Trung Quốc lên án Việt Nam quấy nhiễu trên biển
Greg Torode (Reuters) – Trà Mi lược dịch
“TQ có một chánh sách ôn hòa. Nhưng không quốc gia nào có thể giữ bộ mặt tươi cười mãi với thế giới. Trung Quốc không dễ dàng nổi giận, nhưng nếu lợi ích của TQ bị vi phạm thì việc trả đũa mạnh mẽ là chuyện phải đến.” – Thời báo Toàn cầu.
HONG KONG – Trung Quốc đã cảnh cáo Việt Nam không được làm phiền các hoạt động của các công ty Trung Quốc hoạt động gần quần đảo tranh chấp ở Biển Đông, sau khi Hà Nội lên án Trung Quốc là đã đua giàn khoan khổng lồ trong vùng biển thuộc Việt Nam.
Hôm thứ Ba Hoa Kỳ chỉ trích mạnh mẽ việc TQ di chuyển giàn khoan trên Biển Đông và coi đó là việc “khiêu khích và bất lợi cho việc duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực”.
Việc di chuyển giàn khoan dầu của công ty dầu khí quốc doanh của Trung Quốc là biểu dương mới nhất của sự quyết đoán ngày càng tăng của Bắc Kinh, gây lo ngại cho các nhước láng giềng nhỏ hơn trong khu vực.
Theo tuyên bố đăng trên trang web của Bộ trưởng Ngoại giao của Trung Quốc cuối ngày thứ Ba thì Bộ trưởng Ngoại giao TQ Dương Khiết Trì nói với Phó Thủ tướng Chính phủ kiêm Bộ trưởng bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh rằng các doanh nghiệp Trung Quốc hoạt động tại quần đảo Hoàng Sa, mà Trung Quốc gọi quần đảo Tây Sa, thuộc về chủ quyền của Trung Quốc và không nên bị quấy nhiễu.
Việc Việt Nam quấy rầy hoạt động bình thường của các công ty Trung Quốc là vi phạm chủ quyền và quyền quản lý của Trung Quốc, Ngoại trưởng TQ Dương Khiết Trì nói thế trong một cuộc gọi điện đến với Phó Thủ tướng CHXHCNVN Phạm Bình Minh.
Sự việc xảy ra chỉ vài ngày sau khi Tổng thống Mỹ Barack Obama đến thăm châu Á để nhấn mạnh cam kết của mình với các đồng minh tại đây, gồm cả Nhật Bản và Philippines đang có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc.
Obama, đi cổ xúy chiến lược “đóng chốt” trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương, cũng đã đến thăm Hàn Quốc và Malaysia, nhưng không ghé Trung Quốc (và Việt Nam – TM).
Daniel Russel, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ đặc trách Đông Á và Thái Bình Dương, nói rằng Hoa Kỳ đang xem xét vấn đề giàn khoan dầu nhưng kêu gọi mọi phía phải thận trọng.
“Chúng tôi tin rằng mọi quốc gia có tuyên bố chủ quyền biển đảo cần tỏ ra biết kiềm chế là việc rất quan trọng,” ông nói với Reuters trong chuyến thăm Hong Kong trước khi đến Hà Nội, theo lịch trình đã có, vào ngày thứ Ba.
“Nền kinh tế toàn cầu đang quá mong manh và sự ổn định khu vực là vấn đề quá quan trọng để mạo hiểm vì lợi ích kinh tế ngắn hạn.”
Trung Quốc tuyên bố chủ quyền gần như toàn bộ vùng biển nhiều dầu khí ở phía nam, phủ nhận những tuyên bố chủ quyền của các quốc gia Việt Nam, Philippines, Đài Loan, Malaysia và Brunei. TQ cũng đang có tranh chấp biển đảo với Nhật Bản.
Khu cấm vào
Tuyên bố chủ quyền của TQ song song với ảnh hưởng đang lên về ngoại giao và quân sự trong khu vực của nó đã khiến người ta lo ngại có thể có xung đột.
Cục An toàn Hàng hải Trung Quốc (MSAC) công bố trên trang web của họ hôm thứ Bảy rằng tất cả các tàu biển nên ở cách giàn khoan dầu Haiyang Shiyou (Hải Dương Thạch Du) 981 một dặm (1,6 km); Hôm thứ Hai, MSAC lại đổi khoảng cách từ 1 lên 3 dặm (gần 5 km).
Giàn khoan cả tỉ Mỹ kim này của công ty dầu khí nhà nước của Trung Quốc CNOOC và nó đã hoạt động động ở phía nam Hồng Kông.
Hôm Chủ nhật, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam phản đối Thông báo của Trung Quốc, nói rằng tọa độ của giàn khoan dầu 981 năm trong vùng đặc quyền kinh tế và trên thềm lục địa của Việt Nam, khoảng 120 hải lý ngoài khơi bờ biển Việt Nam.
Phát ngôn viên Lê Hải Bình cho biết trong bản tuyên bố là Việt Nam “kiên quyết phản đối” việc khoan dầu của công ty Trung Quốc.
Nhưng, như các quốc gia châu Á khác đang có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc, Việt Nam dường như khó có thể làm gì khác khi đương đầu với một siêu cường đang lên.
Tháng trước, Philippines cho biết rằng Hoa Kỳ có nhiệm vụ theo Hiệp ước để trợ giúp trong trường hợp Philippines bị một cuộc tấn công vào lãnh thổ hoặc vào lực lượng vũ trang của Phi Luật Tân trong vùng Biển Đông, mặc dù Obama đã không nói dứt khoát rằng Washington sẽ làm như thế.
Năm 1992, Việt Nam đã gửi các tàu hải quân vào khu vực mà Trung Quốc đã ký hợp đồng với các công ty Mỹ để khai thác dầu khí ở nơi mà họ nói là vùng biển của TQ.
“Từ năm 1992 đến nay, tôi chưa thấy bất kỳ hành động nào từ phía Việt Nam mạnh hơn thế,” một học giả Việt Nam chuyên về Biển Đông cho biết.
“… Tôi đoán hành động này của Trung Quốc hoặc để bắn tin cho Hoa Kỳ, sau chuyến thăm của Obama đến châu Á, hoặc lèo lái và đánh lạc hướng quần chúng không để ý đến việc khủng bố vừa xảy ra ở Tân Cương.”
Căng thẳng của Trung Quốc đang tăng vì tinh thần chiến đấu của người Hồi giáo sau vụ một chiếc xe bốc cháy cạnh bên Quảng trường Thiên An Môn ở Bắc Kinh vào tháng Sáu và 29 người đã bị đâm chết hồi tháng Ba tại thành phố Côn Minh phía Tây Nam TQ.
Chính phủ TQ gán trách nhiệm cho nhóm Hồi giáo ở khu vực Tân Cương ở miền viễn Tây cho cả hai cuộc tấn công.
Giàn khoan dầu, một “kịch bản nguy hiểm”
Trung Quốc thường xuyên gửi tuần tra vào vùng biển phía Nam Trung Quốc, phần lớn là cảnh sát biển và lực lượng bảo vệ hàng hải dân sự chứ không phải là lính Hải quân.
Nhưng đặt một cấu trúc khổng lồ trong vùng biển đang có tranh chấp lãnh thổ được một số các nhà phân tích coi như một sự leo thang đáng kể trong cuộc tranh chấp.
Chuyên gia Biển Đông Ian Storey ở Singapore cho biết sự di chuyển giàn khoan “có thể là một kịch bản rất nguy hiểm”.
“Đã có đụng độ với những tàu khảo sát trong quá khứ, nhưng đây là một sự kiện mới,” Storey thuộc Viện Nghiên cứu Đông Nam Á cho biết.
“Đã có rất nhiều suy đoán về cách Trung Quốc sẽ sử dụng giàn khoan mới và đắt tiền này và có vẻ như bây giờ chúng ta đã có câu trả lời. Nó đặt Việt Nam vào một vị trí rất khó khăn.
“Họ sẽ phải trả lời với những thách thức về chủ quyền của Việt Nam, và khi họ hành động thì Trung Quốc chắc chắn sẽ đáp trả, vì vậy chúng ta đang trong một tình trạng mà một kịch bản rất nguy hiểm có thể diễn ra.”
Tờ Thời báo Toàn cầu (Global Times) của TQ, một tờ báo lá cải có ảnh hưởng do tờ Nhân dân Nhật báo của Đảng Cộng sản TQ xuất bản, đã viết trong bài xã luận hôm thứ Ba rằng Trung Quốc nên cho thấy mình “giữ vững lập trường” đối với Việt Nam.
“TQ có một chánh sách ôn hòa. Nhưng không quốc gia nào có thể giữ bộ mặt tươi cười mãi với thế giới. Trung Quốc không dễ dàng nổi giận, nhưng nếu lợi ích của TQ bị vi phạm thì việc trả đũa mạnh mẽ là chuyện phải đến.”
© 2014 DCVOnline
Nguồn: China condemns Vietnamese ‘harassment’ of ship in disputed waters | Reuters. BY GREG TORODE. uk.reuters.com Wed May 7, 2014.