Sài Gòn Thất Thủ – Kỳ 17

Komori Yoshihisa & Khôi Nguyên @ HVR

Cho Ben Thanh 02Tuy phải sống trong hoàn cảnh lửa đạn chiến tranh kéo dài, nhưng miền Nam Việt Nam lại là một quốc gia có sức hấp dẫn lạ kỳ. Trong đó, xã hội của thành phố Sài Gòn cũng là nơi tỏ sức thu hút đặc biệt với những mặt tốt xấu, buồn vui, thiện ác của con người được bộc lộ rõ nét.

Hấp lực của một thành phố

Đó là một xã hội thể hiện những phong tục và bản sắc của người dân Việt Nam được pha trộn thêm những nét văn hóa tiêu biểu của Trung Hoa, Pháp và Hoa Kỳ nên có thể nói đây là một sự kết hợp tính đặc thù giữa Đông và Tây, cũ và mới. Điển hình là có những người xem bói và nói về tín ngưỡng thần linh bằng tiếng Pháp một cách sành sỏi.

Sài Gòn trước 1975: Trai thanh, gái lịch. Nguồn: TIME
Sài Gòn trước 1975: Trai thanh, gái lịch. Nguồn: TIME

Không hiểu đó có phải là do cá tính dân tộc của người miền Nam Việt Nam hay là vì những quan niệm về lẽ sinh tử bị ảnh hưởng từ chiến tranh, nhưng họ luôn bộc lộ tình cảm một cách trực tiếp không cần che đậy hay đè nén. Họ vật vã gào khóc khi mất người thân, họ khiển trách than thở trước những tệ nạn của nhà chức trách, họ giận dữ lớn tiếng khi bị lường gạt hoặc mất tiền bạc của cải, v.v. Tóm lại, việc bộc lộ tình cảm vừa trực tiếp vừa khích liệt là những điều xảy ra trong cuộc sống hàng ngày của xã hội miền Nam Việt Nam. Điều này quả thật tương phản với hình ảnh những người Nhật Bản ngồi im lặng chịu đựng trên những con tàu điện ngầm chật kín trong giờ cao điểm đến hãng sở làm việc ở Tokyo.

Tuy nhiên, ở mặt phản diện hầu như trong thâm tâm mọi người đều có khuynh hướng dè dặt và nghi ngờ hay nói cách là không thật tình tin tưởng kẻ khác và đây chính là hai mặt trái ngược khi diễn tả tâm tính của người Sài Gòn. Tức là tuy ta có thể nhìn thấy cảm tình của họ dường như bộc lộ ra hết bên ngoài nhưng mặt khác bên trong lại chất chứa sự nghi ngờ. Vì vậy cũng có thể nhìn được hai yếu tố gắn liền với mặt phản diện này là sự gian dối và sự lừa gạt. Ngoài ra, xã hội cũng nghiêng về sức mạnh của đồng tiền được coi là bối cảnh xuất phát tệ nạn tham nhũng.

Thế nhưng, điều khiến tôi dao động mạnh nhất là nhìn thấy người dân miền Nam kể cả nam lẫn nữ đều có sức sống mãnh liệt dù trong tình trạng đất nước chiến tranh, không biết sống chết lúc nào. Họ luôn tươi cười rạng rỡ và bình thản trong cuộc sống. Quả thật, đối với một người từ thủ đô Tokyo Nhật Bản trong một buổi chiều Xuân êm đềm như tôi chợt thay đổi hoàn cảnh, đi đến vùng đất chiến hỏa này và được mục kích lối sống của người dân miền Nam Việt Nam nên tôi không khỏi ngạc nhiên.

Ban nhạc CBC (Con Bà Cụ) bắt đầu hoạt động từ tháng Bảy năm 1963. Nguồn: VOA tiếng Việt.
Ban nhạc CBC (Con Bà Cụ) bắt đầu hoạt động từ tháng Bảy năm 1963. Nguồn: VOA tiếng Việt.

Tóm lại, kể từ sau khi hiệp định Ba Lê được ký kết vào tháng Giêng năm 1973, tôi càng có nhiều cơ hội tiếp xúc với những người Việt Nam và cảm nhận được những biểu hiện tình cảm hỉ nộ ai lạc của họ. Đó là khoảng thời gian mà cho dù ai cũng biết hiệp định đình chiến Ba Lê chỉ là trò nguỵ tạo nhưng nhịp sống của xã hội Sài Gòn vẫn tiếp tục vươn lên và kỳ vọng về một tương lai hòa bình trong lúc tình hình chiến cuộc có lúc tạm thời lắng dịu.

***

Riêng trường hợp của tôi, cho đến khi quen thuộc với cuộc sống ở Sài Gòn thì cũng phải trải qua nhiều kinh nghiệm thương đau. Nói chung, có những người dân ở đây suy nghĩ rằng người ngoại quốc vốn giàu có nên nếu lường gạt họ bao nhiêu cũng là điều bình thường. Hơn nữa, nếu sự lường gạt xảy ra giữa những người Việt Nam với nhau thì phía bị lường gạt lại bị coi là ngu khờ, dại dột và phải chấp nhận sự thiệt thòi này một cách đương nhiên.

Điển hình là lúc tôi mướn căn phòng trọ trong thành phố do một phụ nữ trung niên kinh doanh tiệm uốn tóc làm chủ, tôi có ký vào một tờ giấy được coi là bản khế ước mướn phòng. Nhưng khi bắt đầu dọn vào ở ngày đầu tiên thì sáng hôm sau có một người đàn ông lạ mặt đến cho tôi biết rằng: “Anh là người nhập cư bất hợp pháp”. Thì ra người phụ nữ nói trên đã tự ý lấy danh nghĩa chủ phòng rồi cho tôi mướn. Sau đó tôi phải trả thêm tiền đặt cọc cho người chủ phòng thật sự. Chưa hết, khi tôi nhờ người bắt đường dây điện thoại trong phòng thì cũng ngay sáng hôm sau khi chuông điện thoại reo thì tôi bắt máy nhưng lại nghe tiếng hai người đàn ông khác đang nói chuyện. Bởi lẽ, đây không phải điện thoại bắt riêng mà họ câu dây từ máy điện thoại chính ở phòng bên cạnh. Dĩ nhiên là tôi bị mất tiền bắt đường giây này và sau đó cũng phải trả thêm tiền để bắt đường giây riêng cho máy điện thoại của mình.

Ngoài ra, tôi cũng từng bị mất xe hơi, bị trộm vào phòng. Đó là lúc tôi ngã bệnh vì chưa quen phong thổ nơi này, sau mấy ngày nằm liệt tôi cảm thấy hồi phục và đi ra ngoài cho khuây khỏa nhưng khi trở về phòng thì thấy kiếng cửa sổ bị phá vỡ và lúc xem lại đồ đạc thì mới biết bị mất tiền, máy chụp hình máy thu âm, v.v.

Thêm một kinh nghiệm khác là do công việc bận rộn nên tôi có mướn một phụ nữ đến dọn dẹp, giặt giũ nhưng trải qua một thời gian dài sau đó tôi mới biết tiền bạc trong ngăn kéo và túi quần đã bị cô ta lấy đi từng chút, Có lần tôi cùng người bạn đi Vũng Tàu tắm biển thì bị trộm chìa khóa xe hơi, cuối cùng phải bỏ tiền ra chuộc lại chìa khóa. Trong khi đó, tôi cũng được nghe nói về tình trạng hối lộ hoành hành trong xã hội.

Cô nữ sinh trung học nay có lẽ đã là bà nội bà ngoại. Nguồn: talkvietnam.com
Cô nữ sinh trung học nay có lẽ đã là bà nội bà ngoại. Nguồn: talkvietnam.com

Tuy vậy, bên cạnh những mặt tiêu cực cũng có biết bao điều tốt đẹp diễn ra nơi những góc cạnh khác của xã hội miền Nam với nhiều mảnh đời cùng cực đầy nghịch cảnh nhưng họ vẫn vững tin vào cuộc sống và giữ được nét thanh khiết trong tâm hồn vốn chứa đựng đầy ý nghĩa tình người khiến tôi vô cùng ngạc nhiên muốn tìm tòi học hỏi thêm. Hoặc có thể nói khác hơn là chính họ đã mang lại những nụ cười và niềm lạc quan yêu đời cho tôi mà từ trước đó tôi chưa hề cảm nhận được nguồn năng lực tạo nên sức sống mãnh liệt đến như vậy.

Tóm lại, trong khi tôi cố gắng nhớ tiếng Việt bao nhiêu thì cũng tiếp xúc thân mật với những người thuộc giai cấp bình dân bấy nhiêu. Từ đó, tôi lại càng bị lôi cuốn vào hấp lực của thế giới nội tâm mang nét đặc dị của người dân trong xã hội miền Nam Việt Nam nói chung và Sài Gòn nói riêng.

Trẻ em, trước 1975, chơi “Ô ăn quan”. Nguồn: talkvietnam.com
Trẻ em, trước 1975, chơi “Ô ăn quan”. Nguồn: talkvietnam.com

Nếu đối chiếu với xã hội Nhật Bản xưa kia, ta cũng thấy được nét tương đồng của xã hội miền Nam về đặc tính bổn phận của cá nhân đối với gia đình. Trong xã hội miền Nam, những người được coi là trụ cột của gia đình luôn có bổn phận phải chăm lo cho cha mẹ, anh chị em và người thân nên có thể nói là họ đã hy sinh cả cuộc đời để chu toàn bổn phận này. Trong mối quan hệ với bạn bè, người quen, người dân miền Nam còn có lối xử thế đặt trên căn bản coi trọng tình nghĩa lẫn thể diện. Tôi đã gặp rất nhiều người tuy trông bề ngoài có vẻ như họ rất chuộng tiền bạc vật chất nhưng bản chất thực sự của họ chính là những người tốt bụng, có lòng giúp đỡ tha nhân và hành xử theo hướng nhân nghĩa đạo đức rất đáng kính trọng.

Thêm nữa, nếu ta xét về trường hợp người dân sống trong một xã hội lâm cảnh nhiễu nhương trong thời kỳ chiến loạn như miền Nam thì có lẽ họ không thể nào có được một cuộc sống nội tâm đơn thuần. Và vì vậy, họ phải thích ứng với hoàn cảnh để sinh tồn trong những môi trường lừa lọc, tính toán. Nói một cách đơn giản là trong bối cảnh cuộc chiến Việt Nam có sự xâm nhập của những thành phần hoạt động cho phía MTGP nên người dân miền Nam khó có thể phân biệt ai là thù ai là bạn và từ đó họ cũng không thể nào tin tưởng người khác một cách dễ dàng.

Những nét đặc tính sinh hoạt của người dân miền Nam Việt Nam còn được một ký giả Nhật Bản nổi danh là Kondo Koichi miêu tả rất sống động qua các loại bài ký sự và tác phẩm của mình. Ông Kondo Koichi vốn là đặc phái viên của tờ báo Sankei tại Sài Gòn, từng lưu học ở Pháp và kết hôn với người trưởng nữ của vị đại sứ Nhật Bản ở Pháp vào năm 1967 nhưng chỉ ba năm sau vợ ông qua đời.

Ông đến Sài Gòn làm việc từ năm 1971 và trong thời gian này đã tái hôn với một phụ nữ Việt Nam tên Bùi Thị Nâu. Sau đó, ông đã viết quyển sách “Saigon Kara Kita Tsuma To Musume” tức “Vợ Con Tôi Đến Từ Sài Gòn” để nói về đặc tính sinh hoạt của người dân miền Nam qua hình ảnh của người vợ ông là bà Nâu và người con gái riêng của vợ tên Mỹ Dung mà ông coi như con ruột. Tác phẩm này đã đoạt được giải thưởng văn học bộ môn tả chân mang tên văn hào Oya Soichi vào năm 1979.

Từ năm 1980, ông Kondo Koichi còn thực hiện hàng loạt bài phóng sự về vấn đề người tị nạn Việt Nam và cũng nhận được nhiều giải thưởng văn học danh giá của Nhật Bản. Tuy nhiên, tác phẩm nổi tiếng nhất của ông liên quan đến sự kiện Sài Gòn Thất Thủ” là quyển sách có tựa đề “Saigon Ichiban Nagai Hi” tức “Sài Gòn Ngày Dài Nhất”. Đáng tiếc là ông Kondo Koichi đã ra đi trong lứa tuổi hãy còn rất trẻ khi mất vào tháng Giêng năm 1986 vì chứng bệnh ung thư bao tử, hưởng dương 45 tuổi.

Trẻ mồ côi. Nguồn: vietnamtalk.com
Trẻ mồ côi. Nguồn: vietnamtalk.com

Trở lại những mảnh đời nổi trôi theo số phận nghiệt ngã mà từ tôi từng chứng kiến tại Sài Gòn thì quả thật họ có sức chịu đựng vượt qua mọi sự tưởng tượng của tôi. Chẳng hạn như trường hợp một vị cao niên trong cùng năm có tới 3 người con trai tử trận nhưng ông vẫn đè nén nỗi đau để vươn sống và chăm lo cho các cháu của mình. Còn một người tôi quen khá thân là cô gái ở lứa tuổi đôi mươi làm việc ở quán bar có mang được 7 tháng thì nghe tin chồng chết ngoài chiến trường và cô vẫn tiếp tục vui sống vì đứa con và người mẹ già của mình. Ngoài ra còn biết bao cảnh ngộ bi thương khác nhưng lạ lùng là họ vẫn nở nụ cười như để trang điểm thêm cho cuộc sống.

Nói chung, từ trong bóng tối chiến tranh, ánh sáng của những nụ cười sảng khoái và những câu nói đùa làm bầu không khí trở nên sôi động chính là hành trang trong cuộc sống của người dân miền Nam. Đó cũng là những bài học giúp tôi nhìn được ý nghĩa cuộc sống để đương đầu với nghịch cảnh.

[Sài Gòn Đẹp lắm, Nhạc sĩ: Y Vân; Ca sĩ: Don Nguyễn.]

Lối sống của người dân miền Nam Việt Nam là như vậy đó và nó luôn thu hút tôi một cách đặc biệt.

© Komori Yoshihisa & Khôi Nguyên @ HVR

(Kỳ tới: Kỳ 18: Kẻ thắng nhập thành)


Nguồn Sài Gòn Thất Thủ – Kỳ 17. Komori Yoshihisa & Khôi Nguyên @ HVR.