Lỗi tại ai?
Trương Nhân Tuấn
Việt Nam mất nước, mất lãnh thổ vùng biên giới, mất đảo mất biển ở Biển Đông, một mặt là do tham vọng bành trướng của Trung Quốc, nhưng mặt khác, quan trọng hơn, là do thái độ nô tài của trí thức Việt Nam.
Thái độ này đặc biệt được phóng đại lên, được truyền tải hết mức trên những cơ quan truyền thông Việt Nam, cá nhân cũng như thuộc cơ quan trong nước và nước ngoài, từ hơn thập niên nay. Dưới hiệu quả của nó, người dân Việt Nam được ru ngủ với những bài viết, những trang phóng sự, những bài phỏng vấn… mà nội dung chỉ là những thứ cóp nhặt của người khác, còn không là bóp méo dữ kiện lịch sử, diển giải sai lầm tài liệu pháp lý. Nó chỉ có giá trị của những liều thuốc an thần.
Tham vọng bành trướng của Trung Quốc, người Việt qua các thế hệ đã từng trải, đã có kinh nghiệm, do đó luôn có các phương pháp hữu hiệu để phòng ngừa. Tham vọng chiếm hữu các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa và vùng biển chung quanh của Trung Quốc không phải là một âm mưu, nó đã là một thực tế từ lâu.
Vùng Trường Sa, từ “không có tranh chấp” trở thành “có tranh chấp”. Vùng Hoàng Sa, từ “vùng có tranh chấp” trở thành vùng thuộc chủ quyền của Trung Quốc. Đây là một quá trình tiệm tiến, thành hình sau hàng chục năm. Trong nước hình như không ai biết đến điều này. Quả nhiên, đó là “công lao” của học giả nô tài, là do hiệu quả của những liều thuốc an thần.
Bây giờ, khi mà phía Trung Quốc đưa giàn khoan vào vùng biển của Việt Nam để khai thác, ta mới thấy sự lúng túng của phía Việt Nam, từ lãnh đạo cấp cao nhà nước cho tới tầng lớp trí thức nô tài. Riêng người dân thì, không chừng, vẫn còn đang gật gờ dưới hiệu quả của những thang thuốc ngủ.
Không mấy ai thấy và hiểu được những sự thật éo le được che đậy phía dưới tấm bình phong 4 tốt và 16 chữ vàng. Khi có người nhắc đến bất kỳ điều nào có thể đe dọa đến vẹn toàn lãnh thổ của Việt Nam, người đó nhất định là Tàu, là phản động, là phản quốc, là tay sai đế quốc Mỹ…
Lẽ thường, lãnh đạo nghe học giả để có cái nhìn chiến lược. Rốt cục cả nước chỉ toàn nghe những dối gian hay những “lời chim chóc” (để lãnh đạo nghe sướng tai)! Cái nhìn chiến lược cũng bị méo mó.
Những lời thật đã nói lên. Dĩ nhiên, do “thật”, thì nếu không mất lòng thì cũng rất khó nghe. Rốt cục có mấy ai nghe?
Bây giờ mất nước đã là sự thật. Nếu xét nguyên nhân, ai là thủ phạm, thì lãnh đạo CSViệt Nam là những người trọng tội hàng đầu. Tiếp theo là tầng lớp trí thức nô tài, những người sẵn sàng hóa trắng thành đen, biến không thành có để bảo vệ chủ. Sau cùng, thành phần đồng lõa, là các cơ quan truyền thông, các trang web “độc lập” có công đưa những liều thuốc an thần đó đến từng nhà, từng người, làm như 700 tờ báo và hàng trăm đài radio, truyền hình trong nước làm việc chưa đủ hiệu quả.
Việt Nam cô đơn hơn bao giờ hết. Tranh chấp Hoàng Sa không hề được ghi trong DOC (Tuyên bố ứng xử giữa TQ và các nước ASEAN). Các nước ASEAN đứng ngoài, không có ý kiến về vụ này là hợp lý. Còn Hoa Kỳ, từ thập niên 90 đã có tuyên bố “không có ý kiến” về tranh chấp chủ quyền các đảo ở biển Đông, chỉ yêu cầu tôn trọng quyền tự do qua lại và các bên tôn trọng Luật Biển 1982. Việc TQ đặt giàn khoan 981 có vi phạm Luật Biển 1982 không? Theo tôi là không. Mỹ cũng không thể tuyên bố đi quá những gì đã cam kết trong quá khứ. Còn Nga, họ chỉ mong cho hai bên Việt-Trung sớm đánh nhau để bán thêm vũ khí.
Vì vậy, mất nước trước hết do mình. Sau đó mới là giặc.
Nguồn: Lỗi tại ai? Trương Nhân Tuấn. Facebook. 9/5/2014.