Khổng Tử đến Cộng Sản

Khương Công

cvnflagĐể bàn thêm về lá cờ cộng sản Việt Nam, chúng ta cần lội ngược dòng lịch sử. Chúng ta phải hiểu cho tường tận cái duyên cớ khiến tình trạng nô lệ tinh thần của người Việt Nam kéo dài. Một lá cờ không mọc lên ngẫu nhiên như con xúc xắc đổ xuống bàn cá ngựa.

[Tiếp theo bài Bàn về những lá cờ và bóng ma phía sau.]

Để bàn thêm về lá cờ cộng sản Việt Nam, chúng ta cần lội ngược dòng lịch sử. Chúng ta phải hiểu cho tường tận cái duyên cớ khiến tình trạng nô lệ tinh thần của người Việt Nam kéo dài. Một lá cờ không mọc lên ngẫu nhiên như con xúc xắc đổ xuống bàn cá ngựa. Lá cờ là hình bóng được bao nhiêu người ôm ấp, thờ phụng. Khi một lá cờ dựng lên thì không biết bao máu xương đổ xuống để tưới tắm cho nó. Nếu ví lá cờ là một loài cây thì đó là thứ xương rồng trên sa mạc nhân thế, chỉ uống một thứ nước duy nhất là máu người. Vậy thì, tìm hiểu cỗi rễ một lá cờ tức là tìm hiểu những con người đã đẻ ra nó. Muốn hiểu được đám người này, ắt không thể không phân tích cái xã hội và các điều kiện lịch sử đã sản sinh ra họ. Không có cái gì ngẫu nhiên rơi xuống đầu một dân tộc. Điều này các vị có thể thấy khi đọc lại các bài phỏng vấn của báo chí châu Âu về thủ tướng Ý Berlusconi trong ba năm gần đây. Tôi còn nhớ rõ ý chính trong câu trả lời của một công dân thành Roma:

“Berlusconi không rơi từ trên trời xuống, ông ta do dân Ý tuyển lựa và bầu lên…”

Có thể hiểu câu này như sau:

“Phải, chúng tôi biết ông thủ tướng là kẻ tham lam đồi truỵ, rằng ông ta chỉ lo thao túng quốc hội để đẻ ra những điều luật bảo vệ chính lợi quyền của mình, rằng ông ta chơi gái vị thành niên, rằng đó là kẻ đốn mạt về tư cách…Nhưng, ông ta đã được bầu do chúng tôi, những người dân Ý. Như vậy, chí ít đã có lúc ông ta khiến chúng tôi khoái chí, hài lòng…”

Cùng một lô-gic ấy, chúng ta xét lại hoàn cảnh lịch sử Việt Nam, những người cộng sản Việt Nam cũng không rơi từ trên trời xuống, họ là một bộ phận trong dân tộc Việt, họ nắm được quyền bởi vì đã từng có lúc “họ khiến chúng tôi khoái chí, hài lòng…” nói theo cách nôm na của người dân thành Roma kia. Người cộng sản cũng mang đầy đủ các phẩm chất của dân tộc, từ ưu tính đến thói xấu như dối gian, theo đuôi, sĩ diện… Trong cuộc chiến đấu chống thực dân Pháp, họ đã từng nêu gương xuất sắc nên được dân chúng ủng hộ và lập được triều đình. Còn bây giờ, thời mạt, xã hội trong tình trạng tan lở, âu cũng là lẽ thường tình theo luật thịnh suy. Vì người cộng sản Việt Nam đã chọn lá cờ rập theo khuôn mẫu của cộng sản Trung hoa nên chúng ta cần tìm ra cội nguồn của sự chọn lựa ấy, nói cách khác: Vì sao có sự lựa chọn này? Vì sao họ có đúng cái goût của triều đình phương bắc? Họ tự nguyện bắt chước bậc đàn anh hay cứ lẳng lặng bước theo Hình mẫu một cách vô thức, kiểu một zombie bị phù thuỷ điều khiển, hoặc nói nôm na hơn, họ chỉ có thân phận một khúc đuôi lê theo con kỳ đà?

Ở đây, chúng ta phải quay lại một phẩm tính thường được gọi là truyền thống. Hơn một nửa thế kỷ cầm quyền, đám cộng sản Hà Nội thường tự ngợi ca mình là “Đảng thần thánh, Người lãnh đạo vĩ đại” của một dân tộc có truyền thống yêu nước, có truyền thống chống ngoại xâm, cần cù lao động…Tóm lại, toàn những phẩm chất tốt đẹp. Họ quên hoặc cố tình quên, hoặc không nhận thức nổi điều này: Bên cạnh những truyền thống tốt đẹp ấy, dân ta còn có một truyền thống khác, không kém dài lâu, không kém đậm đà, ấy là truyền thống cắm đầu cắm cổ theo Tầu. Nói một cách thô bỉ, theo cách những người nông dân đồng bằng sông Hồng, sông Đuống: Mắc bệnh mãn tính ngửi rắm Tầu.

Đúng là dân chúng ta đã kiên trì và cương quyết đánh giặc để giữ lấy “răng đen, búi tó, khăn lượt, áo thâm” nhưng cũng lại cố sức cố công cúi đầu quỳ lạy Đức Thánh Khổng trong hàng nghìn năm và mơ ước tót vời của lớp tinh hoa trong xã hội Việt Nam thời xưa vẫn là “Lọt vào cửa Khổng sân Trình”. Thành ra, giữ lấy một số nét của phong tục, tập tục để có ảo tưởng rằng mình độc lập nhưng đường lối văn hoá, chính trị nhất nhất cúi đầu học triều đình phương Bắc ngay cả khi triều đình ấy đã lụn bại rồi. Hãy nhớ lại thời kỳ thực dân Pháp đánh chiếm nước ta, quân nhà Nguyễn không chống nổi phải chạy sang cầu cứu quân Mãn Thanh (Lặp lại nguyên xi hành vi của Lê chiêu Thống, Trần ích tắc…) Nhưng lúc ấy triều đình Mãn Thanh đã mục nát từ trên xuống dưới, quân lực, vũ khí đều lạc hậu nên bị Pháp đánh cho chạy dài. Đám quân Mãn Thanh này, đã không đánh nổi Pháp nhưng đi đến đâu cũng vòi quan sở tại cấp trâu bò, dê, lợn khiến dân chúng đã khốn khổ lại càng thêm khốn khổ. Muốn biết cảnh tượng nhục nhã này, cứ đọc lại thơ châm biếm của Ông Ích Khiêm là rõ.

Bây giờ, hãy xét đến nền văn minh khoa bảng, cái lò độc nhất vô nhị đào luyện lớp tinh hoa, lớp quý tộc của xã hội Việt Nam xưa. Trước tiên, chúng ta thử kiểm lại đầu đề tất cả các khoá thi dưới các triều đình xem nội dung của chúng có lọt ra ngoài cái nền Tứ thư Ngũ kinh, và văn chương Trung quốc? Dường như không. Sau này, nhà cầm quyền cộng sản đã lặp lại nguyên xi cái truyền thống hà khắc đó nên cấm mọi loại sách ở bên ngoài “cái khung đỏ của nền văn chương vô sản”. Trong mấy thập kỷ liền, đầu đề bài thi của các trường đại học miền Bắc chỉ quẩn quanh theo mớ văn chương cách mạng, đặc biệt là thơ của ông quan Tố Hữu, lại đặc biệt nữa là ca ngợi Hồ chí Minh (vua). Vậy thì, triều đình cộng sản Việt Nam đã được dựng lên sau chiến công đánh đuổi thực dân Pháp, nhưng nó không đổi mới được bao nhiêu dẫu rằng người khai sinh ra nó là ông Hồ chí Minh đã viết bản tuyên ngôn độc lập dựa trên nền tảng Tuyên ngôn độc lập của Mỹ và Tuyên ngôn cách mạng tư sản Pháp. Nói một cách nôm na, ông Hồ muốn học mót Mỹ, Pháp nhưng tuyệt đại đa số các đồng chí của ông đã quen cóp-pi Tầu. Chủ nghĩa Khổng Tử tuy không tuyên bố, nhưng vẫn sống một cách mạnh mẽ và dai dẳng trong óc não người cộng sản Việt Nam. Họ vận động dân chúng phá đình, phá chùa, phá nhà thờ, giật đổ các đền đài miếu mạo để dựng nên một thứ đền miếu duy nhất, thờ các vị thần râu dài mắt xanh, trán hói, các ông tổ của chủ nghĩa cộng sản. Tóm lại, họ mồm họ hô hào “bài phong kiến” nhưng toàn bộ hành động của họ lại nhất nhất theo đường lối Khổng Tử, tức là dựng lên một hệ thống tập quyền. Xưa kia, Khổng dậy: Trung với vua, hiếu với cha mẹ. Giờ họ đổi áo khoác: Trung với đảng, hiếu với dân. Nhưng đảng là ai? Trên hai triệu đảng viên tập trung quyền lực vào tay trên ba trăm uỷ viên trung ương. Từ số này quyền lực lại tập trung vào mười một hoặc mười ba thành viên bộ chính trị, hệt như mười hai thánh tông đồ Ki tô giáo hoặc đám Tứ trụ triều đình quanh một ông vua. DÂN muôn đời là một từ hư ảo trong các xã hội quân chủ. Kẻ cầm quyền Trung quốc chỉ biết thực sự đến chữ DÂN dưới những cái tên như Hoàng Sào hoặc 108 anh hùng Lương sơn Bạc; còn ở Việt Nam thì chữ dân làm triều đình quan tâm thật sự khi nó núp ẩn dưới những cái tên như Phan Bá Vành, Lê Duy Lương, Nông Văn Vân, Lê Văn Khôi, Cao bá Quát…Lúc ấy, DÂN đã chuyển thành GIẶC mất rồi. Thành ra, toàn bộ quá trình hành động của người cộng sản Việt Nam là bản sao, tuy méo mó nhưng vẫn là bản sao hành động của người đàn anh, người thầy phương bắc. Cải cách ruộng đất Việt Nam do Bắc phương xuống lệnh và các Cố vấn Trung quốc dạy bảo. Cuộc đàn áp phong trào “Trăm hoa đua nở, trăm nhà đua tiếng” ở Bắc kinh có con em Hà Nội là “Nhân văn, giai phẩm”. Hà tất phải liệt kê thêm.

Vì sao có sự học mót, sự bắt chước một cách thảm hại này?

Tôi xin trả lời ngay: Vì lịch sử sống lâu hơn chúng ta vẫn tưởng.

Phần lớn quan lại trong triều đình cộng sản Việt Nam vẫn trung thành với nền văn hoá bắc phương, bởi vì, trong tâm thức họ, Bắc kinh vẫn là đài gương chói lọi. Tôi sử dụng chữ đài gương là để nhắc đến Tản Đà, một thi nhân trác việt của Việt Nam hồi đầu thế kỷ XX, người được coi là cái dấu nối giữa hai nền văn chương cổ và kim của đất Việt, tác giả nhiều tập thơ trong đó có Đài Gương truyện. Ông Tản Đà, dù thông minh dù tài hoa dù được tiếng là Ngông nữa, cũng không thoát khỏi thân phận đệ tử trung thành của nền văn hoá phong kiến Trung hoa. Bởi vậy, dù thế giới đã biến đổi, ông vẫn một mực mộng ước làm cây cột chống cho ngôi nhà Khổng Mạnh suy tàn, và hy vọng với thuyết Thiên Lương có thể kêu gọi đồng bào, cứu non dựng nước. Chớ nên quên rằng năm mười tám, mười chín tuổi ông Tản Đà đã được vào học trường Quy thức (école moderne) trường học đầu tiên ở Đông Dương dạy theo chương trình mới do thực dân Pháp mở và như thế, không những ông chỉ dùng bút lông mà đã đổi ra bút sắt, ông đã tiếp xúc khá sít sao với nền văn minh phương Tây. Tản Đà từng hăm hở viết:

“Hỏi thăm Âu Mỹ đâu bờ bến?”

nhưng sau rốt lại quay về ngôi đền cũ:

“Nguyện làm học trò Khổng phu tử ở Á đông.”

Như thế, chúng ta có thể thấy rằng sức ì của thói quen là rất lớn, và lịch sử, nếu mặt khả quan có thể đem lại cho người Việt Nam những phẩm chất cao quý, thì cùng lúc đó, tính bảo thủ của nó cũng là một thứ gông cùm trói chặt họ vào quá vãng, một quá vãng nô lệ, thiếu sức sống và sự phát triển nội tại, gần như trống vắng tinh thần sáng tạo, và như thế, Việt Nam chỉ là một bản sao xấu xí mờ nhạt của Trung hoa.

Cái bệ đỡ tinh thần của xã hội cổ truyền phương Đông là chủ thuyết Khổng Tử. Lý thuyết cộng sản, ngoài nơi chôn rau cắt rốn của nó là nước Nga, một nước lạc hậu vừa thoát khỏi chế độ nông nô, chỉ có thể cắm rễ và đâm chồi nở hoa ở những mảnh đất thấm đẫm văn hoá họ Khổng. Lịch sử vốn là một dòng chảy mà những khúc quanh đột ngột (đột biến) thường rất hiếm hoi. Thói quen là bản tính thiên nhiên thứ hai của con người với tư cách cá thể cũng như trong tư thế bầy đàn, nói cách khác là cộng đồng xã hội. Vì lẽ đó, sự lựa chọn chủ thuyết cộng sản là đương nhiên, là tai hoạ khó tránh đối với các xã hội phong kiến sống hàng ngàn năm dưới bóng ma Khổng Khâu. Đó là sự nối tiếp truyền thống, một dòng chảy liên tục về tất thảy các phương diện: cấu trúc chính trị, luân lý, tâm lý… cho dù trang phục, hình thức lễ tiết và ngôn từ thay đổi. Tóm lại: Chủ nghĩa cộng sản thời nay chẳng qua là sự biến hình của lý thuyết Khổng Tử, rượu cũ rót sang bình mới. Dẫu rằng hai hệ thống lý luận khác xa nhau, một thứ đặt bệ đỡ trên Luật đạo đức một chiều “Nhân, Lễ” còn thứ kia tì trên “Biện chứng khoa học” nhưng cả hai đều là công cụ hữu hiệu, bảo đảm cho một xã hội thiểu trị vĩnh hằng mà trong xã hội đó, đám đông bị ràng trói bởi những ước lệ khe khắt của thứ bậc, không hy vọng được đổi thay số phận, được tự do phát triển tài năng và nhân cách. Chủ nghĩa Khổng Tử và Chủ nghĩa cộng sản tuy mang hai gương mặt khác biệt nhưng đều là sự biến tướng của một thứ Ảo tưởng (utopie) nhưng là thứ Ảo tưởng được bảo hộ bằng Bạo lực và sự Tàn diệt; ở xã hội phong kiến, chữ Nhân và Lễ của Khổng Tử được rao giảng song hành với các loại hình phạt tàn khốc. Cái triều đình nhà Chu mà ông ta ra sức tôn thờ và ra sức bảo vệ có tới 200 tội bị xử tử, 300 tội bị thiến, 500 tội bị chặt chân, cả ngàn tội bị cắt mũi. Trong thể chế cộng sản, lý tưởng Tự do, Bình đẳng, bác ái được đặt dưới nòng súng của nguyên tắc “Chuyên chính vô sản” và những gì đã xảy ra dưới ngọn cờ búa liềm trên khắp hành tinh vẫn còn là những kỷ niệm tươi rói mực, tôi không cần nhắc nữa. Thời còn sống, Khổng Khâu chạy như chó dái qua các biên thuỳ để tìm một chốn dung thân, lúc được đón tiếp linh đình, lúc bị xua đuổi, giam hãm, triệt lương; lúc được cho vào làm quan trong triều (nước Lỗ), lúc bị chầu chực ngoài thái ấp. Rốt cuộc, ông ta phải quay về Lỗ chết và công nhận thất bại của mình:

“Chim phượng hoàng chẳng đến, bức đồ chẳng hiện trên sông Hoàng Hà, ta hết hy vọng rồi.”

Vậy mà, sau khi chết, càng ngày ông ta càng nổi tiếng, đến mức ngoài đám học trò trung thành, còn vô số kẻ thêu hoa dệt gấm, bịa đặt bao nhiêu huyền thoại, thêm thắt bao nhiêu chi tiết hoa mỹ, để sau rốt, tôn ông ta lên làm Đức Thánh Khổng.

Lạ lùng?

Tượng Khổng Tử khổng lồ ở   Rockbund Art Museum, Thượng Hải. Tác hiari là  Zhang Huan. Nguồn: kuriositas.com
Tượng Khổng Tử khổng lồ ở Rockbund Art Museum, Thượng Hải. Tác giả là Zhang Huan. Nguồn: kuriositas.com

Chẳng có gì lạ lùng hết. Khổng Khâu sinh thời thất bại vì lý thuyết của ông ta ngăn cản mộng vương bá của đám chư hầu. Ông ta một mực khuyên họ tôn sùng và bảo vệ cái ngai vàng mục nát của nhà Chu, ông ta bảo họ phải rập đầu trước đám vua thiên triều đói rách, suy tàn đến mức phải cầu luỵ vào các vương hầu để giải quyết nỗi khó khăn tài chính. Như thế, có khác chi ông ta bắt họ phải tự còng tay, tự xé rách áo bào để đổi lấy áo vải, bởi đám vương hầu này đang lớn mạnh, và càng ngày lửa dục, khát vọng mở mang bờ cõi, củng cố uy quyền càng cháy rừng rực trong con tim họ. Tuy nhiên, khi Khổng Khâu chết rồi, đám vua chúa này lại sử dụng chính lý thuyết của ông ta để phục vụ cho ngai vàng của họ. Lúc ấy, Khổng Khâu trở thành vật hữu dụng đầu bảng, vũ khí không thể thiếu được trong các loại vũ khí. Đối với một Vật hữu dụng, một vũ khí sắc bén, người ta nâng niu, quý hoá là sự đương nhiên. Luật Khổng Tử là thành luỹ kiên cố nhất của chế độ quân vương, là con chó giữ nhà trung thành và hung hăng nhất cho kẻ nắm quyền. Chính trị Khổng Khâu bao gồm hai yếu tố cốt lõi để củng cố quyền lực độc tài:

– Bề nổi, nó mang ánh lấp lánh của lớp mạ vàng đạo đức.
– Bên dưới, nó củng cố sức mạnh khủng bố của kẻ cầm quyền.

Đó là con dao hai lưỡi, có thể dùng vào các mục đích đối ngược nhau. Khi này, nó dùng lời lẽ hoa mỹ để phủ dụ, vỗ về dân chúng, tạo cho họ cảm giác an toàn triệt để khi tuân theo một trật tự luân lý mà trong cái trật tự ấy, kẻ cầm quyền phải Tu thân để trị nước, còn dân chúng thì phải Tu thân để trị gia . Vào lúc khác, nó cho phép vua chúa được toàn quyền huỷ diệt những ai dám chống lại mình. Thành ra, chữ Nhân mà ông thánh Khổng Tử rao giảng cũng giống như con lươn, khi cuộn thì ngắn, khi vươn thì dài, chữ Nhân này biểu hiện đặc tính vô cùng độc đáo của dân Trung hoa, mà đặc tính này có thể tìm thấy ngay ở ông tổ của họ, Lưu Bang, Hán cao tổ. Nếu vị nào quên sử Tầu tôi đề nghị nên đọc lại cuốn « Hán Sở tranh hùng” để hiểu được bản chất của kẻ xây dựng cơ đồ nhà Hán: Lưu Bang vừa hu hu khóc cha xong đã có thể lau lệ ráo hoảnh bảo sứ giả của Hạng Vũ:

“Nếu có làm thịt cha tôi cho tôi bát canh với.”

Cũng Lưu Bang, vừa cắt đất Hồng-Câu và ký hoà ước với Hạng Vũ xong liền bội ước đem quân đánh lén theo kế hoạch Trương Lương.

Sự gian dối, lật lọng là bản tính cốt lõi của Lưu Bang, cộng với các thủ đoạn xảo quyệt khác đã đem lại cho ông ta thắng lợi tuyệt đối trong cuộc “Hán Sở tranh hùng”. Khổng Tử, mà các nho gia Việt Nam khom lưng vái dài hàng ngàn năm nay cũng không thiếu chút nào tính dối gian, tính đạo đức giả vô cùng độc đáo ấy. Người tôn thờ Khổng Khâu, bào chữa hết mực cho Khổng Khâu như ông Nguyễn Hiến Lê mà cũng không dám chối bỏ những hành vi lật lọng, lươn lẹo của bậc thánh phương Bắc. Xin mời các vị đọc lại một đoạn trong cuốn Khổng Tử của ông Nguyễn Hiến Lê (trang 185, nxb Văn nghệ CA 92683 U.S.A ):

….Tuy nhiên, vì muốn giữ chế độ phong kiến, tôn quyền, muốn mọi quyền phải về vua nên Khổng Tử rất ghét kẻ thí quân, kẻ phản loạn, tiếm lễ như trên tôi đã nói: ông cương quyết đòi phá ba thành của ba họ Mạnh, Quý, Thúc và xin Lỗ Ai công xuất binh hỏi tội Trần Hằng, một đại phu của Tề đã giết vua là Giản Công, khiến chúng ta ngờ rằng hành động của ông mâu thuẫn với lý thuyết: không hiếu sát, ghét vũ lực.

Vậy mà khi Phất Nhiễu, một kẻ phản loạn ở Lỗ mời ông sang hợp tác, ông muốn tới, rồi sau một kẻ phản loạn khác ở Sở, Bật Hật mời ông, ông cũng muốn đi. Con người ông thật khó hiểu, có lẽ vì ông chủ trương: Vô khả, Vô bất khả? Ông khác xa Mạnh tử…”

Sau đoạn này, tới trang 232, ông Nguyễn Hiến Lê có rào lại:

“…xét đoán theo ý mình thì không ai tránh khỏi được sự thiên vị, dù rán khách quan tới mấy, cố Tuyệt Tứ: Vô ý, Vô tất, Vô cớ, Vô ngã, thì cũng là nhận định của mình có Ngã, có Ý trong đó rồi…”

Đoạn này chứng tỏ rằng tác giả thú nhận sự bối rối của chính ông. Chẳng cần thông minh cũng thấy rằng hành vi của Khổng Khâu hoàn toàn trái ngược với những lời lẽ hoa gấm mà ông ta thường rao giảng. Rằng, nếu coi ông ta là Đài gương lớn thì tất thảy mọi người, sau khi ôm mặt khóc hu hu lại có thể xin ngay một “bát canh nấu cha” như Hán cao tổ vậy. Sự khốn khổ là ở chỗ một khi đã tình nguyện đặt kẻ nào đó lên bệ thờ thì khó dám ngước mắt lên nhìn thẳng vào y. Bởi ngước lên thì bụi rơi vào mắt. Tôi rất thông cảm với tác giả cuốn Khổng Tử và hiểu nỗi day dứt của ông. Vấn đề của ông không phải vấn đề cá nhân mà vấn đề chung cho lớp quý tộc Việt Nam hàng ngàn năm nay: Vì sao họ tôn thờ một kẻ đạo đức giả như vậy?

– Vì họ ngu dốt thực sự, mù loà thực sự?

– Vì họ không tìm được một tiêu chí nào hơn để định vị cho cuộc đời mình?

– Vì họ có sở thích gian dối, coi lời nói với hành vi là hoàn toàn độc lập, cho rằng có thể dùng mọi xảo thuật của ngôn từ để che đậy những dục vọng tầm thường, vị kỷ của chính mình mà không cần áy náy lương tâm, nói tóm lại họ có bản chất vô liêm sỉ?

Những câu hỏi này cần phải được trả lời. Bởi vì, muốn sống cho ra sống, điều trước tiên cần phải hiểu mình là ai. Khi chúng ta tìm hiểu nguồn gốc của lá cờ cộng sản, ắt chúng ta phải đào xới mảnh đất mà cái cây Cộng sản đã được bứng trồng lên đó. Muốn có một diện mạo mới trong tương lai thì một dân tộc, một quốc gia phải biết lau đi những vệt bùn dơ bám trên mặt mình. Điều đó không dễ dàng. Điều đó tủi nhục. Điều đó đắng cay, đau đớn. Nhưng điều đó không thể tránh nếu muốn có một ngọn cờ mới, một nước Việt Nam mới.

Những người cộng sản Việt Nam chọn lá cờ đỏ sao vàng là bởi họ được đào tạo trong cùng một cái lò với những người cộng sản đàn anh phương bắc: Văn hoá Trung hoa. Họ là những môn đệ của Khổng Tử, vô tình hay hữu ý.

Tính gian dối, lập lờ và sự tàn ác trong lý thuyết Khổng Tử với lý thuyết cộng sản trên thực tế hoàn toàn có tác động như nhau. Cho nên, không phải ngẫu nhiên mà chủ nghĩa cộng sản, ngoài nước Nga, chỉ có thể bật rễ nảy mầm ở những mảnh đất âm u vong hồn ông thánh Khổng mà thôi. Cùng một lô-gic ấy mà giờ đây, chính quyền Bắc kinh chủ trương ra luật Khổng Tử để củng cố quyền năng. Điều này càng chứng tỏ cái vật hữu dụng mang tên Khổng Tử kia là một thành luỹ kiên cố cho các loại chính quyền độc tài, quân chủ. Sự kiện này có thể là một cơ hội tốt để lớp người có chữ ở Việt Nam nhìn sâu thêm vấn đề và có thể cai được “ma tuý”. Bởi trên thực tế, chủ nghĩa Khổng Mạnh là ma tuý nghìn năm đối với tầng lớp nho gia ở Việt Nam.

Nó là bóng ma mờ ảo nhưng say đắm núp sau mớ lý thuyết cộng sản.

Giờ đây, ngôi nhà rách nát “lý thuyết Mác-Lênin” chỉ còn che nổi ba quả tim run rẩy: Trung quốc, Bắc Triều Tiên, Việt Nam. Hẳn vì lo gió to bão lớn nên đám cầm quyền Bắc kinh vội vã hú hồn con ma Khổng Tử về yểm trợ. Thành hay bại, chúng ta chờ thời gian trả lời.

© 2013 DCVOnline

4 Comments on “Khổng Tử đến Cộng Sản

  1. Những người chịu ảnh hưởng của tuyên truyền từ chế độ Mác Lê thường xem Nho Giáo là dạy dân trung thành tuyệt đối với vua. Trung thành tuyệt đối với đảng CS là điều đảng CS dạy dân nhưng Nho giáo không dạy dân trung thành tuyệt đối với vua mà là trung thành có điều kiện với vua.

    Khi vua Quang Trung cho người mời Nguyễn Thiếp ra làm việc thì Nguyễn Thiếp dâng lên bài viết nói về Quân Đức. Quân Đức là cái đức của người làm vua. Đó là điều kiện mà nhà Nho đưa ra để phục vụ một ông vua. Nếu ông vua không theo các điều kiện của Quân Đức, nghĩa là không có đức độ, thì nhà Nho có quyền từ chối phục vụ.

    Nho giáo có quan niệm về xuất và xử. Xuất là ra làm quan, xử là ở nhà, không ra làm quan. Khi chính quyền không đáng để phục vụ thì nhà Nho theo đường xử, không ra làm quan, bất hợp tác.

    Nguyễn Khuyến thi đỗ cao nhưng không ra làm quan mà ở nhà. Đó là vì ông thấy triều đình chỉ là bù nhìn cho người Pháp.

    Người Pháp tìm cách nắm các vua Việt Nam nhưng những người chống Pháp vẫn chống lại Pháp vì họ cho vua không còn xứng đáng để phục vụ nữa. Khi vua đứng về phe chống Pháp thì phong trào chống Pháp gọi là phong trào Cần Vương, nghĩa là giúp vua. Khi vua bị Pháp khống chế thì phong trào chống Pháp trở thành phong trào Văn Thân, nghĩa giới văn nhân cùng nhau chiến đấu cho đất nước. Các nhà Nho luôn luôn tìm được cái tên đúng để gọi làm việc đúng.

    Phan Bội Châu gây dựng phong trào chống Pháp trong khi vua Việt Nam bị Pháp khống chế thì Phan Bội Châu từ chối nhận ông vua đó làm vua mà lập ông Cường Để là người sẽ lên làm vua khi nước nhà được độc lập.

    Nho giáo không dạy dân phải trung thành tuyệt đối, vô điều kiện với vua, mà dạy dân trung thành với kẻ xứng đáng để trung thành mà thôi. Nghĩa là trung thành có điều kiện. Nếu kẻ làm vua không xứng đáng thì kẻ đó không đáng được xem làm vua và không bắt buộc phải trung thành.

    Khổng Tử nói: “Quân tử bất khí”. Nghĩa là người quân tử không phải là khí cụ để người ta lợi dụng. Người quân tử khi làm việc phải biết suy xét, cái gì đáng làm thì mới làm.

  2. Định nghĩa chữ Nhân

    仁 nhân : Relationship between man 亻and his fellow man 二.
    rén

    (Động) Thương, yêu. ◎Như: nhân dân ái vật 仁民愛物 thương dân yêu vật.

    (Danh) Đức khoan dung, từ ái, thiện lương. ◇Luận Ngữ 論語: Tử Trương vấn nhân ư Khổng Tử. Khổng Tử viết: năng hành ngũ giả ư thiên hạ vi nhân hĩ. Thỉnh vấn chi, viết: cung, khoan, tín, mẫn, huệ 子張問仁於孔子. 孔子曰: 能行五者於天下為仁矣. 請問之, 曰: 恭, 寬, 信, 敏, 惠 (Dương Hóa 陽貨) Tử Trương hỏi Khổng Tử về đức nhân. Khổng Tử đáp: Làm được năm đức trong thiên hạ thì gọi là nhân. (Tử Trương) xin hỏi là những đức gì, Khổng Tử đáp: Cung kính, khoan hậu, tín nghĩa, cần mẫn và từ ái.

    (Danh) Người có đức nhân. ◇Luận Ngữ 論語: Phiếm ái chúng nhi thân nhân 汎愛眾而親仁 (Học nhi 學而) Yêu khắp mọi người mà gần gũi người nhân đức.

    (Danh) Người. § Thông nhân 人.

    (Danh) Cái hột ở trong quả. ◎Như: đào nhân 桃仁 hạt đào.

    (Danh) Họ Nhân.

    (Tính) Khoan hậu, có đức hạnh. ◎Như: nhân chánh 仁政 chính trị nhân đạo, nhân nhân quân tử 仁人君子 bậc quân tử nhân

    [Trích Hán Việt Tự Điển Trích Dẫn]

  3. Tôn trọng ý chí của kẻ khác.

    Tam quân khả đoạt soái dã. Thất phu bất khả đoạt chí dã.
    Có thể diệt một nguyên soái giữa ba quân. Không thể diệt ý chí một người bình thường.

    Dùng đầu óc suy luận mà nhận định, đừng theo hùa

    Chúng hảo chi , tất sát yên . Chúng ác chi , tất sát yên.
    Ðám đông thích, tất phải xét đã. Ðám đông ghét, tất phải xét đã.

    KHỔNG TỬ

  4. Trích: “Trong mấy thập kỷ liền, đầu đề bài thi của các trường đại học miền Bắc chỉ quẩn quanh theo mớ văn chương cách mạng, đặc biệt là thơ của ông quan Tố Hữu, lại đặc biệt nữa là ca ngợi Hồ chí Minh (vua)”

    Chế độ miền Bắc ca tụng Hồ Chí Minh là ca tụng lãnh tụ. Đó là kỹ thuật tuyên truyền của các chế độ độc tài thời đó lan truyền từ chế độ Phát Xít Ý, chế độ CS của Stalin, chế độ Đức Quốc Xã. Điều chế độ miền Bắc không dạy dân là một hệ thống đạo đức mà mọi người từ vua, quan đến dân đều phải tuân thủ một cách nghiêm ngặt. Lấy thí dụ 5 điều thường phải giữ của Nho Giáo là Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín thì đảng CS và ông Hồ Chí Minh có tuân theo hay không?

    Nhân thì đảng CSVN qua chiến dịch Cải Cách Ruộng Đất giết biết bao nhiêu người, từ lúc Việt Minh cướp chính quyền đã giết bao nhiêu người. Gia đình địa chủ bị cô lập, không cho ai giao thiệp tiếp tế thức ăn để cả gia đình từ trẻ em đến người già bị chết đói hết. Đó là cách giết người không Nhân chút nào.

    Về chữ Tín thì chế độ CS không hề tôn trọng.

    Các ông vua đánh nhau tranh giành quyền thì gian dối, mưu mẹo để lừa địch thủ nhưng khi cai trị vào thời bình thì để cho quan dạy dân phải giữ chữ Tín và các ông quan phải giữ chữ Tín với dân. Mà giai đoạn thời bình dùng Nho Giáo để dạy sống theo Tín, Nghĩa kéo dài hơn thời loạn.

    Tại Trung Hoa, vào thời loạn là lúc mọi người tranh giành, đối xử với nhau theo luật rừng là lúc người Nho sĩ thấy mình thất thế, không không thích hợp vì đạo đức của Nho Giáo không thể áp dụng vào lúc hỗn loạn. Lúc đó Nho Sĩ thường ở ẩn, trừ một số thấy mình có khả năng xông pha tranh đấu và họ xem đó là lúc quyền biến không nhất thiết phải theo đạo đức một cách tuyệt đối.