Ngày mai tôi ra trận
Huỳnh Việt Lang
Tôi tin rằng, những ngày đen tối nhất của dân tộc ta cũng sắp qua rồi. Anh cố gắng, tôi ráng lên, tinh thần ái quốc Việt từng ngày bùng dậy. Chế độ độc tài này phải sụp đổ, Việt Nam phải có một ngày mai tươi sáng!
DCVOnline: Huỳnh Việt Lang là tác giả, là blogger, là contributing editor từ những ngày DCVOnline mới bắt đầu hoạt động. Ông viết ở trang nhất, ở blog Huỳnh Việt Lang, ở diễn đàn chủ và cả diễn đàn Ngọn Đuốc. Ông viết như những lời tâm tình với bằng hữu phương xa. Ông viết như thể chuyện trò cùng bè bạn thâm tình bên chung rượu. Trên Trang nhất Đàn Chim Việt “Chúng ta chỉ có một Tổ quốc là bài sau cùng Huỳnh Việt Lang gởi vào blog ở DCVOnline. Sau đây là một đoạn ngắn, ở diễn đàn Ngọn Đuốc, Huỳnh Việt Lang viết ngày 19 tháng 6, 2005.
“Có hạt lúa nào muốn nảy mầm mà không phải nứt vỏ mình ra?
Có hạt đậu nào mọc thành cây mà chẳng phải gồng mình đội đất?
Tôi tin rằng, những ngày đen tối nhất của dân tộc ta cũng sắp qua rồi. Anh cố gắng, tôi ráng lên, tinh thần ái quốc Việt từng ngày bùng dậy. Chế độ độc tài này phải sụp đổ, Việt Nam phải có một ngày mai tươi sáng!
Người trong nước không nản lòng, đồng bào hải ngoại đừng quên mình là người Việt Nam. Chúng ta chịu bỏ qua những tiểu tiết mà cùng nhau đoàn kết, trận chiến dân chủ này là tất thắng.
Đúng không những đồng bào của tôi?”
Trương Hán Siêu trong bài Phú sông Bạch Đằng viết, Nhân nhân hề văn danh, Phỉ nhân hề câu dẫn. Dịch là
Những người bất nghĩa tiêu vong,
Nghìn thu chỉ có anh hùng lưu danh!
Hôm nay lúa Huỳnh Việt Lang đã rạch vỡ vỏ thành hạt gạo trắng ngần; Đậu Huỳnh Việt Lang đã đội đất, vươn dậy đứng thẳng người, giữ vững tầm nhìn về phương trời Việt Nam dân chủ.
Xin được giới thiệu đến quý bạn đọc một bài viết khác do tác giả Phạm Văn Bản gửi tới DCVOnline.
Xin cùng đọc Ngày mai tôi ra trận của Huỳnh Việt Lang.
Tráng sĩ lên đường,
Không màng áo gấm
Mong sao đồng bào sánh vai cùng bè bạn năm châu.
Người bấm phím,
Chẳng tiếc bao đêm thức trắng
Góp sức cùng dân hòng rạng danh đất Việt.
Sài Gòn nhân quyền réo gọi,
Thăng Long dân chủ rồng bay.
Phím nhựa đương cùng nòng súng,
Tự do sống mái phen này.
Thương con, ngày mai ra trận.
Chiến bào là áo vợ may…
Khi đồng bào đọc được bài viết này thì thân tôi đang bước vào trận chiến sinh tử cùng bạo quyền. Ngày hạ quyết tâm đem thân phục vụ công cuộc đấu tranh dân chủ nước nhà thì tôi đã lượng trước cảnh này. Lỡ sa vào tay độc tài, thầm nhủ lòng vốn không chịu được nhục, tất phải dùng cái chết mà mong giữ tròn khí tiết. Bình tâm tự hỏi lòng, tôi chưa làm điều chi đáng thẹn cùng sông núi. Nghiêm khắc xét tư cách cá nhân, từ khi có hiểu biết đến nay tôi cũng chưa cố tâm hãm hại tha nhân nào. Vậy, tôi có chết đi thì niềm riêng tư là vô cùng thanh thản.
Tuy nhiên, thật chẳng cam lòng khi thân sa vào tay bọn ăn hại đái nát kia mà công cuộc tranh đấu giúp nước còn bao dang dở. Lòng muốn thét lên cùng với quốc dân đồng bào:
Đồng bào Việt tôi ơi, hãy gượng lại những nỗi lòng riêng mà ra tay giúp nước! Mọi người chúng ta đều có thể làm được nhiều hơn nữa cùng dân tộc mình! Chính nghĩa và công lý đang thuộc về cách mạng dân chủ. Nền dân chủ nước nhà không thể là một sự cố chuyển hóa đột biến nên luôn cần sự giúp sức của thiên hạ Việt bốn phương trời.
Vận nước Việt từng ngày từng giờ đang chờ người Việt!
Nghĩ đến hoàn cảnh quê hương Việt đang trong cõi tiêu trầm mà lòng tôi đau xót, không cầm được nước mắt. Ngẩng lên kêu trời thì trời cao quá, nhìn xuống đất hỏi thì đất mãi lặng im. Trong cảnh cô đơn tận cùng, tôi chỉ còn biết trông cậy vào những đồng bào của mình. Cố gắng lên đồng bào của tôi ơi, dòng giống Tiên Rồng với một quá khứ oanh liệt kia chẳng lẽ phải nhận họa tiêu vong trong tay thế hệ chúng ta, mai ngày khuất núi thì còn mặt mũi nào nhìn các đấng anh hùng liệt nữ tiền nhân? Cơ đồ ông cha ta suốt 4.000 năm đã đổ bao máu xương dựng xây gìn giữ, chẳng lẽ đành để tan hoang trong tay độc tài?
Một thời đã qua… dẫu sao thì cũng 30 năm rồi… tháng năm ngắn hơn một kiếp người nhưng dài hơn một thế hệ… vậy mà vết thương kia vẫn chưa chịu kéo da non, đôi khi buốt óc khi trời trở gió. Hoài niệm chăng, cũng có thể. Nhưng xa hơn, hành trang giữa đời của mỗi người luôn cần phải có một quá khứ. Ta có thể lưu vong về thân phận song không thể lưu vong về nguồn gốc cội nguồn.
Cảnh đói rách, bất công và tuyệt vọng về tương lai của hôm qua vẫn đang ngồi chồm hổm giữa xã hội Việt,thời gian quá khứ bị chế độ độc tài toàn trị đá thốc vào hiện tại. Đó là nỗi đau Việt. Kéo dài từ thế kỷ XX sang mãi thế kỷ XXI. 30/04/1975 đánh dấu một giai đoạn chuyển mình mãnh liệt của quốc gia Việt. Sau đợt khủng hoảng ấy, từ đây đến mãi thiên thu chỉ có những người mất trí mới khả dĩ tin vào cộng sản. Chủ nghĩa cộng sản đã tự đào huyệt chôn sống lý thuyết và đảng viên của mình, từng ngày từng ngày trong suốt 30 năm qua. Cần phải thấy rằng 30/04/1975 là dấu chấm hết cho ảo vọng xây dựng thiên đường xã hội chủ nghĩa. Nhân dân miền Bắc sau khi chứng kiến thực tế miền Nam, cay đắng thất vọng cùng luận điệu tuyên truyền cộng sản. Những người lạc dòng miền Nam theo đành Mặt trận Giải phóng Miền Nam muôn đời không tròn mộng về bộ mặt thực cộng sản sau khi nắm được sinh mạng toàn dân.
Hôm nay, những người đến với chủ nghĩa cộng sản với động cơ yêu nước thuần tuý là những người ê chề thất vọng hơn ai hết trước các chủ trương trơ tráo bán nước hại dân của bọn chóp bu cầm quyền. Một thể chế đơn giản hóa các mối quan hệ chỉ dẫn đến bế tắc. Đảng cộng sản chỉ là một tổ chức chính trị, không thể đánh tráo hay nhập nhằng khái niệm giữa đảng với quốc gia và dân tộc. Không có tập thể chính trị nào đứng cao hơn tập thể dân tộc, không có quyền lợi nào ưu tiên hơn quyền lợi quốc gia.
Sau 30 năm, những đợt “cải tổ”, “đổi mới” không cứu nổi ngày tàn của chế độ. Những mâu thuẫn vật chất ẩn sau những tranh chấp quyền lực nằm ẩn khuất đâu đó, nay bùng nổ mạnh trong tầng lớp chóp bu lãnh đạo cộng sản. Thoạt trông, tưởng chừng như cung đình đỏ Hà Nội đang trăn trở trong công tác tìm một hướng đi mới cho đảng. Thực ra, nếu cả Karx Marx, Lenin lẫn Hồ Chí Minh có đồng loạt sống dậy cũng không cứu nổi đám đàn em thối nát đốn hèn hôm nay. Cả chủ nghĩa cộng sản láo toét đã đi đứt từ hồi khuya cùng bức tường Berlin năm 1986, những gì còn lại là cơn hấp hối trước khi đi vào diệt vong vĩnh viễn. Tổ chức đảng hôm nay đã nguyên hình một tập đoàn với nhiều băng nhóm, sợi dây nối kết giữa chúng là các đặc quyền đặc lợi, ký sinh trên các lợi ích quốc gia và dân tộc này. Tham nhũng được duy trì như một chế độ hậu đãi hòng mua chuộc thái độ phục tùng trong quân đội và công an.
Hình thái cầm quyền độc tài như là một kiểu lội ngược dòng trong xu thế toàn cầu hóa, nền văn minh hiện đại đa cực không thể dung nạp những xu hướng một chiều trong sinh hoạt chính trị. Tập đoàn cầm quyền Hà nội cố nặn ra quan điểm dân chủ đa nghĩa về nhận thức luận, đa cực về địa–chính trị hòng lẩn tránh tính đa nguyên – một đặc tính cơ bản của dân chủ, nhằm ngụy biện cho quái thai thời đại: “dân chủ theo định hướng xã hội chủ nghĩa”. Cơ cấu tập trung tuyệt đối quyền hành trong tay đảng cộng sản hiện nay là một biểu hiện độc tài không gì có thể biện minh được. Trong khi không hề đưa ra được một sách lược phát triển hoàn chỉnh, lý do cần ổn định chính trị để tăng trưởng kinh tế là một trong những chiêu bài trơ trẽn nhất mà tập đoàn cầm quyền Hà Nội đang sử dụng.
Dân chủ là bước tiến hóa tất yếu của lịch sử văn minh nhân loại, không thể có kiểu dân chủ đặc trưng cho từng quốc gia hay cộng đồng cá thể. Càng không thể có những nguyên tắc và quy chế dân chủ cá biệt, trừ phi chơi trò đánh tráo ngôn từ. Mô hình dân chủ như lòng yêu nước, không cần nhập cảng từ Đông hay Tây; lý luận dân chủ mang tính đại chúng và toàn cầu. Hơn bao giờ hết, vì mục đích ổn định để phát triển bền vững mà Việt Nam cần một cuộc cách mạng dân chủ và nhân quyền thực sự. Được sống trong một chế độ dân chủ trở thành một nhu cầu tối thượng của nhân dân Việt Nam hiện nay. Bất cứ lý do hay lập luận nào đưa ra nhằm tước đoạt nhu cầu thiết yếu này đều phản ánh những âm mưu hại dân bán nước.
Phục hưng nước nhà là con đường đầy gian khổ, một cánh én chẳng thể làm nên mùa xuân. Chúng ta đang tìm một lối đi cho chính mình trong dòng chảy của lịch sử, trong hơi thở của thời đại mình. Vận hội dân chủ không hề sản sinh từ những toan tính thủ lợi, cách mạng được phát động từ tâm khảm và xương máu của đồng bào. Tôi không phải là người đầu tiên, nhưng chắc chắn chẳng phải là người cuối cùng. Nhiều anh em chúng tôi đã ngã xuống vì đau ốm, bệnh tật và cả vì đói. Chúng tôi từng lặng yên cầm chặt tay nhau, răng nghiến sát lại mà mặc niệm những đồng chí của mình vừa nằm xuống, đang co quắp trên một manh chiếu rách. Dẫu biết sinh ly là lẽ thường của đời, song chỗ tình thâm nào dễ nén được nỗi xót xa lúc tử biệt, khi những thành quả cách mạng dân chủ còn ở phía trước. Nhưng đó là đoạn đường dân binh chúng tôi đã tự chọn, chúng tôi đang đi và cố đi hết đoạn chót còn lại. Kẻ sĩ Việt trong thiên hạ nào đâu có ít, chẳng thể cam lòng nhìn nước nhà lụn bại. Lớp trước ngã xuống, lớp sau sẵn sàng xông lên, lực lượng cách mạng yêu nước liên tục được trẻ hóa. Công cuộc tranh đấu cho tự do dân chủ phải được thực thi đến cùng!
Sự lương thiện đang bị bách hại trong xã hội, nghịch lý và bất công tràn ngập khắp nơi với sự thỏa hiệp của chế độ. Tận cùng, là một thường dân bình thường như mọi người Việt Nam khác, nên tôi cũng có những mong muốn của mình. Bên cạnh mơ ước nước nhà thống nhất trong thanh bình, tôi ước mơ được ngồi viết một cách thoải mái những điều mình nghĩ, bình thản đọc to lên cho bạn bè tôi nghe; rồi đêm về quây quần bên vợ con quý yêu của mình. Những tâm sự gọi là sâu thẳm chỉ đơn giản là như vậy, tôi vẫn ấp ủ chúng cả trong những lúc khốn khó và bất trắc giữa đời.
Nước mắt đồng bào ta đã đẫm ướt trên mọi ngã đường Tổ quốc, nhưng không đủ làm chảy nhão một chế độ cầm quyền sắt máu. Cơn túng quẫn tự do của nhân dân ta đã đến cực độ, dân chủ đa nguyên là nền tảng tiên quyết xây dựng đất nước Việt. Tất nhiên, cách mạng dân chủ ở các nước Á châu dứt khoát không giống một cuộc đi dạo trên phố ngày cuối tuần. Mọi tình huống khốc liệt nhất đều có khả năng xảy ra. Cuộc đấu tranh nhân quyền đang từng bước chuyển vào các nhà máy, xí nghiệp đến tận những gốc đa, đình làng; len lỏi trong các giảng đường rồi chen chân vào những lòng phố chợ trước khi tổng bùng nổ trên đường phố cả nước. Mặt trận khẳng định những giá trị nhân bản từ mạng Internet sẽ bước ra đường phố, cùng toàn dân đứng lên đòi quyền được làm người !
Bây giờ ngồi đây, nước mắt lưng tròng mà nghĩ về nỗi đau dân tộc. Ngày dân Việt ta thực sự tự do chắc không còn xa mấy… Giữa đêm khuya, nghe ai kia văng vẳng bài Hồ trường, lòng dạ này càng thêm xốn xang…
Trời Nam ngàn dặm thẳm,
Đất nước một màu sương.
Chí chưa thành, danh chưa đạt.
Trai trẻ chẳng bao lâu mà đầu bạc!
…
Thiên địa mang mang,
Ai người tri kỷ
Hãy lại cùng ta cạn một hồ trường.(Nguyễn Bá Trạc)
Tâm kẻ sĩ quyện vào hồn nước, khi nước suy vong, thân kẻ sĩ chẳng thể chỉ giữ cho riêng mình. Ái quốc là một thành tố cấu thành truyền thống tinh thần dân tộc Việt, mỗi ngày bồn chồn như trước giờ xung trận, kẻ sĩ dân ta từ thời các vua Hùng đã vậy. Hào khí cách mạng dân chủ đã bốc cao ngất trời Việt, bạo lực độc tài không ngăn được những làn sóng phản kháng đang lan rộng trên toàn quốc. Vận mệnh quốc gia nằm trong tay dân tộc ta, ráng mà nắm lấy. Mục tiêu tranh đấu hôm nay là để nhân dân cả nước cùng hưởng thái bình, người Việt lưu vong bốn phương trời được thong thả hồi cố hương.
Chào vĩnh quyết!
Cách mạng tự do dân chủ Việt tất thắng!
Dòng giống Tiên Rồng trường tồn bất diệt!
Sài Gòn, ngày 15/04/2005
© 2014 DCVOnline
DCVOnline: Huỳnh Việt Lang đã ra khỏi Việt Nam từ khoảng giữa năm 2011; ông hiện viết với bút danh Nguyễn Việt và có trang Facebook Huỳnh Việt Lang.