Bạo lực trong gia đình và gốc rễ sự khinh rẻ phụ nữ ở Việt Nam
Anh Phuong Ngo | DCVOnline
Vì nó phải bắt đầu từ suy nghĩ của mỗi người đàn ông và của mỗi người đàn bà về vấn đề trước mặt – thay đổi cách họ nhận thức về bạo lực trong gia đình, về nguyên nhân và hậu quả của nó…
Những nước ở châu Á là nơi coi phụ nữ thấp kém hơn nam giới vẫn hiện hữu; khái niệm đó đã khắc sâu trong mỗi con người, và ngay cả trong tâm khảm phụ nữ từ chục năm qua, và đã trở thành nhận thức vượt trội. Quan điểm này gây ảnh hưởng tiêu cực cho phụ nữ châu Á cả về thể chất và tinh thần, khi họ được coi là ở một vị trí thấp hơn so với nam giới, và nam giới vì lý do đó thấy rằng họ có nhiều quyền lực hơn để thống trị và buộc phụ nữ làm những việc chỉ để làm hài lòng nam giới.
Hơn 50% phụ nữ Việt đã nếm mùi bạo lực trong gia đình dưới nhiều hình thức.
Hậu quả đáng chú ý nhất của lý do gốc rễ này là bạo lực trong gia đình. Điều này xảy ra ở mọi quốc gia trên lục địa châu Á, và Việt Nam cũng không là ngoại lệ.
Theo báo cáo năm 2013 UNODC, “Đánh giá tình hình phụ nữ trong hệ thống tư pháp hình sự tại Việt Nam”, hơn 50% phụ nữ Việt Nam đã kinh qua bạo lực trong gia đình, kể cả việc bị ngược đãi về tinh thần, thể chất và tình dục. Tuy nhiên ít hơn 20% nạn nhân đã đi tìm sự giúp đỡ. (UNODC, năm 2014)
Tại sao lại như vậy?
Ở một đất nước bảo tồn văn hóa như Việt Nam, vấn đề giữa vợ chồng – bất kể bạo lực và độc ác đến đâu, vẫn được xem là chuyện riêng tư và chỉ xảy ra đằng sau cánh cửa đóng kín. Người ngoài thường gạt đi với loại phản ứng “Đừng can thiệp, không phải là việc của bạn” bất cứ khi nào họ muốn giả lả. Không may, phản ứng loại này khiến nhiều người ngại hành động để chấm dứt sự độc ác này, do đó thường tránh né và quay đi khi đứng trước một cảnh bạo lực trong gia đình. Điều này cũng dẫn đến thực tế là phụ nữ bị ngược đãi cảm thấy bị xã hội bỏ rơi, do đó, họ có khuynh hướng giữ im lặng khi bị đối xử thô bạo ở nhà và không nhận giúp đỡ của người khác.
Ở Việt Nam, đàn ông và chồng không phải là những người duy nhất ngược đãi phụ nữ, nhưng toàn thể gia đình chồng cũng nằm cùng danh sách.
Đó là một tình cảnh thật bất công khi bạo lực bắt đầu từ một cá nhân với ý tưởng họ có quyền lực thống trị đối với người khác. loại suy nghĩ này đã bắt rễ trong xã hội Việt Nam từ rất lâu rồi, khiến thực sự rất khó có thể loại bỏ nó hoàn toàn. Đã có rất nhiều cuộc vận động của các tổ chức phi chánh phủ và những người vận động cho quyền phụ nữ lên tiếng và có nhiều nỗ lực rất lớn trong việc nâng cao nhận thức về bạo lực trong gia đình trong xã hội Việt Nam, nhưng chắc chắn họ cần rất nhiều thời gian hơn và cần nhiều người giúp đỡ hơn nữa để gởi thông điệp này đến với toàn thể xã hội. Bởi vì ngày nay, nhiều phụ nữ Việt Nam vẫn được cho rằng, và có khuynh hướng, sẽ không bao giờ chống lại chồng và gia đình chồng.
Nhiều người có thể tự hỏi, “Tại sao gia đình chồng lại can dự?” Đáng buồn thay, điều vô lý nhất trong tình trạng bạo lực trong gia đình ở Việt Nam là những người đàn ông / những người chồng không phải là người duy nhất ngược đãi phụ nữ, mà tất cả gia đình chống cũng nằm cùng danh sách. Phụ nữ Việt Nam, một khi đã kết hôn, đi làm dâu cho gia đình chồng, sẽ phải tuân theo cả nhà chồng, và đôi khi bị đối xử không hơn một người giúp việc. Đây là sự ngược đãi về mặt tinh thần mà phụ nữ phải đối phó. Phụ nữ Việt Nam, nói chung, bị coi là không thông minh như người đàn ông, vì vậy họ thường nhìn xuống, và phải tuân theo chồng bất cứ chồng họ muốn gì. Phụ nữ phải làm tất cả công việc trong nhà mà không được bất kỳ thành viên nào trong gia đình chồng giúp đỡ, và sẽ được “đánh giá” là người nội trợ giỏi cỡ nào. Loại ngược đãi “quy mô” này vẫn hiện hữu ngay cả trong thời hiện đại. Hơn nữa, phụ nữ Việt Nam không bao giờ được lên tiếng biện hộ bất cứ khi nào bị mẹ chồng, hoặc bất kỳ thành viên nào trong gia đình chồng trách mắng. “Họ” coi việc phụ nữ lên tiếng biện minh này là không đúng đắn và xấc xược, thiếu tôn trọng đối với gia đình chồng. Trong nhiều gia đình, con dâu thậm chí còn bị cấm không được đi làm toàn thời gian hay có sự nghiệp cho riêng mình. Ho bị coi là máy sinh sản cho một gia đình, về mặt sinh học không phải của mình, và có thể dễ dàng bị gạt qua một bên khi không thể sinh con trai cho gia đình chồng. Phụ nữ Việt Nam phụ thuộc về tài chính, bị thô bạo tước đoạt quyền được nói và quyền được đối xử bình đẳng, và họ không có thể làm gì để thay đổi hoàn cảnh.
Ngay cả ly dị cũng không nằm trong danh sách lựa chọn của phụ nữ.
Phụ nữ Việt Nam rất sợ phải ly dị, bởi vì, trước hết, nó được coi là không chỉ là một “thất bại hôn nhân”, mà còn là một sự ô nhục thanh danh của họ. Người ta tin rằng ly dị sẽ để lại vết nhơ không thể tẩy khiến phụ nữ sẽ khó có thể tái hôn. Lý do thứ hai tại sao phụ nữ Việt Nam tránh ly dị là vì người ta mong đợi phụ nữ sẽ hy sinh bản thân vì lợi ích của con cái, vì vậy nhiều người đã sống trong những hôn nhân không hạnh phúc hoặc bị ngược đãi và tin rằng như thế con cái của họ sẽ hạnh phúc hơn. Đàn ông, tuy nhiên, không bị buộc phải làm như vậy. Sự không cân bằng về trách nhiệm làm cha mẹ này đã đẩy mức độ bạo lực trong gia đình lên cao hơn, khi người vợ im lặng, không bao giờ cãi lại chỉ để bảo vệ tương lai của con cái và như thế không may đã góp phần mở đường cho chồng ngược đãi họ hơn nữa.
Ly dị trong văn hóa Việt được coi là không chỉ là một “thất bại hôn nhân”, mà còn là một sự ô nhục thanh danh của một người phụ nữ.
Người Việt nói chung vẫn xem thường phụ nữ đã ly dị chồng, và không bao giờ bận tâm để đào sâu hơn để hiểu tại sao họ đã phải làm như vậy. Sợ bị đánh giá không công bằng và sợ bị nhục mạ, phụ nữ Việt Nam, do đó, không bao giờ xem ly dị như một giải pháp để giải phóng bản thân. Đó là lý do tại sao ngay cả trong chính họ, phụ nữ Việt Nam vẫn giữ ý tưởng “có một tấm chồng tốt” nghĩa là “có một cuộc sống hạnh phúc”, và đó là mục tiêu cuối cùng trong đời một người phụ nữ. Các bà mẹ nói với con gái, bạn gái nói với nhau, các thế hệ phụ nữ đi trước tiếp tục truyền nhận thức này lại cho thế hệ sau, khiến nó mọc rễ sâu hơn nữa. Trừ khi họ từ bỏ niềm tin rằng cuộc sống của họ được một người đàn ông xác định thì nguyên nhân của tất cả nỗi khốn khổ của họ trong hôn nhân vẫn không thể được loại bỏ ra khỏi xã hội.
Tất nhiên, giải pháp phải đến từ cả hai phía, phụ nữ và nam giới, vì chính họ phải nhận ra được mức độ bạo lực gia đình nghiêm trọng ảnh hưởng đến mỗi cá nhân trong gia đình như thế nào. Việt Nam đã có và thực thi pháp luật để bảo vệ phụ nữ khỏi bị ngược đãi, nhưng không phải tất cả các trường hợp phụ nữ bị ngược đãi đều được báo cho giới hữu trách và được pháp luật bảo vệ. Vì nó phải bắt đầu từ suy nghĩ của mỗi người đàn ông và của mỗi người đàn bà về vấn đề trước mặt – thay đổi cách họ nhận thức về bạo lực trong gia đình, về nguyên nhân và hậu quả của nó quan trọng hơn nhiều nếu chúng ta muốn xã hội trở thành một nơi an toàn hơn cho phụ nữ.
© DCVOnline
Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net”
Nguồn: Domestic violence in Vietnam and the deep rooted misogyny behind it. Written by Anh Phuong Ngo. Illustrated by Anh My Ngo. http://thesuffolkjournal.com/ (The Sulfolk University | Boston). December 14, 2016.
Tham khảo thêm
– “Đánh giá hoàn cảnh phụ nữ trong hệ thống tư pháp hình sự tại Việt Nam” http://www.un.org.vn/images/stories/Features/WIJ_Final_version_in_English.pdf
– DOMESTIC VIOLENCE IN VIETNAM. ASIALIFE — FEBRUARY 3, 2016
– Using data to tackle domestic violence in Vietnam, UNFPAasia, https://youtu.be/UE21QpAI1lQ
VỢ CHỒNG
Vợ chồng chỉ chuyện tự nhiên
Trời sinh ra thế có phiền chi ai
Đàn bà đâu phải chân dài
Mà đầu óc ngắn thua tài đàn ông
Đàn ông đâu phải cải ngồng
Tưởng cao hơn vợ khi không cái đầu
Để thường hay tỏ vẻ ngầu
Thượng tay hạ cẳng mới hầu ta đây
Bình quyền nam nữ đều hay
Trừ phi đanh đá vẫn hoài khôn chi
Cứ nên lấy đó mà suy
Canh thiu cơm đắng nhiều khi tại bà
Nên chi mọi sự tà ma
Mỗi bên một ít có mà khác sao
Dẹp đi mọi sự tào lao
Văn minh đối xử mới người văn minh
Vợ chồng vốn nửa thân mình
Sao ham ngược đãi còn tình nghĩa chi
Những người có học thường khi
Hiểu sâu nghĩ rộng vẫn thì hay ho
Còn như những thứ trâu bò
Hay loài đá cá lăn dưa quý gì
Một khi bát nước đổ đi
Muốn mà hốt lại dễ gì được đâu
Thế nên từ trước đến sau
Cơm lành canh ngọt dài lâu vợ chồng
Trời sinh ra sợi chỉ hồng
Nào ai hạnh phúc phòng không muốn thờ
Vậy nên đã lở vào đời
Vợ chồng thành đũa so le được nào
Phòng không gối chiếc tầm phào
Vợ chồng địa ngục cũng nào quý chi
Lấy điều hiểu biết làm ni
Lấy điều đạo đức mọi khi trường tồn
Vợ chồng tựa nước non bồng
Sao đành biến cải thành toàn vũ phu
TIẾU NGÀN
(17/12/16)