Người Hoa tại Việt Nam và tương quan Hoa–Việt (III)

Trần Giao Thủy

vn-chQuan hệ giữa hai đảng Cộng sản Việt Nam và Trung Hoa đã thay đổi vào cuối năm 1976. Tại Đại hội IV, vào tháng 12, 1976, phe thân Nga đã thắng thế, hoàn toàn áp đảo phe theo Trung Quốc và nhóm “trung lập” trong thành phần Bộ chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam.

Tiếp theo phần I, phần II

Cuộc di tản của người Việt Nam tị nạn cộng sản 

Lê Duẩn (t), Lê Đức Thọ (p): theo Liên Xô Nguồn: DCVOnline

Lê Duẩn (t), Lê Đức Thọ (p): theo Liên Xô
Nguồn: DCVOnline

Theo Liên Xô có Lê Duẩn, Lê Đức Thọ, Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Duy Trinh, Trần Quốc Hoàn Văn Tiến Dũng, Lê Văn Lương, Nguyễn Văn Cúc (Linh), Tố Hữu (UV dự khuyết, chính thức năm 1980), Đỗ Mười (UV dự khuyết). Nhóm “trung lập” có Phạm Văn Đồng, Phạm Hùng, Lê Thanh Nghị, Võ Chí Công, Chu Huy Mân. Còn lại, Trường Chinh, giới quan sát cho là theo Trung Quốc và Võ Văn Kiệt (UV dự khuyết) không có khuynh hướng rõ rệt.

Lm. André Gélinas, trong những ngày còn ở Gia Định đã ghi nhận:

Người Nga đã và đang giữ thế rất mạnh ở ngoài Bắc và TV ở Sài Gòn đã tràn đây phim ảnh tuyên truyền của Liên Xô … Đôi khi những cuốn phim loại này chiếu cách nhau vài ngày, mở đầu bằng những “bài báo” thực ra là bản đọc lại các bài chính luận trên tờ nhật báo chính thức (của Đảng – TGT), tờ Sài Gòn Giải Phóng, Tin tức thế giới theo sau với những bản tin về “anh lớn Sô Viết hay Cuba” nhưng không khi nào có tin về Trung Quốc; Người ta tưởng chừng như TQ không hiện hữu…(51)

Hứa Quốc Phong (t) và Đặng Tiểu Bình (p). Nguồn: chinatoday.com
Hứa Quốc Phong (t) và Đặng Tiểu Bình (p). Nguồn: chinatoday.com

Ở Đại hội IV, Đảng Cộng sản Việt Nam dường như đã lấy quyết định dùng vũ lực làm giải pháp cho những đụng độ ở biên giới Việt-Kampuchea sau khi không đạt được thoả hiệp nào ở những cuộc đàm phán hồi tháng Chín 1976. Đầu năm 1977, Trung Quốc giảm viện trợ tái thiết hậu chiến cho Việt Nam đồng thời tăng tài trợ và viện trợ kỹ thuật cho chính quyền Pol Pot. (52) Cũng vào đầu năm 1977, Hà Nội xúc tiến việc thanh lọc khu biên giới phía bắc bằng cách đuổi người Hoa sống ở vùng nam biên giới về Trung Quốc. Ngày 4 tháng Năm 1977, cuộc đổ máu đầu tiên xảy ra tại Hữu Nghị Quan, 500 lính Việt Nam gây thương tích cho 51 công nhân người Hoa.

Tóm lại cả hai đảng Cộng sản Việt Nam và Trung Quốc đều có khuynh hướng chính trị mới vào khoảng 1976-1977. Trong khi Việt Nam chọn ngả về phía Liên Xô, Trung Quốc quay sang ủng hộ Pol Pot đồng thời bắt đầu chương trình “Bốn Hiện đại hoá” của Zhou Enlai đề xướng từ 1975 với chính sách cởi mở hơn về mặt đối ngoại, giao dịch với các nước tư bản, chính sách xét lại về mặt phát triển kinh tế, và quan tâm nhiều hơn đến người Hoa sống ở nước ngoài.

Tháng Mười, 1977 trong khi cuộc đàm phán về biên giới đang tiến hành ở Beijing, Hà Nội trục xuất, đợt nhì, người Hoa ở vùng biên giới Tây Bắc (53). Ở miền Nam, người Hoa bắt đầu bỏ đi bằng đường biển, nhiều người thất bại và đã bị bắt giam. Tháng Giêng 1978, chính quyền ở Tp. HCM ra thông báo sẽ cho xuất cảnh cho những ai có chiếu khán nhập cảnh Pháp, Hong Kong và Taiwan. Rất nhiều người đã đợi nhiều tháng trời để có visa xuất cảnh.

Chiến dịch xã hội chủ nghĩa hoá nền kinh tế miền Nam (tháng Ba) và cuộc đổi tiền lần thứ hai (tháng Năm, 1978) với kết quả có 50.000 cửa hàng của Hoa người bị đóng cửa, tài sản bị trưng thu, 320.000 người Hoa đi về vùng kinh tế mới.

Ngày 30 tháng Tư, Liao Chengzhi, Giám đốc Văn phòng Hoa Kiều Vụ, tuyên bố tại Beijing rằng Việt Nam đang đuổi người Hoa về nước. Ngày 4 tháng Năm, sau ngày hết hạn đổi tiền, cựu Bộ trưởng Ngoại giao Xuân Thủy, thành viên ban Chấp hành Trung ương đảng CSVN, tuyên bố tại Hà Nội, “người nào muốn trở lại Trung Quốc chỉ cần làm đơn xin.” Sau đó Xuân Thủy còn cho biết sẽ giúp đỡ người Hoa về Trung Quốc tại một số địa điểm định trước dọc biên giới. Tin rằng sắp có sóng gió lớn, người Hoa miền Bắc lũ lượt kéo đến Đại sứ quán TQ ở Hà Nội xin visa xuất cảnh. Những người này đã việc ở kỹ nghệ, hợp tác xã, trường học về lại Trung Quốc qua ngả Vân Nam, Quảng Tây. Chỉ vòng 13 ngày, từ 9 đến 21 tháng Năm, đã có 57.000 người Hoa bị đuổi về Trung Quốc từ miền Bắc Việt Nam. Trong số này có khá nhiều chuyên viên. (54)

Phản ứng của Việt Nam trước vấn nạn người Hoa được ghi rõ trong phần tiểu mục số 1, mục số III, phần thư tư trong cuốn “Sự thật về quan hệ Việt Nam–Trung Quốc trong 30 năm qua” do Bộ Ngoại giao nước CHXHCN Việt Nam công bố ngày 4 tháng Mười 1979. Trong đó phía Việt Nam cho rằng:

Đầu năm 1978 những người cầm quyền Trung Quốc dựng lên cái gọi là vấn đề “nạn kiều” để mở đầu một chiến dịch quy mô chống nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.

Sự thật là chính các tổ chức bí mật người Hoa, mạng lưới gián điệp của sứ quán Trung Quốc ở Hà Nội được sự chỉ đạo hàng ngày hàng giờ của bộ máy tuyên truyền Bắc Kinh, bằng sự bịa đặt trắng trợn những luận điệu vu cáo Việt Nam “xua đuổi, bài xích khủng bố người Hoa,” bằng những thủ đoạn mua chuộc, dụ dỗ, dọa nạt đã gây nên trong quần chúng người Hoa đang làm ăn yên ổn ở Việt Nam một tâm trạng hoang mang lo sợ chiến tranh sắp nổ ra, một tâm lý nghi ngờ, thậm chí thù ghét người Việt Nam khiến họ ồ ạt kéo đi Trung Quốc. Bọn tay chân của Trung Quốc tổ chức cho những người đó vượt biên giới trái phép rồi lại chặn họ lại, gây ra ùn tắc ở biên giới Việt–Trung để dễ bề cho họ kích động chống lại và hành hung những nhà chức trách Việt Nam ở địa phương. Lúc dòng người Hoa ùn ùn kéo đi Trung Quốc, Bắc Kinh lại trắng trợn đưa hai tàu sang Việt nam đón “nạn kiều” mặc dầu họ không hề nêu trước vấn đề đó với chính phủ Việt Nam. Chỉ trong vòng mấy tháng đầu, 17 vạn người (170.000 – TGT) Hoa đã rời Việt Nam đi Trung Quốc. Cái gọi là vấn đề “nạn kiều” chỉ là một sự cưỡng bức người Hoa ở Việt Nam ồ ạt di cư sang Trung Quốc mà thủ phạm chính là tập đoàn phản động trong giới cầm quyền Băc Kinh, một sự lưa gạt và một sự phản bội của họ nhằm gây xáo trộn về chính tri, xã hội, kinh tế ở Việt Nam, hòng khuất phục nhân dân Việt Nam, đồng thời kích động dư luận Trung Quốc, chuản bị sẵn sàng “đạo quân thứ năm” cho việc tiến hành xâm lược Việt Nam trong bước sau.

Trước quyết tâm của nhân dân Việt nam giữ vững chủ quyền của mình, những người cầm quyền Bắc Kinh phải rút hai chiếc tàu đi đón “nạn kiều” về nước, ngồi đàm phán với phía Việt Nam về việc giải quyết vấn đề người Hoa. Nhưng trong đàm phán, họ vẫn giữ thái độ nước lớn, ngang ngược áp đặt quan điểm vô lý của họ, bất chấp chủ quyền của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và luật pháp quốc tế. Chính họ đã cố tình phá hoại cuộc đàm phán đó để tiếp tục dùng vấn đề người Hoa chống Việt Nam.

(Trích trang 85-86)

24 tháng Năm, Văn phòng Hoa Kiều Vụ lên tiếng đòi Việt Nam ngưng ngay việc “xua đuổi, bài xích, khủng bố người Hoa”; nếu không Việt Nam phải hoàn toàn chịu hậu quả của những hành động không được phép đó. Trận khẩu chiến tiếp diễn. Trung Quốc lên án Việt Nam đày ải người Hoa (với chứng cớ từ những người tị nạn, di tản) và Việt nam cho rằng Trung Quốc bóp méo sự thật. Cùng lúc Đại sứ quán Trung Quốc ở Hà Nội gởi thông báo cho người Hoa dặn dò:

1. Toàn thể Hoa kiều tại miền trung, nam, bắc Việt Nam phải đoàn kết nhất trí để đối phó với thoàn cảnh ác liệt,
2. Phải chú ý nghe chỉ thị qua Đài phát thanh của Tổ quốc,
3. Hoa kiều về nước thì phải đợi chỉ thị, chờ nhân viên ngoại giao đến có chỉ thị rõ ràng để lo liệu. Sau đó tuần tự lên tàu về nước.
4. Không nghe chính quyền địa phương lừa gạt ghi là người Việt gốc Hoa làm thủ tục xin xuất cảnh về Trung Quốc vì như vậy thì sẽ bị tổn thất nặng nề về động sản và bất động sản của tư nhân. Phải chờ nhân viên ngoại giao của ta chỉ dẫn cách điền vào đơn (hai bên chính phủ đã bàn) để tài sản công tư khỏi bị tổn thất.
5. Đề phòng số phần tử xấu tung tin đồn ly gián làm dao động ý chí của Hoa kiều. (55)

Thư sứ quan Trung Quốc gởi Hoa kiều nam trung bắc Việt Nam (tịch thu vào tháng 7, 1978). Nguồn: “Sự thật về quan hệ Việt Nam –Trung Quốc trong 30 năm qua”, Nhà xuất bản Sự thật, tháng Mười 1979
Thư tòa đại sứ Trung Quốc gởi Hoa kiều nam trung bắc Việt Nam (tịch thu vào tháng 7, 1978). Nguồn: “Sự thật về quan hệ Việt Nam –Trung Quốc trong 30 năm qua”, Nhà xuất bản Sự thật, tháng Mười 1979

Tình hình biến động nhanh hơn trong hai tháng Sáu và Bảy, 1978. Hôm 7 tháng Sáu, trước một số nhà báo Thailand ở Beijing, Phó Thủ tướng Deng Xiaoping (Đặng Tiểu Bình) lên án Việt Nam không những chỉ đối xử xấu với người Hoa mà còn tệ bạc cả với Trung quốc. Đặng Tiểu Bình cho biết đã viện trợ “quá nhiều” cho Việt Nam, vượt con số 18 tỉ đô-la, và Việt Nam đã đi 10 bước chống lại Trung Quốc và đang đi bước thứ 11 trong khi Trung Quốc mới chỉ bước bước đầu tiên đó là cắt giảm viện trợ cho Việt Nam và nói cho thế giới biết sự thực. Đặng nói tiếp là Trung Quốc đang đợi xem Việt nam sẽ làm gì thêm nữa. (56)

13 tháng Sáu, sau 19 lần đàm phán về việc di tản người Hoa bằng đường biển từ Sài Gòn và Hải Phòng về Trung Quốc đã bế tắc ở hai điểm quy trình cặp bến và thời gian ở trên cảng. 16 tháng Sáu 1978, Việt Nam từ chối yêu cầu của Trung Quốc muốn được mở Lãnh sự quán tại Tp HCM. (TQ đã yêu cầu Việt Nam từ cuối năm 1976 để mở LSQ ở Tp HCM, Đà Nẵng và Hải Phòng.) Trả đũa, Trung Quốc yêu cầu Việt Nam đóng cửa 3 Lãnh sự quán ở Quảng Châu (Guangzhou), Côn Minh (Kunming) và Nam Ninh (Nanning) (57) và gọi Đại sứ tại Hà Nội về nước vì lý so sức khỏe.

29 tháng Sáu, tại Romania, Việt Nam gia nhập Hội đồng Tương trợ Kinh tế (SEV, Council of Mutual Economic Assistance, COMECON hoặc CMEA), còn gọi là là tổ chức hợp tác kinh tế của các quốc gia thuộc hệ thống xã hội chủ nghĩa trong giai đoạn 1949 – 1991.

Ngày 3 tháng Bẩy, Trung Quốc chấm dứt viện trợ cho Việt Nam và gọi 880 chuyên gia về nước. Tính đến đầu tháng Bẩy đã có hơn 150.000 người Hoa bị đuổi qua biên giới. Việt nam không tha bất kỳ một người Hoa nào, ngay cả những người đã là anh hùng trong chiến tranh chống Mỹ. (58) Tại miền Nam, 1.200 người Hoa đã được Hội Hồng Thập Tự di tản bằng máy bay về định cư tại Taiwan. Ngoài ra còn 5.000 người Hoa khác từ Việt Nam, Kampuchea, Laos đã về lại Taiwan từ 1975. Taiwan cũng di tản thêm 1.500 người sau đó.

Chính quyền địa phương Trung Quốc ở các vùng biên giới, Vân Nam và Quảng Tây, trong quan tâm và hoàn cảnh khó khăn đã ra thông cáo chung đòi người Hoa phải trưng giấy chứng nhận hồi hương và chiếu khán xuất cảnh của Việt Nam trước khi được phép vượt biên giới. Vì những cuộc đàm phán để di tản bằng thuyền trong suốt hai tháng Sáu và Bẩy hoàn toàn thất bại, ngày 28 tháng Bẩy, nhà nước Trung Quốc cho gọi hai chiếc tầu rời biển Việt Nam quay về Trung Quốc.

Bang giao Việt-Hoa đã ở mức cực kỳ căng thẳng. Chiến tranh có thể bùng nổ bất cứ khi nào. Cùng lúc cũng có nguồn tin vào đầu năm 1978 Tướng Võ Nguyên Giáp đã cùng cố vấn Sô Viết đi quan sát các khu phòng thủ dọc biên giới và lực lượng biên phòng của Việt Nam đã tăng từ 30 đến 100% (59). Thực tế, cả hai bên biên giới, lực lượng phòng thủ đều được nâng cấp.

Đầu tháng Tám, 1978 thái độ của Hà Nội đối với người Hoa càng cứng rắn hơn nữa. Ba lý do đưa Hà Nội đến lựa chọn này là:

1. Trung Quốc đã cắt viện trợ, hòa hoãn lúc này cũng khó vớt vát hay đảo ngược thế cờ với Trung Quốc.
2. Việt Nam lên án Beijing không công bằng với Việt Nam trong vụ người Hoa. Trong khi hết lời nặng nghẹ với Việt Nam về việc đối xử xấu và đuổi người Hoa về nước, Bejing không đả động gì đến việc Polpot giết người Hoa, đuổi người Hoa ở Kampuchea chạy qua biên giới Việt Nam. Những người Hoa di tản này đã được Việt Nam “chăm sóc.”
3. Hà Nội có thể đã chọn phát triển quan hệ gắn bó hơn với Sô Viết được cam kết bằng những hiệp ước song phương để chống đỡ lại những áp lực bất ngờ từ phía Trung Quốc.

Trong thế đối đầu với Bejing, Hà Nội lần đầu tiên lên án Trung Quốc đã dụ dỗ kêu gọi 170.000 người Hoa về nước từ đầu năm đến tháng Tám 1978. Và cũng là lần đầu tiên Hà Nội gọi người Hoa là bọn “tư sản mại bản người Hoa” và lên án họ là tay sai của đế quốc phương Tây nhận làm người tư bản ngoại quốc “da vàng” để bóc lột nhân dân Việt Nam. Hơn nữa, Hà Nội chính thức đả đảo người Hoa, lên án thương nhân người Hoa là các “ông vua”, vua gạo, vua bột mì, vua sắt vụn, thay vì lên án chung thương nhân miền Nam là tư sản mại bản như trong thông cáo số 1 của UBQQTPHCM năm 1975. Hà nội nâng cấp cuộc thanh toán người Hoa lên hàng ý thức hệ. Cuộc đấu tranh chống tư sản mại bản người Hoa là “cuộc đấu tranh giai cấp, cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc.” [sic]

Về phía Trung Quốc, Beijing thủy chung đều cho rằng vấn đề của người Hoa ở Việt Nam là do Liên bang Sô Viết chủ động. Đặng Tiểu Bình cho rằng đây là một phần “chiến lược của Sô Viết để bao vây” Trung Quốc. Hơn nữa, những người Hoa tị nạn tại Trung Quốc cũng xác nhận ảnh hưởng của Liên Xô trong chiến dịch đuổi người Hoa về nước. Họ cho biết trước khi rời Việt Nam, bạn bè người Việt đã cho hay đảng CSVN nghe theo cố vấn của Liên Xô đuổi người Hoa đi chính là cách diệt đạo quân thứ Năm của Trung Quốc tại Việt Nam (60). Hà Nội trả miếng bằng những tố cáo Bắc Kinh xúi dục người Hoa gây khó khăn, cản trở cuộc chuyển đổi sang và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Đây là một phần trong kế hoạch của Trung Quốc tất cả đều do:

– Một tư tưởng chỉ đạo: chủ nghĩa đại dân tộc,
– Một chính sách: ích kỷ dân tộc,
– Một mục tiêu chiến lược: chủ nghĩa bành trướng đại dân tộc và chủ nghĩa bá quyền nước lớn.(61)

Cuộc khẩu chiến Việt-Hoa càng ngày càng cường điệu và gay gắt.

Tháng Mười, 1978, phóng viên Roland-Pierre Paringaux của tờ Le Monde có nhận định chính xác là giới lãnh đạo cộng sản Việt Nam đã áp dụng đúng chính sách của Tổng thống Ngô Đình Diệm (62) đối với người Hoa (trong những năm 1956-1957). Và tờ Nhân Dân, ngày 23/05/1957, ở Hà Nội đăng nguyên văn lời Beijing phản đối quyết định của VNCH, “đơn phương và không hợp lý, không phải chỉ là một xâm phạm thô bạo đến các quyền hợp pháp của người Hoa tại Nam Việt Nam, mà còn là một hành động vi phạm nghiêm trọng các nguyên tắc của luật quốc tế.” Hôm sau, 24/05/1957, Hà Nội cũng đã ủng hộ quan điểm này của chính quyền Trung Quốc.

Số người vượt biển vượt biên tị nạn cộng sản tính đến cuối năm 1985 là 1.386.715 người.

Ho Yen-sheng, cựu phóng viên của tờ Trung Hoa Thời báo của Đài Bắc ở Sài Gòn (China Times of Taipei) kẹt lại Việt Nam 4 năm sau 30 tháng Tư, và cũng là người tị nạn đã trải nghiệm cuộc sống 70 ngày trên một hoang đảo ở biển Đông trước khi về lại Đài Loan ngày 4 tháng Tám, năm 1979 đã thuật lại những điều tai nghe mắt thấy trong cuốn “Nam Việt Nam: Bốn năm dưới chế độ cộng sản” (Kung-tang chih-hsia ssu-nien ti Yuehnam). Ho Yen-sheng cho biết chính quyền cộng sản tại Saigon đã dàn xếp với các công ty du lịch ở Hong Kong, Macao, và Singapore để người Hoa và người Việt rời miền nam Việt Nam bằng những tàu chở hàng trống. Những tàu vận chuyển hàng hóa này thường treo cờ của Panama. Muốn xuống tàu vượt biển “bán chính thức” người lớn phải trả từ 10 đến 12 lượng vàng, trẻ em 5-6 lượng vàng – chủ tàu phải trả 70% tiền “vé” cho cán bộ cộng sản Việt Nam. Bán “vé tàu” lấy vàng làm được vài chuyến thì chấm dứt vì bị quốc tế lên án nặng nề.

2700 người vượt biển tìm tự do trên chiếc tàu chở hàng Skyluck (Panama) tại Hong Kong, 08/02/1979. Nguồn: library.ubc.ca/© Kiu Chan
2700 người vượt biển tìm tự do trên chiếc tàu chở hàng Skyluck (Panama) tại Hong Kong, 08/02/1979. Nguồn: library.ubc.ca/© Kiu Chan

Cùng lúc với các chuyến tàu lớn chở người vượt biển, cộng sản Việt Nam cũng thu vàng và cho phép những chiếc tàu nhỏ của tư nhân chở người ra biển. Quan chức cộng sản Việt nam tiếp tục tổ chức thu vàng bán bãi, dùng cả tàu của hải quân đưa thuyền nhỏ ra tới hải phận quốc tế, nâng cao làn sóng tị nạn. (63)

Số người tị nạn cộng sản lên đỉnh cao nhất là 42.000 người chỉ trong tháng Năm 1979. Riêng phần người Hoa, miền bắc Việt Nam đã có 250.000 người qua biên giới về Trung Quốc, 275.000 từ miền Nam đã vượt biển, vượt biên sang các quốc gia vùng Đông Nam châu Á. Nói chung, số phận người vượt biển tìm tự do có phần bi đát hơn. Ngoài việc phải đem vàng mua “vé tầu”, người vượt biển tị nạn còn phải chịu nhiều khổ đau vì bị cướp biển hãm hiếp, thảm sát,… đắm tàu, đói, khát, v.v.

Theo Đoàn Văn Toại trong bài “What’s Become of Vietnam?” đăng trên Wall Street ngày 24 tháng Ba, 1982 thì nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam đã thu được 4 tỉ đô-la trong chuyến buôn “người vượt biển” này. (64)

Cơn sóng thuyền nhân đã làm chấn động dư luận thế giới. Giữa tháng Năm 1979, các quốc gia trong khối ASEAN và 19 nước khác đã họp tại Indonesia để tìm giải pháp cho thảm kịch lớn nhất thế giới kể từ sau cuộc giết người Do Thái của Hitler và đồng đảng trong những năm 1930, 1940. Thế giới mong chờ Việt Nam hứa sẽ giảm lượng người tị nạn lênh đên trên biển. Tại Nam Dương, đại diện của Hà Nội cho thế giới biết Việt Nam sẵn sàng cho 600.000 công dân nước Việt xuất xứ nếu có quốc gia khác nhận đón.

ĐCSVN: Những người Việt Nam ra đi nước ngoài phần lớn là những nhà buôn giầu có và những sĩ quan trước đây sống nhờ Mỹ và chế độ bù nhìn Sài Gòn. Sự thật: Phụ nữ và trẻ em trên một chiếc thuyền tị nạn ở Darwin 1977. Nguồn: NLA
ĐCSVN: Những người Việt Nam ra đi nước ngoài phần lớn là những nhà buôn giầu có và những sĩ quan trước đây sống nhờ Mỹ và chế độ bù nhìn Sài Gòn. Sự thật: Phụ nữ và trẻ em trên một chiếc thuyền tị nạn ở Darwin 1977. Nguồn: NLA

Hai tháng sau, dưới sự bảo trợ của Liên hiệp quốc, thế giới đã phải cùng nhau ngồi lại ở Hội nghị Geneva ngày 20-21 tháng Bẩy, để tìm đáp án cho vấn nạn thuyền nhân và người tị nạn cộng sản Đông dương nói chung. Trung Quốc lên án Việt Nam “xuất cảng người tị nạn” cùng lúc với công tác “diệt chủng ở quốc nội”; Carlos Romulos (Philippines), Sinnathamby Rajaratnam (Signapore), Walter Mondale (USA) trực tiếp và gián tiếp coi hành động đẩy người ra biển của cộng sản Việt Nam không khác gì cuộc thảm sát 40 năm trước do Đức Quốc Xã chủ trương. Tại đây, Phan Hiền, trưởng phái bộ Việt nam, thứ trưởng Ngoại Giao CHXNCNVN, đã tuyên bố không ngạc nhiên khi người tị nạn muốn “đi nước ngoài làm việc hay đoàn tụ với gia đình” [sic], Và ở một lúc khác Phan Hiền hứa sẽ ngăn chận những vụ đưa người ra biển bất hợp pháp (65). Tuy Hội nghị có đem lại một số kết quả khiêm nhường cho Hoa Kỳ – một số quốc gia giúp góp tiền, đón người tị nạn nhưng đã mang lại lợi lớn cho Việt Nam: không bị thế giới lên án vi phạm quyền làm người và bị quy trách nhiệm chính phạm đuổi người ra biển. King C. Chen nhận định Hội nghị Geneva về thuyền nhân là một thất bại về Nhân quyền và trách nhiệm của Nhân loại. (65).

Nguyễn Cơ Thạch. Nguồn: tgvn.com
Nguyễn Cơ Thạch. Nguồn: tgvn.com

Tờ New York Times ngày 18 tháng Tám, 1979 đăng lời tuyên bố của Ngoại trưởng Nguyễn Cơ Thạch cho rằng đa số dân tị nạn là người Sài Gòn và đã hợp tác với quân đội Mỹ. “Họ là những người đầu cơ, lười biếng, không muốn lao động để kiếm sống. Họ có mặc cảm tội lỗi,” Thạch nói, “và họ phải kể những chuyện kinh hoàng để nói được với các ông họ không phải là người tị nạn kinh tế mà là những người tị nạn chính trị.” Chối, không nhận trách nhiệm về nạn đuổi người ra biển, Bộ Ngoại giao Hà Nội phủ nhận tất cả những tố giác của các quốc gia trong khối ASEAN (66).

Lịch sử Việt Nam sẽ ghi lại những dòng sau đây, phản ảnh trung thực chính sách, và quan điểm của đảng Cộng sản Việt Nam đối với khối người đã vượt biên, vượt biển tìm tự do những năm tháng sau ngày 30 tháng Tư, 1975:

“Gần đây những người cầm quyền Trung Quốc giương cao chiêu bài “nhân quyền” của Tổng thống Mỹ Ca-tơ (Jimmy Carter – TGT), lợi dụng vấn đề người Việt Nam đi ra nước ngoài, làm một vũ khí mới để chống Việt Nam. Những người Việt Nam ra đi nước ngoài phần lớn là những nhà buôn giầu có và những sĩ quan trước đây sống nhờ Mỹ và chế độ bù nhìn Sài Gòn, những người Hoa do Bắc Kinh dụ dỗ, cưỡng ép ra đi; một số là những người sống trong xã hội tiêu thụ kiểu Mỹ và nay không chịu nổi những khó khăn do cuộc chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ và sự phá hoại của bọn bành trướng Bắc Kinh gây ra.” […]

Nhưng thủ phạm đích thực của dòng người “di tản” là ai?

Người ta chưa quên rằng Mỹ đã tiến hành một cuộc chiến tranh xâm lược có tính chất huỷ diệt chống Việt nam và khi phải rút quân đội viễn chinh của họ, họ để lại ở miền nam Việt Nam một đất nước tàn phá, một nền kinh tế tê liệt, với trên ba triệu người thất nghiệp, trên 1 triệu người bị tàn phế, 80 vạn (800.000 – TGT) trẻ em mồ côi, trên 60 vạn (600.000 – TGT), trên 1 triệu thanh niên nghiện ma tuý…

Còn những người cầm quyền Bắc Kinh thì sao? Chính họ đã trắng trợn gây ra cái gọi là “nạn kiều”, cưỡng ép, dụ dỗ người Hoa bỏ nhà cửa, ruộng đồng, nhà máy để đi Trung Quốc, dùng những tổ chức của Cục tình báo Hoa Nam để quấy rối về chính trị, đầu cơ, tích trữ, nâng giá hàng, in bạc giả, nhằm phá hoại nền kinh tế Việt Nam, chồng chất thêm khó khăn cho người dân miền nam Việt Nam […]

Rất tiếc rằng có những chính phủ, những tổ chức vì không hiểu sự thật ở Việt Nam, hoặc vì muốn lấy lòng những người cầm quyền Trung Quốc để buôn bán làm ăn, đã phụ hoạ với chiến dịch kích động và vu cáo của Bắc Kinh!

(Trích Bộ Ngoại giao nước CHXHCN Việt Nam, “Sự thật về quan hệ Việt Nam–Trung Quốc trong 30 năm qua”, Nhà xuất bản Sự thật, tháng Mười 1979, trang 95-97.)

Ký ức của con người thường không toàn mỹ, nhưng lịch sử rất ít khi quên.

© 2009-2014 DCVOnline


(51) André Gélinas, “Đời sống ở Việt Nam mới (Life in the New Vietnam), The New York Review of Books, Vol. 24, No. 4, March 17, 1977.
(52) Pao-Min Chang p. 21: tháng Hai, 1977 Bejing chính thức báo cho Hà Nô;i biết sẽ không có viện trợ mới cho Việt Nam. Beijing Review, March 30, 1979, p. 22.
(53) King C. Chen, p. 64: Tuyên bố của Bộ Ngoại giao CHNDTH ngày 9 tháng Sáu, 1978 về việc On Vietnam’s Expulsion of Chinese Residents (Beijing: Foreign Language Press, 1978), pp.11-12.
(54) King C. Chen, p. 64: Đài Tiếng nói nước Cộng hòa Dân chủ Đức, May 23, 1978. FGIS May 24, 1978. Nguồn tin Việt Nam: Viet Nam Courrier, Those Who Leave, Hanoi 1979: pp. 22-27.
(55) Bộ Ngoại giao nước CHXHCN Việt Nam, “Sự thật về quan hệ Việt Nam -Trung Quốc trong 30 năm qua”, Nhà xuất bản Sự thật, tháng Mười 1979, Phụ đính thứ sáu; và King C. Chen 65: Ho Yen-sheng, South Vietnam, p. 40.
(56) xđd trang 65: The New York Times, June 9, 1978, p. A6
(57) xđd trang 65: The New York Times, June 20, 1978, p. A8 và June 21, 1978, p. 1.
(58) Philip Short, BBC, Chinese refugees leave Vietnam in 1978, August 1, 1978; và AFP, Nanning, July 7, 1978. FBIS, July 10, 1978, p. K15.
(59) King C. Chen, p. 66: Tien Man, “Bourgeoisie of Chinese Descent,” p. K5.
(60) Philip Short, BBC, Chinese refugees leave Vietnam in 1978, August 1, 1978 và The New York Times, September 5, 1979, p. K6.
(61) Bộ Ngoại giao nước CHXHCN Việt Nam, “Sự thật về quan hệ Việt Nam -Trung Quốc trong 30 năm qua”, Nhà xuất bản Sự thật, tháng Mười 1979
(62) King C. Chen, p. 67: Radio Beijing, October 15, 1978. FBIS October 16, 1978, pp. A8-A9.
(63) xđd trang 67: Ho Yen-sheng, “South Vietnam: four years under communism” (Kung-tang chih-hsia ssu-nien ti Yuehnam), Taipei, Time Cultural Publishing, 1979
(64) xđd trang 119: The New York Times, July 22, 1979, p. A18.
(65) xđd trang 119.
(66) xđd trang 119: The New York Times, August 18, 1979, p. 3. Xem thêm chi tiết ở Vietnam Courier, Those Who Leave, 1979, pp. 19-27.

1 Comment on “Người Hoa tại Việt Nam và tương quan Hoa–Việt (III)

  1. Today, Hoa people is almost nonexistent in the Northern Vietnam, and there are about one million Hoa people in the Southern Vietnam. About half million live in HCM city, while the other half mostly live in the Mekong delta.