Không chỉ là một tấm bản đồ phượt
Trọng Hiền
Cách đây vài ngày, mình thấy một tấm bản đồ thú vị, có lẽ là do dân phượt làm ra. Bản đồ này chỉ rõ từng địa danh quan trọng của toàn nước Việt Nam, các cách chúng kết nối với nhau thế nào và khoảng cách bao nhiêu. Nhìn kỹ lại, tấm bản đồ phượt này không đơn giản chỉ là một tài liệu hữu ích để đi du lịch, nó còn thể hiện một ý nghĩa khác – một minh chứng cho sự tương tác, kết nối và hòa hợp của người dân ba miền đất nước ở một mức độ chưa từng có trong lịch sử Việt nam. Tấm bản đố ấy đã trở thành niềm cảm hứng cho bài viết này.
Nhìn lại hành trình lịch sử
Mình nghĩ thế hệ những người đã đi qua thời điểm 1975 lúc cách đây 40 năm chắc có lẽ sẽ không nghĩ rằng, sẽ có ngày họ thấy tấm bản đồ như thế này. Có thể nói để có được tấm bản đồ ấy là một hành trình nhiều biến cố đau thương của dân tộc Việt. Hành trình ấy liên quan nhiều yếu tố, lịch sử, quân sự, chính trị và văn hóa – và xuất phát đầu tiên là từ hai cuộc viễn chinh mở mang bờ cõi quan trọng trong lịch sử dân tộc: Nam tiến và Tây tiến.
Nam tiến là mở rộng bờ cõi về phía Nam, đưa lãnh địa nước Đại Việt vượt qua dãy Hoành Sơn (dãy núi chia cách Hà Tĩnh – Quảng Bình). Cuộc Nam tiến này bắt nguồn từ triều đại các vua Lý, Trần, Lê … trong cuộc tranh chiến trường kỳ qua nhiều thế kỷ của họ với vương quốc Chăm Pa. Phần thắng cuối cùng thuộc về nước Đại Việt và vương quốc Chăm Pa hoàn toàn bị xóa sổ vào thế kỷ 17. Sự Nam tiến này có sự đứt gãy và mang một hình thức khác do sự phân chia Đàng Trong và Đàng Ngoài (từ 1620-1788 với địa phận chia cách là sông Gianh cách dãy Hoành Sơn 15 cây số). Trong thời kỳ phân chia này, nhà Nguyễn ở Đàng Trong tiếp tục mở rộng bờ cõi, tranh đấu với quốc gia Khmer, khai phá, di dân vào phía Nam để cuối cùng mở rộng lãnh thổ tới tận mũi Cà Mau, chạm vùng biển phía Nam như hiện nay. Hành trình Nam tiến này kết thúc vào khoảng năm 1802 (khi vua Gia Long thắng nhà Tây Sơn và bình định đất nước sau 300 năm loạn lạc).
Song song và kế tiếp Nam tiến là Tây tiến. Dân chúng dưới sự bảo hộ và khuyến khích của nhà Nguyễn tiến tục tiến về phía Tây, lập các vùng lãnh thổ dân cư trong các vùng đầm lầy không người ở ở đồng bằng sông Cửu Long. Hành trình này đã tiếp tục mở rộng bờ cõi về phía Tây và tạo nên vùng tiếp giáp Campuchia ngày nay. Công cuộc Tây tiến này khựng lại khi Pháp tiến vào chiếm đóng Việt Nam (1858) và sau đó thiết lập chế độ thuộc địa, quy định biên giới.
Sau Nam tiến và Tây tiến, là quá trình ngắn ngủi độc lập của vương triều nhà Nguyễn, vốn chỉ đủ để áp đặt một hệ thống quyền lực xuyên suốt ba miền Nam Trung Bắc cũng như dịch chuyển dần trung tâm văn hóa chính trị (kinh thành) về miền Trung, điểm rốn về mặt địa lý của đất nước mới. Nước Việt sau đó nhanh chóng bị đô hộ, người Việt Nam lao vào các phong trào kháng chiến chống Pháp, rồi Pháp xong lại đến Mỹ, đất nước trở thành con chốt trên bàn cờ các cường quốc khiến phải bị chia cắt hai miền Nam – Bắc với vĩ tuyến 17 năm 1954. Chỉ đến khi cuộc chiến Bắc – Nam kết thúc năm 1975 thì mới là lần thứ hai (sau vương triều nhà Nguyễn) có được một nước Việt thống nhất 3 miền, do người Việt làm chủ.
Chỉ là bắt đầu một thời kỳ kết nối và hòa hợp
Lược trình lại lịch sử nhiều biến cố của dân tộc như vậy để thấy rằng, cho dù đất nước đã hợp nhất Nam Trung Bắc từ năm 1975 nhưng đó chỉ là sự kết nối về mặt lãnh thổ địa lý, chính trị. Bên trong khối lãnh thổ thống nhất đó vẫn có sự chia cắt về mặt văn hóa, thiếu sự thấu hiểu và tôn trọng nhau giữa người dân ba miền. Nam tiến từ thời Đàng Trong nhà Nguyễn suy cho cùng là hành trình người Trung đổ bộ về phía Nam, trong khi người miền Bắc hoàn toàn đứng ngoài trong hành trình này (do phân chia Đàng Trong – Đàng Ngoài). Người miền Bắc chỉ vào trong Nam sau này, khi có cuộc chuyển nhân công cho đồn điền thời Pháp, cuộc di dân Bắc Nam năm 1954 và thời kỳ di chuyển cán bộ sau 1975. Bên cạnh đó, di sản chiến tranh cuộc chiến Nam Bắc vẫn còn để lại nặng nề: tâm lý kẻ thắng người thua, vết thương vẫn còn đó từ những hình thức trấn áp tàn khốc phe thắng cuộc (trại cải tạo, đánh tư sản, xét lý lịch…) dẫn đến sự liều mình bỏ xứ ra đi của hàng triệu người ở miền Nam sau 1975.
Nhưng bỏ qua các yếu tố đạo đức và chính trị, từ sau năm 1975, có thể nói chưa bao giờ người Việt chúng ta có một cơ hội lớn để đi khắp mọi miền đất nước, khám phá hang cùng ngõ hẻm, khám phá vùng đất của nhau, văn hóa của nhau như thế này. Người miền Nam đi khám phá miền Trung, miền Bắc, người miền Bắc đi vào Nam, người miền Trung đi tứ xứ, người đồng bằng khám phá miền núi, Đông tìm sang Tây. Trong các thành phố lớn như Hà Nội, Sài Gòn đầy đủ thành phần của người dân ba miền tập trung lại một chỗ, giao tiếp nhau, tương tác nhau.
Chắc có lẽ nhiều người trong Nam vẫn còn nhớ cảm giác khó chịu khi những ngày đầu tiên khi chương trình truyền hình Việt Nam phủ sóng toàn quốc vào những năm 90, phải nghe các chương trình thời sự VTV, với giọng Bắc của các phóng viên. Dĩ nhiên sau một thời gian cảm giác khó chịu đó không còn nữa mà dần dần trở thành bình thường, quen thuộc. Đó có thể coi là một ví dụ của tiến trình hòa hợp Nam Bắc.
Trong quá trình kết nối hòa hợp ba miền đó, có một sự đóng góp của ba nhân tố quan trọng mà thời vương triều Nguyễn không có được: đó là chữ quốc ngữ, phương tiện đi lại và công nghệ.
Chữ quốc ngữ: Thời kỳ đất nước thống nhất nhà Nguyễn, chữ viết Hán Nôm chỉ là dành cho dân có học và quan lại, không dành cho dân thường. Từ sau 1945 một phần do nhu cầu tuyên truyền cho dân chúng để hiểu và theo phe mình, cả hai phe Nam Bắc đều đẩy mạnh giảng dạy và phổ biến chữ quốc ngữ. Đến thời điểm này chữ quốc ngữ đã hầu như được phổ cập cho toàn dân Việt Nam.
Phương tiện: xe hơi, xe lửa, xe gắn máy, máy bay – chưa bao giờ người dân ba miền dễ đi đến với nhau như thế này.
Công nghệ: các chương trình truyền hình, ti vi, báo đài, internet vừa đem đến kiến thức cho người dân ba miền, vừa kết nối họ với nhau một cách phi vật lý.
Nhà nước đầu tiên của một nước Việt Nam mới
Có thể nói lịch sử của nước Việt Nam trải dài hơn ngàn năm, nhưng một đất nước Việt mới – đúng nghĩa thống nhất ba miền, Nam Trung Bắc, với một hệ thống ngôn ngữ và chữ viết riêng (tách hẳn khỏi hệ chữ tượng hình Hán Nôm vốn ảnh hưởng nặng nề từ văn hóa Hán) – thì chỉ mới được gần 40 năm (từ năm 1975 đến nay). Hành trình để người Việt Nam hòa hợp, thống nhất và tìm hiểu nhau vẫn còn một con đường dài phía trước. Suy cho cùng, nhà nước Việt Nam hiện nay là nhà nước đầu tiên của nước Việt Nam mới ấy. Nhấn mạnh ý này để mọi người Việt có lòng với đất nước thấy là con đường để dân tộc Việt đi lên sự hùng cường và văn minh còn rất dài phía trước.
Thời của các thế hệ trẻ
Nhìn chung thế hệ trẻ Việt Nam hiện nay đang có một cơ hội quá lớn và quá khác so với cha ông của mình. Cha ông của họ thường sống trong lũy tre làng, hay trong một cuộc chiến phân chia Nam bắc, với môt thói quen cũ (sống quanh quẩn ở quê nhà), tư duy cũ và thường mang tính cục bộ địa phương (yêu vùng đất của mình, người quê mình và trong tiềm thức có ý hạ thấp vùng đất khác, người xứ khác). Những câu tục ngữ truyền miệng chẳng hạn như “Quảng Nam hay cãi – Quãng Ngãi hay lo” vừa thể hiện một đánh giá sắc sảo nhưng cũng thể hiện đặc tính cục bộ địa phương này. Người Việt văn minh cần dẹp bỏ đi thói cục bộ địa phương ấy. Muốn vậy thì phải đi nhiều hơn, sống và làm việc ở các vùng khác nhiều hơn, giao tiếp và tương tác nhiều hơn (kể cả “yêu nhiều hơn”) – những chuyện mà giới trẻ hoàn toàn có thể làm được
Kết
Có thể nói thế kỷ 20 là một thế kỷ quá quan trọng cho quá trình tạo dựng một nước Việt Nam mới, trong đó bao gồm quá trình thống nhất đất nước về mặt địa lý chính trị, phổ biến chữ quốc giữ, và quá trình tương tác, hòa hợp của người dân ba miền. Hành trình hòa hợp ba miền vẫn được tiếp nối nhiều hơn trong những năm đầu thế kỷ 21 và sẽ còn phải được tiếp tục trong tương lai.
Người ta đang nói nhiều về vấn đề “hòa giải dân tộc” bấy lâu nay với góc nhìn thiên về chính trị, hóa giải hận thù cuộc chiến tranh Nam Bắc. Nhưng có lẽ cần đưa sự tương tác hòa hợp người dân ba miền vào trong tiến trình hòa giải dân tộc đó. Điều tuyệt vời và rất may mắn đó là sự kết nối hòa hợp ba miền đến một cách tự nhiên và không hề mất một viên đạn, giọt máu nào như trước kia.
Mình đang nghĩ về hình mẫu của một người Việt văn minh và hiện đại sau này – sẽ tuyệt vời nếu nó là sự kết hợp giữa sự tinh tế, sâu lắng của người Bắc, với sự chịu khó, chăm chỉ của người Trung, với sự thân thiện, hòa đồng của người miền Nam và và cuối cùng là sự hiền hòa, chân thật của người dân tộc miền … núi, (Trọng Hiền là một ví dụ).
Cho nên, kết lại là – tấm bản đồ phượt này rất tuyệt, phải không các bạn!
Nguồn: Không chỉ là một tấm bản đồ phượt. Trọng Hiền. Facebook, November 18, 2014