Tự do ngôn luận

Trương Nhân Tuấn

truong_duy_nhat_464x261Ở các xứ tự do người ta thường quan tâm đến việc đình bản của một tờ báo vì một số lý do. Quan trọng hơn hết là vấn đề “tự do ngôn luận”. 

SGTT  đóng cửa. Nguồn: Facebook Nguyen Viet Ha
SGTT đóng cửa. Nguồn: Facebook Nguyen Viet Ha

Tờ báo chết, bất kỳ lý do nào, người ta đều có cảm tưởng rằng quyền tự do ngôn luận vừa bị một tổn thất lớn. Mà khi quyền tự do (ngôn luận hay báo chí) bị hạn chế, một cách trực tiếp, quyền con người bị đe dọa.

Trong thời kỳ bùng nổ Internet, người ta lần hồi có thói quen đọc báo “mạng” nhiều hơn đọc báo giấy. Nhiều tờ báo bị đóng cửa vì lý do kinh tế. Người ta lo ngại ở đây là lo cho những công nhân, những phóng viên… nói chung là nhân sự làm nên tờ báo, bị thất nghiệp, không có công ăn việc làm. Quyền tự do ngôn luận trong chừng mực, không bị đe dọa trực tiếp. Vì tờ báo này chết còn có những tờ báo khác, hay radio, TV… cho những người không truy cập internet.

Một tờ báo ở Việt Nam vừa bị đình bản. Nhiều người “nhỏ nước mắt” tiếc thuơng.

Nền báo chí của Việt Nam, báo giấy cũng như báo mạng, tất cả đều chịu sự lãnh đạo của đảng CSVN, gián tiếp hay trực tiếp. Tờ báo này chết, còn đến 700 tờ báo khác trăm hoa đua nở, tiếp tục “hót mãi những lời chim chóc”.

Dĩ nhiên tôi không có lời thuơng tiếc nào cho bất kỳ một tờ báo nào ở Việt Nam vừa đăng lời cáo phó. Tôi chỉ lo ngại cho tương lai những nhân sự đã cộng tác với tờ báo. Không biết tương lai họ sẽ sống bằng cách nào? Những người này (và nhiều người khác nữa sắp tới đây) là nạn nhân trực tiếp của sự khủng hoảng kinh tế trong nước, chứ không phải vì bất kỳ hình thức hạn chế “ngôn luận” nào của nhà cầm quyền. Quyền tự do báo chí (hay ngôn luận) ở VN vẫn là một màu đen tối, như bản báo cáo mới nhất về nhân quyền của các nước trên thế giới.

Tôi đang lúng túng không biết phải mở lời thế nào để chia sẻ với nhà báo Trương Duy Nhất hiện đang bị giam giữ (một cách phi lý) vì các tội mơ hồ “lợi dụng quyền tự do dân chủ”. Lời cáo phó của tờ báo là cơ hội để tôi có một lời “công đạo” với nhà báo Trương Duy Nhất.

Trương Duy Nhất. Nguồn: OntheNet
Trương Duy Nhất. Nguồn: OntheNet

Tôi chỉ biết nói rằng, ở các xứ bình thường, người ta luôn đem các nhà lãnh đạo, những chính trị gia ra để làm trò hề, chọc cười. Và việc này là một “sinh hoạt văn hóa”, một nghề nghiệp chân chính, nhưng những nghề khác. Người ta phân biệt đâu là giới hạn của “riêng tư”, đâu là lãnh vực của “công chúng”. Những lãnh đạo quốc gia, những nhà chính trị… là những gương mặt thuộc phạm vi công chúng.

Ông Trương Duy Nhất có một số bài nói về các lãnh đạo VN hiện nay, tức nói về một vấn đề thuộc phạm vi “công chúng”.

Bản cáo trạng của viện Giám Sát kết tội ông Nhất viết bài

“không đúng sự thật, tuyên truyền, xuyên tạc đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, bôi nhọ lãnh đạo Đảng, Nhà nước”.

Thế nào là ý nghĩa của “xuyên tạc” trong “xuyên tạc đường lối, chính sách, pháp luật” của đảng và nhà nước?

Những bài viết của ông Nhất liên quan đến “đường lối, chính sách” của đảng và nhà nước, có thể trái với “ý” của đảng, nhưng nó lại vừa “lòng dân”. Bởi vì, thực tế chứng minh, các chính sách, đường lối của đảng đã đem lại lợi ích nào cho đất nước, cho nhân dân?

Các đại công ty (không phải chính sách của đảng thì của ai?) lần lượt sụp đổ, đem lại nợ nần hàng chục tỉ đô la. Ai vào đây gánh nợ?

Chính sách giáo dục đi từ thất bại này sang thất bại khác. Luân lý, đạo đức suy đồi. Xã hội xáo trộn, người dân sống bất an. VN không đào tạo được nhân công cao cấp đúng tiêu chuẩn cung ứng cho thế giới, cũng bất lực trong việc giải quyết công ăn việc làm cho người vừa tốt nghiệp. Thất bại ở đây không phải là chính sách của đảng thì của ai?

Các quặng mỏ khoáng sản, than đá, dầu khí… khai thác gần cạn kiệt. Nhân dân hay đảng đã khai thác? Đảng và nhà nước đã xây dựng được gì cho đất nước, cho nhân dân từ các nguồn tiền đó? Hạ tầng cơ sở không xây dựng được gì. Những công trình xây dựng đều do vốn nước ngoài đầu tư. Các trạm thu phí dựng lên từng chặn đường là để bóc lột người dân trả nợ cho chủ đầu tư. Vậy thì các khoản tiền thu từ khai thác hầm mỏ (hàng 40 năm nay) như vậy đã đi đâu? Người dân hay đảng đã hoang phí?

(Thật là một xấu hổ lớn, Hà Nội vừa tổ chức sinh nhật ngàn năm tuổi. Không có một cây cầu nào của người VN xây qua sông Hồng. Sài Gòn đi Nha Trang (khoảng 400km) phải mất một đêm. 92 km từ Hội An đi Đà Nẵng mất 5 tiếng đồng hồ. Từ Hạ Long về Hà Nội con đường ô nhiễm nhất nước, mất 7 giờ. Bụi than đen che phủ mọi nhà, không thấy một bóng cây xanh. Hiện nay, tại khu vực Hạ Long, người ta còn khai thác đá bừa bãi, phá hoại cảnh trí thiên nhiên. Trong khi tuyến đường sắt Lào Cai – Hà Nội vẫn vậy, do Pháp xây dựng từ trăm năm nay. Không thể tả hết những dơ bẩn kinh hoàng của chuyến tàu đêm trên tuyến đường này. Du khách đi một lần rồi không bao giờ trở lại. Dơ bẩn là một chuyện. Thời gian là chuyện khác. Không ai đi du lịch mà chấp nhận thời gian mất cho giao thông tương đương với thời gian đi ngoạn cảnh.)

Về việc bôi nhọ những gương mặt của công chúng, ông Nhất viết rằng TT Dũng viết sai lỗi chính tả.

Thì đúng như vậy! Ông Dũng gốc Nam Kỳ (dân ruộng như tôi) hay viết sai chính tả. Đây là một sự thật. Nói ông Nhất “bôi nhọ” lãnh đạo là không đúng.

Về những nhân vật khác cũng vậy, ông Nhất viết đều đúng, hay thể hiện một thực tế, không thể phản biện được.

Viện Kiểm Sát kết tội Trương Duy Nhất như vậy là không thuyết phục.

Cũng như nhà báo Hoàng Khuơng, nhà báo Trương Duy Nhất, một con ngựa đau, cả tàu tranh ăn cỏ của con ngựa bệnh.

Sự thật là vậy. Không bao nhiêu người đồng liêu với ông Nhất lên tiếng bênh vực ông này.

Một tờ báo chết, 700 tờ báo khác sống. Tất cả đều thuộc về một ông chủ. Sự sống chết của tờ báo trực thuộc vào nhu cầu của ông chủ.

Nhưng một người cầm viết thì không ai có thể quyết định sự sống chết như tờ báo. Mọi quyết định trong chiều hướng này đều chà đạp lên đạo lý con người, phỉ nhổ vào công lý, lăng mạ vào danh dự của cả cộng đồng nhân loại.

Im lặng trong hoàn cảnh này là đồng lõa.


Nguồn: Tự do ngôn luận. Trương Nhân Tuấn. Facebook, 25/2/2014. DCVOnline đề tự và minh họa.