Thêm một ấm rồng Chu Đậu!
Trần Anh Tuấn
Trong thế giới sưu tầm cổ vật, người ta quan niệm “nhất kỳ nhì cổ.” Ấm hình rồng Chu Đậu không những đã “kỳ” mà còn “cổ” nữa.
Ấm hình rồng là một loại hình rất độc đáo thuộc dòng gốm Chu Đậu trong thế kỷ XV ở nước ta. Công trình nghiên cứu quốc tế đề cập đầu tiên đến hiện vật quý hiếm này là bài “Vietnamese Ceramics and Cultural Identity” mà tác giả là John Guy cho đăng trong hợp tuyển Vietnamese Ceramics. A Separate Tradition xuất bản năm 1997, trang 18. John Guy giới thiệu chiếc ấm gốm hiện tàng trữ tại Cleveland Museum of Art, Hoa Kỳ.
Tạm gọi đây là chiếc ấm Chu Đậu hình rồng thứ nhất (1) và cao nhất.
Cũng năm 1997, sách Chinese and Vietnamese Blue and White Wares Found in the Philippines của ba tác giả Larry Gotuaco, Rita C. Tan, và Allison I. Diem giới thiệu chiếc ấm thứ hai (2). Nhưng điều đáng tiếc là các tác giả đã không cho biết xuất xứ của chiếc ấm này từ đâu và hiện ai lưu giữ.
Sau đó, từ năm 1997 kéo dài tới năm 1999, công cuộc trục vớt chiếc thuyền đắm ở Cù Lao Chàm đã đem lên bờ 250,000 món nhưng chỉ có ba (3) ấm rồng. Tạm gọi là ấm thứ ba (3), thứ tư (4), và thứ năm (5).
Ba chiếc ấm này đã được công ty Butterfields bán trong phiên đấu giá tháng 10 năm 2000 tại San Francisco. Đó là các lô 71, 74, và 78.
Lô số 71 ấm ngã giá US$57,500.00. Lô số 74 ấm ngã giá $US80,500.00. Và lô số 78 ấm ngã giá $US63,250.00.
Kiểu dáng giống nhau với chiều cao ngang nhau và được phát hiện cùng một chỗ dưới đáy biển cho thấy ba chiếc ấm này là sản phẩm của cùng một lò gốm, cùng một mẻ nung, và trong cùng một lần xuất cảng.
Đến năm 2004, tác giả Kerry Nguyen-Long giới thiệu chiếc ấm thứ sáu (6) và thứ bẩy (7) qua bài “An Indonesian Collection: Vietnam’s Painted Ceramics” trong Ấn Bản Đặc Biệt (tháng 3-4 năm 2004) của tạp chí Arts of Asia xuất bản tại Hong Kong, trang 95.
Theo thông tin của Kerry Nguyen-Long thì một tư nhân ở Indonesia tên Abdul Ganie đã bỏ tiền mua được bộ sưu tập hiện vật cao cấp để đối phó với nạn cổ vật quý hiếm thoát ra khỏi nước Indonesia. Bộ sưu tập đặc biệt đó có cả thẩy 15 đồ gốm Việt cổ. Hai chiếc ấm rồng thứ sáu và thứ bẩy đề cập ở đây là 2 trong tổng số 15 món đó, vốn là gia bảo của tiểu vương miền Nam Sulawesi, Indonesia được lưu truyền qua nhiều thế hệ.
Thực ra, chiếc ấm thứ sáu đã được Kerry Nguyen-Long giới thiệu trước đó, năm 2001 trong thiên nghiên cứu dài hơi Gốm Hoa Lam Việt Nam. Vietnamese Blue & White Ceramics với đồng tác giả Bùi Minh Trí nơi trang 326.
Còn ấm rồng thứ bẩy sau đó được Nancy Tingley giới thiệu trong sách Arts of Ancient Viet Nam From River Plain to Open Sea xuất bản năm 2010, trang 259.
Tất cả những ấm kể trên đều là cổ vật Chu Đậu trong tình trạng nguyên toàn, không có dấu vết bị chôn dấu hay bị hủy hoại kể cả ba chiếc ấm trục vớt gần Cù Lao Chàm (vì được xếp trong lòng các đồ gốm lớn khác nên không một ấm nào bị thấm nước biển hay có dấu vết bị hà ăn.)
*
* *
Mới đây nhất, xuất hiện chiếc ấm thứ tám (8). Đặc biệt chiếc ấm này bị hà ăn toàn thể cho phép hiểu rằng ấm này cũng thuộc lô gốm Chu Đậu trong chiếc thuyền đắm.
Nhưng chiếc ấm này có vẻ không cùng một mẻ nung với ba chiếc ấm nguyên toàn vì kích thước cao hơn 2 cm so với ba ấm kia (24.6 cm so với 21.7 cm, 22.1 cm và 22.7 cm), và nhất là kiểu dáng của hai loại ấm khác nhau. Trong khi đầu và đuôi rồng của ba chiếc ấm nguyên toàn thuộc chiếc thuyền đắm và bốn chiếc khác rải rắc trên thế giới (Indonesia, USA…) được nghệ nhân nung nặn theo hướng đối nghịch nhau hay song song nhau thì đầu và đuôi rồng của chiếc ấm đơn lẻ này chụm sát nhau.
Đó là những chi tiết khác biệt về kiểu dáng và về tình trạng hiện tại của chiếc ấm mới phát hiện này so với bẩy chiếc ấm khác đã được quảng bá trong các cuộc đấu giá hay trong những thiên nghiên cứu của các chuyên viên quốc tế về gốm Việt cổ trước đây.
Chính vì thế, đây cũng là chiếc ấm độc nhất có dấu vết sâu đậm của mẻ gốm Việt khổng lồ xuất cảng trong thế kỷ XV mà nửa đường bị nạn, chìm sâu dưới đáy biển miền Trung nước ta. Có lẽ khi thuyền bị chìm vì hỏa hoạn, ấm bị văng ra và nằm dưới lòng biển hàng năm sáu thế kỷ nên các loại hải vật bám đầy, rồi một ngư dân nào đó may mắn lưới được trong một ngày đi biển?
Thật vậy, ngay từ năm 1993, dân đánh cá địa phương đã lén lút kéo lưới tìm vớt cổ vật dưới đáy biển để bán rẻ bán đắt cho dân chơi cổ vật trong nước và nhất là cho giới buôn bán cổ vật người Nhật Bản, Đại Hàn, Hong Kong… đã chờ chực sẵn ở phố cổ Hội An. Không ít tư gia tại Hội An hiện nay có những bộ sưu tập phong phú gốm Chu Đậu là vì lý do đó. Mãi đến năm 1997, chính quyền Việt Nam mới ký giao kèo với Saga Horizon, một công ty Mã Lai Á, để trục vớt chiếc thuyền đắm chứa đầy cổ vật Việt tại Cù Lao Chàm.
Ấm hình rồng là loại gốm độc đáo dẫn xuất từ óc sáng tạo của nghệ nhân người Việt thế kỷ XV. Ấm rất bắt mắt với kiểu dáng đặc biệt hình rồng uốn khúc, bụng phình và ngang ra làm tăng thể tích chứa trà hay rượu (?), đuôi vươn cao là nơi đổ chất lỏng vào ấm và miệng rồng làm vòi ngang với đuôi theo nguyên tắc bình thông nhau.
Nghệ nhân Chu Đậu dùng đất sét nung nặn và men xanh vẽ rồng theo một mẫu chung nhưng mỗi chiếc một khác nhau về chi tiết. Nhìn thì mẫu ấm nào cũng nhẹ nhàng thanh thoát, toát ra vẻ đẹp quý phái và sang trọng̉. Đặc biệt, rồng ở đây là mẫu rồng Việt Nam hiền hòa, linh vật tượng trưng cho vua chúa, khác hẳn vẻ hung dữ đe dọa của mẫu rồng Tầu.
Về tình trạng của các hiện vật thì bờm, râu, và vẩy lưng là những chỗ gốm mảnh và mỏng, nhưng may mắn cho người thưởng ngoạn đời nay là cả tám ấm hình rồng đều không bị gẫy hay sứt.
Theo thỏa thuận giữa chính phủ Việt Nam và công ty trục vớt Saga Horizon thì những gốm độc bản sẽ thuộc bảo tàng quốc gia và thêm 10% lượng gốm trục vớt được sẽ chia cho các bảo tàng địa phương. Cụ thể như Bảo Tàng Lịch Sử Việt Nam, Bảo Tà̉ng Mỹ Thuật Việt Nam tại Hà Nội, và Bảo Tàng Lịch Sử Việt Nam tại Sài Gòn được chia mỗi nơi 4,362 hiện vật. Hay Bảo Tàng Quảng Nam (nơi phát hiện) và Bảo Tàng Hải Dương (nơi sản xuất) mỗi nơi được chia 5,562 hiện vật. Còn hiện vật độc bản có 779 món thì đưa về lưu giữ cũng tại Bảo Tàng Lịch Sử Việt Nam, Hà Nội.
Nhưng ấm rồng thì tôi không thấy bảo tàng nào ở Việt Nam có. Ý kiến của người trong nước qua tạp chí Cổ Vật Tinh Hoa (số 10, tháng 12.2004) là than tiếc chuyện Việt Nam không giữ được một ấm rồng nào, vốn là món “oách nhất” (sic!) trong toàn thể cổ vật Chu Đậu trục vớt được ở Cù Lao Chàm (tr. 5). Cũng vì thế, Cổ Vật Tinh Hoa xuất bản tại Hà Nội phong phú những thông tin và hình ảnh về đủ mọi thể loại cổ vật Việt Nam do hội viên các hội cổ vật khắp nước chia sẻ, nhưng tuyệt nhiên không có một bài viết nào về chiếc ấm hình rồng trong dòng gổm cổ Việt suốt từ số đầu tiên (số 1, tháng 6.2003) đến nay (số 50, tháng 1.2016).
Có thể kết luận ấm rồng Chu Đậu là món cổ vật vô giá. Giới sưu tập tư nhân, các nhà buôn bán cổ vật, và các viện bảo tàng quốc tế đều theo dõi và ganh đua đấu giá mỗi khi có cơ hội tạo mãi ấm rồng là vì thế.
Trong thế giới sưu tầm cổ vật, người ta quan niệm “nhất kỳ nhì cổ.” Ấm hình rồng Chu Đậu không những đã “kỳ” mà còn “cổ” nữa. Còn theo tiêu chuẩn “nhất dáng, nhì men, tam nguyên, tứ chế” thì ấm rồng cũng ứng vào tiêu chuẩn đầu tiên, với cái “dáng” độc đáo của ấm!
9.2016
Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net”
Nguồn: Bài và hình do tác giả gởi. DCVOnline hiệu đính và minh họa bổ túc.
ĐỒ CỔ
Khái niệm đồ cổ đi liền với khái niệm mỹ thuật, khái niệm lịch sử, khái niệm quý hiếm, nhiều khi còn đi liền cả ý nghĩa truyền thống, nên giá trị của đồ cổ vẫn luôn là như thế. Tính quý hiếm và ý nghĩa nghệ thuật, đó là giá trị hàng đầu của món đồ cổ.
Đồ cổ khi nó vừa ra đời, tất nhiên cũng như mọi vật dụng hay tác phẩm khác, nó chỉ đánh dấu hay kết tinh cho ý nghĩa của hiện tại lúc đó, có khi nó chỉ được sản xuất hàng loạt và nhiều người cùng có trong thời điểm đó. Thế nhưng khi lịch sử càng dài, và cái gì còn lại đã trở nên quý hiếm và bản thân thể hiện các tính chất hay trình độ nghệ thuật nào đó, gia trị văn hóa, tinh thần, giá trị thời giá của nó được nâng lên, vậy là nó trở thành các món đồ cổ mà cũng quý, ai cũng thích.
Nhưng đồ cổ có khác với di chỉ lịch sử. Một cây cọc trên sông Bạch Đằng đến nay còn lại trong trận chiến thắng quân Nguyên Mông, cách đây từ nhiều thế kỷ, thể hiện tài năng quân sự lẫy lừng của Trần Hưng Đạo, đó là di tích hay di chỉ lịch sử của ngày nay, cũng là một món đồ cổ có ý nghĩa lịch sử quý giá, nó như một chứng tích đời xưa còn lại, nhưng mặt mỹ thuật của nó hay ý nghĩa văn hóa của một thời đại thì không có giống như các món đồ cổ mỹ thuật khác. Trong khi đó các chiếc ấm sứ hình rồng Chu Đậu lại là loại đồ cổ vô giá về mặt văn hóa và mỹ thuật mà ngày nay còn sót lại.
Có nghĩa mọi ý nghĩa đồ cổ đều là di tích lịch sử của một thời đại nào đó. Giá trị hiện tại của nó đều là giá trị lịch sử, ý nghĩa văn hóa, và đặc biệt nhất còn chính là giá trị nghệ thuật hay thẩm mỹ. Mà còn lại qua lịch sử là còn lại qua bao biến cố thăng trầm của cuộc sống, còn lại qua bao cuộc chiến tranh nghiệt ngã, còn lại qua bao chọn lọc đầy may mắn hay may rủi, còn lại qua bao nâng niu của từng lớp người trong quá khứ. Ý nghĩa tình cảm, tinh thần, văn hóa, nhân văn của mọi món đồ cổ thường tiềm ẩn hay biểu hiện ra là như thế. Nhưng nếu phân loại các món đồ cổ, người ta thường thấy ba loại chính là bằng gốm sứ, bằng gỗ quý, hay bằng kim loại. Đây đều là những vật liệu dễ chế tác qua bàn tay thủ công của người xưa. Còn đồ cổ bằng đá thì hơi ít, vì đã khó chế tác tinh trừ khi đó là đá quý hay là các loại ngọc đẹp. Dù sao sự tồn tại nguyên vẹn qua thời gian thì gốm sứ và đá quý là vượt bậc nhất, hơn cả gỗ hay kim loại, đó là do bản tính vật chất riêng của nó. Tuy vậy, đá quý và gốm sứ lại có thể bị rơi vỡ, nên nhiều khi có những vật quý hiếm nhưng lại sứt mẽ phải gắn buộc lại chỉ là như thế. Nên ý nghĩa của đồ cổ, thật ra không phải giá trị vật chất của chính nó, mà chính ý nghĩa nhân văn, ý nghĩa tinh thần, ý nghĩa lịch sử phát triển trong quá khứ mới tạo thành chính bản thân và ý nghĩa vô giá của nó.
Bởi vậy cả từ Âu sang Á, những đất nước có nền văn minh lâu đời, những thứ đồ cổ trong các xứ sở đó là vô cùng, và nó đều trở nên những niềm hãnh diện chung của cả dân tộc. Tuy vậy sự tàng chứa mọi sản phẩm đó chỉ có trong hình thức tư nhân hoặc công cộng. Còn những di sản chưa được khai quật thì có còn chưa là của ai cả mà chỉ coi như còn mất mát hay thất lạc đâu đó. Trong tư nhân chính là các giòng họ, các gia đình, nhất là khi nó có truyền thống lâu đời. Trong các bảo tồn công cộng, dĩ nhiên là những Nhà bảo tàng địa phương, những Viện bảo tồn quốc gia mà mọi nước đều có. Những cách bảo tồn, bảo tàng này thường các quốc gia phương Tây có thế mạnh hơn, vì thường họ giàu có và thường họ cũng có nhiều đức tính văn minh, văn hóa hơn một số các nước phương Đông. Do vậy nhiều thứ đồ cổ của các nước phương Đông cuối cùng lại còn lưu trong bảo tàng của họ mà ở chính quốc của chúng thì không còn tìm ra nữa. Tất nhiên đây không loại trừ do các cuộc cưỡng đoạt từ chiến tranh, song lực lượng chơi hay kinh doanh đồ cổ ở các nước phương Tây thường mạnh hơn cả trăm lân các nước phương Đông cũng là những thực thế đáng lưu tâm như thế.
Nói như thế để thấy rằng Trung Hoa và Việt Nam đều là những dân tộc, những đất nước lâu đời ở phương Đông, nhưng đồ cổ chưa chắc còn đầy đủ cả như những nước phương Tây trong đó Anh, Pháp, Mỹ vẫn luôn là các đất nước nổi tiếng nhất. Sự chảy máu đồ cổ của Trung Quốc và Việt Nam thường là bởi các nguyên do như vậy. Đặc biệt Trung Quốc và Việt Nam đều kinh qua những cuộc chiến tranh bao gồm ý nghĩa cách mạng ý hệ và phương cách tiêu thổ kháng chiến, đó chính là những ý nghĩa éo le nhất về mặt bảo tồn di sản cổ mà nhiều nước phương Tay chính thống đều không bị trải qua những chuyện như thế. Như sau cuộc cách mạng cộng sản năm 1945, rồi qua liền nhau hai cuộc chiến tranh quy mô lớn và lâu dài, bao nhiêu nhà cửa cổ xưa, bao di tích công cộng bị tàn phá, bao nhiều đồ cổ bị xiêu lạc vì nhiều lý do khác nhau kể cả lý do kinh tế, thì sự đổ máu đồ cổ như thế quả thật là không tiền khoáng hậu trong lịch sử đất nước. Đây chính là nỗi đau lịch sử mà chắc muôn đời khó hàn gắn, cứu vãn hay khuây khỏa được.
Cho nên mối quan hệ giữa văn hóa và chính trị là điều mà ai cũng phải cần luôn quan tâm đến. Chính trị đáng lẽ phải đi kèm luôn theo văn hóa, nhưng nếu chỉ ngược lại thì đó là sự đại phản động và sự đại phá hoại không thể nào tha thứ được. Cái được gọi là cách mạng văn hóa trước kia của Trung Quốc dưới thời họ Mao, thật là thứ chính trị quái đản tiêu diệt văn hóa cách tàn khốc nhất mà cả thế giới đều biết. Vụ nhân văn giai phẩm hay vụ cải cách ruộng đất của Miền Bắc vào các thập niên 50 ở Việt Nam đều chẳng khác gì như thế. Nên chính trị nếu không khéo sẽ đưa đến chiến tranh, chính trị nếu càn gở sẽ đi đến hủy diệt văn hóa truyền thống, đó là hai điều đáng quan tâm nhất về sự ảnh hưởng tương tác giữa ý nghĩa chính trị và văn hóa.
Nhưng xét cho cùng, học thuyết Mác trong quá khứ thật sự chính là cái nguyên nhân hàng đầu tạo ra như thế. Bởi quan điểm duy vật, quan điểm đấu tranh giai cấp, quan điểm chuyên chính vô sản mà Mác đưa ra đều chính là những ý nghĩa chính yếu, những nguyên nhân đích thực, những mục đích sai trái của việc hủy hoại, việc lũng đoạn, việc chận đứng phát triển và phá hoại bảo toàn văn hóa truyền thống ở một số nước từng có liên quan về lịch sử với nó trong quá khứ mà không phải gì khác. Sức phá hoại của nó thật là ghê gớm về văn hoa nhiều măt mà chắc còn lâu cả thế giới và từng nước mới tổng kết hoặc thống kê được hết. Bởi độc đoán chuyên chính là chắc chắn phản nhân văn, phi nhân văn. Bởi vô sản thì chắc chắn phản văn minh, văn hóa. Bởi duy vật thì chắc chắn phản tinh thần, phản đạo đức. Đó đều những ý nghĩa mà bản thân Mác đều không thấy trước. Đến đỗi Mác còn cho đạo đức và văn hóa truyền thống chỉ là đạo đức và văn hóa giai cấp, đạo đức và văn hóa tư sản, nên muốn cách mang vô sản thành công thì phải tận diệt các thứ đạo đức và văn hóa được gọi là phản động đó đi. Quả thật đó là tính phản động tày trời của Mác mà nhiều người cộng sản thực chất có thể là vô tình hay có thể là hữu ý mà không hề biết tới điều đó. Nên cuộc cách mạng vô sản và cuộc cách mạng văn hóa dưới thời Mao Trạch Đông rõ ràng đều cho thấy điều đó, cuộc cách mạng của Khmer đỏ để nhằm xây dựng những ăng ca theo cách cộng sản mác xít của Mác cũng đều y chang như thế. Bởi vậy qua đó cũng kết luận sự dốt nát, nông cạn của Mác về mặt tư duy triết học, về mặt khoa học khách quan mọi loại, sự nông cạn dốt nát của Mác về mặt văn hóa theo ý quan điểm duy vật, đều cho thấy hậu quả của lý thuyết đó trong một thời gian dài cả thế kỷ mà Mác từng mang lại cho nhiều dân tộc, nhiều đất nước, nhiều nơi trên toàn thế giới. Mác và Hitler chính là những hình ảnh có một không ai về tính cách phản văn hóa, phản khoa học mà lại tự nhân danh là văn hóa, là khoa học, thật là hai điều trớ trêu nhất trong lịch sử nhân loại cận đại mà chưa chắc ngày nay mọi người khắp nơi đều đã thấy hết. Nên đảng quốc xã thực chất chỉ là nạn nhân của chính tham vọng cá nhân điên cuồng của bản thân Hitler, còn đảng cộng sản mác xít thực ra cũng chỉ là nạn nhân của chính tư tưởng không tưởng và phản thực tế của Mác mà chính những người trong cuộc đó lại không tự biết, điều đó cũng khiến mọi hậu quả do họ gây ra trong lịch sử nhân loại thành ra dở khóc dở cười về nhiều mặt, thậm chí nhiều khi trở thành tiếu lầm cho mãi tới ngày nay quả đều là như vậy. Nên nói khác cũng có những thứ đồ cổ có giá trị mà cũng có những thứ đồ cổ hoàn toàn không giá trị mà lại bị hiểu lầm là có giá trị cũng chỉ là những trường hợp như thế đó.
THƯỢNG NGÀN
(21/9/16)