Tự xuất bản sách
Nguyễn Vạn Phú
Chuyện hi vọng làm giàu nhờ xuất bản sách điện tử coi như quên đi thôi. Có thể tiền thu về chưa đủ trang trải chi phí nhờ gõ bản thảo, trình bày bìa sách! Nhưng niềm vui chia sẻ sách với bạn bè rất đáng công sức bỏ ra.
Tôi tự xuất bản sách
Thấy thiên hạ tại các nước đua nhau xuất bản sách dạng ebook trên Amazon, tôi tự nhủ sao mình không thử xem sao. Tiến trình tự xuất bản sách này có nhiều điều đáng chia sẻ.
Muốn xuất bản dĩ nhiên đầu tiên bạn phải có bản thảo sách. Tôi từng xuất bản ba cuốn sách về tiếng Anh theo dạng truyền thống, in trên giấy, gồm Chuyện chữ & nghĩa, NXB Trẻ năm 1997; Tiếng Anh lý thú, NXB TP.HCM năm 2000 và Tiếng Anh theo dòng thời sự, NXB Trẻ năm 2008. Nay thử tái bản chúng theo dạng ebook xem sao. Cũng may, cuốn thứ ba vẫn còn lưu file nên khỏi đánh máy lại. Hai cuốn đầu in đã lâu nên không còn file, phải nhờ dịch vụ vi tính gõ lại từ đầu.
Sau đó là chọn nơi xuất bản. Có lẽ ai cũng biết Amazon (kdp.amazon.com) vừa là nơi bán sách, vừa là nơi giúp tác giả tự xuất bản sách điện tử để đọc trên thiết bị Kindle của họ. Một địa chỉ khác cũng khá phổ biến là Smashwords (www.smashwords.com).
Ở Việt Nam hiện đã có nhiều nơi bán sách điện tử như Alezaa (alezaa.com) hay Ybook (ybook.vn) nhưng tất cả đều chưa có hệ thống giúp tác giả xuất bản tự động. Với Amazon hay Smashwords, quá trình xuất bản là hoàn toàn tự động, các bạn không cần phải gửi email liên lạc với ai, không cần nói chuyện bằng tiếng Anh với ai cả. Dĩ nhiên sách của bạn phải đáp ứng một số điều kiện do các nơi này đặt ra.
Điều kiện đầu tiên là định dạng (format) cuốn sách bạn sắp xuất bản. Lưu ý nguyên tắc đầu tiên là đơn giản, đơn giản và đơn giản. Càng đơn giản chừng nào càng dễ được chấp nhận chừng đó.
Lấy ví dụ, sách điện tử được đọc trên đủ loại thiết bị, to có nhỏ có nên chắc chắn không có chuyện đánh số trang (thiết bị sẽ tự động gán số trang tùy theo kích cỡ màn hình), không có chuyện trình bày tên sách hay tên tác giả dưới chân mỗi trang hay trên đầu các trang. Font chữ càng ít càng tốt, co chữ lớn nhất (dù là tựa sách) cũng chỉ được đến 18.
Smashwords cho phép các tác giả tải về cuốn hướng dẫn định dạng sách ebook mà bất kỳ ai muốn tự xuất bản đều phải đọc qua. Sách hướng dẫn khá dày nhưng nhìn chung cũng đơn giản với những quy tắc như không được dùng tab để thụt vào đầu dòng mỗi đoạn, không được nhấn enter (nhằm để xuống dòng) quá bốn lần (vì như thế sẽ tạo ra một trang trắng)…
Sách không nên dùng các định dạng đặc biệt như đầu mỗi chương dùng chữ lớn (drop cap), gióng thẳng hàng các dòng chữ bằng bảng (table)… Việc tách bạch giữa các đoạn phải dùng chức năng tùy chỉnh của Word chứ không được làm thủ công.
Có lẽ các bạn đều đã biết sách điện tử có nhiều định dạng. Phổ biến nhất là epub (để đọc trên phần mềm iBooks mà iPad thường sử dụng)[1] hay mobi, prc (để đọc trên máy Kindle hay phần mềm Kindle chạy trên nền Android, iOS…). Một ít người thích đọc ở dạng pdf hay dạng html. Sách Kindle mua trên Amazon thường có đuôi là azw. Vậy làm sao bạn có thể chuyển bản thảo sang đủ loại định dạng này?
Điều may mắn là bạn không cần làm gì hết. Với Smashwords, bạn chỉ cần chuẩn bị một file Word và một file ảnh bìa (jpg). Với Amazon, bạn nên chuẩn bị file html (có sẵn trên Word, khi chọn save as). Hai nơi này sau đó sẽ tự động chuyển đổi sang mọi định dạng cho bạn. Ảnh bìa nên nhờ người có tay nghề trình bày cho đẹp, kích cỡ 1600×2400 pixels.
Với Smashwords thì các file tải về không có khóa (có nghĩa dễ bị tung lên mạng cho sao chép chùa). Với Amazon, bạn chọn có khóa hay không khóa tùy ý. Smashwords có lời khuyên rất thực tế là hãy lo tác phẩm của bạn bị rơi vào quên lãng hơn là lo chuyện bị ăn cắp, bị sao chép lậu!
Kinh nghiệm của tôi trong chuyện sao chép là Smashwords nói đúng. Trừ phi tác phẩm của bạn là một kiệt tác, ít ai nghĩ đến chuyện phát tán nó lên mạng. Hay nói cách khác, việc tác phẩm của bạn bị sao chép trên các diễn đàn là một lời khen tặng sách mà không nhà phê bình nào có thể so sánh được.
Gặp trường hợp đó, bạn nên gửi thư đến diễn đàn đang cho tải miễn phí sách, tất cả – theo kinh nghiệm của tôi – đều gỡ ngay sách bị sao chép lậu. Ngược lại, cả hai nơi Amazon và Smashwords đều bắt bạn phải cam kết bạn là người chủ sở hữu bản quyền tác phẩm muốn xuất bản trước khi chấp nhận (việc cam kết này đơn giản là lời tuyên bố copyright ở trang sách đầu tiên mà thôi).
Sau khi đã chuẩn bị xong bản thảo, đăng ký tài khoản ở Smashwords hay Amazon, bạn vào và thao tác theo hướng dẫn trên màn hình. Lần lượt từ gõ tên sách (cứ gõ tiếng Việt có dấu), miêu tả tóm tắt sách (nên chuẩn bị trước, một bản ngắn một bản dài), định giá bán (tùy ý nhưng nên chọn giá thấp dễ bán nhiều sách hơn là chọn giá cao), tỉ lệ cho phép tải về để đọc miễn phí trước, các định dạng muốn chuyển đổi (nên bỏ bớt các định dạng rtf hay txt vì vấn đề bản quyền).
Sau khi tải lên hình bìa và file bản thảo (ở dạng Word – Smashwords; dạng html – Amazon), bạn chỉ cần chờ ít phút cho phần mềm của họ chuyển đổi và ô là lá, sách của bạn đã được xuất bản (với Amazon thì phải chờ từ vài tiếng đến vài ngày).
Thật ra phần lớn các bạn xuất bản lần đầu tiên sẽ không được suôn sẻ như thế. Bị dính một lỗi định dạng nào đó thì phần mềm của các nơi này sẽ từ chối và thông báo cho bạn chỉnh sửa. Nếu kiên nhẫn, trước sau gì cũng thành công. Một khi đã xuất bản thành công trên Smashwords, sách của bạn cũng được tự động phân phối trên các kênh của Apple iBookstore, Barnes & Noble, Sony, Kobo, thậm chí của Amazon nữa…
Cảm giác xuất bản một cuốn ebook trên mạng, rồi ngồi chờ người vào mua là một cảm giác… khó quên. Smashwords có chức năng thông báo tự động bằng email bất kỳ lúc nào có người vào mua sách.
Thật không có gì vui bằng nhận thư báo có người vừa chịu khó đăng ký account ở Smashwords, rồi chịu khó tìm cho ra sách của mình, và can đảm gõ số thẻ tín dụng vào (thật ra hoàn toàn yên tâm vì Smashwords giao cho Paypal lo chuyện thanh toán) để tải sách của bạn về đọc (để yên tâm hơn nữa, bạn cứ mua bằng Paypal, tức không phải khai số thẻ tín dụng).
Vấn đề hình như không phải là chuyện tiền bạc mà là cảm giác tác phẩm của mình được một ai đó chịu bỏ tiền ra mua để đọc! Thấy con số sách bán được nhảy lên từng giờ là một trải nghiệm đáng nhớ.
Tuy nhiên Smashwords cho biết đa số tác giả sẽ không có được cảm giác này. Bởi đâu dễ gì người ta biết bạn vừa xuất bản sách trên mạng. Thế là phải tìm phương thức “tiếp thị” cho sách của bạn. Đến đây mới thấy sự lợi hại của các mạng xã hội như Facebook giúp lan tỏa tin sách vừa in. Tác giả nào không có Facebook, không có blog, không có Google Plus xem như thua.
Một cách quảng bá sách mới in là tặng sách cho bạn bè để nhờ đó truyền miệng rộng ra. Smashwords cho phép bạn tạo ra những coupon (phiếu) tặng sách, bạn có thể chọn giảm giá đến 100% (tức miễn phí hoàn toàn), chọn thời gian giảm từ vài ngày đến cả tháng, rồi thông báo cho bạn bè biết mã số để họ vào và tải sách về, cũng từ Smashwords.
Cuối cùng, dù chuyện tiền bạc không quan trọng vì chắc chắn bạn sẽ không thu được bao nhiêu nhưng có lẽ ai cũng tò mò muốn biết. Smashwords chia cho tác giả đến 75% doanh thu, họ chỉ lấy 25% tiền hoa hồng. Amazon thì lấy mạnh tay hơn, chỉ chia cho các tác giả ở ngoài nước Mỹ 35%, họ lấy đến 65%. Smashwords trả theo quý, tức đến hết quý họ mới trả cho tác giả một lần và trả bằng Paypal.
Bạn phải có account ở Paypal để nhận tiền và tiền này dù có thể chuyển về tài khoản ngân hàng hay tài khoản thẻ tín dụng, chắc ít ai chuyển mà dùng để mua đồ trên mạng. Rất nhiều nơi bây giờ nhận thanh toán bằng Paypal. Amazon thì đợi đủ 100 USD họ sẽ chuyển séc cho bạn nếu bạn ở bên ngoài nước Mỹ. Chưa hết, trước khi chi trả cả hai đều khấu trừ thuế thu nhập cá nhân giùm cho Chính phủ Mỹ, lên đến 30% thu nhập!
Chuyện hi vọng làm giàu nhờ xuất bản sách điện tử coi như quên đi thôi. Có thể tiền thu về chưa đủ trang trải chi phí nhờ gõ bản thảo, trình bày bìa sách! Nhưng niềm vui chia sẻ sách với bạn bè rất đáng công sức bỏ ra.
Nguồn: Tôi tự xuất bản sách. Nguyễn Vạn Phú. Tuổi Trẻ cuối tuần. Thứ Bảy, 30/11/2013.
DCVOnline minh hoạ và chú thích.
[1] Dạng epub không những chỉ dùng cho iBook (iOS) mà còn rất phổ thông cho hầu hết phần mềm đọc sách của hệ điều hành Android, Windows, Linux và những máy đọc ebook của Sony, Kobo, Nook (Barnes & Noble). RepliGo Reader và Kindle của Amazon, trừ Kindle Fire có phần mềm thích hợp, không đọc được dạng epub