Đi biểu tình phải có thông điệp rõ chứ
Jonathan London
Cho đến nay tôi có nhiều bạn Việt Nam từ mọi phía và mọi quan điểm chính trị. Và ở đây tôi hoàn toàn không có ý định đi sâu vào nội dung của những sự bất đồng chính trị trong cộng đồng Việt Nam toàn cầu, kể ca trong và ngoài nước.
Chỉ muốn chia sẻ ý một nhận xét mà thôi: Việc trong những biểu tình vì Hoàng Sa, Trường Sa, và Biển Đông có những biểu trưng chính trị khác nhau (thậm chí ngược nhau ngay trong một cuộc biểu tình) theo tôi chẳng giúp thế giới hiểu gì về Việt Nam và rất có thể giảm mạnh hiệu qua của những nỗ lực để huy động sự ủng hộ của quốc tế.
Đối với những cuộc biểu tình, vấn đề “thông điệp” là hết sức cơ bản và quan trọng. Rõ rằng đến nay những biểu tình trong nước đã chưa thành công. Ở ngoài nước, tôi cũng lo hơn một chút. Từ những người phô bày những hình ảnh của Hồ Chí Minh tại Hồng Kông (nghĩ gì về HCM, Ông thực sự có liên quan gì không? Có giúp thế giới thương Việt Nam?) cho đến những bạn hát các bài của VNCH ỏ Mỹ (vâng, hát thì hát nhưng hát cho ai?), phải nhớ rằng, đối với những ai mà không phải là người Việt Nam, thì thấy hình ảnh của HCM hay cơ vàng họ sẽ nghĩ đến Cụ Ông KFC hay hàng DHL hơn là động thái bất chính đáng của Trung Quốc.
Vì thế, những sự chia rẽ và những thông điệp không rõ hay không liên quan theo tôi là một trở ngại cực lớn phải cố gắng khắc phục một cách nào đó.
Vậy, nhờ bạn xem hình ảnh ở dưới. Dù ảnh này chưa được đẹp lắm, và chỉ có vài người, hình ảnh là hay ở chỗ là nội dung của nó là rõ, thống nhất, và thông điệp đang được gửi là cực rõ và liên quan trực tiếp đến vấn đề. Ai mà không mù chữ và sáng tạo một chút cũng có thể tạo ra nhũng cách để gửi những thông điệp rõ mà cần được gửi.
Nói thế tôi chẳng có ý nói xấu gì (dù thừa nhận cách viết trên cũng quá đáng một chút).Và đương nhiên chủ đề này còn rất phức tạp. Trên Facebook cũng có người nêu những vấn đề về lá cờ và những vấn đề trên đường xây dựng một trật tự xã hội dân chủ hơn ở Việt Nam.
Rõ ràng những bạn đang biểu tình vì đất nước đều rất là tâm huyết, dù biểu tình trong nước vẫn gặp những trở ngại. Vấn đề là ở chỗ cách làm, hoặc là những thông điệp đang gửi. Về toàn thể – tôi lo những thông điệp rất có thể là còn quá yếu, vì chưa rõ, vì chưa (đủ) thống nhất. Nói thế có đúng không? Và nếu có, xin hỏi: Có giải pháp cho vấn đề này không? Hay chỉ cứ làm mãi kiểu cũ của mình trong một lúc quyết định?
Trong trang Facebook của mình đã có tới 200 bình luận hay. Ở đây chỉ xin chia sẻ một trong những bình luận đó, là của bạn Bà Đầu Đinh mà đã phân tích như ở dưới. Xin chia sẻ toàn bài:
Hàn gắn sự chia rẽ Việt Nam
Jonathan London có nói đến sự chia rẽ hay bất đồng chính trị giữa những người Việt Nam. Chủ đề JL đưa ra thực sự là “nhạy cảm”. Vì nó đụng chạm đến những khía cạnh hận thù, rắc rối, gây chia sẽ, và cả những xung đột lợi ích nữa.
Lịch sử để lại. Cuộc chiến kéo dài mấy chục năm. Cuộc chiến đó là cuộc xung đột dai dẳng trên nhiều lĩnh vực. Xung đột về hệ tư tưởng (quốc gia, cộng sản). Xung đột của chiến tranh lạnh (sự can thiệp hay là xung đột giữa các nước lớn, giữa Mỹ và Nga Xô, Trung Cộng). Xung đột của những hận thù dân tộc.
Sự chia rẽ, và hận thù.
Những hận thù, tội ác bên này gây cho bên kia và ngược lại. Và chiến tranh càng kéo dài, hận thù càng chồng chất. Một bên sẽ kể về những cuộc cải cách ruộng đất, cải cách tư sản, cuộc di cư, trận chiến Mậu Thân…. Một bên sẽ kể về những cuộc thảm sát luật 10/59, nhà tù Phú Lợi, Côn Đảo, Phú Quốc, Mỹ Sơn…. Xung đột này xuất hiện ở mọi gia đình Việt Nam. Hầu hết các gia đình Việt Nam đều có người thân, anh em, họ hàng thuộc về cả 2 phía. Đó thật sự là một bi kịch. Bi kịch khủng khiếp giữa những người thân trong gia đình, dòng họ.
Với tất cả những “di sản” nặng nề này, người Việt Nam thật không dễ để rút chân ra khỏi vũng lầy của sự hận thù. Xung đột sắc tộc diễn ra ở khắp nơi trên thế giới. Mỗi nơi có những đặc thù riêng. Nhưng những vấn đề do lịch sử để lại luôn là những vũng bùn to lớn và nhầy nhụa. Thật khó mà rút chân ra.
Ngày xưa, khi người Pháp đến Việt Nam, họ đã chia Việt Nam thành 3 miền. Ngày đó, lịch sử đã gọi đó là “chia để trị”. Rồi, Mỹ cùng với Nga và Tàu lại tiếp bước Pháp, lại chia Việt Nam thành 2 miền. Cuộc chia cắt dai dẳng, kéo dài hàng trăm năm, cộng với chiến tranh tàn khốc. Người Việt, cho dù không coi nhau như những người khác nước (có lẽ khác với Triều Tiên – Hàn Quốc, Mông Cổ – Nội Mông, và có thể ở nhiều nơi khác nữa…) nhưng lại coi nhau như người ở 2 chiến tuyến.
Các nước lớn đã không thành công khi chia cắt đất nước, nhưng đã thành công khi chia rẽ lòng người Việt Nam. Trong khi những cuộc chiến sắc tộc trên thế giới cứ kéo dài vô tận, với hận thù vô tận, chồng chất, thì với người Việt, câu chuyện không phải là sắc tộc, nhưng cũng là hận thù và chia rẽ.
Bàn tay của các nước lớn
Có người nói rằng Mỹ đã ném 2 quả bom nguyên tử xuống Nhật, hàng bao tấn bom xuống Việt Nam, đó là cái giấy nợ. Quả thực, nếu người Mỹ coi đó là cái “giấy nợ” thì người Mỹ cũng là đáng tôn trọng. Câu hỏi là vậy người Nga Xô, Trung Cộng có nghĩ đến cái “giấy nợ” của họ không? Nếu không có họ, chắc đã không có cuộc chiến đó. Điều đáng suy nghĩ là, bàn tay của những nước lớn vẫn đang tiếp tục thò vào câu chuyện của Việt Nam.
Hàng ngày, hàng giờ, câu chuyện Biển Đông đang có sự hiện diện của các nước lớn. Họ giúp làm dịu tình hình hay họ khoắng cho nó đục ngầu lên?! Và chính người Việt, từ các phía, đang bị lôi kéo vào những vụ “khoắng đục ngầu” lên. Sự thực thì người Việt được lợi gì khi cứ bị cuốn theo những cuộc tranh giành của các nước lớn. Nếu người Việt không tỉnh ra, không biết tự chủ trong suy nghĩ của mình, cứ tiếp tục chạy theo những bàn tay lớn thì không biết đến bao giờ mới dừng cuộc tranh cãi giữa những người tự coi là cùng giòng giống.
Hệ tư tưởng
Mọi người nói nhiều đến hệ tư tưởng. Bên quốc gia, bên cộng sản. Cuộc chiến tư tưởng này chính là nguồn gốc gây chia rẽ. Cuộc chiến tư tưởng gây ra xung đột, và kết quả là gây ra hận thù. Nhưng, chúng ta thử suy nghĩ kỹ xem cái hệ tư tưởng này là cái gì? Cái hệ tư tưởng này liệu có khả năng cải thiện, thay đổi được không?
Thật ra, trước khi có cái hệ tư tưởng này thì người Việt chẳng có gì phải xung khắc với nhau cả. Bỗng một ngày vớ vẩn nào đó, bọn phương Tây nó đem cái hệ tư tưởng gây chia rẽ này đến Việt Nam và người Việt Nam ngây thơ, và mắc vào cái mớ bòng bong này. Tôi nói ra điều này chắc sẽ ăn đá của cả 2 bên. Cả bên Quốc lẫn bên Cộng sẽ bảo rằng tôi nói láo. Rằng tôi mất lập trường. Nhưng, xin mọi người hãy bình tĩnh. Xin hãy suy nghĩ kỹ rồi có ném đã sau cũng chưa muộn.
Vả lại, xin mọi người cho phép tôi có cái quyền được nói. Quyền có ý kiến trái chiều. Nếu người Việt vẫn còn bám víu vào những cái hệ tư tưởng từ đẩu từ đâu mang đến này để mà anh em, ruột thịt tiếp tục xông vào xung đột với nhau thì phỏng có ý nghĩa gì không? Ai được lợi từ những cuộc xung đột tư tưởng này? Người Mỹ, cùng với người Nga, và người Tàu mang những cái thứ xung đột tư tưởng này đến Việt Nam, rốt cuộc ai được hưởng lợi? Người Việt được gì? Người Việt tự xông vào xoi mói nhau thì được gì? Người Việt đã bị chia cắt quá lâu rồi. Nếu tiếp tục như thế này thì chia cắt đến bao giờ?
Nhiều người sẽ nói rằng nếu cứ tiếp tục tư tưởng CS thì không phát triển được đất nước. Có người sẽ nói rằng tư tưởng quốc gia của Ngụy ngày xưa thì chỉ làm hại đất nước. Nếu cứ tiếp tục xỉa xói nhau như thế thì giải quyết được gì? Trong một nhà cũng luôn có nhiều ý kiến khác nhau, trong xã hội luôn có những ý kiến trái chiều. Liệu chúng ta có thể học cách tôn trọng ý kiến, tư tưởng của các bên được không? Liệu có thể chấp nhận khác biệt tư tưởng để cùng bắt tay nhau không? Liệu có thể đừng mắng nhiếc tư tưởng của nhau hay không? Cái này có vẻ khó đây!!!
Kết nối từ tất cả các bên
Mọi người sẽ nói rằng lỗi là tại bên phía nhà nước CS còn phân biệt. Có người sẽ nói là những người hải ngoại vẫn cứ tiệp tục hận thù… Tất nhiên, muốn hòa giải thì phải có thiện chí. Không có thiện chí thì quả là khó. Nhưng có thiện chí vẫn chưa đủ. Cần phải chủ động hành động, vận động. Cuộc chia rẽ đã quá lâu, quá sâu sắc nên việc hàn gắn không hề dễ dàng. Nó đòi hỏi chủ động, và hành động, vận động quyết liệt. Nếu cứ ngồi chờ phía nhà nước, hay ngồi chờ phía hải ngoại thì… chả biết đến bao giờ. Gần đây, đã có rất nhiều hoạt động, hành động nhằm hàn gắn, kết nối. Chắc chắn trong tương lai gần tình hình sẽ cải thiện lên nhiều.
BĐĐ HN, 8/7/14
Xin thêm vào đó một ý tưởng kết thức. Trong quá trình đấu tranh, một trong những việc quan trọng nhất Việt Nam phải làm (dù vẫn còn là một điểm yếu) là việc gửi những thông điệp cực rõ cho toàn thế giới. Ngoài những biểu tình cũng cần có những nỗ lực khác nữa. Chẳng hạn, không ít người cho rằng Việt Nam phải tập trung đầu tư cho một nỗ lực lớn trong việc này. Như một bạn đã chia sẻ,việc đó rất có thể quan trọng hơn là chỉ đâu tư chạy đua mua vũ khí quốc phong mà thôi.
Vậy, dù qua những biểu tình hay những phương điện khác, Việt Nam phải gửi những thông điệp rõ mạnh và hiệu quả. Rồi, xem các bạn nghĩ sao và làm gì.
JL, Hồng Kông
Nguồn: Đi biểu tình phải có thông điệp rõ chứ. Jonathan London, Blog Xin lỗi Ông. July 8, 2014. DCVOnline minh họa thêm.