Tại sao Trung Quốc nổi giận vì một trận bóng chuyền trên cát?
Mark C. Eades – DCVOnline lược dịch
Trung Quốc là bậc thầy trong việc tạo ra những tác phẩm 100% là tiểu thuyết địa chính trị, và sau đó tự thuyết phục họ rằng đây là những sự kiện “không thể chối cãi” được.
Việt Nam và Philippines xếp lại sự khác biệt của hai bên, và cùng chống Trung Quốc
Trước đây Trung Quốc đã tức giận, nhưng chưa bao giờ nóng gà về một trận bóng chuyền.
Binh sĩ Việt Nam và Philippines đã tụ tập trên một hòn đảo đang có tranh chấp ở Biển Đông hôm Chủ nhật để uống bia và chơi bóng chuyền trên cát, hình ảnh đoàn kết Việt-Phi đã làm Bắc Kinh nổi giận. Cuộc họp mặt diễn ra trên Đảo Song Tử Tây (Southwest Cay) trong quần đảo Trường Sa, đang trong vòng tranh chấp giữa Việt Nam, Philippines và Trung Quốc. Sự hiệp nhất giữa Việt Nam và Philippines trước việc gây hấn ngày càng tăng của Trung Quốc đã tạo ra một phản ứng nhanh chóng từ phía Bắc Kinh.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hua Chunying nói tại một cuộc họp báo hôm thứ hai:
“Quý vị không thấy động thái này của Việt Nam và Philippines là một trò hề vụng về nhất hay sao? Trung Quốc có chủ quyền không thể chối cãi ở quần đảo Trường Sa và các vùng biển lân cận …. Chúng tôi yêu cầu Việt Nam và Philippines ngưng ngay những hành động có thể gây ra tranh cãi và rắc rối … và không làm bất cứ điều gì khác làm phức tạp hoặc phóng đại việc tranh chấp.”
“Chủ quyền không thể tranh cãi” của Trung Quốc trên quần đảo Trường Sa và phần còn lại của biển phía Nam Trung Hoa, tất nhiên, là điều có thể bác bỏ được. Trung Quốc đã tuyên bố chủ quyền trên khoảng 90 phần trăm Biển Đông bằng “đường chín đoạn”, một tuyên bố không được ai công nhận trừ Trung Quốc. Họ đang viết kịch bản về thực t,ế dựa trên ý thích riêng của Trung Quốc mà không quan tâm đến việc thế giới sẽ nghĩ gì. Trung Quốc là bậc thầy trong việc tạo ra những tác phẩm 100% là tiểu thuyết địa chính trị, và sau đó tự thuyết phục họ rằng đây là những sự kiện “không thể chối cãi” được. Vấn đề là Trung Quốc không thể thuyết phục bất cứ ai khác.
Mặc dù đều có tuyên bố chủ quyền trên đảo Song Tử Tây và các đảo khác, Việt Nam và Philippines đã để những khác biệt của họ sang một bên khi phải đương đầu với những gì mà hai quốc gia Đông Nam Á ngày càng coi là một mối đe dọa lớn hơn nhiều từ phía Trung Quốc. Hai nước đã đồng ý mở rộng hợp tác hải quân, và Việt Nam gần đây tỏ ra quan tâm đến việc Philippines đưa hồ sơ tranh chấp với Trung Quốc ra tòa án quốc tế. Cả hai nước cũng đã tăng cường quan hệ với Hoa Kỳ làmTrung Quốc rất khó chịu.
Điều này là tình trạng chung của các quốc gia Châu Á-Thái Bình Dương; họ đang đi đến gần nhau hơn và hợp tác chặt chẽ hơn với Hoa Kỳ vì e ngại sự gây hấn của Trung Quốc. Tuy nhiên, theo Trung Quốc thì những nước láng giềng Châu Á-Thái Bình Dương và Hoa Kỳ chính là nhóm phạm tội “cãi vã và gây rắc rối.” Trung Quốc chỉ là một nạn nhân vô tội vì sự gây rối của những nước khác.
Căng thẳng giữa Trung Quốc và Việt Nam gần đây gia tăng vì TQ đã đặt một giàn khoan khổng lồ gần quần đảo Hoàng Sa ngoài khơi bờ biển của Việt Nam. Trung Quốc đã cáo buộc Việt Nam gửi tàu và thợ lặn để phá hoại hoạt động khoan dầu của họ, trong khi Việt Nam đã cáo buộc Trung Quốc đe dọa các tàu thuyền của Ciệt Nam ở gần giàn khoan. “Hai bên đang thử quyết tâm của đối thủ để xem ai sẽ chớp mắt trước,” nhà phân tích an ninh Alexander Vuving nói. “Trung Quốc hiện ở một vị trí cho thấy họ có quyết tâm hơn Việt Nam. Đây là một phần của tổng thể chiến lược của Trung Quốc để biến Biển Đông thành một cái hồ của Trung Quốc. Một khi Trung Quốc nắm quyền kiểm soát Biển Đông, họ sẽ chiếm được ưu thế trong lĩnh vực hàng hải ở Tây Thái Bình Dương.”
Trung Quốc đã than phiền với Liên Hiệp Quốc, cáo buộc Việt Nam đã làm gián đoạn hoạt động khoan dầu của họ một cách bất hợp pháp và còn đâm vào tàu của TQ. Quần đảo Hoàng Sa “vốn đã là một phần của lãnh thổ Trung Quốc,” đơn khiếu nại của Trung Quốc tại Liên Hợp Quốc cho biết, “và không có sự tranh chấp về điểm này.” Một lần nữa, Trung Quốc lại bịa chuyện, tuyên bố “không thể chối cãi” đó có thể bị bác bỏ hoàn toàn.
Căng thẳng cũng tăng lên giữa Trung Quốc và Philippines vì những tuyên bố “không thể chối cãi” trên một số đảo (thuộc Philippines) là một phần của lãnh thổ Trung Quốc. Bắc Kinh đã cáo buộc Philippines là “một nước có quyết tâm thách thức lợi ích quốc gia của Trung Quốc và kẻ đánh thuê cho thế lực thù địch nước ngoài chống Trung Quốc,” đoạn sau của lời cáo buộc rõ ràng cho thấy mối quan hệ ngày càng chặt chẽ của Manila với Washington.
Trung Quốc tức giận chỉ vì một trận bóng chuyền trên cát. Điều này sẽ không làm cho thế giới có thể coi Trung Quốc là một cường quốc.
© 2014 DCVOnline
Nguồn: China has been angry before, but never about volleyball. By Mark C. Eades June 10, 2014.