Em không phải là hạng gái nhơ nhớp thấp hèn (I)

Trần Giao Thủy

underagedĐây là bài viết sau khi đọc qua hai luận văn nghiên cứu điền dã về khu kinh tế mại dâm tại Thành phố Hồ Chí Minh (Tp HCM) của tiến sĩ Kimberly Kay Hoang, người vừa được Hội Xã hội học Hoa Kỳ (The American Sociological Association, ASA) chấm giải “Luận án hay nhất” năm 2012.

DCVOnline: Xin giới thiệu lại với bạn đọc một bài viết đã đăng tháng 5, 2012, trong mục “Tác phẩm & Tác giả”; phần I trong loạt bài viết của tác giả Trần Giao Thủy có 8 ý kiến của bạn đọc và là bài đã có nhiều lượt đọc nhất (5217) trong tháng; những bài khác được đọc nhiều trong tháng 5, 2012 là “Về cuốn “Nhân văn Giai phẩm và vấn đề Nguyễn Ái Quốc” của Thuỵ Khuê (phần Kết)” (Cung Trầm Tưởng – Trịnh Bình An giới thiệu), “Cuộc tranh giành quyền lực tại Trung Quốc” (Nguyễn Bảo Tư – Tổng hợp), “Từ Sierra Leone đến Syria nhớ về Mậu Thân ở Huế” (Trần Giao Thủy), v.v. Tất cả đều có trên 2.000 lượt đọc.

Đây là bài viết sau khi đọc qua hai luận văn nghiên cứu điền dã về khu kinh tế mại dâm tại Thành phố Hồ Chí Minh (Tp HCM) của tiến sĩ Kimberly Kay Hoang, người vừa được Hội Xã hội học Hoa Kỳ (The American Sociological Association, ASA) chấm giải “Luận án hay nhất” năm 2012.

Người viết đã đọc để biết và viết để hiểu thêm cùng giới thiệu lại những kết quả và nhận định của tác giả một công trình nghiên cứu rất đáng chú ý về một góc nhỏ của người phụ nữ trong xã hội Việt Nam hiện đại.

Hai luận văn, “Economies of Emotion, Familiarity, Fantasy, and Desire: Emotional Labor in Ho Chi Minh City’s Sex Industry”(1) và “She’s Not a Dirty Low Class Girl: Sex Work in Ho Chi Minh City,” (2) là những công trình đã đoạt giải luận văn sinh viên cao học tại các đại học Cornell (2008), UC Berkeley (2010) và những giải thưởng khác cuả ASA và giải Cheryl Allyn Miller, Những nhà Xã hội học cho Phụ nữ trong Xã hội (2011). Tác giả Kimberly Hoàng tốt nghiệp cử nhân về Communication & Asian American Studies tại đại học UC Santa Barbara và theo học Xã hội học tại đại học Stanford trước khi hoàn tất học trình tiến sĩ Xã hội học (chú trọng về phụ nữ, giới tính và tình dục) tại đại học UC Berkeley.

Tác giả Kimberly Kay Hoang, Ph.D. Nguồn ảnh: sociology.rice.edu
Tác giả Kimberly Kay Hoang, Ph.D.
Nguồn ảnh: sociology.rice.edu

Sau cuộc nghiên cứu điền dã kéo dài bảy tháng trong khoảng 2006 đến 2007 ở ba khu mại dâm phân tầng rõ rệt tại Tp HCM, tác giả đã đi đến những nhận định:

– Người nước ngoài da trắng không phải là khách trả tiền nhiều nhất;

– Không phải phụ nữ bán dâm nào cũng là người trong giới nghèo hèn;

– Phụ nữ bán dâm, tùy hoàn cảnh, đã biết khai thác tối đa tất cả tiềm năng có sẵn, từ trình độ văn hóa, tiền bạc, đến thể xác, để hành nghề;

– Quan hệ giữa kẻ bán-người mua (dâm) là một sự trộn lộn chuyện mây mưa với tiền và cả “tình”. Nghĩa là ngoài phần lao động thể xác (đổi sex lấy tiền) phụ nữ bán dâm ở Tp HCM còn có phần lao động tình cảm (theo thuyết của Arlie Hochschild).

Phương pháp nghiên cứu

Với sự chấp thuận của Đại học Stanford năm 2006 và UC Berkeley năm 2007, tác giả đã thực hiện bảy tháng nghiên cứu điền dã trong lĩnh vực dân tộc học – chia làm ba lần – từ giữa tháng 6 năm 2006 đến tháng 8 năm 2007 tại thành phố Hồ Chí Minh. Để bảo vệ người hành nghề và khách mại dâm, đại học Stanford và UC Berkeley yêu cầu tác giả phải có lời đồng ý của những người nhận tham gia vào cuộc nghiên cứu.

Tại địa bàn nghiên cứu, tác giả đã quan sát, thu gặt dữ liệu như người trong cuộc (participant observation) bằng các cuộc phỏng vấn, sinh hoạt với phụ nữ hành nghề và khách mua dâm ở quán bar, cà phê, nhà riêng, tiệm ăn, trung tâm mua sắm và trên đường phố trong ba khu mại dâm phân tầng rõ rệt – hạ, trung và cao cấp.

Tất cả phụ nữ hành nghề, tham gia vào cuộc nghiên cứu này đều trên 18 tuổi, tự ý chọn làm việc độc lập trong khu vực mại dâm; họ không phải là những phụ nữ hay trẻ vị thành niên bị mua bán hay ép buộc buôn bán tình dục.

Một điểm đặc biệt, dù trá hình cơ sở hoạt động là những tiệm hớt tóc, hay quán bar, hoặc đóng vai nhân tình với khách hàng tất cả những phụ nữ hành nghề mại dâm đều gọi họ là “gái đi khách” thay vì là gái điếm hay gái mại dâm vì nghề mại dâm không được phép hoạt động tại Việt Nam.

Ba khu vực được tác giả chú trọng đến là khu mại dâm dành cho đàn ông Việt Nam ít tiền, khu mại dâm dành cho khách người da trắng nước ngoài, và khu vực mại dâm dàng riêng cho đàn ông Việt Kiều. Lý do những vùng mại dâm này được chọn làm địa bàn nghiên cứu vì quan hệ khách-gái đi khách ở những khu vực đó đều xảy ra ở nơi công cộng, dễ quan sát, và hoạt động ở đó cũng là phần lớn của kỹ nghệ mại dâm tại Tp HCM.

Tác giả cũng đã trở lại Tp HCM 15 tháng trong khoảng 2009-2010 để nghiên cứu về quan hệ khách-gái đi khách trong các không gian riêng tư và kín đáo hơn như tại các quán karaoke dành cho đại gia Việt Nam và các doanh nhân châu Á.

Trong đợt nghiên cứu đầu, tác giả đã thực hiện 13 cuộc phỏng vấn chính thức với 7 khách mua dâm cùng 6 gái đi khách và đã gặp một số khó khăn khi dùng phương pháp phỏng vấn chính thức; dễ hiểu vì phụ nữ mại dâm thường không chịu trả lời phỏng vấn; tuy nhiên họ đã đồng ý để tác giả đi theo, quan sát sinh hoạt thường ngày của họ. Hơn nữa, tác giả cho biết, cả khách và gái đi khách không phải lúc nào cũng thành thật nói tại sao họ lại chọn hành nghề mại dâm hay quan hệ thực sự giữa gái đi khách và khách mua dâm.

Thí dụ, gái đi khách cao cấp thường nói họ vào nghề vì nghèo túng nhưng sự thật, khi tác giả theo đến tận nhà, thì biết họ thuộc những gia đình khá giả ở địa phương và ngay cả khi so sánh với tiêu chuẩn thế giới.

Đối với tác giả, phương pháp “quan sát như người trong cuộc” (participant observation) là yếu tố quan trọng nhất đã giúp tác giả ghi nhận kỹ càng để nghiên cứu về quan hệ phức tạp giữa những người mua và kẻ bán dâm.

Tác giả bắt đầu bằng cách bỏ thời gian lai vãng các quán bar và hè phố địa phương để làm quen với phụ nữ hành nghề, khách mua dâm cũng như các chủ quán. Giai đoạn hai là lúc phương pháp “quan sát như người trong cuộc” được áp dụng triệt để song song với những cuộc phỏng vấn không chính thức với những phụ nữ hành nghề mại dâm đã đồng ý tham gia vào cuộc nghiên cứu.

Là phụ nữ gốc Việt sống ở nước ngoài đã giúp tác giả dễ dàng hơn để làm quen, hỏi chuyện các phụ nữ hành nghề mại dâm. Họ thường tránh đàn ông với những câu hỏi tìm tòi vì cho đó là công an chìm đang làm việc. Dù biết tác giả là người nghiên cứu sống ở nước ngoài và sẽ viết lại về mình nhưng tất cả các phụ nữ mại dâm đêu không quan tâm; ngược lại họ để ý và muốn biết về tác giả và đời sống của tác giả ở Mỹ ra sao.

Về phía khách mua dâm, dù tất cả đều biết tác giả là người làm nghiên cứu ở Hoa Kỳ nhưng ngoại kiều da trắng và Việt kiều tỏ ra cởi mở hơn đàn ông Việt Nam trong nước khi giao tiếp với tác giả.

Trong thời gian nghiên cứu điền dã tác giả đã làm bạn với hai người lái xe ôm Việt Nam là Cường và Lộc – hai người đã hướng dẫn tác giả đi vào khu mại dâm cấp thấp nhất và làm thế nào để ứng xử thích hợp với khách mua dâm và phụ nữ hành nghề trong khu vực đó.

Trong bảy tháng nghiên cứu, mỗi tuần tác giả làm việc, quan sát tại hiện trường ba ngày, và để ba ngày ghi chép lại dữ liệu và nhận định. Sinh hoạt của tác giả thường bắt đầu bằng những buổi sáng ở những tiệm hớt tóc cũng là nhà chứa cho phụ nữ mại dâm cấp thấp hành nghề; và những buổi ăn trưa hay đi mua sắm với khách mua dâm và phụ nữ mại dâm ở bậc trung và cấp cao. Tác giả trao đổi bằng tiếng Việt với khách mua dâm và phụ nữ hành nghề mại dâm cấp thấp. Trong khu vực mại dâm bậc trung và cao cấp tác giả sử dụng cả tiếng Anh và tiếng Việt với khách và gái đi khách.

Tất cả ghi chép của tác giả đều bằng Anh ngữ và không dùng tên thật để phòng khi giới chức tránh địa phương muốn kiểm tra máy tính.

Dữ kiện tác giả trình bày trong luận căn dựa trên những quan sát và các phỏng vấn chính thức với 54 phụ nữ mại dâm và 26 khách hàng. Trong đó là 12 phụ nữ mại dâm và bốn khách hàng trong khu vực thấp, 31 gái đi khách và 15 khách mua dâm trong khu vực hạng trung, và 11 phụ nữ mại dâm và 7 khách hàng trong khu mại dâm cao cấp.

Sau cùng, tác giả trình bày và phân tích ba trường hợp điển hình về mối quan hệ tình dục, liên đới, và riêng tư giữa khách hàng và phụ nữ mại dâm trong ba khu vực phân tầng trong kỹ nghệ tình dục tại Tp HCM.

Mại dâm tại Việt Nam – Bối cảnh lịch sử

Ngoan ngoãn và đẹp kỳ lạ - Việt Nam thời Pháp thuộc Nguồn ảnh: OntheNet
Ngoan ngoãn và đẹp kỳ lạ – Việt Nam thời Pháp thuộc
Nguồn ảnh: OntheNet

Theo tác giả Kimberly Hoàng, kỹ nghệ mại dâm hiện đại tại Đông Nam châu Á đã phát triển nhanh từ thời thuộc địa Pháp và trong giai đoạn chiến tranh Việt Nam với sự thiết lập các căn cứ quân sự tại nhiều nơi khác nhau trong vùng. Tình trạng này ban đầu đã giúp tạo nên hình ảnh, ở phương Tây, phụ nữ Á châu là những người đàn bà ngoan ngoãn và đẹp kỳ lạ.

Nghề mại dâm tại Việt Nam phát triển theo sự thuộc địa hóa mãnh liệt của Pháp tạo ra một khu vực mới để phục vụ đàn ông thực dân. Trước thời là thuộc địa của Pháp, Việt Nam là một quốc gia nông nghiệp; sự phát triển các trung tâm đô thị lớn hội tụ các cơ quan hành chính, thương mại, và tài chánh của chính phủ thực dân đã làm đảo lộn cấu trúc kinh tế, thuận lợi cho nghề mại dâm phát triển. Bị ảnh hưởng nhiều nhất trong thời thuộc địa là khu vực Sài Gòn-Chợ Lớn – nơi từng được gọi là “Hòn ngọc Viễn Đông”. Dân số tại đây vụt tăng từ 13.000 người năm 1883 lên đến 250.000 người năm 1932. Tại những thành phố giống như Saigon, chính phủ thực dân cố gắng đưa ra những đạo luật nhằm kiểm soát nghề mại dâm bằng cách buộc phụ nữ hành nghề mại dâm phải ghi danh với chính phủ quận lỵ. Lý do cơ bản để chính quyền Pháp ban hành luật gắt gao để bao vệ đàn ông thực dân không bị vướng vào các bệnh hoa liễu. Tuy nhiên, những luật lệ đó đã hoàn toàn thất bại vì những chủ nhà thổ thường là các tổ chức bí mật. Những ổ điếm thường được trá hình là những quán cà phê, nhà hút thuốc phiện, hay quán nhậu khiến việc kiểm soát nghề mại dâm trở nên rất khó khăn.

Bar Sơn Ca Saigon, Việt Nam (1968) Nguồn ảnh: James Caccavo
Bar Sơn Ca Saigon, Việt Nam (1968)
Nguồn ảnh: James Caccavo

Trong chiến tranh Việt Nam, chính sách của Bộ Quốc Phòng Mỹ lúc bấy giờ là ngăn chận mại dâm bất cứ khi nào có thể làm được. Tuy nhiên, tập tục xã hội Mỹ trong những năm 1960 đã trở nên bớt căng về vấn đề sinh dục. Đến năm 1966, tại Saigon có hơn 1000 quán bar, hơn 100 hộp đêm và có ít nhất 30 vũ trường. Khi số binh sĩ Mỹ tham chiến tại Việt Nam tăng thì nhu cầu mãi dâm cũng tăng theo. Có khoảng 1/2 triệu lính Mỹ và binh sĩ Việt Nam trong năm 1967, cùng lúc có độ vài trăm ngàn phụ nữ làm việc trong kỹ nghệ mại dâm. Đường phố Saigon, cạnh các căn cứ và cư xá quân sự, dày đặc những quán bar để phục vụ khách hàng gần như toàn là đàn ông Mỹ.

Sài Gòn sụp đổ vào 30 tháng Tư 1975 và sau đó đổi tên là Tp HCM. Dưới chế độ Xã hội Chủ nghĩa, chính quyền cộng sản đề ra những chương trình “phục hồi nhân phẩm” nhằm loại trừ nghề mại dâm. Sau hơn 10 năm suy sụp về mặt sản xuất, lạm phát gia tăng, nhà nước CHXHCN Việt Nam đã đề ra một chính sách cải cách gọi là Đổi Mới – chuyển đổi Việt Nam XHCN thành một quốc gia theo nền kinh tế thị trường (định hướng xã hội chủ nghĩa); có nghĩa là Việt Nam vẫn giữ lại chế độ chính trị một đảng cầm quyền. Từ đó, Tp HCM trở thành một địa điểm có lưu lượng cao về tư bản và người nước ngoài. Nổi tiếng là “Vùng kinh tế Miền Nam”, kinh tế Tp HCM chiếm 35% tổng sản lượng quốc gia. Năm 2006, Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới, hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu. Tác giả Kimberly Hoàng xếp Tp HCM vào hạng một thành phố quốc tế đang lên thay vì là một thành phố toàn cầu vì vẫn chưa có một hệ thống giao thông cao cấp, một sàn giao dịch chứng khoán tầm cỡ quốc tế, và có ảnh hưởng trên thế giới.

Đây chính là luận điểm của tác giả cho rằng Tp HCM là thành phần ven biên của thị trường tư bản toàn cầu; ở đó cấu trúc xã hội và kinh tế ngày càng bị ảnh hưởng do sự toàn cầu hóa từ ngọn – do lưu lượng người và vốn nước ngoài vào Việt Nam – và sự áp dụng chủ nghĩa vượt phạm vi quốc gia từ gốc. Người Việt Nam trong nước nắm bắt những quan hệ, mốc nối từ ngoài để sinh tồn hoặc nâng cao mực sống là những người đang áp dụng chủ nghĩa vượt phạm vi quốc gia từ gốc.

Suốt 20 năm qua ít ai để ý đến độ phát triển của nghề mại dâm tại Việt Nam. Trên thực tế, nghề mại dâm đã lập tức tăng cao ngay sau khi chính sách Đổi Mới đước áp dụng. Hiện nay có khoảng 200.000 phụ nữ Việt Nam đang hành nghề trong kỹ nghệ mại dâm.

(Còn tiếp P2, P3, P4, Kết)

Phần II, 21/05/2012; Phần III, 23/05/2-12; Phần IV, 24/05/2012 và Phần Kết, 25/05/2012.

© 2012-2016 DCVOnline
Nếu đăng lại, xin đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net”


(1) Kimberly Kay, Hoang, Economies of Emotion, Familiarity, Fantasy, and Desire: Emotional Labor in Ho Chi Minh City’s Sex Industry, Sexualities 13(2): 255-272. 2010.(2) Kimberly Kay, Hoang, She’s Not a Dirty Low Class Girl: Sex Work in Ho Chi Minh City, Journal of Contemporary Ethnography 40(4): 367-396. 2011.

DCVOnline minh họa.