Nền kinh tế toàn cầu đang cùng đi lên
Leaders (The Economist) | DCVOnline
Nền kinh tế trong mười năm qua đã được đánh dấu bằng một loạt những bình minh chợt tắt. Lần này thực sự thế giới có khác.
Những chu kỳ kinh tế và chính trị có thói quen không đồng bước. Chỉ cần hỏi George Bush cha, thất cử tổng thống năm 1992 vì cử tri đổ lỗi cho ông về cuộc suy thoái kinh tế gần đó. Hay hỏi Chancellor Gerhard Schröder, bị cử tri Đức đá khỏi ghế vào năm 2005 sau khi áp dụng những cải cách khắc nghiệt, rồi để cho Angela Merkel nhận lấy phần thưởng.
Ngày nay, gần mười năm sau cuộc khủng hoảng tài chính nghiêm trọng nhất kể từ cuộc Đại suy thoái, nền kinh tế thế giới đang phát triển (xem ở đây). Ở Mỹ, Châu Âu, Châu Á và các thị trường mới nổi, lần đầu tiên kể từ cuộc hồi phục ngắn trong năm 2010, tất cả các động cơ kinh tế đồng loạt khởi động.
Nhưng tâm trạng chính trị lại chua chát. Một cuộc nổi dậy của chủ nghĩa dân túy, được nuôi dưỡng trong những năm kinh tế tăng trưởng chậm, vẫn đang lan rộng. Toàn cầu hoá không được ủng hộ. Một người theo chủ nghĩa dân tộc kinh tế đang ngồi ở Toà Bạch Ốc. Tuần này tất cả các cặp mắt đều theo dõi cuộc bầu cử ở Hoà Lan với Geert Wilders, một người theo chủ thuyết chống Hồi giáo (xem ở đây), chỉ là một trong rất nhiều điều bất bình đang xẩy ra ở châu Âu.
Sự bất hòa này nguy hiểm. Nếu các chính khách dân túy giành được uy tín vì một nền kinh tế phồn vinh hơn, chính sách của họ sẽ đạt được tín nhiệm, với khả năng có hiệu ứng tàn phá. Chờ đợi đã lâu sự phát triển kinh tế ngày nay nâng cao tinh thần và làn người ta tự tin hơn, câu hỏi lớn là: cái gì nằm phía sau của nó?
Nay tất cả cùng đi lên
Mười năm vừa qua đã được đánh dấu bằng những lầm tưởng là đã đến buổi bình minh, những lần lạc quan vào đầu năm đều đã tắt sớm – dù là do cuộc khủng hoảng của đồng euro, hay vì sự lung lay ở các thị trường mới nổi, hoặc do sự sụp đổ của giá dầu hay vì lo ngại về cuộc khủng hoảng ở Trung Quốc. Nền kinh tế Mỹ vẫn tiếp tục phát triển, nhưng bị lực cản chận đầu (xem ở đây). Một năm trước, Ngân hàng Trung ương dự định sẽ tăng lãi suất bốn lần vào năm 2016. Sự suy sụp toàn cầu đã chận đứng dự tính đó.
Bây giờ mọi thứ đã khác. Tuần này, Ngân hàng Quốc gia Hoa Kỳ đã tăng lãi suất lần thứ hai trong vòng ba tháng – nhờ sự tăng trưởng của nền kinh tế Mỹ, đồng thời cũng vì sự tăng trưởng ở mọi nơi. Lo ngại về tình trạng sản xuất dư thừa của Trung Quốc, và việc giảm giá đồng Nhân dân tệ, đã lùi xa. Vào tháng hai, lạm phát cửa nhà máy đã gần mức cao nhất trong 9 năm. Ở Nhật Bản chi tiêu vốn đầu tư trong quý thứ tư tăng nhanh nhất trong ba năm. Khu vực đồng euro đã đạt được tốc độ từ năm 2015. Chỉ số cảm nhận kinh tế của Ủy ban châu Âu lên cao nhất kể từ năm 2011; Tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực châu Ấu xuống mức thấp nhất kể từ năm 2009.
Những chỉ dấu kinh tế toàn cầu cũng sáng sủa hơn. Trong tháng hai, Nam Hàn, một đại diện cho thương mại thế giới, đã tăng mức tăng trưởng xuất cảng lên trên 20%. Giới sản xuất Đài Loan đã có 12 tháng liên tục mở rộng. Ngay cả ở những nơi có nguy cơ suy thoái kinh tế, điều tồi tệ nhất đã qua đi. Nền kinh tế Brazil đã thu hẹp lại trong tám quý liên tiếp nhưng với kỳ vọng lạm phát đã kiểm soát được, lãi suất đang giảm. Brazil và Nga có thể sẽ góp phần vào GDP toàn cầu trong năm nay, chứ không phải làm nó giảm đi. Viện Tài chính Quốc tế cho biết trong tháng 1, các nước đang phát triển đạt tốc độ tăng trưởng hàng tháng nhanh nhất kể từ năm 2011.
Điều này không có nghĩa nền kinh tế thế giới đã trở lại bình thường. Giá dầu giảm 10% trong tuần tính đến ngày 15 tháng 3 với những lo ngại về tình trạng thừa cung; Sự tiếp tục xuống giá dầu sẽ ảnh hưởng đến nền kinh tế của giới sản xuất nhiều hơn lợi ích cho người tiêu dùng. Việc tăng nợ của Trung Quốc là mối lo ngại kéo dài. Tăng trưởng năng suất trong thế giới giàu có vẫn còn yếu. Ngoài nước Mỹ, tiền lương vẫn tăng chậm. Và ở Mỹ, sự gia tăng sự tự tin trong giới kinh doanh vẫn chưa được chuyển thành sự gia tăng đầu tư.
Đẩy mạnh việc phục hồi kinh tế đòi hỏi có sự cân bằng. Khi kỳ vọng lạm phát gia tăng, những ngân hàng trung ương sẽ phải cân nhắc việc làm áp lực để thắt chặt chính sách chống lại rủi ro nếu thị trường trái phiếu và người vay nợ gặp khó khăn. Châu Âu đặc biệt dễ bị tổn thương, vì Ngân hàng Trung ương Châu Âu đang ở giới hạn pháp lý của chương trình mua trái phiếu mà họ đã sử dụng để giữ tiền ở các nền kinh tế yếu kém.
Nguy cơ lớn nhất, tuy nhiên, là những bài học mà chính khách rút ra. Donald Trump đang hát những lời tự khen mình sau khi có thống kê tốt về việc làm và sự tự tin của giới tiêu dùng. Đúng là tình trạng thị trường chứng khoán và kinh doanh đã được đẩy mạnh vì những lời hứa về việc bãi bỏ quy định và tăng công khố. Tuy nhiên, việc ông Trump tuyên bố đã bắt đầu đẻ ra việc làm một cách kỳ diệu hoàn toàn chỉ là sự khoác lác. Nền kinh tế Mỹ đã tạo thêm việc làm trong 77 tháng liên tiếp.
Không có Keynes, không có lợi
Quan trọng nhất, việc kinh tế đang tăng không liên quan gì đến chủ nghĩa dân tộc kinh tế “Mỹ trước tiên” của Trump. Nếu có gì thì đó là sự tăng lên toàn cầu sẽ chứng minh cho các chuyên gia rằng giới dân túy hiện nay vẫn công khai chỉ trích. Các kinh tế gia từ lâu đã lập luận rằng sự phục hồi kinh tế từ các vụ khủng hoảng tài chính thường cần nhiều thời gian: nghiên cứu về 100 cuộc khủng hoảng ngân hàng của Carmen Reinhart và Kenneth Rogoff của Đại học Harvard cho thấy, trung bình, thu nhập chỉ trở lại mức trước khủng hoảng sau tám năm dài. Hầu hết các nhà kinh tế cũng cho rằng cách tốt nhất để phục hồi sau những cuộc khủng hoảng nợ là dọn dẹp nhanh các bảng chi thu, giữ chính sách tiền tệ uyển chuyển và áp dụng các biện pháp kích thích tài chính bất cứ khi nào có thể.
Sự phục hồi ngày hôm nay xác nhận độ hiệu nghiệm của toa thuốc đó. Ngân hàng Trung ương Mỹ đã giữ mức lãi suất thật thấp cho đến khi họ thấy có đầy đủ việc làm cho thị trường lao động. Chương trình mua trái phiếu của Ngân hàng Trung ương châu Âu đã làm chi phí vay nợ của các quốc gia dễ rơi vào khủng hoảng có thể chấp nhận được, tuy vậy châu Âu trong thời gian vừa qua đã thắt lưng buộc bụng không đúng chỗ, mới nới lỏng, đã làm cho việc phục hồi khó khăn hơn. Tại Nhật, tăng VAT (thuế giá trị gia tăng hay thuế hàng hoá dịch vụ) đã nhận chìm sự phục hồi trước đó; Lần này chính phủ khôn ngoan hơn, trì hoãn không tăng VAT cho đến năm 2019.
Cuộc tranh cãi về việc ai tạo ra sự phục hồi này phức tạp hơn việc giành quyền khoe khoang. Sự cổ xuý nền kinh tế dân túy sẽ ủng hộ các đảng phái nổi dậy ở các nước như Pháp, nơi Marine Le Pen hiện đứng ở vị trí hàng đầu trong cuộc tranh cử tổng thống. Nó cũng gây thuận lợi cho những chính sách sai. Những đề nghị cắt giảm thuế của ông Trump sẽ củng cố những khu vực kinh tế ít cần được hỗ trợ nhất – và làm nhiệm vụ của Ngân hàng Trung ương thêm phức tạp.
Với nhãn quan thế giới riêng củng cố bằng lòng tin đặt sai chỗ, những người theo khuynh hướng bảo vệ trong chính phủ có thể cố vấn ông Trump xoá bỏ hạ tầng cơ sở của sự toàn cầu hoá (ví dụ, không cần đến Tổ chức Thương mại Thế giới trong những tranh chấp thương mại với Trung Quốc), có thể đưa đến cuộc chiến tranh thương mại. Sự phung phí ngân sách ở trong nước và một đồng đô la mạnh hơn sẽ làm tăng thâm hụt thương mại của Mỹ, điều này có thể làm họ mạnh tay hơn. Chủ nghĩa dân tuý không có công trạng gì với nền kinh tế đang tăng. Tuy nhiên, nó vẫn có thể làm sự phục hồi tiêu tan.
© 2017 DCVOnline
Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net”
Nguồn: The global economy enjoys a synchronised upswing. Leaders, The Economist. Mar 18, 2017.