Người Hoa tại Việt Nam và tương quan Hoa–Việt (I)
Trần Giao Thủy
Người Trung Quốc là giống dân đã có lịch sử di cư lâu đời. Họ di cư đi sinh sống tại nhiều nơi, từ các quốc gia gần Trung Quốc ở vùng Đông Nam châu Á đến các nước Tây Âu, Bắc và Nam Mỹ và châu Phi. Tại Nga cũng có một số không nhỏ người Hoa.
Không như ở các quốc gia khác trên thế giới hay cả với những nước trong vùng Đông Nam châu Á, tại Việt Nam, vì hoàn cảnh địa chính trị − sông núi và biển liền với Trung Quốc, cùng với lịch sử ngàn năm phải tìm cách sống chung hay đem máu xương giữ gìn độc lập với láng giềng khổng lồ phương Bắc ‒ cộng đồng sắc tộc Việt gốc Hoa, người Hoa, và Hoa kiều đã là một nhân tố phức tạp có ảnh hưởng không nhỏ trong tiến trình xây dựng đất nước.
Đã có rất nhiều người Trung Quốc tị nạn chính trị trong vùng miền Bắc Việt Nam vào năm 214 trước công nguyên, khi nhà Tần đánh bại Bách Việt (Hundred Yue) và lập 3 Châu ở phương Nam, Quảng Đông, Quảng Tây, và Bắc Việt Nam. Nhà Tần kéo dài được 1/2 thế kỷ. Trong thời loạn ở phương Bắc Trung Quốc, Triệu Đà (Zhao Tuo) một viên tướng nhà Tần từ tỉnh Hà Bắc (Hebei) được cử xuống cai quản 3 quận ở phương nam (1). Triệu Đà dùng kế (chuyện Trọng Thủy‒Mỵ Châu), đánh chiếm Âu Lạc của An Dương Vương Thục Phán, rồi xưng là Triệu Vũ Vương và đặt tên nước là Nam Việt gồm hai quận Cửu Chân và Giao Chỉ. Kể từ đó, nhiều làn sóng người Trung Quốc, gồm nhiều thành phần từ lính, quan, dân, tội phạm… đã đến sinh sống, kết hôn với người Việt và con cháu họ trở thành người Việt Nam.
Luong Nhi Ky trong luận án Tiến sĩ, không xuất bản, tại University of Michigan, 1963, Người Hoa tại Việt Nam, cho biết dân số người Hoa tăng gấp đôi trong 17 năm, 1889-1906, lên đến 120.000 người ở Nam Kỳ (Cochinchina) và có gần 1,2 triệu người Hoa di cư sang Việt Nam, cùng lúc khoảng 850.000 người Hoa hồi cư về lại Trung Quốc. Cũng theo thống kê của Ky Luong Nhi, dân số người Hoa tại Việt Nam tăng từ 100.000 đến 1 triệu người trong khoảng từ 1910 đến 1950. Năm 1952 có khoảng 1,5 triệu người Hoa trong tổng số 25 triệu người trên toàn quốc, 6% (2).
Số người Hoa vào Việt Nam nhiều nhất trong khoảng 1935 đến 1950, thời Trung Quốc loạn lạc vì chính biến. Vì hoàn cảnh địa lý, người Hoa ở Việt Nam và đất Việt đã là lực lượng trừ bị và căn cứ của Trung Quốc trong phong trào chống nhà Mãn Thanh ở đầu thế kỷ thứ 20 cũng như những cuộc nổi dậy thất bại chống lại quân Nhật của Bác sĩ Tôn Dật Tiên, trước năm 1911, đã có rất nhiều người Việt gốc Hoa tham dự và căn cứ nằm trong nội địa Việt Nam. Người Hoa tại Việt Nam đã góp nhân lực và vật lực vào suốt cuộc chiến tranh chống Nhật của Trung Quốc. Tại Đà Nẵng, La Hối (La Doãn Chánh, Lou Yunzheng) là người đứng đầu một nhóm Hoa kiều theo Trùng Khánh trong Trung Hoa Quốc Dân Đảng. La Hối và 9 nghĩa sĩ khác đã bị quân Nhật xử tử tại chân núi Phước Tường ngày 2 tháng 4, năm 1945 (3).
Nhiều nguồn thống kê khác nhau cho thấy khoảng 400.000 người, 1/3 số người Hoa ở Việt Nam trong thập niên 1950, là người Hoa sinh ở nước ngoài.
Đến thập niên 1970, thống kê về số người Hoa ước lượng khoảng là 1,55 triệu người tại Việt Nam, 360.000 người ở Cambodia và hơn 100.000 người ở Laos. Theo thống kê của Zhang Wenhe, Liang Ming, Cai Tian, Overseas Chinese Yearbook 1972, Overseas Chinese Economy Yearbook 1975-1976, William E. Wilmott, dân số người Hoa phân loại theo tiếng nói theo bảng sau đây (4).
Tổ chức
Bang hội của người Hoa đã có ở Việt Nam từ đời nhà Minh (1368–1644). Khi nhà Minh sụp đổ những người Hoa không thần phục nhà Thanh (1644–1912) bỏ quê hương di cư đi sinh sống ở xứ khác kể cả Việt Nam. Dấu tích văn hóa người Hoa tại Đà Nẵng, điển hình là cái hội quán của những bang người Quảng Đông, Phúc Kiến, Triều Châu, Hẹ và Hải Nam. Trong Nam, chùa Bà Thiên Hậu (Thiên Hậu Miếu) ở Chợ Lớn, bên cạnh Tuệ Thành Hội Quán (huiguan) của người Hoa gốc Quảng Đông, được xây cất từ khoảng 1760.
Ít nhất từ thời Vua Gia Long, người Hoa di cư ở Việt Nam đã tổ chức thành bang, theo ngôn ngữ nói, như Hoa kiều ở Singapore ở thế kỷ thứ 19. Những cơ sở của bang là những hội quán và hội đoàn sinh hoạt theo nguồn gốc, quan hệ gia đình hay ngành nghề. Hội quán và bang là hai nhóm chữ đồng nghĩa.
Một trong những sinh hoạt phổ quát nhất tại các bang/hội quán người Hoa là lớp dạy tiếng Quảng Đông, Phúc Kiến, Hẹ, Triều Châu hay Hải Nam và tổ chức thờ cúng tưởng nhớ Bà Thiên Hậu, Quan Công, Ông Phước Đức, cúng cô hồn, cúng ông Táo, ông Lộc, ông Thổ Địa, Trung Thu và Tết Nguyên Đán.
Trong quá khứ bang/hội quán là phương tiện giúp di dân người Hoa rút ngắn đoạn đường nhiều trở ngại để hội nhập vào xã hội Việt Nam. Bang cũng còn là nơi cho nhóm di dân mới nương tựa, tương trợ lẫn nhau về mặt tinh thần và an sinh xã hội. Ngày nay những người gốc Hoa (ở Hội An) là người Việt tại một xứ sở đã chuyển minh thay đổi ở mặt kinh tế − từ một thành phố cảng trở thành một địa danh nổi tiếng với du khách thế giới − và ở mặt chính trị xuyên qua các thời quân chủ, thuộc địa, và thay đổi ý thức hệ. Thay đổi những nối kết về văn hóa và tôn giáo, xã hội và tài chính đã thích ứng với thay đổi của xã hội địa phương. Hội quán tiếp tục là nơi giữ mối liên hệ sinh quán (tổ tiên) của người Việt gốc Hoa tại Việt Nam − cùng lúc phát triển quan hệ gần gũi hơn với cộng đồng người Việt Nam nói chung và giữ mối thâm tình trong cộng đồng người Việt gốc Hoa, và cũng là giây liên lạc giữa cộng đồng này với cộng đồng người Hoa khắp nơi trên thế giới. (5)
Tư cách pháp nhân
Cộng đồng người nói tiếng Hoa tại Việt Nam là những ai? Họ là dân Việt gốc Hoa hay Hoa kiều? Theo định nghĩa Hoa kiều là những người Trung Quốc và con cháu của họ đang sống ngoài sự quản lý của hai nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (PRC, Trung Quốc) và nước Cộng hòa Trung Hoa (ROC, Taiwan).
Ở Việt Nam danh xưng và tính pháp nhân của người Hoa phức tạp hơn. thay đổi theo lịch sử phát triển và nhiều nguyên nhân khác. Trước năm 1975, Người Hoa ở hai miền Nam Bắc Việt Nam với hai chế độ chính trị khác nhau. Miền Bắc, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (VNDCCH) theo chủ nghĩa Marxist như Trung Quốc. Tại miền Nam, người Hoa sống trong một chế độ Cộng hòa, tương tự như tại Taiwan.
Trước 1954
Ngược dòng lịch sử, năm 1671, Mạc Cửu và gia đình đến khai khẩn, phát triển vùng đất Mang Khảm − Hà Tiên ngày nay (lúc đó vẫn thuộc quyền kiểm soát của vương quốc Khmer) thành một khu vực buôn bán giàu có. Mạc Cửu mở rộng quyền kiểm soát ra các vùng lân cận, và quy thuận chúa Nguyễn.
Năm Kỷ Mùi 1679 Tổng binh thành Long Môn tỉnh Quảng Tây tên là Dương Ngạn Địch, Phó tướng Huỳnh Tấn (Hoàng Tiến) và Tổng binh châu Cao, châu Lôi và châu Liêm tỉnh Quảng Đông là Trần Thượng Xuyên, Phó tướng Trần An Bình cử binh chống đánh nhà Thanh nhằm khôi phục nhà Minh (bị nhà Thanh tiêu diệt hoàn toàn vào năm 1766) không địch nổi, hai Tổng binh đem tướng sỹ xuống thuyền chạy sang hải phận nước Nam, ban đầu cầu cứu Chúa Trịnh, sau đó dẫn tuỳ tùng quân lính theo đường thuỷ đến Đà Nẵng đầu hàng Chúa Nguyễn và xin Chúa Nguyễn nhận làm dân Việt. Chúa Hiền Vương Nguyễn Phúc Tần cho họ vào miền Nam khai khẩn đất hoang Dương Ngạn Địch và Huỳnh Tấn theo dòng sông Cửu Long dựng doanh trại ở Định Tường (Mỹ Tho tỉnh Tiền Giang), Trần Thượng Xuyên vào cửa Cần Giờ ngược dòng sông Đồng Nai cắm trại ở đất Ban Lân Cù Lao Phố (Biên Hòa), và Đông Phố (Gia Định) chuyên lo việc thương mãi và canh nông. (Trích Bách khoa Toàn thư mở Wikipedia).
Tháng Năm 1782 quân Tây Sơn dưới sự điều khiển của Nguyễn Nhạc và Nguyễn Huệ đưa 100 chiến thuyền tấn công Cần Giờ, ngược dòng sông vào đánh đuổi Nguyễn Ánh và chiếm Sài Gòn. Tại Chợ Lớn, khu phố người Hoa gầy dựng từ 1778, quân Tây Sơn đã thiêu hủy, san bằng khu thương mại và giết hơn 10.000 người Hoa tại đây. Có ba giả thuyết về cuộc thảm sát này. Thứ nhất, theo Lê Thanh Khôi, để xóa bỏ độc quyền thương mại của Hoa kiều tại Việt Nam; thứ hai, theo Phan Huy Lê, để trả thù người Hoa vì Lý Tài, một thương gia kiêm hải tặc người Hoa đồng thời cũng là 1 chỉ huy trong lực lượng Hải quân Tây Sơn, đã tham gia đảo chính Tây Sơn tại Phú Xuân, thất bại bỏ vào Nam theo Nguyễn Ánh; Thứ ba theo Đai Nam Thực Lục, Nguyễn Nhạc trả thù cho cận tướng bị quân người Hoa của Nguyễn Ánh giết (6).
Trước thời Pháp thuộc tư cách pháp nhân của người Hoa không phải là quan tâm của các vương triều Việt Nam. Khái niệm và quốc tịch trong phạm vi pháp luật chưa rõ ràng và việc quản lý kiều dân chưa trở thành hệ thống. Quan hệ giữa người Hoa và nhà cầm quyền Việt Nam thời đó đặt trên thế lưỡng lợi; Người Hoa phát triển thương mại, vua chúa Việt Nam thu lợi nhưng luôn quan tâm về lòng trung thành của Hoa Kiều; người Hoa sống sung túc nhưng vẫn phân biệt và bị phân biệt với người Việt Nam (7).
Đến thời Pháp thuộc (1862-1954) người Hoa ở Việt Nam đã tạo nên tảng vững chắc như một tầng lớp thương nhân. Vai trò này đã lu mờ tại nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sau năm 1954 vì chế độ chủ nghĩa xã hội không phải là môi trường thuận lợi để phát triển kinh doanh tự do; đa số người Hoa miền Bắc là ngư dân và công nhân nhà máy. Ngược lại, ở nước Việt Nam Cộng hòa sau năm 1954, người Hoa chiếm ưu thế và chi phối sinh hoạt thương mại và kinh tế miền Nam.
Trong thời chiến tranh khi Việt Nam chia đôi ở vĩ tuyến 17, đại đa số người Hoa không tham gia vào cuộc nội chiến dù có đóng góp tài vật hay qua những hình thức khác vì tình trạng quốc tịch của họ sau năm 1954.
Trở lại thời Việt Nam còn bị thực dân đô hộ, người Pháp đã ký kết với Trung Quốc các Hòa ước Thiên Tân (Tianjin, 06/09/1885), Hiệp định Thương mại 1886, Hiệp định Nam Kinh (Nanjing 1930), Hòa ước Trùng Khánh (Chongqing, 28/02/1946) hứa bảo vệ cho người Hoa ở Việt Nam quyền cư trú, di chuyển, quyền tham gia sinh hoạt thương mại, kỹ nghệ, quyền sở hữu đất đai và các tài sản khác, quyền mở trường học, không bị đàn áp, không bị phân biệt đối xử về mặt tài chánh, hay bị đánh thuế nặng (8). Với Hòa ước Trùng Khánh, người Hoa còn được đặc quyền và miễn trừ y như dân Pháp, hơn hẳn người Việt Nam sở tại, như miễn quân dịch, không phải bị kiểm tra di dân(9). Hơn thế nữa Hòa ước Trùng Khánh còn cho phép Trung Quốc quyền phế bỏ những ngưỡi lãnh đạo các bang người Hoa tại Việt Nam − một hình thức cánh tay nối dài từ Beijing đến Chợ Lớn của chính quyền Trung Quốc. Điều này đã gây anh hưởng bất lợi cho Việt Nam, lòng tự hào về Trung Quốc của người Hoa tại Việt Nam tăng cao cùng với sự xúc phạm đến tự ái dân tộc của người Việt.
Theo Edgar Wickberg (10), Luật Quốc tịch Trung Quốc năm 1909 đặt trên nguyên tắc huyết thống (jus sanguinis) con của đàn ông người Hoa là công dân Trung Quốc bất kể quốc tịch khác đương sự có ở nước ngoài − biến tất cả Hoa kiều trên thế giới thành công dân Trung Quốc. Chính sách này áp dụng tại Trung Hoa lục địa đến thập niên 1950 và vẫn hiện nay còn hiệu lực tại Taiwan.
Pháp đã giữ luật công dân có từ đời nhà Nguyễn (Triều Minh Mạng, 1830) cho đến năm 1933. Theo sắc luật này con trai của người Hoa có vợ Việt gọi là người Minh Hương, được hưởng, về thuế khóa và công dân, quyền hạn đặc biệt ở giữa người khách trú (foreign Asians) và dân đinh Việt Nam. Người Minh Hương và mẹ Việt Nam phải mặc quần áo Việt, và không được rời khỏi Việt Nam. Con của đàn ông Minh Hương và phụ nữ Việt được xem là công dân Việt Nam hoàn toàn hội nhập và có trách nhiệm về thuế khóa, quân dịch và được rời khỏi Việt Nam (một quyền tự nhiên của người nước ngoài). Theo chính sách này con cháu đời thứ ba của người Hoa có vợ Việt sẽ hoàn toàn là người Việt Nam.
Trong giai đoạn này người Triều Châu, thiên về canh tác, được tiếp đón niềm nở hơn so với những di dân người Hoa gốc Quảng Đông và Phúc Kiến vì họ hay quần tụ làm ăn, buôn bán, làm thủ công nghệ, mở nhà băng ở các khu “phố Tàu” (11).
Sau năm 1933, người Minh Hương được xem là người Việt Nam, được quyền xin quốc tịch khác nếu sinh trong khoảng 1883 và 1933 và đã có quốc tịch nước ngoài. Đây là kết quả của thỏa thuận Pháp−Hoa trong Hiệp định Nam Kinh (1930): Beijing muốn người Minh Hương mang Hoa tịch và Pháp muốn người Minh Hương có quốc tịch Việt Nam.
Tóm lại, cả hai chính sách của chính phủ thuộc địa cũng như của như triều đình Việt Nam trước đó chỉ nhằm kiểm soát di trú của người Hoa chứ không có mục đích can thiệp vào sinh hoạt văn hóa hay cản trở đời sống kinh tế của họ. Trong thời Pháp thuộc người Hoa ở Việt Nam được tự do hơn bao giờ hết. Bang hội người Hoa được quyền xây dựng và quản lý trường học, đền chùa, bệnh viện, nghĩa trang riêng. Những hoạt động với hình thức này càng đưa khối người Hoa vào cuộc sống cách biệt với người Việt Nam địa phương.
Đến cuối thế kỷ 19, sinh hoạt thương mại của người Hoa đã trở nên một thành tố quan trọng ảnh hưởng trực tiếp đến sự ổn định đời sống kinh tế Việt Nam. Trong thập niên 1880, chính phủ thuộc địa Pháp đã thất bại trong việc đánh thuế nặng nề vào các sinh hoạt thương mại của người Hoa: kinh tế khủng hoảng vì người Hoa đã đồng loạt bỏ Việt Nam đi nơi khác (12).
1954−1975
Ngay sau khi thoát khỏi chế độ thuộc địa, cả hai chính quyền nước VNDCCH và Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) đều quan tâm đến sự có mặt của người Hoa, ảnh hưởng chính trị và sức mạnh kinh tế của họ tại Việt Nam. Với nguồn tài lực lớn mạnh, một hệ thống quản lý gần như riêng biệt, và quan điểm xa lạ, cộng đồng người Hoa không khác gì “một quốc gia trong một quốc gia” tại Việt Nam. Hoàn toàn hội nhập khối người Hoa vào cộng đồng dân tộc Việt là yêu cầu bức thiết của chính phủ hai miền Nam Bắc. Thực tế lại càng phức tạp hơn khi hai chính quyền đối nghịch ở Việt Nam là đồng minh của hai chế độ đối đầu ở Trung Quốc và Taiwan. Vì thế bất kỳ động thái áp lực nào với người Hoa đều có thể đưa đến phản đối từ cả hai chính phủ ở Beijing và Taipei, chưa kể đến phản đối ngay từ cộng đồng người Hoa ở Việt Nam, có khả năng đưa đến xáo trộn sinh hoạt kinh tế một lần nữa.
Thật ra quan ngại về vấn đề Hoa kiều nghiêm trọng hơn cho chính quyền VNCH đơn giản vì khoảng 85% của 1,2 triệu người Hoa sinh sống ở miền Nam. Theo Pao-min Chang, dựa trên nguồn Việt Nam (13) và thông tin của The Straits Times ngày 10 tháng Năm 1978, có khoảng 1,5 triệu người gốc Hoa trên đất Việt vào năm 1978, và có khoảng 250.000 người sinh sống ở miền Bắc. Dựa trên những số liệu này người ta ước tính dân số Việt gốc Hoa vào thập niên 1950 khoảng từ 1 đến 1,2 triệu và có từ 100.000 đến 150.000 người sống ở miền Bắc.
Năm 1955 hai đảng Cộng sản ở Beijing và Hà Nội đã có những đồng thuận căn bản để giải quyết vấn đề người Hoa. Hai bên thỏa thuận để người Hoa sinh sống tại miền Bắc dưới sự quản lý của Hà Nội, được hưởng mọi quyền hạn như người Việt Nam, và người Hoa có thể tự do nhập Việt tịch sau một thời gian “được kiên nhẫn thuyết phục và được giáo dục về ý thức hệ.” (14). Hai đảng Cộng sản Việt Nam và Trung quốc hoãn giải quyết vấn đề quốc tịch của người Hoa ở miền Nam đến sau “giải phóng” (15).
Tại miền Nam, cũng trong năm 1955 chính phủ bắt đầu dùng luật quốc gia để hội nhập người Hoa vào cộng đồng người Việt. Sắc luật này dùng cách giải quyết của triều đình Việt Nam trước thời Pháp thuộc, xác định tất cả con trẻ của các cuộc hôn nhân Hoa Việt đều là người Việt, và không có quyền từ bỏ quốc tịch Việt Nam. (16).
Sắc luật tổng thống (Số 48) ngày 21 tháng Tám, 1956 đi một bước gay hơn nữa. Tất cả người Hoa sinh tại Việt Nam đều là người Việt Nam (jus soli) bất kể nguồn gốc của cha mẹ và ý muốn của chính đương sự. Sắc luật 48 còn có giá trị hồi tố. Tất cả những người Hoa, khách trú khác, phải làm đơn xin thường trú tại Việt Nam theo kỳ hạn, phải đóng thuế cư trú cao để được quyền sinh sống tại Việt Nam (17). Một sắc luật bổ túc (Số 52) ban hành ngày 29 tháng Tám, 1956 đòi hỏi tất cả công dân Việt Nam phải lấy tên tiếng Việt trong thời hạn 6 tháng nếu không sẽ bị phạt vạ. Ngày 6 tháng Chín chính phủ VNCH lại ban hành sắc luật Số 53 cấm người nước ngoài hoạt động trong 11 ngành nghề, kể cả buôn gạo và bán hàng tạp hóa, mà người Hoa chiếm ưu thế. Những người Hoa đang hoạt động trong khu vực kinh tế bị kiểm soát có 6 tháng đến 1 năm để bán hay sang nhượng lại thương nghiệp cho công dân Việt Nam nếu không sẽ có thể bị trục xuất hay phạt 5 triệu đồng Việt Nam (18).
Cùng lúc, chính phủ Ngô Đình Diệm cũng bắt đầu chương trình Việt Nam hóa các trường học của người Hoa trong vùng Sài Gòn − Chợ Lớn bằng những yêu cầu như dùng tiếng Việt trong giảng dạy và bổ nhiệm Hiệu trưởng người Việt Nam.
Đây là những chính sách khắt khe nhất so với tất cả các quốc gia trong vùng để hội nhập người thiểu số nước ngoài. Nhằm thẳng vào khối người Hoa, những biện pháp vừa kể ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống và mức an sinh của gần 1 triệu người thuộc dân tộc Hoa sinh sống ở miền Nam (19).
Trả lời cho những lời cầu cứu từ khối lãnh đạo người Hoa ở Việt Nam, chính phủ Taiwan đã lên tiến can thiệp vào tháng Chín, 1956, phản đối quyết định của chính phủ VNCH và hứa sẽ cố gắng tìm mọi cách giúp khối người Hoa ở Việt Nam. Mọi cố gắng hiệp thương của Taipei đều không có hiệu quả. Chính phủ Ngô Đình Diệm cho đây là chuyện nội bộ giữa người Việt Nam; ngày 17 tháng Tư, 1957 chính phủ Sài Gòn ra lệnh hủy bỏ tất cả thẻ thường trú nhân đã cấp cho con cái người Hoa đã sinh tại Việt Nam và yêu cầu họ lấy thẻ căn cước Việt Nam trễ nhất là ngày 9 tháng Năm, 1957. Cũng trong năm 1957, Tổng thống Ngô Đình Diệm tuyên bố, “Dòng máu của người Hoa luân chuyển trong huyết quản của dân Việt, và người Việt cùng người Hoa gần như có cùng quan niệm về đạo đức và văn hóa.” (20)
Ngày 3 tháng Năm , 1957, chính phủ Cộng hòa Trung Hoa tuyên bố giúp tái định cư tại Taiwan tất cả người Hoa không muốn nhập tịch Việt Nam. Giữa tháng Bẩy, 1957, chính phủ Việt Nam ngưng chương trình ghi danh cho Hoa kiều muốn hồi hương. Sau cùng chỉ có khoảng 3.000 Hoa kiều trong số 52.144 người đã ghi danh được phép quay về sinh sống tại Taiwan (21).
Ngày 20 tháng Năm, Trung Quốc lên tiếng phản đối VNCH không tôn trọng quyền tự do lựa chọn của người Hoa; Quyết định của chính phủ VNCH là “đơn phương và không hợp lý, không phải chỉ là một xâm phạm thô bạo đến các quyền hợp pháp của người Hoa ở nước ngoài tại Nam Việt Nam, mà còn là một hành động vi phạm nghiêm trọng các nguyên tắc của luật quốc tế.” Để bày tỏ sự hỗ trợ với Hoa kiều ở Việt Nam, nhà nước CHNDTH gởi 10.000 đô-la sang giúp. Tờ Nhân Dân ở Hà Nội đăng nguyên văn lời phản đối của Beijing vào này 23 tháng Năm và ngày hôm sau tuyên bố ủng hộ quan điểm của chính phủ CHNDTH (22).
Sau khi thành hình, Mặt trận Dân Tộc Giải Phóng Miền Nam Việt Nam (MTDTGPMNVN) cũng ủng hộ lập trường của Bắc Kinh trong những văn bản ấn hành năm 1960, 64, 65 và 1968 (23).
Suốt khoảng thời gian 1955-1957, nhất là khi có lời hứa giúp đỡ từ chính phủ Taiwan, người Hoa ở Việt Nam tương đối đã giữ bình tĩnh; đến mùa xuân 1957, hạn đổi quốc tịch và quốc hữu hóa hoạt động kinh tế đã gần kề nhưng cuộc hiệp thương Sài Gòn-Taipei vẫn không có kết quả cụ thể, người Hoa xuống đường gây bạo động, phản đối chính sách của chính phủ VNCH và sự bất lực của Taiwan. Đến mùa hè 1957, người Hoa đóng cửa gần hết trường học, hoạt động thương mại, và rút tiền ra khỏi ngân hàng. Khi khoảng 800 triệu đến 1,5 tỉ đồng Việt Nam − gần 17% tiền tệ đang lưu hành − biến mất khỏi thị trường sinh hoạt thương mại bất chợt ngưng trệ, đồng bạc Việt Nam mất giá nặng nề trên thị trường hối đoái tự do. Richard Lindholm ghi lại trong cuốn Vietnam: The first five years (1959) cũng như tin của tờ Zhongyang Ribao ngày 21 tháng Năm 1957, theo ước tính từ Taipei, đến khoảng giữa tháng 5, 1957, có khoảng 6000 cửa hàng của người Hoa đã phải đóng cửa, 200.000 người mất công ăn việc làm. Nền kinh tế miền Nam Việt Nam gần như sụp đổ.
Lịch sử lập lại một lần nữa xác minh ảnh hưởng và đóng góp quan trọng, không thể không có, của người Hoa trong nền kinh tế, thương mại Việt Nam. Chính phủ Ngô Đình Diệm nhượng bộ. Cuối tháng Bẩy 1957, người Hoa được quyền ghi danh cửa hàng bằng tên của bà con sinh tại Việt Nam, hoặc nhập tịch Việt Nam theo thủ tục đơn giản. Hiệu trưởng các trường học chỉ cần là người Hoa sinh tại Việt Nam. Tiếng Hoa được sử dụng lại trong trường học trừ các môn sử ký, địa lý và Việt văn. Cùng lúc chính phủ Việt Nam tiếp tục đẩy lùi ngày hết hạn ghi danh cho người Hoa sinh tại Việt Nam và bỏ hẳn yêu cầu này sau tháng 9, 1957. Đến tháng 8, 1958, chính phủ VNCH tiếp tục nới lỏng chương trình quốc hữu hóa kinh tế, chỉ đòi 51% trị giá thương mại của các doanh nghiệp của người Hoa − sắc luật số 53 trước kia đã giới hạn thuộc quyền người Việt − thuộc sở hữu của người Việt Nam. Người Hoa cũng được đối xử mềm mỏng khi áp dụng luật thi hành quân dịch.
Tính đến 15 tháng 6, 1957 chỉ có 3.500 trên khoảng 500.000 người Hoa sinh tại Việt Nam lấy thẻ căn cước Việt Nam theo luật định với hạn chót là 09/05/1957. Cuối năm 1957, theo tài liệu của Viện Thống kê Sài Gòn 1960, trang 21, chính phủ VNCH vẫn công nhận đến 400.000 Hoa kiều cư trú tại Việt Nam. Tuy nhiên, sau cùng, gần như hầu hết những Hoa kiều (sinh ngoài Việt Nam) này đều nhập tịch Việt Nam vì lý do thực dụng.
Ước tính, đến 1961, 80% vốn đầu tư trong các dịch vụ buôn bán lẻ và khoảng 75% sinh hoạt thương mãi trong nền kinh tế VNCH do người Hoa kiểm soát (24).
Suốt 15 năm tiếp theo, người Hoa được thảnh thơi sinh sống, tự trị tự quản về nhiều mặt, ngay trên đất nước Việt Nam; Cùng lúc chiến tranh leo thang, người Hoa đã góp phần không nhỏ vào tình trạng tham nhũng, hối lộ, trốn thuế, trốn quân dịch gây bất ổn định chính trị trong xã hội dưới quyền lãnh đạo của các chính phủ quân nhân sau đó.
Kết quả sau cùng, đến ngày 30 tháng 4, 1975 người Hoa tại Việt Nam vẫn là vấn đề chưa có giải pháp dứt điểm.
Sự có mặt cùng với những ảnh hưởng, cả hai mặt tích cực và tiêu cực, của người Hoa trên đất nước Việt Nam là thực tế lịch sử. Nếu không có thành phần dân tộc Việt gốc Hoa, miền Nam Việt Nam không thể là miền Nam Việt Nam như đã thấy. Có rất nhiều người Việt miền Nam mang dòng máu Trung Hoa trong huyết quản, có ngoại hình như tổ tiên họ ở Phúc Kiến, Quảng Đông. Họ là con cháu những dòng họ Châu, Giang, Ông, Quách, Mã, Mao, Tào, Thẩm, Vưu…, những dòng họ khó tìm thấy trong cộng đồng người Việt Nam ở bắc vĩ tuyến 17 (25).
Xem tiếp phần II: Sau 1975 …; phần III: Cuộc di tản của người Việt Nam tị nạn cộng sản
© 2009-2014 DCVOnline
(1) H. Mark Lai, Becoming Chinese American: A History of Communities and Institutions, Rowman Altamira, 2004, p. 5.
(2) Ky Luong Nhi, The Chinese in Vietnam: a study of Vietnamese-Chinese relations with special attention to the period 1862-1961, University of Michigan, 1963, p. 51-55.
(3) Trương Duy Cường, La Hối với Xuân và Tuổi trẻ, Saigon Times, San Jose, 2006.
10 nghĩa quân bị Nhật Bản đem xử chém sáng ngày 2 tháng 4 năm 1945 gồm La Doãn Chánh (La Hối), Lâm Kiến Trung, Thái Văn Lễ, Tạ Phúc Khương, Lương Tinh Tiêu, Vương Thanh Tùng, Trình Duy Huấn, Trịnh Yến Xương, Lâm Bình Hoành và Kim Bính Bồi. Tổng Thống Trung Hoa Dân Quốc Tưởng Giới Thạch tặng bốn chữ “Dân Tộc Chính Khí” để tuyên dương 10 liệt sĩ này.
Chew Chye Lay, Grace, The linkages of Native-Place Association in Hoi An, Vietnam, Chinese Heritage Center Bulletin, Singapore, pp. 28-35.
(4) H. Mark Lai, Becoming Chinese American, p. 264-5.
(5) Chew Chye Lay, Grace, p. 33.
(6) Ky Luong Nhi, pp. 39; George Dutton A Brief History of the Tay Son Movement (1771-1802), University of Washington, (1998).
(7) Nayan Chanda, Brother Enemy: The War after the War, Harcourt Brace Jovanovich, Publishers, 1986, p. 236.
(8) Ky Luong Nhi, pp. 118-130.
(9) Pao-min Chang, Beijing, Hanoi, and the Overseas Chinese, China Research Monograph 24, Center for Chinese Studies, Institute of East Asian Studies, University of Berkeley, 1982. p. 5.
(10) Wickberg, Edgar. The Chinese Mestizo in Philippine History, The Journal of Southeast Asian History vol. 5, no. 1 (March 1964.): 62-100.
(11) Thomas Engelbert , “Go West” in Cochinchina. Chinese and Vietnamese Illicit Activities in the Trans Bassac (c. 1860-1920s) , Chinese Southern Diaspora Studies , Volume 1, 2007, p. 67.
(12) Pao-min Chang, p. 7.
(13) Bạch thư về quan hệ Việt-Hoa, White Paper on the Sino−Vietnam Relations, (Ha noi: Ministry of Foreign Affairs, 1979) p. 38.
(14) Pao-Min Chang, p. 9: Beijing Review, June 16, 1978. Nguồn Việt Nam: British Broadcasting Corporation, Summary of World Broadcast, Part III, The Far East, số 5896 [August 21, 1978], p A3/2.
(15) Pao-Min Chang, p. 9: BBC/FE, 1978, p. 18.
(16) Pao-Min Chang, p. 11: Yuenam huaqiao guoji wenti vanjiu (A study of national problem of Chinese in Vietnam), (Taipei: Hawai chuban she, June 1957), pp. 1-2. Đây là tập tài liệu xác đáng về cuộc tranh chấp này.
(17) Pao-Min Chang, p. 11: Yuenam huaqiao guoji wenti vanjiu, p. 23-28.
(18) Pao-Min Chang, p. 11: Yuenam huaqiao guoji wenti vanjiu, pp. 11-14
(19) Ky Luong Nghi, pp. 173.
(20) Ky Luong Nghi, pp. 197.
(21) Pao-Min Chang, p. 13: Bernard B. Fall, Vietnam’s Chinese Problem, Far Eastern Survey, May 1958, p. 68. Tất cả Hoa kiều hồi hương phải kê khai tất cả hành lý đem ra khỏi Việt Nam và được phép đem đi 400 đồng VN (tương đương 20 USD) dù họ đều phải đóng 500 đồng VN tiền “thuế rời cảng” tại phi trường trước khi lên máy bay.
(22) Pao-Min Chang, p. 14: Beijing Review, June 16, 1978, p. 18; FEER, June 16, 1978 p. 20.
(23) Pao-Min Chang, p. 14: FEER, June 16, 1978 p. 20. BBC/FE, June 16 1978, p. 18
(24) Alice Tay Erh Soon, The Chinese in Southeast Asia, Race, November, 1962, p. 35.
(25) Thomas Engelbert, Vietnamese-Chinese Relations in Southern Vietnam during the First Indochina Conflict, Journal of Vietnamese Studies, Fall 2008, Vol. 3, No. 3, Pages 191.