến hạm từng chỉ huy hạm đội Hải Quân đế quốc Nhật Bản trong thời kỳ chiến tranh xâm chiếm Hoa lục. Nhìn qua bề ngoài, Izumo không khác gì một hàng không mẫu hạm và được tiết lộ khá nhiều chi tiết về cơ năng tối tân cũng như khả năng tác chiến lợi hại. Hơn nữa, lực lượng Tự Vệ Đội Hải Quân Nhật còn cho biết họ đang chế tạo thêm một chiếc khu trục hạm khác cùng loại với Izumo và giải thích rằng loại tàu khu trục này chỉ có mục đích là một căn cứ nhỏ trên biển chứ không nhất thiết dùng vào việc cất cánh hay hạ cánh cho các máy bay cố định nên không thể họi là hàng không mẫu hạm. Tuy vậy, chỉ cần nhìn vào hình dáng và kích thước với chiều dài 248 mét, chiều rộng 38 mét và lượng rẽ nước là 27.000 tấn, Izumo đã được giới quân sự coi như một loại hàng không mẫu hạm hiện đại nhất. Trước đó, các chiến hạm lớn nhất của Nhật là hai chiếc khu trục trực thăng đời Hyuga có lượng rẽ nước tối đa là 19.000 tấn.

Hà không mẫu hạm Liêu Ninh. Nguồn: chinesedefence.com
Hàng không mẫu hạm Liêu Ninh. Nguồn: chinesedefence.com

Sự kiện này đương nhiên càng khiến phía Trung cộng ganh tức trước sức mạnh kỹ thuật và tinh thần tự cường của của lực lượng Tự Vệ Đội Nhật Bản vì vào năm ngoái Bắc Kinh vừa cho chiếc hàng không mẫu hạm Liêu Ninh chính thức hoạt động nhưng Liêu Ninh chỉ là sản phẩm được cải tiến từ chiếc Varyag mua lại từ Ukraine vào năm 1998. Ban đầu, Trung cộng đặt tên cho chiếc tàu này là Thi Lang vốn là tên của một đề đốc thủy quân từng là tướng nhà Minh vào cuối thế kỷ 17 nhưng sau đó đầu hàng nhà Thanh rồi đem quân đánh vào sào huyệt của con cháu nhà Minh ở Đài Loan. Từ đó, có lẽ phía Trung cộng đã đặt tên cho chiếc tàu này là Thi Lang để ám chỉ kế hoạch thu tóm đảo quốc Đài Loan. Trong quyển truyện Lộc Đỉnh Ký, nhà văn kiếm hiệp Kim Dung cũng miêu tả Thi Lang là người tham quyền hám lộc không màng đến quốc gia nên bị nhân vật Vi Tiểu Bảo mắng là tên Hán gian, phản quốc cầu vinh. Và cũng có lẽ vì sự tích này mà phía Trung cộng đã đổi tên cho chiếc tàu Varyag từ Thi Lang sang Liêu Ninh chăng?

Kế đến, vào ngày 31/10, một khu trục hạm cỡ lớn mang tên Ikazuchi DD-107 của Nhật đã bất ngờ xông vào ngay giữa đội hình tàu chiến Trung cộng đang tập trận trên Tây Thái Bình Dương khiến đối phương thắc mắc không hiểu vì sao chiếc tàu này lại có thể xuất hiện sát nách họ mà không bị phát giác.

Tàu ngầm Hắc Long “Kokuryu” SS-506 trong lễ hạ thỷ. Nguồn: vndefence.info
Tàu ngầm Hắc Long “Kokuryu” SS-506 trong lễ hạ thỷ. Nguồn: vndefence.info

Chưa hết, chỉ một tháng sau, dư luận Bắc Kinh lại phải lên tiếng hằn học chỉ trích việc Nhật Bản cho hạ thủy chiếc tàu ngầm Hắc Long “Kokuryu” SS-506, được gọi là con rồng thứ 6 thuộc dòng tàu ngầm hiện đại Thương Long (Soryu) mà lực lượng Tự VệĐội Hải Quân Nhật Bản đang sở hữu. Trước kia, khi Hải quân Nhật thông báo kế hoạch dự định đến năm 2015, Nhật sẽ có đủ 10 tàu ngầm dòng Soryu, có hiệu quả nâng cao khả năng tác chiến thì dư luận tỏ ra không tin tưởng. Nhưng sau khi Tự Vệ Đội cho hoạt động chiếc tàu ngầm thứ 5 và hạ thủy tiếp chiếc thứ 6 chỉ nội trong năm 2013 thì Nhật Bản đã chứng minh trình độ kỹ thuật phát triển quá nhanh chóng của họ.

Chiếc Hắc Long Kokuryu thuộc thế hệ tàu ngầm lần đầu tiên được sử dụng hệ thống đẩy không phụ thuộc vào không khí (AIP: Air Independent Propulsion) của Tự Vệ Đội Nhật Bản với đặc tính di chuyển rất êm và là một công trình chế tạo cơ khí động lực tiên tiến nhất thế giới. Còn lại 5 chiếc tàu trước thuộc lớp Soryu của Nhật Bản đã được đưa vào hoạt động gồm có: SS-501 Soryu (Thương Long), SS-502 Unryu (Vân Long), SS-503 Hakuryu (Bạch Long), SS-504 Kenryu (Kiếm Long) và SS-505 Zuiryū (Thụy Long). Hiện nay, Nhật Bản cho biết đang ch ế t ạo chiếc thứ 7 và thứ 8 là SS-507, SS-508 nhưng chưa đặt tên. Riêng về con số tàu ngầm AIP thuộc dòng Soryu mà Nhật Bản dự định chế tạo, có thể lên tới 14-16 chi ếc, sau năm 2015.

Việc lực lượng Tự Vệ Đội Nhật Bản tung ra 6 con rồng lặn sâu dưới vùng biển Hoa Đông chắc chắn sẽ khiến đối thủ Trung cộng đau đầu không ít vì hơn 60% lãnh hải Hoa Đông là vùng biện khá cạn khoảng hơn 40m và chỗ sâu nhất chỉ khoảng 150m nên rất thích hợp cho các tàu ngầm AIP cở nhỏ vẫy vùng mà không bị phát giác. Từ đó, cũng đã cho thấy thế ưu liệt của đôi bên với Tự Vệ Đội Nhật Bản ứng dụng kỹ thuật tân tiến sáng tạo và rất nhanh chóng, trong khi Trung cộng vẫn còn chậm trễ nên khó lòng đuổi kịp đối phương về phương tiên vũ khí quân sự.


Nguồn: Bài đã phát thanh do Hồn Việt Radio gởi đến DCVOnline.net.