Sóng dậy Biển Đông
Nguyễn Điền Lăng
Biết bao giờ người CSVN học được những bài học lịch sử đơn giản này? Thời gian chờ câu trả lời sẽ dài như chuỗi thời gian đảng CSVN đưa đất nước tiến lên thiên đường XHCN. Hiểu như thế chắc chắn chúng ta, người dân Việt Nam trong và ngoài nước, biết mình phải làm gì trước hiểm họa mất nước về tay Tầu cộng do Việt Cộng gây ra.
Điểm qua vài yếu tố
Đã từ lâu biển Đông được xem là một khu vực quan trọng, mang tầm chiến lược toàn cầu. Thật khó tìm một nơi nào khác trên thế giới, việc tranh chấp chủ quyền biển, đảo có một lịch sử lâu dài và liên quan đến nhiều quốc gia như biển Đông. Có nhiều nguyên nhân để giải thích tầm quan trọng của nơi có lượng tầu bè qua lại nhiều nhất thế giới này.
Về kinh tế – Tạm bỏ qua những con số thống kê nói về số lượng tầu và hàng hóa di chuyển trên biển Đông. Chỉ với khái niệm căn bản, người ta cũng có thể nhìn ra đây là hành lang huyết mạch về kinh tế của những cường quốc tiêu biểu như Nhật, Nam Hàn và Trung Cộng. Dầu thô, nguyên liệu sản xuất, được nhập từ Trung Đông, Phi Châu và các quốc gia khác. Đổi lại, những tầu chở hàng khổng lồ chở hàng hóa từ các quốc gia vừa kể xuất cảng ra thị trường. Dù đến hay đi, tất cả đều phải sử dụng hành lang huyết mạch này.
Về tài nguyên – Đây là vùng biển đánh cá trù phú, nuôi sống nhiều ngư dân và đóng góp đáng kể vào nền kinh tế của tất cả quốc gia trong vùng. Ngoài ra trữ lượng dầu hỏa cùng những khoáng sản qúy hiếm nằm dưới lòng biển khơi, tài nguyên thiên nhiên trên một số đảo là những yếu tố không thể bỏ qua.
Về quân sự – Những hòn đảo nằm rải rác trên tuyến đường biển này tạo thành một hệ thống mắt xích tiện lợi cho việc thành lập những tiền đồn, căn cứ quân sự ngoài khơi, kiểm soát, hoặc xa hơn là khống chế vùng biển quan trọng nhất trên thế giới.
Với một diện tích rộng lớn, ráp gianh nhiều quốc gia, với tiềm năng kinh tế to lớn cùng vị trí chiến lược quan trọng như thế, tranh chấp biển Đông và sự căng thẳng trong quan hệ của những quốc gia liên quan là điều dễ hiểu. Tuy nhiên đấy mới chỉ là những nguyên nhân khách quan. Còn một nguyên nhân chủ quan khác cần nhắc đến là Trung Cộng.
Gần ba thập niên qua, song song với sự phát triển kinh tế của Trung Cộng là việc bành trướng thế lực và ảnh hưởng của họ. Tạm gác ra ngoài nhiều ví dụ cho thấy Trung Cộng đã áp dụng thủ đoạn (tình báo kinh tế, ăn cắp kiến thức khoa học kỹ thuật) lẫn sử dụng tiền bạc để thực hiện mục đích của họ với phương Tây qua những hợp đồng về kinh tế, đầu tư, mua lại một số cơ sở kinh doanh, kỹ nghệ của Canada, Mỹ, Pháp, Bồ Đào Nha (Portugsl), Hy Lạp Greece). Nhu cầu phát triển kinh tế và thực hiện tham vọng chính trị còn thúc đẩy Trung Cộng liên kết ngoại giao, chính trị và kinh tế với các quốc gia giầu tài nguyên thiên nhiên nhưng nghèo về dân chủ như Miến Điện, Cuba, Venezuela (Nam Mỹ), Libya, Syria, Tunesia, Maroc (Bắc Phi), Nam Phi, Sudan, Zambia v.v. Sự hiện diện của thương gia Trung Cộng và việc hình thành những cộng đồng người Hoa tại nhiều quốc gia vừa kể là một bằng chứng. Một bằng chứng rõ ràng hơn cho tham vọng không che đậy này, là việc gia tăng kinh phí quốc phòng hàng năm, chính sách hiện đại hóa quân đội, chủ trương xây dựng lực lượng không và hải quân.
Qủa thật Trung Cộng hiện nay là một thế lực đáng ngại và từng bước một, đang tranh dành ảnh hưởng, thay đổi cán cân quyền lực, thách thức thế lực của Mỹ ở biển Đông và những quốc gia khác trong khu vực. Trung Cộng cho rằng thời cơ đã đến, khi Mỹ và Âu Châu hiện nay đang bị cuốn vào cơn lốc Ukraine và họ chọn thời điểm ngay sau chuyến công du sang Đông Nam Á của tổng thống Obama để chứng thực sức mạnh và tham vọng của mình.
Câu hỏi còn lại: Quốc gia nào được chọn để Trung Cộng thực hiện ý đồ của mình?
Nhìn quanh các quốc gia trong khu vực chúng ta thấy: Ở phương bắc có Nam Hàn cứng rắn, một cường quốc về kinh tế với một quân đội hùng mạnh, tối tân, có sự hiện diện của hơn 30.000 quân nhân Mỹ và luôn trong tình trạng chuẩn bị chiến tranh (cũng do mối đe dọa từ Bắc Hàn). Về phương đông có Nhật Bản, một quốc gia có sức mạnh kinh tế hơn Nam Hàn, một dân tộc kỷ luật, quật cường, bất khuất, một quân đội nổi tiếng với tinh thần Võ Sĩ Đạo lẫn khả năng chiến đấu ngoại hạng. Đặc biệt hải quân Nhật được trang bị đầy đủ và tối tân hơn hải quân Tầu. Xuôi xuống Nam là Phi Luật Tân, tuy không so sánh được với hai quốc gia vừa kể, nhưng Phi Luật Tân sẵn sàng có thái độ cứng rắn. Trong tranh chấp biển đảo, Phi Luật Tân kiện Trung Cộng ra tòa án quốc tế và hiện nay đang bắt giữ tầu đánh cá Trung Cộng. Một yếu tố quan trọng khác cần đưa ra là, cả ba quốc gia vừa kể lẫn Đài Loan đều được Mỹ cam kết hỗ trợ và giúp đỡ. Như thế việc Tầu chọn Việt Nam để bắt nạt là điều hiển nhiên.
Cuộc đụng độ mới nhất và thái độ của Việt Nam
Những ngày qua, việc Trung Cộng đưa một lực lượng hùng hậu, mang dàn khoan vào lãnh hải Việt Nam và những hành động như xịt vòi rồng vào thủy thủ, đâm lủng tầu của Việt Cộng đã gia tăng sự căng thẳng trong khu vực. Sự kiện này làm thế giới quan tâm và lo ngại. Nhiều quốc gia như Nhật, Mỹ đã lên tiếng. Một số tờ báo lớn như New York Times đã bình luận. Sự kiện này cũng tạo nên một làn sóng căm phẫn trong cộng đồng người Việt tại hải ngoại. Ngay sau đó cộng đồng người Việt tại Nam Cali đã biểu tình lên án Trung Cộng tại Los Angeles và nhiều cộng đồng người Việt khác, trên toàn thế giới đã và đang kêu gọi, chuẩn bị biểu tình lên án hành động cùng ý đồ xâm lược của Trung Cộng. Đó là phản ứng của thế giới bên ngoài. Thế phản ứng của nhà cầm quyền Việt Nam và người dân trong nước thì sao?
Để có một cái nhìn khách quan, hãy thử so sánh Việt Nam và Ukraine, hai quốc gia có nhiều điểm tương đồng về hoàn cảnh lịch sử và chính trị địa dư (geo-politic) và so sánh với phản ứng của chính quyền lẫn người dân ở các quốc gia đang tranh chấp với Trung Cộng như Nam Hàn, Nhật và Phi Luật Tân.
Phản ứng của Ukraine trước sự can thiệp (gián tiếp) của Nga cùng nỗ lực vận động của chính phủ non trẻ này thật đáng kể và lập trường cứng rắn, dứt khoát của Nam Hàn, Nhật, Phi Luật Tân trước thái độ hung hăng của Tầu rất đáng nể. Qua đó để thấy phản ứng yếu ớt, chiếu lệ của nhà cầm quyền Việt Nam là một sự tương phản rõ ràng. Trên tờ báo điện tử Quân Đội Nhân Dân, hôm thứ sáu, ngày 9 tháng năm, bên cạnh những bài viết “hoành tráng” nói về chiến thắng Điện Biên Phủ, là một vài bài viết gượng gạo, trưng dẫn những lời tuyên bố bầy tỏ sự quan ngại của những chính khách, học giả của nhiều quốc gia khác về tình hình biển Đông. Đáng sợ hơn là sự im lặng, im lặng một cách khó hiểu, của những người đang nắm vận mệnh đất nước hôm nay. Khẩu hiệu “Quân Đội Nhân Dân Anh Hùng – Bách Chiến, Bách Thắng. Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng” khi xưa mang âm hưởng hợm hĩnh, tự mãn và kệch cỡm như thế nào, thì âm vang hôm nay bẽ bàng, trơ trẽn và tủi nhục như thế đấy. Phản ứng yếu ớt từ giới hữu trách, sự im lặng, im lặng đồng loạt của giới lãnh đạo là một vấn đề. Thái độ thờ ơ, dửng dưng của người dân là một vấn đề khác. Dĩ nhiên không thể và không nên phủ nhận sự can đảm, tấm lòng của vài chục người biểu tình tự phát trước tòa đại sứ Trung Cộng ở Hà Nội và lời kêu gọi biểu tình của những tổ chức dân sự vừa được phổ biến mấy ngày qua.
Phản ứng cầm chừng của nhà cầm quyền và thái độ thụ động của người dân trước vụ việc xẩy ra đã khiến không ít đồng bào ở hải ngoại tức giận và trách móc. Có người cho rằng lỗi một phần từ giới trí thức nô tài. Có người chê trách thái độ dửng dưng, ngủ mê của người dân trong nước. Vấn đề đơn giản chỉ có thế hay còn những yếu tố khác? Hãy thử suy nghĩ thêm về hiện trạng này.
Có phải sự im lặng của giới lãnh đạo CSVN thật sự khó hiểu như đã viết ở trên?
Nếu biết rằng cán cân quân sự giữa Trung Cộng và Việt Cộng chênh lệch đến đau lòng. Nếu hiểu rằng quân đội, vũ khí và trang bị của Việt Cộng thua và kém Tầu Cộng về cả số lượng lẫn chất lượng. Riêng về kỹ thuật và tinh thần chiến đấu của cán binh CSVN lại là một câu hỏi lớn khác. Trong qúa khứ CSVN được hình thành, nắn gọt, đào tạo từ khuôn mẫu CS Liên Sô và CS Tầu. Nói một cách khác CSVN là sản phẩm, là con đẻ của CS Nga và CS Tầu. Hiện tại Việt Nam lệ thuộc Tầu trầm trọng về kinh tế và chính trị. Trung Cộng là chỗ dựa ý thức hệ, là chỗ dựa chính trị để Việt Cộng bám víu và tồn tại. Thua kém và lệ thuộc như thế. Bị đàn anh “tát tai” bất ngờ như vậy. Thì giới lãnh đạo CSVN còn phản ứng nào khác ngoài sự câm nín? Sự câm nín của người đang lúng túng trước một sự kiện bất ngờ và khó xử. Đến một lúc nào đó, sự lên tiếng bất đắc dĩ (phải có và sẽ có) cũng chỉ là lời nói xuông, thiếu tự tin và quyết tâm.
Vai trò của giới trí thức và thái độ của người dân
Nói đến trí thức Việt Nam người ta không khỏi lắc đầu khi liên tưởng đến bằng cấp và học vị lớn đến chóng mặt của những người lãnh đạo quốc gia. Học ở đâu và học tự bao giờ mà bằng cấp lắm thế?
Nói đến trí thức Việt Nam người ta cũng không nén được tiếng thở dài khi nghĩ đến các ông, các bà tiến sĩ, phó tiến sĩ, thạc sĩ, giáo sư, các nhà khoa bảng, viện trưởng viện Vật Lý và tướng tá của những tổ chức có các tên rất kêu như Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam, Trung Tâm Nghiên Cứu Tiềm Năng Con Người mà công trình chính của họ là nghiên cứu “khả năng ngoại cảm”, gọi nôm na là khả năng tiếp xúc với cõi âm qua việc lên đồng, một điều hết sức phản khoa học.
Qua hai dẫn chứng kể trên, có thể kết luận một cách dè dặt rằng, giới trí thức thật sự ở Việt Nam có lẽ không nhiều lắm. Và cũng phải viết như thế để thấy rằng, dẫu không nhiều, nhưng tấm lòng, sự dấn thân và hy sinh của những người trí thức thật sự như Phạm Hồng Sơn, Nguyễn Vũ Bình, Lê Chí Quang, Trần Khải Thanh Thủy, nhạc sĩ Việt Khang, Lê Công Định, Nguyễn Văn Đài, Lê thị Công Nhân, Lê Quốc Quân, Cù Huy Hà Vũ, Trần Huỳnh Duy Thức, Nguyễn Tiến Trung, Phạm Chí Dũng, Nguyễn Huệ Chi, Đinh Đăng Định cùng những sinh viên, học sinh như Nguyễn Phương Uyên, Đinh Nguyên Kha, Đinh Nhật Uy, Đỗ Thị Minh Hạnh, Nguyễn Hoàng Quốc Hùng, Đoàn Huy Chương, Huỳnh Thục Vy và bao nhiêu người khác nữa, trong đó không thiếu những người xuất thân từ những gia đình có bố mẹ, ông bà là đảng viên kỳ cựu, là một sự thật khách quan. Vì vậy kết luận trí thức Việt Nam thuộc loại nô tài e rằng qúa khắt khe.
Còn người dân thì sao? Qủa thật khó lòng phủ nhận thái độ lừng khừng, thụ động của đa số người dân trong hầu hết mọi lãnh vực liên quan đến dân tộc và đất nước. Thái độ này phát xuất từ đâu và vì sao?
Đã từ rất lâu người dân Việt Nam (ở cả hai miền Nam-Bắc) được nhiều lần ăn bánh vẽ. Từ cuộc kháng chiến chống Pháp với khát vọng xây dựng một đất nước “Đồng ta lại hát hơn 10 năm xưa” và “Các anh dựng cho em trường mới nữa” (thơ Tố Hữu) để thấy kháng chiến thành công mang lại một sự thật phũ phàng qua cuộc cải cách ruộng đất, qua vụ Nhân Văn Giai Phẩm, không khí khủng bố đè nghẹt lên đầu người dân với hệ thống trại tù, nhà giam nhiều hơn gấp mấy lần dưới chế độ thực dân. Không ai diễn tả ngắn gọn và đầy đủ hơn về cảm giác thất vọng ê chề này bằng Trần Dần qua câu thơ “Tôi bước đi không thấy phố, không thấy nhà – chỉ thấy mưa sa trên mầu cờ đỏ”.
Lòng yêu nước, ý thức lịch sử và tình tự dân tộc sau đó tiếp tục bị lợi dụng qua những khẩu hiệu “Cuộc kháng chiến thần thánh chống Mỹ cứu nước – giải phóng miền Nam”. Cũng chỉ là bài học lóm từ đàn anh Liên Xô qua Stalin cùng khẩu hiệu “Cuộc Chiến Yêu Nước Vĩ Đại” trong Đệ Nhị Thế Chiến – Yêu nước từng bị xem là một sản phẩm của giai cấp trí thức tiểu tư sản, đi ngược lại tư tưởng cộng sản, cần lên án và loại bỏ. Tuy nhiên Stalin sẵn sàng xài lại trong giai đoạn bí quẫn đến độ phải lôi cả những anh hùng, danh tướng từ thời Nga Hoàng, trong cuộc chiến chống Đại Quân (Grand Armée) của Nã Phá Luân, để khơi lại lòng yêu nước của người dân. Viết như thế cũng để hiểu rõ hơn ý đồ nghị quyết 36 và lời kêu gọi “Hòa Hợp – Hòa Giải Dân Tộc”. Ít ra nghị quyết này cũng lôi kéo được một đoàn Việt Kiều (hay đàn vịt cừu?) nhố nhăng về thăm Trường Sa. Biết đâu thời gian tới Sơn béo (Nguyễn Thanh Sơn) lại không mở một qũy “Xây Dựng Quốc Phòng – Bảo Vệ Tổ Quốc” để vòi tiền người Việt hải ngoại và biết đâu sẽ có khối người Việt “hồ hởi, phấn khởi” mở hầu bao? Số người thích bị lừa thời nào cũng có!
Hôm nay, 39 năm sau, kết qủa của cuộc “kháng chiến thần thánh” là những người dân oan tại vườn hoa Mai Xuân Thưởng, vườn hoa Lý Tự Trọng, nông dân mất đất tại Dương Nội, Văn Giang. Trong số này không thiếu vợ của những tử sĩ, mẹ của những liệt sĩ, thân nhân của những gia đình có công với cách mạng.
“Năm tên công an xúm vào đánh tôi” Giọng kể nhẫn nhục của người đàn bà nông dân mất đất, nghe nhói cả tim. Những tấm hình chụp LS Nguyễn Văn Đài đầu vỡ, áo đầy máu, anh bị 4 tên công an mặc thường phục dùng ly bia đánh, nhìn sót cả ruột. Hình ảnh người cựu chiến binh CS, gầy còm, khắc khổ, khi về hưu ngồi vá xe đạp kiếm sống với ngực áo treo đầy huy chương công trạng trong phim “Chuyện Tử Tế – Hà Nội trong mắt ai” của đạo diễn Trần Văn Thủy không hề là hư cấu. Thực tế thê thảm hơn nhiều. Hình ảnh của dân oan Phàng Sao Vàng, cũng là người lính Điện Biên năm xưa, với số tuổi 79 “thất thập cổ lai hy”, ngực áo đầy huy chương, lặn lội từ Sơn La đến vườn hoa Lý Tự Trọng để tìm công lý sau hơn 20 năm chờ đợi.
Quyền lực hiện nay của đảng CSVN, nhà cầm quyền CSVN có được là nhờ sự hy sinh, máu, mồ hôi và nước mắt của những người chiến binh CSVN đã nằm xuống, cùng những người còn sống như cựu chiến binh lão thành Phàng Sao Vàng và của những gia đình liệt sĩ. Mỉa mai và cay đắng thay, máu của họ đổ xuống đủ nhiều để xây dựng và bảo vệ chế độ, nhưng công sức, sự hy sinh đó không đủ để lo miếng cơm, manh áo và giữ lại ruộng vườn cho chính họ và gia đình.
Bên cạnh đó là cuộc sống xa hoa, sa đọa của giới lãnh đạo, sự lộng hành, trấn áp của guồng máy cầm quyền, sự bất lực của hệ thống hành chánh, luật pháp bởi nạn tham nhũng, hối lộ phổ biến từ trên xuống dưới, tràn lan từ dưới lên trên. Khoảng cách giữa giầu và nghèo càng lúc càng lớn. Giai cấp công-nông “lực lượng tiên phong của đảng CSVN” là giai cấp lầm than, cùng khốn và bị bóc lột nhiều nhất trong xã hội Việt Nam hiện nay. Nói theo kiểu của phương Tây “Cách mạng đã ăn thịt những đứa con của mình”.
Kể bao nhiêu cho đủ, nói bao nhiêu cho hết nỗi thất vọng phũ phàng, cay đắng! Sự “đãi ngộ” của đảng dành cho thương binh, cựu cán binh, gia đình thương binh, liệt sĩ có công với cách mạng còn như thế thì người dân bình thường còn gì để nói?
Bởi thế, tại sao người dân phải tiếp tục nghe và tin những khẩu hiệu giáo điều, rỗng tuếch? Tại sao người dân phải quan tâm đến một tổ quốc “xã hội chủ nghĩa” và phải hy sinh cho một lý tưởng “cộng sản” thật xa lạ? Tại sao họ phải bảo vệ đảng, bảo vệ nhà cầm quyền trong khi chính đảng đó đang thống trị và nhà cầm quyền kia mang lại điều gì cho người dân ngoài sự bất công, đàn áp? Trách người dân thế nào, khi họ chưa hề có những quyền căn bản nhất như tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do lập hội và chưa bao giờ quen với sinh hoạt trong những tổ chức dân sự?
Người cộng sản chưa hề xem ý thức lịch sử, tình tự dân tộc và lòng yêu nước là vốn qúy của dân tộc, là tài sản thiêng liêng của đất nước. Họ chỉ lợi dụng và lạm dụng số vốn và tài sản đó như một phương tiện ngắn hạn để đạt mục đích tối hậu là bảo vệ và củng cố quyền lực của tập đoàn CS. Hiểu như thế để chúng ta có thể thông cảm hơn lý do tại sao người dân dửng dưng và thụ động.
Nhận định trên đây không xuất phát từ cảm tính chủ quan. Lịch sử có thừa những bài học đẫm máu và nước mắt khi người dân ngoảnh mặt.
Năm 1519, nhà thám hiểm Tây Ban Nha (Spain) Hernan Cortes, với quân số chưa tới 1.000 người đã chiến thắng một lực lượng từ 20.000 đến 40.000 quân trong trận Otumba (Mễ Tây Cơ, Mexico), trận chiến mở màn cho sự cáo chung của đế chế Aztec (một đế chế hiếu chiến, có tục tế thần bằng người sống), xóa sổ nền văn minh một thời. Năm 1532, một nhà thám hiểm Tây Ban Nha khác có tên Francisco Pizarro, với 106 bộ binh và 62 kỵ binh đã đánh tan một lực lượng gồm 80.000 quân của quân đội Incas trong trận Cajamarca (Peru) chấm dứt vương triều Inca và đẩy lui nền văn hóa Inca vào dĩ vãng.
Nhận định về những chiến thắng không tưởng trước sự chênh lệch cán cân quân sự quái đản, sự sụp đổ mau và toàn diện của hai nền văn minh rực rỡ tại Nam Mỹ học giả Jared Diamond trong công trình nghiên cứu “Guns, Germs, and Steel, The Fates of Human Societies” đưa ra những yếu tố sau: Vũ khí tối tân nhờ ngựa trận, áo giáp, súng ống và gươm, kiếm bằng kim loại, trội hơn về kỹ thuật tác chiến, mang theo vi trùng của những chứng bệnh mà thổ dân Nam Mỹ chưa/không có sức đề kháng.
Tất nhiên còn có những nguyên nhân khác. Giáo sư Davis S. Landes trong tác phẩm “The Wealth and Poverty of Nations. Why some are so rich and some so poor” đưa thêm một số ví dụ tương tự ở Á Châu qua sự sụp đổ nhanh chóng của đế chế Mughal/Mogul (Ấn Độ). Năm 1757 tại Plassey (gần Calcutta), 3.000 quân của liên quân Anh giao chiến với 50.000-62.000 quân của đế chế Mughal, được trang bị đầy đủ voi trận, ngựa chiến, lạc đà và súng lớn, súng nhỏ. Sau chiến thắng xóa tên đế chế Mughal, thiệt hại của liên quân Anh là 4 quân nhân Châu Âu và 16 quân nhân Ấn Độ. Tổn thất nhẹ như hoang tưởng. Về phía Mughal, đạo quân lớn hơn gấp 20 lần, chỉ tử thương 500 quân, Tại sao một trận đánh lịch sử mang tính quyết định cho cả một đế chế mà thiệt hại của hai bên lại nhẹ đến thế? Thực tế cho thấy chỉ có 12.000 trong số 50.000 quân thật sự tham chiến và khi nhập trận thì lại bỏ chạy thật mau.
Tương tự như vậy, 20.000 liên quân Anh Pháp năm 1860 đánh bại quân đội lớn nhất thế giới lúc bấy giờ là Tầu và thiêu hủy Cung Điện Mùa Hè ở Bắc Kinh. Nhà văn Jung Chang (Trương Nhung), trong tác phẩm mới nhất viết về Từ Hy Thái Hậu (The Empress Dowager Cixi: The Concubine Who Launched Modern China) trích lời Trung Tá G.J. Wolseley “Nếu họ (Trung Hoa) áp dụng chiến thuật vườn không nhà trống (tiêu thổ kháng chiến) như Wellington ở Bồ Đào Nha năm 1809, Nga trong lần phòng thủ Mạc Tư Khoa năm 1812, thì chúng tôi không thể nào tiến vào Bắc Kinh nổi. Họ chỉ cần phá hủy mùa màng, giật sập cầu, tiêu hủy thuyền bè trên những giòng sông và mang gia súc đi nơi khác là chúng tôi thua. Dân Tầu hết sức thân thiện và cung cấp cho chúng tôi mọi tin tức cần thiết và họ bầy tỏ sự căm thù quân đội Mãn Thanh”.
Lịch sử Việt nam cũng không khá gì hơn. Dưới triều vua Tự Đức, liên quân Pháp-Tây Ban Nha. Trong một chiến dịch kéo dài gần 4 năm (từ 1 tháng 9 năm 1858 đến 5 tháng 6 năm1862, ngày ký hòa ước Nhâm Tuất). Chỉ với quân số khoảng 3.000 người, tung hoành từ Đà Nẵng vào tới Sài Gòn và về miền Tây, đánh tan hằng chục ngàn quân Việt Nam, khởi đầu giai đoạn lệ thuộc của đất nước ta. Xin đừng thiên kiến và quy mọi trách nhiệm cho giáo dân. Lỗi cũng không phải từ những dũng tướng, công thần trung liệt như Nguyễn Tri Phương, Phan Thanh Giản. Thử suy nghĩ thêm về sự tương quan giữa một miền Bắc đói khổ, giặc giã triền miên, nhiều như châu chấu (giặc châu chấu) và sự thất trận liên tục của quân đội triều đình. Bối cảnh xã hội và khả năng điều hành của triều đình lúc bấy giờ giữ một vai trò thế nào trong thất bại quân sự?
Làm sao giải thích những sự kiện lịch sử nghịch lý, đầy mâu thuẫn như thế? Giáo sư Landes đưa ra một số điểm tương đồng trong những ví dụ vừa dẫn. Một trong những điểm tương đồng đó là sự độc tài chuyên chính áp đặt lên người dân và sự cai trị dựa trên nền tảng bạo lực, đã dẫn đến thái độ dửng dưng, bất hợp tác.
Lời kết – Từ bài học qúa úakhứ nhìn về tương lai
Bài học từ Hitler qua việc thống thuộc Áo năm 1938, thăm dò phản ứng quốc tế. Sau đó sát nhập vùng Sudetenland của Tiệp Khắc (dựa cớ dân Đức sống trong vùng đòi sát nhập và cuối cùng thôn tính Tiệp Khắc cũng trong năm 1938), được Putin học kỹ và áp dụng vào Crimea. Nhận thấy phản ứng của thế giới trong việc Nga sát nhập Crimea không đáng kể, Trung Cộng cũng muốn nhân cơ hội này nhanh chóng đặt thế giới vào một “việc đã rồi” (fait accompli). Mang dàn khoan vào lãnh hải Việt Nam mới chỉ là bước dọ dẫm đầu tiên. Thời gian tới trung cộng sẽ còn những hành động xa hơn và nếu muốn trung cộng có thể chiếm nhiều đảo trong quần đảo hoàng sa trong vòng 6 tháng mà không tốn một viên đạn.
Trên bàn cờ quốc tế hôm nay, dựa theo những điều đã dẫn, Việt Nam thật sự lẻ loi. Hụt hẫng sau lần trở mặt, phủi tay của đàn anh Tầu. Lúng túng khi mất chỗ dựa chính trị. Không một đồng minh chiến lược và không có cả hậu thuẫn quốc tế. Nhưng nỗi cô đơn đáng sợ nhất là thiếu sự ủng hộ của người dân. Từ lâu Việt Cộng theo đuổi chính sách đu giây ngoại giao: Chạy theo Tầu để tìm chỗ dựa chính trị và lân la với Mỹ để kiếm lợi về kinh tế (phát sinh từ sợ hãi: theo Mỹ luôn sợ mất đảng, theo Tầu hẳn sẽ mất nước). Ngày nay, khi thế lưỡng cực-tam phân (tư bản-cộng sản và Mỹ-Liên Sô-Trung Cộng) không còn thì chính sách đu giây cũng không còn thích hợp.
Muốn đưa đất nước thoát khỏi tình cảnh cùng quẫn hiện nay không phải là một việc khó.
Về đối ngoại, cần có một chính sách rõ ràng, một sự chọn lựa dứt khoát và một thái độ cương quyết.
Về đối nội, thực hiện tiến trình dân chủ hóa đất nước bằng cách tôn trọng những quyền tự do căn bản, tạo điều kiện cho các tổ chức dân sự hoạt động tự do và tham gia từng bước một trong mọi lãnh vực dần tiến đến đa đảng, ứng cử, tranh cử và bầu cử tự do.
Thể hiện sự thành tâm, thiện ý của mình bằng cách nhìn nhận những tội lỗi, sai trái trong qúa khứ và hiện tại. Chứng minh cụ thể bằng cách trả tự do cho tù nhân lương tâm, các nhà bất đồng chính kiến và hoạt động dân chủ. Để làm được điều này, người CSVN cần có trí tuệ và lòng dũng cảm. Trong khi đó, thực tế lịch sử cho thấy bản chất của người cộng sản sẵn sàng thỏa hiệp, chấp nhận nhượng bộ để giữ quyền lực (Lenin từng nhận tiền của Đức để tổ chức biểu tình, đình công gây bất ổn, bất mãn và làm suy sụp tinh thần chiến đấu của quân đội Nga Hoàng, trong cuộc chiến Đức-Nga và Hồ Chí Minh nhận tiền của Pháp để bán cụ Phan Bội Châu). Với bản chất như thế mất dần độc lập và quyền tự quyết là điều không thể tránh khỏi và mất nước là một viễn ảnh không xa lạ.
Trước khi lâm chung, Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn, để lại lời nhắn nhủ “…Dùng người tài giỏi, trên dưới một dạ…Vua tôi đồng tâm, anh em hòa mục, cả nước góp sức….một lòng như cha con, khoan thư sức dân làm kế sâu rễ, bền gốc”.
Biết bao giờ người CSVN học được những bài học lịch sử đơn giản này? Thời gian chờ câu trả lời sẽ dài như chuỗi thời gian đảng CSVN đưa đất nước tiến lên thiên đường XHCN. Hiểu như thế chắc chắn chúng ta, người dân Việt Nam trong và ngoài nước, biết mình phải làm gì trước hiểm họa mất nước về tay Tầu cộng do Việt Cộng gây ra.
Mong như thế. Tin như thế.
11 tháng 5 năm 2014, ngày người dân Việt Nam ba miền xuống đường biểu tình.
© 2014 DCVOnline