Việt Nam chặn giàn khoan dầu của Trung Quốc
Chris Brummitt (AP) – Trà Mi lược dịch
HÀ NỘI – Giới chức Việt Nam và bằng chứng video hôm thứ Tư cho thấy tàu Trung Quốc đâm và phun vòi rồng vào những tàu thuyền Việt Nam đang cố chặn Bắc Kinh đưa một giàn khoan dầu đến Biển Đông; đây là một sự leo thang nguy hiểm trong vùng biển đảo đang có tranh chấp được xem là một điểm nóng trên thế giới.
Không bên nào cho thấy bất kỳ một dấu hiệu xuống thang; cuộc đụng độ này làm tăng khả năng xung đột nghiêm trọng hơn có thể xảy ra. Việt Nam cho biết một số tàu thuyền đã bị hỏng và sáu người trên tàu đã bị thương vì những mảnh kính vỡ.
Việt Nam, không có hy vọng chống lại Trung Quốc bằng quân sự, cho biết họ muốn một giải pháp hòa bình và – không như Trung Quốc – đã không gửi bất kỳ tàu hải quân đến khu vực gần giàn khoan gần 1 tỷ của TQ. Tuy nhiên, một viên chức cấp cao cảnh cáo rằng “tất cả sự kiềm chế đều một giới hạn.”
“Cảnh sát biển của chúng tôi và lực lượng bảo vệ ngư trường đã vô cùng kiềm chế, chúng tôi sẽ tiếp tục ở lại đó,” Ngô Ngọc Thu, Tư lệnh phó lực lượng bảo vệ bờ biển của Việt Nam, phát biểu tại một cuộc họp báo đặc biệt tại Hà Nội. “Nhưng nếu (các tàu Trung Quốc) tiếp tục va vào chúng tôi, chúng tôi sẽ đáp ứng bằng sự tự vệ tương tự.”
Ngày 1 tháng 5, TQ đưa giàn khoan dầu, cùng một đội tàu quân sự và dân sự hộ tống, được xem là một trong những hành động khiêu khích nhất trong chiến dịch từng bước khẳng định chủ quyền của TQ ở Biển Đông, nơi mà các quốc gia như Việt Nam, Philippines và các quốc gia Đông Nam Á khác. cũng tuyên bố có chủ quyền.
Việt Nam ngay lập tức đã gửi cảnh sát biển và các tàu bảo vệ ngư trường đến gần giàn khoan 981, nhưng tàu thuyền Việt Nam đã bị sách nhiễu khi họ đến gần, ông Thu nói.
Video chiếu tại cuộc họp báo cho thấy tàu của Trung Quốc đâm và xịt vòi rồng vào tàu của Việt Nam. Ông Thu cho biết sự việc như vậy đã xảy ra nhiều lần trong ba ngày qua. Ông cho biết Việt Nam đã không có bất kỳ hành động tấn công nào trong vùng biển gần giàn khoan, khoảng 220 km (140 dặm) ngoài khơi bờ biển Việt Nam.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hua Chunying nói trong cuộc họp báo hôm thứ Tư rằng giàn khoan dầu ở trong vùng lãnh hải của Trung Quốc và do đó hoạt động khoan dầu là chuyện “bình thường và hợp pháp”. TQ trước đó công bố rằng không tàu nước ngoài nào được phép đến gần giàn khoan trong vòng 3 dặm (4,8 km).
Hua Chunying nói, “Các hoạt động phá hoại của Việt Nam là vi phạm chủ quyền của Trung Quốc.”
Một quan chức Việt Nam trước đó nói, với điều kiện giấu tên vì tính nhạy cảm của vấn đề, rằng tàu của Việt Nam ít hơn hơn đội tàu hộ tống giàn khoan Trung Quốc. Ông cho biết các tàu Việt Nam đang cố gắng để ngăn chặn không cho giàn khoan dựng ở “một vị trí cố định” để khoan.
Sự quyết đoán của Trung Quốc cùng với sức mạnh quân sự và kinh tế ngày càng tăng làm nhiều quốc gia nhỏ hơn trong khu vực lo ngại, ngay cả khi họ biết rằng họ cần giữ cho mối quan hệ cởi mở với một đối tác thương mại quan trọng. Hoa Kỳ, hiện đang chủ trương “đóng chốt” quân sự và kinh tế ở châu Á, một phần chiến lược chống lại ảnh hưởng của Trung Quốc, cũng chia sẻ những mối quan tâm của các quốc gia nhỏ hơn.
Trong một tuyên bố lời lẽ mạnh mẽ tại Washington vào hôm thứ Ba, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Jen Psaki gọi hành động của Trung Quốc là “khiêu khích và bất lợi cho việc duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực.”
Khi được hỏi về tuyên bố của Mỹ, Hua cho biết, “chúng tôi muốn nói với Mỹ rằng Hoa Kỳ không có quyền có những nhận xét vô trách nhiệm và không có cơ sở về quyền chủ quyền của Trung Quốc.”
Sức của Việt Nam rất giới hạn trong việc đối phó với nước láng giềng khổng lồ và cũng là đối tác kinh tế quan trọng. Việt Nam không thể để quan hệ với Bắc Kinh bị sứt mẻ. Tuy không còn bị cô lập như trước đây, nhưng Việt Nam cũng không thể chờ đợi có sự giúp đỡ về mặt ngoại giao từ những cường quốc bạn. Việt Nam dường như đang cố tập hợp hỗ trợ của khu vực để chống lại hành động của Trung Quốc.
Jonathan London, một chuyên gia về Việt Nam tại Đại học Thành phố Hồng Kông cho biết,
“Trung Quốc dường như muốn đặt xuống dấu chân thẳng vào trong vùng biển đang tranh chấp và đẩy Hà Nội vào thế bí. Đây là thời điểm quan trọng và người ta kỳ vọng Hà Nội sẽ cân nhắc lựa chọn của mình. Hà Nội đang bị dồn vào góc tường, mặc dù chính sách của Trung Quốc – mà theo hầu tất cả mọi người ngoại trừ Trung Quốc – là vô căn cứ về mặt pháp lý đã đua đến tình trạng này.”
Trung Quốc đã chiếm quần đảo Hoàng Sa (của Việt Nam Cộng hòa – TM) cách đây 40 năm, và 74 chiến sĩ Hải quân miền Nam Việt Nam đã tử trận trong một cuộc hải chiến sau đó. Lực lượng hải quân Trung Quốc tấn công hải quân CHXHCN Việt Nam năm 1988 tại quần đảo Trường Sa, đang có tranh chấp, giết chết 64 thủy thủ Việt Nam.
Năm 1992, Trung Quốc trao một hợp đồng cho công ty năng lượng Mỹ Crestone thăm dò dầu khí tại quần đảo Trường Sa. Việt Nam phản đối hành động này. Hai năm sau đó, lực lượng hải quân của Việt Nam buộc giàn khoan dầu của công ty Crestone phải rời khỏi khu vực.
© 2014 DCVOnline
Nguồn: Vietnam Tries to Stop China Oil Rig Deployment. By CHRIS BRUMMITT Associated Press. May 6, 2014 (AP)