Chị Bẹo
Hoàng Ngọc Châu
Buổi trưa trời nắng chang chang, với cái bụng đói xẹp lép vì đã một ngày đói cơm, tôi đang lang thang chưa biết phải đến một nhà quen nào để kiếm một bữa ăn thì bỗng nghe có tiếng gọi:
– Cậu Châu! Cậu Châu!
Tôi đứng lại nhìn quanh quẩn, thấy chẳng có ai quen cả nên bỏ đi. Nhưng vừa đi được năm ba bước thì tiếng kêu lại gần như sau lưng:
– Cậu Châu! Cậu Châu!
Tôi nhìn lui, thấy một người con gái ăn bận không mấy đứng đắn, đang hăm hở đi tới nhìn tôi cười ra chiều thân thiết và thích thú lắm. Đợi cô gái đến gần, tôi hỏi:
– Chắc cô lầm ai với tôi rồi?
– Lầm răng được mà lầm! Cậu không nhìn ra tui răng cậu Châu?
Không biết tôi đã gặp giai nhân này ở đâu? Một xó xỉnh nào đó của tình yêu? Tôi cố đem hết trí sáng suốt của mình ra để họa may ra nhớ nổi. Nhưng chịu. Tôi không tài nào nhớ được. Tôi nhìn chăm chăm vào mặt cô gái để thấy có một chút quen thân nào không – nhưng cái mặt trát đầy phấn son làm dáng vụng về chỉ cho tôi thêm nổi bực mình. Bạc phước lúc này mà Thủy tình cờ đi ngang nhìn thấy tôi đứng nói chuyện với một cô gái mà vào bất cứ ngõ hẻm nào cũng nhan nhản thì tôi biết nói sao với nàng đây! Chắc chắn thế nào tôi cũng lảnh đủ những cái giận hờn, sai hẹn mà chưa chắc tôi ra công cả tuần đã năn nỉ được. Nghĩ đến lỡ bị Thủy tình cờ bắt gặp, tôi sượng trân mặt ra.
– Xin lỗi! Cô là ai mà tôi không nhớ?
Cô gái ngập ngừng như để nhớ ra một điều gì.
– Tui… là… là… Bẹo đây!
– Trời ơi! Chị Bẹo. Răng hồi ni chị khác quắc khác quơ dữ rứa?
– Khác chi mà khác. Có cậu mới khác kề. Cậu hồi ni vừa ốm lại vừa đen trông xấu xí ra răng.
Ðang buồn xo vì cái bụng đã một ngày không cơm không cháo, bây giờ lại phải nghe thêm những lời chào hỏi vàng ngọc này nữa làm nỗi hớn hở của tôi tự nhiên khựng lại. Tôi nghĩ giá như lúc nầy có một chiếc gương soi, chắc tôi sẽ nhìn thấy rõ ràng cái bản mặt xấu trai đói cơm của tôi nó quê mùa cục mịch lắm. Ðã đành rằng tôi đen đui, tôi ốm o, tôi xấu xí, nhưng chẳng thà chưi cha tôi có hơn không. Tôi bực mình định nói: cái chị này vô duyên thật! Bộ chị tưởng chị đẹp, chị thơm lắm chắc! Hết chuyện nói hay sao mà mới gặp chị đã tạt nước lạnh vào mặt tôi! “nhưng không hiểu sao tôi không nói được như vậy, mà lại nói khác đi”.
– Xin lỗi chị! Tôi có chuyện gấp cần phải đi.
Nhưng khổ quá trời ạ! Chị Bẹo vẫn không hiểu được tâm địa của tôi. Chị vẫn vồn vã gần như muốn cầm nắm tay tôi. Thật tội nghiệp cho chị và cũng thật tội nghiệp cho cả tôi!
– Chuyện chi mà gắp dữ rứa? Cậu để cho tôi hỏi thăm chuyện nhà chút đã. À, cậu đã ăn cơm chưa hay là đi ăn với tụi tui cho luôn rồi kể chuyện nhà chuyện cửa cho tôi biết với.
Rồi chị đưa tay chỉ về phía cây vông đồng, nơi có ông Mỹ đen đang đứng ngậm điếu xì gà to tổ bố:
– Chồng tui đó.
Nhìn cách ăn bận và mặt mày phấn son của chị Bẹo tôi cũng đoán biết như vậy rồi. Nhưng tôi vẫn làm bộ ngạc nhiên và khen móc họng:
– À! Chị có phước quá hí.
Ðược tôi khen ý chừng chị Bẹo sung sướng lắm. Chị cười híp mắt lươn:
– Phước chi mà phước. Nì! mà răng cậu có đi ăn cơm với tụi tui không?
Ðang đói bụng nghe đến ăn cơm là mắt tôi sáng rực lên. Lẽ tất nhiên không có cách chi mà tôi từ chối được cả. Nhưng không hiểu sao tôi lại làm bộ rất trái với lương tâm.
– Thôi chị để cho khi khác đi.
Nói xong, tôi thấy hối hận và hồi hộp. Tôi nghĩ mình dại dột thật. Tôi tự trách mình tại sao lại ngu ngốc nói dối chi vậy, lỡ chị Bẻo nói: “Ừ thì thôi để khi khác cũng được” thì sao. Tôi tự chửi thầm mình: “thì đáng đời mày lắm. Cho chừa dốc đi”.
Nhưng may quá.
– Khi khác chi mà khi khác. Biết có gặp cậu nữa không. Chồng em tuy trông dữ tợn rứa chớ nó hiền khô. Cậu đừng ngại chi cả.
Lẽ tất nhiên là tôi sướng rơn. Vậy mà tôi cũng vẫn làm bộ làm tịch thật đáng ghét.
– Ừ! Thì tôi chiều ý chị Bẹo vậy.
– Cậu đừng có kêu tôi là Bẹo nữa. Tui đã bỏ cái tên Bẹo quê mùa đó đi rồi. Bây giờ tui là Ly Ly. Cái tên Bẹo đã xa lắc xa lơ cậu kêu lại tôi ốt dột lắm.
Tôi bỗng cười thầm. Những kẻ xấu xí vô duyên bao giờ cũng chọn lựa cho mình một cái tên đẹp đẽ hết. Có người mở miệng ra cười méo xẹo lại là Duyên, có người đứng bên thì mùi hôi nách tỏa ra muốn ói muốn mửa lại là Hương, Thơm. Cũng như chị Bẹo đây: mập cỡ như tạ gạo một trăm ký vậy mà lại là Ly Ly. Tôi muốn hỏi chị Bẹo: “Tại sao chị không lấy tên là Tạ Tạ hay Thúng Thúng chi đó có hợp và đúng hơn không?” Nhưng sự hèn hạ thường tình của con người làm tôi không có đủ can đảm để hỏi, nên tôi đành chỉ biết cười thầm.
Chị Bẹo đưa tay ngoắc người Mỹ đen và gọi:
– Bờ Rao.
Dưới nắng vàng, một thân hình to lớn cở bằng năm người tôi, đen thui như cốt nhà cháy và bóng láng như tượng đồng được bôi lên một lớp dầu phụng, đang di động. Đó là Brown, chồng của chị Bẹo.
Khi Brown đến gần, bằng một thứ tiếng mới – thứ tiếng nửa Việt nửa Mỹ pha lẫn vào nhau đang thịnh hành khắp các thành phố đầy dẫy người ngoại quốc – chị Bẹo giới thiệu tôi với Brown. Brown đưa bàn tay đen đúa, bóng láng, kịch cởm ra bắt tay tôi. Và cực chẳng đã vì phép xã giao lịch sự tôi mới đưa tay bắt lại tay Brown. Không phải tại tay Brown trơn tru nhớp nhúa mà tôi chê. Tôi sợ thiên hạ hai bên đường hiểu lầm tôi là một tên ma cô chuyên đưa đường dẫn lối. (Dù có chắc gì tôi làm nổi được cái nghề ma cô. Khi mà bất cứ nghề nào trong đời sống này muốn làm cho được thật nhiều tiền thì phải: bất lương, lưu manh, thủ đoạn, mưu mô, xảo quyệt, hèn hạ, bần tiện, và hàng trăm thứ nhớp nhúa khác nữa làm sao tôi có được).
Cũng may quá, chỉ đi ba bước là tới nhà hàng, không thì cái mặt của tôi cũng như cái mặt mo.
Trong đời tôi đây là lần đầu tiên được bước chân vào nhà hàng sang trọng. Chị Bẹo thì như đã quen thuộc lắm. Mới ngồi xuống ghế chị đã kêu lia lịa.
– Cho hai lon bia.
Rồi chị quay sang tôi:
– Cậu Châu uống gì?
– Cô-ca cũng được chị.
Tuy tôi làm ra vẻ “gì cũng được” nhưng thật ra thì tôi uống bia rất tệ, chỉ một lon cũng đủ chếnh choáng và mặt mày thì đỏ như cắc kè.
Chị Bẹo như đi guốc trong bụng tôi:
– Cậu con trai chi mà cù lần dữ rứa. Con trai mà uống Cô-ca là quê cùng mình đi. Phải tập uống bia cho khỏe mạnh ra chứ cậu.
Lời của chị Bẹo thật tình, tự nhiên không có ý gì cả, nhưng giọng chị oang oang ba làng cũng nghe làm tôi có cảm tưởng mọi người đang có mặt đều nhìn tôi cười thương hại. Tôi sượng trân người nhưng cũng bấm bụng cắn răng mà chịu đựng. Tôi đói quá đành phải lì mặt. Sá gì những tiếng cười chê.
Khi người bồi bàn mang bản thực đơn đến, chị Bẹo hỏi tôi:
– Cậu Châu muốn ăn gì?
– Ăn gì cũng được chị. Miễn no bụng. Cần chi.
Chị Bẹo nói với người bồi bàn:
– Cho 3 bồ câu hầm, 3 cua rang muối, 3 chén súp gân nai, 3 dĩa cơm chiên dương châu, và một tô canh bông cải nấu lòng heo.
Thấy được ăn nhiều món ngon tôi mừng khúm, nhưng vẫn làm bộ.
– Chi mà nhiều món dữ rứa chị.
– Thời buổi chiến tranh ni làm có tiền mà không ăn cũng uổng. Biết chết sống chi mô.
Tôi hỏi chị Bẹo bằng giọng thân tình.
– Một tháng Brown đưa cho chị bao nhiêu?
– Hắn keo kiệt lắm. Lương hắn gần 500 đôn xanh mà hắn chỉ đưa tôi có 200. tôi phải kiếm thêm những thằng khác nữa mới đủ tiêu.
– Chị tiêu chi mà tiêu dữ rứa?
– Tui rứa là hạng bét đó. Tụi con Hương, con Phấn lần đánh bạc thua cả ngàn đôn xanh.
– Chị cũng biết đánh bài nữa?
– Cũng phải biết như tụi nó không tụi nó cho mình quê mùa, cù lần thì làm sao sống nổi. cậu biết không; tiền cơm tháng mười ngàn, tiền nhà mười hai ngàn, hắn trả hết. Ngoài số tiền hắn cho ra, tháng tháng tôi còn kiếm được vài ba trăm đôn nữa là tệ, rứa mà cũng chỉ vừa đủ tiêu vặt và cho mấy thằng em út.
– Em út nào?
– Thì mấy thằng cảnh sát dã chiến. Phải cho nó ăn như vậy nó mới che chở và bao bọc cho mình. Không thì bố ráp xét gia đình hoài còn làm ăn gì được.
Chao ôi! Thật là khủng khiếp. Năm trăm đôn một tháng mà chỉ tiêu vặt. Tôi không hiểu tiêu cái kiểu cách chi mà dữ vậy. Năm trăm đôn xanh tính theo giá chợ đen rẻ mạt cũng được bảy mươi lăm ngàn. Ôi! Số tiền mà chắc chắn suốt đời tôi cũng không có cách chi cầm nắm trong tay. Nếu tôi nhịn ăn nhịn mặc và cố đem hết sức mình ra mà làm thì ít lắm cũng là năm năm tôi mới (hy vọng) dành dụm được một số tiền lớn lao như thế này. Vậy mà chị Bẹo chỉ tiêu vặt trong một tháng.
– Cậu Châu có thấy tui hồi ni có khác chi không?
Nghe chị Bẹo hỏi tôi không biết răng trả lời cả. Tôi nhớ đến cái con Bẹo lem luốc chưa sạch mũi và một dạo nào mới đến giúp việc cho gia đình tôi ở trong Thành Nội. Cái con Bẹo đen thui, mũi chảy lòng thòng là đây sao? Cái con Bẹo mà chuyên môn chưởi lộn với trẻ con hàng xóm là đây sao? Cái con Bẹo mà mẹ tôi thường chưởi: “Mày sau này chỉ có nước chó lấy chớ ai mà thèm” là đây sao?
– Răng mà cậu trơ mặt ra rứa?
– À! À! Chị hồi ni thay đổi nhiều quá nên tôi không còn nhớ hồi trước chị ra răng nữa cả. Chị bây giờ và hồi trước như là hai người. Hồi trước chị xấu xí bao nhiêu bây giờ chị lại đẹp đẽ bấy nhiêu.
Không hiểu sao tôi lại khen nịnh chị Bẹo một câu tréo cẳng ngỗng như vậy được. Tuy bây giờ chị không còn mũi chảy lòng thòng như hồi nhỏ và nước da cũng không còn đen như mọi cà lơ, nhưng chị đánh phấn thoa son quá vụng về nên trông gương mặt của chị quá tội nghiệp và thảm thương không có cách chi diễn tả được. Tôi cố hình dung ra cô đào hát của một gánh hát nghèo đói về trình diễn tại một vùng khỉ ho cò gáy để so sánh chị Bẹo có hơn được tí nào không, nhưng không những chị Bẹo đã không hơn mà chị còn xấu đui xấu điếc gấp mười lần. Ngoài cái trán vồ, đôi mắt lươn hi hí, cặp lông mày tỉa sắc lẻm và nhọn hoắt, lỗ mũi gãy và xẹp, miệng chù vao như miệng chó đói cơm, chị còn có cái sẹo to tướng và láng xầy nằm ám chướng từ đuôi con mắt bên phải đến cuối lỗ tai. Dù chị đã có ý uốn một kiểu tóc lòa xòa để cố che lấp nó đi nhưng cũng không tài nào che kín được.
Vậy mà tôi lại khen chị đẹp. Thật tôi là một thằng có cơm nói cơm có rượu nói rượu giỏi nhất trên đời. Và thật tội nghiệp cho chị Bẹo! Được tôi khen, chị cười ra chiều thích thú, hai tay chị xoa vào nhau, và dù chị cố làm cho ra vẻ tự nhiên, nhưng tôi biết trúng tim đen là chị muốn khoe chiếc nhẫn hột kim cương sáng chói.
Chị Bẹo bỗng hỏi:
– À! Khi hồi chừ tôi quên – Ông Bà hồi ni ra răng?
Khi không phải nhớ lại chuyện nhà, làm tôi buồn buồn:
– Hình như chị xa vài năm thì ba tôi mất. Mẹ tôi thì bị đạn chết hôm tết Mậu Thân.
Chị Bẹo sửng sốt:
– Rứa mà tôi có biết chi mô. Tội nghiệp bà! Bà chưởi tui rứa chớ mấy năm ni tui nhớ bà quay quắc.
Rồi chị khóc ngon lành. Những giọt nước mắt thật tình ứa ra từ nỗi nhớ thương thăm thẳm nào đó làm ướt hai gò má phấn son vụng về của chị thật tội nghiệp. Nhìn chị Bẹo, tôi thấy có một cái gì làm cho tôi cảm động hết sức, nhưng tối cố gắng để khỏi phải khóc theo chị.
Chị Bẹo hỏi tiếp với giọng vẫn chưa ráo nước mắt:
– Chị Trâm và O Quỳnh hồi ni răng cậu?
– Chị Trâm đã có chồng và đã có hai đứa con. Anh Trọng chồng chị Trâm hôm tết Mậu Thân bị cụt một chân nên đã được giải ngũ, còn Quỳnh thì đi theo một thằng nào đó ở Tam Kỳ.
Tội nghiệp chưa! O Quỳnh hồi ni chắc đẹp dữ lắm. Hồi trước O trắng như bông. Răng cậu không vẽ vời cho O với. Cái thằng cha mô đó cũng độc địa thật. Dụ dỗ con gái người ta rứa khi chết nó không bị đọa địa ngục là họa.
Tôi bỗng nhớ đến bầu trời Thành Nội; khu vườn rộng vang tiếng chim kêu, bốn hàng cây nhãn trái sây và ngọt thanh như mía mật; cây thanh trà tép lớn và ngon không chịu được; hai hàng cau tháng giêng trổ bông trắng như tơ trời, thơm như gạo mới; bốn hàng rào trồng chè tàu tỉa đều, lưa thưa năm ba buội cẩn bốn mùa trổ bông đỏ ối, ngôi nhà ngói ba gian hai chái mà cột, kèo, xuyên đều làm bằng một thứ gỗ mít láng xẩy và bóng lộn. Đó là nơi có ba tôi với tuổi về hưu, có mẹ tôi ngày hai buổi vun cây nhổ cỏ quanh vườn và có chị em tôi như bầy chim sáo. Ngày tôi đi cà lất thất trở về, khu vườn xưa đầy dấu bom đạn, mấy hàng cây gãy ngang quằn quại, ngôi nhà thân yêu đổ nát, tiếng chim kêu lạc lõng cuối vườn, chị tôi ngồi buồn bã giận hờn “em răng vô tình dữ rứa? Chi đi nữa em cũng là con trai. Răng em không đi luôn đi, về chi nữa cho linh hồn mạ thêm tủi hổ!” và em tôi khóc mếu máo “anh ơi, bữa nớ mạ đang còn cầu nguyện, chị Trâm và em hối mạ đi núp thì mạ nói núp chi cho bằng cầu nguyện Phật che chở. Thình lình một quả cà nông rớt ngay nhà mình và mạ chết tươi không kịp trối anh ơi!” Trong tiếng thở dài đứt ruột của chị và trong tiếng khóc não lòng của em, tôi chỉ biết ngồi cúi đầu yên lặng giữa đổ nát mà nghe lòng mình như có ai cào xé, mà nghe hồn mình như có lất phất mưa bay.
Nghĩ đến cảnh nhà khi không rách xơ xác như tàu lá chuối trong ngày bão lớn, tôi buồn muốn khóc như ngày hay tin Quỳnh – đứa em gái mà tôi thương như thương con chim sáo thuở lên mười – đã hư hỏng và dại dột bỏ nhà theo trai.
Tôi nói với chị Bẹo, mà như cũng để an ủi mình:
– Chắc có lẽ do số trời cả chị!
– Còn cậu hồi ni răng. Đã có vợ con chi chưa?
– Ai mà thèm lấy tôi chị. Một mình tôi đây mà còn đói lên đói xuống, huống hồ đèo bồng thêm vợ con.
Chị Bẹo đưa khăn tay lên lau nước mắt và khịt khịt hỉ mũi. Đoạn chị quay sang phía Brownn và chị nói chi đó với Brown tôi nghe không được rõ. Vì chị không những nói bằng miệng, bằng lời, mà còn bằng tay bằng mắt và bằng cả bộ tịch nữa nên người nghe muốn hiểu thì phải vừa nghe vừa đoán vừa mò. Thằng Brown cũng vậy. Tôi thấy mắt hắn mở tròn theo cái múa tay của chị Bẹo, mặt hắn nhíu nhíu theo cái bặm môi của chị Bẹo.
Khi chị Bẹo quay sang phía tôi, không hiểu sao tôi lại khen chị Bẹo một câu rất hợp với cái bao tử.
– Chị nói tiếng Mỹ giỏi quá. Chắc chị học lâu lắm mới được.
– Học chi mà học. Tiếng Mỹ dễ ẹt. Nghe tụi bạn nói thì bắt chước chớ cần chi mà phải học cho mất công.
– Tài ba như chị Bẹo vậy thật là bậc nhất. Tôi đã học chăm chỉ mấy năm mà mỗi lần có dịp nói chuyện với người Mỹ tôi vẫn thấy lúng túng một cách khó khăn lắm mới nói được một câu thông thường. Vậy mà chị Bẹo lại thấy dễ ẹt. Chị chỉ cần hoa tay, nháy mắt, mấy mấy cái miệng là xong.
Đến đây thức ăn đã bưng lên. Trong lúc bụng đói mà được hít những mùi thơm phức đặc sệt, tôi có cảm tưởng như đang ngồi ở một cõi thiên đàng cực lạc nào đó.
Nhưng vừa ăn được mấy miếng tôi bỗng khựng lại vì cái giọng của cô gái ngồi bàn bên kia nói vói sang với chị Bẹo.
– Chồng mầy ở quê mới lên thăm đó hả Ly Ly?
Chị Bẹo đưa mắt lườm lườm nhìn sang. Và khi đã nuốt xong miếng thịt, chị vọt miệng chưởi.
– Mẹ mày cái con đĩ ngựa. Mày không biết cứt gì thì im cái mồm thối của con lại đi. Nói bá láp có ngày bà vả rớt răng ra.
– Chị Bẹo dữ thật. Bao nhiêu danh từ hoa mỹ chị đem ra xử dụng một cách ngon lành không biết ngượng miệng. Tôi bỗng cười thầm. Con người của chị Bẹo tuy đã thay đổi, nhưng lời ăn tiếng nói chị cũng hàm hồ và quá quắt như trước không kém chi. Có điều lạ là nói chuyện với tôi chị nói đặc sệt cái giọng Huế quê mùa, nhưng chưởi lộn với người ta thì giọng chị lại lơ lớ giọng Nam pha Bắc.
– A! Cái bà này. Người ta hỏi chuyện đàng hoàng mà lại đi làm le. Ỷ thế có nhiều chồng chắc. Coi chừng. Chọc bà nổi giận là bà bắt cóc bớt một ông cho mà biết tay. Xem mày dám động đậy gì được sợi lông bà không.
Chị Bẹo bỗng lồng lộn một cách khủng khiếp.
– Cả họ nhà mày cái con cướp chồng người. Bà đ. có sợ đứa nào cả. Bà thách mày đó. Mày dám động đến sợi lông chồng tao coi. Bà đâu có ngu dại như tụi con Lan con Điệp mà để chồng cho mày giựt một cách ngang xương như vậy được. Hừ! Đừng có hòng.
Tôi có cảm tưởng như bao nhiêu cặp mắt đang đổ dồn về phía tôi. Tự nhiên tôi khựng lại. Cái mặt tôi sượng trân ra. Kỳ lạ chưa? Tôi có là chồng của chị Bẹo đâu? Tại sao tôi lại phải mắt cở một cách vô lý như vậy?
Chị Bẹo như đi guốc trong bụng tội.
– Mặc kệ chúng nó. Cứ ăn tự nhiên đi cậu. Bọn dơ dáy chúng muốn nghĩ răng thì nghĩ.
– Răng chị nổi giận dữ rứa? Người ta hỏi chuyện đàng hoàng mà.
– Đàng hoàng chi cái mặt con đó mà đàng hoàng cậu. Cậu không biết đó chớ nó đã lăm le muốn giựt thằng Brown của tui rồi đó. Đã có hai ba đứa bị nó giựt chồng một cách ngang xương rồi chớ ít ỏi hiền lành chi con đó. Tụi tui gọi nó là ngựa cái đó.
– Răng chưởi họ chị không chưởi giọng Huế mà chị lại chưởi giọng chi mô rứa?
– Giọng Huế mình hiền lành quá ai mà sợ cậu.
Bồ câu hầm ngon quá, cua rang muối ngon quá , súp gân nai ngon quá, cơm ngon quá. Tôi ăn bụng đã no kềnh nhưng vẫn cố rán mà ăn thêm. Ăn cho bỏ những ngày khổ cực thiếu thốn đói sau. Ăn để lâu lâu nhớ lại cho đỡ thèm.
Bàn bên cạnh một đứa bé gái khoảng năm tuổi bỗng khóc òa lên, mẹ nó dỗ ngon dỗ ngọt mấy nó vẫn không chịu nín, sau cùng bà liền đưa tay chỉ về phía Brown và dọa: này này, Ni na khóc đây ông kẹ.
Đó, đó, nín đi không mạ cho ông kẹ ăn thịt bây giờ.
Tức thì đứa bé nín im ru và mở tròn mắt nhìn chăm vào Brown sợ hãi.
Brown thấy vậy cũng cười cười ra chiều thân thiết. Nhưng khổ nổi hắn có cười kiểu cách chi đi nữa gương mặt hắn cũng không có được một chút xi xí hiền từ. Bởi ngoài hai con mắt lồi như mắt cá sấu và xếch lên như mắt ngựa, cái mũi như mũi kỳ lân, cái miệng rộng thùng thình, cặp môi dày cui trề ra kịch cợm, thêm màu da đen thui bóng láng, và đầu tóc cụt ngủn luăn quăn như lông chi đó bị cháy, nên trông hắn không còn giống một người nào trên trái đất này cả, mà ngược lại, với những nét dữ tợn hợp chung lại một trông Brown giống như loại quỷ sứ ở một cõi địa ngục nào đó.
Chị Bẹo tuy cũng xấu đui xấu điếc nhưng chị còn có nét hiền từ của con người nên trông chị còn khá hơn Brown nhiều. Brown dữ tợn như rứa mà có chị Bẹo để đêm hôm đầu gối tay ôm thì cũng nhất thiên hạ rồi.
Tôi cười thầm với ý nghĩ khôi hài đó và hỏi chị Bẹo:
– Khi nào Brown về nước chị có về theo không?
Suy nghĩ một lúc, rồi với giọng buồn buồn chị Bẹo trả lời:
– Hắn cũng có ý muốn đem tui về theo đó chớ, nhưng dại chi mà theo hắn cho mệt cậu. Cực khổ chi cũng là nơi chôn nhau cắt rún của mình. Qua bên xứ hắn rủi ro đau ốm biết nhờ cậy vào ai. Ở đây chi đi nữa người mình với nhau cũng dễ thông cảm. Cậu biết, nhiều lúc nói chuyện với hắn, hắn chẳng hiểu ất giáp là gì cả, hắn như là cà lơ mô thiệt khổ. Rứa mà theo về bên nước hắn hai ngày chắc tôi chết tươi. Thôi, cực khổ chi cũng là quê hương xứ sở mình cho rồi.
Tôi không ngờ một người như chị Bẹo lại còn nghĩ được như vậy. Tôi cảm động và thành thật khuyên chị:
– Chị cũng nên dành dụm chút ít tiền nong phòng khi đau ốm.
– Tôi cũng đã nghĩ đến chuyện đó rồi cậu. Chi chi cũng phải phòng lúc tra yếu chớ tiêu phí hết mô được.
– À, tôi nghe ngoài Kế Môn dạo này rộn dữ lắm mà gia đình chị ra răng?
– Chú mạ tôi thật khổ. Hồi đi được thì ông bà luyến tiếc cỏ cây vườn tược không đành bỏ mà đi, đến khi cực khổ chịu không nổi muốn đi thì bị họ kiểm soát gắt gao không đi được. Nghe mô hồi ni bên tê họ bắt đi dân công vận tải và đóng thuế cao lắm. Ở trong ni tui thì tiêu tiền như nước mà ở ngoài nớ thì chú mạ tui mần được một đồng cũng phải đổ mồ hôi sôi nước mắt ra mới kiếm được. Nhiều khi nghĩ đến chuyện nhà tui khóc mấy cũng không hết nước mắt.
Rồi chị thở dài thật buồn. Và trong giọng nói ươn ướt nước mắt của chị Bẹo lòng tôi cũng ngùi ngùi lây.
Tôi an ủi chị Bẹo;
– Thời buổi chiến tranh mà chị. Chạy trời mô cho khỏi nắng được.
Chị Bẹo im lặng và buồn so. Tôi biết chị đang nhớ đến Kế Môn yêu dấu. Nơi chị đã ra đời và lớn lên. Nơi có cha mẹ già và em dại đang sống mỏi mòn quằn quại.
Thằng Brown vẫn ngồi tỉnh bơ. Nó vẫn vô tình không biết hiện vợ nó đang nhớ nhà đứt ruột.
Thấy đã xế chiều, với lại cũng đã quá no và không còn chuyện chi để nói nữa, tôi đứng lên vừa đưa tay bắt Brown và nói với chị Bẹo:
– Thôi chiều rồi. Xin phép chị khi khác gặp lại.
– Thỉnh thoảng cậu ghé nhà tui chơi.
Tôi vừa khẽ gật đầu vừa đi ra.
Trong sự no nê thỏa thích của một bữa ăn ngon nhất và có lẽ cũng sang trọng nhất trong đời, tôi nghĩ ở dưới âm phủ (nếu có) mẹ tôi biết được cái con Bẹo mà ngày xưa bà thường chửi: “Mày lớn lên chỉ có nước lấy chó chớ ai mà thèm” bây giờ lại lấy chồng Mỹ giàu sang ăn cơm nhà hàng lớn, ở nhà lầu cao, tiêu vặt mỗi tháng bảy mươi lăm ngàn đồng, thì thế nào bà cũng tìm cách đội mồ lên mà xem.
(Trích Bách Khoa TĐ số 305)
Sơ lược tiểu sử: Hoàng Ngọc Châu là tên thật. Tác giả sinh năm 1944 tại Kế Môn, Phong Điển, Thừa Thiên, Huế. Hiện sống tại Bảo Lộc, Lâm Đồng, Việt Nam. Ngoài viết văn còn làm thơ dưới nhiều bút hiệu như Hoàng Gỗ Quí, Hoàng Thị Thủy Tiên, Hoàng Ngọc Châu.
Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net”
Nguồn: Văn Miền Nam, Tập I, THƯ ẤN QUÁN 2009, Tủ Sách Di Sản Văn Chương Miền Nam, Trang 343–358.